Chính trị - Xã hội

Bộ Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2

TĐKT - Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng mới đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana... Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta). Tại Việt Nam, đến nay qua giám sát dịch tễ của vi rút SARS-CoV-2, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron. Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Đồng thời, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Hồng Thiết

Hiểm họa từ việc dùng thuốc không tuân thủ quy trình chuyên môn

TĐKT - Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận các trường hợp người bệnh nhập viện với những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong từ việc thiếu hiểu biết, không tuân thủ chuyên môn, tiêm thuốc giảm đau tại các cơ sở tư nhân. Ca bệnh thứ nhất là trường hợp người bệnh L.T.T.M 52 tuổi (Thường Tín, Hà Nội) vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 15/11/2021 với chẩn đoán áp xe lớn vai vùng lưng. Bệnh nhân L.T.T.M Cô M cho biết, cô được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ lâu, đã đi thăm khám và dùng thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Một tháng trước, được người quen mách bảo, cô M đến khám tại phòng khám bác sĩ tư và được tiêm K cort (một loại corticoid) vào vùng sau gáy. Sau tiêm, người bệnh cảm thấy vùng vai, lưng bên trái sưng đau kèm sốt. Cô M nhập viện với khối lớn sưng đau lan vùng sau gáy xuống vai lưng bên trái. Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thăm khám và chẩn đoán áp xe vùng vai lưng trái. Trên phim chụp cộng hưởng từ thấy khối áp xe lớn kích thước 129x139x47 cm chiếm toàn bộ phần mềm vai lưng bên trái chưa vỡ mủ. Cột sống cổ có hẹp ống sống, phù tủy ngang mức C5/C6 thoái hóa cột sống cổ. Cô M đã được phẫu thuật mở rộng dẫn lưu mủ, cắt lọc lấy tổ chức hoại tử, rửa sạch vết thương, để hở. Hiện tại sau 20 ngày phẫu thuật, tình trạng người bệnh đã ổn định và đang chờ khép da thì sau. Bệnh nhân T.X.B. Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân T.X.B, 26 tuổi (Hải Phòng). Anh B đã bị đau ở vùng lưng một thời gian, anh đến khám bác sĩ tư và được bác sĩ tư vấn để tiêm thuốc vào mông (K cort). Sau tiêm được 3 ngày, người bệnh xuất hiện đau sưng mông chỗ tiêm. Anh B vào viện cấp cứu ngày 14/11/2021, các bác sĩ khám và chẩn đoán theo dõi áp xe mông sau tiêm đã chỉ định chụp phim X-quang cho bệnh nhân. Kết quả chụp phim cộng hưởng từ cho thấy nằm trong cơ mông lớn, mông nhỡ, mông bé bên phải của người bệnh là các ổ dịch có vỏ ngấm thuốc sau tiêm kích thước 123 x 56 x 147 mm, nhiều vách ngăn. Ngoài ra trong cơ vuông đùi và cơ bịt trong bên phải cũng có 2 ổ tổn thương tương tự, kích thước 44 x 50 mm kèm theo tràn dịch khớp háng phải dày 9 mm. Bệnh nhân được các bác sĩ chọc hút dẫn lưu mủ dưới siêu âm bằng ống dẫn lưu tại chỗ số 10F. Mủ trắng đục được gửi xét nghiệm vi sinh. Kết quả xét nghiệm là Staphylococcus aureus (MRSA), một loại tụ cầu vàng nguy hiểm còn được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Cả hai bệnh nhân hiện đang được điều trị tại khoa phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đánh giá về hai ca bệnh hậu quả của việc tiêm thuốc không đúng chỉ định và không tuân thủ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Đức Chính, nguyên Trưởng khoa cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần gặp những ca bệnh biến chứng áp xe do tiêm tại các bệnh viện tư. Nhưng lần này cả hai bệnh nhân cùng vào một lúc nên cần xem xét lại y tế tư nhân. Việc chỉ định tiêm thuốc bừa bãi. Cả hai ca bệnh đều không đúng chỉ định tiêm thuốc. Bệnh nhân M hiện tổn thương hẹp ống sống, phù tủy, thoái hóa đốt sống cổ cần khám bác sĩ chuyên khoa cột sống để có tư vấn điều trị phù hợp. Bệnh nhân B có khả năng do co cơ, đau lưng do vận động, sai tư thế. Thứ hai là biến chứng nhiễm khuẩn dẫn đến áp xe có thể liên quan đến việc vô khuẩn tại cơ sở khám bệnh tư chưa tốt. Bệnh nhân B nhiễm MRSA là viết tắt của methicillin-resistant Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng kháng methicillin), một loại vi khuẩn kháng với các kháng sinh thường sử dụng. Hiện nay, MRSA đang gia tăng về tần suất và hiện hữu ở nhiều cơ sở y tế và cộng đồng. Nhiễm MRSA luôn là một thách thức trong điều trị.  Nếu các trường hợp áp xe này không được mổ rạch tháo mủ, áp xe có thể tự vỡ và rò mủ kéo dài, hoặc có thể gây những biến chứng tại chỗ như viêm bạch mạch cấp tính, viêm hạch mủ hay những biến chứng toàn thân như  nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết có thể đưa đến tử vong. Qua hai trường hợp này chúng tôi khuyến cáo người dân nên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế có uy tín tránh những biến chứng không đáng có. Hồng Thiết

Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật hướng tới hòa nhập, tiếp cận và bền vững thích ứng với đại dịch Covid-19

TĐKT - Hướng tới chào mừng và kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 - 3/12/2021), Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD), Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật hướng tới hòa nhập, tiếp cận và bền vững thích ứng với đại dịch Covid-19” vào sáng ngày 3/12/2021. Hội thảo được đồng tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức CBM Việt Nam. Chương trình dự kiến có sự tham gia của gần 100 đại biểu trên nền tảng trực tuyến và livestream của fanpage ACDC và UNDP. Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự tham gia vào đời sống xã hội của người khuyết tật, cũng như hoạt động và vai trò tham gia giám sát của các tổ chức người khuyết tật. Hội thảo lần này là cơ hội để các bên liên quan cùng ngồi lại, chia sẻ về những thách thức và giải pháp hướng tới hòa nhập khuyết tật, trong bối cảnh thích ứng trong và sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, các bên cũng thảo luận về sự tham gia của người khuyết tật và vai trò giám sát của Hội Người Khuyết tật trong các giải pháp được hướng tới. Hưởng ứng chủ đề Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12) năm nay của Liên hợp quốc: “Lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hòa nhập, tiếp cận và bền vững hậu Covid-19”, Ban tổ chức phát động cuộc thi “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”. Cuộc thi nhằm tìm những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo với những giải pháp tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế và giao thông tiếp cận để thúc đẩy hòa nhập và sự tham gia hiệu quả, bình đẳng của người khuyết tật trong cộng đồng. Ban tổ chức dự kiến sẽ bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 20/12/2021 và lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18 tháng 4 năm 2022. Hiện nay, dân số thế giới là gần tám tỷ người, trong đó có hơn một tỷ người khuyết tật, tương đương khoảng 15% dân số thế giới đang sống chung với một hoặc một số dạng khuyết tật, 80% trong số họ sống ở các nước đang phát triển. Hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12 được các tổ chức của và vì người khuyết tật tổ chức hàng năm trên toàn thế giới với mục đích thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong các lĩnh vực xã hội và phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Phương Thanh

Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Nhật Bản viện trợ Việt Nam

TĐKT - Tối 25/11, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Tại sân bay Quốc tế Nội Bài diễn ra lễ trao tặng hơn 1,5 triệu liều vaccine do Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận số vaccine này. Ngay sau khi chuyên cơ chở Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính tổ chức Lễ bàn giao vaccine và tiền phòng, chống dịch COVID-19 được ủng hộ trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, một trong những điểm nhấn là những kết quả cụ thể của ngoại giao vaccine, hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt đoàn công tác bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca của Chính phủ Nhật Bản viện trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Trần Minh) Đoàn đã tiếp nhận nhiều hỗ trợ về vaccine, tiền do Chính phủ, doanh nghiệp Nhật Bản tặng Việt Nam. Tại Lễ bàn giao, các đại biểu đã chứng kiến Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt đoàn công tác bàn giao cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính số vaccine và tiền mặt do Chính phủ, doanh nghiệp tặng Việt Nam nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ. Đoàn bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện Bộ Y tế số vaccine do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ Việt Nam phòng COVID-19 là 1.540.000 liều vaccine AstraZeneca. Như vậy, đến nay, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng 5,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác. Lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca hơn 1,5 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản viện trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Trần Minh) Đoàn công tác cũng bàn giao cho ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Bộ Tài chính số tiền 1 triệu USD do Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) tài trợ cho Chính phủ Việt Nam phục vụ phòng, chống COVID-19. Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt đoàn công tác bàn giao cho ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính, đại diện Bộ Tài chính số tiền 1 triệu USD do Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) tài trợ cho Chính phủ Việt Nam phục vụ phòng, chống COVID-19. (Ảnh: Trần Minh) Việc Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam trở về Hà Nội an toàn cùng vaccine và tiền ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của chuyến thăm cũng như công tác phòng, chống dịch trong nước. Trước đó, trong các ngày từ 22 - 25/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham gia đoàn công tác của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam. Trong những ngày công tác tại Nhật Bản, cùng với tham gia các hoạt động trong đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp các trường đại học, đối tác y dược Nhật Bản. La Giang

Khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX

TĐKT - Chiều ngày 25/11, Lễ khai mạc Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ XX được tổ chức tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo – Đại học Quốc gia Hà Nội. Khai mạc Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX. Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS. TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong các ngày tới, thành quả tiêu biểu của tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng y dược, các bệnh viện, viện nghiên cứu sẽ được thể hiện thông qua 315 báo cáo khoa học tại 29 Hội đồng Giám khảo do Bộ Y tế thành lập bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia sâu về các chuyên ngành đánh giá, xét chọn. “Tại Hội nghị này, chúng ta tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại đề tài, lấy chất lượng làm thước đo giá trị thông qua các tiêu chí khoa học cụ thể, cập nhật. Đây là sự thay đổi nhằm từng bước nâng cao chất lượng của các công trình nhưng vẫn động viên, khuyến khích tuổi trẻ các trường tích cực nghiên cứu khoa học hơn nữa” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Hội nghị lần thứ XX được tổ chức ở thời điểm đang diễn ra các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11 với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”. Hội nghị sẽ là dịp để tôn vinh những người thầy trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế, phát triển khoa học - công nghệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức cao quý của các thầy, các cô luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo. Cũng trong chương trình, GS. TS Trần Bình Giang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Điểm mới ở hội nghị lần này là các báo cáo khoa học bằng tiếng Anh và báo cáo video kỹ thuật.  Đã có 39 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 315 báo cáo, trong đó, có 247 báo cáo khoa học, 68 báo cáo kỹ thuật thuộc 24 chuyên ngành chính và một số chuyên ngành khác. Có 24 báo cáo khoa học tiếng Anh thuộc 11 chuyên ngành chính và 1 số chuyên ngành khác. Hội đồng Giám khảo chấm thi gồm 151 thành viên tại 29 hội đồng thi và 3 hội đồng báo cáo khoa học tiếng Anh. Về công tác chuẩn bị cho hội nghị trong bối cảnh dịch COVID-19, Ban Tổ chức chuẩn bị rất kỹ các phương án phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị, sáng ngày 25/11/2021 Đoàn đại biểu gồm các thành viên Ban tổ chức tham dự lễ báo công tại Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và tọa đàm với chủ đề “Tuổi trẻ ngành Y trong phong trào phòng, chống dịch COVID-19”. Với niềm tin vào thế hệ trẻ, sự tâm huyết tham gia của các thầy cô trong các Hội đồng Giám khảo, sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX diễn ra từ ngày 25 - 27/11/2021 tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hồng Thiết

Cậu bé 8 tuổi người dân tộc Dao với u máu khủng ở mắt được điều trị ổn định

TĐKT - Bệnh nhi Lò Mạnh Q., 8 tuổi, quê tại huyện Sốp Cộp, Sơn La là người dân tộc Dao, vùng quê bao năm nay vẫn còn nghèo khó. Ngay từ nhỏ em đã có khối u máu bẩm sinh ở mắt trái kích thước khoảng 1cm, gia đình cũng cho đi khám nhưng nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nên không điều trị triệt để. Nhờ có sự vào cuộc của các y, bác sĩ Bệnh viện K, nay em đã được điều trị ổn định. Điều trị sớm, tránh nguy hiểm, đe dọa tính mạng Được biết, năm 2017, cậu bé được phẫu thuật tại bệnh viện tỉnh, tuy nhiên gần đây khối u tái phát, càng ngày càng phát triển, kích thước tăng dần lên. Gia đình đưa đi khám tại một số bệnh viện ở Hà Nội nhưng chưa có biện pháp can thiệp điều trị tiếp theo. Trước khi em Q phẫu thuật Từ giữa tháng 10, u tăng nhanh, phù nề kèm chảy máu rỉ rả, khối u to chiếm toàn bộ vùng mắt bên trái, khiến mắt trái mất hoàn toàn thị lực, nhiều khi máu chảy xuống cả quần áo, cậu bé lo sợ chỉ biết khóc, thét to và nôn. Nhưng càng như vậy thì áp lực dồn nén vào mắt trái của em càng lớn, càng nguy hiểm. Các nhóm thiện nguyện ủng hộ gia đình em Nhập viện tại Bệnh viện K vào đầu tháng 11 nhưng trường hợp của bệnh nhi Lò Mạnh Q. đã được hội chẩn liên khoa và toàn bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất. Trước hết Q. được truyền máu, điều chỉnh các rối loạn trước khi tiến hành cuộc đại phẫu điều trị khối u. Kích thước u máu quanh mắt to khoảng 8x9cm làm che lấp và lồi nhãn cầu trái, đặc biệt sau khi chụp chiếu, bác sĩ còn phát hiện Q. có khối dị dạng ở động tĩnh mạch quanh ổ mắt. Đây là ca bệnh rất khó can thiệp bởi nguồn cấp máu cả động mạch ở ngoài não và động mạch từ trong não đi ra cấp máu, với mạch máu giãn to và như mạng nhện quanh nhãn cầu. Sau vài ngày can thiệp xử trí thì vị trí chảy máu ngoài da đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ chảy máu tái phát và vỡ khối dị dạng mạch máu quanh ổ mắt rất cao, nguy cơ tử vong cao nếu chảy máu ồ ạt, không kiểm soát được. Đưa ra các phương án điều trị cho bệnh nhi Dưới sự chỉ đạo của TS.BS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, ca bệnh của Q. Đã được tiến hành hội chẩn toàn viện với các chuyên gia đầu ngành: Chẩn đoán hình ảnh – nút mạch u; ekip gây mê hồi sức; ekip hồi sức cấp cứu, ekip phẫu thuật thần kinh, ekip phẫu thuật tạo hình để lên rất nhiều phương án, kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp, diễn biến có thể xảy ra trong khi điều trị cho bệnh nhi. Khối u mỗi ngày một lớn giờ đã quá ngưỡng, phương án điều trị hiện tại sẽ là nút mạch can thiệp, sau đó phối hợp chuyên khoa phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật tạo hình để mổ u máu và tạo hình mắt cho bệnh nhi. Em Q sau khi hồi phục PGS. TS Bùi Văn Giang – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, nhận định: “Đây là ca bệnh khó, do khối dị dạng được cấp máu từ động mạch ở trong não và động mạch từ ngoài não, với búi dị dạng phức tạp quanh mắt, chỉ cần sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cháu bé. Kỹ thuật nút nhánh động mạch mắt là rất khó, yêu cầu bác sĩ nhiều kinh nghiệm và chuyên sâu thực hiện, cũng như phải có đủ các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ. Ngày 8/11, sau khi tiến hành gây mê, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nút mạch thành công nhánh mạch cấp máu từ trong não và bơm chất làm tắc búi tĩnh mạch quanh ổ mắt. Sau đó, kiểm tra lại búi dị dạng còn được cấp máu bởi các nguồn nuôi từ phía ngoài não, ca nút mạch được tiến hành lần thứ 2 để kiểm soát toàn bộ các nguồn nuôi của khối u cũng như khối dị dạng mạch”. Ngày thứ 3 sau nút mạch, ekip phẫu thuật của TS. BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh bệnh viện K; TS. BS Dương Mạnh Chiến, Khoa điều trị yêu cầu Quán Sứ  - bác sĩ phẫu thuật tạo hình; ekíp Gây mê hồi sức TS.BS. Trần Đức Thọ, Trưởng khoa đã tiến hành phối hợp nhịp nhàng, cẩn trọng phẫu thuật cắt bỏ khối u máu kèm theo khối dị dạng động tĩnh mạch quanh mắt, cố gắng tối đa để đạt được mục tiêu cắt bỏ toàn bộ các nhánh mạch cấp máu còn lại vào khối dị dạng, loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng đảm bảo tránh tái phát và tạo hình da khuyết hổng quanh ổ mắt, bảo vệ nhãn cầu đảm bảo sự phát triển cân đối của mặt sau này cho bệnh nhi Q. TS. BS Nguyễn Đức Liên chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các phương án phẫu thuật, tuy nhiên khó nhất là phần búi dị dạng trong ổ mắt, quanh nhãn cầu và có tĩnh mạch dẫn lưu vào trong xoang hang – não bộ, nguy cơ có thể chảy máu trong quá trình mổ và có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cháu bé; nếu cắt bỏ không hết thì bệnh sẽ tái diễn và chảy máu mắt trong tương lai. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men tối đa và sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ ekip, sau thời gian 5 tiếng phẫu thuật, ca mổ diễn biến an toàn và thuận lợi”. Sau mổ 12 tiếng, bé Q. đã tỉnh táo và được gặp mẹ, mẹ cháu đã khóc khi thấy con không còn bị chảy máu ở quanh mắt và đặc biệt con vẫn còn nhìn thấy mẹ. Trải qua 3 lần can thiệp và mổ liên tục, bé Q. đã thoát khỏi mặc cảm vì khối u vỡ chảy máu đe dọa gây nguy hiểm tính mạng. Hiện tại Q. được chăm sóc tại khoa Ngoại thần kinh, Q. đã ngồi dậy, tập đi lại và được chăm sóc da quanh mắt cũng như mắt. Sắp tới, Q. sẽ được đánh giá lại bởi chuyên gia mắt sau 3 - 6 tháng, sau khi bớt phù nề và có thể được mổ chỉnh hình để chỉnh trục của mắt và tạo hình thẩm mỹ thì hai và sớm được đi học trở lại. Trong thời gian qua, với sự ủng hộ của bệnh viện và mạnh thường quân cả nước, hoàn cảnh khó khăn, éo le của cậu bé đã được nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ, tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Những khó khăn, nguy hiểm nhất em đã vượt qua, hy vọng tình cảm yêu thương, sẻ chia của mạnh thường quân giúp Q. và gia đình thuận lợi hơn trong quá trình điều trị tới đây; để em có tuổi thơ êm đềm như bao bạn bè cùng trang lứa và viết tiếp ước mơ của mình. La Giang

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021

TĐKT - Sáng 25/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Lễ khai mạc Diễn đàn có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Nguyễn Ngọc Lương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở trung ương. Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến trong và ngoài nước với sự tham gia của 177 đại biểu trí thức trẻ đang công tác, học tập tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các trí thức trẻ tham gia Diễn đàn có chuyên môn đa dạng, đang triển khai các đề tài nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn. Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo những biến chuyển sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng lớn mạnh. Không ít trí thức trẻ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, lao động sáng tạo, vươn mình ra tầm châu lục và thế giới, đặc biệt đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới, khẳng định được mình, khẳng định được trí tuệ Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.  “Một điểm mới của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV là việc tổ chức hơn 15 hội thảo khoa học, diễn đàn nhánh theo nhiều chủ đề, lĩnh vực chuyên môn để các trí thức trẻ thảo luận, trao đổi trước thềm diễn đàn. Bên cạnh đó, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã được xây dựng, củng cố bằng những mạng lưới theo khu vực như: Mạng lưới trí thưc trẻ khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương hay theo từng lĩnh vực chuyên ngành như kinh tế, xây dựng, y khoa hay năng lượng. Điều này một mặt giúp kết nối mạnh mẽ hơn nữa mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, mặt khác tạo cơ chế hoạt động bền vững, hiệu quả cho Mạng lưới”, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa đại biểu dự Diễn đàn Trong khuôn khổ Diễn đàn, mỗi trí thức trẻ tham dự đều xứng đáng là đại diện cho đội ngũ trí thức trẻ trong lĩnh vực chuyên môn, học tập, nghiên cứu và nơi công tác. Kiến thức chuyên môn giỏi, năng lực tư duy sáng tạo tốt, khả năng hội nhập cao, tinh thần dân tộc cũng như luôn mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước là những thế mạnh của trí thức trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tập hợp, phát huy lực lượng trí thức trẻ Việt Nam trở thành nhiệm vụ quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên Việt Nam. “Trong thời gian qua, bằng nhiều giải pháp khác nhau, chúng tôi đã cố gắng từng bước gắn kết trí thức trẻ thông qua nhiều phong trào, chương trình hoạt động, đặc biệt là tổ chức những diễn đàn tạo không gian để trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phát huy trí tuệ, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của đất nước”, anh Lương cho biết. Được khởi xướng từ năm 2018, sau 3 lần tổ chức, Diễn đàn đã thu hút 640 đại biểu chính thức trong và ngoài nước và đưa ra 415 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các Diễn đàn và các nội dung thảo luận; hình thành Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với hơn 1.000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí; tự động hóa, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0, nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên…đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các trí thức trẻ thời gian qua, đánh giá cao chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” của Diễn đàn. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là chuyển đổi số đặt ra nhiều thời cơ và thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn trân trọng và sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý tưởng, giải pháp, kiến nghị của đội ngũ trí thức trẻ để thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi, hiệu quả “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nội dung chính gồm: “Khơi nguồn sáng tạo” - thảo luận về các chủ đề nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học - công nghệ trong tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sản xuất bền vững; nghiên cứu y - sinh, khoa học sự sống và con người. “Ứng dụng và chuyển giao” - thảo luận về các chủ đề ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong năng lượng và môi trường; ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phát triển đô thị. “Kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia” - thảo luận về chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị và đổi mới. “Phát triển và thương mại hoá các giải pháp chuyển đổi số”- thảo luận về các chủ đề Phát triển các dự án y tế - giáo dục số; phát huy các giá trị văn hóa - con người Việt Nam trong kỷ nguyên số; phát triển các mạng lưới đổi mới, sáng tạo. Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, 2021 nhằm góp phần đổi mới và phát triển đất nước; tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học trực thuộc Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; công bố các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu được đặt hàng bởi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… Thông qua diễn đàn sẽ định hướng, chuyển giao tri thức, công nghệ cho những dự án liên kết, liên ngành ứng dụng nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ mới; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng một Việt Nam hiện đại, thịnh vượng. Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, năm 2021 sẽ diễn ra từ 25 - 26/11, với sự đồng hành của các đơn vị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Công ty Cổ phần Smart Hub; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Thục Anh

Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày ở tuổi 91, cụ bà bình phục kỳ diệu

TĐKT - Sau khi phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày ở tuổi 91, cụ bà Lại Thị T., 91 tuổi, quê tại xã Liêm Chung, Phủ Lý, Hà Nam đã bình phục một cách kỳ diệu. Mặc dù đối diện với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy đến trong mổ tuy nhiên với kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức tiên tiến, tiệm cận với y học khu vực và thế giới, việc phẫu thuật điều trị ung thư cho bệnh nhân tuổi cao không còn nhiều thách thức với các bác sĩ Bệnh viện K. Nhiều thách thức đặt ra với ca mổ Một tháng gần đây, cụ Lại Thị T. thấy tức bụng, khó chịu vùng bụng mức độ ngày càng đau nên đi khám. Với kết quả siêu âm khối u lớn ở dạ dày, cụ đã được gia đình chuyển lên Bệnh viện K điều trị vào đầu tháng 11/2021. “Cụ T. nhập viện chỉ với triệu chứng đau tức vùng thượng vị, không kèm nôn máu, đi ngoài phân đen, đây là dấu hiệu dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hay gặp khác ở đường tiêu hóa. Rất may, cụ T. được đi khám phát hiện bệnh chưa ở giai đoạn quá muộn, kết quả nội soi cho thấy có tổn thương sùi loét ở vùng hang vị dạ dày, kích thước lớn khoảng 40mm, khối u vẫn còn khu trú, kết quả sinh thiết là ung thư dạ dày, chẩn đoán K dạ dày giai đoạn 2A cT3N0M0 đã tiến hành hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho cụ T., làm sao để có thể điều trị tốt nhất đảm bảo về ung thư học,nhưng cũng phải an toàn nhất, trên nền bệnh nhân cao tuổi”. ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I chia sẻ.            Phim chụp cụ T TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K nhận định trước ca phẫu thuật: “Đây là ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi có nhiều vấn đề đặt ra thách thức cho ekip phẫu thuật. Thứ nhất, bệnh nhân T. tuổi đã cao trên 90; thứ hai, cụ T. có tiền sử tăng huyết áp lâu năm nhưng điều trị ngắt quãng; thứ ba, chỉ số mỡ máu ở bệnh nhân cao gấp đôi so với ngưỡng thông thường do đó có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch, nhồi máu, đặc biệt là tắc mạch vành, mạch phổi; thứ tư, bệnh nhân còn có rối loạn dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất; thứ năm, kết quả phim chụp CT có xẹp nhỏ thùy dưới phổi trái kèm theo cong vẹo cột sống ngực. 5 yếu tố này khiến ekip phẫu thuật và ekip gây mê cần có sự chuẩn bị, lên phương án kỹ càng, cẩn trọng bởi bệnh nhân không thể gây mê, phẫu thuật trong thời gian quá lâu, nhưng đã phẫu thuật là phải quyết tâm loại bỏ hoàn toàn tổn thương, đảm bảo hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống cho cụ T.”  “Sau tất cả các kết quả của cụ T., kèm theo đánh giá về hô hấp, tim mạch, đánh giá tổn thương tại chỗ, thể trạng bệnh nhân vẫn bảo đảm và sự quyết tâm của cụ T. cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công cắt bỏ tổn thương”, ThS.BS CKII Hà Hải Nam cho hay. Ngày 16/11/2021, cụ T. được phẫu thuật. Dù nhiều thách thức được đặt ra, tuy nhiên với kỹ thuật ngoại khoa chuyên sâu của ekip gồm TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K; ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với kíp gây mê hồi sức nhiều kinh nghiệm, ca mổ đã diễn ra thành công, các bác sĩ đã cắt một phần dạ dày, loại bỏ hoàn toàn tổn thương kèm nạo vét gần 20 hạch lớn nhỏ trong khoảng thời gian rất ngắn 1 tiếng 15 phút . Sau ca phẫu thuật, cụ T. được theo dõi chặt chẽ và hồi phục rất nhanh, ăn uống tốt trở lại chỉ sau ít ngày.   Loại bỏ tâm lý "buông xuôi" nếu mắc ung thư ở người cao tuổi “Ngay khi nhận kết quả chẩn đoán ung thư dạ dày, gia đình bàn bạc quyết tâm điều trị đến cùng nếu mẹ tôi đủ sức khỏe. Rất mừng là ca phẫu thuật thành công, sức khỏe mẹ tôi rất tốt, tinh thần phấn khởi, 3 ngày là cụ đã ăn uống đi lại rồi, gia đình tôi rất mừng. Theo phác đồ của bác sĩ là đúng đắn, nghĩ lại nếu lúc đó cứ nghe người ta mách tìm ông lang để điều trị uống thuốc nam vì mẹ tôi cao tuổi không mổ được thì có lẽ giờ tôi đang ân hận nhiều lắm.” - cô Lại Thị T. con cụ T. chia sẻ. Người nhà chăm sóc cụ T Đến nay là ngày thứ 7 sau phẫu thuật, cụ T. sinh hoạt bình thường trở lại và chuẩn bị ra viện. Khám lại cho cụ T. Thời gian qua, Bệnh viện K đã phẫu thuật thành công cho nhiều người bệnh cao tuổi, từ hơn 80 tuổi đến hơn 90. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng hiện nay kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức của Bệnh viện K đạt trình độ tiệm cận với y học khu vực và thế giới, giúp người bệnh yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên, theo TS. BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện: “Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật, ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao, thậm chí trên 90 như trường hợp vừa nêu ở trên, vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh tốt nhất”. La Giang

Nhiều người bệnh loạn trương lực cơ được tiêm botulinum toxin tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

TĐKT - Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhận được 4500 đơn vị botulinum toxin. Lượng thuốc này được dùng để tiêm miễn phí cho 8 người bệnh bị loạn trương lực cơ ở các vị trí cổ, co thắt mi mắt, co thắt nửa mặt, co cứng cơ sau chấn thương sọ não... Người bệnh loạn trương lực cơ được tiêm botulinum toxin tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Bệnh loạn trương lực là bệnh rối loạn vận động của hệ thần kinh, với biểu hiện co cơ liên tục hoặc lặp đi lặp lại ngoài ý muốn, tạo tư thế bất thường của một vùng hay nhiều vùng khác nhau của cơ thể. Tỷ lệ mắc loạn trương lực khoảng 1/2000 dân. Loạn trương lực có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào trên cơ thể. Các thể lâm sàng loạn trương lực thường gặp gồm: Co thắt mi mắt, loạn trương lực hàm miệng (co thắt các cơ vùng hàm miệng làm cho khi bệnh nhân nói miệng bị co thắt lại hoặc bị cắn hàm tự nhiên), loạn trương lực cổ (làm cho cổ bệnh nhân bị xoay/gập/ngửa thường xuyên về một bên), loạn trương lực tay (khi người bệnh viết/chơi nhạc cụ thì cổ tay hoặc ngón tay bị gập lại làm cho động tác viết khó khăn, thường bị nhận định nhầm thành bệnh lý của khớp hoặc hội chứng chèn ép ống cổ tay,…), loạn trương lực phát âm (người bệnh phát âm ngắt quãng khó nghe) hoặc thậm chí loạn trương lực toàn thể. Bác L.Đ.S đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng co cứng cơ sau chấn thương sọ não, đã được phẫu thuật dẫn lưu não thất ổ bụng 2 lần. Tay và chân người bệnh bị co cứng gây khó khăn trong việc vệ sinh và tập phục hồi chức năng, sinh hoạt cá nhân của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Sau khi được tiêm botulinum toxin trong chương trình tiêm miễn phí tại bệnh viện, cơ người bệnh mềm ra, tầm vận động của khớp được cải thiện, người bệnh đã có thể ngồi được xe lăn,tập đi, tập đứng, sinh hoạt và tự vệ sinh cá nhân dễ dàng hơn. Trường hợp thứ 2 là bạn N.N.H, là sinh viên năm cuối của Đại học Bách Khoa. Không may bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông, bệnh loạn trương lực cơ co cứng ở tay đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của H. Tuy nhiên sau khi được tiêm botulinum toxin, tình trạng bệnh của H đã được cải thiện rõ rệt, có thể duỗi thẳng các ngón tay. Bên cạnh bệnh loạn trương lực cơ ở chân, tay, mi mắt, nửa mặt, người bệnh còn hay gặp tình trạng này ở cổ. Anh T.Q.H đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng loạn trương lực cơ cổ, là một bệnh lý nguyên phát khiến cho người bệnh bị đau, sinh hoạt khó khăn, là rào cản tâm lý ngại ngùng tiếp xúc với người khác. Được tiêm botulinum toxin sẽ giúp tình trạng bệnh nhân cải thiện, các cơ được vận động tốt hơn. BS Ngô Thị Huyền, Khoa Nội Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Nguyên nhân loạn trương lực là do rối loạn chức năng của các nhân xám trong não. Các tình trạng bệnh có thể gây ra tổn thương nhân xám trung ương gồm: Viêm nhiễm hệ thần kinh, u não, đột quỵ, bệnh não thoái hóa, bệnh di truyền. Các trường hợp loạn trương lực không tìm thấy căn nguyên được coi là loạn trương lực vô căn (loạn trương lực nguyên phát).Các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân và điều trị căn nguyên bệnh để làm giảm triệu chứng và chấm dứt quá trình bệnh. Trong trường hợp đã điều trị nguyên nhân mà vẫn không hết triệu chứng, thì cần áp dụng các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng cho bệnh nhân, bao gồm: Thuốc uống, tiêm botulinum toxin, phẫu thuật và điều trị hỗ trợ. Hồng Thiết

Người lao động cần lưu ý về hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT - Tính đến hết ngày 23/11/2021, đã có 342.652 đơn vị gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 11.734.372 người lao động (NLĐ) đang tham gia BHTN, bằng 95,8% tổng số đơn vị đã nhận danh sách rà soát và bằng 99,1% số lao động đã được cơ quan BHXH gửi danh sách rà soát. Tuy nhiên, hiện nay còn một số đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa thực hiện việc gửi danh sách NLĐ (cập nhật đúng, đủ thông tin về số tài khoản ngân hàng, số điện thoại...) thuộc diện được hỗ trợ đến cơ quan BHXH để có cơ sở thực hiện chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN theo quy định. Người lao động cần lưu ý về hạn nhận hồ sơ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với NLĐ đã dừng tham gia BHTN, còn thời gian bảo lưu đóng BHTN có nhu cầu nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN sẽ làm thủ tục đề nghị cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện để nhận gói hỗ trợ. Hạn cuối tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của NLĐ thuộc nhóm này là đến hết ngày 20/12/2021. Thời gian cơ quan BHXH phải hoàn thành chi trả hỗ trợ cho NLĐ chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Cũng theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 30/11/2021, trường hợp NLĐ đang tham gia BHTN chưa nhận được hỗ trợ, NLĐ sẽ phải tự thực hiện thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN (tương tự như thủ tục đề nghị nhận hỗ trợ dành cho NLĐ đã đừng tham gia và đang có quá trình bảo lưu đóng BHTN) để được nhận hỗ trợ. Tính đến hết ngày 23/11/2021, cơ quan BHXH giải quyết hưởng hỗ trợ cho 852.008 người đã dừng tham gia BHTN. Tuy nhiên, còn một lượng lớn NLĐ thuộc nhóm này chưa thực hiện thủ tục với cơ quan BHXH để nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó còn một số NLĐ bị từ chối giải quyết hưởng do không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ hoặc phải điều chỉnh, bổ sung thông tin để đảm bảo đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định. Theo dự kiến của BHXH Việt Nam, sẽ có trên 2,42 triệu NLĐ đã dừng tham gia BHTNđủ điều kiện nhận hỗ trợ; tuy nhiên, số hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ của nhóm này gửi đến cơ quan BHXH mới đạt khoảng 1.278.473 NLĐ (bằng 47% tổng số lao động dự kiến thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ). Mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động rà soát các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHTN, thông báo đến tận từng xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố (bằng văn bản, trên hệ thống loa phát thanh, trên cơ quan báo, đài địa phương…) về thời hạn nộp hồ sơ, thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ để NLĐ biết và liên hệ với cơ quan BHXH sớm nhận được gói hỗ trợ. Cụ thể, tính đến hết ngày 23/11/2021, BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 12.154.979 lao động, trong đó có 11.302.971 lao động đang tham gia BHTN và 852.008 người đã dừng tham gia BHTN, với tổng số tiền hỗ trợ là 28,86 nghìn tỷ đồng. Hồng Thiết  

Trang