Chính trị - Xã hội

Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 chính thức khánh thành

TĐKT - Sau hơn 1 tháng thi công, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với quy mô 500 giường bệnh, đặt tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) đã hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Lễ khánh thành bệnh viện này. Trực tiếp đi kiểm tra công trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đặc biệt hơn đây là tuyến cuối, nơi điều trị cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Thủ tướng đồng thời đã gặp gỡ, hỏi thăm và động viên các cán bộ y tế làm việc tại bệnh viện trong thời gian tới và nhắc nhở các cán bộ y tế tại đây giữ gìn sức khỏe và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo hộ y tế, phòng ngừa dịch bệnh để tránh lây nhiễm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính căn dặn các y, bác sĩ tại bệnh viện Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đặt tại quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) được coi là một trong những cơ sở hiện đại nhất Việt Nam để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Bệnh viện được chia thành 3 khu: Khu xanh là văn phòng hành chính; khu vàng là các dãy ký túc xá, nhà ăn, xét nghiệm, kho vật tư thiết bị y tế và khu đỏ là nơi điều trị. Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hoạt động với mục tiêu là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các thiết bị y tế lắp đặt tại bệnh viện Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguồn kinh phí để xây dựng bệnh viện hoàn toàn xã hội hóa, do các nhà tài trợ đóng góp và không sử dụng ngân sách nhà nước. “Việc hoàn thiện bệnh viện trong thời gian "thần tốc" một tháng là nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, bác sĩ bệnh viện, nhà thầu xây dựng và sự chung tay của rất nhiều doanh nghiệp.” - ông Nguyễn Lân Hiếu khẳng định. Toàn cảnh bệnh viện lung linh ánh đèn LED Rạng Đông khi về đêm Ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông – đại diện đơn vị tài trợ hệ thống và giải pháp chiếu sáng cho bệnh viện, với tổng trị giá 1,8 tỷ đồng cho biết: Ngay khi biết thông tin Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được sự chỉ đạo của Bộ Y tế cùng các ban, ngành thực hiện đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Dã chiến Hồi sức tích cực COVID-19 tại Hà Nội, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã chủ động đề xuất với đơn vị chủ đầu tư và tổng thầu được tài trợ toàn bộ hệ thống chiếu sáng cho bệnh viện dã chiến, với mong muốn được góp sức cùng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch, trang bị những giải pháp chiếu sáng tốt nhất cho bệnh viện, hỗ trợ tích cực cho các y, bác sĩ trongquá trình làm việc và hỗ trợ các bệnh nhân trong việc hồi phục sức khỏe. Đèn LED Panel Rạng Đông được lắp đặt khu vực sảnh chính, quầy lễ tân tiếp đón bệnh nhân Theo đó,Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng cho bệnh viện dã chiến. Các sản phẩm chiếu sáng của Rạng Đông đã được lắp đặt sử dụng trong chiếu sáng chung toàn bệnh viện; chiếu sáng khu hành chính; chiếu sáng khu dinh dưỡng - nghỉ ngơi - xét nghiệm, test định kỳ - kho vật tư thiết bị y tế; chiếu sáng khu điều trị cho các bệnh nhân nặng, khu cấp cứu. Ông Trần Trung Tưởng chia sẻ: “Bệnh viện là nơi hoạt động liên tục, tần suất cao (24/24h). Vì thế , yêu cầu chiếu sáng đòi hỏi cực kỳ khắt khe, hạn chế bảo dưỡng thay thế, ánh sáng phải phù hợp với từng vị trí, công năng sử dụng.Rạng Đông đã lên phương án các loại đèn chiếu sáng đáp ứng yêu cầu chiếu sáng cho bệnh viện và vận chuyển sản phẩm đến tận chân công trình xây dựng. Đặc biệt, giải pháp chiếu sáng này sẽ cung cấp nguồn sáng chất lượng, không bị mỏi mắt, không bị chói lóa, giúp các bác sĩ dễ dàng thao tác, quan sát các thiết bị y tế và dễ dàng trong việc điều trị bệnh nhân hơn.Với môi trường ánh sáng dịu, phân bố hài hòa sẽ giúp người bệnh có tâm lý ổn định, thoải mái và giảm được hồi hộp lo lắng, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình hồi phục sức khỏe.Tại các khu vực sinh hoạt chung, hành lang, các sảnh đón tiếp cũng sẽ đảm bảo sự di chuyển, sinh hoạt thuận tiện nhất và an toàn nhất.” Mai Thảo  

Nhanh chóng triển khai túi thuốc điều trị F0 tại nhà

TĐKT- Các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà đã được chuẩn bị và nhanh chóng cấp phát đến các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức để chuyển đến cho các F0 điều trị tại nhà. Các hoạt động xét nghiệm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang được triển khai quyết liệt, đi cùng với đó là số trường hợp dương tính được phát hiện trong cộng đồng cũng có sự gia tăng. Túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà Theo số liệu do Trung Tâm kiểm soát bệnh tật TPHồ Chí Minh(HCDC) cung cấp, tính đến sáng ngày 30/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà trên địa bàn TPHồ Chí Minhlà 85.298 người, trong đó có 60.581 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.717 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi. Công tác quản lý điều trị, nhất là việc phát thuốc điều trị cho các F0 tại nhà và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới đang được thành phố tích cực triển khai, tuy nhiên tại một số địa phương, việc cung cấp thuốc cho F0 đang thiếu. Theo báo cáo từ quận Phú Nhuận, đến ngày 30/8/2021 trên địa bàn quận hiện có 757 F0 theo dõi, điều trị tại nhà; 100% số F0 đã được cấp gói thuốc điều trị theo danh mục thuốc quy định. Tại quận Tân Phú, đại diện lãnh đạo quận cho biết, hiện trên địa bàn quận có 11 trạm y tế lưu động luôn sẵn sàng ứng trực cấp cứu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà. Việc cấp thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận được quản lý chặt chẽ bởi các trạm y tế lưu động, hiện số thuốc cấp phát còn ít, tồn nhiều do nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện để được cấp. Liên quan vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo, các trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các trạm y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm. Được biết, việc cấp thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà với 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng; gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày; gói thuốc C có thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thành phố hiện đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc trong đó có chứa gói thuốc A, B và đã cấp phát 74.000 túi thuốc này về cho các trung tâm y tế quận, huyện, TPThủ Đức để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà. Với gói thuốc C, tính đến thời điểm này Bộ Y tế đã cấp cho thành phố 16.000 túi, dự kiến vài ngày tới sẽ bổ sung thêm 34.000 liều thuốc này. Khánh Phương - Khôi Nguyễn  

Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ 2/9

TĐKT – Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1108/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương tập trung đông dân cư, giao thương lớn. Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tại một số địa phương việc thực hiện giãn cách vẫn chưa được triệt để, còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, ca bệnh phát hiện trong cộng đồng vẫn gia tăng. Thời gian nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Cụ thể, các địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các cấp chính quyền, nhất là tại cấp cơ sở về tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021. Tăng cường thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội để người dân tự giác, yên tâm tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng an sinh, bảo đảm tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong thời gian nghỉ lễ và thực hiện giám sát xã hội. Với các địa phương khác, cần tăng cường áp dụng và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là yêu cầu thực hiện thông điệp 5K; kiên quyết dừng tổ chức các lễ hội, tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động tại các khu vực công cộng, các cơ sở vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, địa điểm tâm linh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không cho tụ tập đông người tại các địa điểm này. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Tổ chức ứng trực 24/24 đối với các lực lượng tham gia chống dịch để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30/4. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Nguyệt Hà

Bắt giữ hàng trăm hộp thuốc, thiết bị y tế chống dịch nhập khẩu trái phép

TĐKT - Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm. 4 lô hàng nhập khẩu từ Nga về sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 17 và 24/8. Bắt giữ hàng trăm hộp thuốc, thiết bị y tế chống dịch nhập khẩu trái phép Trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan hàng hóa thể hiện là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm… Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan xác định lô hàng có chứa nhiều hàng hóa vi phạm. Kết quả khám xét thu giữ 180 bộ kit test nhanh Covid-19 và 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị Covid-19. Được biết, Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc. Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, mặt hàng thuốc và kit test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, nhưng thời điểm kiểm tra, 4 lô hàng trên không có giấy phép theo quy định. Ngoài ra, trong 4 lô hàng vi phạm lực lượng Hải quan còn thu giữ 5.980 bao thuốc lá điện tử nhãn hiệu heet và 60 chai rượu ngoại, đây cũng là những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện nhưng không được khai báo và có giấy phép liên quan theo quy định. Hồng Thiết  

Hướng dẫn cách đăng ký online nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng cá nhân

TĐKT- Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mới đây, BHXH Việt Nam đã tiếp tục đưa ra giải pháp linh hoạt trong chi trả chế độ BHXH khi yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành Bưu điện thực hiện chi trả gộp lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 9 và 10 trong cùng một kỳ chi trả; đồng thời, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân. Đây là giải pháp nhằm giúp người tham gia BHXH hạn chế tối đa việc đi lại, tập trung đông người hoặc giao tiếp với người khác nhằm góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. BHXH Việt Nam đang cung cấp dịch vụ công “Thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH” trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” (ứng dụng VssID), Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó người hưởng các chế độ BHXH có thể đăng ký thay đổi hình thức nhậnchế độBHXH từ tiền mặt sang tài khoản ngân hàng cá nhân. BHXH Việt Nam hướng dẫn người hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí cách sử dụng dịch vụ công nêu như sau: Cách 1: Đăng ký thay đổi hình thức nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân trên ứng dụng VssID Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID. Tại màn hình Quản lý cá nhân, vào mục Dịch vụ công  Bước 2: Chọn mục Thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH. Bước 3: Nhập thông tin bắt buộc (có dấu sao đỏ), tại mục Hình thức nhận à chọn nhận qua tài khoản. Nhập số tài khoản ngân hàng và tên Ngân hàng (ghi rõ tên chi nhánh ngân hàng) mà người hưởng muốn nhận và bấm Gửi. Lưu ý: Thông tin người đăng ký trên ứng dụng VssID phải trùng khớp với chủ tài khoản ngân hàng đã kê khai tại mục này (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, số CMND/CCCD). Bước 4: BHXH Việt Nam sẽ gửi mã OTP về số điện thoại của người hưởng. Bước 5: Nhập mã OTP trên ứng dụng và bấm Xác nhận.   Bước 6: BHXH Việt Nam sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại người dùng, thông báo tài khoản cá nhận đã nộp hồ sơ thành công. Sau 01 ngày làm việc kể từ khi hệ thống tiếp nhận hồ sơ, kết quả xử lý dịch vụ công này sẽ được gửi về email đã đăng ký của người dùng. Cách 2: Đăng ký thay đổi hình thức nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/ sau đó chọn đăng nhập tài khoản (Tên đăng nhập là mã số BHXH - là số sổ BHXH hoặc 10 số cuối trên thẻ BHYT của người tham gia BHXH, BHYT). Bước 2: Chọn danh mục “Kê khai hồ sơ”. Bước 3: Tìm và chọn tên dịch vụ công “Người hưởng lĩnh chế độ BHXH bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi thông tin cá nhân”, sau đó click vào hình ảnh tờ khai bên cạnh để kê khai thông tin. Bước 4: Kê khai vào các trường thông tin có sẵn, sau đó lựa chọn nhận qua tài khoản và điền thông tin về số tài khoản nhận chế độ, mã xác nhận rồi chọn “xác nhận”. Bước 5: Khi xác nhận đã điền đủ thông tin, hệ thống sẽ gửi mã xác thực (OTP) gồm 6 chữ số về số điện thoại đã đăng ký. Tiếp tục nhập mã số OTP và chọn “xác nhận” để hoàn tất thủ tục đăng ký. Nếu thành công, hệ thống sẽ thông báo thủ tục đã hoàn tất.   Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, dịch vụ công này của BHXH Việt Nam sẽ giúp người tham gia không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH hoặc bưu điện để đăng ký thay đổi hình thức nhận lương hưu, chỉ cần sử dụng máy tính cá nhân hoặc thiết bị di động thông minh là có thể tự thực hiện việc đăng ký chuyển đổi hình thức nhận lương hưu từ tiền mặt qua tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID, góp phần phòng, chống dịch CoOVID-19 hiệu quả. Hồng Thiết

F0 phải được chăm sóc, tư vấn kịp thời, không để thiếu thuốc

TĐKT- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầuđối với các trường hợp F0 cần phải được chăm sóc, tư vấn kịp thời, không để thiếu thuốc, thiếu thông tin và tại TP Hồ Chí Minh các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện tích cực kiểm tra, đôn đốc việc chăm sóc, theo dõi các F0 tại nhà. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn TrườngSơn căn dặn người phụ trách Trạm Y tế lưu động số 6 Quận 6 phải chăm sóc, tư vấn cho người dân, phát túi thuốc đến nhanh nhất Tại các trạm y tế lưu động ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu cần phải đưa cho người dân và các F0 ít nhất các số điện thoại của trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định, trung tâm an sinh phường, xã, đội y tế địa bàn. Ngoài thông báo thì in ra giấy phát cho các hộ gia đình. Các y, bác sĩ quân đội và các lực lượng khác đang trực tiếp theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà phải cấp phát túi thuốc, túi an sinh một cách kịp thời nhất. Cùng với đó, cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người nhiễm COVID-19 hoảng loạn, thiếu thuốc. Để sâu sát, nắm rõ, nắm chắc tình hình ngay từ tuyến cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo các thành viên điện thoại đến các F0 để hỏi rõ xem đã được các phường hỗ trợ những gì, túi thuốc phát thế nào, gói an sinh có được hỗ trợ hay không… Đơn cử, Trạm Y tế lưu động 13 Nhà Bè (đặt trong Trường tiểu học Lê Quang Định, xã Phước Kiển, huyệnNhà Bè) đã được cấp những thiết bị y tế cần thiết như máy đo SpO2; oxy di động; thuốc men... Các bác sĩ quân y kịp thời có mặt hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, cần phải phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn giữa y, bác sĩ với các các tình nguyện viên và những thành phần khác trong quá trình theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà. Thứ trưởng Sơn thăm hỏi gia đình có nhiều F0 ở phường 4, Quận 4 Bác sĩ quân y Trương Ngọc Nam, phụ trách Trạm Y tế lưu động 13 Nhà Bè cho biết, hiện tại trạm này đang chăm sóc, quản lý đến gần 200 F0 tại nhà. Khi nhận được danh sách ca mắc nào thì liên lạc ngay với họ để đến tận nhà cấp phát thuốc, tư vấn cách sử dụng. Đồng thời để số điện thoại của y, bác sĩ lại cho F0 để khi cần thì họ gọi. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo hướng dẫn mới, nếu test nhanh cho kết quả dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần xét nghiệm lại bằng PCR ngay. Nếu trông chờ xét nghiệm PCR sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Cứ ai có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc cho họ. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR. Nếu kết quả của họ có nồng độ virusthấp (Ct ≥ 30) thì cũng cho về nhà theo dõi. Người có nồng độ virus cao thì ở lại khu cách ly. Thứ trưởng Sơn yêu cầu các trạm y tế lưu động, đội y tế, đội an sinh khác ở Nhà Bè phát nhanh nhất túi thuốc cho F0. Họ cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất. Tiếp cận các gia đình F0 ở Quận 4 để nắm bắt các tâm tư nguyện vọng của họ, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ân cần dặn dò, có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho nhân viên y tế địa bàn, các trạm y tế lưu động. Cần lưu sẵn các số đầu mối liên lạc của y tế địa bàn. Khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường là gọi ngay, đừng chần chừ để ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay cả các nhu cầu tư vấn bệnh hay các thắc mắc về túi thuốc cũng sẽ được lực lượng y tế cơ sở đáp ứng, giải đáp. Tại Trạm Y tế lưu động số 6 Quận 4 (đặt tại Trường mầm non số 6, Quận 4), Thứ trưởng yêu cầu địa phương cùng lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn và phát bộ test nhanh cho người dân “vùng đỏ”, “vùng cam” tự xét nghiệm tại nhà để tránh lây nhiễm chéo cũng như giúp người dân nắm bắt được diễn biến sức khỏe của mình, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Tại đây, hiện đang quản lý, chăm sóc gần 190 F0 tại nhà. Túi thuốc mới của ngành y tế thì đã phát đến khoảng 40 người. Trước đó còn phát cho các F0 thuốc hỗ trợ của phường hoặc Cục Quân y. Lý giải tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương, BS Nguyễn Xuân Huân, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 4 cho biết Trung tâm đã nhận được 1.260 túi thuốc và đã cấp được hơn 800 túi rồi. Những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc. Nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian. Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo, các Trung tâm Y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm Y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ tới sau khi cập nhật ca của họ lên phần mềm. Nguyễn Hân    

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin

TĐKT- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) Việt Nam vừa có Công văn số 2701/BHXH-TST hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không thay đổi thông tin. Theo đó, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam hướng dẫn như sau: Thứ nhất, người dân tham gia BHYT khi đi công tác, học tập, du lịch… ở địa phương khác bị mất thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT bị rách, nát, hỏng… có nhu cầu cấp lại, đổi thẻ BHYT (không thay đổi thông tin) để khám chữa bệnh (KCB), BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị di động thông minh cài đặt ứng dụng “VssID - BHXH số”và sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để KCB BHYT, không thực hiện cấp đổi thẻ BHYT giấy.   Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hướng dẫn cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin Thứ hai, trường hợp người dân tham gia BHYT không sử dụng thiết bị di động thông minh, BHXH cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc cấp lại, đổi thẻ BHYT giấy theo mẫu thẻ BHYT ban hành tại Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ngày 3/12/2020 của BHXH Việt Nam (mẫu thẻ BHYT mới).Thời hạn giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trước đó, tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam quy định: BHXH huyện, tỉnh nào thì có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT đối với thẻ không thay đổi thông tin ở huyện, tỉnh đó. Nay, theo Quyết định số 811/QĐ-BHXH ngày 16/8/2021, BHXH đã sửa đổi, bổ sung Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ, theo đó: BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT (mà không thay đổi thông tin) theo mẫu thẻ BHYT mới cho người tham gia BHYT ở các huyện, tỉnh khác. Như vậy, hiện nay, người tham giaBHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy để đi KCB ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không phải lo trì hoãn việc KCB khi không may thẻ BHYT bị hỏng hoặc mất như thẻgiấy trước đây. Trong trường hợp nếu mất, hỏng thẻ BHYT giấy mà không sử dụng điện thoại thông minh, người tham gia BHYT có thể đến cơ quan BHXH nơi gần nhất để làm thủ tục đổi lại thẻ (không thay đổi thông tin), không phân biệt địa bàn. Có thể nói, với các thủ tục hành chính được cải cách này, BHXH Việt Nam đã tiếp tụcbám sát mục tiêu cải cách hành chính của ngành là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, giúp người tham gia BHYT được thuận lợi hơn trong việc KCB BHYT, hạn chế đi lại và giao dịch trực tiếp với cơ quan BHXH. Đây là giải pháp thực sự có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương như hiện nay. Hồng Thiết      

Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN lần thứ 4

TĐKT - Ngày 30/8, Hội nghị thường niên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) lần thứ 4 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đại diện quốc gia và 26 đô thị thành viên, Ban thư ký ASEAN và các đối tác ngoài Mạng lưới. Về phía Việt Nam, dự hội nghị, có: Bộ Xây dựng là đại diện quốc gia; đại diện đô thị là 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan. Đại diện quốc gia, Chủ tịch Mạng lưới ASCN năm 2021 là Brunei Darussalam chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) chính thức được thành lập  tháng 4/2018, tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 32 tại Singapore. Hiện nay Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN) có 26 đô thị thành viên đến từ 10 quốc gia. Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN. Tại hội nghị, Bộ Xây dựng đã trình bày tóm tắt hoạt động nổi bật của ASCN trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 tác động tiêu cực tại nhiều quốc gia trên thế giới, với vai trò Chủ tịch mạng lưới ASCN, Việt Nam đã linh động, sáng tạo chuyển phương thức tổ chức các hoạt động, thay vì trực tiếp sang hình thức trực tuyến Hội nghị thường niên lần thứ 3 Mạng lưới ASCN, Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh 2020; Hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN - Nhật Bản lần thứ 2… Ngay sau Hội nghị thường niên ASCN 2020, các thành viên đã thông qua 3 văn kiện quan trọng tiếp tục định hình các hoạt động phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) trong toàn Mạng lưới hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung, đó là: Khung giám sát và đánh giá mạng lưới đô thị thông minh ASEAN; khung quy định về sự hợp tác giữa mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác bên ngoài;  văn bản xem xét mở rộng thành viên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN. Ngoài ra, 6 đối tác ngoài Mạng lưới ASCN đã đưa ra một số đề xuất hợp tác về phát triển ĐTTM với nhiều nội dung phong phú như: Hiệp hội Nhật Bản về hợp tác ĐTTM khu vực ASEAN (JASCA), Chương trình Hợp tác toàn cầu của Hàn Quốc, Chiến lược quốc gia và dự án về phát triển ĐTTM của Nga, Hợp tác ĐTTM Mỹ - ASEAN, đề xuất tổ chức đoàn khảo sát cho thành viên ASCN của Na Uy, ứng dụng phản hồi sức khỏe thông minh và điều khiển thành phố thông minh của WeGO… Trong mối quan hệ giữa ASCN và Nhật Bản, các bên cũng thống nhất đề xuất các cơ chế và hành động cụ thể duy trì kết nối và hợp tác trong lĩnh vực phát triển ĐTTM… Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác với các đối tác trong và ngoài Mạng lưới ASCN, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền địa phương để cùng nhau gia tăng những cơ hội phát triển, đặc biệt chú ý đến lĩnh vực ứng dụng công nghệ chống đại dịch Covid-19 hướng đến mục tiêu cốt lõi của phát triển ĐTTM là vì chất lượng cuộc sống, sự phát triển, tiến bộ con người và phát triển quốc gia bền vững. Hội nghị lần này, các thành viên ASCN đã tập trung thảo luận để thông qua các tài liệu quan trọng của Mạng lưới, gồm: Tài liệu ý tưởng về phát triển Cổng thông tin trực tuyến ASCN; tài liệu ý tưởng về phát triển bộ công cụ đầu tư đô thị thông minh và bền vững ASEAN. Các tài liệu là một bước phát triển quan trọng mới, tiếp tục củng cố hoạt động của Mạng lưới cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc hợp tác với các đối tác. Đặc biệt, các thành viên cũng đã thông tin, trao đổi tình hình phát triển ĐTTM và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19; thảo luận về các tiến triển, thử thách và phương hướng hợp tác theo Chương trình hành động ĐTTM ASCN; trao đổi với các đối tác ngoài Mạng lưới về khả năng đóng góp các sáng kiến trong cơ hội hợp tác chung để thúc đẩy hiện thực hóa đô thị thông minh… Hội nghị cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị thường niên ASCN lần thứ 5 vào tháng 11/2021 và các hoạt động trong giai đoạn tới. Cũng tại Hội nghị, Singapore được bầu là quốc gia hướng dẫn ASCN cho 2 năm tới, đồng thời giới thiệu Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASCN cho năm 2022. Phương Thanh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc số 1104/TTg-KSTT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính. Cà Mau đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. Văn bản nêu rõ, để thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực” (Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương); giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính” (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030).   Triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đạt mục tiêu phân cấp ít nhất 20% thủ tục hành chính. Phương án đề xuất phân cấp bao gồm: Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công, phân cấp cho Bộ, địa phương; Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của bộ phân cấp cho địa phương; Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền địa phương cần tiếp tục phân cấp. Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất phương án phân cấp (sau đây gọi là Báo cáo) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nêu cụ thể nội dung, lý do phân cấp đối với từng thủ tục hành chính; tên điều, khoản văn bản cần sửa đổi và nội dung dự kiến sửa đổi; lợi ích mang lại... Các địa phương xây dựng báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan trước ngày 15/11/2021; trên cơ sở kết quả rà soát và báo cáo của địa phương, các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp, phục vụ xây dựng Đề án.   Các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.   Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng Đề án, bảo đảm tiến độ và chất lượng; phối hợp chặt chẽ và kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc với Văn phòng Chính phủ trong quá trình thực hiện.   Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn rà soát, đánh giá, đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó nêu rõ yêu cầu, đối tượng, phạm vi, cách thức triển khai, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương; triển khai các biểu mẫu rà soát điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và tổ chức tập huấn nghiệp vụ rà soát để tạo thuận lợi cho các Bộ, cơ quan, địa phương; hoàn thành trước ngày 30/9/2021. Tổ chức rà soát độc lập, huy động sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp... đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của phương án phân cấp tại dự thảo Đề án.   Đối với báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu, Văn phòng Chính phủ đề nghị bộ, cơ quan tiếp tục rà soát và gửi lại báo cáo, bảo đảm đạt mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành trước ngày 15/01/2022.   Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương và kết quả rà soát độc lập, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”, kèm theo phương án phân cấp đối với từng thủ tục hành chính cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 3/2022. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình rà soát, đề xuất phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Đề án. Theo moha.gov.vn

Chủ tịch nước gửi thư tới gia đình anh Vũ Quốc Cường - người tích cực hoạt động thiện nguyện, mất vì nhiễm virus SARS- CoV-2

Ngày 28/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi chị Nguyễn Thị Tuyết Lan vợ anh Vũ Quốc Cường, người tích cực hoạt động thiện nguyện, đã qua đời vì nhiễm virus SARS- CoV-2. VPCTN trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Chủ tịch nước: "Chị Tuyết Lan thân mến, Tôi rất buồn khi biết tin anh Vũ Quốc Cường đã qua đời vì nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 22/8/2021. Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội. Với lẽ đó, tôi mong chị cùng với các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình. Sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn, mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần một Việt Nam. Và tôi càng thêm xúc động khi một cháu là con của anh, chị cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch. Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường. Qua đây, Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương sáng, sẵn sàng xả thân, hy sinh quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Những con người bình dị nhưng phi thường đó, tôi tin rằng họ đã sống và làm theo tấm gương của cha ông mình, những người anh hùng vệ quốc thời chiến. Trân trọng! Nguyễn Xuân Phúc" Theo vpctn.gov.vn

Trang