Chính trị - Xã hội

Bảo hiểm y tế toàn dân góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

TĐKT - Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng từ 160 - 185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Điều này khẳng định, cùng với ngân sách nhà nước, quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Quyền lợi người tham gia luôn được đảm bảo và mở rộng Hiện nay, có hơn 87,4 triệu người dân tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90% dân số. Thống kê cho thấy, thực tế có khoảng 60% - 70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để KCB; tần suất KCB của người dân từ 2 - 2,1 lần/năm. Đây là tỷ lệ rất lớn, cho thấy vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta. Bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân Trong những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT scanner... Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả khoảng từ 1.500 - 1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thủy tinh thể nhân tạo. Chỉ cần nhìn ví dụ từ việc quỹ BHYT đã chi trả cho hai vật tư nhân tạo này, có thể thấy người tham gia BHYT đang được hưởng lợi rất nhiều từ quỹ BHYT, tính cộng đồng - sẻ chia đang thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT. Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT từ 1/1/2021 đến 2/7/2021, cả nước có 75,58 triệu lượt KCB BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là trên 48.774 tỷ đồng. Trong đó có: Hơn 68,6 triệu lượt KCB ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 18.740 tỷ đồng; gần 7 triệu lượt KCB nội trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 30.033 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 213 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán từ 0,5 - 1 tỷ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trên 1 tỷ đồng. Đơn cử: Bệnh nhân có mã thẻ BT2868621620XXX, địa chỉ ở xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long: Đi KCB 2 lần tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được chẩn đoán “Thiếu yếu tố VIII di truyền”, chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 2,07 tỷ đồng. Tiếp đó là bệnh nhân có mã thẻ TS2777722088XXX, địa chỉ khu phố Hòa Hội, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đi KCB nội trú 1 lần tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được chẩn đoán “Sốc nhiễm khuẩn”, chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 1,7 tỷ đồng. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT của người tham gia đang ngày càng tốt hơn, điển hình như việc thực hiện: Chính sách thông tuyến huyện trong KCB BHYT từ năm 2016; thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc từ năm 2021. Theo đó hiện nay, người bệnh có thẻ BHYT có thể điều trị nội trú với bất cứ cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh nào trên toàn quốc, giúp người bệnh thuận tiện hơn trong việc KCB. Năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng mọi mặt tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong giai đoạn khó khăn này, quyền lợi người tham gia BHYT vẫn luôn được ngành BHXH Việt Nam phối hợp đảm bảo và thực hiện kịp thời. Thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tích cực cùng các bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT trong chuyển tuyến, hẹn tái khám; cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2 - 3 tháng, tránh cho người bệnh phải đến cơ sở y tế nhiều lần, hạn chế lây nhiễm Covid-19; trong thời gian bị cách ly y tế vì Covid-19, nếu chẳng may bị ốm, người bệnh được cấp phát thuốc và được quỹ BHYT thanh toán như tất cả các trường hợp đúng tuyến… Mới đây, từ ngày 1/6, nhằm giúp người bệnh được thuận tiện hơn trong KCB BHYT, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 diễn biến phức tạp, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động (cùng với giấy tờ tùy thân) của người tham gia để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB. Cân bằng mục tiêu “chia sẻ cộng đồng” và tính “bền vững” Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt KCB BHYT trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho nhân dân. Tuy nhiên, điều đó cũng gia tăng áp lực với cơ quan quản lý quỹ BHYT trong việc đảm bảo an toàn quỹ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, số chi KCB BHYT tăng so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ KCB BHYT không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao... Mặt khác, tình trạng thống kê, thanh toán chi phí KCB BHYT không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí KCB BHYT vẫn xảy ra (kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng BHXH…). Do vậy, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe thì không còn cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính. Nhằm đảm bảo việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT… Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT… Về mục tiêu tiếp tục phát triển BHYT toàn dân, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHYT của người dân, đặc biệt là giảm số người lao động tham gia BHYT ở những khu công nghiệp, do lao động mất việc làm. Trước những khó khăn này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm người, từng vùng miền thông qua phương tiện truyền thông trên môi trường Internet và các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và qua ứng dụng VssID của ngành; kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trao tặng thẻ BHYT cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19;… Mặc dù trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh, số người tham gia BHYT theo diện người lao động tại doanh nghiệp giảm nhưng tổng số người tham gia BHYT trong cả nước vẫn đảm bảo duy trì được mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 6/2021, số người tham gia BHYT là 87,4 triệu người, đạt 97,4% kế hoạch, chiếm 89,58% dân số, giảm 289,8 nghìn người so với tháng 5/2021, nhưng vẫn tăng 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT toàn dân sẽ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy lùi dịch Covid-19. Hồng Thiết

Đường sắt sẵn sàng chạy tàu chuyên biệt để đưa người dân các tỉnh phía Nam về quê an toàn

TĐKT - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa qua, UBND một số tỉnh, thành (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tổ chức xã hội (hội đồng hương cấp huyện, thành phố, thị xã…) đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đề nghị phối hợp để đưa công dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê nhằm giảm tải áp lực cách ly cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bằng đường sắt từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương theo nhu cầu, hiện Tổng công ty ĐSVN đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực; phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng có phương án phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho hành khách khi được phép tổ chức đón, trả khách. Cụ thể: Ngoài việc duy trì chạy đôi tàu SE7/8 hàng ngày, ĐSVN tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt (tàu chỉ đón khách lên tại 1 ga đi và trả khách tại 1 ga đến) hoặc các toa xe chuyên biệt trên 1 đoàn tàu (toa xe chỉ đón khách lên tại 1 ga đi và trả khách tại 1 ga đến) cho các tỉnh, thành có nhu cầu vận chuyển riêng công dân địa phương. Đặc biệt, có thể bố trí nguyên toa xe để phục vụ hành khách có nhu cầu thuê riêng cho gia đình... Cùng với đó, Tổng công ty ĐSVN vẫn duy trì nghiêm các biện pháp phòng dịch thường xuyên như: Bố trí giãn cách hành khách bằng cách bán 50% số chỗ; thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, hướng dẫn và kiểm soát khai báo y tế... Các nhân viên công tác trên tàu thực hiện việc lưu trú tại chỗ; khi lên, xuống ban không được rời khu vực làm việc, lưu trú theo quy định... Duy trì việc phun khử khuẩn trên tàu, dưới ga; trang bị dung dịch sát khuẩn tại các toa xe, nhà vệ sinh; nhân viên trên tàu thực hiện việc khử khuẩn 3 tiếng/lần tại vị trí có nhiều hành khách tiếp xúc (tay nắm cửa, sản toa xe, nhà vệ sinh...). Cán bộ, công nhân viên đường sắt và hành khách thực hiện nghiêm việc giãn cách và đeo khẩu trang... Để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, ngành Đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội: Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên… khi có nhu cầu sử dụng phương tiện tàu hỏa về quê giãn cách. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ với Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, qua ông Đào Tuấn – Tổng Giám đốc (số điện thoại: 0903.776.046).    Mai Thảo

Kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1240/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ông Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương và ông Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Ông Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng, thay ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Quyết định 168/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, nhiệm vụ của Hội đồng là thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu tỉnh Anh hùng, thành phố Anh hùng. Theo baochinhphu.vn

Điện lực miền Nam: Hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm khi làm việc tại nhà

TĐKT- 19 tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian giãn cách, người dân chủ yếu ở nhà nên sẽ sử dụng nhiều thiết bị điện phục vụ sinh hoạt và làm việc từ xa, trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cán bộ, nhân viên EVNSPC tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện tới người dân Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh thành phía Nam thông qua nhiều kênh gián tiếp đã tiếp cận để thông tin và hướng dẫn khách hàng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất. Những cách tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình mùa nắng nóng (ảnh: TTXVN) Theo Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, để trực tiếp theo dõi, so sánh chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày, khách hàng nên tải ứng dụng “CSKH EVNSPC” trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android) về các thiết bị di động để trực tiếp theo dõi, tra cứu thông tin. Khi phát hiện có bất thường về số lượng điện tiêu thụ điện hoặc bất kỳ thắc mắc nào về điện, khách hàng có thể liên hệ ngay đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNSPC qua số tổng đài 19001006 hoặc 19009000 để được hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh/ thành phố phía Nam, EVNSPC khuyến khích khách hàng tương tác qua Website Chăm sóc khách hàng https://cskh.evnspc.vn/ để có trải nghiệm và thông tin đầy đủ hơn về các dịch vụ mà ngành điện đang cung cấp như tra cứu các thông tin lịch ghi điện, chỉ số điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện, thông tin vận hành, biểu đồ phụ tải, thông tin mất điện, đồng thời cung cấp tất cả các dịch vụ điện trực tuyến, và các hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả… Ông Lý cho biết thêm, để chủ động hướng dẫn khách hàng, Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNSPC đã tăng cường lực lượng điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết chính xác, nhanh chóng các kiến nghị của khách hàng; thiết lập hệ thống liên lạc qua email, zalo… để kịp thời xử lý các thông tin khách hàng cần được giải đáp. Khách hàng có thể chủ động theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ Gợi ý giúp người dân tiết kiệm điện khi làm việc tại nhà trong mùa dịch: - Tắt các thiết bị điện không được sử dụng đến: Một trong những giải pháp đơn giản nhất để cắt giảm hóa đơn tiền điện là tắt toàn bộ các thiết bị không sử dụng trong phòng làm việc nói riêng và cả nhà nói chung. - Sử dụng laptop thay cho máy tính để bàn: Laptop tiêu thụ năng lượng ít hơn máy tính để bàn đến 80%. Ngoài ra, nếu như laptop được cắm vào bộ chuyển đổi điện áp xoay chiều (AC Adapter) trong quá trình sử dụng thì nó còn giúp tiết kiệm điện năng thêm 20% nữa. - Vệ sinh thiết bị dùng lâu ngày: Người dùng nên vệ sinh thường xuyên các thiết bị điện tử đang sử dụng trong nhà, đặc biệt là quạt, điều hòa. Ở khu vực không khí có nhiều bụi, phần lưới lọc sẽ nhanh chóng bị bám bụi làm giảm khả năng trao đổi nhiệt và gió, gây lãng phí điện. - Sử dụng máy lạnh đúng cách: Để nhiệt độ máy lạnh từ 26 độ C trở lên và sử dụng cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng; nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C); hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà. - Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp: Tùy theo thời tiết của môi trường bên ngoài mà có thể tùy chỉnh tăng giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp, không nên vặn nhiệt độ ở mức cao vì rất tiêu hao năng lượng. Có thể vặn tới mức 3 hoặc mức 4 để tiết kiệm điện và vận hành tủ lạnh hiệu quả. Ngoài ra, có thể tăng giảm nhiệt độ linh hoạt theo từng ngăn đông, ngăn mát và ngăn đựng rau củ quả. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm trên ngăn đông nằm khoảng -18 độ C và khoảng 2 - 4 độ C để giữ độ tươi ngon cho thức ăn, rau củ trong ngăn mát. - Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo: Để giảm tiền điện ở các bậc giá cao, tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên, vừa tiết kiệm điện vừa có ý nghĩa phòng dịch COVID-19. - Ngoài các biện pháp trên, một số người có kinh nghiệm còn áp dụng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, như rút những thiết bị ngoại vi của máy tính, như ổ cứng gắn ngoài, nếu không sử dụng; cố gắng làm việc hiệu quả để hoàn thành công việc trong thời gian ngắn; đồng thời sử dụng các thiết bị được chứng nhận tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí điện./. T. Hoàng

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

TĐKT – Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 Bộ Nội vụ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau: Chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động của đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết hoặc thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, nơi công cộng; thường xuyên khai báo y tế trên website www.tokhaiyte.vn hoặc các ứng dụng Ncovi, Bluzone khi ra ngoài. Tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp an ninh, kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào cơ quan; thực hiện đo thân nhiệt đối với tất cả các trường hợp vào cơ quan; đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng làm việc riêng và trong phòng họp; các trường hợp đến liên hệ công tác tại trụ sở Bộ Nội vụ phải thực hiện khai báo y tế tại bộ phận lễ tân. Đội Bảo vệ (Văn phòng Bộ) hỗ trợ thực hiện và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo những trường hợp cố ý không chấp hành. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ TP Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại. Các trường hợp di chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thực hiện khai báo y tế ngay khi di chuyển vào địa bàn thành phố; lập tức thông tin và phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với chính quyền cơ sở. Các trường hợp đặc biệt cần thiết phải đi công tác ở các tỉnh, thành phố khác phải được sự đồng ý của Bộ trưởng. Thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào điều kiện, tính chất hoạt động bố trí hình thức làm việc phù hợp cho công chức, viên chức, người lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động xây dựng và thực hiện phương án bố trí không quá 50% số lượng công chức, viên chức, người lao động của đơn vị làm việc tại cơ quan cho đến khi có thông báo mới; hạn chế tối đa các cuộc họp trực tiếp, chỉ tổ chức họp khi đảm bảo khoảng cách; tăng cường các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, các thủ tục hành chính. Các đơn vị tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan; sắp xếp, bố trí các cuộc họp, hội nghị vào thời điểm phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng nếu để công chức, viên chức, người lao động của đơn vị vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch để lây lan dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng cũng như có những phát ngôn, thông tin không đúng sự thật về tình hình, diễn biến dịch bệnh. Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin tăng cường công tác tuyên truyền về việc thực hiện phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế; chủ động cập nhật kịp thời, đầy đủ diễn biến dịch bệnh từ nguồn thông tin chính thống báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ để có chỉ đạo kịp thời. Các đơn vị duy trì chế độ báo cáo công tác phòng, chống dịch về Văn phòng Bộ trước 16h hàng ngày để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo. * Ngày 19/7, căn cứ Công điện số 15/CĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND TP Hà Nội, tiếp theo nội dung chỉ đạo tại Công văn số 2758/BTĐKT-VP ngày 12/7/2021, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề nghị Thủ trưởng các đơn vị: Phân công công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tuyến tại nhà không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan cho phù hợp. Yêu cầu công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến. Hạn chế tối đa việc công chức, viên chức, người lao động di chuyển ra khỏi thành phố Hà Nội; các trường hợp đi công tác ra khỏi thành phố phải báo cáo thủ trưởng cơ quan. Ban tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở của Ban cho đến khi có thông báo mới. Phương Thanh

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021-2030. Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Về Cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số… Đến năm 2030, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước. Về Cải cách thủ tục hành chính, cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính, có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu. Về Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến năm 2025, hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước. Hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. Giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu môi các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian. Tiếp tục giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025… Về Cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% - 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Về Cải cách tài chính công, đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đến năm 2025, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đến năm 2030, hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025. Về Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương… Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật)… Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Về giải pháp thực hiện, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ và các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính trong Chương trình. Có cơ chế phân công, phối hợp thống nhất, rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính để bảo đảm Chương trình được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính... Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang nhân dân. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình. Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm. Thẩm định các đề án thí điểm cải cách hành chính do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo cải cách hành chính hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Chương trình. Kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện Chương trình; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất. Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện phương pháp theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và đảm bảo cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Chủ trì triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính. Hàng năm, xây dựng, triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính. Đến năm 2025, tiến hành sơ kết, đến năm 2029 tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tổng thể. Theo www.moha.gov.vn

Tập đoàn Hoa Sen chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiện nguyện, chung tay cùng cả nước và TP Hồ Chí Minh đẩy lùi đại dịch Covid-19, tiếp lửa cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời hỗ trợ một phần với những hoàn cảnh khó khăn. Tập đoàn Hoa Sen hỗ trợ thực phẩm cho bếp ăn từ thiện tại TP Hồ Chí Minh Ngày 16 - 17/7, Tập đoàn Hoa Sen đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên tổ chức trao tặng đợt 1 tổng hơn 21 tấn gạo, 10 tấn rau củ quả, 11 tấn gồm mì và các gia vị thiết yếu đến 7 điểm bếp ăn thiện nguyện, công suất hơn 30.000 suất ăn miễn phí mỗi ngày và 8 điểm phát quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn "San sẻ yêu thương – Chung tay cùng vượt qua đại dịch". Tập đoàn Hoa Sen tài trợ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid -19 cho tỉnh Yên Bái Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã chung tay hỗ trợ 6 tỷ đồng vào Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tại các tỉnh thành nơi các nhà máy, văn phòng của Tập đoàn đang hoạt động. Đợt 1 này Tập đoàn Hoa Sen trao tặng đến các địa điểm: Bếp thiện nguyện Trung tâm công tác xã hội thanh niên; bếp thiện nguyện Mãn Tự Vegan - chùa Vĩnh Nghiêm; bếp thiện nguyện chùa Giác Ngộ; bếp thiện nguyện Sư Cô Tuệ Phước; bếp thiện nguyện Bệnh viện Đại học Y Dược; bếp thiện nguyện chùa Tường Nguyên; bếp thiện nguyện Suối Mát Từ Tâm. Tập đoàn Hoa Sen còn tặng quà, nhu yếu phẩm đến Bệnh viện Nhi đồng 3, cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở quận Phú Nhuận, quận Bình Tân.                                                                        Xuân Phúc

Ngày hội thông tin về cuộc thi “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam – Viet Nam Young Logistics Talents” năm 2021

TĐKT – Sáng 17/7, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam tổ chức Ngày hội thông tin - Information Day, nhằm giải đáp những thắc mắc của thí sinh, doanh nghiệp, báo chí và của các trường đại học, cao đẳng về cuộc thi “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam – Viet Nam Young Logistics Talents” năm 2021; đồng thời giao lưu với các doanh nghiệp về đào tạo và hướng nghiệp logistics. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và trực tuyến qua zoom meeting. Ngày hội thông tin – Information Day Cuộc thi “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam – Viet Nam Young Logistics Talents” do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (tiền thân là Mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam) phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương tổ chức, với mục tiêu tạo sân chơi thiết thực cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, kích thích đam mê, hướng nghiệp logistics, tạo sự gắn kết giữa sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics. “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2021” quay trở lại với những mục tiêu xa hơn, tiếp tục tìm kiếm những sinh viên tài năng cũng như khẳng định vị thế của logistics trong việc phát triển kinh tế Việt Nam và trong khu vực. Với những nâng cao và cải thiện về chất lượng tổ chức và chuyên môn, cuộc thi hứa hẹn sẽ phát huy tối đa sự sáng tạo của những người tham gia, trở thành một sự kiện lớn trong cộng đồng sinh viên cùng cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành. Chỉ sau một tháng triển khai, cuộc thi đã đón nhận sự quan tâm của rất nhiều đội thi từ các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước. Sự kiện được tổ chức qua zoom meeting Các đội thi sẽ trải qua 5 vòng thi: Sơ tuyển, tuyển trường, tứ kết, bán kết, chung kết. Tại Vòng Sơ tuyển, mỗi đội thi làm bài thi trên hệ thống trực tuyến, bài thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm bằng tiếng Việt và tiếng Anh để đánh giá sự hiểu biết và khả năng vận dụng kiến thức logistics cơ bản. Kết quả của vòng thi sẽ được tổng hợp và gửi về từng trường. Dựa trên kết quả của Vòng Sơ tuyển và điều kiện của từng trường, các trường sẽ tự chịu trách nhiệm tổ chức Vòng Tuyển trường và đăng ký hình thức thực hiện với Ban Tổ chức. Ban Tổ chức chỉ hỗ trợ trong điều kiện có thể về truyền thông. Sau vòng thi này, mỗi trường sẽ có 1 đội đại diện duy nhất bước vào Vòng Tứ kết. Tại Vòng Tứ kết, các đại diện duy nhất của mỗi trường gửi báo cáo dự thi để chấm và chọn ra các đội vào Vòng Bán kết. Các đội đại diện trường tham gia dự thi Bán kết tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các đội đại diện ở từng khu vực sẽ được phân vào các bảng một cách ngẫu nhiên và thi 2 phần thi: Phần 1: Thắp lửa (Các đội trong 1 bảng sẽ trả lời cùng 1 bộ câu hỏi trắc nghiệm bằng cách giơ bảng); phần 2: Khát vọng (Các đội thi sẽ thuyết trình và phản biện về chủ đề đã lựa chọn khi đi thực tế tại doanh nghiệp hoặc thuyết trình về dự án của mình.) Các đội đại diện khu vực sẽ được phân vào các bảng một cách ngẫu nhiên và tham gia Vòng Chung kết với 3 phần thi: Phần 1: Kiến thức (Các đội trong 1 bảng sẽ trả lời cùng 1 bộ câu hỏi bằng hình thức viết đáp án); phần 2: Nổi lửa (Các đội thi có quyền tiếp tục hoặc thay đổi chủ đề hoặc dự án so với Bán kết. Các đội thi sẽ thuyết trình và phản biện về chủ đề hoặc dự án của mình); phần 3: Bùng nổ (Các đội thi vượt qua phần 2 sẽ lần lượt giải cùng 1 tình huống được đưa ra). Vòng Chung kết dự kiến được tổ chức vào ngày 12/12. Phương Thanh

Triển khai chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2021

TĐKT - Nhằm vận động nguồn lực tiếp tục giúp đỡ các nạn nhân, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam), Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 triển khai chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2021 từ ngày 11/7/2021 đến hết ngày 10/9/2021. Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trên cả nước hãy tiếp tục nhắn tin ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với cú pháp: DA CAM hoặc DACAM hoặc DC gửi 1409 (20.000 đồng/ tin nhắn). Năm 2021, chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, hỗ trợ các chi phí khám, chữa bệnh; chi phí học nghề, sửa chữa, xây nhà, tặng quà cho các nạn nhân nghèo, khó khăn trên cả nước. Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết năm 2020, chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” (triển khai từ ngày 9/3 đến ngày 8/5/2020) đã tiếp nhận hơn 53.000 tin nhắn tương đương hơn 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sử dụng cho các hoạt động: hỗ trợ 50 triệu đồng cho một gia đình nạn nhân ở tỉnh Tuyên Quang làm nhà; thăm và tặng quà cho các gia đình nạn nhân dịp Tết hàng năm với tổng số tiền 276 triệu đồng; hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng mưa lũ ở 6 tỉnh, thành miền Trung với tổng số tiền 970 triệu đồng. Phương Thanh

Ngành điện miền Nam nỗ lực đảm bảo cấp điện phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan nhanh tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định tại các trạm, chốt kiểm dịch, các khu cách ly, khám chữa bệnh Covid-19 dã chiến, bệnh viện điều trị trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam. Công nhân điện lực Đồng Nai kiểm thường xuyên tra lưới điện đảm bảo cấp điện trong tình hình dịch Covid-19 lan rộng Đối với các Công ty Điện lực trực thuộc khu vực phía Nam, EVNSPC cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ sở y tế, bệnh viện, khu điều trị, khu cách ly để nắm bắt nhu cầu và đề xuất trang bị dự phòng máy phát điện để kịp thời cấp điện trong các trường hợp lưới điện bị sự cố đột xuất. Đồng thời, chỉ đạo các Công ty Điện lực bố trí đủ lực lượng cán bộ trực vận hành để sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố ở các địa điểm này trong trường hợp sự cố mất điện xảy ra. Tăng cường đảm bảo cấp điện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 Theo số liệu từ các Công ty Điện lực thành viên EVNSPC, hiện tại có khoảng 600 trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nằm khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Ngoài ra còn gần 100 chốt chặn kiểm soát dịch bệnh tại ranh giới giữa các tỉnh, thành phố, thị xã, huyện, thị trấn nội địa, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn vực 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Tại các khu vực này, EVNSPC giao các Công ty Điện lực địa phương lập phương án dự phòng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đề phòng sự cố mất điện đột xuất từ lưới điện quốc gia. Điện lực tại các tỉnh phía Nam tăng cường đảm bảo cấp điện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương Tại khu vực hiện chưa được cấp điện qua lưới điện quốc gia, EVNSPC chỉ đạo các Công ty Điện lực thực hiện tốt công tác điều hành cung cấp điện, nắm bắt số lượng các điểm, chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 hiện nay chưa được cấp điện qua lưới điện quốc gia để chỉ đạo lập phương án đầu tư, cấp điện. Riêng đối với các địa điểm cách ly, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, các Công ty Điện lực không thực hiện cắt điện, không sửa chữa lưới điện trong thời gian cách ly giãn cách xã hội, đồng thời tang cường đảm bảo cấp điện liên tục, không để xảy ra sự cố mất điện. Nỗ lực cùng địa phương chống dịch Từ tháng 4/2021 đến nay, ngoài nhiệm vụ đảm bảo điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại địa phương, các Công ty Điện lực thuộc EVNSPC còn tăng cường đảm bảo cung cấp đủ điện cho các cơ sở y tế, khu vực cách ly, giãn cách xã hội nhằm chung tay đóng góp cùng đất nước vượt qua đại dịch. Cụ thể, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã chỉ đạo điện lực các huyện, thị xã và thành phố Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, trạm biến áp… đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện, các cơ sở y tế, các bệnh viện dã chiến (theo kế hoạch của tỉnh) có thể tiếp nhận theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 khi có phát sinh. Tại Bình Phước, để đảm bảo hệ thống lưới điện vận hành an toàn và liên tục trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Công ty Điện lực Bình Phước đã bố trí lực lượng trực vận hành, trực điều độ “cắm trại” 24/24 tại các vị trí trực. Ngoài đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, còn phải đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn, liên tục. Lực lượng này “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khi chưa có ý kiến của Trưởng Ban chỉ đạo. Tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại một khu chợ ở thành phố Châu Đốc trong mùa dịch. Tại Tiền Giang, Công ty Điện lực tỉnh cũng đã chỉ đạo các điện lực huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện, kiểm tra máy phát điện dự phòng để đảm bảo cấp điện liên tục 24/24 phục vụ các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 của địa phuơng. Công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trên địa bàn toàn tỉnh chuẩn bị đủ lực lượng ứng trực, vật tư, thiết bị, phương tiện, khẩn trương xử lý khi sự cố điện tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị. Đối với Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị vừa triển khai công tác bảo đảm cấp trên địa bàn TP Vũng Tàu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Theo đó, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu ngưng tất cả các công tác có cắt điện trên địa bàn TP Vũng Tàu từ 00 giờ 00 ngày 14/7 đến khi có thông báo tiếp theo, chỉ thực hiện các công tác để ngăn ngừa, xử lý sự cố bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục. Riêng tại Tây Ninh, Công ty Điện lực Tây Ninh vừa đã trao tặng 8 máy phát điện cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới Campuchia trên địa bàn huyện Tân Biên và 1 hệ thống điện mặt trời mái nhà cho Điểm cảnh giới Trảng Tranh (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Xa Mát). Tổng trị giá các phần quà tặng là hơn 110 triệu đồng. Trước đó, đơn vị cũng đã trao tặng một số máy phát điện cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch thuộc Đồn Biên phòng Tống Lê Chân (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh) và các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. H. Khôi

Trang