Chính trị - Xã hội

Người bệnh được hồi sinh đôi chân bị đứt lìa do máy cắt cỏ

TĐKT - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nối lại cẳng chân bị đứt rời cho một người bệnh bị máy cắt cỏ cắt lìa chân. Đó là trường hợp anh L.V.T (38 tuổi) đến từ Văn Chấn, Yên Bái. Người bệnh và gia đình kể lại về tai nạn thương tâm đã xảy đến với anh khi anh đang đi làm công việc cắt cỏ. Lưỡi của máy cắt cỏ đã bị va chạm vào thân cây và bật văng ra khỏi máy rồi bật trở lại vào chân người bệnh gây nên đứt rời hoàn toàn bàn chân trái. Sau 6 tiếng kể từ lúc tai nạn, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau khi được thăm khám, hội chẩn liên chuyên khoa, đánh giá tình trạng thương tật, các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình - Thẩm mỹ phối hợp cùng với các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành cắt lọc, làm sạch, loại bỏ dị vật ở phần cẳng chân bị dập nát, sau đó thực hiện kết hợp lại hai xương cẳng chân, nối gân và vi phẫu nối lại phần chân bị đứt rời cho người bệnh.   Người bệnh được hồi sinh đôi chân bị đứt lìa do máy cắt cỏ ThS. BS Trần Thị Thanh Huyền, khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, người trực tiếp nối lại cẳng chân cho người bệnh chia sẻ: Anh T nhập viện với vết thương đứt rời dưới 1/3 cẳng chân phải. Sau khi được phẫu thuật kết hợp xương, nối gân, người bệnh đã được kíp tạo hình vi phẫu nối lại mạch máu thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu. Trong mổ, phát hiện nhiều dị vật kim loại và vỏ cây bẩn dính vào chi thể đứt rời, nên trong quá trình phẫu thuật vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của chân sau mổ. Ngoài ra, việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân bằng kĩ thuật vi phẫu (phẫu thuật dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ) là kỹ thuật được thực hiện thường quy tại bệnh viện Việt Đức. Ngay sau khi khâu nối xong, mạch máu thông suốt, cẳng chân ấm hồng và mạch bắt rõ. Hiện nay, 1 tuần sau ca phẫu thuật, vết thương của người bệnh không có biến chứng, chân hồng hào, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rất tốt. Hiện tại người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa, trong thời gian tới người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa. Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hàng trăm trường hợp người bệnh đứt rời các phần cơ thể như tay chân, da đầu, môi mũi tai, dương vật do các nguyên nhân tai nạn khác nhau. Trong đó, có không hiếm các trường hợp đặc biệt như vết thương đứt rời cả hai tay, hai chân hay phối hợp trong các bệnh đa chấn thương nặng khác. Đây là những ca bệnh phức tạp, bởi đứt rời tay hoặc chân là các tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà tổn thương mất tay hoặc chân có thể ảnh nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Cho nên có những đêm bệnh viện đã phải huy động nhiều kíp vi phẫu thuật làm việc nhiều giờ liên tục để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật cứu sống các chi thể hay bộ phận đứt rời cũng như tính mạng người bệnh. Hồng Thiết

Xuất hiện thêm nhiều đầu số lừa đảo về việc nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

TĐKT - Kể từ thời điểm cuối tháng 10/2021, sau khi BHXH Việt Nam đưa ra cảnh báo về việc có đầu số 052… nhắn tin tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản, đến nay, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về việc có các đầu số khác nhắn tin, gọi điện và gửi đường link đăng nhập và một số ứng dụng, trang web xấu nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân của người dân.   Theo phản ánh của người dân, nhiều người nhận được tin nhắn từ các đầu số: +84563…; +84528…; +84582… với nội dung “[T.B] BHXH: Ong (Ba) da du d!eu k!en NHAN T1EN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao www.mvndc.icu de lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN! oZGa” hoặc “Ban da du d!eu k!en NHAN TIEN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao N85k.smkbid.icu) de lay. QUA HAN SE KHONG_DU0C CHAP NHAN!”…. Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo. Theo đó, khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.  Bên cạnh đó, hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900...  gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe, hướng dẫn kê khai tài sản, chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng.   Tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo Hiện tại một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, đã có người dân mất cảnh giác, truy cập các link lừa đảo nêu trên và bị kẻ xấu chiếm đoạt thành công tiền trong tài khoản ngân hàng cá nhân. BHXH Việt Nam một lần nữa khẳng định, các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi hoặc lấy thông tin cá nhân và hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân của người lao động. Cơ quan BHXH không gửi bất kỳ tin nhắn nào có nội dung như trên. BHXH Việt Nam cảnh báo, người lao động: Không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn; cần nâng cao cảnh giác, đồng thời bình tĩnh xác minh, nhận diện, tránh bị lợi dụng đối với các cuộc gọi đến từ các số điện thoại lạ hay các số điện thoại quốc tế tự xưng là cơ quan BHXH.   BHXH Việt Nam thông tin rõ tới người lao động, theo quy định của Nghị quyết số 116/NQ-CP và thời gian nhận đề nghị nhận hỗ trợ của người lao động từ Quỹ BHTN theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền. Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam theo đườnglink: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số BHXH”, “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy” chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu”. BHXH Việt Nam khuyến nghị: Khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của BHXH Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Hồng Thiết

Tri ân những hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo

TĐKT - Hơn 70 năm qua, nền giáo dục cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với sự phát triển của nền giáo dục, đội ngũ nhà giáo cũng ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho các nhà giáo Danh hiệu vinh dự Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, đồng thời cũng biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy, các cô và đòi hỏi mỗi thầy cô phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vinh dự mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hàng triệu nhà giáo đang lặng lẽ, miệt mài ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" trên khắp mọi miền đất nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp, nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số lớp học. Đó là những giáo viên không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh vừa qua… Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, lĩnh vực giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng. Trong giai đoạn khó khăn này, các thầy cô giáo, cán bộ và nhân viên toàn ngành đã nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng. Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt khó, không chỉ trong giai đoạn “thích ứng tạm thời” hiện nay, mà còn trên cả chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện. Theo đó, đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do đội ngũ nhà giáo quyết định. Do đó, một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới được thành công. Giai đoạn đầu đổi mới vừa qua, mỗi thầy cô giáo đều đã và đang cố gắng nỗ lực để hòa vào “dòng chảy” chung của quá trình đổi mới của ngành. Tuy nhiên, thách thức, khó khăn đặt ra còn rất nhiều, vì vậy, yêu cầu đối với nhà giáo là phải sẵn sàng tâm thế cho sự đổi mới, thích ứng với điều kiện mới, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Vẫn biết còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy cô, song với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập lạc hậu, để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ và đồng hành cùng tất cả các thầy, các cô. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay sẽ có nhiều giáo viên không được hưởng niềm vui trọn vẹn, khi dịch bệnh vẫn còn tác động, ảnh hưởng tới đời sống, công việc của các thầy cô. Chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà trước mắt sẽ còn nhiều chông gai, trọng trách của những người giữ vai trò “quyết định thành công đổi mới” sẽ còn nặng nề, nhưng nền Giáo dục Việt Nam sẽ cùng nhau để hoàn thành được trọng trách ấy. La Giang

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khai giảng hệ Cao học Khóa 16 năm học 2021 - 2022

TĐKT - Sáng ngày 13/11, Viện Đào tạo sau Đại học Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức lễ khai giảng trực tuyến hệ Cao học cho Khóa 16 năm học 2021 - 2022. Dự lễ khai giảng, có: GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường, các thầy giáo chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các khoa Kinh tế, Quản lý Kinh Doanh, Quản lý Nhà nước, Tài chính, Ngân hàng và khoa Ngôn ngữ Anh cùng các thầy/cô đại diện cho các Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Khoa học, Phòng Khảo thí, Phòng Tài chính, Phòng Quản trị A, Phòng Y tế, Trung tâm Truyền thông. Về phía lãnh đạo Viện Đào tạo sau Đại học có GS. Phạm Văn Đăng – Phó TSKH Vũ Huy Từ - Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Huy Thịnh – Phó Viện trưởng. Đặc biệt buổi lễ có sự tham dự của các thầy cô giáo là giảng viên chính các môn học và giáo viên chủ nhiệm, cùng với 296 học viên Cao học K16 đang theo dõi qua phương tiện trực tuyến. Lễ khai giảng hệ Cao học Khóa 16 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua ứng dụng zoom trong không khí long trọng. Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. NGND Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được xây dựng và chính thức hoạt động vào năm 1996, đến nay trường đã có 25 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiệm vụ quan trọng nhất là giảng dạy và đào tạo để các học viên của nhà trường gồm sinh viên, nghiên cứu sinh và các học viên cao học có thể đạt được kết quả tốt nhất. Trong suốt ¼ thế kỷ xây dựng và trưởng thành, trường đã đào tạo được 85.758 cử nhân kinh tế, kỹ thuật và ngôn ngữ, 4.500 thạc sĩ và 10 tiến sĩ kinh tế. Trường là một trong những trường đại học lớn với các khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Kinh doanh, Quản lý pháp luật, Công nghệ Thông tin, Sức khỏe, Du lịch và khối ngành Ngôn ngữ. Trường có 1.113 giảng viên, trong đó có 22 giáo sư, phó giáo sư; 64 tiến sĩ; 122 thạc sĩ và 669 cử nhân. Dù có một số hạn chế nhưng trong suốt quá trình giảng dạy, các giảng viên đã tự mình nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy của sinh viên và Nhà trường với số lượng đào tạo thành công 25.000 cho đến 30.000 cử nhân và các khối sau Đại học. GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng phát biểu trong lễ khai giảng. Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa nhiệt liệt chúc mừng các học viên đã vượt qua kỳ thi tuyển Khóa 16 và chính thức trở thành học viên Cao học của Nhà trường. Đồng thời, mong các Khoa hợp tác chặt chẽ với Viện Đào tạo sau Đại học trong công tác đào tạo, giúp các học viên hoàn thành khóa học, trở thành thạc sĩ để tương lai có thể cống hiến cho sự nghiệp kinh tế của địa phương, đất nước và nâng cao uy tín của nhà trường. PGS.TS Phạm Văn Đăng – Phó Viện trưởng Viện sau Đại học phổ biến cho các học viên về chương trình đào tạo, quy chế học tập… Trong buổi lễ khai giảng, các học viên Cao học Khóa 16 cũng đã được phổ biến về chương trình đào tạo, phương thức giảng dạy, quy chế học tập… để có thể hiểu rõ được quá trình 2 năm học tập và rèn luyện tại trường./. Tin: Nguyễn Quỳnh                                                                             Ảnh: Huy Thuyết

Trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021

TĐKT - Tối 13/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Đây là một trong những sự kiện đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021). Dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành trung ương, các cơ quan báo chí, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao giải.   Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải đặc biệt cho nhóm tác giả đạt giải Từ 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương gửi tham dự Giải, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 45 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của các tác giả và nhóm tác giả để trao: 1 giải đặc biệt, 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 18 giải khuyến khích. Giải đặc biệt được trao cho tác phẩm phim tài liệu 3 tập “Giặc nội xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc, Vương Khánh Trần Linh, Nguyễn Thanh Bình, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, phát sóng trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao thưởng.   Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải cho nhóm tác giả đoạt giải A Các tác phẩm giành giải A gồm: Loạt 5 bài "Sự thật - Hành trình trần ai” - Tác giả: Võ Thị Thiên Nga đăng trên Báo Tiền phong; loạt 5 bài “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam” - Nhóm tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Chiên, Nguyễn Văn Đức, Võ Hồng Nhân đăng trên Báo điện tử Dân Việt; loạt 3 bài "Cấp ủy ở đâu, khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế?"- Nhóm tác giả: Nguyễn Huy Nam, Lại Thị Hoa phát sóng trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; tác phẩm: “Nỗi đau từ dự án bảo tồn nguồn gen quý” -  nhóm tác giả: Nguyễn Đức Đệ, Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Quang Anh phát sóng trên Kênh VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam.   Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao giải B cho các tác giả đạt giải Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Giải, các tác phẩm báo chí dự thi năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” lần thứ ba, năm 2020 - 2021. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn phức tạp, lâu dài đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.   Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải Khuyến khích cho các tác giả đạt giải Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai đồng bộ với các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” và đã đạt kết quả rất quan trọng, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. “Những kết quả toàn diện và dấu ấn đậm nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và các nhà báo cách mạng như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.” - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh. Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Đỗ Văn Chiến, sau 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ”, “cạm bẫy”, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Đỗ Văn Chiến ghi nhận và biểu dương Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Giải báo chí rất có ý nghĩa này.   Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại buổi lễ “Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, kết quả đạt được của các tác phẩm lần này rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi nhất là những tác phẩm đoạt Giải là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi. Chính bởi vậy, đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Giải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện Thể lệ Giải nhằm động viên, thu hút đông đảo các nhà báo tham gia. Cùng với việc phát động Giải lần thứ tư, cần có hình thức phù hợp để cung cấp thông tin, định hướng chủ đề cụ thể để các nhà báo tiếp cận với những nội dung mới trong công tác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biện cần nghiên cứu, có hình thức phù hợp để vinh danh hoặc trao Giải đặc cách cho những tác phẩm báo chí đoạt Giải Báo chí Quốc gia thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời động viên, khích lệ các nhà báo tích cực tham gia một đề tài có nhiều khó khăn. Nhấn mạnh tới việc quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, cùng với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, qua hoạt động của báo chí, cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha. Nhân dịp này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị Ban Tổ chức Giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo để các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị, vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà”. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Đỗ Văn Chiến tin tưởng, trong thời gian tới Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thu hút được đông đảo các nhà báo tham gia, trở thành một giải báo chí chuyên đề đặc biệt; sẽ có nhiều tác phẩm báo chí giá trị, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Mai Thảo

Sắp diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

TĐKT - Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ được tổ chức vào tối ngày 19/11 tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cầu thành phố Hà Nội. Lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và các kênh, đài truyền hình khác của trung ương và các địa phương. Đó là thông tin được đưa ra thảo luận tại cuộc họp trực tuyến sáng 13/11 giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các cơ quan liên quan về công tác phối hợp chuẩn bị Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Quang cảnh cuộc họp trực tuyến sáng 13/11 Trước đó, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Trên cơ sở thống nhất giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy thành phố Hà Nội và lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 13/11/2021, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 22.930 ca. Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, việc tổ chức buổi lễ đầy ý nghĩa này nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19; thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng; buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua Lễ tưởng niệm cũng khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được biết, cùng với việc tổ chức Lễ tưởng niệm tại hai điểm cầu, tại các đơn vị cấp quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh… (nơi có nhiều người dân tử vong và có nhiều con em là cán bộ, chiến sỹ hy sinh vì dịch bệnh) có thể lựa chọn hình thức phù hợp để đồng loạt hưởng ứng chương trình do trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, trong thời gian diễn ra lễ tưởng niệm, các cơ quan trung ương và địa phương hạn chế hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Các đài truyền hình tạm ngừng phát sóng các chương trình này và ưu tiên tiếp sóng lễ tưởng niệm từ Đài Truyền hình Việt Nam. Thục Anh    

Khoa Quản lý Kinh doanh HUBT kỷ niệm 25 năm thành lập

TĐKT - Ngày 12/11, khoa Quản lý Kinh doanh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) long trọng tổ chức buổi lễ chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập trường, 25 năm thành lập khoa Quản lý Kinh doanh và tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. GS. TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường dự và phát biểu tại buổi lễ. Đại diện Ban Giám hiệu nhận hoa chúc mừng của Ban Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh Ra đời cùng với sự thành lập của nhà trường, Khoa Quản lý Kinh doanh đã từng bước trưởng thành, đóng góp đào tạo thành công những cử nhân chuyên ngành quản lý kinh doanh cho xã hội. Hiện nay, khoa Quản lý Kinh doanh là khoa duy nhất đào tạo cả cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Quản trị Kinh doanh. Tổng số sinh viên của khoa là khoảng 12.000 sinh viên, trong đó có 8000 sinh viên đã tốt nghiệp và hơn 4000 sinh viên đang theo học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa ngày càng được chú trọng và nâng cao về số lượng và chất lượng. 50% số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, 50% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ. Chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh hệ đại học, cao học và tiến sĩ  được hoàn thiện. Khoa cũng đã tổ chức được nhiều buổi tọa đàm, hội thảo khoa học cấp khoa, cấp trường được đánh giá chất lượng tốt. Trong hoạt động đào tạo, khoa Quản lý Kinh doanh áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, giảng viên giữ vai trò như một cố vấn khoa học và lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và độc lập của sinh viên. Bên cạnh đó, Khoa Quản lý Kinh doanh luôn rèn luyện cho sinh viên lối tư duy theo cách “Hãy suy nghĩ không cũ về vấn đề không mới”. Tất cả những điều trên đã trở thành phương châm hành động, được lan tỏa đến các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của khoa. Nhiều sinh viên đã vận dụng thành công và trở thành những doanh nhân thành đạt trong xã hội. GS. TS.  Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu chúc mừng Khoa Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ghi nhận những thành tích nổi bật của Khoa trong 25 năm qua, Khoa đã từng bước trưởng thành và phát triển, từ chỗ chỉ có vài chục sinh viên đến nay đã có vài nghìn sinh viên, đã cho ra trường hơn 8.000 cử nhân quản trị kinh doanh, hàng nghìn thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ. GS. TS Đinh Văn Tiến đề nghị cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Quản lý Kinh doanh tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được, xây dựng khoa ngày càng phát triển, góp phần nâng vị thế của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lên một tầm cao mới. Để đạt được các mục tiêu đề ra, lãnh đạo Khoa cần kiên định và hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - giảng viên, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng và phương pháp đào tạo theo hướng tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Hạnh Trần  - Việt Anh

Bộ Quốc phòng triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

TĐKT - Chiều 11/11, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị. Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, toàn quân đã quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường lực lượng, phương tiện, trang bị, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng, chống dịch cho các địa phương có dịch bùng phát; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương… Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả”; thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, bám sát hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) để điều chỉnh hình thức, nội dung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Toàn quân đã thành lập hơn 1.500 tổ lấy mẫu xét nghiệm, trên 300 tổ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và 91 tổ hồi sức cấp cứu; triển khai các đợt tiêm vắc-xin trong toàn quân. Ngoài ra, Quân đội đã tích cực hỗ trợ giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong công tác phòng, chống dịch; tham gia hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 toàn quốc. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Vũ Hải Sản ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ toàn quân thời gian qua trong công tác phòng,c hống dịch COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục quán triệt xuyên suốt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm quy định “5K”. Quản lý tốt quân số theo các cấp độ dịch của Bộ Quốc phòng quy định. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương bảo đảm an ninh, an toàn trên các địa bàn; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch; tập trung rà soát kế hoạch phòng, chống dịch, huấn luyện bổ sung, kiện toàn lực lượng, bổ sung trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư quân y, củng cố cơ sở vật chất, trang bị cho các khu cách ly tập trung; sẵn sàng triển khai hỗ trợ địa phương nơi đóng quân khi dịch bùng phát. Tư lệnh các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia cùng địa phương triển khai phòng, chống dịch. Đối với các bệnh viện Quân đội cần tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, bổ sung thuốc cấp cứu, thuốc điều trị, ô-xy và vật tư tiêu hao; sẵn sàng tiếp nhận và điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19, hạn chế các ca bệnh chuyển nặng và tử vong; duy trì, thực hiện tốt việc phân luồng, sàng lọc, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân đến khám, điều trị, phòng, chống lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế. Nguyệt Hà

Góp phần giáo dục truyền thống, tăng thêm lòng tự hào về họ Mai Việt Nam

TĐKT - Ngày 10/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban Liên lạc họ Mai Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo Họ Mai Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề “Đóng góp của họ Mai Việt Nam trong lịch sử dân tộc; phương hướng hoạt động của Hội đồng dòng họ”. Dự hội thảo có ông Mai Ái Trực, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông; ông Trương Văn Đoan, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch họ Trương Việt Nam; GS. TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Họ Vũ – Võ Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch họ Dương Việt Nam; Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông, Bộ Công an; PGS. TS Mai Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền… và hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại diện chi họ Mai Việt Nam. Các đại biểu dự Hội thảo Họ Mai Việt Nam lần thứ nhất, năm 2021 Về Ban Liên lạc họ Mai Việt Nam, có ông Mai Văn Ninh, Trưởng ban Liên lạc họ Mai Việt Nam; Thượng tướng Mai Quang Phấn, Phó Trưởng ban Liên lạc họ Mai Việt Nam; Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực họ Mai Việt Nam; GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Trưởng ban Liên lạc họ Mai Việt Nam, cùng các thành viên trong Ban Liên lạc họ Mai Việt Nam. Với 35 tham luận chất lượng, có nhiều tư liệu lịch sử quý báu được nêu ra tại Hội thảo đã làm rõ những đóng góp quan trọng của họ Mai Việt Nam, của các danh nhân họ Mai trong mỗi thời kỳ, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong tiến trình lịch sử dân tộc. Họ Mai là một trong những dòng họ lâu đời ở Việt Nam. Trong suốt quá trình phát triển của dân tộc, họ Mai Việt Nam thời kỳ nào cũng có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời kỳ nào cũng xuất hiện những danh nhân họ Mai tiêu biểu, hết lòng cống hiến phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, được sử sách lưu danh, nhân dân mến mộ, tôn kính. Đó là niềm tự hào của dòng họ Mai Việt Nam. Thông qua hoạt động của các chi dòng họ, đặc biệt là thông qua nhân cách, trí tuệ, cách ứng xử, bản lĩnh, quan hệ xã hội của các danh nhân họ Mai, con người họ Mai, có thể định hình được những giá trị cốt lõi của người họ Mai Việt Nam. Đặc biệt, tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề để thảo luận có ý nghĩa thiết thực, góp phần trong việc phát triển dòng họ Mai thời gian tới. Cụ thể như, các đại biểu cho rằng trên cơ sở phân tích các truyền thuyết, các tài liệu lịch sử dựa trên những biến động về chính trị, xã hội, về địa lý, có thể chỉ ra được cội nguồn của họ Mai Việt Nam không? Hoạt động của các chi họ Mai có nhiều kinh nghiệm phong phú, đa dạng có cả thành công và chưa thành công, thời gian tới nên xây dựng hệ thống tổ chức hoạt động như thế nào cho có hiệu quả?... Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Văn Ninh, Trưởng ban Liên lạc họ Mai Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm của các nhà khoa học, đã dành thời gian và công sức sưu tầm, nghiên cứu và viết các bài tham luận chất lượng. “Đây không chỉ là những tư liệu quý, có giá trị mà còn là nguồn cổ vũ, động viên với những tình cảm sâu đậm, trong sáng, xây dựng của các nhà khoa học dành cho họ Mai thân yêu của chúng tôi.” - ông Mai Văn Ninh khẳng định. Ông Mai Văn Ninh cho rằng: Nghiên cứu về một dòng họ trong cả nước là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải cần nhiều thời gian, do đó không thể giải quyết qua một cuộc hội thảo. Cuộc hội thảo lần này mang nhiều ý nghĩa, với tinh thần tri ân tổ tiên, tìm về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống, tăng thêm lòng tự hào về họ Mai Việt Nam. Qua Hội thảo, để tiến tới thống nhất được những nhận định lớn, những xu hướng phát triển, tích cực, phù hợp nhằm xây dựng họ Mai Việt Nam đoàn kết, phát triển. Từ đó, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống dòng họ trong mỗi người con họ Mai, góp phần tích cực hơn nữa vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực, nhằm phát đi thông điệp đoàn kết, yêu thương, chia sẻ đến tất cả những người con yêu quý của họ Mai đang sinh sống, làm việc ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Mai Thảo

Triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079

TĐKT- Nhằm hỗ trợ cá nhân đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH có thể chủ động lấy lại được mật khẩu để đăng nhập ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” (ứng dụng VssID) hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam mới đây đã triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssIDqua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079. Triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID Để lấy lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, người dùng có thể sử dụng dịch vụ tin nhắn với cú pháp tin nhắn “BH MK {Mã số BHXH}” gửi tới đầu số 8079.   Ví dụ: Mã số BHXH 1234567xxx cần lấy lại mật khẩu, người dùng soạn tin nhắn gửi tới đầu số 8079 với cú pháp sau: BH MK 1234567xxx. Trường hợp hệ thống kiểm tra số điện thoại gửi tin nhắn là của đúng mã số BHXH trong nội dung tin nhắn và đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hệ thống sẽ trả về nội dung tin nhắn: “Cap lai mat khau thanh cong. Tai khoan: 1234567xxx/Mat khau: 22xx99”. Các trường hợp số điện thoại nhắn tin không đúng số điện thoại đã đăng ký với mã số BHXH, hoặc mã số BHXH sai cấu trúc (không phải 10 ký tự số), tin nhắn sai cú pháp... hệ thống sẽ gửi phản hồi đến số điện thoại đã gửi tin nhắn. Người dùng ứng dụng VssID lưu ý với đầu số 8079 nhà mạng sẽ thu phí dịch vụ 1.000 đồng/1 tin nhắn. Thực tiễn quá trình sử dụng ứng dụng VssID của người dùng cho thấy, nhiều người dùng quên mật khẩu để đăng nhập ứng dụng và sử dụng chức năng “Quên mật khẩu” để lấy mật khẩu mới với nội dung tin nhắn Brandname như sau: “Cap lai mat khau thanh cong. Mat khau moi: 279419”. Bởi, tiện ích này được cơ quan BHXH cung cấp hoàn toàn miễn phí nên đa phần người dùng ứng dụng không có thói quen ghi nhớ mật khẩu của mình, mỗi lần sử dụng thay vì tìm mật khẩu đã được cấp để hoàn tất việc đăng nhập, lại thao tác quên mật khẩu. Theo số liệu thống kêcủa BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm 14h00’ ngày 18/10: Số lượng tài khoản VssID đã được phê duyệt là 21.635.070; Số lượng tin nhắn quên mật khẩu (gồm: 1 tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại + 1 tin nhắn thông báo mật khẩu mới) là 11.366.788 tin nhắn. Như vậy, đã có khoảng gần 5,7 triệu lượt người (tương đương 26% số người có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH) sử dụng chức năng quên mật khẩu. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2021 đến ngày 15/10/2021 số người quên mật khẩu là 1.791.924 tăng 200% so với bình quân các tháng trước. Đặc biệt có những người trong 1 tháng báo quên mật khẩu tới hơn 40 lần. Đơn cử: Tháng 08/2021 số điện thoại 0327xxx686 quên 43 lần; Tháng 09/2021 số điện thoại 0377xxx835 quên 47 lần; Tháng 10/2021 số điện thoại 0366xxx286 quên 45 lần;... Do đó, để giảm tải cho hệ thống, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dùng ứng dụng VssID, việc BHXH Việt Nam triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079 là giải pháp hữu hiệu. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh ứng dụngVssID, phần mềm để người dùng có thể thực hiện thao tác cấp lại mật khẩu đăng nhập miễn phí qua email, thông qua ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2020 đến nay, ứng dụng VssID đã mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như: quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB BHYT. Hồng Thiết  

Trang