Điển hình tiên tiến

Gặp mặt đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản

TĐKT - Ngày 28/2, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản. Dự buổi gặp mặt có đại diện ngành y tế các địa phương và 66 đại biểu là cô đỡ thôn bản tiêu biểu. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho các đại biểu. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Mô hình cô đỡ thôn bản đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tiếp cận tốt với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh nở an toàn. Hiện nay có 2.755 cô đỡ thôn bản đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn trên cả nước. Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Với sự đóng góp không nhỏ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ, trẻ sơ sinh ở các vùng sâu, vùng xa, các cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài giữa cơ sở y tế và người dân. Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số là một minh chứng của một mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế tại các huyện vùng cao của tỉnh nghèo, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao nỗ lực trong suốt 63 năm qua của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung, đội ngũ các cô đỡ thôn bản nói riêng đã không quản ngại khó khăn, phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Việc phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản tới các bản làng mang ý nghĩa to lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ngành y tế tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống, xác định rõ y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng. Trong đó, ưu tiên phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để các cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nguyệt Hà

Bệnh viện K: 49 năm xây dựng và trưởng thành

TĐKT - Ngày 27/2, Bệnh viện K phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng, trái tim hồng” với sự tham gia của 200 các cán bộ y tế Bệnh viện K. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được tổ chức thường niên trong 3 năm qua tại bệnh viện. Chiều cùng ngày, Bệnh viện K tổ chức kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2018). Khen thưởng 160 cá nhân đạt thành tích trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm và căn dặn đội ngũ thầy thuốc phải tận tuỵ, chu đáo và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, đặc biệt "Lương y phải như từ mẫu". Sự cống hiến đó đã được nhân loại ghi nhận và tôn vinh: Nghề y là nghề cao quý, những người thầy thuốc là những con người rất đáng trân trọng. Suốt chặng đường 63 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, ngành y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Những chiến sĩ áo trắng luôn tự hiểu rằng nghề y với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là nghề cao quý, là niềm vinh hạnh to lớn nhưng cũng đầy trách nhiệm. Biết bao thế hệ thầy thuốc đã vượt qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, có mặt trên khắp các chiến hào để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí, và trong những cuộc chiến khốc liệt đó, nhiều chiến sĩ áo trắng đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ thân yêu. Khi hoà bình lập lại, đội ngũ thầy thuốc lại có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc; âm thầm, lặng lẽ, tận tụy cống hiến vì sức khỏe cho mọi người, hạnh phúc cho mọi gia đình và vì sự tồn vong của nòi giống và dân tộc. Bệnh viện K đã trải qua 49 năm xây dựng và trưởng thành, từ khi Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định số 711/QĐ-BYT ngày 17/07/1969 thành lập Bệnh viện K dựa trên cơ sở Viện Radium Đông Dương. Ngày nay, Bệnh viện đã có cơ sở khang trang, sạch đẹp và nhiều trang thiết bị hiện đại sánh ngang tầm với các quốc gia trong khu vực với 3 cơ sở, 1800 giường bệnh, 1.224 cán bộ nhân viên. Năm 2017, Bệnh viện đã tiếp đón hơn 390.000 lượt khám bệnh, hơn 21.000 bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật tăng 37% so với năm 2016; số ca phẫu thuật loại đặc biệt tăng 51,3% và ca phẫu thuật nội soi tăng 27,9%. Các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng thành công trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã có những thay đổi rõ rệt, toàn diện trên các mặt công tác với nhiều giải pháp, cách làm hay và đạt được nhiều thành tựu trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, công tác khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, đồng nghiệp ghi nhận và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh.  Điểm trung bình chung của các tiêu chí chất lượng bệnh viện: 3,56 điểm (năm 2016 là 2,79 điểm). Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh và người nhà người bệnh là 78,9% (năm 2016 là 52%). Bên cạnh đó, Bệnh viện K đã xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám, chữa bệnh ung bướu của người dân. Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Hàng trăm cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương, Huy chương, Bằng khen các cấp. Hồng Thiết

Tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2018

TĐKT - Tối 26/2, tại Nhà Văn hóa học sinh sinh viên TP Hà Nội, nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2018), 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV năm 2018. Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy khen thưởng các thầy thuốc trẻ tiêu biểu xuất sắc nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2018 Với sự tham gia của gần 400 Thầy thuốc trẻ tiêu biểu cùng đoàn viên, hội viên, thanh niên Thủ đô, Lễ tuyên dương được tổ chức nhằm tôn vinh các y, bác sĩ trẻ tiêu biểu, một trong những lực lượng thanh niên có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô. Trong khuôn khổ chương trình, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội đã tổng kết công tác Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội năm 2017; tuyên dương và tặng bằng khen cho 43 thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu; vinh danh 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV. Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội cho biết: Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm qua 3 lần tổ chức ngày càng có sức lan tỏa. Số lượng bác sĩ tham gia Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và số lượng bác sĩ tiêu biểu được tuyên dương ngày càng tăng, góp phần nhân rộng những hoạt động có ý nghĩa đối với cộng đồng. Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu của Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm là hoạt động thường niên của Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội được tổ chức 2 năm 1 lần. Qua 4 lần tổ chức đã có hơn 200 thầy thuốc trẻ được tuyên dương và 40 thầy thuốc được nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm. Đây cũng là dịp để Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và biểu dương những Thầy thuốc trẻ Thủ đô đã có nhiều đóng góp cho công tác xã hội, công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi thủ đô, cũng như những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước; đồng thời tạo động lực để các y, bác sỹ trẻ phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn, trau dồi y đức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Nguyệt Hà

Người y sĩ hết lòng vì người bệnh

TĐKT - Y sĩ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm Y tế xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là người y sĩ hết lòng vì người bệnh. Y sĩ Cần lớn lên tại vùng quê nghèo ven biển Khánh Hòa, nơi mà mọi người gọi là “Đồng khô cỏ cháy”, người dân chủ yếu thuần nông và một số ít đi biển ven bờ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, y sĩ Cần vẫn cố gắng nuôi dưỡng ước mơ để vào ngành y để được phục vụ người dân nghèo. Y sĩ Phan Thị Thanh Cần Y sĩ Cần tâm sự, cuộc sống thời bao cấp ngày ấy vô cùng khó khăn, đặc biệt khi mọi người ốm đau đều không có điều kiện chăm sóc về y tế. Đơn cử như: Nhân lực, trang thiết bị y tế đều thiếu, nhà trạm cũ kỹ dột nát, từ nhà đến bệnh viện hơn 10 km mà nếu đi thì chủ yếu chỉ có đi xe đạp hoặc đi bộ…Trước hoàn cảnh đấy, bà suy nghĩ rất nhiều và quyết định bỏ mơ ước làm nghề giáo viên để theo học trung cấp Y. Là một y sĩ chuyên ngành sản nhi, đến nay y sĩ Phan Thị Thanh Cần đã có thâm niêm 38 năm trong ngành. Niềm vui đối với bà là mỗi khi đỡ đẻ hoàn thành “mẹ tròn, con vuông” hoặc cấp cứu thành công cho bệnh nhân choáng do xuất huyết tiêu hóa, sốt cao co giật, chấn thương do tai nạn… Bà cũng gặp không ít nỗi buồn khi phải chuyển tuyến những ca bệnh vượt quá khả năng tuyến trạm mà hoàn cảnh của họ rất khó khăn. Bản tính thân thiện, yêu đời, nhưng bà Cần từng có lúc muốn ngã quỵ vì tuyệt vọng. Năm 2008, con gái bà đang học lớp 12 thì phát hiện bị ung thư phổi. Con điều trị được 3 tháng thì chồng đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Bà  tưởng mình không vượt qua nổi. Tuy biết con cần mình, bệnh nhân cũng cần mình, nhưng mường tượng tương lai đơn độc lạnh lẽo là bà chỉ muốn đổ gục. Cũng may, đồng nghiệp, bạn bè, người thân luôn động viên, thậm chí có bệnh nhân đang đau sốt cũng cố gắng động viên bà. Vì thế, bà đã gắng gượng vượt qua tâm tư riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa phượng. Bà vẫn nhớ như in khi kể lại câu chuyện đỡ đẻ, trong khoảng hơn 1.000 ca đẻ, bà không thể quên nổi 9 ca đẻ ngược và một ca sinh đôi khiến bà... thót tim. Trong đó, đáng nhớ nhất, có ca đẻ ngược, sản phụ là người thân của một người cùng làm trong trạm y tế. Khi bệnh nhân vào đẻ, đã chuyển dạ gần sinh nên muốn chuyển đi cũng không chuyển nổi, trong khi ấy bà lại đang bị tổn thương xương bánh chè sau tai nạn giao thông, đứng không nổi nên bà chỉ có thể ngồi ngay bên bàn đẻ, hướng dẫn và nhìn chi tiết thao tác của nữ hộ sinh khi đỡ đẻ đứa trẻ. Đến khi em bé được sinh ra, mặt đã trắng bợt. Lúc ấy bà nghĩ em bé đã không may mắn qua đời, chỉ có cách phải làm sao để cứu mẹ em bé. Thế nhưng khi nữ hộ sinh đặt em bé xuống bàn thấp hơn, ngay trước mắt bà, bà thấy em bé có một nét mặt duyên dáng quá, em bé chỉ như đang ngủ thôi vậy nên bỗng như vô thức, bà cứ thế cúi xuống, đặt một cái gạc qua miệng bé để hô hấp, còn nữ hộ sinh phải lo cho thai phụ. Thời đó không có máy hút đờm dãi, không có oxy, cứ thể bà hà hơi, thổi ngạt, hô hấp khoảng 90 phút thì em bé từ trắng bệch đã dần tím, rồi hồng trở lại, rồi khóc. Bà vỡ òa sung sướng vì đã cứu được bé. Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 17 năm nhưng bà vẫn nhớ như in bởi vẫn dõi theo bé hàng ngày, từ giây phút sống lại ấy đến khi biết đi, biết chạy và giờ đã là một cô học trò lớp 11 của trường làng. Đặc biệt, có những ca đẻ ngược, sản phụ cũng chẳng chịu tới viện, khi bà con trong xóm báo bà tới thì chân em bé đã thò ra ngoài. Lúc ấy bà nghĩ làm sao cho em bé ra nhanh nhất để cứu bé mà không nghĩ gì đến rủi ro, tai biến vì có chuyển đi cũng không nổi. May mắn, tất cả 9 ca đẻ ngược đều an toàn, không xảy ra tai biến. Điều bà tâm đắc nhất đấy chính là bà đã cùng nhân viên Trạm Y tế cải thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Trạm Y tế xã Ninh Thọ giờ cũng khác xưa nhiều. Qua 2 lần chuyển trụ sở rồi xây mới, trạm hiện có 14 phòng chức năng với trang thiết bị y tế hiện đại, cho phép xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, đo điện tim… Đội ngũ nhân lực cũng vững tay nghề với 8 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng. Trạm thu hút 70 - 80 lượt người khám/ngày và khoảng 100 - 110 ca sinh/năm. Đặc biệt, trạm luôn thực hiện phương châm “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, không để xảy ra sai sót chuyên môn.  Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, luôn được quan tâm hàng đầu của toàn xã hội”. Vì thế, bà luôn xác định cho nhân viên Trạm y tế xã: Là cán bộ y tế cơ sở luôn gần dân để trực tiếp thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và điều trị một số bệnh thông thường, luôn cố gắng thực hiện tốt các tiêu chuẩn về y đức, quy chế giao tiếp người bệnh. Đồng thời tham mưu cho Trung tâm y tế thị xã, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã. Ngoài ra, bà cũng duy trì được hoạt động y tế thôn, cộng tác viên các chương trình có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân… Với những thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, y sĩ Phan Thị Thanh Cần đã được nhận Bằng khen của Liên Đoàn lao động Tỉnh Khánh Hòa, 7 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 Bằng khen của Bộ Y tế, 1 Bằng khen Tỉnh ủy Khánh Hòa. Bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hồng Thiết          

Thủ lĩnh đoàn khoác áo bờ - lu trắng

TĐKT - Dù trên mái tóc đã điểm vài sợi trắng hoa râm nhưng nhiệt huyết với các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên luôn “ rực cháy” trong con người bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ (sinh năm 1981), Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thủ lĩnh đoàn không tuổi Chúng tôi hẹn gặp anh trong những ngày chuẩn bị bước sang xuân mới 2018, cũng là lúc anh vừa chân ướt chân ráo trở về sau chuyến tình nguyện cuối cùng năm 2017, kéo dài 3 ngày tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Anh bảo, chuyến đi này làm anh và nhiều thành viên trong đoàn trăn trở lắm. Hình ảnh những đứa trẻ chân trần, với duy nhất một manh áo phông trên người, cõng nhau đến điểm tập kết để nhận quà trong cái lạnh dưới 10 độ C; hoàn cảnh đáng thương của 3 anh em nhà Hầu Mí Cớ 14 tuổi, Hầu Mí Dế 12 tuổi và Hầu Mí Thò 8 tuổi mồ côi cả cha, lẫn mẹ, tự nuôi nhau trong trong túp lều tranh dựng giữa đường xóm Dì Thành, xã Lũng Hồ… cứ trở đi trở lại trong đầu và thôi thúc anh phải làm một điều gì đó. “Chắc chắn tôi và các bạn trẻ Đại học Y Hà Nội sẽ trở lại đó, cùng với các mạnh thường quân, chăm sóc sức khỏe cho các em bé, xây cho chúng những điểm trường học mới, những mái ấm tình thương” - Anh Vũ chia sẻ đầy quyết tâm. Thay vì những chuyến đi du lịch đó đây, bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ (ngoài cùng bên phải) cùng với các đoàn viên, thanh niên tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân khó khăn trên cả nước. Gần 20 năm qua, tất cả những hình ảnh sau những chuyến thiện nguyện đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa đều được anh cẩn thận lưu lại trong tâm trí và nỗ lực tìm mọi cách truyền đạt, đánh thức tình yêu thương và lòng nhân ái trong cộng đồng, cùng trở lại những địa chỉ đó, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Đồng nghiệp và các sinh viên trong bệnh viện và trường Đại học Y Hà Nội thường gọi anh với cái tên vừa đáng kính, lại vô cùng đáng yêu “Thủ lĩnh đoàn không tuổi”. Tính đến nay, anh Vũ có gần 20 năm gắn bó với công tác đoàn và phong trào thanh niên. Với anh, nó đã trở thành một niềm đam mê, ngấm sâu vào máu của mình. Gần chạm đến U40 nhưng tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, và tiếp tục được tín nhiệm bầu làm cán bộ đoàn, chịu trách nhiệm dẫn dắt, định hướng, khơi dậy những hoạt động phong trào lành mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho hơn 600 đoàn viên thanh niên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng như gần 7000 đoàn viên thanh niên trong trường Đại học Y Hà Nội. Vốn được “giác ngộ” và “bị lôi cuốn” vào các phong trào thanh niên và những hoạt động có hoài bão, có lý tưởng từ rất sớm, nên từ thời còn đi học, Vũ đã hăng hái tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Theo các chương trình do Đoàn trường đại học tổ chức, chàng sinh viên Nguyễn Vũ được đặt chân đến nhiều vùng núi cao, khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm và chia sẻ với vô vàn những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn… Đó là cơ hội quý báu, giúp anh thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này. Từ nhiệt huyết và kinh nghiệm của bản thân, với vai trò là thủ lĩnh đoàn trường, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh Vũ đã dẫn dắt các phong trào thanh niên nơi đây phát triển mạnh mẽ, nhiều chương trình đã có thương hiệu. Anh đã thực tế hóa các hoạt động đoàn thông qua xây dựng nhiều tổ, đội, nhóm gắn với phát triển các kỹ năng xã hội cũng như chuyên môn, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên. Hiện tại, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bận rộn trăm công nghìn việc, từ khám, chữa bệnh, phẫu thuật đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học, rồi gia đình, con cái…  nhưng anh Vũ vẫn luôn nỗ lực dành phần lớn quỹ thời gian “ngoài giờ” của mình cho các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên. Anh bảo: “Đó là vì đam mê”. Thay vì những chuyến đi du lịch đó đây, anh đang chắt chiu từng ngày, từng dịp, cùng với các đoàn viên, thanh niên tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức nhiều đợt tập huấn sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo Cô Tô (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh); tham gia các hoạt động “Lễ hội Xuân hồng” và các chương trình hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chỉ tính trong năm 2017, anh Vũ đã tổ chức và tham gia 10 chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng cho đồng bào tại nhiều vùng khó khăn. Sau trận lũ quét lịch sử tại Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái), anh cùng các tình nguyện viên đã có mặt kịp thời tham gia hỗ trợ đồng bào khám và hướng dẫn bà con phòng chữa bệnh sau lũ. Mỗi dịp Tết đến Xuân về anh cùng các đoàn viên thanh niên bệnh viện và trường Đại học Y Hà Nội tổ chức các hoạt động tình nguyện tặng quà Tết cho người dân nghèo ở nhiều huyện nghèo tại khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, các hoạt động, phong trào tình nguyện sức khỏe vì cộng đồng do Vũ khởi xướng không chỉ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong trường và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia mà còn được sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của nhiều lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo trường. Kể cả các giáo sư, tiến sĩ đã về hưu cũng rất hăng hái, trèo đèo, lội suối và cần mẫn ngồi khám, chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa. Đáng nói là, với tầm nhìn xa, trông rộng, anh Vũ đã và đang đào tạo, xây dựng được thế hệ thanh niên kế cận có đầy đủ tài năng, phẩm chất và nhiệt huyết cùng anh, thậm chí là thay thế anh trong công tác “truyền lửa”, đào tạo chuyên môn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Anh Vũ tự tin: Tôi rất tự hào vì đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, nếu ngay ngày mai tôi được điều động đi nhận một nhiệm vụ khác thì mọi hoạt động đoàn và phong trào thanh niên của Bệnh viện và Trường Đại học Y Hà Nội sẽ vẫn diễn ra và phát triển vững mạnh. Bởi bên cạnh tôi có rất nhiều những “thủ lĩnh đoàn giỏi” kế cận. Với những nỗ lực đó, năm 2017, anh được Thành đoàn Hà Nội vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô. Bác sĩ trẻ, tài cao Nếu hoạt động tình nguyện là đam mê thì chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho người bệnh là mơ ước phấn đấu một đời của anh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là giáo viên, mẹ là công nhân quốc phòng tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cậu bé Vũ sớm được định hướng sẽ nối nghiệp cha trong môi trường giáo dục. Nhưng mơ ước được làm một bác sĩ cứu người từ thuở nhỏ đã thôi thúc Vũ thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, rồi sống trọn với nghề y cho đến nay. Nguyễn Vũ là một bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 2008 Vũ về công tác tại Bệnh viện Việt Đức. Năm 2013 anh chuyển về công tác tại khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. “Không chỉ là thủ lĩnh đoàn giỏi, anh còn là một phẫu thuật viên có tiếng, với chuyên môn cao và tâm huyết với nghề tại Bệnh viện Đại học Y. Nhắc đến anh là nhắc đến hàng trăm ca mổ sọ não, dây thần kinh phức tạp đã thành công.”  - Đó là nhận xét của các anh chị đồng nghiệp trong bệnh viện. Cầm dao mổ từ năm 2008, với bác sĩ Vũ, có một đêm ngon giấc, không có chuông điện thoại vẫn luôn là ước mơ. Công việc của một bác sĩ ngoại khoa, chuyên ngành mổ sọ não và cột sống luôn cẳng thẳng bởi luôn phải đối mặt với sự sống và cái chết. Có lúc, ban ngày các bác sĩ phải đón tiếp, khám bệnh, kê đơn cho gần trăm bệnh nhân; nhưng đêm đến, khi mọi người tròn giấc ngủ thì họ vẫn miệt mài, thức và chiến đấu với thần chết, giành lại sự sống cho các bệnh nhân. “Phẫu thuật viên như tôi không có khái niệm thời gian; chỉ cần một cú điện thoại từ bệnh viện, mọi thứ đều phải để lại hết phía sau. Có những hôm, đã về đến nhà nhưng vì quá nhiều ca khẩn cấp, tôi phải quay lại mổ. Có hôm 6h30 sáng đã có mặt tại bệnh viện và trở về nhà ăn bữa cơm tối vào lúc 12h kém 15. Đó là chuyện thường ngày của bác sĩ chúng tôi” - bác sĩ Vũ chia sẻ. Bờ - lu trắng nhọc nhằn là vậy, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ chưa bao giờ cảm thấy hối hận về nghề cao quý mà mình đã lựa chọn và nỗ lực phấn đấu. Anh chia sẻ, mỗi ca phẫu thuật thành công, đem lại sự sống cho người bệnh, chính là động lực để người bác sĩ như tôi vượt qua tất cả. Mỗi một ca mổ, mỗi một hành trình thiện nguyện chính là hành trang để anh tự tin lên lớp, giảng bài, truyền lửa nghề, truyền nhiệt huyết đam mê cho sinh viên và đồng nghiệp của mình. Minh, một sinh viên năm 3 trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Bài giảng của thầy Vũ luôn hấp dẫn bởi những ví dụ thực tiễn mà không có trong bất kỳ một tài liệu sách vở hay trang mạng nào mà được đúc kết từ các cuộc hành trình, trải nghiệm của bản thân thầy, trò, tập thể nhà trường và bệnh viện. Vừa làm công việc chuyên môn, vừa tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện, với bác sĩ Nguyễn Vũ, dường như 1 ngày 24 tiếng vẫn chưa đủ. Vợ của anh thường trêu đùa “Thế khi nào thì chồng ốm?”. Câu trả lời hóm hỉnh của anh thường đính kèm nụ cười “Còn nhiều việc phải làm lắm, chưa được ốm”. “May mắn nhất là có được một người vợ luôn thấu hiểu và tạo điều kiện để anh yên tâm làm tốt cả hai vai trò của một bác sĩ và của cán bộ hoạt động phong trào.”- Anh Vũ tâm sự. Mai Thảo    

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT - Ngày 26/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018) và long trọng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, từ một cơ sở y tế nhỏ thời Pháp thuộc, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã là một trong bốn bệnh viện đa khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Với quy mô 650 giường bệnh, 41 khoa phòng, đơn nguyên, trên 700 cán bộ viên chức, trong đó có 200 bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là cơ sở thực hành của Học viện Quân y, nhiều trường cao đẳng y – dược và là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội. Trong những năm qua, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu, khám và chữa bệnh, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo; triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như phẫu thuật (PT) u não, nẹp vít cuống sống, thay khớp háng toàn bộ, PT nội soi nâng cao trong các chuyên ngành ngoại khoa, sản phụ khoa, tai mũi họng… Bệnh viện cũng triển khai nhiều kỹ thuật mới như bơm cement điều trị xẹp thân đốt sống, PT giải phóng chèn ép do thoát vị đĩa đệm và thay đĩa đệm nhân tạo, PT hở hàm ếch, ứng dụng tế bào gốc và huyết tương giầu tiểu cầu trong điều trị thoái hóa khớp gối, khuyết xương hàm, điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết... Ngoài ra, bệnh viện cũng luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, công tác nghiên cứu khoa học… Với những sự cố gắng không ngừng nghỉ và những thành tích đã đạt được, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. La Giang  

Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế

TĐKT – Sáng 26/2, tại Hà Nội, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế long trọng tổ chức Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018) và đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế. Tới dự, có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Cờ thi đua của Bộ Y tế cho Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, năng lực của hệ thống labo kiểm định còn hạn chế và thị trường tiếp tục có thêm nhiều vắc xin và sinh phẩm mới..., nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể Ban Giám đốc và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện tại, các labo vi rút và vi khuẩn của Viện đã được nâng cấp, cải tạo, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), GLP, tạo điều kiện để triển khai ổn định hoạt động kiểm định. Năm 2017, Viện đã triển khai labo xét nghiệm đánh giá động vật thí nghiệm, bước đầu nâng cao chất lượng của động vật thí nghiệm trước khi kiểm định, đánh giá chất lượng vắc xin và sinh phẩm y tế. Nâng cao chất lượng của công tác kiểm định. Viện đã tiếp nhận và phân phối các mẫu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu chuẩn Quốc gia, hoàn thiện hồ sơ của các chuẩn quốc tế. Năm 2017, làm thủ tục tiếp nhận 21 loại mẫu chuẩn quốc tế, tiếp nhận 9 loại mẫu thử, mẫu chuẩn cúm từ WHO phục vụ cho thử nghiệm hợp tác liên labo vắc xin cúm; giao 226 lượt mẫu chuẩn cho các khoa QC và nhà sản xuất để thực hiện thử nghiệm. Triển khai sản xuất xong các vắc xin mẫu chuẩn dự tuyển bạch hầu, rota, rubella, sởi… Viện đã triển khai hoạt động giám sát và hậu kiểm cũng như cử các đoàn thanh tra đột xuất khi có sự cố vắc xin, sinh phẩm; tăng cường giám sát chất lượng vắc xin, sinh phẩm trong cộng đồng; triển khai các công tác đánh giá NRA, các hoạt động của hệ thống chất lượng ISO/IEC17025. Trung tâm tư vấn và dịch vụ vắc xin hoạt động ổn định, có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế luôn được quan tâm chú trọng. Năm 2017, Viện đang triển khai thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đã tổ chức nghiệm thu 7 đề tài, tổ chức xét duyệt đề cương và phê duyệt 4 đề tài cơ sở thực hiện năm 2018; thực hiện 2 đề tài cấp Bộ và bảo vệ đề cương 2 đề tài cấp Bộ trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Đề tài quốc gia “Nghiên cứu sản xuất 12 vắc xin mẫu chuẩn quốc gia dùng cho kiểm định vắc xin  thuộc chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người 2015 - 2020” đang được triển khai theo kế hoạch. Tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ quốc tế với WHO, JICA, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh và Cu Ba, năm 2017, Viện đã cử 18 đoàn cán bộ đi học tập tại các nước về kỹ thuật kiểm định. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận và biểu dương những thành tích Viện đã đạt được trong nhiều năm qua, gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tri ân tới tập thể cán bộ, viên chức của Viện đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực phòng bệnh. Đồng thời mong muốn và tin tưởng rằng các cán bộ, công chức Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực đưa Viện thành một trong những đơn vị dẫn đầu thi đua, dẫn đầu trong khối các đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ, ngành Y tế. Nhân dịp này, Viện vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế. 6 tập thể, 14 cá nhân thuộc Viện được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Phương Thanh

Cán bộ, viên chức Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đón nhận nhiều phần thưởng cao quý

TĐKT – Sáng 23/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho bác sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đình Minh Phát biểu chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, GS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong những năm qua, cán bộ, viên chức của Bệnh viện đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, triển khai hàng loạt các kỹ thuật cao tiên tiến, trong đó có nhiều kỹ thuật đi trước các nước trong khu vực: Vi phẫu thuật ghép xương hàm và một phần khuôn mặt từ vạt xương mác cẳng chân có cuống mạch nuôi để khôi phục lại khuôn mặt tàn phế cho người bệnh; các kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm với gây mê hạ áp, các kỹ thuật cấy ghép nha khoa, các kỹ thuật điều trị nội nha... ngang tầm các nước tiên tiến. Nhờ vậy, Bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người bệnh và đã thành công trong việc giữ người bệnh điều trị trong nước, không để bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị rất tốn kém. Hơn nữa, còn có không ít người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài về Việt Nam điều trị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ vừa được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú Bệnh viện còn dành sự quan tâm lớn tới hoạt động mổ nhân đạo. Hàng chục ngàn trẻ em sứt môi, hở hàm ếch và người bệnh nghèo khó có bệnh lý phức tạp đã được Bệnh viện phẫu thuật điều trị miễn phí, an toàn, hiệu quả và còn hỗ trợ thêm kinh phí cho người bệnh.... Với kỹ thuật điều trị tiên tiến và thái độ giao tiếp tốt với người bệnh, mỗi năm các y bác sĩ của Bệnh viện đã làm thỏa mãn và hài lòng cho trên 100.000 lượt người bệnh tới điều trị tại Bệnh viện. Cùng với đó, Bệnh viện dành sự quan tâm lớn đến các hoạt động dự phòng cho trẻ em và cộng đồng. Chương trình nha học đường ở các trường tiểu học đã được thực hiện ở nhiều địa phương. Hàng chục triệu trẻ em đã được chăm sóc răng miệng tại trường học. Chương trình đã mang lại hiệu quả to lớn về phòng bệnh, kinh tế và xã hội. Dự án dự phòng sâu răng cho cộng đồng bằng muối Fluor đã được triển khai ở Lào Cai từ năm 2012. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á thực hiện biện pháp dự phòng này và đã có tác dụng phòng ngừa sâu răng cho cộng đồng mà đã được nghiệm thu về khoa học. Bệnh viện đang xây dựng kế hoạch đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ cho phép mở rộng dự án, vì biện pháp dự phòng sâu răng cho cộng đồng bằng muối fluor đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là biện pháp an toàn, ít tốn kém và rất hiệu quả. Trước thực tế  hiện nay có 90% người dân có bệnh răng miệng, cán bộ, viên chức Bệnh viện thường xuyên tới các địa phương để cố vấn và hỗ trợ mạng lưới răng, hàm, mặt các tuyến với mong muốn mỗi người dân ở bất kỳ đâu đều có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế để được khám, chữa các bệnh răng miệng thông thường. Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế giao tự chủ toàn phần về tài chính từ năm 2009. Mặc dù rất khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng bệnh viện đã thích nghi được với cơ chế mới và đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do không phải sử dụng ngân sách nhà nước mà còn có đóng góp thêm vào ngân sách qua Cục Thuế Hà Nội. Tuy phải tự chủ về tài chính, nhưng bệnh viện đã dành kinh phí đáng kể cho xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu khoa học và đầu tư triển khai các kỹ thuật cao tiên tiến. Mỗi năm có hàng trăm bác sĩ được cử ra nước ngoài cập nhật kỹ thuật mới. Mỗi năm có hàng trăm nhà khoa học chuyên sâu các nước được mời tới bệnh viện để giới thiệu kỹ thuật mới. Hội nghị nha khoa quốc tế thường niên tại Hà Nội đã trở thành sự kiện nha khoa uy tín, lớn trong khu vực và thế giới, bên cạnh chương trình khoa học là triển lãm Nha khoa với trên 300 gian hàng thu hút hầu hết các nhà sản xuất nha khoa hàng đầu thế giới tham dự.... Với những thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cán bộ, viên chức Bệnh viện vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tại buổi lễ, bác sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đình Minh được trao tặng Huân chương Lao động; 9 cá nhân thuộc Bệnh viện được trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; 2 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phương Thanh

Học viện Tư pháp đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Sáng 6/2, tại Hà Nội, Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Học viện Tư pháp Cách đây 20 năm, trước yêu cầu của việc đào tạo, chuẩn hóa trình độ cho các Thẩm phán, ngày 11/2/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp (tiền thân của Học viện Tư pháp ngày nay). Với quyết tâm mạnh mẽ, các thế hệ lãnh đạo và tập thể giảng viên của Học viện Tư pháp đã vượt qua khó khăn, thử thách để tìm tòi, lựa chọn, vận dụng sáng tạo mô hình, kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp ở những nước tiên tiến để xây dựng mô hình đào tạo nghề tư pháp và phát triển mạnh hoạt động đào tạo nghề tư pháp ở Việt Nam. Từ đó, mô hình, triết lý, công nghệ đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam được hình thành, mang đậm dấu ấn tư duy thực dạy, thực học, thực nghề, giàu trí tuệ, kỹ năng và bản lĩnh nghề luật, phù hợp với tuyên ngôn, sứ mệnh và tầm nhìn của một cơ sở đào tạo trẻ, sải cánh vươn xa trong nền tư pháp cách mạng. Với những kết quả đạt được ban đầu và để có thể tạo lập được nguồn nhân lực tư pháp bảo đảm đủ số lượng, trình độ cao đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 25/2/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp với nhiệm vụ tập trung thống nhất đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam. Kể từ đó, tên gọi Học viện Tư pháp được các thế hệ giảng viên, học viên và các cán bộ ghi nhớ như là chiếc nôi, là mái nhà chung gìn giữ, nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ nghề luật. Với những kết quả đạt được, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Học viện Tư pháp vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho một số tập thể, cá nhân của Học viện đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Học viện Tư pháp đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học viên của Học viện Tư pháp đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ vào chặng đường 20 năm phát triển đáng tự hào của nhà trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực tư pháp, hội nhập quốc tế và sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo của đất nước. Với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Học viện cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy hơn nữa vài trò là cầu nối giữa công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp với thực tiễn hành nghề luật. Tập trung hơn nữa trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới mạnh mẽ các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế… Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc nhở các học viên của Học viện phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với cơ quan, xã hội và tương lai của đất nước, nỗ lực học tập rèn luyện, phấn đấu để thực sự trở thành những chức danh tư pháp giỏi, uy tín, là niềm tin của công lý nước nhà. Trang Lê

“Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa

TĐKT - Sáng 6/2, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (16/2/1953 - 16/2/2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự, trao Huân chương và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt truyền thống. Cùng dự, có: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp mặt Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41/SL thành lập Cục Cảnh vệ, với nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức quan trọng là bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương. Từ đó, ngày 16/2 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (CAND). 65 năm qua, lực lượng Cảnh vệ đã từng bước trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trong nước, đồng thời hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp lực lượng Cảnh vệ Lào và Campuchia kể cả về xây dựng tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ và trang bị phương tiện. Trong công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh vệ CAND đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và Bộ Công an ban hành các văn bản pháp quy làm cơ sở pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, đặc biệt gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị 07/CT-BCA-X11 về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, không ngừng học tập và rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật; chấp hành nghiêm túc điều lệnh Công an nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, lực lượng Cảnh vệ CAND vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà lực lượng Cảnh vệ CAND đã giành được trong suốt chặng đường 65 năm qua. Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngày càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, giai đoạn cách mạng mới với nhiều thời cơ, thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Cùng các đơn vị trong lực lượng CAND, lực lượng Cảnh vệ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao khả năng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện quan trọng của đất nước trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Công an, tăng cường biện pháp kỹ thuật bảo vệ; tổ chức tập luyện thuần thục các phương án, xử lý tình huống nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mọi hoạt động phá hoại, khủng bố… của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng, mục tiêu cảnh vệ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Lực lượng Cảnh vệ phải chú trọng chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, suốt đời phấn đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”. Nguyệt Hà

Trang