Vĩnh Phúc tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
11/10/2017 - 15:38

TĐKT - Là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước, ngành Dân số Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh, mỗi năm Vĩnh Phúc có từ 18.500 - 19.500 trẻ sơ sinh ra đời, chiếm 70-75% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. 5 năm gần đây, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của tỉnh trung bình 1,2 - 1,4%/năm, tỷ lệ này đảm bảo mức sinh thay thế ổn định và thấp hơn mức trung bình của cả nước từ 0,2 - 0,5%/năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính và tình trạng sinh con thứ 3 của tỉnh vẫn ở top 10 tỉnh, thành phố cao nhất của cả nước. Năm 2010, có 9/9 huyện, thành, thị xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó, có 6 huyện, thành, thị có tỷ lệ sau sinh là 115 nam/100 nữ.

Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS/KHHGĐ, đến năm 2016, toàn tỉnh có 15.951 trẻ, trong đó, số trẻ nam là 8.411 trẻ, số trẻ nữ là 7.540 trẻ, tỷ số giới tính 111,75 nam/100 nữ.

Tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ của trẻ mới sinh của tỉnh vẫn đang ở chỉ số “báo động đỏ” và cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước là 3 - 4%. Nếu tỉnh không có giải pháp phù hợp, kịp thời, đến năm 2025, theo dự báo toàn tỉnh sẽ có gần 60.000 nam thanh niên bước vào độ tuổi xây dựng gia đình mà không có bạn gái để kết hôn, điều này sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội.

Tỷ lệ học sinh nam nhiều hơn nữ trong các lớp học là biểu hiện của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo ông Vũ Đức Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính, trong đó nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng này là sự tồn tại tư trưởng trọng nam, khinh nữ. Cùng với đó, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, người già không được hưởng lương hưu dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa về mặt tài chính, con trai sẽ là người chăm sóc cha mẹ khi về già. Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hoàn thiện đã mang đến chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật siêu âm, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Trước thực trạng trên, ngành Dân số tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực. Xác định công tác truyền thông là một trong những nội dung quan trọng, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Đài PT-TH Vĩnh Phúc, BáoVĩnh Phúc… xây dựng các phóng sự, tọa đàm, các bài viết tuyên truyền những nội dung cần thiết trong quá trình triển khai. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở siêu âm giới tính thai nhi, các cửa hàng kinh doanh xuất bản phẩm trong nhiều năm qua được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm khắc.

Ông Tiến chia sẻ: chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại Vĩnh Phúc rõ nhất tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các lớp mầm non. Chúng tôi lo lắng vì chênh lệch giới tính sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động, tác động đến tâm sinh lý của các em. Trong những buổi ngoại khóa nói về sức khỏe vị thành niên, chúng tôi cũng phải lồng ghép, khuyến cáo trước để các em hiểu về ảnh hưởng của việc chênh lệch giới tính ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại các địa phương triển khai đề án về giảm thiểu mất cân bằng giới tính, Trung tâm DS/KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và phối hợp các ban, ngành, tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương mình. Đồng thời, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động cho các cấp lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trạm y tế, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số... Song song với đó, tổ chức các buổi tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn cho cộng đồng dân cư, cán bộ nhân viên các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cho nam, nữ trước khi kết hôn về các chính sách liên quan đến công tác DS/KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới, quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

Tại các địa phương còn thành lập và duy trì các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ thanh niên không sinh con thứ 3 trở lên, giúp nhau làm kinh tế; nhân rộng CLB “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” nhằm giúp ông bà hiểu được tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó không tạo áp lực cho con cháu về vấn đề “Trọng nam, khinh nữ”. Xây dựng mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước thôn, khu phố, tổ dân phố nhằm duy trì mức sinh hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Thực tế cho thấy, người dân hoàn toàn nhận thức được những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể thoát ra khỏi suy nghĩ muốn có con trai bằng mọi giá. Chính vì thế, ngoài những biện pháp xử lý quyết liệt, cần có những biện pháp mềm dẻo, cốt để thay đổi tư duy của người dân. Để làm được điều đó, cần rất nhiều thời gian và sự góp sức của cả cộng đồng.

Bảo Linh