Dân số và Phát triển

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai sâu rộng chương trình khám bệnh, tư vấn, sàng lọc các bệnh lý về sản phụ khoa cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, đồng thời là cơ sở chịu trách nhiệm cao nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lĩnh vực sản - phụ khoa và nhi khoa. Tuy mới được thành lập từ năm 2009 và đi vào hoạt động từ năm 2011, nhưng Bệnh viện đã dần khẳng định được chất lượng khám, điều trị cũng như tạo được niềm tin ở người dân. Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương, vì vậy, đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện luôn được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua các đợt đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án bệnh viện vệ tinh, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, triển khai thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh không phải đi xa, đỡ tốn kém về kinh tế, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Bệnh viện đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh Trong thời gian qua, Bệnh viện đã thực hiện tốt các kỹ thuật trong lĩnh vực khám, cấp cứu, điều trị Sản phụ khoa và Nhi khoa: Điều trị sơ sinh non tháng, sơ sinh bệnh lý, nuôi dưỡng trẻ đẻ non, cân nặng thấp 800gr, Bơm surfactant điều trị bệnh màng trong của trẻ sơ sinh; điều trị thở máy HFO, NCPAP; điều trị hiệu quả các bệnh lý sản bệnh: Sản giật, tiền sản giật, rau cài răng lược, rau tiền đạo, đái tháo đường thai kỳ, sàng lọc chẩn đoán trước sinh; phẫu thuật nhi khoa: Phẫu thuật megacolon, còn ống nang niệu rốn; phẫu thuật thoát vị hoành, xoắn trung tràng, lồng ruột; phẫu thuật tạo hình dương vật, lún dương vật, lỗ tiểu lệch thấp; phẫu thuật chỉnh hình bàn chân khoèo, ngón tay cò sung, vá da chỉnh hình; phẫu thuật cắt Amidal bằng dao Plasma; phẫu thuật tạo hình sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật nội soi sản phụ khoa: Cắt tử cung bán phần, cắt tử cung hoàn toàn, chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng, phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh; phẫu thuật nội soi điều trị sa sinh dục, phẫu thuật Crossen; phẫu thuật các bệnh lý sàn chậu; điều trị G.E.U nội khoa; kỹ thuật giảm đau trong đẻ và sau mổ; lĩnh vực cận lâm sàng: siêu âm tim bẩm sinh; siêu âm phát hiện dị tật thai nhi; sàng lọc sơ sinh xét nghiệm máu gót chân sau đẻ (gói 3 bệnh, 5 bệnh, 21 bệnh); xét nghiệm PCR, nuôi cấy định danh vi khuẩn; chụp Xquang vú, chụp Xquang tử cung vòi trứng, tinh dịch đồ, xét nghiệm nội tiết sinh sản, xét nghiệm giải phẫu bệnh, tế bào chẩn đoán ung thư… Việc Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật khó đã giúp cho bệnh nhân có thể điều trị ngay tại tuyến dưới mà không phải lên các bệnh viện tuyến trên, tạo được niềm tin trong nhân dân về đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao, với những tấm lòng “Lương y như từ mẫu”. Với việc liên tục đổi mới, nâng cao thái độ phục vụ và chất lượng chuyên môn, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, trở thành địa chỉ tin cậy, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân Vĩnh Phúc. Tận tình tư vấn cho người bệnh Đặc biệt, xác định kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều cần thiết cho nữ giới nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, để có cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc đã triển khai hoạt động khám bệnh, tư vấn, sàng lọc các bệnh lý về sản phụ khoa cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Tiến Thọ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện cho biết: Mục đích của chương trình là đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho đối tượng phụ nữ trong tỉnh, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa hướng về cộng đồng. Đặc biệt, chị em phụ nữ ở địa bàn nông thôn chưa có nhiều điều kiện để quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân, phần lớn chị em chỉ đến cơ sở y tế khám chữa bệnh khi đã có vấn đề về sức khỏe. Việc phát hiện muộn bệnh tật khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì việc khám bệnh, tư vấn, sàng lọc các bệnh lý sản phụ khoa còn có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao sức khỏe sinh sản, bảo đảm sức khỏe cộng động. Khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên Trong năm 2019, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc triển khai chương trình trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường mỗi xã khám 1 ngày, bao gồm các nội dung: Khám bệnh, siêu âm, xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý sản phụ khoa và tư vấn, giáo dục sức khỏe; những trường hợp có bệnh lý Bệnh viện sẽ tư vấn cụ thể để người bệnh kịp thời chữa trị. Các buổi khám và tư vấn được thực hiện tại Trạm y tế xã đã thu hút rất đông chị em phụ nữ đến tham gia. Tại đây, họ được khám và tư vấn bệnh lý về sản phụ khoa, bệnh lý về vú, khám và tư vấn thai sản, soi tươi dịch âm đạo, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm sản phụ khoa, xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa, các xét nghiệm về sàng lọc ung thư, siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh thai nhi, tư vấn sàng lọc trước sinh. Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện luôn nhiệt tình, tận tâm trong công việc Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) chia sẻ niềm vui: Khi biết có bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh về khám bệnh miễn phí, tôi và các chị em trong xã đều rất vui mừng, phấn khởi bởi không phải đi xa và được kiểm tra sức khỏe chu đáo, được tư vấn kiến thức chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân. Qua sự tư vấn của các bác sĩ, tôi cũng nhận thấy cần phải thường xuyên khám, chữa bệnh định kỳ để chăm sóc sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình tốt hơn. Lãnh đạo Bệnh viện rất quan tâm, chú trọng công tác khám, chữa bệnh tại cộng đồng Việc phối hợp tổ chức chu đáo, khoa học, tinh thần thái độ của các bác sĩ nhiệt tình, vui vẻ, các buổi khám, tư vấn bệnh lý sản phụ khoa của Bệnh viện đã nhận được sự đánh giá cao của chị em phụ nữ. Đây cũng là động lực để Bệnh viện tiếp tục thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, qua đó không ngừng nâng cao uy tín của Bệnh viện, khẳng định được vị thế trong ngành y tế tỉnh nhà và lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Bệnh viện.  

Ra mắt các sản phẩm mới chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ

TĐKT - Sáng 16/12, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm thiên nhiên MLI Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt sản phẩm mới. Toàn cảnh Lễ ra mắt Hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản không còn là vấn đề giấu kín mà được chia sẻ rộng rãi để giúp các chị em tìm lại thanh xuân và hạnh phúc của mình. Trong tất cả các phương pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương pháp nào là tiện lợi nhất, hiệu quả nhưng đỡ tốn kém và đỡ đau đớn nhất là một câu hỏi lớn. Để góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, tại sự kiện, Công ty MLI Việt Nam đã cho ra mắt 3 thương hiệu mới: Evamost, Xuân Hồng (dòng sản phẩm vệ sinh phụ nữ), Herbslim (dòng sản phẩm giúp phụ nữ tự tin lấy lại vóc dáng với 2 sản phẩm chính: Cốm detox tiêu mỡ săn cơ Herbslim và mầm ngũ cốc Herbslim). Nhân dịp này, các chuyên gia với kinh nghiệm lâu năm đã tư vấn và giải đáp những thắc mắc, vấn đề về sức khỏe sinh lý mà chị em đang gặp phải, đưa ra những lời khuyên và phương pháp bảo vệ sức khỏe sinh lý một cách tốt nhất cho chị em phụ nữ. MLI là kênh phân phối online hàng đầu Việt Nam có hệ thống phân phối trên 63 tỉnh, thành phố và hơn 20 nước trên thế giới. MLI được dẫn dắt bởi 2 người đẹp nổi tiếng là Hoa hậu Doanh nhân toàn năng châu Á Nguyễn Thu Trang và diễn viên, doanh nhân tài năng, Top 20 nữ doanh nhân Sắc - Tâm - Tài 2018 Phan Minh Huyền. MLI Việt Nam cam kết mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tính pháp lý trên từng sản phẩm. MLI Việt Nam đã và đang phát triển vì mục tiêu doanh nghiệp vì người Việt với các sản phẩm giá bình dân, chất lượng, đang được khách hàng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Bình Nguyên

Hướng tới Ngày Tránh thai thế giới: Lợi ích tránh thai và trách nhiệm của chúng ta

TĐKT - Ngày 25/9, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Tránh thai thế giới (26/9), Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công ty TNHH Bayer tổ chức Hội nghị “Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới” với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú cho rằng, việc phòng tránh thai hiệu quả, an toàn mang lại rất nhiều lợi ích: Giúp người phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh được những tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ về quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, khuyến khích mọi người dân chủ động hành vi mang thai vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Mục tiêu của Ngày Tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khoẻ giới tính, sức khoẻ sinh sản. Ký kết chương trình truyền thông Kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai cũng tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống tồn tại trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Hàng năm vẫn có từ 250.000 - 300.000 ca phá thai. Theo báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 phụ nữ có thai thì có 24 trường hợp ở tuổi vị thành niên; trong 1.000 ca phá thai thì có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên. Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hoá gia đình thời điểm 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy cứ 100 ca phá thai của phụ nữ độ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Được biết, năm 2017, chương trình đã tổ chức được 12 hội nghị chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai an toàn cho 1.200 cán bộ phụ nữ và cán bộ bộ dân số tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có 3 cuộc thi online cũng được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho chị em phụ nữ củng cố kiến thức tránh thai an toàn. Trong năm 2018, chương trình mở rộng tuyên truyền đến học sinh, sinh viên của 15 trường đại học trên khắp cả nước. Các bạn sinh viên sẽ được tham gia chương trình để hiểu về kiến thức ngừa thai an toàn, giáo dục giới tính. Dự kiến, hết năm 2018 sẽ có 30 hội nghị chuyên đề được tổ chức; 20 triệu phụ nữ trên khắp cả nước được các cán bộ dân số tư vấn trực tiếp, bài bản cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp. Nhân dịp này, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát động cuộc thi sáng tạo video clip “Có tôi, đôi bạn luôn hạnh phúc” với thông điệp "Lựa chọn và sử dụng đúng các phương tiện tránh thai hiện đại là trách nhiệm của mỗi chúng ta". Cuộc thi dành cho mọi công dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, không phân biệt dân tộc, độ tuổi, giới tính, ngành nghề; khuyến khích các tác giả là vị thành niên, thanh niên tham gia dự thi. Tác giả có thể gửi bài dự thi online trên trang http://cpcs.vn/cuoc-thi hoặc gửi qua đường bưu điện về Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế từ ngày 25/9 đến trước 12h ngày 25/11/2018. Lễ trao giải thưởng dự kiến diễn ra tháng 12/2018. Hồng Thiết

Phát động chương trình “Sống trách nhiệm – Sống OK” trong đoàn viên, thanh niên

TĐKT – Ngày 4/8, tại Bãi biển Nhật Lệ 1, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Tạp chí Thanh niên, Tỉnh đoàn Quảng Bình, CLB Liên Kết Trẻ và Tổ chức DKT International Inc tại Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Sống trách nhiệm – Sống OK” năm 2018. Thực trạng đáng báo động hiện nay,  một bộ phận giới trẻ không có kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản và phòng, chống các bệnh lây lan qua đường tình dục. Một nghiên cứu độc lập của các nhà nghiên cứu của trường học Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây nhất (Công bố vào trung tuần tháng 3/2018) đã đưa ra những con số làm giật mình các bậc phụ huynh và cả xã hội về tỷ lệ quan hệ tình dục sớm của giới trẻ "Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên". Quan hệ tình dục sớm cộng với việc thiếu hiểu biết, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn dẫn đến một loạt các hệ lụy khó lường cho xã hội như số lượng các ca nạo phá thai ngày càng tăng, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến tình dục không an toàn cũng ngày tăng cao. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) hiện nay Việt Nam có khoảng 210.000 người bị nhiễm HIV/AID và có dấu hiệu gia tăng theo từng năm (mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm khoảng 3.600 người bị nhiễm HIV mới). Trước thực trạng trên, cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi về ý thức, trách nhiệm của giới trẻ với vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống HIV/AID. Chương trình thu hút sự tham gia của rất nhiều đoàn viên, thanh niên Chương trình được tổ chức với mong muốn tuyên truyền giáo dục tới các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên về bảo vệ sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội và những người xung quanh. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản, phòng, chống lây nhiễm HIV/AID, khuyến khích sự tham gia của các bạn học sinh, sinh viên trong việc phòng, chống nạo phá thai, sức khỏe sinh sản vị thành niên và tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách. Qua đó kêu gọi cộng đồng xã hội cùng chung tay phòng, chống nạo phá thai và phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình được tổ chức tại sân khấu lớn ngoài trời trên bãi biển Nhật Lệ với sự tham gia của hàng trăm các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn cùng các ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng đến từ Hà Nội. Các đại biểu tham gia khởi động chương trình Tại chương trình, bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, trẻ trung còn các các hoạt động giao lưu, chia sẻ, tư vấn của các chuyên gia về dân số, sức khỏe sinh sản vị thanh niên tại tỉnh Quảng Bình nhằm giúp các bạn hiểu hơn về các phương thức phòng, tránh thai và quan hệ tình dục an toàn. Trong chương trình còn diễn ra các hoạt động: Phát bao cao su trên bãi biển; tuần hành xe đạp với cờ phướn, khẩu hiệu “Sống trách nhiệm – Sống Ok”; xếp hình OK ngay trên bãi biển để truyền đi thông điệp "Sống trách nhiệm, sống OK". Đặc biệt mỗi bạn trẻ tham gia  nhận được những phần quà hấp dẫn từ ban tổ chức và hơn 10.000 sản phẩm bao cao su phát miễn phí. Tại khu vực đăng ký của Ban tổ chức các bạn trẻ chụp ảnh Selfie và đăng tải hình ảnh đó lên Facebook tại fanpage “I AM OK” để cùng lan tỏa sâu rộng hơn nữa thông điệp của chương trình "Sống trách nhiệm - Sống OK". Thục Anh       

Đề cao vai trò của kế hoạch hóa gia đình

TĐKT - Ngày Dân số thế giới là một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Năm nay, chủ đề của Ngày Dân số Thế giới là "Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”. Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động ở cấp trung ương, tỉnh, huyện. Trong đó, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức sự kiện hưởng ứng. Hưởng ứng chủ đề năm 2018, các hoạt động của ngành dân số đều hướng tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo định hướng Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân... trong việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số - kế hoạch hóa gia đình góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018. Các sự kiện truyền thông trọng điểm sẽ tập trung vào các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; mất cân bằng giới tính khi sinh; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số; cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em; cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân. Bên cạnh đó, ngành dân số tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm thảo luận, chia sẻ về thực trạng, thách thức và giải pháp từng bước giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong những năm tới; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số cho nhân dân vùng sâu, vùng cao, vùng biển, đảo và ven biển. Đặc biệt, các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản, vị thành niên, thanh niên các cấp như: thực trạng, khó khăn, thách thức mà trẻ em gái vị thành niên đang gặp phải và đưa ra các giải pháp, chính sách nhằm giải quyết vấn đề... Bình Nguyên

Khởi động Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TBXH) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH Doãn Mậu Diệp. Lễ ký kết Dự án Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này đã và đang diễn ra, gây nên sự mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của nạn nhân. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là các nạn nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị mua bán, xâm hại và quấy rối tình dục tại nơi học tập, nơi làm việc, khu du lịch, khu vực công cộng và cả trong gia đình. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ -TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2017, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân. Điều này khẳng định bình đẳng giới được quan tâm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiến pháp và các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình về bình đẳng giới đã được triển khai ngày càng có hiệu quả tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt là việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Khoảng cách giới giữa nam và nữ ở Việt Nam ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận lớn người dân. Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp. Tại Hội thảo, đã diễn ra Lễ ký kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ cho Việt Nam.  Với tổng ngân sách 2.560.000 USD cho giai đoạn 2018 - 2020 trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc, Dự án có mục tiêu chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hồng Thiết  

Phú Yên: Đẩy mạnh triển khai tháng hành động quốc gia về dân số năm 2017

TĐKT - Với chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số”, Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2017 được tỉnh Phú Yên đẩy mạnh triển khai thực hiện với những nội dung thiết thực. Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2017 được tổ chức từ ngày 1/12-31/12/2017. Trọng tâm của kế hoạch Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2017 của tỉnh là tập trung tuyên truyền sâu rộng về chủ đề và thông điệp chính Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2017; tuyên truyền các nội dung ưu tiên về tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; lợi ích khi thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; quy trình tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật và những thông điệp vận động các đối tượng phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Cộng tác viên dân số đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) Phú Yên, cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số 2017, Chi cục DS/KHHGĐ Phú Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân; vai trò của chăm sóc sức khỏe vị thành niên/thanh niên; tác hại của phá thai (tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên/thanh niên); tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp; tư vấn về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và làm mẹ an toàn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; tác hại và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho nhóm đối tượng tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phòng, chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi các cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển đất nước; duy trì mức sinh thấp hợp lý và đồng đều giữa các địa phương, góp phần đảm bảo quy mô dân số ổn định, khoảng cách sinh con hợp lý giữa các lần sinh để đảm bảo sức khỏe và nuôi dạy con tốt. Cũng theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ để tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp tại cơ sở với các nội dung sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tổ chức các hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Từ đầu năm đến nay, 107/112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trước, trong và sau chiến dịch, tổ chức truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại hộ gia đình cho các nhóm đối tượng; phối hợp với Trung tâm DS/KHHGĐ, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông cộng đồng, vận động các đối tượng tích cực hưởng ứng tham gia chiến dịch... Trong Tháng hành động quốc gia về dân số, Chi cục DS/KHHGĐ Phú Yên sẽ đẩy mạnh tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông trên các kênh truyền thông nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ. Các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm của công tác dân số; giám sát, tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ để triển khai cung cấp các dịch vụ liên quan cho mọi người. Bảo Linh  

Long An: Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên

TĐKT -  Cùng với việc kiểm soát tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Long An còn thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Từ đó, giúp giới trẻ có nhận thức đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS) lứa tuổi và hướng đến lối sống lành mạnh. SKSS vị thành niên (SKSSVTN) là một vấn đề hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học hành và có khả năng ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội. Bởi vậy, tuyên tuyền chăm sóc SKSSVTN trong trường học là một hoạt động có ý nghĩa, giúp cho các em học sinh có sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng hơn về SKSS. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này các em đang có nhu cầu tìm hiểu kiến thức tâm, sinh lý rất lớn, việc phổ biến kiến thức về chăm sóc SKSS giúp cho các em có một cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần. Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản giúp trẻ tự bảo vệ mình Địa phương làm tốt công tác này  là huyện Cần Đước. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Cần Đước cho biết: Ngành dân số huyện đã phối hợp Ban Giám hiệu các trường học tổ chức 12 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 5.408 học sinh các khối. Sinh hoạt đội đồng đẳng 25 buổi với 1.421 học sinh dự. Đồng thời, ngành cũng phối hợp tổ chức 47 cuộc nói chuyện chuyên đề ngoài cộng đồng, có 2.143 người dự; viết 83 tin, bài, phát thanh 189 lần với 946 phút. Lực lượng cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em tổ chức tư vấn tận nhà cho 3.521 lượt hộ gia đình. Ngoài ra, còn tư vấn về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong và ngoài nhà trường qua số điện thoại di động và cơ quan. Tại TP Tân An, hoạt động này cũng diễn ra hiệu quả. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện đã phối hợp các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề dưới các hình thức: Hỏi đáp, trò chơi tìm hiểu về SKSS vị thành niên/thanh niên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; hoạt động ngoại khóa; phát tài liệu; tổ chức câu lạc bộ về tình bạn, tình yêu và giới tính... Từ tháng 8 đến 11/2017, trung tâm phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và trường THPT tổ chức Hội thi vẽ tranh trên mạng với chủ đề “Yêu an toàn, vạn điều hay” nhằm tuyên truyền các biện pháp tránh thai an toàn. Các hoạt động trên góp phần giúp các em có được những nhận thức đúng đắn trong chăm sóc SKSS. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, phù hợp lứa tuổi còn giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học. Ngành dân số tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền ngoài cộng đồng. Ngành đã triển khai hiệu quả các mô hình như: “Cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên - thanh niên” , “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”, “Tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân”. Đây là một trong những giải pháp tích cực của ngành dân số nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái cũng như hiểu biết của vị thành niên - thanh niên; tạo mối quan hệ nhà trường - gia đình - cộng đồng trong giáo dục giới tính học sinh các trường THCS… Các hoạt động của mô hình cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác DS/KHHGĐ. Tiêu biểu có huyện Thạnh Hóa, công tác này được triển khai trong toàn huyện. Mỗi xã trên địa bàn huyện thành lập 3 nhóm, mỗi nhóm có 17- 30 vị thành niên, thanh niên được phổ biến chuyên đề về CSSKSS. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS, Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên; cung ứng các biện pháp tránh thai phù hợp khi vị thành niên, thanh niên có nhu cầu, giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Hoạt động khám sức khoẻ cho thanh, thiếu niên trong và ngoài nhà trường được thực hiện hàng năm tại trạm y tế xã, nhằm phát hiện những bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường sinh sản để tư vấn cho phụ huynh có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời cho con em mình. Đồng thời, các em còn được tư vấn để tự bảo vệ sức khoẻ của mình. Thực tế cho thấy, mặc dù có sự vào cuộc của ngành chức năng và các tổ chức xã hội liên quan nhưng việc cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh để việc giáo dục giới tính, SKSS được triển khai một cách hiệu quả, kịp thời, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng đầu đời và khả năng xử lý tình huống cho trẻ, giúp trẻ trưởng thành lành mạnh và hướng tới một tươi lai tươi sáng. Hà Anh  

Khởi động Chiến dịch truyền thông “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”

TĐKT – Chiều 12/12, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với tổ chức Path tổ chức Lễ khởi động Chiến dịch truyền thông “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống”. Tọa đàm với các đại biểu tại Lễ phát động Chiến dịch “Hạnh phúc là mình. Tin yêu cuộc sống” với tên tiếng Anh là: “BE ME. BE HAPPY” là sáng kiến đầu tiên được thiết kế riêng cho người chuyển giới nữ tại Việt Nam và do chính cộng đồng thực hiện. Mục đích của chiến dịch nhằm cung cấp thông tin truyền cảm hứng cho người chuyển giới nữ tìm kiếm các dịch vụ y tế, đào tạo nhân viên chăm sóc y tế để cung cấp các dịch vụ cho người chuyển giới một cách tôn trọng và phù hợp, cũng như giới thiệu thêm giải pháp để người chuyển giới nữ vận động cho các nhu cầu của họ. Trên phạm vi toàn cầu và trong nước, sự quan tâm và chú ý đến các nhu cầu y tế đặc biệt và quan trọng của cộng đồng chuyển giới ngày càng gia tăng. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà người chuyển giới nữ đang phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày đã dẫn đến các nguy cơ đang gia tăng về HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục, sức khỏe tâm thần, lạm dụng rượu và chất gây nghiện, đặt ra các rào cản pháp lý và xã hội trong việc chăm sóc và thông tin y tế. Trên thế giới, khoảng 19% người chuyển giới nữ đang sống với HIV, và so với dân số chung, tỷ lệ người chuyển giới nữ sống chung với HIV cao hơn 49 lần. Một nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015 đã phát hiện 18% người chuyển giới nữ tham gia nghiên cứu nhiễm HIV và mắc bệnh giang mai, trong khi đó một nghiên cứu của USAID/PATH năm 2016 cho thấy chỉ có 46% người chuyển giới nữ tham gia bảo hiểm y tế. TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Lễ phát động Phát biểu tại Lễ khởi động, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tiếp cận với các công cụ dự phòng HIV thiết yếu và có tính sáng tạo như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm HIV (PrEP và PEP), và sử dụng bao cao su chất lượng cao, giá cả phù hợp là yếu tố quan trọng để loại trừ HIV ở Việt Nam”. TS. John Eyres, Giám đốc Phòng Y tế, USAID cũng đánh giá rất cao Chiến dịch. Ông cho rằng: Đây thực sự là một bước tiến đột phá ở Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ rất tự hào khi có thể phối hợp cùng chính phủ Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của tổ chức Path và các nhà Lãnh đạo của cộng đồng chuyển giới để tiếp cận và giải quyết vấn đề bất bình đẳng liên quan tới các dịch vụ và nguy cơ lây nhiễm HIV. Phương Thanh

Phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2017

TĐKT - Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số 2017 và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2017. Tới dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ Nguyễn Văn Tân  và gần 1000 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ngành phối hợp… Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ mít tinh Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 2017 có chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số” nhằm tuyên truyền các nội dung ưu tiên về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 21 của BCH TW khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, có 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất… Tư vấn về chăm sóc sức khỏe trước sinh và sau sinh Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Qua các nghiên cứu trong nước và quốc tế, ước tính dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng từ 1,5-2% số trẻ sinh ra hằng năm có bệnh tật bẩm sinh (tương đương khoảng 22.000 - 30.000 trẻ). Để giảm số trẻ em bị ảnh hưởng bởi các bệnh tật bẩm sinh, giảm nhẹ gánh nặng của gia đình, xã hội, Tổng cục DS – KHHGĐ đã triển khai chương trình tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay có khoảng 25% số bà mẹ mang thai và 35% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật. Tại Lễ mít tinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, thành tích về công tác dân số mà ngành y tế đạt được thời gian qua. Đồng thời, kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội tích cực hưởng ứng tham gia tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân là tuyên truyền viên tích cực vì tương lai con em chúng ta và vì tương lai phát triển giống nòi quốc gia. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần  đẩy nhanh việc quán triệt và triển khai cụ thể hoá Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Công tác dân số trong tình hình mới", bảo đảm việc thực hiện tốt các mục tiêu đúng định hướng và sát với yêu cầu thực tiễn ở địa phương và cơ sở. Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, Trung tâm sàng lọc Cần Thơ, Trung tâm sàng lọc Nghệ An. Tại các tuyến quận, huyện thai phụ có thể đến Trung tâm dân số kế hoạch hoá gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi. Bình Nguyên

Trang