Chuyên đề

Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái

Thi đua xây dựng thị trấn phát triển nhanh, bền vững Đồng hành cùng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cùng đất nước đổi mới và hội nhập, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đã có bước phát triển vượt bậc. Trong những năm qua, phong trào thi đua của thị trấn phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là phong trào thi đua giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức các doanh nghiệp, công nhân, lao động và các tầng lớp nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó là các phong trào thi đua trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp: phong trào “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “đẩy mạnh mô hình kinh tế trang trại”, “Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới”... đã khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và cây lâm nghiệp. Đặc biệt đã phát huy tốt lợi thế so sánh vùng như sản xuất chè có chất lượng cao, trồng lúa hàng hóa, gắn sản xuất với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.433 tấn/năm; cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa thuần, Chiêm hương, Thiên hương, Sén cù có giá trị kinh tế cao. Cây chè vẫn giữ vững vai trò cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, với diện tích là 533 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích tự nhiên. Trong năm, nhân dân thị trấn đã tích cực trồng mới và trồng cải tạo chè cũ, thay thế bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Sản lượng đạt 6.100 tấn, năng suất 11,445 tấn/ha, bằng 145% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ V đề ra. Tổng giá trị đạt 20,387 tỷ đồng. Trong chăn nuôi xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi theo mô hình trang trại. Hiện nay, thị trấn có nhiều trang trại chăn nuôi lợn thịt với số lượng 100 con trở lên, 4 mô hình nuôi gà có ố lượng từ 500 con trở lên, xây dựng 1 trang trại lợn quy mô 4.000 con đang đi vào sản xuất ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 12 ha, sản lượng 8 tấn/ha. Diện tích trồng rừng trong 5 năm được 50 ha, đưa tổng diện tích rừng kinh tế của thị trấn lên 431,92 ha và rừng tự nhiên là 5,5 ha. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế thị trấn. Bên cạnh Nhà máy chế biến chè do Công ty Cổ phần Chè Nghĩa Lộ quản lý đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển mạnh vùng nguyên liệu, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến,thị trấn có Nhà máy gạch Tuynel Văn Chấn công suất 25 triệu viên/năm góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Các cơ sở sản xuất hàng mộc dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng đi vào ổn định. Hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi nổi, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong 5 năm trở lại đây, từ tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 40 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng đô thị giao thông của thị trấn đã được nâng cao rõ rệt, nhiều công trình trọng điểm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được đầu tư xây dựng.  Đến với thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay nơi đây. Kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được gắn kết, đường làng ngõ xóm, phong quang, sáng, xanh, sạch, đẹp, mang lại cho thị trấn một bộ mặt khang trang, hiện đại. Không chỉ được biết đến bởi hình ảnh một trung tâm phát triển kinh tế của huyện Văn Chấn, thị trấn  còn là đơn vị dẫn đầu huyện trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Năm 2016, công tác giáo dục của thị trấn có nhiều khởi sắc.Các trường học đều duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%. Đặc biệt, thị trấn là đơn vị đầu tiên của huyện đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh được quan tâm thường xuyên. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 100%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,95%, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ là 17%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và không ngừng được nâng cao về chất lượng, thị trấn có 13/13 tổ dân phố văn hóa, 5 đơn vị văn hóa và 1.526 hộ gia đình văn hóa. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm ngheo và thực hiện chính sách xã hội được chú trọng. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%; trong năm hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người già yếu neo đơn; chi trả đều đặn, kịp thời cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ nhiều năm liền được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; cùng nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, năm 2016, thị trấn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Phần thưởng này là món quà quý giá dành tặng cho Kỷ niệm 50 năm thành lập thị trấn (1967 - 2017); đồng thời là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn ra sức thi đua, lập nhiều thành tích trong thời kỳ mới, nâng cao hơn nữa vị thế thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ trên bản đồ phát triển chung huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định

Nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, được thành lập theo Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 24/4/2009 của UBND tỉnh Nam Định. Hiện nay, đơn vị có 20 cán bộ các chuyên ngành: y, dược, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm… Trong đó, nhiều cán bộ có trình độ sau đại học. Trước những thách thức về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, đơn vị đã chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Các cấp, các ngành đã vào cuộc mạnh mẽ đối với vấn đề quản lý ATTP. Nhận thức của người sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm, người tiêu dùng về vệ sinh ATTP được nâng cao. Nhiều mô hình điểm ATTP được xây dựng và nhân rộng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp, sản phẩm của địa phương đạt danh hiệu Thương hiệu vàng Thực phẩm Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm giảm, không xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm; tỷ lệ cơ sở đạt quy định vệ sinh ATTP, tỷ lệ mẫu thực phẩm xét nghiệm đạt ngày càng cao. Tập thể Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức Công tác nghiên cứu khoa học tại đơn vị đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều đề tài được ứng dụng vào công tác quản lý ATTP đã mang lại những tín hiệu khả quan với 2 đề tài cấp tỉnh, 1 sáng kiến cấp tỉnh cùng hàng chục đề tài cấp cơ sở đã được triển khai. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… của Chi cục luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, phát động nhiều phong trào và hoạt động, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ. Với thành tích đạt được, trong những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã đạt nhiều danh hiệu và phần thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016, Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền,… Chi bộ Đảng của đơn vị luôn đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, ngày 24/2/2017, Chi cục trưởng - Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Tiến Cường đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú để ghi nhận những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình: Tận tụy nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Hòa Bình được thành lập năm 1960. Đoàn có chức năng biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Với những nỗ lực của cán bộ, diễn viên, Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016.       Trong năm qua, Đoàn đã biểu diễn 83 buổi, phục vụ hơn 62.500 lượt người xem; dựng mới 3 chương trình, nâng cao 45 tiết mục. Các chương trình được đánh giá là có nội dung phong phú, giá trị nghệ thuật cao, bắt kịp với xu hướng phát triển của nghệ thuật trong nước và thế giới. Việc xây dựng các chương trình theo từng chủ đề phù hợp với từng khoảng thời gian nhất định cũng góp phần giúp các chương trình, tiết mục nhận được sự yêu thích, cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Các hoạt động của Đoàn đã góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.     Bên cạnh đó, Đoàn cũng tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục về truyền thống Cách mạng cho người dân. Các chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của Đoàn có thể kể đến: biểu diễn kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ Hội nghị Thi đua, khen thưởng tỉnh, Hội nghị tổng kết thi đua  chào mừng thành công Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình, phục vụ quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1,… Trân trọng tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc, cán bộ, diễn viên của Đoàn đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm chất liệu ca múa nhạc truyền thống; bảo tồn và phát huy chất lượng nghệ thuật dân gian đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Đoàn cũng góp phần quan trọng trong việc giao lưu nghệ thuật với tỉnh bạn, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa, hình ảnh quê hương, con người Hòa Bình đến với mọi miền của Tổ quốc và các nước trên thế giới. Đặc biệt, năm 2016, Đoàn đã tham gia Liên hoan nghệ thuật Ca múa nhạc 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và đạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Cúp.   Đóng góp vào thành công của Đoàn trong thời gian qua có sự góp sức đầy tâm huyết của đội ngũ 34 cán bộ, diễn viên vững vàng về chuyên môn, tâm huyết với nghề. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Đoàn luôn nỗ lực đưa chương trình đến với đồng bào dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Các nhạc sĩ, biên đạo của Đoàn luôn tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm độc đáo như: “Sắc hương tình Việt - Lào”, “Hòa Bình một tình yêu”, “Séc bùa hồn chiêng”, “Gõ bục đúc bạc”... Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, diễn viên của Đoàn luôn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào mà công đoàn ngành phát động như: ủng hộ các xã khó khăn thuộc huyện Kim Bôi, nhân dân bị thiệt hại do thiên tai; đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi;… Những cống hiến của Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng: Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải Quân, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị, Bằng khen của UBND tỉnh,… Có thể nói, 57 năm qua, Đoàn đã góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình; đưa nghệ thuật tỉnh nhà phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.  

Trang