Điển hình tiên tiến

“Người thuyền trưởng” tài năng, tâm huyết của Khoa Điều trị liệt vận động – ngôn ngữ trẻ em

TĐKT - Điều làm nên ấn tượng đối với những ai đã từng đến với Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) là không khí làm việc khẩn trương cùng sự hướng dẫn, chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên. Đây chính là một trong những lý do khiến Khoa luôn nhận được sự tin tưởng, quý mến của đông đảo bệnh nhân, góp phần đưa danh tiếng Bệnh viện Châm cứu Trung ương vươn xa trên bản đồ y học trong nước và thế giới. Đóng góp vào thành công của Khoa Điều trị liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em phải kể đến vai trò của “người thuyền trưởng” tài năng, tâm huyết - Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm. Trên cương vị Trưởng khoa, với tinh thần trách nhiệm cao, sự vững vàng về chuyên môn cùng tầm nhìn chiến lược, bác sĩ Dương Văn Tâm đã tập hợp được sức mạnh tập thể, khắc phục mọi khó khăn, đưa Khoa từng bước phát triển, thực hiện vượt mức kế hoạch được giao. Trong giai đoạn 2013 - 2017, trung bình công suất giường bệnh của Khoa luôn đạt trên 150%; tỷ lệ bệnh nhân khỏi và đỡ đạt 90%. Các bệnh nhi được điều trị tại Khoa Với mong muốn đem tới cho người bệnh phương pháp điều trị hiệu quả, tiên tiến, bác sĩ Dương Văn Tâm đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, làm chủ nhiều kỹ thuật mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa của phương pháp cổ truyền. Trong thời gian qua, anh đã tham gia, thực hiện nhiều đề tài các cấp: “Nghiên cứu tác dụng điện châm phục hồi chức năng nghe cho trẻ bị điếc tiếp nhận”, “Bước đầu nghiên cứu tác dụng châm cứu điều trị hỗ trợ chứng tự kỷ ở trẻ em”, “Nghiên cứu tác dụng điện châm điều trị đau đầu thể Can Thận âm hư”… Anh cũng có nhiều bài báo được đăng phát trong Tạp chí Châm cứu, Tạp chí Nghiên cứu và Thực hành Nhi khoa, website của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Tập san Hội thảo khoa học Thầy thuốc Ưu tú, Vietnamnet.vn, tintuc.vn, VTC9 News, JoyFM,…; tham gia chương trình “Y học phương Đông”, “Sống khỏe mỗi ngày” của VTV2 về liệt vận động - ngôn ngữ, bại não, tự kỷ ở trẻ em. Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm còn được biết tới là con người của những sáng kiến được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao. Trước hết phải kể đến sáng kiến “Xây dựng môi trường trị bệnh thân thiện hướng tới sự hài lòng của người bệnh” với việc mở phòng tập luyện - đồ chơi trị liệu dưới sự hướng dẫn của các nhóm tình nguyện và nhân viên y tế; trang trí buồng bệnh, hành lang sinh động; tạo không gian xanh - sạch - đẹp; lồng ghép kỹ thuật điều trị, chăm sóc với trò chuyện, giao tiếp, sử dụng đồ chơi, tranh ảnh để tạo cảm giác thích thú, giảm sự lo âu, sợ hãi cho bệnh nhi; động viên, tư vấn cho cha mẹ trẻ trong quá trình điều trị. Sau 1 năm triển khai tại Khoa, sáng kiến đã đem lại những tín hiệu khả quan, giúp tỷ lệ khỏi đỡ tăng từ 88% lên 90% đồng thời giúp bác sĩ, điều dưỡng của Khoa nâng cao tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sáng kiến “Phòng tập luyện đồ chơi trị liệu - Âm ngữ trị liệu” với công suất sử dụng đạt trên 100%, đem tới tỷ lệ khỏi, đỡ cho trẻ đạt 90%. Sáng kiến này đã giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho trẻ. Phòng tập luyện đồ chơi trị liệu - Âm ngữ trị liệu giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho trẻ Là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và Đại học Y Hà Nội, anh cũng có nhiều đóng góp vào công tác đào tạo đội ngũ kế cận. Không chỉ tham gia giảng dạy y lý, bác sĩ Dương Văn Tâm còn hướng dẫn lâm sàng, chuyển giao kỹ thuật cho sinh viên, bác sĩ về học tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương và tại các tỉnh, thành phố. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, anh cùng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Khoa thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ người bệnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Bằng uy tín của cá nhân cũng như Khoa và Bệnh viện, Trưởng khoa Dương Văn Tâm đã vận động các cá nhân, tập thể ủng hộ bệnh nhi nghèo tàn tật với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Những cống hiến của Trưởng khoa - Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, BSCKI, bác sĩ nội trú Dương Văn Tâm đã được vinh danh bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Y tế, Giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông”, Bằng khen của Hội Châm cứu Việt Nam, Bằng khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Sự ghi nhận này đã tạo động lực cho anh tiếp tục nỗ lực mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhi. Nguyễn Quân

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 tôn vinh những thầy, cô giáo dạy trẻ đặc biệt

TĐKT - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, tôn vinh 63 thầy giáo, cô giáo dạy trẻ đặc biệt. “Chia sẻ cùng thầy cô” là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay. Trong 3 năm qua, chương trình  đã tuyên dương 166 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác giảng dạy, giúp đỡ học sinh đến trường. Họp báo giới thiệu Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 Tiếp nối những thành công đó, năm 2018, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức và hướng về những thầy, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định: Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ, nhưng với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy phải có một ý chí, nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả thì mới bám trụ được với nghề. Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và cơ hội hòa nhập cộng đồng. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo dạy trẻ khuyết tật xứng đáng được xã hội tôn vinh, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay. Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết: "Chúng tôi hy vọng Chia sẻ cùng thầy cô sẽ đến gần với các thầy giáo cô giáo dạy học trò có hoàn cảnh đặc biệt, để hiểu hơn về nỗi vất vả, nghị lực vươn lên và tấm lòng của họ. Đồng thời, tin rằng Chia sẻ cùng thầy cô năm nay sẽ truyền đi những câu chuyện xúc động về tình thầy trò. Ở đó, có thể tình thầy trò không được biểu hiện bằng những giác quan thông thường nhưng vẫn trọn đầy và ấm áp". Trong chương trình, tháng 9/2018 "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo dạy trẻ khuyết tật tại một số tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, chương trình sẽ tổ chức cuộc thi online mang tên "Nghĩ về người giáo viên giáo dục đặc biệt". Thông tin chi tiết xem tại fanpage: www.facebook.com/chiasecungthayco Mỗi thầy giáo,cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương năm nay, sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, ban tổ chức chương trình sẽ đi thăm và tặng quà một số cơ sở giáo dục nơi có các giáo viên dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương. Chương trình sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 25/7 đến hết ngày 25/9. Hồ sơ gửi về Cổng tri thức Thánh Gióng (số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dự kiến lễ tuyên dương Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018 tại Hà Nội. Mai Thảo

Vinh quang Việt Nam 2018: Tôn vinh 8 công trình tiêu biểu, có dấu ấn đặc biệt

TĐKT – Ngày 28/7, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Báo Lao Động sẽ tổ chức chương trình “Vinh Quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình” , nhằm tôn vinh 8 công trình tiêu biểu, có dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của đất nước. Đây là Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 14 do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, giao báo Lao Động trực tiếp thực hiện. Qua 14 lần tổ chức, có 218 tập thể và cá nhân được tôn vinh. Năm 2018, là lần đầu tiên chương trình Vinh quang Việt Nam thay đổi chủ thể để tôn vinh – những công trình tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật thông tin về chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2018 Phát biểu tại buổi Họp báo chiều 24/7, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Năm 2018 đánh dấu nhiều sự kiện chính trị - xã hội quan trọng. Trong đó nổi bật là Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua của Bác Hồ cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị và trở thành tiền đề vững chắc để công nhân, lao động cả nước tiếp tục hăng say xây dựng những công trình khẳng định tầm vóc Việt Nam. Nhằm ghi nhận và vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc gắn với những công trình tầm vóc; qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo vì sự phát triển của đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…, từ  đầu năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất ý tưởng bình chọn  công trình đặc biệt tiêu biểu xuất sắc, ghi dấu ấn đậm nét, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm từ 1975 trở lại đây. Đặc biệt, những công trình có giá trị to lớn này đều ghi nhận công sức, trí tuệ của hàng ngàn, hàng vạn công nhân, lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc với nhiều lĩnh vực trọng yếu của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chương trình được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 89 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2018) và Chào mừng Đại hội lần thứ 12 Công đoàn Việt Nam. Thông qua nhiều vòng bình chọn theo đúng quy chế, 8 công trình đã được chọn vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”: Công trình “Đường Hồ Chí Minh”; Đường dây 500kV Bắc – Nam; Vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000”;  Công trình “Từ điển Bách khoa Toàn thư”; Công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451” có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu; Chương trình tiêm chủng mở rộng. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật nhận định: Những công trình này được vinh danh lần này là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của con người Việt Nam. Nó là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, đóng góp quyết định vào những thành tựu nổi bật của đất nước trong hàng chục năm qua. Chương trình được tổ chức vào ngày 28/7 và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1. Mai Thảo

Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018: Tôn vinh 70 người lao động tiêu biểu

TĐKT - Chiều 24/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin về lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018.  “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” là phần thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam được xét, trao tặng 5 năm một lần cho công nhân, lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc tiêu biểu nhất trong lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tích cực đào tạo, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Trong 10 năm triển khai thực hiện, với 2 lần xét chọn và trao tặng (lần thứ I năm 2008 và lần thứ II năm 2013), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tôn vinh 239 công nhân, lao động tiêu biểu, xuất sắc.  Giải thưởng đã tạo động lực mạnh mẽ, khích lệ đội ngũ công nhân trong cả nước hăng say lao động, sản xuất, say mê sáng tạo, góp phần đưa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” lên tầm cao mới cả bề rộng và chiều sâu. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính chia sẻ tại Họp báo Tiếp nối thành công của hai lần trao giải trước, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 08/KH-TLĐ ngày 23/2/2018 về tổ chức xét chọn và trao tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” lần thứ III, năm 2018. Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: Kể từ khi phát động, đến hết tháng 5/2018, Hội đồng xét chọn đã nhận được tổng số 186 hồ sơ của 50/63 (chiếm 79,3%) LĐLĐ tỉnh, thành phố và 17/20 (chiếm 85%) Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty. Tổng số đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của các cá nhân đạt giải thưởng là 781 đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật (31 đề tài, 750 sáng kiến) với tổng giá trị làm lợi trên 74.000 tỷ đồng và có 59 lượt cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn. Tuy nhiên, đồng chí Mai Đức Chính cũng chỉ ra rằng: Đa số những công nhân, lao động tham gia xét chọn Giải thưởng là những cá nhân có nhiều đề tài, sáng kiến, cải tiến làm lợi nhưng chưa tự viết được báo cáo hoặc kê khai cụ thể giá trị làm lợi của đề tài. Để lựa chọn ra 70 công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu nhất nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), Ban tổ chức đã quy định rõ hơn đối tượng (công nhân trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất) và nâng cao hơn tiêu chí, tiêu chuẩn xét chọn, trao tặng Giải thưởng so với 2 lần trước (điểm chấm chủ yếu dành cho sáng kiến, sáng tạo đem lại giá trị làm lợi cao). Đồng thời, bộ phận thường trực thi đua, khen thưởng các cấp công đoàn phải tích cực, chủ động hơn trong hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, lao động viết báo cáo thành tích và kê khai sáng kiến. Dự kiến, nhân dịp trao tặng Giải thưởng lần này, 30 cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn, đem lại giá trị làm lợi cao sẽ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018 sẽ được tổ chức vào lúc 19h00 ngày 26/7/2018 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Mai Thảo

Trường Đại học Lao động – Xã hội đạt chuẩn chất lượng giáo dục

TĐKT – Sáng 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học Lao động - Xã hội (LĐXH). Trường Đại học Lao động Xã hội đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục Năm 2008, Trường Đại học LĐXH bắt đầu triển khai hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo Quyết định số 65/2007/QĐ – BGDĐT ngày 1/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với yêu cầu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở đánh giá đúng những mặt mạnh và hạn chế theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới nay, nhà trường đã triển khai tự đánh giá 3 lần (theo các giai đoạn: 2001 – 2008, 2008 – 2013, 2010 – 2015) và đánh giá ngoài nhà trường vào năm 2017. Qua quá trình khảo sát từ ngày 28/11 – 5/12/2017, căn cứ báo cáo chính thức của Đoàn đánh giá ngoài (Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), ngày 30/6/2018, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội ký Quyết định số 223/QĐ-KĐCL về việc cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học LĐXH. Kết quả này ghi nhận sự cống hiến, nhiệt tâm, trách nhiệm của tập thể nhà trường trong suốt những năm qua, đánh dấu trang sử mới trong sự nghiệp phát triển của nhà trường. Trường Đại học Lao động – Xã hội đã và đang từng bước khẳng định vị thế của một trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành lao động - thương binh và xã hội và cho đất nước. Hiện nay, Nhà trường đã có đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động gồm 746 người, trong đó có có 531 giảng viên cơ hữu (Trong số này có: 2 PGS, 73 tiến sĩ, 394 thạc sĩ, 62 cử nhân). Hoạt động đào tạo của nhà trường năm học 2016 - 2017 tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực theo phương châm “Đào tạo gắn liền và đáp ứng được với đòi hỏi, yêu cầu ngày một cao của xã hội”. Nhà trường tiếp tục thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, ban hành và thực hiện quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên. Công tác giảng dạy và học tập từng bước đi vào nền nếp. Công tác đánh giá, kiểm tra, tổ chức thi được đổi mới, phù hợp hơn; chất lượng đào tạo được cải thiện theo hướng hạn chế tiêu cực, gắn đào tạo với thực tiễn, tăng cường công tác thực hành, thực tập. Năm học 2016 - 2017, tại Trụ sở chính và Cơ sở Sơn Tây đã có 2.072 sinh viên đại học được cấp bằng tốt nghiệp. Trong đó có 5 sinh viên đạt loại xuất sắc, 1.722 sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi chiếm 83.35%, 345 sinh viên xếp loại loại trung bình chiếm 16.65%. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi của sinh viên đại học khóa 9 cao hơn so với sinh viên khóa 8 là trên 30%. Về đào tạo sau đại học, năm học 2016 – 2017, trường đã tổ chức bảo vệ luận văn, xét tốt nghiệp cho 147 học viên cao học, kết quả 100% học viên đạt kết quả tốt. Theo kết quả khảo sát cựu sinh viên tốt nghiệp từ khóa 5 đến khóa 7 có 568 cựu sinh được hỏi có tới 517 sinh viên (91%) đã có việc làm, số còn lại là 51 sinh viên (9,0%) chưa có việc làm. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo của trường được nâng cao và từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nguyệt Hà

Làm giàu từ trồng cam Cao Phong

TĐKT - Với diện tích 10 ha cam, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, cây cam Cao Phong đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Thế Bình (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Vườn cam Cao Phong của ông Bình luôn sai trĩu quả Lên vùng đất Cao Phong từ năm 1999, là công nhân của nông trường Cao Phong, ông và gia đình đã bắt đầu trồng cam từ những năm 2000. Lúc đầu do thiếu vốn, ông đã phải vay ngân hàng để đầu tư mua giống, phân bón. Với diện tích 2 ha, gia đình ông Bình trồng nhiều loại cam: Quýt ôn châu, cam lòng vàng, cam canh, cam xã Đoàn… Tuy nhiên, theo ông Bình: Đó là thời kỳ cây cam Cao Phong chưa có thương hiệu cũng như chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm cam quả làm ra lúc đó rất rẻ chỉ từ 2000 đến 5000 đồng/kg. Do vậy, đối với những hộ gia đình trồng cam như tôi nói riêng và người dân Cao Phong nói chung khi trồng cam là cả một quá trình khó khăn và rất vất vả. Không nản lòng, ông tích cực học hỏi, tìm tòi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng cam. Ông đã kết hợp các loại phân bón của các nhà máy sản xuất phân bón uy tín trong nước và các loại phân bón nhập khẩu của các nền nông nghiệp tiến tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu…vào chăm sóc cây cam. Nhờ vậy, cho năng suất cao hơn, phẩm chất quả tốt hơn. Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cam Cao Phong, ông Bình cho biết: Tôi thực hiện bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng đã qua ủ và xử lý bằng men vi sinh đúng thời gian làm cho đất được tơi, xốp, đảm bảo nhiều dinh dưỡng cho cây cam hấp thụ tốt và bền vững, giảm được nhiều lượng phân vô cơ như NPK, đất sẽ không bị chai cứng, ngoài ra còn tưới, rắc đạm hữu cơ từ sinh vật như đậu tương, ngô đã qua xử lý men vi sinh. Nhờ đó, cam phát triển rất tốt, lá xanh dày, cho năng xuất cao, phẩm chất quả được nâng lên rõ rệt, năm sau luôn cao hơn năm trước, mang nhiều nét đặc trưng cam Cao Phong như vị thơm, ngọt, đậm, quả to, mẫu mã đẹp. Ông luôn ý thức rất cao trong việc phòng trừ sâu bệnh, sử dụng chúng và thường lấy phòng là chính, lựa chọn loại thuốc bảo vệ cho cây được sản xuất từ thảo mộc thiên nhiên. Phòng bệnh gì thì phun thuốc bệnh đó, không phun tràn lan và chỉ sử dụng các loại thuốc được nhà nước cấp phép sử dụng. Theo ông Bình, thường thì sâu bệnh phát triển và phá hoại vào mùa lộc non, quả non như cuối xuân và mùa hè trước mùa mưa, bởi vậy ông chủ động phòng trừ rất hiệu quả. Khi sang mùa đông cũng là mùa thu hoạch cam, sâu bệnh không còn, các nấm bệnh, vi khuẩn không hoạt động và bị tiêu diệt nên việc bảo vệ thực vật hầu như không diễn ra cho tới đầu mùa hè năm sau. Từ tháng 3 năm 2014, ông tham gia chương trình trồng cam theo tiêu chuẩn Viet Gap và đã tuân thủ làm theo hướng dẫn của chương trình như bón phân, tưới nước, bảo vệ thực vật đúng loại, đúng lúc, đúng thời gian cách ly an toàn, có kho tàng gọn gàng, sạch sẽ và ghi chép rõ ràng. Năm 2016, vườn cam của ông cho thu hoạch được 150 tấn cam, quýt các loại, đem lại thu nhập 4 tỷ đồng và được cấp Giấy chứng nhận cam sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap. Niềm vui nhân đôi khi ông mua được ô tô, đã xây được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, cuộc sống gia đình đầm ấm, yên vui, các cháu chăm ngoan, học giỏi, thi cử đỗ đạt. Cũng trong năm này, ông kết hợp với một số anh em thành lập lên Hội trồng cam thị trấn Cao Phong với mục đích chủ yếu là phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cam Cao Phong các loại đồng thời tìm hướng mới trong việc tiêu thụ sản phẩm Cam Cao Phong. Từ đây, sản phẩm cam của các hội viên làm ra đến đâu được bao tiêu hết đến đó; được thị trường nhiều tỉnh biết đến. Ngày càng nhiều đơn đặt hàng tìm đến ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm. Cũng theo ông Bình cho biết, đến vụ thu hoạch cam vì số lượng diện tích lớn, trung bình khoảng 200 tấn/năm với các loại cam khác nhau, do đó ông thường cắt cam và bán cho khách buôn cam từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội…. đồng thời cắt lẻ cho khách bán cam tại huyện. Sự nỗ lực không ngừng để vượt qua khó khăn, không sợ thất bại, luôn tìm tòi, khám phá, vươn lên làm giàu của ông Nguyễn Thế Bình đã lan tỏa khắp thị trấn Cao Phong. Ông tích cực hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật cũng như kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác cùng trồng Cam, giúp đỡ gia đình nghèo, tạo việc làm cho nhân dân. Ngoài ra còn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân các vùng lân cận trong huyện và cả ngoài các tỉnh về học tập kinh nghiệm. Ông còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn, giúp mua sắm thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng để phục vụ sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia đóng góp các phong trào địa phương: Đóng góp xây dựng nhà văn hóa Khu 4 với số tiền 10 triệu đồng, đóng góp quạt trần, bàn ghế với số tiền 4 triệu đồng cho nhà văn hóa khu; đóng góp xây dựng Quỹ Người có công 27/7 hàng năm (năm 2015, năm 2016 đóng góp 3 triệu đồng)… Bảo Linh

Công ty Cổ phần 26 (Tổng cục Hậu cần) đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT - Sáng 18/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần (CTCP) 26, Tổng cục Hậu cần tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống (18-7-1978/ 18-7-2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Tới dự có: Thiếu tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Trung tướng Lê Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Hậu cần. Thiếu tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho CTCP 26 Được thành lập từ những năm 1978, tiền thân là Xưởng quân dụng 26 với nhiệm vụ là sản xuất các loại mũ, giầy, cáng, võng, balo, nhà bạt để cung cấp quân trang cho các đơn vị quân đội, qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, Công ty 26 được chuyển đổi từ Công ty Nhà nước sang Công ty Cổ phần theo Quyết định số 3614/QĐ-BQP ngày 16/12/2006 của Bộ Quốc phòng. Hiện nay, vốn điều lệ của Công ty là 50 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 51%. Với chức năng sản xuất hàng quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, CTCP 26 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quân trang theo chỉ lệnh của trên, đồng thời tích cực tìm kiếm các nguồn hàng kinh tế trong và ngoài nước, mở rộng thị trường kinh doanh, không ngừng hội nhập và phát triển. Qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, các sản phẩm của CTCP 26 đã đạt nhiều giải thưởng cao, được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và bạn hàng, người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá cao. Đại tá Nguyễn Thị Xoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP 26 đọc diễn văn kỷ niệm Đặc biệt, những năm gần đây, CTCP 26 đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đổi mới về công tác tổ chức, quản lý, điều hành, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư bổ sung đủ trang thiết bị cho sản xuất, kinh doanh, hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu đã xác định. Từ một xưởng quân dụng chuyên sản xuất mũ cứng với cơ ngơi là nhà cấp 4 tận dụng, quân số chỉ có gần 200 cán bộ, công nhân viên, đến nay công ty có gần 1000 cán bộ, công nhân viên với doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ đồng và ngày một tăng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động luôn được giữ vững và không ngừng cải thiện. Cùng với đó, CTCP 26 luôn quan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, công ty vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, trở thành một trong các doanh nghiệp quân đội tiêu biểu. Với những thành tích đạt được trong 40 năm qua, CTCP 26 đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Cờ thi đua luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng; Cờ thi đua xuất sắc của Tổng cục Hậu cần; đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng; nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Quốc phòng, của Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, của Thành phố Hà Nội tặng cho đơn vị trên các mặt công tác. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, công ty vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà CTCP 26 đã đạt được trong suốt 40 năm qua. Đồng chí đề nghị trong những năm tới, trên cơ sở nền tảng, thành quả đã giành được, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động CTCP 26 cần quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước vào công tác sản xuất, kinh doanh của công ty, kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chăm lo thiết thực, chu đáo người lao động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phương Thanh

"Tiếp sức mùa thi" năm 2018: Xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

TĐKT – Được tổ chức từ nhiều năm nay, chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong các kỳ thi đại học và cao đẳng của nước ta. Mỗi năm qua đi lại khẳng định sự trưởng thành mạnh mẽ của chương trình với những dấu ấn khó phai. “Tiếp sức mùa thi” thực sự đã trở thành một dấu ấn tình nguyện đặc trưng của sinh viên cả nước. Thêm một mùa “Tiếp sức mùa thi” thành công Năm 2018 chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, các tỉnh, thành đoàn. Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, chuyển biến tích cực trong công tác triển khai thực hiện Chương trình. Kết quả, Chương trình đã hỗ trợ hơn 925.000 thí sinh dự thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia; thành lập được 470 đội hình tình nguyện cấp tỉnh, 2.858 đội hình tình nguyện cấp cơ sở với 57.577 tình nguyện viên. Chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay đã tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại hơn 2.144 điểm thi trên cả nước; hỗ trợ 37.944 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số nguồn lực huy động hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh là 12,893 tỷ đồng. Sinh viên tình nguyện đang hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh Các tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã thành lập được 3.328 đội hình với 57.577 tình nguyện viên túc trực tại các điểm thi, thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ: Cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc; hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp; hướng dẫn, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi; trông giữ hành lý, đồ đạc cá nhân cho thí sinh; giới thiệu các địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; phát các vật dụng, cung cấp các suất ăn, nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh. Kết quả, có 103.949 suất ăn; 414.231 chai nước; 9.748 vé xe buýt, xe đò; 12.893 cẩm nang, bản đồ được phát miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh; có 1.462 đội hình hỗ trợ di chuyểnvới 12.878 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh di chuyển. Đối với những thí sinh ở xa điểm thi, các tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” đã hỗ trợ, tìm và giới thiệu nhà trọ miễn phí, giá rẻ cho thí sinh, phụ huynh; phối hợp với Ban Giám hiệu các trường nội trú tổ chức nấu ăn miễn phí, tặng chỗ ở miễn phí cho thí sinh. Đã có hơn 8.200 chỗ ở miễn phí đã được giới thiệu cho thí sinh và người nhà thí sinh. Đặc biệt, 59/63 tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã rà soát, lên phương án, hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức hỗ trợ: Thăm hỏi, tặng quà động viên thí sinh và gia đình; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi; hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký; giới thiệu chỗ ăn, nghỉ miễn phí, đưa đón, hỗ trợ thí sinh di chuyển, vào phòng thi... Kết quả, đã có 37.944 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ. Trong những ngày diễn ra đợt cao điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cùng với các đội hình sinh viên tình nguyện túc trực tại các điểm thi luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh, giải quyết các vấn đề liên quan đến thí sinh và kỳ thi, các tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên Việt nam cấp tỉnh, thành phố, các trường còn bố trí đội hình sinh viên tình nguyện tăng cường tại các khu vực cao điểm về an ninh trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực tập trung đông thí sinh, có mật độ giao thông cao. Cả nước có 1.737 đội hình với 18.753 tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Các đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng bảo vệ của nhà trường trong việc phân luồng giao thông, sắp xếp phương tiện tại các điểm thi, đặc biệt có phương án, phân công tình nguyện viên quan sát, báo cáo kịp thời nhằm đảm bảo an ninh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực lợi dụng kỳ thi, ảnh hưởng đến thí sinh và người nhà thí sinh như gây mất trật tự, trộm cắp... Một số đơn vị cũng đã lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các bệnh viện, trạm y tế phường trong việc xử lý các sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn, sức khoẻ… Không ngừng đổi mới, sáng tạo Để có thêm một mùa “Tiếp sức mùa thi” 2018 thành công, tuổi trẻ cả nước đã không ngừng cố gắng đổi mới và sáng tạo trong cách làm. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay được ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Với mục đích đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ thí sinh và gia đình thông qua chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2018, Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã khởi xướng chương trình tư vấn tâm lý mùa thi "Tâm lý vững - điểm số cao". Chia sẻ của các chuyên gia tâm lý như Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình về các nội dung như tâm lý phòng thi, sức khoẻ mùa thi, phương pháp học và ôn tập hiệu quả cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, bí quyết làm bài thi tốt, tâm thái đón nhận kết quả kỳ thi... đã giúp các em học sinh ổn định tâm lý, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết và thực sự bổ ích cho mùa thi. Đồng chí  Lê Quốc Phong,  Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao bằng khen của Trung ương Đoàn cho 4 đơn vị có thành tích xuất sắc trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2018 Đối với Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương, mô hình tuyển chọn tình nguyện viên thông qua hình thức đăng ký online theo đường link: https://goo.gl/MLhdcF và xây dựng đội hình “Tiếp sức kiểu mẫu” là những cách làm mới mẻ, mang lại hiệu quả thiết thực trong mùa “Tiếp sức mùa thi” năm 2018.  Nhằm tạo điều kiện cho một số bạn sinh viên đã về quê, học quân sự hoặc đang học học kỳ 3 có thể tham gia phỏng vấn, Hội Sinh viên tỉnh Bình Dương đã phát động tổ chức đăng ký online qua đường link để tuyển chọn tình nguyện viên. Qua đó, đã thu hút hơn 190 sinh viên đăng ký tham gia sau 3 ngày triển khai. Sau đó, Ban Tổ chức chương trình  gọi điện thoại phỏng vấn trực tiếp, cũng như trao đổi thông tin về thời gian tham gia chương trình có phù hợp cho các bạn hay không. Vì thế, Chương trình đã tuyển chọn ra được 50 tình nguyện viên xuất sắc để tham gia đội hình "Tiếp sức kiểu mẫu", chia thành các đội hình. Ngoài hỗ trợ các nội dung theo khung, các tình nguyện viên còn cùng nhau vẽ những câu slogan mang những lời nhắn gửi, những câu chúc thi tốt, cổ vũ thí sinh, nhắc nhở thí sinh về các quy chế phòng thi. Tất cả các bạn tình nguyện viên của đội hình “Tiếp sức kiểu mẫu” đều có mặt lúc 5h30 để chuẩn bị bàn, ghế, dù che, tài liệu; giải đáp các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh; hỗ trợ các thí sinh quên các vật dụng cần thiết khi dự thi như thước, bút, tẩy, atlat địa lý; điều tiết giao thông báo các thời điểm thí sinh vào phòng thi và kết thúc môn thi; nhắc nhở thí sinh về thời điểm phải có mặt tại phòng thi; phát 138 thùng nước, bánh kẹo miễn phí cho học sinh và phụ huynh. Cùng với đó, giới thiệu chỗ nghỉ trưa cũng như phòng trọ miễn phí, nhà nghỉ giá rẻ cho thí sinh ở xa. Hỗ trợ đưa đón thí sinh không có phương tiện di chuyển. Giúp phụ huynh có nơi nghỉ, nơi để xe an toàn trong thời gian đưa đón thí sinh. Khích lệ tinh thần, động viên, tư vấn thí sinh và phụ huynh. Giúp phụ huynh để xe đúng nơi quy đinh để tránh ùn tắc giao thông. Hỗ trợ xe ôm miễn phí, hướng dẫn đường đi lại. Đối với phụ huynh đợi thí sinh tại địa điểm thi thì tình nguyện viên hỗ trợ sắp xếp xe tránh ùn tắc giao thông và phát báo Tuổi trẻ cho phụ huynh đọc khi ngồi chờ.         Việc xây dựng đội hình “Tiếp sức kiểu mẫu” đã đảm bảo được sự tận tâm, chu đáo của Ban Chỉ huy chiến dịch cấp tỉnh đối với các thí sinh và phụ huynh. Hưng Vũ

85 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2018

TĐKT - Tối 9/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ vinh danh và trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2018. Đến dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện hàng trăm doanh nghiệp (DN) du lịch… Lễ vinh danh DN du lịch hàng đầu và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2018 với chủ đề “Tôi yêu Việt Nam” được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 58 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2018). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các doanh nghiệp dịch vụ đạt giải thưởng Qua 19 lần tổ chức, giải thưởng có tác dụng thúc đẩy thi đua trong ngành, nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2018 bao gồm: 10 DN lữ hành hàng đầu đón khách quốc tế vào Việt Nam; 10 DN kinh doanh lữ hành nội địa hàng đầu; 15 khách sạn 5 sao hàng đầu; 15 khách sạn 4 sao hàng đầu; 30 DN vận chuyển, nhà hàng, điểm đến hàng đầu; 5 DN đầu tư và kinh doanh du lịch có đóng góp lớn cho sự phát triển du lịch. So với những năm trước, tiêu chí xét thưởng năm nay chi tiết và rõ ràng hơn, có nhiều quy định khó hơn về số lượng khách, chất lượng dịch vụ, sự tuân thủ các quy định pháp luật. Với lữ hành quốc tế, DN phải đón ít nhất 10.000 lượt khách quốc tế mỗi năm mới được xét tham gia giải thưởng. Giải cho kinh doanh lữ hành nội địa phải có tối thiểu 20.000 lượt khách mỗi năm. Các khách sạn từ 4 - 5 sao phải có công suất phòng bình quân từ 50% trở lên mới được tham gia. Tiêu chí xét giải thưởng du lịch năm nay phản ánh đà phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nước nhà. Việc bình chọn các sản phẩm du lịch được tiến hành từ cơ sở, kỹ lưỡng, làm uy tín của giải ngày càng được nâng cao. Các đơn vị được vinh danh tại giải thưởng thực sự là những DN tiêu biểu về phát triển ngành du lịch, lữ hành. Được biết, năm 2017, ngành du lịch ước đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD. Lần đầu tiên du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là quốc gia đứng đầu khu vực và là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới có mức tăng trưởng du lịch cao. Tiếp đà tăng trưởng này, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 8 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 42,8 triệu lượt du khách nội địa. Đây là cơ sở để ngành du lịch tự tin hoàn thành chỉ tiêu cả năm 2018 đón 15 - 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu khoảng 628.000 tỷ đồng, tương đương 28 tỷ USD. Có được thành tích này có sự đóng góp và nỗ lực không ngừng của các DN du lịch. Việc bình chọn và trao giải các DN du lịch hằng năm có ý nghĩa quan trọng, khuyến khích các DN tiếp tục phát triển, bằng tâm huyết, lao động sáng tạo của mình để đưa du lịch Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Hồng Thiết  

Người cán bộ khuyến nông tận tâm với công việc

TĐKT- Với sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt tình trong công việc, những năm qua, chị Trần Huyền My, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp nông dân tiếp thu những kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu. Được lãnh đạo cơ quan phân công phụ trách chung địa bàn cụm 5 xã phía Nam của huyện Võ Nhai. tuy địa bàn công tác rộng và quá trình đi lại rất vất vả nhưng chị luôn phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị đã phối hợp với các cấp, các ngành của địa phương chỉ đạo tốt công tác sản xuất, đảm bảo đúng với quy định của ngành và đạt được những chỉ tiêu cấp trên giao: Tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; đưa các giống mới vào sản xuất, tập huấn hướng dẫn đúng quy trình...  Báo cáo chính xác các số liệu, không  xao nhãng trong công việc được giao. Làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, chị Huyền My đã phối hợp cùng với UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân với các hình thức: Tập huấn theo chương trình, tập huấn theo nhu cầu của cơ sở và tập huấn theo các mô hình trình diễn, chương trình, dự án nhằm chuyển giao công nghệ vào sản xuất thực tiễn cho nông dân. Kết quả đã tổ chức được 14 lớp với trên 706 lượt người tham dự. Chị cũng phối hợp với các công ty chế biến, sản xuất ngô (Công ty Sygenta, Công ty CP, Công ty Mosanto...)  tổ chức được 5 lớp tập huấn kỹ thuật cho các xã với trên 300 lượt nông dân đưa các giống ngô lai, ngô biến đổi gien vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng. Chị không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến với những xóm, bản có người Mông sinh sống để hướng dẫn cho bà con quy trình, kỹ thuật thâm canh cây ngô lai và các chính sách dân tộc được hưởng theo Đề án 2037. Đặc biệt, trong năm 2017, chị đã mạnh dạn tham mưu xây dựng và thực hiện thành công các mô hình mang tính công nghệ áp dụng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi: 4 mô hình áp dụng công nghệ trong trồng trọt gồm 2 mô hình hệ thống phun  mưa (tưới nước) tự động tại gốc cho cây bưởi tại Tràng Xá và Phương Giao, 2 mô hình xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng. Cũng trong năm, chị được phân công triển khai, thực hiện thành công  1 dự án giảm nghèo về lĩnh vực chăn nuôi: “Nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản huyện Võ Nhai năm 2017” tại xã Bình Long.  Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ UBND huyện giao, chị cũng phối hợp cùng UBND các xã tổ chức nghiệm thu, hoàn tất hồ sơ, cấp kinh phí hỗ trợ diện tích sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vụ xuân, vụ mùa đạt 100% kế hoạch. Chia sẻ thành công trong công việc, chị My cho biết: Đối với người làm công tác khuyến nông, để đạt được hiệu quả cần bám sát cơ sở. Qua tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân thì mới biết nông dân cần tập huấn những nội dung gì, từ đó xây dựng kế hoạch tập huấn cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, người cán bộ khuyến nông cũng cần chủ động nghiên cứu những mô hình mới, những tiến bộ khoa học tiên tiến, để tham mưu cho huyện tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình phù hợp với địa phương. Với những đóng góp thiết thực và hiệu quả trong công tác khuyến nông cơ sở, chị Huyền My đã được các cấp khen thưởng, được bà con nông dân và lãnh đạo xã tín nhiệm. Thu Hoài

Trang