Điển hình tiên tiến

Học viện Khoa học Quân sự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba

TĐKT - Sáng 8/6, tại Hà Nội, Học viện Khoa học Quân sự tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Học viện (10/6/1957 - 10/6/2017) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và phát biểu ý kiến. Ra đời từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trường Huấn luyện, nay là Học viện Khoa học Quân sự, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ Học viện đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, xây dựng Học viện phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học uy tín của ngành tình báo và toàn quân. Học viện đã đào tạo hàng chục nghìn cán bộ trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và nhân dân; có kiến thức khoa học và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Học viện Khoa học Quân sự Hiện nay, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của Học viện có 2 giáo sư, 12 phó giáo sư, 64% đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, 7 nhà giáo ưu tú và hàng trăm giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên giỏi cấp bộ và cấp Học viện.   Từ năm 1988 đến nay, Học viện đã đào tạo 753 khóa, 863 lớp, với hơn 18.300 học viên, sinh viên, trong đó có 3.898 cử nhân, 457 thạc sĩ đã ra trường; hiện đang đào tạo 8 khóa nghiên cứu sinh, 6 khóa học viên cao học. Những năm gần đây, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện có sự phát triển toàn diện, cả về quy mô, đối tượng và loại hình đào tạo. Đến nay, Học viện đã có hệ thống giáo trình, tài liệu chuẩn, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ của thời kỳ phát triển mới. Với những thành tích đã đạt được, Học viện Khoa học Quân sự đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Học viện vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi và chúc mừng những kết quả, thành tích  Học viện Khoa học Quân sự đã phấn đấu đạt được trong 60 năm qua. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu thời gian tới, Học viện cần thực hiện tốt một số nội dung: tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu của quân đội trong tình hình mới. Tập trung đổi mới nội dung chương trình dạy và học, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý về lý tưởng, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ giảng viên say mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đổi mới phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ của Học viện đồng thời đóng góp cho công tác đối ngoại chung của toàn quân. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, đảm bảo bí mật, an ninh, an toàn. Xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh. Giữ vững, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đóng quân… Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng Học viện sẽ phát huy tốt truyền thống đoàn kết, tiếp tục lập nhiều thành tích mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phương Thanh

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Việt Nam: 60 năm đổi mới và phát triển

TĐKT - Ngày 6/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ kỷ niệm "60 năm y, dược cổ truyền Việt Nam đổi mới và phát triển (1957 - 2017)." Đến dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành, các thế hệ cán bộ đã, đang công tác trong lĩnh vực y, dược cổ truyền. Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Phạm Vũ Khánh cho biết: trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành cùng lịch sử đất nước, Vụ Đông y (tiền thân của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) đã có những bước phát triển về bề rộng lẫn chiều sâu và đã đạt được nhiều thành tựu. Hệ thống quản lý và khám, chữa bệnh đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương, với 64 bệnh viện y học cổ truyền công lập và 3 bệnh viện tư nhân; 92,7% bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền; gần 85% trạm y tế xã, phường có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao đã được chú trọng với 1 Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và nhiều khoa cùng các bộ môn y học cổ truyền trong các trường đại học, các trường trung cấp đào tạo chuyên về y dược cổ truyền và các khoa/bộ môn y học cổ truyền trong các trường cao đẳng, trung cấp y tế trong cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm phát triển, đã hình thành hệ thống nghiên cứu khoa học quy chuẩn phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập trong khu vực và trên thế giới; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh… Trong 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và công chức, viên chức của Vụ Đông y mà ngày nay là Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã miệt mài nghiên cứu tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế ban hành các chủ trương, chính sách, luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác kế thừa, bảo tồn, phát huy, phát triển y, dược cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại, xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới những thầy thuốc và ghi nhận thành tích đã đạt được của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền 60 năm qua. Phó Thủ tướng cho biết: trải qua hàng ngàn năm lịch sử, y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phương pháp quý báu trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, được lưu truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản này trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên thực tế vẫn còn cảnh "Đông y riêng một dòng nước, Tây y riêng một dòng nước, không đụng đến nhau, thậm chí còn cạnh tranh nhau". Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng về lâu dài cần thay đổi trong phương thức đào tạo bác sĩ theo hướng trong thời gian học chuyên ngành chung sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản cả đông y lẫn tây y, cả dự phòng lẫn điều trị. Cùng với đó, dựa trên các nghiên cứu khoa học, các y, bác sĩ cần lý giải đầy đủ giá trị các bài thuốc y học cổ truyền của cha ông; góp phần khẳng định giá trị của thuốc y học cổ truyền đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ngành y tế phải chú trọng nghiên cứu để kết hợp điều trị giữa Đông y và Tây y; cần chú trọng công tác đào tạo để các bác sĩ Tây y cũng am hiểu và có thể kê đơn sử dụng các biện pháp điều trị bằng y học cổ truyền và dùng thuốc nam để phối hợp điều trị. Phó Thủ tướng mong rằng kế thừa 60 năm xây dựng và phát triển , trong thời kỳ mới, y học cổ truyền Việt Nam sẽ có bước phát triển thực chất; phát huy các kết quả đạt được để góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Nhiều cá nhân và tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế... Hồng Thiết

Thắp lên ngọn đuốc người tốt, việc tốt

TĐKT - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2017), sáng 4/6, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt “Những bông hoa đẹp: thi đua xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Buổi giao lưu đã hội tụ hơn 100 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội thêm xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại. Tại buổi giao lưu, ban tổ chức đã lựa chọn 10 điển hình tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực để trò chuyện, chia sẻ hành trình làm việc tốt cũng như những xúc cảm của họ. Bà Đinh Thị Thu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa chia sẻ tại buổi giao lưu Đó là hành trình đấu tranh kiên trì bền bỉ của bà Đinh Thị Thu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa nhằm đòi lại 600 m² đất bị các hộ kinh doanh lấn chiếm để xây dựng sân chơi cho các cháu thiếu nhi và sân tập thể thao cho người già tại nhà B12 - B13, Khu tập thể Kim Liên. Vượt qua những lời lẽ, thậm chí là cả hành động đe dọa, bà đã kiên trì vận động, thuyết phục các hộ dân trong khu dân cư và cả những đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp cùng ủng hộ, đóng góp xây dựng sân chơi. Cùng với sự ủng hộ, quyết liệt của chính quyền quận Đống Đa, bà Thu đã giúp cho các cháu thiếu nhi trong khu dân cư có một không gian chơi ý nghĩa, rời xa những cám dỗ của ti vi và điện thoại; người già có chỗ để giao lưu, tập luyện thể dục, thể thao. 10 điển hình tiên tiến được lựa chọn giao lưu nhận hoa của Ban tổ chức Đó là một người lính cứu hỏa trẻ tuổi, Trung sĩ Trương Duy Tùng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 7, dũng cảm lao mình vào đám cháy, đã đưa hơn 50 người trong tình trạng hoảng loạn, thiếu dưỡng khí thoát được lên tầng thượng để tránh khói độc tại vụ cháy Chung cư CT4 Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) ngày 11/10/2015. Anh mộc mạc chia sẻ: trong tình thế nguy nan ấy, cánh tay nắm chặt, ánh mắt cầu cứu của người bị nạn chính là điều duy nhất trong suy nghĩ của tôi, thôi thúc tôi bằng nghiệp vụ của mình trấn an và nhanh chóng đưa họ đến nơi an toàn bằng mọi cách, dù phải nhường cả mặt nạ dưỡng khí.  Đó là tấm gương học sinh Nguyễn Như Khôi, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ, tuy nhỏ tuổi nhưng có suy nghĩ và hành động xứng đáng được cả xã hội học tập. Không chỉ là một học sinh giỏi, Khôi còn có năng khiếu nghệ thuật với giọng hát truyền cảm, từng được mời tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình. Điều đặc biệt, Khôi thường dành số tiền bồi dưỡng từ các cuộc biểu diễn nghệ thuật để mua quà tặng các bạn nghèo, các em nhỏ mồ côi và người già neo đơn. Khôi cho biết, em muốn tham gia các hoạt động từ thiện bởi luôn nhớ lời thầy cô giáo dạy “Một bữa cơm không thể làm cho người ta no ấm lên được, nhưng họ sẽ thấy hạnh phúc bởi trong muôn vàn bất hạnh vẫn có những sự sẻ chia của biết bao nhiêu người giữa cuộc đời này”. Ông Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Trưởng ban Ban Thi đua - khen thưởng TP Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu Ông Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng TP Hà Nội chia sẻ: những người làm công tác thi đua, khen thưởng thực sự là những người may mắn bởi trong quá trình đi thẩm định hồ sơ điển hình tiên tiến, chúng tôi được biết đến nhiều người tốt làm nhiều việc tốt. Họ chính là nguồn cảm hứng, là ngọn đuốc soi đường để cả xã hội hướng đến cái tốt, cái thiện. Đồng thời, đây cũng là động lực để những người làm công tác thi đua, khen thưởng Thủ đô tiếp tục làm tốt vai trò của mình, kịp thời phát hiện, khen thưởng xứng đáng những tấm gương sáng trong xã hội, góp phần lấy người tốt, việc tốt để lan tỏa và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp như Bác Hồ hằng mong muốn. Buổi giao lưu cũng được lắng nghe chia sẻ của nhiều tấm gương: ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên); anh Ngô Quý Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ MyHaNoi (Câu lạc bộ đầu tiên hướng đến giới trẻ tới những hoạt động chuyên sâu về lịch sử, văn hóa Hà Nội); ông Trần Hoàng Tùng, công nhân Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải; bà Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông... Mai Thảo

Những cây sáng kiến ngành Xây dựng

TĐKT - Đất nước Việt Nam ngày một thay đổi, phát triển và hội nhập với diện mạo có nhiều khởi sắc. Những cây cầu hũng vĩ vắt ngang sông, những cung đường rộng dài mới mở, những tán cây tỏa bóng xanh mát, những tòa nhà kiêu hãnh vươn mình khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của đất nước…  Góp phần vào thành tựu đó là sự đóng góp công sức, trí tuệ và lòng tận tâm của hàng triệu công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành Xây dựng nhiều năm qua luôn tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ CNVCLĐ ngành Xây dựng khắc ghi và thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, triển khai nhiều phong trào thi đua có “thương hiệu”, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu thi đua của ngành. Đặc biệt, trong đó phải kể đến phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo. Qua phong trào, CNVCLĐ ngành Xây dựng đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Bàn tay tài hoa và trí thông minh của cán bộ, công nhân xây dựng Việt Nam đã tạo nên những công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện, giao thông...  có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc. Chỉ tính riêng năm 2016, hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngành Xây dựng mang lại là rất lớn, với 1.201 sáng kiến, đề tài được áp dụng, tổng giá trị làm lợi hơn 418,6 tỷ đồng. Tiêu biểu là các đơn vị thuộc Tổng Công ty: Vicem, Sông Đà, Licogi, Lilama, Viglacera... Nhiều công nhân, kỹ sư, người lao động đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao cho đơn vị, trở thành những điển hình tiêu biểu trong lao động, sản xuất của ngành. Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quốc ngành Xây dựng năm 2017, anh Lê Công Bình được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba  Anh Lê Công Bình, sinh năm 1984, Tổ trưởng tổ gia công và hàn, Phân xưởng bảo trì, Nhà máy xi măng Tây Ninh, Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh, Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 là một trong những tấm gương sáng được lựa chọn giao lưu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi,  lao động sáng tạo toàn quốc ngành Xây dựng năm 2017.   Dù còn khá trẻ, anh Bình luôn ý thức vai trò và trách nhiệm của một tổ trưởng,  đó là làm sao tập hợp, đoàn kết được anh em trong tổ đồng lòng, đồng sức lao động và công tác để công việc đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất, thu nhập của mỗi người được cải thiện. Với suy nghĩ đó, anh Bình luôn gương mẫu trong công việc, tận tâm với nhiệm vụ được giao, liên tục đóng góp nhiều sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao.  Chia sẻ về “Cải tiến cơ cấu làm kín đầu lò nung clinker” gần đây của mình, anh Bình cho biết:  trước đây đầu lò được làm kín bằng cơ cấu đẩy các tấm grapite. Cơ cấu này không kín và các tấm graphite thường xuyên vị vỡ, gây mất áp và không giữ được liệu khi lò bị plusing. Khi muốn thay các tấm graphite phải dừng lò rất bất tiện. Hơn nữa cơ cấu này sử dụng một thời gian, cổ lò sẽ bị mòn do ma sát với tấm graphite. Việc thay thế cổ lò rất khó khăn. Ngoài ra khi đầu lò không được làm kín sẽ gây tốn than và đóng bám đầu lò. Trước thực trạng đó, anh Bình đã nghiên cứu cải tiến cơ cấu làm kín đầu lò nung clinker làm bằng hai mặt chà và được bôi trơn bằng hệ thống bơm mỡ tự động do được gia công bằng thép XẢ 500 nên rất ít mòn. Cải tiến của anh được áp dụng đến nay sau 2 năm vẫn hoạt động tốt, không bị mất áp, giúp giảm tiêu hao nhiệt, giảm hiện tượng tràn liệu đầu lò, giảm chi phí bảo trì sửa chữa, đồng thời giảm nhiên liệu than và dầu mỏ, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm lợi cho công ty 300 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, trong thời gian qua, anh còn có hai sáng kiến khác đó là nghiên cứu cải tiến rotor máy đập đá 211 – HC1 ( được áp dụng 2 năm qua với giá trị làm lợi của đạt hơn 1 tỷ đồng) và cải tiến nối dài phễu đổ từ băng tải 221 – BC4 cuống thẳng băng tải 221 – BC6, không sử dụng băng tải 221 – BC5, giảm điện năng, giảm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường (sáng kiến đạt giải khuyến khích Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi toàn quốc ngành xây dựng năm 2014). Với những thành tích đạt được, năm 2013, 2015, 2016 anh Bình được tặng Bằng khen của Tổng  công ty Vật liệu Xây dựng số 1 vì có thành tích trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, năm 2017, anh Bình vinh dự được Công đoàn Xây dựng Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.  Năm 2017, Công đoàn Xây dựng Việt Nam biểu dương 188 điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo Anh Phạm Văn Phương, Thợ vận hành máy nghiền bi bậc 6/7, tổ trưởng tổ máy nghiền 541, Xưởng Xi măng, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng là một minh chứng khác về sức sáng tạo không ngừng, tài năng, trí tuệ của những người lao động ngành Xây dựng. Là thợ vận hành trong một nhà máy xi măng đòi hỏi người thợ không chỉ chăm chỉ, nhiệt tâm mà tinh thần trách nhiệm cũng phải rất cao và phải có trình độ nhất định, phải nắm bắt được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị. Có như vậy mới đảm bảo được công tác an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất. Xác định là tổ trưởng thì vai trò và trách nhiệm càng nặng nề hơn nên anh Phạm Văn Phương đã nỗ lực sáng tạo, tìm các giải pháp để nâng cao năng suất lao động lại đảm bảo an toàn cho mình và các đồng nghiệp. Anh Phương nói: Là tổ trưởng, chịu trách nhiệm phụ trách tổ sản xuất bao gồm 1 máy nghiền đứng và 2 máy nghiền bi và hệ thống 4 gầu nâng và chục băng tải cao su, vít tải, công việc nhiều đòi hỏi mỗi thành viên trong tổ phải rất tích cực, do vậy vừa phải đôn đốc anh em làm, mình vừa phải gương mẫu để anh em tích cực theo. Từ năm 2014 đến 2016, năm nào anh cũng có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu đó là nghiên cứu cải tiến hộ cấp liệu băng cân 541 WF055. Sau khi sáng kiến này được áp dụng, hộp cấp liệu, băng không còn bị cào rách mặt băng, giúp giảm chi phí mua băng mới mỗi năm hàng chục triệu đồng, sản xuất ổn định do không phải ngừng lại để sửa chữa. Sáng kiến thứ hai của anh là cải tiến phục hồi xích gầu cũ. Sáng kiến đã giúp hoạt động sản xuất ổn định, giúp cho năng suất máy đóng bao được nâng lên và giảm chi phí mua xích gầu mới hàng tỷ đồng mỗi năm. Sáng kiến thứ 3 của anh đó là cải tiến phục hồi gầu nâng hỏng. Xuất phát từ thực tiễn công việc, đó là mỗi khi bảo trì, sửa chữa, số gầu bị mòn bị thủng rất nhiều, nếu thay ra thì rất lãng phí và số gầu thủng mòn chỉ có thể bán sắt vụn, làm tăng chi phí sửa chữa hàng năm. Để tận dụng, anh đề nghị nắn sửa lại các gầu méo hỏng thì làm đồ gá, đưa lên máy thủy lực 50 tấn nắn lại theo hình dạng ban đầu. Đối với các gầu bị mòn thủng thì cắt bỏ phần thép bị mòn, dùng thép chịu mòn hardox dày 3m m cắt thành các tấm hàn lại. Việc làm này đã làm giảm tiền mua gầu mới lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với thành tích đạt được, 3 năm qua, anh Phương luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Anh Bình và anh Phương là hai trong số những “cây sáng kiến” tiêu biểu, góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp của người lao động ngành Xây dựng: dù công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có trình độ học vấn, tay nghề và thời gian công tác, điều kiện làm việc khác nhau, song tất cả đều có điểm chung về những phẩm chất cao đẹp là lao động cần cù, chịu khó, giàu nghị lực, năng động, sáng tạo, yêu công việc. Họ là những người luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, của đồng nghiệp và góp phần xây dựng đơn vị phát triển bền vững. Mai Thảo  

Ước mơ mang niềm vui cho người nông dân

TĐKT  - Sinh ra và lớn lên tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ngay từ bé ông Nguyễn Văn Hai đã đam mê sáng tạo và sáng chế ra nhiều thiết bị máy móc mới, phục vụ nông nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Ông Hai cho biết, năm 15 tuổi, khi còn là thợ sửa xe máy, với đam mê nghiên cứu, thích khám phá, ông đã tự bỏ tiền ra mua một chiếc máy dầu rồi đem mở ra, lắp lại. Sau đó, ông bắt tay cải tiến các bộ phận của máy để chế tạo ra nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, như bơm tu huýt phục vụ nuôi tôm. Năm 1989, ông nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công máy gặt, được nhiều người trong vùng tin tưởng sử dụng vì rất thích hợp cho sản xuất trên đồng ruộng của Bình Thuận. Năm 2005, lần đầu tiên ông đem máy tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh và đã được trao giải khuyến khích. Năm 2006, ông tiếp tục nghiên cứu máy đa chức năng với công cụ làm xới, cày, gặt và bơm nước. Thời điểm này ông cũng tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ II, được trao giải ba. Thành công tiếp theo của ông là chiếc máy tách hạt đậu phộng với năng suất 180 công/ngày (tương đương 180 công lao động thủ công), tỷ lệ hạt vỡ nhỏ hơn 1% và độ hao hụt gần như bằng 0. Với chiếc máy đã cải tiến, khi sử dụng, người nông dân chỉ cần bỏ toàn bộ cây đậu phộng vào khay, máy sẽ tự tách riêng hạt và thân, lá, thuận tiện trong vận hành sử dụng. Sản phẩm này ông phải  làm trong vòng 3 năm nhưng đã đem lại thương hiệu cho ông và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Từ năm 2009, máy tách hạt đậu phộng của ông đã thu hút khách hàng là các hộ nông dân của các xã Hòa Thắng, Bắc Bình và Tiến Lợi thuộc TP Phan Thiết và đến nay đã mở rộng tới các tỉnh lân cận và các tỉnh xa hơn: Long An, Quảng Bình... Ông Nguyễn Văn Hai bên máy móc tự chế Để có nơi trưng bày, giới thiệu máy móc, thiết bị, ông bàn với gia đình thành lập Cửa hàng Nông - Ngư - Cơ Tuấn Loan tại TP Phan Thiết. Nhờ có cơ sở kinh doanh này, ông dễ dàng huy động nhiều thợ cơ khí lành nghề trong vùng tham gia sản xuất các máy theo đặt hàng. Khách hàng đến với cửa hàng ngày càng đông. Với niềm vui được phục vụ bà con xa gần, ông lại tiếp tục thử nghiệm.  Sau không ít lần thất bại, ông đã tìm ra “Giải pháp sáng tạo đa năng 4 trong 1” (phun thuốc trừ sâu, cứu hỏa, bơm nước và phát điện) để phục vụ nhà nông với ưu điểm phun thuốc trừ sâu gọn nhẹ, an toàn khi sử dụng . Tiếp theo đó, năm 2014, ông đã hoàn thành hệ thống tưới nước cho gốc và ngọn cây ăn quả, giúp tưới phun mưa để rửa sương muối và bụi bẩn cho cây, đem lại doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Với những thành công đã gặt hái được, gặp không ít thất bại nhưng ông không hề nản lòng, vì đối với ông được phục vụ bà con là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, ông Nguyễn Văn hai đã được trao giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ II  và 2 năm sau  được trao giải nhì tại Hội thi lần thứ III, giải ba tại Hội thi lần thứ  IV với những cải tiến hiện đại hơn so với chiếc máy trước.  Ông còn được Hội Nông dân Việt Nam tặng giải nhì cho sáng kiến cải tiến máy và thiết bị phục vụ cho nông nghiệp, Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia Chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 cho giải pháp sáng tạo đa năng 4 trong 1; giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần 11 (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức); giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Chương trình khảo sát sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng (năm 2014); giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2014) của Chủ tịch UBND tỉnh; giải nhất tuần thứ 25 của Chương trình nhà sáng chế năm 2014… Hồng Thiết

Nữ giảng viên vượt khó, cống hiến tài năng cho Quân đội

TĐKT – Gần 15 năm công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, Đại úy Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tin học – Khoa Khoa học tự nhiên, luôn phấn đấu để góp công sức cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường nói riêng và quân đội nói chung. 3 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” là thời gian chị đã vượt qua những khó khăn riêng, rèn luyện vững vàng hơn về ý chí và nghị lực, vươn lên học tập, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường giao, đồng thời, chăm lo xây dựng gia đình và nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Bộ môn Tin học là môn đặc thù của Trường Sĩ quan Lục quân 1 vì các giảng viên phải đảm nhiệm giảng dạy nhiều nội dung và nhiều đối tượng khác nhau, cường độ giảng dạy cao, có đồng chí gần 800 tiết/năm. Vừa dạy ban ngày, vừa dạy ban đêm, quân số của bộ môn lại mỏng, đa số là chị em phụ nữ đang độ tuổi nuôi con nhỏ… Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Bộ môn kiêm Bí thư chi bộ, Đại úy Nguyễn Thị Vinh vừa làm công tác quản lý vừa phải giảng dạy. Đối với chị, đây là một thử thách lớn. Trong khi đó, chồng chị đi học ở Học viện Lục quân, con nhỏ, chị vừa phải làm tròn vai trò một người cha, người vợ, người mẹ trong gia đình. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2016, biến cố liên tiếp ập đến với gia đình chị. Bố và mẹ chị đều ốm đau phải đi viện nhiều lần, chị luôn canh cánh về để thăm bố mẹ nhưng vì bận công việc mà không thực hiện được. Rồi cả chị gái, bố, mẹ của chị lần lượt ra đi mãi mãi do tai nạn và bệnh tật. Nỗi đau vì sự ra đi liên tiếp của những người thân yêu nhất làm chị gần như suy sụp hoàn toàn. May mắn, được sự động viên của anh em bạn bè, chồng con nên nỗi đau trong chị dần dần nguôi ngoai.  Bằng ý chí, nghị lực, chị đã cố gắng gấp hai, gấp ba, gấp bốn lần lúc bình thường, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Chị đã được công nhận là giảng viên chính năm 2016, là giảng viên giỏi cấp trường năm 2014 và năm 2016. Đại úy Nguyễn Thị Vinh trao đổi với phóng viên báo chí Xác định phải có kiến thức vừa toàn diện, vừa chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới, chị luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu, nắm chắc nội dung, thường xuyên cập nhật các tri thức mới, bám sát thực tiễn.  Trong giảng dạy, chị sử dụng linh hoạt các phương pháp, tập trung làm rõ nội dung trọng tâm của bài giảng, tích lũy kinh nghiệm. Cùng với đó, chị tích cực tham gia giảng thử, giảng mẫu và tham gia thi giảng viên giỏi để từ đó rút ra kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm. Chị chia sẻ: “Câu hỏi lớn nhất đặt ra với bản thân tôi là làm thế nào để nắm chắc và nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là những kiến thức quân sự: điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệnh đội ngũ, bắn súng, chiến thuật… Bởi khi năm chắc và hiểu rõ thì giảng viên mới phân tích, vận dụng sát với nội dung để bài giảng đạt hiệu quả cao nhất.”  Nhận thấy trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy giữa các đồng chí trong bộ môn không đồng đều, chị cùng với chỉ huy bộ môn và chỉ huy khoa thông qua bài, bồi dưỡng phương pháp, khẩu khí, tác phong khi lên lớp cho giảng viên trẻ, giảng viên mới. Trong nghiên cứu khoa học, chị mạnh dạn đề xuất viết đề tài, tài liệu, giáo trình sát với nội dung yêu cầu đào tạo, phục vụ nghiên cứu, học tập trong nhà trường và toàn quân. Từ năm 2014 – 2016, chị đã tích cực tham gia sáng kiến “Xây dựng phần mềm mô phỏng huấn luyện môn học công binh ở Trường Sĩ quan lục quân 1”, tài liệu “Công nghệ thông tin” cấp Bộ; đề tài “Nâng cao chất lượng dạy học cho học viên đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở”; chủ biên tài liệu “Sử dụng phần mềm Microsoft Word 2010” cấp trường. Các tài liệu và đề tài đã được Bộ Quốc phòng và nhà trường nghiệm thu đạt chất lượng khá và được đưa vào sử dụng. Sự nỗ lực của chị trong công tác đã được tập thể ghi nhận. Các lớp chị tham gia giảng dạy đều được lãnh đạo, chỉ huy và học viên đánh giá cao, 85% lượt học viên thi đều đạt khá, giỏi trở lên. Trung sĩ Thân Văn Tuyến, chuyên ngành Bộ binh, Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết: “Là một học viên trực tiếp được cô giáo Vinh giảng dạy, bản thân tôi nhận thấy cô Vinh là giảng viên dày dạn kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, có những phương pháp dạy học rất tích cực. Cô thường đưa những ví dụ sinh động để kết hợp trong bài giảng, giúp chúng tôi nhận thức bài nhanh. Với sự nhiệt tình, chỉ bảo tận tình, ân cần của cô, chúng tôi nắm được bài tương đối chắc.” Từ năm 2014 – 2016, chị vinh dự được nhà trường trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Chị được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 – 2015. Năm 2016, chị nhận giải B trong Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân. Là người giảng viên, chị luôn hết lòng vì học viên thân yêu. Là người phụ nữ, chị hết lòng vì tổ ấm gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái, để con trở thành đứa con ngoan, hiếu thảo, biết quan tâm tới gia đình và cố gắng học tập. Hai con của chị là học sinh giỏi nhiều năm của trường. Năm học 2016 – 2017, cháu lớn đạt giải nhất học sinh giỏi thị xã Sơn Tây và giải nhì học sinh giỏi TP Hà Nội môn Vật lý. Nhiệt huyết, đam mê, tận tụy và trách nhiệm với nghề, Đại úy Nguyễn Thị Vinh đã gặt hái được nhiều thành công. Đối với chị, những kết quả ấy tuy còn rất khiêm tốn nhưng thật sự là nguồn động viên lớn, giúp chị vượt mọi khó khăn trong cuộc sống và công tác, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Nguyệt Hà

“Ông trùm chèo” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

TĐKT – Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu chèo, Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân (GS,NSND) Trần Bảng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, góp phần khôi phục và lan tỏa giá trị của bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống; đồng thời đưa nghệ thuật chèo bay cao, bay xa. Mới đây, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn chương, cha của ông là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột là nhà văn Khái Hưng. Từ nhỏ, cậu bé Trần Bảng đã sớm được tiếp cận với những tác phẩm văn chương trong và ngoài nước và có một vốn ngoại ngữ phong phú.  Hai mươi tuổi, chàng thanh niên Trần Bảng đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và học thêm nhiều thứ tiếng như Anh, Nga, Đức. Góp mặt trong hàng ngũ kháng chiến ngay từ buổi đầu, chàng thanh niên Trần Bảng hoạt động tích cực trong phong trào Việt Minh. Vốn là người ham học hỏi nên ông đã tự mình góp nhặt, trau dồi kiến thức sân khấu phương Tây. Ông tham gia viết và diễn kịch trong đội tuyên truyền kháng chiến chống Pháp của xã rồi được đưa lên Đoàn văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. GS, NSND Trần Bảng “Tôi là thế hệ bị nhồi vào trong đầu văn hóa phương Tây, học trường Tây… thế mà đến cuối cùng tôi lại trở thành người của bộ môn nghệ thuật thuần chất dân tộc như chèo, đó có lẽ là duyên nghiệp”. Ông kể, những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, chèo đang mai một trước sự lấn át của phong trào Âu hóa. Ngay trong bối cảnh bộn bề gian khó, Đảng đã có Nghị quyết năm 1950 về khai thác vốn cổ. Đoàn văn công Nhân dân khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng trong làng nghệ thuật Việt Nam như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo), Trần Bảng giữ vai trò tổ phó tổ kịch. Nhân lực mỏng, mà Đoàn văn công lại cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ Hội nghị quan trọng của Trung ương, bởi thế nên mùa xuân năm 1953, tại Tân Trào (Tuyên Quang), chàng thanh niên Trần Bảng đã lần đầu tiên chắp bút, phối hợp với các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng lên vở “Chị Trầm”, vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Đêm công diễn “Chị Trầm”, trên hàng ghế khán giả có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng. Khi vở diễn kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp bước lên sân khấu khen ngợi tổ biểu diễn và khen ngợi nghệ sĩ Trần Bảng khi ấy đang là một nghệ sĩ trẻ tuổi.  Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS, NSND Trần Bảng Bữa cơm trưa ngày hôm sau, Trần Bảng được gọi đến ăn cơm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã khen nghệ sĩ Trần Bảng tuổi còn trẻ nhưng đã biết yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Người ân cần căn dặn, chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học, đặc biệt phải học chèo cổ của các nghệ nhân để hiểu sâu, nắm vững và phát triển nghề chèo.  Từ một nghệ sĩ kịch chưa tiếp xúc với chèo, ông cùng các nghệ sĩ trong tổ chèo đã lập ban nghiên cứu, đi tìm những nghệ nhân trong dân gian về diễn lại các vở chèo cổ, từ đó tập hợp, nghiên cứu sâu về chèo. Với tư duy Tây học, sau khi xem và khảo sát trò diễn Quan âm Thị Kính, ông đã quyết định dựng lại trò diễn này lần thứ nhất vào năm 1956 - 1957. Những vấn đề đặt ra đều do Trần Bảng và các nghệ nhân cùng nhau phối hợp, giải quyết như: xử lý không gian sân khấu chèo sân đình thành sân khấu hộp; việc sắp trò sao cho phù hợp với tuyến phát triển nhân vật theo nhãn quan tuyến tính phương Tây; trang trí mỹ thuật cho vở diễn để tạo hiệu ứng sân khấu; xử lý các trường đoạn diễn, giúp diễn viên nhận diện phương pháp kỹ thuật diễn của nghệ thuật truyền thống mà không sa đà vào phương pháp diễn ngoại lai... Với vở chèo Quan âm Thị Kính, Trần Bảng luôn có một tình cảm đặc biệt. Đó là vở chèo đầu tiên ông dựng sau khi miền Bắc được giải phóng, là vở chèo ghi dấu ấn mạnh mẽ cho tên tuổi Trần Bảng và cũng là một phần công việc mà Trần Bảng thực hiện theo lời căn dặn của Bác Hồ. Đến nay, vở chèo cổ Quan âm Thị Kính do Nhà hát Chèo Việt Nam trình diễn vẫn giữ nguyên theo cấu trúc mà Trần Bảng xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ XX. Năm 1985, Quan âm Thị Kính được dựng lại lần thứ 3 để tham dự Liên hoan ca kịch quốc tế tại Đức. Vở diễn đã nhận được sự ủng hộ và yêu mến của bạn bè quốc tế. Hình ảnh hàng nghìn khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay không ngớt, họ tung hoa tặng cho các nghệ sĩ tham gia vở diễn khiến Trần Bảng vô cùng xúc động. Mong muốn đưa được môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ra quốc tế với ông như vậy đã thành công bước đầu. Đến nay, vở chèo đã được dựng lại rất nhiều lần, tham dự hàng trăm Liên hoan sân khấu ca kịch lớn nhỏ trong nước và quốc tế, nhưng hồn cốt và những giá trị nghệ thuật của nó vẫn được giữ nguyên vẹn. Sau Quan âm Thị Kính, Trần Bảng tiếp tục cho ra đời hàng chục vở chèo gây tiếng vang lớn như: Súy Vân, Lưu Bình - Dương Lễ, Trinh Nguyên, Từ Thức, Nàng Thiệt Thê (chèo cổ), Lọ nước thần, Đôi ngọc truyền kỳ, Tống Trân Cúc Hoa (chèo dân gian), Tô Hiến Thành (chèo lịch sử), Cô giải phóng, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng (chèo hiện đại)… Từ một loại hình nghệ thuật tưởng như sắp chìm vào quên lãng, chèo trở lại và phát triển mạnh mẽ.  Nhớ lại những năm tháng ấy, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn niềm xúc động khó tả: “Đầu những năm 60, ngoài những đoàn chèo chuyên nghiệp thì mỗi tỉnh, thậm chí mỗi xã nông thôn miền Bắc đều có một đoàn chèo. Họ diễn đi diễn lại các vở chèo cổ mà lần nào diễn cùng nườm nượp người xem”. Chính điều đó làm cho ông lại càng say mê, chìm đắm hơn với chèo.  92 tuổi đời, GS Trần Bảng đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Dù là soạn giả, đạo diễn hay nhà lý luận ông đều làm tròn vai, để lại những dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và công chúng. Ông là tác giả của hơn 10 vở chèo, là đạo diễn thành công nhất của sân khấu chèo với trên 30 vở diễn, trong đó nhiều vở được coi là mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của sân khấu chèo cách mạng ở cả hai phương diện phục dựng trò diễn cổ và sáng tạo trò diễn mới. Với tư cách nhà lý luận, ông đã công bố 4 cuốn sách, 2 công trình tổng kết học thuật công phu mà ngày nay được sử dụng làm giáo trình chính thức tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Những tác phẩm của Trần Bảng thể hiện sự cống hiến trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông, đúng như biệt danh mà nhà thơ Huy Cận đã đặt cho Trần Bảng – “Ông trùm chèo”. Xã hội ngày càng phát triển, sự hiện diện của chèo trong đời sống văn hóa Việt tuy không mạnh mẽ như thời kỳ của NSND Trần Bảng nhưng đổi lại chèo đã có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật Việt, thế giới cũng nhiều nơi biết và yêu thích bộ môn nghệ thuật này. “Cho đến bây giờ tôi đã cảm thấy yên tâm vì ngày nay có nhiều người trẻ quan tâm và tìm đến với chèo. Các vở chèo của các nghệ sĩ trẻ đậm tâm hồn Việt, hứa hẹn sẽ giữ gìn và lưu truyền được bộ môn nghệ thuật này” – GS, NSND Trần Bảng cho hay. Theo ông, lớp trẻ hiện nay còn có nhiều sáng tạo trong việc kết hợp các loại hình nghệ thuật với nhau khiến khản giả thích thú hơn khi xem các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Ông nhìn nhận từ những thế hệ học trò của mình và từ chính những người con của ông, những người trẻ có lối tư duy mới, phù hợp với xu thế của sự phát triển nhưng lại không làm mất đi những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ông bảo: không chỉ những người theo lĩnh vực nghệ thuật mà trong tất cả các kĩnh vực, muốn giỏi, thành công thì phải học. Đặc biệt, với những người làm chèo thì việc hiểu chèo, nắm vững chèo sẽ dễ dàng nhận thấy trong chèo không chỉ có tư tưởng nhân văn mà chèo còn có lối tư duy, phương pháp sáng tạo riêng, nếu đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy chèo rất tuyệt vời. Hưng Vũ

Biểu dương 235 công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu ngành Giao thông Vận tải năm 2016

TĐKT – Sáng 23/5, tại Hà Nội, các công đoàn ngành Giao thông Vận tải long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu ngành Giao thông Vận tải (GTVT) năm 2016. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh; Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt. Năm 2016, từ mục tiêu thi đua chung của toàn ngành “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành GTVT đã phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Nổi bật là các phong trào “Giữ đường thông suốt, êm thuận, an toàn”, “Thuyền trưởng tàu sông giỏi” của Công đoàn GTVT Việt Nam. Công đoàn Hàng hải Việt Nam với các phong trào “Giải phóng tàu nhanh với năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn", "Giữ gìn tàu sạch đẹp, an toàn, rút ngắn thời gian chuyến, tăng ngày tàu vận doanh”... Công đoàn Đường sắt Việt Nam với phong trào “Đảm bảo máy tốt, lái tàu an toàn, đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu”, “Xây dựng đơn vị Chính quy - Văn hóa - An toàn”... Công đoàn Hàng không Việt Nam với “An toàn cho những chuyến bay”, “Phụ nữ Hàng không tri thức, thanh lịch, đảm đang”. Công đoàn Công nghiệp Tàu thủy tổ chức nhiều đợt phát động thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua 120 ngày đêm phát huy tinh thần lao động, sáng tạo với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”... Những công nhân, lao động xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT năm 2016 được biểu dương Đặc biệt, trong năm qua,  phong trào thi đua thực hiện văn hóa ứng xử, giao tiếp trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo phương châm “4 xin”, “4 luôn” được các công đoàn ngành GTVT triển khai hiệu quả, tích cực. Sau 2 năm thực hiện phong trào, qua sơ kết đã biểu dương 42 tập thể và 117 cá nhân, trong đó có 42 nữ CNVCLĐ đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện phong trào này. Bên cạnh đó, phong trào lao động sáng tạo được cán bộ, công nhân, viên chức lao động ngành GTVT hưởng ứng mạnh mẽ. Qua triển khai thực hiện phong trào, toàn ngành có hơn 1.800 đề tài, giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, hợp lý hóa sản xuất được đưa vào áp dụng, làm lợi hơn 121 tỷ đồng; 410 công trình, sản phẩm được công nhận đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, phong trào vận động cán bộ, CNVCLĐ ủng hộ Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT Việt Nam đã được toàn thể các đơn vị, cá nhân nhiệt liệt hưởng ứng. Từ khi hoạt động đến nay, Quỹ đã hỗ trợ hơn 103 tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa các cựu thanh niên xung phong, gia đình chính sách và cán bộ, công nhân viên ngành GTVT có hoàn cảnh khó khăn.   Chương trình giao lưu một số điển hình tiêu biểu ngành GTVT tại Hội nghị Từ kết quả của các phong trào thi đua trong ngành, năm 2016 đã có 46 tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương các hạng; 87 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 1 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 201 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành, 1.713 tập thể, cá nhân được Bộ GTVT tặng Bằng khen; hơn 400 tập thể, cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen. Tại Hội nghị, 235 công nhân, lao động xuất sắc, tiêu biểu nhất của ngành GTVT đã được lựa chọn để biểu dương, khen thưởng. Đó là những công nhân, kỹ sư trực tiếp sản xuất, điều hành sản xuất, công tác trong tất cả các lĩnh vực của ngành, đại diện cho gần 20 vạn CNVCLĐ toàn ngành. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao việc đi đầu của các công đoàn GTVT trong vận động công nhân, viên chức, lao động ngành tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, an toàn lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, văn minh trong các cơ quan đơn vị, xây dựng hình ảnh đẹp của người lao động ngành GTVT.  Đồng chí yêu cầu thời gian tới, các cấp công đoàn ngành GTVT phối hợp tốt với chính quyền thực hiện hiệu quả các nghị quyết của các cấp ủy Đảng, trong đó tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 34;  tập trung, đôn đốc, nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh phong trào thi đua giữa các đơn vị trong ngành, phát động các phong trào thi đua phù hợp với từng đặc thù trong từng lĩnh vực một cách thiết thực; tăng cường kiểm tra giám sát, biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến... góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống người lao động.  Mai Thảo

Tuyên dương 100 công nhân giỏi Thủ đô năm 2017

TĐKT – Sáng 23/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động Hà Nội long trọng tổ chức Lễ tuyên dương công nhân giỏi Thủ đô năm 2017. Đây là hoạt động được Liên đoàn lao động thành phố tổ chức thường niên, nhân dịp Tháng Công nhân, nhằm tôn vinh, tri ân và thể hiện sự trân trọng đối với đội ngũ những công nhân, lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Hoạt động này cũng nhằm tạo động lực, khích lệ các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô phát triển không ngừng. Những công nhân giỏi Thủ đô năm 2017 được tuyên dương tại buổi lễ Năm 2017, phong trào thi đua "Lao động giỏi" phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô" được triển khai gắn với cuộc vận động "Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động; thực hiện Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động". Phong trào đã góp phần động viên, khai thác mọi tiềm năng trí tuệ của từng công nhân, lao động nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút các kinh nghiệm từ nghề nghiệp, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động. Chương trình giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Lễ tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô năm 2017 Năm nay, TP Hà Nội có 33.270 công nhân, lao động được công nhận danh hiệu công nhân giỏi cấp cơ sở, tăng 7,1% so với năm 2016; 1.962 công nhân, lao động được công nhận công nhân giỏi cấp trên cơ sở. Tại buổi lễ, 100 công nhân giỏi tiêu biểu, đại diện cho gần 2,4 triệu công nhân, viên chức, lao động của Hà Nội đã được tuyên dương, khen thưởng. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Với gần 22 vạn doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng gần 10 ngàn công nhân, viên chức, lao động đang làm việc, sinh sống, có thể nói, sự đóng góp của lực lượng này với thành phố là rất lớn. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thành phố luôn duy trì ở mức trên 8%; thành phố cũng có sự phát triển nhanh, mạnh trên mọi lĩnh vực, cảnh quan đô thị chuyển biến tích cực, nhiều con đường mới hình thành, đường thông, hè thoáng, thành phố xanh, sạch, đẹp hơn, hướng tới hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại, thông minh… Những điều này có được là có công sức đóng góp lớn của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, trong đó có những công nhân lao động trực tiếp. Mai Thảo

Lữ đoàn 99 (Binh đoàn 12) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 23/5, tại Hà Nội, Lữ đoàn 99, Binh đoàn 12 (tên doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Xây dựng 99, thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12 dự và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Lữ đoàn 99.   Trung đoàn 99 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), tiền thân của Lữ đoàn 99 ngày nay, được thành lập năm 1972 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vào giai đoạn ác liệt nhất. Đơn vị lúc đó nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên trục đường 9, đường 14, hộ tống các đoàn xe vận tải phục vụ mặt trận.  Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 99 đã nêu cao tinh thần cách mạng, lao động và chiến đấu quên mình, luôn kiên cường với lời thề "sống bám đường, chết ngoan cường, dũng cảm", "một tấc không đi, một ly không rời".   Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 12 trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Lữ đoàn 99 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 99 tiếp tục thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng cầu, đường, khôi phục lại đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào. Đầu năm 1989, cùng với sự chuyển đổi cơ chế quản lý, đơn vị có tên doanh nghiệp là Công ty Xây dựng 99 trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Công ty Xây dựng 99 đã tham gia nhiều dự án quy mô lớn: dự án cải tạo Quốc lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Hồ Chí Minh, đường tuần tra biên giới... Công ty cũng tham gia thi công cầu vòm thuộc đường dẫn cầu Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), là cầu có khẩu độ rộng và cao nhất hiện nay ở Việt Nam; cầu Pá Uôn (tỉnh Sơn La) trong Dự án tránh ngập thủy điện Sơn La, có trụ cao hơn 40 m, khẩu độ dầm 39 m. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai công trình “thủy điện thế kỷ” mang tầm vóc khu vực là thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu mà Công ty Xây dựng 99 là một trong những nhà thầu thi công. Hiện nay, công ty đang thực hiện một số hạng mục của Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), tuyến đường hiện đại đạt tiêu chuẩn cao tốc, nơi có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.  Từ một đơn vị công binh bắc cầu trong thời chiến, chủ yếu là lắp ghép thi công cầu có khẩu độ ngắn, đến nay, công ty đã làm chủ công nghệ thi công khoan cọc nhồi có đường kính lớn; công nghệ thi công dầm dự ứng lực kéo trước, kéo sau có khẩu độ lớn; thi công và làm chủ công nghệ dầm đúc hẫng cân bằng... Công ty Xây dựng 99 đã trở thành đơn vị mạnh trong lĩnh vực thi công cầu có khả năng xây dựng cầu có khẩu độ lớn với công nghệ tiên tiến. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng kinh tế, Công ty Xây dựng 99 còn đảm nhiệm vai trò là lữ đoàn công binh cầu, đường khung thường trực. Hằng năm, đơn vị đều thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện khung, tiếp nhận và quản lý lực lượng dự bị động viên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị cũng được công ty đặc biệt quan tâm.   Với những thành tích đã đạt được, Lữ đoàn 99 - Công ty Xây dựng 99 đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống, đơn vị vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.   Phương Thanh

Trang