Điển hình tiên tiến

Công ty cổ phần ACC – 244 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT – Sáng 10/7, tại Hà Nội, Công ty cổ phần ACC – 244 (thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Quân chủng Phòng không – Không quân) tổ chức Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 45 năm thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Tiền thân của Công ty cổ phần ACC – 244 ngày nay là Trung đoàn pháo cao xạ 244, được thành lập ngày 10/7/1972. Ra đời vào lúc quân và dân miền Bắc đang anh dũng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội phòng không – không quân, khắc phục mọi khó khăn, vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao và lập nên những chiến công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ chiếc F-4 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội vào rạng sáng ngày 27/12/1972.  Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung đoàn được chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất kinh tế và được gọi là Đoàn xây dựng 244. Sau nhiều lần chuyển giao, sáp nhập và đổi tên, ngày 16/4/2010, Công ty cổ phần ACC – 244 được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Từ đây, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Sau khi cổ phần hóa, công ty đã không ngừng đầu tư nhân lực và công nghệ, mở rộng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh: xây dựng và hoàn thiện nhà các loại; xây dựng công trình đường bộ; công trình công ích, công trình dân dụng; lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp; khai thác, xử lý cung cấp nước, thoát nước; lắp đặt hệ thống điện, lò sưởi, điều hòa không khí… Với sự năng động, nhạy bén trong tìm kiếm thị trường, những năm qua, công ty đã thi công hàng trăm công trình trên phạm vi cả nước, khẳng định vị thế là doanh nghiệp xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi có hiệu quả, chất lượng cao. Trong đó, có nhiều công trình quan trọng của quân đội: hội trường và nhà làm việc của Bảo tàng Phòng không – Không quân; cụm các công trình thuộc Dự án trận địa tên lửa mới của Quân chủng Phòng không – Không quân từ Bắc vào Nam; công trình tòa nhà công nghệ cao M5 thuộc Nhà máy A31, Cục Kỹ thuật Phòng không – Không quân; Sở chỉ huy Phòng không – Không quân Quốc gia… Doanh thu các năm của công ty liên tục tăng lên. Năm 2016, doanh thu đạt 500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 12 tỷ đồng. Với nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động, 45 năm qua, công ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động các hạng Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 9 Huy chương Vàng chất lượng; Cúp Vàng chất lượng Việt Nam… Đảng bộ công ty liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Tập thể Lao động xuất sắc từ năm 1996 đến nay… Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống, công ty vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nguyệt Hà

Nữ doanh nhân bản lĩnh trên thương trường, nhân hậu giữa đời thường

TĐKT – 20 năm lăn lộn trên thương trường, từ một người ít kinh nghiệm, thiếu vốn, bằng bản lĩnh, quyết tâm mạnh mẽ và chiến lược kinh doanh năng động, nữ giám đốc tài năng Cao Thị Kim Lan đã từng bước đưa Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định từ bên bờ vực phá sản bứt phá đi lên, trở thành một trong những doanh nghiệp có “thương hiệu” trong ngành, là đối tác tin cậy của nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Chị còn là người có tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội ở địa phương, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Những người bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thường đã có sẵn vốn liếng, kinh nghiệm, quen biết nhiều đối tác. Khác với họ, hành trang duy nhất của chị Lan khi bước vào ngành thủy sản là kinh nghiệm làm việc của một kế toán viên. Chị bắt đầu bằng tổ chức sản xuất với quy mô nhỏ, nhận thêm việc gia công nguyên liệu cho các công ty xuất nhập khẩu thủy sản lớn tại một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... Sau một vài năm khởi nghiệp kinh doanh, năm 1994 chị đã có thêm nhiều bạn hàng nên mạnh dạn thuê mặt bằng tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) nhằm xây dựng thêm phân xưởng sản xuất, phát triển mặt hàng xuất khẩu. 5 năm thuê mặt bằng, chị phần nào hiểu được những khó khăn của công ty khi đó. Là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến hàng hải sản đông lạnh, sản phẩm chính là cá biển đánh bắt xa bờ, sản phẩm chế biến đơn điệu, nghèo nàn, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bidifisco gặp rất nhiều trở ngại. Một năm hoạt động chừng 7 - 8 tháng, các tháng còn lại làm thuê gia công cho các công ty khác, doanh thu phấn đấu chỉ cầm chừng từ 4 - 5 triệu USD/năm. Có thời điểm công ty  đứng bên bờ vực phá sản, nhiều cán bộ, lãnh đạo, nhân viên giỏi đã lần lượt bỏ đi tìm công việc mới. Nhận thấy sự cần thiết phải có người chung lưng đấu cật với những cán bộ tâm huyết, bám trụ lại với Bidifisco, chị Lan đã dũng cảm đầu tư, góp cổ phần, cùng suy nghĩ, tính toán để khôi phục lại công ty. Nhằm tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chị đã mạnh dạn đưa ra những cách làm hiệu quả: tập trung sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủy sản và hạn chế, thu hẹp các chức năng khác không mang lại hiệu quả cao cho công ty như nuôi trồng, đóng mới, sửa chữa tàu, dịch vụ hậu cần… Đồng thời, công ty tiến hành nhập khẩu nguyên liệu, đầu tư mới trang, thiết bị, máy móc để sản xuất hàng nguyên liệu đông lạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành tuyển dụng thêm nhiều cán bộ kỹ thuật và đội ngũ công nhân có tay nghề giỏi. Nhờ đó, doanh thu từ năm 2007 – 2010 đạt 17,4 – 21,5 triệu USD/năm. Chị chia sẻ: “Đến nay, tôi vẫn cho rằng thành công của Bidifisco nằm ở tất cả những trợ thủ đắc lực, đội ngũ công nhân có tâm huyết và cùng chung chí hướng. Tôi chỉ là người tập hợp họ lại để gây dựng nên diện mạo của Bidifisco, nếu có người lên ý tưởng mà không có người thực hiện thì cũng không làm gì được.”   Với tâm và tài của mình, Giám đốc Cao Thị Kim Lan (thứ 4 từ trái sang) được đồng nghiệp yêu mến và dành cho nhiều tình cảm trân trọng Bước vào giai đoạn từ năm 2012 – 2016, để nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, tiếp tục đưa công ty đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển, 5 năm qua, chị luôn phát huy vai trò của mình, năng động, sáng tạo trong hoạch định, quản lý, điều hành. Chị đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững và mở rộng thị trường, đổi mới công tác quản lý tài chính, sản xuất, nhân sự, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… Nhờ vậy, chị đã đưa công ty vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Với thương hiệu uy tín, các sản phẩm có chất lượng cao, Bidifisco đã được bình chọn là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” từ năm 2008 đến nay; đạt Cúp vàng và Giấy chứng nhận danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam. Chất lượng sản phẩm của công ty được quản lý theo chuỗi an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 22000:2005, tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu BRC – VER 7 và mức độ an toàn các sản phẩm thế giới IFS – VER 6, chứng nhận Trung Đông HALAL... Đến năm 2016, sản lượng của công ty đạt 9.913 tấn, tăng 52,4% so với năm 2012; doanh thu đạt 1.181,3 tỷ đồng, tăng 54,2% so với năm 2012; nộp ngân sách Nhà nước 1.739,09 tỷ đồng, tăng 11,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt 52,4 triệu USD, tăng 49,4%; thu nhập người lao động bình quân 6,24 triệu đồng/tháng, tăng 29,1%. Quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng và đầu tư hiện đại với tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng, đã thu hút và giải quyết việc làm ổn định cho trên 800 lao động với thu nhập tương đối cao so với các đơn vị trong ngành và so với các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù đảm trách bao công việc bộn bề, Giám đốc Cao Thị Kim Lan vẫn luôn làm tròn vai trò của một người vợ, người mẹ, dành thời gian chăm lo cho gia đình, vun đắp cho tổ ấm thêm hạnh phúc và luôn quan tâm tới công tác xã hội, từ thiện, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm nay chị vẫn duy trì thói quen đọc báo và chuyên mục chị tìm đọc đầu tiên là chuyên mục nhịp cầu nhân ái, các câu chuyện về những mảnh đời khuyết tật, mồ côi, bệnh nhân nghèo. Những hoàn cảnh, số phận éo le đều được chị lưu giữ lại tên tuổi, địa chỉ liên hệ. Được khoảng 10 trường hợp, chị Lan tìm tới bưu điện gửi tiền ủng hộ một lần và số tiền dành tặng các hoàn cảnh đều từ 1 - 2 triệu đồng. Đối với những trường hợp quá khó khăn, chị sẵn sàng ủng hộ 3 triệu đồng. Bằng cách làm này, chị đã sẻ chia khó khăn, mang lại nguồn động viên hữu ích cho hàng nghìn mảnh đời cơ khổ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, chị còn tham gia trong ban chấp hành của nhiều hội nhân đạo, ủng hộ hết lòng cho chương trình mổ tim trẻ em, nạn nhân chất độc da cam… mỗi năm từ 20 – 30 triệu đồng. Ở cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, chị Lan đã đưa ra nhiều ý tưởng, tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hàng năm: tổ chức chương trình Xuân yêu thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tặng hàng trăm suất quà, ủng hộ tiền mặt cho Bệnh viện Tâm thần Hoài Nhơn, cho vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người khuyết tật, tài trợ kinh phí mở lớp dạy nghề cho người mù nghèo... Bằng những nỗ lực trong công việc và hoạt động xã hội từ thiện, Giám đốc Cao Thị Kim Lan đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Lao động tiên tiến, Bảng ghi nhận tấm lòng vàng nhân đạo... của UBND tỉnh và các tổ chức xã hội trao tặng. Chị được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 và danh hiệu Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Cúp Bông hồng vàng năm 2013. Trang Lê

Hà Nội biểu dương cựu chiến binh gương mẫu tiêu biểu

TĐKT – Sáng 7/7, tại Hội trường Bộ Tư lệnh Thủ đô, Hội Cựu chiến binh TP,  Ban Thi đua -Khen thưởng thành phố,  Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì và phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội,  Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình Giao lưu biểu dương tập thể, cá nhân cựu chiến binh,  thương binh gương mẫu tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" chào mừng Đại hội Hội cựu chiến binh các cấp. Tới dự có: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội Lê Minh Cược và 200 cựu chiến binh gương mẫu tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội; hơn 100 cán bộ chiến sĩ trẻ của lực lượng vũ trang Thủ đô và nhiều bạn trẻ, đại diện cho thế hệ tương lai của đất nước. Chương trình là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), nhằm tổng kết, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, kết quả tiêu biểu trong cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017" của Hội Cựu chiến binh thành phố, hưởng ứng cuộc thi do thành phố phát động. Đồng thời, biểu dương, nêu gương những tập thể, cá nhân cựu chiến binh, thương binh gương mẫu, tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Thông qua chương trình nhằm tạo sức lan tỏa, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước trong cựu chiến binh và nhân dân Thủ đô. Chương trình giao lưu với một số cựu chiến binh tiêu biểu Những tấm gương cựu chiến binh được lựa chọn giao lưu tại chương trình đã khẳng định bản lĩnh của những người lính Cụ Hồ. Trở về với thời bình, họ chưa bao giờ phai nhạt lý tưởng trung với nước, hiếu với dân, tiếp tục có nhiều việc làm thiết thực đóng góp cho xã hội, trở thành những tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo. Đó là cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn, 83 tuổi, huyện Phú Xuyên, trở về quê hương, mang trong mình 62 % thương tật, tuy phải đang gồng mình chống chọi với cái đói, cái nghèo nhưng hơn 30 năm nay đã tự nguyện trông nom, hương khói cho hơn 200 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Ông tự nguyện làm công việc này như lời tri ân tới những đồng đội của mình, những người lính đã ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước hôm nay. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân cư số 7, phường Phúc Xá, quận Ba Đình may mắn trở về sau chiến tranh nhưng luôn canh cánh trong lòng vì trên đường chiến đấu, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh mà chưa được chôn cất, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Ông và một số cựu chiến binh khác đã không quản ngại đường sá xa xôi, tự nguyện đóng góp tiền của, dày công đi tìm đồng đội đã hy sinh năm xưa và xây tượng tài tưởng niệm họ. Cựu chiến binh Tạ Quang Hải, Hội viên Hội cựu chiến binh xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nặng lòng với sự nghiệp cứu chữa người bệnh cũng như nhiệt huyết với việc tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen cho 8 cựu chiến binh tiêu biểu Buổi giao lưu còn biểu dương những tập thể, mô hình tiêu biểu của các cựu chiến binh. Đó là Hội Cựu chiến binh thị trấn Đông Anh, nhiều năm qua đã rất tích cực tham gia tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, hằng năm đều dành hơn 50 triệu đồng để tu sửa nhà, mua sắm đồ dùng gia đình, giúp đỡ các gia đình thương binh, bệnh binh; tặng quà cho con em cựu chiến binh, gia đình chính sách trị giá hơn 70 triệu đồng. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ, Hội đã phối hợp rà soát, tu sửa, làm mới 22 căn nhà cho người có công, gia đình thương binh và thân nhân liệt sĩ. Câu lạc bộ thương binh Đình Thôn, với 24 thành viên, nhiều năm qua đã tích cực tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp trên địa bàn, góp phần duy trì trật tự an ninh nói chung. Đặc biệt, trong đợt thay đổi cây xanh của thành phố, tại địa bàn Đình Thôn qua tìm hiểu được biết một số thương binh bị kẻ xấu kích động, lôi kéo với mục đích không lành mạnh, Ban chủ nhiệm cùng một số thành viên Câu lạc bộ đã tiếp cận gặp gỡ, giải thích vận động giải tán kẻ xấu khỏi địa bàn. Chia sẻ cảm động của những cựu chiến binh tiêu biểu ấy đã giúp lớp trẻ hôm nay thấm thía được sự hy sinh anh dũng của người người lính cụ Hồ. Càng khâm phục ngọn lửa nhiệt huyết đóng góp cho xã hội đang cháy bỏng, sục sôi trong những con người ấy. Đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay, Đại úy Lâm Thái Dũng xúc động bộc bạch: được sinh ra trong thời bình, thế hệ trẻ chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn những hy sinh to lớn; cảm phục ý chí vượt mọi gian khó, xây dựng đất nước thời bình của biết bao thế hệ người lính Cụ Hồ. Chính họ đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi biết sống đoàn kết, kiên cường, có trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển; nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải sống có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ thành quả mà cha ông ta đã đánh đổi bằng xương, bằng thịt. Tại chương trình, UBND TP Hà Nội đã tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2017 cho 8 cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. 3 tập thể tiêu biểu trong phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu và phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 được tặng Bằng khen của Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Mai Thảo

Ông Nguyễn Minh Giao, tấm gương sống mẫu mực

TĐKT - Năm nay đã chạm đến tuổi 70, nhưng hễ nghe được ở đâu đó dù Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An hay Phú Thọ, Yên Bái có người còn đói ăn, không có điều kiện đón Tết, phải nghỉ học đến trường vì quá nghèo…, ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Bí thư Chi bộ số 5, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội lại sốt sắng, lo lắng, tìm cách đến tận nơi hỗ trợ họ ít gạo, hay vài chục chiếc bánh chưng ăn Tết, hoặc nếu xa quá thì nhờ bưu điện chuyển đến họ chút tiền giúp các cháu học sinh mua sách vở đến trường. Chẳng cầu người ta báo đáp hay cảm ơn, cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu người, chỉ biết rằng mỗi một lần đến với họ, ông được nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt, lộ rõ trên khuôn mặt họ. Với ông, đó chính là liều thuốc bổ quý giá nhất giúp ông sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc suốt mấy chục năm nay. 28 Tết năm 2010, khi xem báo, biết tin đồng bào Dao ở thôn Bến Thân, xã Đông Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bị mất mùa, phải vào rừng đào củ mài ăn thay cơm, rất thương cảm, ông Giao tự nhủ “phải nhanh chóng giúp đỡ để bà con có gạo ăn Tết, không để mọi người bị đói”. Chưa biết huyện Tân Sơn chỗ nào, đường đi lối lại ra sao, nhưng cứ như mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc ông bằng mọi cách, nhất định phải mang Tết đến cho đồng bào. Ông lên mạng tìm ra số điện thoại của xã Đông Sơn, rồi xin trao đổi với Bí thư xã, đề nghị thống kê giúp số hộ đói, không có gạo ăn để hỗ trợ. Dù lúc đó đã cận kề Tết, cháu nội lại bị sốt, thuê xe rất khó, nhưng ông nghĩ dù khó mấy cũng không để hộ nào đói, không có gạo ăn Tết. Ngay lập tức, ông mua gạo về rồi huy động mọi người trong gia đình, hàng xóm mỗi người một tay đóng thành 41 gói gạo, tương ứng với 41 hộ đói trong danh sách anh Bí thư xã tổng hợp; sau đó nhờ bạn bè tìm thuê xe lên Phú Thọ. Trời mưa rét, đường trơn, lại là lần đầu đến vùng đất này, tên đường chẳng có, hai bên toàn đồi núi và cây rừng, hỏi thăm mãi xe của ông cũng đến nơi. Vất vả, mệt nhọc, bùn đất lấm lem nhưng khi tới nơi trao tận tay những suất quà cho các hộ đói, mỗi hộ 5 kg gạo và một túi quà Tết gồm bánh kẹo, mỳ chính, ông cảm thấy thực sự hạnh phúc.   Hai vợ chồng ông bà Nguyễn Minh Giao, Trần Minh Kỳ 13 năm nay (2004 – 2017), năm nào gia đình ông Giao cũng nhận đỡ đầu 10 trẻ mồ côi. Mỗi cháu 1,2 triệu đồng/năm. Tết đến, xuân về, gia đình ông lại chuẩn bị quà cho các cháu, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Ông bảo: “Năm nay gia đình tôi hỗ trợ 12 cháu vì bên Hội Phụ nữ họ phát hiện thêm hai trường hợp rất đáng thương khác nữa. Giờ có thêm con trai, con dâu góp sức nên có thêm nguồn lực để hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.” Năm 2016, trong Tổ dân phố số 8 có trường hợp gia đình cụ Sâm (85 tuổi), có vợ (84 tuổi) bị liệt, không may bị cơn bão đầu mùa hè làm tốc mái nhà. Với vai trò là Bí thư chi bộ, lại là hàng xóm láng giềng, ông đã nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên và tiên phong giúp đỡ gia đình cụ 1 triệu đồng; đồng thời kêu gọi mọi người phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách. Tấm lòng thơm thảo của gia đình ông Giao đã làm lay động trái tim của nhiều người. Bà Đặng Thị Trinh Nữ, đảng viên 50 tuổi đảng đã giúp đỡ gia đình cụ 2 triệu. Mọi người trong khu dân cư, mỗi người một tay, xúm lại giúp cụ Sâm dựng lại mái nhà chỉ trong vòng 5 ngày. Ông Nguyễn Chiếm Sơn, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học số 5, Bí thư Chi bộ số 5, phường Dịch Vọng Hậu chia sẻ: mọi người ở đây gọi ông ấy là người thầy thuốc của nhân dân. Vốn là bác sĩ chuyên khoa tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai về hưu - với cái tâm “lương y như từ mẫu”, ông luôn tận tâm cứu chữa, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi bệnh tật. Để giúp mọi người hiểu cách phòng, chống bệnh tim mạch, huyết áp, ông thành lập Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe miễn phí sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Câu lạc bộ ấy duy trì từ năm 2004 đến nay. 60 thành viên trong câu lạc bộ đã được trang bị đầy đủ kiến thức và có thể tư vấn cho nhiều người bệnh khác. Từ ngày về hưu, ông Giao luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Công to, việc nhỏ của phường, của khu ông đều có mặt. Những năm trước, khi còn làm Bí thư chi bộ 5, ông là trung tâm đoàn kết, tích cực đổi mới các hoạt động của Chi bộ nhằm tạo điều kiện cho đảng viên và nhân dân. Người ta nói, ở thành phố, đèn nhà ai nhà đó rạng, nhưng khu dân cư ông sống luôn sôi động; các gia đình sống đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, thắm đẫm tình làng, nghĩa xóm. Bản thân và gia đình ông luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, sống khiêm nhường, mẫu mực và đầy tình thương yêu. Gia đình ông năm nào cũng đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” và 13 năm liên tục đạt danh hiệu “Gia đình chữ thập đỏ cấp thành phố”. Người trong nhà, ngoài ngõ, xóm trên, xóm dưới ai nấy đều kính trọng và nể phục gia đình bác sĩ Nguyễn Minh Giao. Có thể nói ông Giao là nòng cốt để phát triển các phong trào thi đua trong quần chúng. Với sự nhiệt tình, tích cực của ông, nhiều năm nay, các phong trào khuyến học, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, thiếu niên, nhi đồng của khu dân cư luôn đứng tốp đầu.  Bà Trần Minh Kỳ, vợ ông Giao tự hào chia sẻ: ông ấy là người ban hành “nghị quyết” cho cả nhà. Mỗi việc ông làm có giá trị giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho con cháu trong gia đình. Việc giúp đỡ, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội đã trở thành việc làm thường xuyên, thấm sâu vào tim của mỗi thành viên trong gia đình ông. Học theo bố, nhiều năm nay, người con trai cả của ông là Nguyễn Minh Long đã cùng mẹ và vợ đồ xôi, mua giò chả, tham gia làm bánh chưng, đóng thành từng gói quà để trao tặng cho những người lỡ đường, không nhà, không cửa phải đón Tết ngoài đường. Qua các trang thông tin đại chúng, biết ai hoạn nạn khó khăn thì gửi tiền biếu qua đường bưu điện theo địa chỉ mà báo chí đăng tải. Con trai thứ hai của ông là Nguyễn Minh Thanh, cố gắng học rất giỏi, đã dành tất cả tiền thưởng nhờ đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi tiếng Pháp cấp thành phố để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở trường… Cuộc đời của bác sĩ Nguyễn Minh Giao đúng như câu nói “Trồng bí được bí, trồng đậu được đậu, nếu gieo trồng thiện nhân thì sau này ắt được phước quả”. “Sống đến tuổi này tôi thấy tôi là người hạnh phúc vì tôi được sẻ chia hạnh phúc với rất nhiều người. Tôi nhẹ nhõm và tự hào bởi những đứa con, đứa cháu của tôi đang lớn lên từng ngày, biết sống tốt, hướng thiện và là những người thực sự có ích trong xã hội.” - Ông Giao cười hiền. Nhiều người thường hỏi: ông bà làm gì mà nhiều tiền thế, năm nào cũng từ thiện, hỗ trợ người nghèo. Nhưng có lẽ khi đặt chân đến nhà ông, mới thấu hết. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị, khiêm nhường lùi vào mặt đường chừng 2 m đất nhằm tạo cho ngõ chung một không gian thoáng đãng khiến cho người ta phần nào hiểu được lối sống bao dung, vì cộng đồng của gia đình ông. “Thôi thì sức mình đến đâu, giúp mọi người đến đó, chứ đợi đến lúc giàu hay có điều kiện mới giúp đỡ họ thì chắc lâu lắm” - ông bà vô tư chia sẻ. Vì thế, bao nhiêu năm nay, dù đã ở cái tuổi được nghỉ ngơi, nhưng hàng ngày, mỗi buổi sáng bác sĩ Giao vẫn chăm chỉ đến làm việc, khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Thanh Chân – đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ông nghĩ, đi làm để mình có thể giúp nhiều người chữa khỏi bệnh; vừa có thêm nguồn thu nhập để giúp đỡ những người kém may mắn. “Còn sức, mình còn lao động.” Bà Kỳ, vợ của ông năm nay cũng đã 68 tuổi nhưng vẫn hàng ngày chợ búa, cơm nước, chăm sóc cả gia đình. Bà bảo, tiết kiệm tiền thuê người giúp việc, mình vừa làm việc rèn luyện sức khỏe, vừa tiết kiệm được chi phí để làm nhiều việc thiện ý nghĩa khác. Ngôi nhà của gia đình ông nằm trong ngõ 32, phố Phan Văn Trường dù đã lâu không sơn mới nhưng vẫn tỏa ra một mùi thơm, vẻ sáng đẹp bởi ở đó có những trái tim nhân hậu, tỏa hương và ánh sáng diệu kỳ. Bác Hồ từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người bác sĩ y đức, tận tâm Nguyễn Minh Giao là một tấm gương như thế, không chỉ làm lan tỏa những giá trị cuộc sống văn hóa tốt đẹp đến gia đình, xóm giềng mà cả cộng đồng xã hội. Mai Thảo

Đội trưởng Đặc công xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân

TĐKT - 8 năm gắn bó với Đội đặc nhiệm chống khủng bố, Lữ đoàn 126, Quân chủng Hải quân là 8 năm Đại úy Nguyễn Quang Phú miệt mài rèn luyện, phấn đấu, không ngừng sáng tạo, cống hiến tài năng. Tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, mẫu mực trong lời nói và hành động, thường xuyên đưa ra nhiều sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, được cán bộ, chiến đấu viên tin tưởng, học tập, noi gương, anh được mệnh danh là “Đội trưởng đặc công xuất sắc nhất Quân chủng Hải quân”. Sinh ra ở miền quê Tiền Hải, Thái Bình, cả nhà đều làm nông nghiệp, nhưng từ lâu, Phú đã ấp ủ giấc mơ trở thành một đặc công Hải quân. Năm 2004, sau khi tốt  nghiệp phổ thông trung học, anh thi đỗ và nhập ngũ vào Trường Sĩ quan Đặc công và theo học chuyên ngành Đặc công nước. Tháng 8/2009, anh tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm Tổ trưởng thuộc Đội đặc nhiệm chống khủng bố, Lữ đoàn 126. Sau một thời gian phấn đấu học tập, công tác, Phú được bổ nhiệm các chức danh Mũi trưởng, Phó Đội trưởng quân sự, đến tháng 1/2015, được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội đặc nhiệm chống khủng bố. Những ngày đầu về đơn vị, chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật, chiến thuật của đội, Phú đã chủ động nghiên cứu các tài liệu, ghi lại những kinh nghiệm trong huấn luyện, đặc biệt là những nội dung khó như nghiên cứu về địch, về đối tượng, những thủ đoạn tác chiến của lực lượng khủng bố, các vũ khí trang bị mới đặc chủng: súng Microuzi, TavoC, TavoG, trung liên NaGeV, súng bắn tỉa Galil, súng phóng móc, sào đẩy tác chiến, bộ kít, dây tụt chuyên dụng, máy định vị vệ tinh… Từ đó, anh đúc rút kinh nghiệm, vận dụng vào hoạt động tại đơn vị. Là Đội trưởng, ý thức sâu sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, Đại úy Nguyễn Quang Phú luôn tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, có uy tín cao trong tập thể chi bộ và đơn vị. Không chỉ tích cực học tập, nghiên cứu, anh còn trực tiếp huấn luyện, truyền thụ cho cán bộ, chiến đấu viên trong đơn vị nắm chắc về cấu tạo, tính năng kỹ, chiến thuật và sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị được biên chế. Anh trực tiếp huấn luyện và hoàn thành tốt chỉ tiêu các bài bắn cơ bản ứng dụng với từng loại súng cho đơn vị, đặc biệt là các bài bắn ứng dụng, bắn theo nhiệm vụ chống khủng bố… Năm 2015, anh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị nghiên cứu và cho ra đời 2 sáng kiến là giá hiệu chỉnh súng K54 và bếp cơ động dùng cho lực lượng chống khủng bố. Hai sáng kiến này đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng tự bảo đảm cơm chín, nước sôi cho bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dã ngoại, chiến đấu ở những địa bàn khắc nghiệt, khó khăn, gian khổ. Các sáng kiến được hội đồng các cấp đánh giá cao và được chế tác, vận dụng vào thực tiễn. Từ thực tế huấn luyện, anh đã nghiên cứu xây dựng 3 bài bắn ứng dụng phù hợp với nhiệm vụ và đặc thù chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố - đặc công Hải quân (ĐNCKB – ĐCHQ): ĐNCKB – ĐCHQ phối hợp với không quân Hải quân tiêu diệt bọn khủng bố bảo vệ con tin; ĐNCKB – ĐCHQ tiêu diệt bọn khủng bố trong nhà cao tầng; ĐNCKB – ĐCHQ tiến công bọn khủng bố trên cảng và tàu thủy. Các bài bắn đều đáp ứng yêu cầu kỹ, chiến thuật, sát thực tế, phát huy tối đa tính năng kỹ, chiến thuật vũ khí trang bị hiện có của đơn vị, phù hợp phương thức tác chiến của đặc công Hải quân. Hiện các bài bắn ứng dụng này được cấp trên cho phép và đưa vào huấn luyện tại đơn vị. Trên cương vị Đội trưởng, trong quá trình công tác, anh luôn sâu sát, tỉ mỉ, gần gũi, nắm chắc tình hình đơn vị, quan tâm, chia sẻ, động viên cán bộ, chiến đấu viên khắc phục, vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Với sự đóng góp của anh, tập thể đơn vị Đội 6 – ĐNCKB trong nhiều năm qua luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị an toàn, không có đảng viên, cán bộ, chiến đấu viên vi phạm kỷ luật phải xử lý.  Tập thể đơn vị được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tặng giấy khen Đơn vị 5 năm huấn luyện giỏi giai đoạn 2011 – 2015, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Đơn vị huấn luyện giỏi; Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cá nhân Đại úy Nguyễn Quang Phú được Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu Đội trưởng đặc công xuất sắc nhất Quân chủng.  Anh vinh dự được tôn vinh là điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 - 2017. Phương Thanh

Nữ Tổ trưởng dân phố tận tâm

TĐKT – Dẫu biết rằng, làm Tổ trưởng tổ dân phố là một công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, gặp không ít khó khăn nhưng đã 10 năm nay, với vai trò là Tổ trưởng tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội, bà Đinh Thị Thu (67 tuổi)  có không ít cống hiến cho sự phát triển của khu dân cư, đặc biệt là trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa khu dân cư. Mới đây, bà vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có việc làm tốt, kiên quyết và hiệu quả trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng, giữ gìn vệ sinh sân chơi khu nhà tập thể B12 – B13, phường Kim Liên, quận Đống Đa. 10 năm làm công tác Mặt trận, bước chân của bà đã len lỏi tới mọi con đường, ngõ hẻm, đến từng gia đình trong khu phố số 8, phường Kim Liên. Không bỏ sót bất kỳ một đối tượng nào, bà nắm chắc từng hoàn cảnh trong đầu. Mong muốn, nguyện vọng của mỗi cá nhân, tổ chức đều được bà ghi chép cẩn thận và kiến nghị, phối hợp với chính quyền giải quyết thỏa đáng cho người dân. Vì vậy, có thể nói, bà Thu là một cán bộ Mặt trận uy tín, được nhân dân tín nhiệm. Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Phạm Minh Sơn tặng quà cho bà Đinh Thị Thu Nhiều năm nay, khoảng sân chơi chung khu nhà tập thể B12 – B13 rộng gần 600 m2 thuộc phường Kim Liên luôn trong tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh do bị một số hộ dân chiếm dụng dựng lều bạt làm quán ăn, bãi gửi xe.   Thêm vào đó, trong quá trình làm công tác Mặt trận, mỗi lần đi thu tiền hay phát tài liệu đến các hộ gia đình, bà Thu nhận thấy đa số các cháu bé ở các gia đình trong khu phố thiếu không gian chơi, thường xuyên ở trong nhà làm bạn với ti vi, ipad hoặc giao lưu với thế giới bên ngoài bằng cách trèo lên cửa sổ nhìn ra ngoài đường. Người già thì cũng chỉ quanh quẩn trong những căn phòng nhỏ.  “Tôi thấy rất thương, chỉ mong các cháu bé có một không gian dù nhỏ nhưng có ánh sáng, cây xanh, không khí thoáng đãng để hoạt động, vui chơi. Nhất là mỗi dịp Trung thu, hay Tết thiếu nhi, các cháu chưa có một sân khấu và khoảng không gian để vui chơi, văn nghệ…” - bà Thu tâm sự. Với vai trò là Tổ trưởng tổ dân phố, bà Thu đã có không ít trăn trở về vấn đề này, nhất là khi thành phố đang tích cực vận động toàn thể nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả  Năm trật tự, văn minh đô thị. Bà nghĩ, khu tập thể cần có một sân chơi tập thể thực sự thoáng đãng dành cho trẻ con và người già. Xuất phát từ ý nghĩ đó, bà đã đề xuất với phường thu hồi toàn bộ diện tích gần 600 m2 đất sân chơi nhà B12-B13 để làm “công viên thu nhỏ” tạo không gian cho người dân trong khu thư giãn sau ngày làm việc, học tập vất vả. Bà Đinh Thị Thu được lựa chọn là 1 trong 10 cá nhân tham gia Giao lưu những bông hoa đẹp Thủ đô 2017 Để thuyết phục được chính quyền, bà đem ý tưởng của mình đi nhờ con trai mình là kỹ sư vẽ nên một sân chơi trên giấy rất quy mô, đẹp đẽ phù hợp với diện tích của sân chơi đang bị chiếm dụng hiện tại. Sau đó bà viết đơn, kèm theo bản thiết kế, trình lên phường, quận để xin ý kiến. Biết được quyết tâm và ý tưởng rất thực tiễn, ý nghĩa của bà, chính quyền đã đồng ý tạo điều kiện về mặt pháp lý để bà thực hiện. Tuy nhiên, ý tưởng đó lại bị một số người dân, nhất là những người đang chiếm dụng đất sân chơi để kinh doanh, buôn bán phản đối kịch liệt. Bởi họ cho rằng, đó là nguồn thu, nuôi sống gia đình họ lâu nay. Một số người đã đến đe dọa, bắt bà phải từ bỏ ý tưởng xây dựng “công viên thu nhỏ” đó đi. Dù vậy, đã quyết là làm, bà xác định đây sẽ là hành trình đấu tranh, vận động kiên trì mà bà phải đối mặt. Những lời đe dọa cá nhân kia chẳng thể làm thay đổi quyết tâm của bà. Nhớ lại khó khăn lúc đó, bà Thu bảo: Nếu tôi không kiên định, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, chắc tôi bỏ cuộc rồi. Tại thời điểm đó, do kinh phí của tổ và phường hạn hẹp nên việc xây dựng sân chơi không có nguồn hỗ trợ. Tôi nghĩ, chắc chắn xây dựng sân chơi phải thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Gia đình tôi gương mẫu đóng góp đầu tiên. Với kinh nghiệm 10 năm làm cán bộ Mặt trận, bà đã đến từng nhà kiên trì vận động, thuyết phục các hộ dân trong khu dân cư về dự án của mình, đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ của các bác lão thành cách mạng, những người lớn tuổi, những cán bộ, đảng viên. Bà cũng không ngần ngại, gõ cửa từng doanh nghiệp trên địa bàn, vận động họ cùng với nhân dân và chính quyền tham gia xây dựng mô hình sân chơi mới. Đồng thời, bà in và treo nhiều baner hình ảnh về một sân chơi đẹp, ngăn nắp, văn minh xung quanh khu dân cư để tất cả mọi người đều biết và có sự chuyển biến dần trong tư tưởng. Mưa dầm thấm lâu, tấm lòng vì cộng đồng và dự án vì tập thể của bà đã được hầu hết nhân dân trong khu dân cư, nhiều đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Kết quả, bà đã vận động, huy động được 170 triệu đồng để xây dựng sân chơi. Khi tài chính đã đủ, bà cho bắt tay vào xây dựng và chỉ trong vòng 30 ngày sân chơi hoàn thành. Bên cạnh đó, UBND quận Đống Đa cũng hỗ trợ lắp đặt các thiết bị tập thể dục, đồ chơi, vườn hoa. Từ ngày có sân chơi, mọi người trong khu phố từ già cho đến trẻ đều tích cực ra đây luyện tập thể dục, thể thao, chạy nhảy, nô đùa tung tăng. Nhiều mô hình hoạt động  văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng được tổ chức, mang niềm vui đến cho mọi người. Để duy trì không gian vui chơi sạch sẽ, lành mạnh, bà Thu đã kêu gọi mọi người tổng vệ sinh khu tập thể hàng ngày; tổ chức ký cam kết giữ gìn sân chơi, không lấn chiếm làm nơi buôn bán; vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bà bảo: tới đây tôi sẽ tiếp tục đi vận động, quyên góp một ít tiền nữa để làm cột đèn. Đồng thời, xây lưới bao quanh toàn bộ sân, bổ sung thêm hệ thống cây cảnh, lắp đặt them thiết bị tập thể dục cho người già, hoàn thiện sân chơi cho thật đẹp và văn minh.  Những hành động của bà Đinh Thị Thu tuy bình dị mà vô cùng cao quý. Hà Nội phát triển, hiện đại hơn rõ rệt trong những năm gần đây, nhưng để Hà Nội mãi thanh lịch, văn minh, rất cần có thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng bao dung, vì cộng đồng, những hành động tốt đẹp như bà Thu. Mai Thảo

Bệnh viện Phổi Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT – Ngày 2/7, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bệnh viện (24/6/1957 - 24/6/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận công lao của thế hệ các y, bác sĩ, các nhà khoa học và tất cả những người đã luôn tâm huyết vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là vì sự nghiệp đấu tranh tiến tới xóa bỏ bệnh lao – một căn bệnh từ ngày xưa đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân. Phó Thủ tướng chúc mừng Bệnh viện Phổi Trung ương cùng hệ thống phòng, chống lao và bệnh phổi trong cả nước đã có nhiều sáng kiến để tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp đồng thời rất trách nhiệm và tâm huyết. Để công cuộc phòng, chống lao của Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan hơn, đề nghị ngành y tế nói chung và hệ thống phòng, chống lao nói riêng thông qua Chương trình phòng, chống lao tăng cường truyền thông, vận động để người dân có ý thức hơn trong công tác phòng, chống và phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả. Phó Thủ tướng mong tất cả cán bộ, công nhân viên ngành y tế nói cung và chuyên ngành về bệnh lao nói riêng bằng tất cả tấm lòng đổi mới mạnh mẽ, kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được; cùng chung tay phấn đấu tiến tới xóa bỏ bệnh lao vào năm 2030, để mọi người dân Việt Nam đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ ngay từ ban đầu và không còn bệnh nan y đe dọa mọi gia đình... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Phổi Trung ương Nhân dịp này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Phổi Trung ương; Huân chương Lao động hạng Nhì cho PGS,TS Phạm Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương... Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Báo cáo tại lễ kỷ niệm, PGS,TS Phạm Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng, chống lao Quốc gia, cho biết: đến nay, bệnh viện và Chương trình có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện nay, 45/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Đặc biệt, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới được duy trì ở mức cao (89,8%) đạt mục tiêu đề ra là trên 85%. Đồng thời, Bệnh viện đã triển khai Chương trình phòng, chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em, một bệnh phổi gây tử vong cao cho trẻ em dưới 5 tuổi và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống Nhi khoa hợp tác triển khai có hiệu quả, giảm tử vong đáng kể cho trẻ em... Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Bộ Y tế đã trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017 về công tác phòng, chống lao và bệnh phổi cho 3 tập thể và 13 cá nhân của Bệnh viện Phổi Trung ương. Hồng Thiết

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

TĐKT – Ngày 1/7, tại Hà Nội, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1/7/1957 - 1/7/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tiền thân là Viện Sốt rét thành lập ngày 1/7/1957. Đến năm 1961, đổi thành Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng. Từ năm 1998 mang tên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Đến nay, Viện có 5 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn, 1 Trường Trung cấp y tế Đặng Văn Ngữ và 1 Trung tâm Phòng chống côn trùng. Viện có 272 cán bộ viên chức, người lao động với 8 phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 44 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa I, 114 đại học, 66 cao đẳng, trung cấp và 16 nhân viên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện Là Viện chuyên khoa đầu ngành về phòng, chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học; đào tạo; khám, chữa bệnh, truyền thông, giáo dục sức khoẻ; hợp tác quốc tế; chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới trong phạm vi toàn quốc… Cán bộ viên chức Viện các thế hệ đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu, xây dựng Viện từng bước phát triển vững chắc đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới. Tình hình bệnh sốt rét, ký sinh trùng và các bệnh do côn trùng giảm đáng kể trong những năm qua. Trong 60 năm qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Để giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Viện, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Viện sẽ tiếp tục phấn đấu, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn đoàn kết, thực hiện thành công kế hoạch phát triển Viện trong giai đoạn tới với mục tiêu: Viện luôn là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo, khám, chữa bệnh tiên tiến về lĩnh vực sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền; phát triển và ứng dụng các kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao; xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (1/7/1957 - 1/7/2017), Viện đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng thời, 1 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 2 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 5 tập thể và 30 cá nhân được nhận Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mai Thảo

“Sứ giả” của bình yên, hạnh phúc, no ấm miền biên giới

TĐKT – Dù công tác, chiến đấu trên những vùng biên giới xa xôi hẻo lánh, đối mặt với sự thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt và những hiểm nguy luôn rình rập, thanh niên Bộ đội Biên phòng luôn thể hiện tinh thần xung kích, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân. Họ giúp đỡ, dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa; chăm sóc, chữa bệnh cho người già; củng cố hệ thống chính trị địa phương; yêu thương, hỗ trợ đồng đội; mưu trí và quyết liệt khi đối diện với tội phạm… Đồng bào thương mến gọi các anh là những “sứ giả” của bình yên, hạnh phúc và no ấm miền biên giới. Vận động đồng bào xây dựng đời sống mới Năm 2013, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Nguyễn Văn Thắng về Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh nhận công tác. Vượt qua những khó khăn ngày đầu, được đồng đội hỗ trợ, cấp trên hướng dẫn, anh tích cực hoạt động và có nhiều sáng tạo trong việc vận động quần chúng. Ấp Phước Hưng nơi anh công tác vốn là điểm “nóng” về buôn lậu, vi phạm an ninh biên giới. Khắc phục vấn đề này, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Nguyễn Văn Thắng đã chủ động phối hợp với nhà trường tuyên truyền các quy định pháp luật cho học sinh, qua đó tác động đến bố mẹ, người thân của các em. Ngoài ra, anh cùng đồng đội đến từng nhà dân, gặp từng người để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu tác hại của việc vượt biên, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, anh vận động những người có uy tín trong ấp đứng ra khuyên bảo bà con, nhờ đó, tình hình người dân buôn lậu hay tiếp tay cho buôn lậu đã giảm hẳn. Thượng úy Nguyễn Văn Thắng trao đổi với cán bộ xã Bình Thạnh về tình hình địa bàn Say mê công tác, cái duyên đã đưa Nguyễn Văn Thắng và Phạm Thị Tường Vi, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thạnh, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng đến với nhau. Sau ngày cưới, cuộc sống của vợ chồng trẻ vùng biên ải tuy bộn bề khó khăn nhưng họ luôn hạnh phúc, thương yêu, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi ngày, anh Thắng miệt mài xuống xóm, ấp giúp nhân dân sản xuất; còn cô giáo Tường Vi cần mẫn “gieo chữ” cho các em nhỏ, đồng thời khéo léo tuyên truyền quy định bảo vệ biên giới cho các em. Từ điểm “nóng” về buôn lậu, an ninh, nhờ công Thượng úy Nguyễn Văn Thắng cùng đồng đội, nhân dân, ấp Phước Hưng giờ đây đã trở thành điểm sáng văn hóa của xã Bình Thạnh. Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống tội phạm Vào nghề trinh sát đặc nhiệm chống tội phạm ma túy chưa đầy 3 năm, Đại úy Lê Kiếm Sơn, Phó Đội trưởng Đội đặc nhiệm, phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh, đã lập hàng loạt chiến công lớn, trở thành khắc tinh của những tên tội phạm ma túy khét tiếng và các đối tượng hình sự. Anh đã tham gia có hiệu quả trong nhiều chuyên án vụ án ma túy lớn: chuyên án 461-LV,  bắt 6 đối tượng, thu tang vật 92 bánh heroin; chuyên án 469-LV, bắt 5 đối tượng, thu tang vật  91 bánh heroin, 35.800 viên ma túy tổng hợp; chuyên án MH1114, bắt 2 đối tượng, thu tang vật 2 kg ma túy đá … Đại úy Lê Kiếm Sơn ( giữa) được tuyên dương là 1 trong 10 gương mặt thanh niên BĐBP tiêu biểu năm 2016 Với tính chất nghề nghiệp, đại úy Sơn thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng với bản lĩnh gan dạ, thông minh, nhạy bén, tinh thông võ thuật, anh đã lần lượt “hạ đo ván” nhiều tội phạm sừng sỏ. “Tôi và đồng đội phải học thuộc đường đi lối lại của địa bàn nơi đối tượng thường hoạt động và luôn đặt tình huống xấu nhất để có lối thoát khi gặp nạn. Nhờ thế mọi chuyên án mà biên phòng thực hiện đều thành công” - Đại úy Sơn chia sẻ. Ngoài công tác chuyên môn, Đại úy Lê Kiếm Sơn còn tích cực hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, sôi nổi, hiệu quả các hoạt động, các phong trào do Đoàn các cấp tổ chức. Không chỉ phát huy vai trò tiền phong, xung kích của người đoàn viên trong mỗi chuyên án, anh còn thường xuyên động viên tuổi trẻ trong đơn vị thi đua lập thành tích. Năm 2015, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sơn còn được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tuyên dương "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2016". Nâng bước em tới trường Tốt nghiệp trường Trung cấp Biên phòng 2, năm 2014, Thiếu úy Võ Văn Vinh được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận công tác. Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, thấy rõ đời sống khó khăn, vất vả của bà con, Vinh luôn trăn trở. Nhất là khi anh chứng kiến bữa cơm rau thiếu thốn, chiếc áo đi học sờn vai, ngắn ngủn, cuốn sách giáo khoa ố vàng, lệch gáy vẫn là hành trang đến trường mỗi ngày của các em học sinh. Tận dụng những ngày được nghỉ phép, Vinh tranh thủ lặn lội từ vùng biên giới A Lưới về TP Huế, rồi mò mẫm đi các huyện, tỉnh lân cận tìm kiếm những nhà hảo tâm, nguồn tài trợ để giúp đồng bào nơi biên giới vượt khó. Khi mới bắt đầu, anh gặp không ít khó khăn về thời gian và phương tiện, sau đó với sự giúp đỡ của gia đình, đồng đội và bạn bè, dần dần những bao quần áo, cuốn vở... cũng được mang đến tận tay bà con. Từ khi nhận công tác ở Đồn A Đớt cho đến nay, Thiếu úy Võ Văn Vinh đã vận động và trao tận tay bà con và các em học sinh trên 40.000 bộ quần áo, 2.000 cuốn vở, hàng trăm dụng cụ học tập như bút, thước... Không chỉ giúp đồng bào khu vực biên giới nước ta, Võ Văn Vinh còn cùng đồng đội mang hơn 20 bao quần áo được gấp gọn gàng, ngăn nắp tặng bà con nước bạn Lào. Thiếu úy Võ Văn Vinh tặng vở cho học sinh nghèo tại trường Tiểu học A Đớt Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình "Nâng bước em tới trường", anh đã mạnh dạn đề xuất cấp trên được nhận đỡ đầu em Viên Xuân Hôm, ở xã A Đớt, có hoàn cảnh khó khăn. Bố em Hôm sức khỏe yếu, không có khả năng lao động. Mẹ của em người gầy yếu, cũng ốm đau luôn nhưng vẫn phải gánh vác hết công việc nặng nhọc trong gia đình. Hằng tháng, anh trích 500.000 đồng từ đồng lương ít ỏi của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập cho em Hôm. Ngoài thời gian sinh hoạt tại đơn vị, anh thường xuyên tới gia đình để động viên, hướng dẫn em Hôm học tập và coi em như người thân của mình. Anh Viên Xuân Khoai, bố cháu Hôm, xúc động: “Thiếu úy Võ Văn Vinh thực sự là ân nhân của gia đình tôi. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Vinh, cháu Hôm thỏa ước mơ được cắp sách tới trường. Tôi chỉ khuyên con học thật tốt để không phụ tấm lòng của chú Vinh.” Không quản khó khăn, gian khổ, ra sức thi đua với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, Đại úy Lê Kiếm Sơn, Thiếu úy Võ Văn Vinh là những điển hình tiêu biểu nhất trong hàng ngàn gương thanh niên BĐBP vẫn đang ngày đêm kiên cường bám trụ nơi biên giới, giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền, bám dân, bám địa bàn, giúp dân định canh, định cư, làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn…  Việc làm thầm lặng của các anh đã và đang góp phần cho những mảnh đất vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc, đồng bào có cuộc sống ấm no, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới. Trang Lê

Người thợ cơ khí trẻ sáng tạo

TĐKT - Làm việc tại Công ty TNHH MTV Hữu Toàn Chu Lai, tỉnh Quảng Nam từ những ngày đầu tiên công ty đi vào hoạt động, hơn 6 năm gắn bó, anh công nhân Nguyễn Duy Đức đã không ngừng sáng chế, cải tiến nhiều thiết bị quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho công ty. Nguyễn Duy Đức bén duyên với nghề cơ khí từ khi làm thuê cho cơ sở cơ khí chuyên sản xuất nhôm kính tại địa phương. Đức cho biết: “Nghề cơ khí đòi hỏi tính sáng tạo, tỉ mỉ và sự khéo léo. Càng làm việc tôi càng thích thú. Tôi đã nhận ra được sự thú vị khi tự tay làm từng mối hàn để tạo ra những sản phẩm cho khách hàng”. Để thỏa mãn niềm đam mê và mong muốn được nâng cao tay nghề, năm 2007, anh đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề cơ khí được tổ chức tại Tam Kỳ, do Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng đào tạo và cấp bằng. Sau 18 tháng học nghề, Đức đã tiếp nhận được những kỹ năng cơ bản của nghề cơ khí và cầm chắc trong tay tấm bằng để thực hiện ước mơ của mình. Sau khi nghe thông tin Công ty TNHH MTV Hữu Toàn Chu Lai mở cơ sở trên quê hương mình, anh đã nộp hồ sơ và nhanh chóng được tuyển dụng vì bản thân có nhiều năm kinh nghiệm. Anh Nguyễn Duy Đức với sản phẩm đồ gá cải tiến Trong quá trình công tác và làm việc tại công ty, anh được Ban Lãnh đạo công ty quyết định bổ nhiệm chức Tổ trưởng tổ HG và Khung. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công việc được phân công phụ trách, trong suốt quá trình công tác, anh luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đoàn kết nội bộ, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nuớc, nội quy, quy chế của đơn vị, không ngừng học tập kinh nghiệm thực tế, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Hiệu quả công việc cùng với sự phát triển của đơn vị luôn được anh đặt là trọng tâm hàng đầu.  Ðể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, anh luôn trăn trở, suy nghĩ, trao đổi, học tập thêm các đồng nghiệp, tổng kết kinh nghiệm, luôn sáng tạo, đổi mới, phát huy sáng kiến kỹ thuật áp dụng vào công việc hàng ngày. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh đã được triển khai ứng dụng trong thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu: cải tiến xe đẩy đỡ khi hàn bấm tán đế thùng giảm âm HG/HK 1600 SP, giúp máy móc thao tác nhẹ nhàng,  giảm thời gian và nhân công hơn 50% cho công ty; cải tiến đồ gá pô lửa bằng ben hơi, giảm được 30% thời gian cho công ty; cải tiến bộ đồ gá hàn đế thùng giảm âm máy HG/HK 1600SP (dòng máy xăng), đem lại những sản phẩm có tính chính xác cao, chất lượng tốt và có tính thẩm mỹ, làm lợi cho công ty hơn 50 triệu đồng/năm. Đức cho biết: “Qua thực tiễn tham gia sản xuất ở xưởng cơ khí, tôi đã nhận ra được những hạn chế ở một số công đoạn cần phải cải tiến nhằm giảm bớt sức lao động và thời gian cho công nhân. Từ đó tôi đã đề xuất ý tưởng với quản đốc, sau đó đưa lên ban giám đốc xem xét và đồng ý thì mới thực hiện. Tuy nhiên, không phải nghĩ là làm được ngay, cũng phải mất khá nhiều thời gian tôi mới thành công. Ở công ty ít có thời gian suy nghĩ nên khi về nhà là tôi lại lấy giấy, bút ra để mày mò. Khi những sản phẩm hoàn thành đưa vào thử nghiệm, thấy anh em làm việc nhẹ nhàng mà hiệu quả nên tôi vui sướng vô cùng”. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh còn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên, công đoàn tại đơn vị và các phong trào ở địa phương, xây dựng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”. Từ những kết quả nỗ lực phấn đấu trong những năm qua, anh được Ban Lãnh đạo công ty ghi nhận và tặng Giấy khen; Ban Chấp hành Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam tặng Giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2010 - 2014)"… Anh chia sẻ: trong thời gian công tác, điều chưa làm được còn nhiều, điều làm được còn quá khiêm tốn, song tôi nhận thấy rằng với sự quan tâm, động viên nhiệt tình của lãnh đạo, của anh chị em bạn bè đồng nghiệp, mỗi chúng ta đều sẽ có cơ hội đóng góp được rất nhiều vào công cuộc phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay. Minh Phương

Trang