Chính trị - Xã hội

Bộ Nội vụ ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025

Ngày 14/12/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã ký Quyết định số 1255/QĐ-BNV về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2025. Bộ Nội vụ Theo đó, mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (gọi tắt là THTK, CLP) giai đoạn 2021-2025 là triệt để THTK, CLP trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nội vụ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, công tác THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong các lĩnh vực để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra và hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình hành động của Bộ Nội vụ thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường quản lý thu, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, trốn thuế, thu hồi nợ thuế. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai nhiệm vụ, dự án, đề án. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện đúng dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ. Thực hiện quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Bộ Nội vụ theo các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, gắn các mục tiêu thực hiện chuyển đổi số quốc gia với các mục tiêu THTK, CLP giai đoạn 2021-2025. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về THTK, CLP. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở cơ quan, đơn vị./.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Giải thưởng Lenin

Chiều 15/12/2021, Lễ trao tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Giải thưởng Lenin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã được tổ chức trang trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, ông Leonid Kalashnikov, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á-Âu và Kiều bào, trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Giải thưởng Lenin. (Ảnh: TTXVN) Đồng chí L. Kalashnkov, Phó Chủ tịch Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết  Á - Âu và Kiều bào của Duma Quốc gia Nga, đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng Giải thưởng cao quý nhất của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Cộng sản Liên Xô. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và lãnh đạo các cơ quan hợp tác về quốc phòng, văn hóa, khoa học của Liên bang Nga tại Việt Nam. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Phát biểu tại buổi tiếp và tại Lễ Trao tặng Giải thưởng Lenin cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Kalashnkov khẳng định, Giải thưởng Lenin là phần thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Việc Đảng Cộng sản Liên bang Nga trao tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng Giải thưởng cao quý này nhân dịp 150 năm kỷ niệm Ngày sinh của Lenin thể hiện sự trân trọng và ghi nhận đối với những đóng góp xuất sắc của đồng chí Tổng Bí thư – nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, được đánh giá cao tại Nga và trên thế giới, trong việc phấn đấu vì công bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và nghiên cứu làm phong phú lý luận và thực tiễn cho việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lenin, cũng như những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Thành công của Việt Nam là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa xã hội được hiện thực hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa đồng chí Leonid Kalashnikov. (Ảnh: TTXVN) Đồng chí Kalashnkov nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Liên bang Nga luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn hợp tác giữa hai Đảng tiếp tục được tăng cường, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga phát triển toàn diện vì lợi ích của nhân nhân hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự xúc động và cảm ơn Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã trao tặng Giải thưởng mang tên Lenin cao quý, coi đó không chỉ là sự ghi nhận đối với cá nhân đồng chí mà còn là sự trân trọng và tình cảm của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, đất nước và nhân dân Nga đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời thể hiện truyền thống quan hệ đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí đánh giá cao những thành tựu mà Liên bang Nga đạt được trong phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế và những sự phát triển của Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự giúp đỡ to lớn, chí tình, hiệu quả mà nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay luôn dành cho nhân dân Việt Nam và khẳng định cùng Đảng Cộng sản Liên bang Nga và các đối tác Nga tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Theo TTXVN

Cần tăng cường lồng ghép về giới trong xây dựng pháp luật

Ngày 16/12, tại Tp.Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực miền Trung về “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội thảo Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Nguyễn Thị Kim Thúy, Đặng Thuần Phong và Nguyễn Hoàng Mai đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có: đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh Miền Trung; Trưởng Ban Phát triển xã hội bền vững Vùng Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới Susan Shen tại điểm cầu Mỹ; và một số điểm cầu tại các địa phương như Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai. Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, bình đẳng giới vừa là mục tiêu quốc gia, yếu tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Đây là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và nếu không đạt được Việt Nam sẽ không thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 như đã cam kết. Hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ liên quan đến bình đẳng giới. Báo cáo về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 được đánh giá là đã đơn giản hóa với các mục tiêu khả thi, có các hướng dẫn về thu tập dữ liệu và báo cáo. Chất lượng lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật ngày càng nâng cao, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… thể hiện qua việc không chỉ bổ sung quy định mang tính nguyên tắc chung mà nhiều luật đã quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống trong thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là dưới sự tác động của Covid-19 nhiều quy định về bình đẳng giới đã không còn phù hợp và không ít vấn đề mới về bình đẳng giới phát sinh. Do đó, để giải quyết các khoảng trống về giới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp cận bình đẳng giới toàn diện; xóa bỏ bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới… Toan cảnh hội thảo Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất, nước ta đã và đang duy trì uy tín  là một quốc gia có tỉ lệ phụ nữ được hưởng bình đẳng chính thức theo luật pháp, phụ nữ tham gia lực lượng lao động và có khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế tương đối cao, đồng thời sức khỏe ngày càng cải thiện và trình độ học vấn ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách về giới đang tồn tại, như là tỷ số giới tính khi sinh gia tăng; khuôn mẫu,định kiến ​​về chọn các ngành học phù hợp với giới và phân luồng vào một số ngành nghề hẹp; việc làm dễ bị tổn thương, không được bảo vệ và bị trả lương thấp; định kiến với phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo; phụ nữ phải chịu trách nhiệm thực hiện các công việc chăm sóc không được trả công; tỷ lệ bạo lực do chồng, bạn tình gây ra cao, cùng với sự thiếu hụt của các dịch vụ hỗ trợ… Để tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới, các đại biểu đề nghị, huy động và mở rộng đầy đủ nguồn tài chính công để thực hiện tất cả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; tăng cường lồng ghép giới trong việc xây dựng pháp luật… Để giải quyết các rào cản căn bản đối với bình đẳng giới, cần xây dựng và thực hiện một chiến lược truyền thông quốc gia để giải quyết các chuẩn mực xã hội mang tính định kiến về giới, thu hút nam giới tham gia tích cực; tăng cường  công tác tạo nguồn để bảo đảm  tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo tăng lên, bao gồm trong chính trị, hành chính công, các doanh nghiệp khu vực tư nhân, hòa bình và an ninh, và các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là ở các vị trí điều hành và lãnh đạo cao cấp./. Theo quochoi.vn

Phát động Cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai".

TĐKT - Chiều 16/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động Cuộc thi "Đề xuất mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai". Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu khai mạc Lễ phát động Phát biểu tại Lễ phát động, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc phục vụ tuyên truyền, nhân rộng, nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn công tác quản lý nhà nước với các hoạt động xã hội, cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai. Các tập thể, cá nhân đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hoặc cá nhân là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thể gửi tác phẩm tham gia cuộc thi. Cuộc thi hướng đến việc tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến, mô hình có hiệu quả triển khai trong thực tiễn hoặc triển vọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, như các ý tưởng, sáng kiến, mô hình trong xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, phát triển sinh kế, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông... Các bài viết có ý tưởng, sáng kiến; các bản vẽ tay, vẽ trên nền tảng công nghệ; các mô hình được thiết kế, lắp ráp... thể hiện được công trình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ rủi ro và tác động của thiên tai. Tác phẩm dự thi được triển khai trong các ngành, lĩnh vực, đời sống xã hội, phản ánh sự chung sức, cùng hành động của cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Tác phẩm dự thi đã và đang được ứng dụng trong thực tế hoặc có hướng phát triển, ứng dụng trong tương lai. Tác phẩm dự thi được định dạng qua 3 hình thức: Tác phẩm viết; tác phẩm vẽ (gồm vẽ tay trên nền giấy và vẽ trên nền tảng công nghệ); mô hình mô phỏng. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và trao chứng nhận cho các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc, với tổng số 44 giải thưởng (gồm 31 giải cá nhân và 13 giải tập thể). Các tác giả gửi bản gốc, hồ sơ, mô hình công trình tới địa chỉ: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ban Tổ chức tiếp nhận tác phẩm tham gia cuộc thi kể từ ngày phát động đến hết ngày 30/6/2022 (theo dấu bưu điện hoặc xác nhận thông tin trên hồ sơ điện tử). Thể lệ Cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ: www.monre.gov.vn; Cục Biến đổi khí hậu, địa chỉ www.dcc.gov.vn. Phương Thanh

Pháo tự chế phát nổ, nam thanh niên 19 tuổi hỏng một bên mắt, nát hai tay

TĐKT - Nam thanh niên T.T.H, 19 tuổi, ở Hải Dương mua bột về tự chế tạo pháo thì bất ngờ pháo tự chế phát nổ. Người nhà nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, em được các bác sĩ chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Ngày 6/12, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.T.H trong tình trạng đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vết thương nhãn cầu trái, vết thương dập nát bàn tay 2 bên, bên phải cụt chấn thương ngón I, II, bên trái: Vết thương dập nát gãy hở xương đốt bàn ngón I, cụt chấn thương đốt 3 ngón II. Pháo tự chế phát nổ, nam thanh niên 19 tuổi hỏng một bên mắt, nát hai tay Do tình trạng vết thương bàn tay dập nát quá nặng, không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã tiến hành sửa mỏm cụt đến khối tụ cốt ngón I, II, sửa mỏm cụt đến đốt ngón III, IV, găm kim xương đốt bàn ngón I, III tay phải; găm kim xương đốt bàn, cắt cụt ngón I, sửa mỏm cụt đốt 3 ngón II. Kíp bác sĩ chuyên khoa hàm mặt thẩm mỹ phẫu thuật điều trị đa chấn thương vùng mặt: Kết hợp xương nẹp vít xương hàm trên – gò má. Kíp bác sĩ chuyên khoa mắt phối hợp xử lý vết thương mắt: Múc nhãn cầu trái, khâu bảo tồn nhãn cầu phải. Hiện tại, sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt - Thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Đồng thời các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biêt là đối với học sinh. Hồng Thiết

Có thể tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca

TĐKT - Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quân Y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), Cục Y tế (Bộ Công an), Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất với các vaccine phòng COVID-19 khác. Văn bản của Bộ Y tế cho biết: Thực hiện chiến lược tiêm chủng của Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 131 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (cập nhật đến ngày 11/12) có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine do Astrazeneca, Pfizer, Moderna... sản xuất), trong đó đã có hơn 75 triệu liều tiêm mũi 1 và hơn 56 triệu liều tiêm mũi 2. Bộ Y tế hướng dẫn có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận vaccine Moderna do COVAX Facility hỗ trợ để tiêm chủng cho người dân. Ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời để cung cấp cho mũi nhắc lại thì có thể sử dụng mũi nhắc lại bằng vaccine khác, theo đó: Nếu tiêm mũi 1 bằng vaccine do Astrazeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu mũi 1 tiêm vaccine do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng nêu trên, để sử dụng vaccine hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine do Moderna sản xuất, tiếp theo công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021, Bộ Y tế hướng dẫn như sau: Những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do Astrazeneca sản xuất theo công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng phối hợp các loại vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch đảm bảo diện bao phủ đồng thời thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao. Đối với các Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vaccine được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin và hướng dẫn triển khai tiêm chủng khi cần thiết. Tính đến hết ngày 10/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 160,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã phân bổ tổng số 154 triệu liều, còn khoảng 6,7 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Trước đó, tại công văn số 7820/BYT-DP về khoảng cách tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID- 19, Bộ Y tế nêu rõ: Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6 - 8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4 - 12 tuần sau mũi 1; theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 đến 12 tuần. Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8 - 12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1. La Giang            

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đắk Nông

TĐKT - Ngày 13/12, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Đắk Nông và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 (BCĐ) của tỉnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp với BCĐ phòng, chống dịch tỉnh Đắk Nông Báo cáo của BCĐ cho biết, tổng số ca COVID-19 của tỉnh từ ngày 09/7/2021 đến nay là 3.743 ca, ghi nhận tại tất cả các huyện, thành phố của tỉnh. Số ca đang điều trị là 1.504 ca (chiếm 41,33%), tử vong tích lũy 9 ca. Hiện tại tỉnh đang thực hiện cách ly 10.764 người, trong đó 2.075 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế, 287 trường hợp cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, 8.402 trường hợp cách ly y tế tại nhà. BCĐ đánh giá toàn tỉnh đang ở cấp độ dịch 2, không có địa phương cấp huyện hoặc cấp xã ở cấp độ dịch 4. “Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát, trong những ngày qua số trường hợp mắc mới đã giảm” – báo cáo của BCĐ khẳng định. Tuy nhiên cần hết sức cảnh giác khu vực dịch bệnh xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu sinh hoạt tôn giáo, thờ tự; vùng biên giới, người dân sinh sống theo cụm và sinh hoạt cộng đồng với nhiều thế hện sinh sống trong một gia đình. Đắk Nông hiện có 11 cơ sở y tế đang thu dung điều trị COVID-19, trong đó có 2 cơ sở được trưng dụng để chăm sóc những trường hợp nhẹ, không có triệu chứng. Có 4 bệnh nhân nặng đang được điều trị, trong đó 3 ca thở oxy gọng và 1 ca thở máy xâm lấn; 55 trường hợp đang được điều trị tại nhà. Tỉnh đã được Bộ Y tế phân bổ thuốc Molnupiravir đủ dùng cho 500 bệnh nhân, hiện đã và đang có khoảng 400 bệnh nhân sử dụng thuốc này và 20 bệnh nhân đang dùng Favipiravir. Gần 300 bệnh nhân dùng Molnupiravir đã khỏi bệnh. Đoàn Bộ Y tế kiểm tra công tác phong tỏa, cách ly tại huyện Đắk R’ Lấp Đắk Nông đã thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19. Đến nay, tỉnh đã bao phủ 99,9% mũi 1 và 95,7% mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên. Riêng trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã tiêm được 96,6% mũi 1, cam kết sẽ bao phủ xong mũi 2 trước ngày 31/12/2021. Tỉnh cũng đã cập nhật thông tin 99,6% mũi tiêm trên hệ thống dữ liệu điện tử tiêm chủng. Chuẩn bị ô-xy cho cơ sở điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’ Lấp Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn biểu dương những nỗ lực chống dịch quyết liệt của tỉnh, cũng như việc bao phủ 2 mũi vaccine với tỷ lệ cao. Theo Thứ trưởng, tỉnh không được phép lơ là, bởi số người bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể gia tăng trong thời gian tới do những người dân quay trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như nhu cầu đi lại tăng cao trong mùa giáng sinh và năm mới 2022. Do vậy ,tỉnh cần chủ động chuẩn bị giải pháp cho công tác thu dung, điều trị. Thứ trưởng nhấn mạnh, Đắk Nông cần tăng cường kiểm soát dịch tễ tại cộng động, đặc biệt là những người trên 65 tuổi có bệnh nền. Nên có kế hoạch giám sát chặt chẽ và tiêm vaccine bổ sung cho đối tượng này. Tỉnh cần lên kế hoạch tiêm vaccine mũi bổ sung và mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế để được phân bổ vaccine. La Giang

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông dịp lễ, Tết 2022

TĐKT - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022. Công điện nêu rõ: Năm 2021, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, nước ta đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19; đồng thời các hoạt động kinh tế, xã hội cũng đang dần phục hồi và phát triển trở lại, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng từng bước phục hồi và gia tăng nhanh trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022. Bên cạnh đó, mặc dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải, phục vụ nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội xuân 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông cho người dân. Trọng tâm tuyên truyền người dân thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt; kế hoạch tổ chức, thực hiện phục vụ vận tải Tết; tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra Lễ hội xuân trong các bản tin thời sự. Tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về TTATGT từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch COVID-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết, như: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông; cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển. Có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch COVID-19, giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến; tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên; bố trí thời gian cho người lao động và sinh viên nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập phù hợp, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải. Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm COVID-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng. Kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Có phương án tổ chức giao thông an toàn khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 23/01/2022. Có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ kịp thời giải tỏa khi xảy ra sự cố về hạ tầng, phương tiện hoặc tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức Lễ hội xuân; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, linh hoạt tại các trạm thu phí BOT, tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra tai nạn giao thông. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan trung ương và của từng địa phương để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình TTATGT, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông; niêm yết đầy đủ các thông tin về phòng chống dịch COVID-19 tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng…) và trên các phương tiện vận tải công cộng. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương có báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện Công điện trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 29/01/2022 (27 Tết) đến trước 16 giờ 30 phút ngày 04/02/2022 (mùng 04 Tết); và có báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thực hiện công điện từ ngày công điện được ban hành đến trước 16 giờ 30 phút ngày 15/02/2022 gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện Công điện này. Minh Phương

Đại diện Học viện Ngân hàng giành Quán quân Cuộc thi toàn quốc Tài năng trẻ Logistics Việt Nam năm 2021

TĐKT - Sáng ngày 12/12, đội LOGISTORM - đại diện Học viện Ngân hàng gồm 3 sinh viên Khoa Kinh doanh Quốc tế và đồng đội đã thể hiện xuất sắc, giành vị trí quán quân Cuộc thi toàn quốc Tài năng trẻ Logistics Việt Nam năm 2021. Ban Tổ chức trao thưởng cho đội LOGISTORM - đại diện Học viện Ngân hàng giành giải Quán quân Cuộc thi Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam (VYLT) là một cuộc thi uy tín, thường niên, có quy mô toàn quốc với sứ mệnh nâng cao nhận thức, giá trị đào tạo cũng như tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực quản trị chuỗi cung ứng và logistics tại Việt Nam. Cuộc thi do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) chủ trì tổ chức, cùng với sự hỗ trợ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) từ năm 2018 với mục đích giúp các sinh viên có niềm đam mê với logistics có thêm trải nghiệm, nâng cao kiến thức cũng như có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp trong ngành. Vòng chung kết diễn ra với cuộc đua tài của 12 đội thi xuất sắc đến từ 12 trường đại học, cao đẳng, học viện danh tiếng trên toàn quốc như Học viện Chính sách và Phát triển, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh… Các đội thi đã trải qua các vòng thi: “Khát vọng” – trả lời nhanh các câu hỏi trắc nghiệm bằng tiếng Anh; “Chinh phục” – trình bày kết quả nghiên cứu của đội thi về một vấn đề trong lĩnh vực logistics; 4 đội xuất sắc nhất sẽ bước tiếp vào vòng cuối cùng – “Vinh quang”. Ở vòng thi thứ 3 này, 4 đội thi được chia cặp để tranh biện về một chủ đề trong logistics để xác định quán quân của cuộc thi. Trải qua 3 vòng thi đầy cam go, LOGISTORM, đội thi đến từ Học viện Ngân hàng đã chính thức trở thành  Quán quân Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2021. Phương Thanh

Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số

Ngày 10/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 331/TB-VPCP về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Ủy ban) chỉ đạo như sau: Chuyến đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đối sổ. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó. Đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, bảo đảm thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên nguyên tắc khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả thị trường, xã hội. Gắn kết chặt chẽ giữa kết nối công nghệ với cải cách hành chính, có kế thừa, đổi mới và phát triển. Giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội. Giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Với tinh thần trên, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thế chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để tương ứng, hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương và hợp tác quốc tế sâu rộng đế chia sẻ kinh nghiệm triển khai tránh tình trạng cục bộ, thành tích, đặt lợi ích chung lên trên hết, không vì lợi ích của cá nhân, của ngành, lĩnh vực, địa phương nào. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Bộ Công an: Tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong tháng 12/2021; Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 5/2022; Cùng với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021; Thúc đẩy triển khai Quyết định 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trước mắt, tập trung trong tháng 12/2021 tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử. Đối với đề xuất của Bộ Công an liên quan tới: (1) Sửa đổi, bổ sung Luật căn cước công dân; (2) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID trên nền tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản... tạo thuận lợi cho người dân; (3) Bộ Tư pháp chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID. Giao Bộ Công an làm việc cụ thể với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP và Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia; Chủ trì điều phối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch của Ủy ban phải cụ thể hóa công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bộ Thông tin và Truyền thông cần phát huy vai trò cơ quan thường trực tham mưu cho Ủy ban bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về Ngày chuyển đổi số quốc gia. Vãn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Bộ Tài chính: Thúc đẩy việc sử dụng hoá đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số, mục tiêu đến quý IV năm 2022 đạt 100% doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử; Chủ trì, phổi hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư quy định về phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở Đề án thu phí, lệ phí do Bộ Công an đề xuất, hoàn thành trong Quý I năm 2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa và đầu tư công. Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số; hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số. Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; cần có nền tảng cơ sở dữ liệu để quản lý về quy hoạch, kiến trúc. Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân có hiệu quả; Phối hợp với Bộ Công an khẩn trương tích hợp dữ liệu tiêm chủng phòng ngừa Covid-19, người nhiễm khởi bệnh, kết quả xét nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành nhanh nhất có thể cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên, môi trường và vấn đề dự báo, cảnh báo về thiên tai. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, quy chế về giáo dục đào tạo số. Các bộ, ngành, địa phương: Khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban, hoàn thành trong tháng 12/ năm 2021; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình chuyển đổi số và phối hợp trong việc triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia theo đúng lộ trình, tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./. Theo tcnn.vn

Trang