Chính trị - Xã hội

Phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”

TĐKT - Chiều 3/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ phát động Chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Chương trình do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu. Cùng dự còn có đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Chương trình diễn ra trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Covid-19 cũng trực tiếp tấn công vào công nhân các khu công nghiệp với mức độ nguy hiểm cao, gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Mục đích của chương trình nhằm ủng hộ vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. Quỹ này sẽ cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay, việc thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 để có thể sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng có ý nghĩa căn cơ lâu dài, mang tính quyết định. Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp bàn và đã quyết định các nguồn lực của ngân sách nhà nước và các nguồn lực của xã hội để mua vắc-xin tiêm phòng cho toàn dân, đồng thời cũng có chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu, hợp tác với các nước để có thể sản xuất được vắc-xin ngừa Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam. Đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao sự phối hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức lễ phát động nhắn tin toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn bộ số tiền tiếp nhận được thông qua tin nhắn sẽ chuyển về Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 và hỗ trợ cho phòng, chống dịch, trong đó ưu tiên mua vắc-xin cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tin nhắn ủng hộ không chỉ góp phần vào chương trình vắc-xin cho công nhân mà quan trọng hơn, đó chính là biểu hiện sinh động của tấm lòng nhân ái, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng với anh chị em công nhân, lao động trong lúc khó khăn, tạo động lực vật chất và tinh thần góp phần cùng cả nước kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của mình và mọi người vì sự an toàn của cộng đồng xã hội. Các vị đại biểu bấm nút phát động nhắn tin "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi và gửi lời tri ân tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Nguyễn Đình Khang kêu gọi các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước tích cực tham gia nhắn tin qua Tổng đài 1408 và ủng hộ Chương trình “Vắc-xin cho công nhân”. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, số tiền ủng hộ từ chương trình sẽ được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó ưu tiên mua vắc-xin cho các đối tượng chính sách, người nghèo, công nhân lao động, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân. Thục Anh

Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ kết quả của cuộc bầu cử

Ngày 03/6/2021, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2021. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham dự phiên họp. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao đổi với các thành viên Chính phủ bên lề phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. Ảnh: Nhật Bắc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nội dung báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, ngày 02/6/2021, Bộ Nội vụ đã có báo cáo kết quả công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 gửi Chính phủ. Báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả bước đầu của cuộc bầu cử cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt tỷ lệ 99,59%; bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện đạt tỷ lệ 99,54%; bầu cử đại biểu HĐND cấp xã đạt tỷ lệ 98,94%. Có 05 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã của thành phố Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk phải tiến hành bầu cử lại do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Số đơn vị phải bầu cử thêm do bầu thiếu đại biểu theo quy định: có 02 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện của tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang; có 220 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã của 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Hà Nội, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc). Về kết quả trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Nội vụ cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số người trúng cử đại biểu Quốc hội là 500/500 đại biểu, với cơ cấu, thành phần: nữ chiếm 30%; dân tộc thiểu số chiếm 17,8%; trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 9,2%; ngoài Đảng chiếm 2,6%; tái cử chiếm 37%; tôn giáo chiếm 1,8%; tự ứng cử chiếm 0,8%; Về trình độ chuyên môn của đại biểu Quốc hội khóa XV: trên đại học chiếm 78,6%; đại học chiếm 21,2%; dưới đại học chiếm 0,2%. Về cơ cấu các cơ quan, tổ chức: cơ quan Đảng chiếm 22,2%; chính quyền chiếm 35,8%; Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chiếm 11,6%; tòa án nhân dân chiếm 1,4%; viện kiểm sát nhân dân chiếm 1,2%; quân đội, công an chiếm 9,6%; cơ quan, đơn vị khác chiếm 18,2%. Số người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.721/3.799 đại biểu (bầu thiếu: 78 đại biểu); số người trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 22.548/22.592 đại biểu (bầu thiếu: 44 đại biểu); số người trúng cử đại biểu HĐND cấp xã là 239.583/242.241 đại biểu (bầu thiếu: 2.658 đại biểu). Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật tình hình bầu cử thêm, bầu cử lại tại một số địa phương để kịp thời tổng hợp, báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các nội dung phục vụ Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng thời, Bộ Nội vụ giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./. Theo Trần Kiên tcnn.vn  

BHXH Việt Nam chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý, xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản

TĐKT - BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 1511/BHXH-CSXH gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh công tác quản lý, xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, qua công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện có tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện cấp chứng từ hưởng BHXH không đúng quy định cho người lao động (NLĐ) để thanh toán chế độ BHXH, có trường hợp trục lợi chính sách, vi phạm các quy định của pháp luật về chính sách an sinh xã hội. Tiếp nhận hồ sơ tại BHXH thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương Trong quá trình thẩm định hồ sơ ốm đau, thai sản tại một số nơi đã phát hiện sự bất thường về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (GCN) với các biểu hiện: Cấp giấy chứng sinh, giấy khai sinh không đúng thời gian thực tế sự việc phát sinh; số lượng GCN được cấp lớn trong thời gian ngắn; số ngày được nghỉ trên 1 GCN nhiều bất thường; cấp GCN không đúng tình trạng sức khỏe, tình trạng mang thai…; số GCN do một bác sĩ cấp/một ngày rất lớn, vượt xa số lượt khám tối đa cho phép đối với một bàn khám (một bác sĩ) theo Hướng dẫn Quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện được ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế và một số biểu hiện bất thường khác. Sau đó, NLĐ nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau, thai sản. Về việc này, BHXH Việt Nam đã có các văn bản chỉ đạo như Công văn số 4733/BHXH-CSXH ngày 18/12/2019 về việc chấn chỉnh và hướng dẫn xử lý một số tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHTN; Công văn số 3103/BHXH-CSXH ngày 1/10/2020 về việc chấn chỉnh việc thực hiện đối soát dữ liệu KCB và cấp các hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH trên Cổng Thông tin Giám định BHYT và ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp nhận, giải quyết các chế độ BHXH của Tổng Giám đốc tại các Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành. Để ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KCB, pháp luật về BHXH, gây thất thoát lãng phí, trục lợi quỹ BHXH, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Giám đốc và triển khai một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, trên cơ sở dữ liệu hiện có tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cấp GCN tại các cơ sở KCB đã cấp các GCN có dấu hiệu bất thường nêu trên hoặc các dấu hiệu bất thường khác (thanh kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất, đối soát với Hệ thống thông tin giám định BHYT…). Thứ hai, dừng chi trả ngay đối với các chứng từ đã xác định không hợp lý, không hợp lệ, bằng mọi biện pháp thu hồi về quỹ số tiền đã chi trả chế độ với GCN cấp sai quy định nêu trên. Thứ ba, khai thác triệt để các ứng dụng phần mềm khi xét duyệt hưởng chế độ ốm đau, thai sản và trong công tác hậu kiểm. Thứ tư, rà soát lại việc cấp GCN của các cơ sở KCB trên địa bàn; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố và phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra. Trường hợp cần thiết thì chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật. Thứ năm, tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn về quản lý, đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng lao động, NLĐ để tiếp nhận phản ánh về những biểu hiện bất thường về tình trạng nghỉ việc hưởng BHXH của NLĐ trong đơn vị. Trong 4 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới chế độ ốm đau, thai sản cho gần 3 triệu người. Công tác quản lý chi trả BHXH (ốm đau, thai sản…) và quản lý người hưởng các chế độ BHXH trong thời gian qua luôn được ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp quản lý được tăng cường như ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đến đúng người thụ hưởng chế độ; các quy trình, thủ tục chi trả, quản lý người hưởng được đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng, góp phần củng cố niềm tin của người thụ hưởng đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Hồng Thiết

Công nghệ AI giúp phát hiện người không đeo khẩu trang trên xe khách

TĐKT - Từ tháng 6/2021, Công ty TNHH Phát triển công nghệ Điện tử Bình Anh (BA GPS) sẽ cung cấp miễn phí tính năng “Cảnh báo không đeo khẩu trang” cho các phương tiện lắp camera giám sát trên xe vận tải hành khách. Theo ông Phạm Thái Hòa, Giám đốc Công nghệ của BA GPS: "Trong những năm gần đây, công nghệ AI đã gần gũi với chúng ta, nó mang lại khá nhiều lợi ích trong việc quản lý hành vi con người. Có nhiều công nghệ để xử lý, phân tích ra thông tin cần thiết trong những bức ảnh mà người ta gọi tên chung là computer vision (CV) hay “thị giác máy tính”. Công nghệ CV này hiện đang được BA GPS áp dụng trên hệ thống camera trên xe, giúp đảm cao an toàn cho lái xe và hành khách đi xe.  Model (mô hình) nhận dạng hoàn thiện dần theo số lượng mẫu mà BA GPS xây dựng. Thuật toán về machine learning (học máy) và deep learning (học sâu) ngày càng thông minh hơn khi được "đào tạo" bởi càng nhiều mẫu trong thực tế. Chúng tôi kỳ vọng, với số lượng hình ảnh camera của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, việc nhận dạng người không đeo khẩu trang và đếm số hành khách đi xe có thể sẽ chính xác trên 95%”. Theo đó, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, tính năng “Cảnh báo không đeo khẩu trang” sẽ được cài đặt miễn phí cho các phương tiện vận tải hành khách. Tính năng này được phát triển bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI. Hệ thống cảnh báo được gửi về cho đơn vị kinh doanh vận tải qua phần mềm trên điện thoại thông minh và máy tính nếu có hành khách không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách Công nghệ “Cảnh báo không đeo khẩu trang” sẽ giúp phát hiện, cảnh báo những trường hợp hành khách/nhân viên của nhà xe không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách để phòng ngừa Covid-19 mà các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí cảnh báo thời gian qua. Cụ thể, hệ thống phân tích này được kết nối với camera trên xe để lấy dữ liệu hình ảnh, sau đó công nghệ AI sẽ tự động phân tích và gửi thông báo về đơn vị vận tải mỗi khi phát hiện có người không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Hệ thống còn đánh dấu ô xanh những khuôn mặt đeo khẩu trang và ô đỏ những khuôn mặt không đeo khẩu trang. Tính năng “Cảnh báo không đeo khẩu trang” sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi di chuyển bằng xe chở khách, nâng cao ý thức tuân thủ 5K, giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong môi trường đông người, khép kín, dễ lây nhiễm trên xe và khó truy vết khi phát hiện ca mắc Covid-19. Công nghệ này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải nhắc nhở từ xa nếu xảy ra việc hành khách, lái xe, phụ xe vi phạm về việc không đeo khẩu trang. Thời gian tới, BA GPS sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ AI để giúp các doanh nghiệp vận tải tối ưu quản lý và nhận được những cảnh báo sớm nhằm nâng cao an toàn cho người đi xe, một số tính năng khác cũng sẽ sớm đi vào hoạt động như: Đếm người trên xe, cảnh báo tài xế sử dụng điện thoại, không đeo dây an toàn, xe mở cửa khi chạy, cảnh báo có người bị bỏ quên trên xe, kết nối camera nhiệt để tự động phát hiện khi nhiệt độ cơ thể khác thường. Đếm số hành khách và cảnh báo chính xác kể cả khi người không đeo khẩu trang ở cuối xe Chủ tịch BA GPS, ông Đào Thanh Anh: "Công nghệ AI không có gì là xa vời với chúng ta và những công ty công nghệ trong nước. Với ngành vận tải, AI không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho chủ xe, mà còn nâng cao an toàn cho mọi hành khách đi xe. Môi trường xe khách, xe buýt, xe chở công nhân, xe chở học sinh… khép kín, bật điều hòa, yếm khí nên dễ lây nhiễm và khó truy vết khi gặp ca Covid-19. Tôi hi vọng, tính năng cảnh báo không đeo khẩu trang trên xe sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch”. Các đơn vị vận tải có nhu cầu kích hoạt tính năng này, vui lòng liên hệ BA GPS qua số tổng đài 1900 6464 hoặc gửi mail tới địa chỉ email pcskh@bagroup.vn để được hỗ trợ. Mai Thảo

Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa an vui cho tuổi già

TĐKT - Kon Tum là một tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí không đồng đều nhưng người dân, người lao động từ lâu đã hiểu được giá trị của chính sách BHXH. Nhiều người đang thụ hưởng chế độ lương hưu, thẻ BHYT từ chính sách BHXH và cũng có không ít người đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai. Niềm vui lúc xế chiều Mới đây, theo số liệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội vừa công bố tại Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” cho thấy, trong số 13,4 triệu người già, có khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc chật vật mưu sinh kiếm sống. Số còn lại, đa phần được hưởng lương hưu có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, có thẻ BHYT do quỹ BHXH cấp miễn phí để yên tâm sinh sống, an hưởng tuổi già nhờ vào việc đã tham gia BHXH. Ông A Thiêng phấn khởi khoe số tiền lương 2 tháng mới được lĩnh Ông A Thiêng, 106 tuổi, dân tộc H’Rê (ở thôn Vi Kơ Lâng, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là một trong những người già hạnh phúc khi có lương hưu. Ông A Thiêng từng có thời gian tham gia cách mạng, sau đó làm Bí thư Chi bộ xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) và Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận huyện Kon Plông. Sau bao năm lao động, cống hiến, ông A Thiêng bắt đầu được hưởng lương hưu từ tháng 1/1977. Đến nay, ông đã có gần 44 năm hưởng lương hưu với mức lương hưu hằng tháng là 4 triệu đồng. Nhờ có lương hưu, ông A Thiêng đã sống an vui ở tuổi xế chiều bên con cháu mà không phải vất vả làm ruộng, nương rẫy để lo cho cuộc sống như nhiều người già nơi đây. Số tiền lương hưu của ông hằng tháng, có thể không lớn với nhiều người, song ở vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn như thôn Vi Kơ Lâng, số tiền ấy thậm chí còn hơn cả thu nhập của một hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều người già trong làng, trong xã Hiếu thì đó còn là cả một niềm mong ước… Cán bộ BHXH huyện Kon Plông đến thăm và tặng quà ông A Thiêng. Không giấu được niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt, ông A Thiêng rút từ trong túi áo ra số tiền lương hưu vừa được lĩnh rồi khoe: “Hôm trước, nhận được thông báo Nhà nước chi trả gộp 2 tháng lương vào cùng một đợt, già phấn khởi lắm liền ra bưu điện xã lĩnh luôn. Đang bảo lát nữa sẽ đưa cho thằng cháu một ít đi mua dầu ăn, mắm muối đây... Lần nào cũng vậy, cứ nhận lương về là già chia ra các phần luôn, phần thì để mua thức ăn, phần thì cất đi để phòng khi lúc có việc còn dùng đến chứ…”. Theo ông A Thiêng, các con của ông đều làm nương rẫy, thu nhập chẳng đáng là bao nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, ngoài tự chăm lo cho bản thân khi về già, ông còn trích một phần lương hưu để hỗ trợ cho các con nuôi các cháu ăn học. Ông tâm sự: “Già thật lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và cả BHXH nữa, đã giúp già có lương hưu. Bao nhiêu năm nay, nhờ lương hưu mà già và gia đình sống khỏe đấy, lúc Già đau ốm, cái thẻ BHYT cho tiền chữa bệnh hết. Nếu như không có tiền lương hưu của già thì cuộc sống của con cháu chắc sẽ chật vật lắm”. Lao động tự do cũng có lương hưu Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia BHXH bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già. Ông Nhật cho biết: “Trước đây tôi làm tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”. Nhờ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nên dù là lao động tự do, ông Nhật vẫn có lương hưu và được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già Với sự lựa chọn, đầu tư hiệu quả ấy, hiện ông Nhật đã được gặt hái “trái ngọt” với số tiền lương hưu gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nhật nói: “Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ BHYT miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh tật cũng chả báo trước. Hiện tại, tôi vẫn còn khỏe để đi làm, vợ tôi cũng có lương hưu hằng tháng nên cuộc sống an ổn lắm”. Cũng giống ông Nhật, nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đã và đang lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH của toàn tỉnh là 47.246 người, trong đó BHXH tự nguyện là 8.023 người (tăng 358 người so với tháng trước). Qua thực tiễn triển khai chính sách BHXH cho thấy, niềm tin của người dân trên địa bàn đối với chính sách này ngày càng rõ nét, qua đó chính sách BHXH, BHYT đã tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp nhân dân. Người lao động tự do hay bất cứ công dân Việt Nam nào từ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, tham gia vào lưới an sinh xã hội của Nhà nước, để khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hằng tháng trang trải cuộc sống và trong suốt quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Hồng Thiết

Cần làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở Bắc Giang

TĐKT- Theo TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) là một phần quan trọng trong việc củng cố công tác phòng, chống dịch và phải được xem là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế. Hiện nay, trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mục tiêu của KSNK là hỗ trợ, duy trì các dịch vụ chăm sóc, điều trị thiết yếu bằng cách ngăn chặn sự lây truyền COVID-19 trong các cơ sở y tế để giữ cho bệnh nhân và nhân viên y tế khỏe mạnh và an toàn. TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong nhân viên y tế cao hơn rất nhiều so với người dân thường. Trong khi cán bộ y tế chỉ chiếm 3% dân số toàn cầu, có tới khoảng 14% các ca nhiễm được báo cáo cho WHO là thuộc nhóm cán bộ y tế. Vì vậy, việc bảo vệ nhân viên y tế là mấu chốt trong việc đảm bảo cho một hệ thống chăm sóc, điều trị và phòng, chống dịch được vận hành trôi chảy. Theo đó, thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là mắt xích quan trọng, là “chìa khóa vàng” trong sự thành công của công tác phòng, chống và điều trị COVID-19. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5188/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và KSNKSARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn bao gồm các nguyên tắc KSNKchung và các biện pháp kiểm soát cụ thể như phân luồng tiếp nhận và sàng lọc người bệnh, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ ăn uống, đồ vải, xử lý thi hài. Bên cạnh đó còn có Quyết định số 3088/QĐ-BYT về "Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID -19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp". Bộ tiêu chí được xây dựng và ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm. Các chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra công tác KSNKtại một cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Giang. Nói về công tác phòng, chống, KSNKtại Bắc Giang, TS.BS Trương Anh Thư cho biết, chủng virus biến thể Ấn Độ lần này có thời gian ủ bệnh và lây lan nhanh hơn các chủng cũ. Mật độ công nhân tại các ổ dịch quá đông, môi trường làm việc không đảm bảo thông khí, nhiều người di chuyển chung xe và dùng chung nhà vệ sinh. Do vậy số ca mắc bệnh tại Bắc Giang rất cao. Trước thực trạng này, việc bảo vệ nhân viên y tế - lực lượng quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch là yêu cầu sống còn. Nhằm giúp Bắc Giang làm tốt hơn về KSNK, Bộ Y tế đã cử nhiều chuyên gia tới nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm KSNK chuyên trách tại địa phương. Đối tượng tập huấn mở rộng dần từ các bệnh viện ưu tiên, tuyến tỉnh, thành phố đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện… Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng dẫn, thiết lập các bệnh viện chuyên khoa thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 và hỗ trợ về công tác KSNK, bảo vệ nhân viên y tế, đồng thời cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Là người đã từng có mặt tại những điểm nóng chống dịch COVID-19, TS.BS Trương Anh Thư nhận xét rất khách quan rằng bên cạnh những mặt đã làm được, hiện tại tỉnh Bắc Giang vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế, cần sớm được khắc phục. Trước tiên, hầu hết công tác kiểm tra, giám sát về tuân thủ thực hành phòng, chống dịch bệnh chưa được chú ý và yếu ở nhiều bệnh viện. Sau đó là nhân lực để làm vệ sinh môi trường còn thiếu, với lý do các công ty vệ sinh môi trường cũng e ngại về dịch bệnh, hoặc có tham gia thì họ đưa ra phí rất cao. Trong thời gian tới, nếu tỉnh Bắc Giang quyết liệt khắc phục được những điểm hạn chế này thì vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ được giải quyết thỏa đáng, qua đó củng cố thêm niềm tin địa phương sẽ sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. La Giang    

Bộ Nội vụ ủng hộ 436 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Sáng 1/6, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ (do đồng chí Vũ Đăng Minh, Chủ tịch Công đoàn, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn) đã đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao 436 triệu đồng, góp thêm nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Trao số tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tới đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Vũ Đăng Minh cho biết: Đây là tấm lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên Công đoàn Bộ Nội vụ, mong muốn góp phần nhỏ bé để chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp thêm nguồn lực đẩy lùi dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tiếp nhận ủng hộ từ Bộ Nội vụ Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trân trọng cảm ơn những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã kịp thời sẻ chia, đóng góp nguồn lực cùng chung tay với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh cùng với những giải pháp quyết liệt trong truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa và giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết để chặn đứng nguồn lây thì việc tiêm vaccine đại trà cho nhân dân có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tiếp nhận ủng hộ từ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước rất cần sự chung tay góp sức của mỗi người dân, của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. “Mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước chung tay hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Những lúc khó khăn nhất chính là dịp để mỗi người dân Việt Nam chúng ta thể hiện tinh thần đoàn kết cùng hành động và có trách nhiệm vì đất nước” - ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tiếp nhận ủng hộ từ TTXVN Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, từ ngày 1/5 đến nay, số tiền ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thông qua hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương và qua Bộ Y tế là gần 3.500 tỷ đồng. Từ nguồn lực tiếp nhận được, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phân bổ kịp thời kinh phí để bổ sung vào quỹ vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, nguồn lực tiếp nhận được cũng được dành để hỗ trợ mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch; hỗ trợ kinh phí cho những nơi tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; trợ giúp cho các gia đình gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tiếp nhận ủng hộ từ Bộ Tài chính Cùng ngày, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19từ nhiều đơn vị: Thông tấn xã Việt Nam số tiền ủng hộ 450 triệu đồng; Hiệp hội đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Ma cao (Trung Quốc) ủng hộ 131,7 triệu đồng; Giáo hội Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam ủng hộ 300 triệu đồng; Công ty TNHH công nghệ Pros Việt Nam ủng hộ 69 triệu đồng; Bộ Tài chính số tiền 1 tỷ đồng; Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương số tiền 50 triệu đồng; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) ủng hộ 26 triệu đồng. Mai Thảo

Toàn quân triển khai chống dịch “sớm hơn và cao hơn một bước”

TĐKT - Ngày 1/6, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong quân đội. Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị. Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Pha Theo báo cáo của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), đến 12 giờ ngày 31/5, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 7.236 ca (5.733 ca mắc trong nước và 1.503 ca nhập cảnh), 47 ca tử vong. Từ 27/4 đến nay, số ca mắc tăng nhanh và lan rộng ra 34 tỉnh, thành phố với 4.163 ca (lớn hơn tổng số ca mắc của các đợt dịch trước), trong đó, điểm nóng là Bắc Giang (2.209 ca), Bắc Ninh (808 ca), TP Hồ Chí Minh (157 ca)… số ca tử vong đợt này là 12 ca. Trước tình hình trên, toàn quân đã quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong quân đội; hỗ trợ phòng, chống dịch cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; đồng thời làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cục Quân y đã xây dựng kế hoạch huy động Tổ lấy mẫu (với 971 tổ) để sẵn sàng lấy mẫu phục vụ xét nghiệm khi xuất hiện ca mắc và các trường hợp liên quan ca bệnh, liên quan ổ dịch; tổ chức tập huấn xét nghiệm trực tuyến toàn quân. Đến nay, quân đội đã hoàn thành tiêm vaccine đợt 1 và đợt 2 đảm bảo an toàn, với 86.896 liều vaccine AstraZeneca, trong đó 14.643 đồng chí đã tiêm đủ 2 mũi. Hiện nay, quân đội bắt đầu triển khai đợt 3 tiêm vaccine phòng COVID-19 với 89.000 liều, đặc biệt, đã tiêm đủ cho các cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng, chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Các đơn vị, nhất là các Quân khu: 1, 2, 3, Quân đoàn 2, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã rà soát, chuẩn bị các điểm cách ly tập trung các trường hợp F1 khi dịch bệnh bùng phát lan rộng. Theo đó, Quân khu 1 chuẩn bị 800 chỗ; Quân đoàn 2 chuẩn bị 1.354 chỗ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: 21 cơ sở với 10.215 chỗ, Quân khu 3: 9 cơ sở với 1.262 chỗ... Ngoài ra, các Quân khu 5, 7, 9 cũng chuẩn bị các khu cách ly dã chiến sẵn sàng cách ly số lượng lớn người nhập cảnh từ nước ngoài về nước qua biên giới đường bộ. Các đơn vị bảo đảm các trang bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất trong ít nhất 2 tuần đến 1 tháng. Trong công tác kiểm soát biên giới, Quân đội duy trì 1.906 tổ chốt chặn (1.508 cố định, 398 lưu động) với 12.862 người; huy động 27 tàu và 448 cán bộ, chiến sỹ tuần tra vùng biển Tây Nam. Toàn quân đã triển khai 175 điểm cách ly, tổng tiếp nhận, cách ly là 225.955 người, đã hoàn thành cách ly 214.691 người, hiện đang cách ly 11.264 người; không để lây chéo trong khu cách ly. Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Vũ Hải Sản đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng, đơn vị trong toàn quân trong tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện phòng, chống dịch để các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục. Xác định tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát rộng và lan vào quân đội rất cao, Trung tướng Vũ Hải Sản yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản, công điện của các cấp về phòng, chống dịch; triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “sớm hơn và cao hơn một bước”. Toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bộ đội không chủ quan, lơ là nhưng không hoang mang, lo sợ trước diễn biến dịch bệnh, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch, nhất là khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, xác định cấp độ dịch trên địa bàn để có các bước triển khai, điều hành các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không để dịch lây lan trong đơn vị. Lực lượng bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp với các lực lượng, đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động xâm nhập trái phép; bảo đảm tốt phương tiện phòng hộ, quân trang, điều kiện sinh hoạt cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt chặn. Trung tướng Vũ Hải Sản nhấn mạnh, cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chống “giặc” COVID-19, các cơ quan, đơn vị toàn quân phải duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, biên giới, nội địa và không gian mạng, kịp thời xử lý các tình huống, không để bị động bất ngờ. Cùng với đó, các đơn vị cần quan tâm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác được giao… Phương Thanh

Từ ngày 1/6, người tham gia BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh trên toàn quốc

TĐKT - Từ ngày 1/6, người dân cả nước sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các chức năng của ứng dụng VssID và chỉ đạo BHXH các tỉnh tổ chức triển khai đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng trên phạm vi cả nước. Người tham gia BHXH sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID từ ngày 1/6 Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1115/BHXH-TST đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến thống nhất về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày 1/6/2021. Đề xuất này được đưa ra trong khi Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và trên cơ sở những lợi ích thiết thực mang lại cho người tham gia và cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, ngày 27/5/2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 4316/BYT-BH về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở KCB triển khai thực hiện, có văn bản thống nhất thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, từ ngày 1/6/2021, người bệnh BHYT đi KCB được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Thứ hai, cơ sở KCB sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc). Thứ ba, cơ sở KCB có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ KCB BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan BHXH để phối hợp giải quyết. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sử dụng ứng dụng VssID để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT theo các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 3717/BHXH-CNTT ngày 25/11/2020 về việc triển khai ứng dụng VssID. Đặc biệt, việc thí điểm triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB tại 10 tỉnh vùng bị lũ lụt thuộc miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian vừa qua đã mang lại sự tiện lợi cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Bên cạnh đó, tính bảo mật, an toàn khi sử dụng được đảm bảo, hạn chế được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Việc chính thức triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB trên toàn quốc là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra đối với thẻ BHYT giấy; đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người tham gia và cơ sở KCB, do thẻ có mã QR code được tự động tăng độ phân giải, tăng độ sáng hiển thị làm rõ các thông tin trên thẻ BHYT. Đặc biệt, việc triển khai này còn đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH đối với các hoạt động liên quan tới thẻ BHYT giấy trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hồng Thiết

Sự đóng góp của Chính phủ Việt Nam được Covax đánh giá cao

TĐKT - Bộ Y tế đã có cuộc họp trực tuyến với đại diện của COVAX Facility đánh giá tình hình cung ứng vắc xin trên toàn cầu của COVAX Facility, trong đó có việc cung ứng vắc xin COVD-19 cho Việt Nam. Được biết, trong bối cảnh nhu cầu về vắc xin COVID-19 trên thế giới rất lớn, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai rất tốt hoạt động tiêm chủng. Do đó, phía Việt Nam cũng đã kiến nghị về vấn đề chuyển giao công nghệ trong tham gia chuỗi cung ứng của COVAX để đảm bảo vắc xin cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc thành lập COVAX Facility với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin trong năm 2021, đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 cho tất cả các quốc gia. Đây là cơ hội cho tất cả các quốc gia có thu nhập thấp có điều kiện để tiếp cận với vắc xin phòng COVID-19. Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Nhật và COVAX trong việc tổ chức hội nghị này. Theo đó, Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vắc xin được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam đang khẩn trương triển khai tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và đảm bảo tiến độ an toàn, hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua. Bộ Y tế họp trực tuyến với đại diện của COVAX Facility Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn; số trường hợp mắc bệnh ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và tại cộng đồng, do đó việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là rất cần thiết. Việt Nam mong muốn COVAX Facility đẩy nhanh tiến độ cung ứng và bổ sung số lượng các loại vắc xin cho Việt Nam. Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức Quốc tế và các quốc gia trên thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và cung ứng vắc xin phòng COVID-19. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để chủ động nguồn vắc xin cho người dân Việt Nam. Đồng thời, cam kết với COVAX, WHO trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy và mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vắc xin cho COVAX và cho các nước cũng như cho Việt Nam. Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX Facility. Việc ủng hộ này thể hiện sự đánh giá cao hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19 của sáng kiến toàn cầu này và khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong chương trình COVAX Facility. Bảo Hân

Trang