Khởi động Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam
17/01/2018 - 10:20

TĐKT - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ - TBXH) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH Doãn Mậu Diệp.

Lễ ký kết Dự án

Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này đã và đang diễn ra, gây nên sự mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của nạn nhân.

Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là các nạn nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị mua bán, xâm hại và quấy rối tình dục tại nơi học tập, nơi làm việc, khu du lịch, khu vực công cộng và cả trong gia đình. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ -TBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2017, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân. Điều này khẳng định bình đẳng giới được quan tâm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiến pháp và các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình về bình đẳng giới đã được triển khai ngày càng có hiệu quả tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đã được thực hiện tốt hơn. Đặc biệt là việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Khoảng cách giới giữa nam và nữ ở Việt Nam ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận lớn người dân. Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp.

Tại Hội thảo, đã diễn ra Lễ ký kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ cho Việt Nam.

 Với tổng ngân sách 2.560.000 USD cho giai đoạn 2018 - 2020 trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc, Dự án có mục tiêu chính nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hồng Thiết