Điển hình tiên tiến

Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở

TĐKT - Chiều ngày 26/11, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 64 đại biểu tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022. Đây là đại diện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu trong cả nước, là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa “Người tốt, việc tốt” của những người cán bộ Mặt trận ở cơ sở trên cả nước đang từng ngày, từng giờ góp phần tô thắm thêm cho truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt Tại buổi gặp mặt, ông Lý Tắc Mềnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được thay mặt cho 1.452 Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư của tỉnh Quảng Ninh được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Mềnh chia sẻ, khi huyện Vân Đồn có chủ trương đem chữ đến bản, ông đã cùng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể trong thôn vận động thanh niên trong bản vào rừng chặt tre dựng phân hiệu tiểu học; đồng thời đến từng nhà, vận động các phụ huynh đưa con em mình đến trường. “Lo cho lũ trẻ, chúng tôi còn đi vận động các gia đình tham gia vào các lớp xóa mù chữ của huyện tổ chức ở xã. Chính vì thế mà Đài Van ngày nay, tất cả những người lớn tuổi đều được xóa mù chữ.”, ông Lý Tắc Mềnh nói. Cũng theo ông Lý Tắc Mềnh, tuy là bản vùng sâu, vùng xa, nhưng Đài Van có nhiều năm cả bản không có người sinh con thứ 3. Đó cũng là một trong những nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn bởi đội ngũ cán bộ Mặt trận trên địa bàn đã cùng nhau đã đến từng gia đình các đôi vợ chồng trẻ, tuyên truyền, vận động giải thích với họ về cái nghèo do đông con và được bà con nghe theo. Cùng với đó, ông cũng đã vận động bà con trong thôn giữ được các nét văn hóa của người Dao thông qua việc vận động những người từ 50 - 60 tuổi trong thôn mặc quần áo truyền thống hàng ngày, để lớp trẻ khỏi quên mặc trang phục truyền thống của ông bà mình. Ông Lý Tắc Mềnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại buổi gặp mặt Đến từ xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hảo, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã chia sẻ, với trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận tại cơ sở, chúng cháu đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để thăm hỏi, vận động, hướng dẫn bà con trong cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tích cực giữ gìn an ninh nông thôn; xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; làm tốt công tác chăm lo cho đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn và những người yếu thế để tự tin vươn lên trong cuộc sống… “Trong thời gian qua, quê hương Quảng Trị đã phải gánh chịu những thiệt hại to lớn về người và của trong cơn lũ lịch sử năm 2020; trong đại dịch Covid -19, nhưng vẫn ấm áp, thắp sáng ngọn lửa ruột thịt tình đồng bào; trước những khó khăn đó, quê hương chúng cháu đã đồng lòng quyên góp hỗ trợ miền Nam, hỗ trợ các tỉnh bạn với hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm để cùng nhau vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh”, bà Lê Thị Hảo chia sẻ. Bà Lê Thị Hảo, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi gặp mặt Là người có hơn 14 năm gắn bó với công tác Mặt trận, có dịp được thường xuyên gần gũi hơn với các tầng lớp nhân dân, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bày tỏ, 14 năm ấy, điều đọng lại trong tâm người làm công tác Mặt trận là niềm tự hào vì mình đã góp một phần cho địa phương trong xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, với đặc điểm là xã có đông đồng bào Công giáo với 532 hộ sinh hoạt tại 2 nhà thờ Công giáo, trong những năm qua bản thân đã chủ động phối hợp tốt với các chức sắc, chức việc và Hội đồng Mục vụ giáo xứ nhà thờ trong việc phát huy tốt những điểm tương đồng giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đạo đức tôn giáo trong các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,... xây dựng nhiều mô hình mang tính cộng đồng như: Mô hình “Chung tay hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, “Xóa cầu gỗ”, “Hỗ trợ giếng khoan cho bà con vùng xâm nhập mặn”; giúp bà con phát triển cầu, đường, hỗ trợ sinh kế, nhà ở, nước hợp vệ sinh; hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, ổn định cuộc sống; hỗ trợ xây 26 căn nhà Đại đoàn kết; cho mượn 18 con bò, giúp 34 hộ thoát nghèo, trong đó có 18 hộ là bà con giáo dân. Qua đó,củng cố thêm tình đoàn kết lương - giáo trong nhân dân. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi gặp mặt Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, tận tuỵ, hoạt động bền bỉ, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, với người dân ở cơ sở. “Các cụ, các đồng chí thật sự là những người có uy tín cao, là hạt nhân quan trọng, tích cực ở cơ sở, đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” – Tổng Bí thư khẳng định. Nhấn mạnh những vấn đề này đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với vai trò, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp. Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy đảng, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, yếu thế... đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, là nòng cốt tích cực trong đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn, cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác giám sát, phản biện xã hội là các nội dung lớn đã và đang được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có địa phương, Mặt trận ở cơ sở vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình trong hoạt động này, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, quy trình thực hiện; thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề, nội dung cần thiết có sự giám sát, phản biện xã hội. Một số nơi còn tâm lý nể nang, ngại va chạm trong giám sát hoạt động khối cơ quan đảng, chính quyền. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cụ, các vị, các đồng chí quyết liệt hơn nữa, nâng cao nhận thức, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, né tránh và thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội. Đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng, là những người có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng dân cư, luôn làm việc với tinh thần: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Hưng Vũ

Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

TĐKT - Ngày 20/11, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao (TDTT) Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tới dự. Đọc diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Nguyễn Duy Quyết, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Phát huy nét đẹp cao quý của nhà giáo Việt Nam, các thế hệ cán bộ, nhà giáo Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể nhà trường Phát huy bề dày truyền thống của ngôi trường đầu tiên trong cả nước về đào tạo giáo viên giáo dục thể chất, hơn 60 năm qua, bằng sự chung sức đồng lòng, trí tuệ và sáng tạo tập thể, nhà trường đã đào tạo hàng chục nghìn giáo viên, cán bộ TDTT trong nước, đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ, giáo viên TDTT cho nước bạn Lào, Campuchia, đào tạo giáo dục quốc phòng và an ninh cho hàng trăm nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. Nhất là trong thời gian gần đây, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế", nhà trường luôn coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp dạy học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao ý thức tự lực, phát huy trí tuệ, tài năng và tâm huyết trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 2 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo Rất nhiều giảng viên với trách nhiệm nghề nghiệp cao, đã trăn trở, tìm tòi, phát hiện, tham mưu, đề xuất đổi mới nội dung, chương trình để có tính cập nhật, sát thực tiễn; gắn với đó là tích cực nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiên hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học. Phương pháp dạy học có nhiều đổi mới, kích thích tính tích cực, sáng tạo của người học. Qua các hoạt động đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường đã và đang trưởng thành nhanh chóng. Cùng với đào tạo cử nhân như trước kia, trường đã có thêm một bước trưởng thành mới là đào tạo tiến sĩ; thành lập Tạp chí khoa học Giáo dục thể chất và thể thao trường học; đào tạo mã ngành giáo dục quốc phòng và an ninh.... Nhiều nhà giáo đã khẳng định, kế tục xứng đáng lớp người thầy đi trước trong giảng dạy, trực tiếp nghiên cứu và tham gia hội đồng khoa học các cấp với trách nhiệm và chất lượng công tác cao. Đến nay, 100% giảng viên của nhà trường có trình độ sau đại học; trong đó có 3 PGS, 25 TS; hơn 40% giảng viên chính. Hằng năm, tỷ lệ giảng viên giỏi cấp nhà trường đạt trên 20%. Năm học 2021 - 2022, có 90% giảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; đặc biệt có 2 giảng viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và 10 cán bộ, giảng viên được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công đoàn nhà trường được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Cờ thi đua là đơn vị xuất sắc, dẫn đầu. 11 tập thể thuộc nhà trường được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc Ngoài ra, nhà trường còn ghi tiếng vang với những bảng vàng thành tích đáng tự hào như: Giải Nhất toàn đoàn tại Giải cầu lông Cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô; giải nhất nội dung đôi nam nữ Bóng bàn Giải thể thao người giáo viên nhân dân toàn quốc; giải nhất toàn đoàn giải điền kinh sinh viên các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội; giải nhất nội dung nam, giải ba nội dung nữ tại Giải Bóng rổ sinh viên toàn quốc khu vực miền Bắc; tuyển bóng đá nam sinh viên nhà trường đã xuất sắc giành giành ngôi Á quân giải bóng đá sinh viên toàn quốc 2022; giải Nhất toàn đoàn khối chuyên và vô địch Siêu cúp tại Giải Bóng chuyền sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng khu vực Hà Nội. Đặc biệt, sinh viên nhà trường tham gia thi đấu tại Seagames 31 giành: 7 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng; tại Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á, giành 3 Huy chương Vàng; tham gia Đại hội TDTT Trực tuyến Trung - Việt - Thái giành giải nhất toàn đoàn. Tham gia hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc khối các trường thể thao giành 1 giải nhất; 1 giải nhì và 1 giải ba, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu toàn khối… “Đó là những bông hoa tươi thắm nhất, là những món quà vô cùng ý nghĩa gửi đến thầy cô và nhà trường, đã góp phần khẳng định vị thế mới của nhà trường trên đà đổi mới” – thầy giáo Nguyễn Duy Quyết tự hào khẳng định. Tuy nhiên, theo thầy Quyết, trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, nhà trường ý thức rằng nhiệm vụ đặt ra không chỉ cho mỗi cán bộ, giảng viên mà tất cả sinh viên là rất nặng nề. Hiện tại, Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 đã xác định: Đến năm 2030 sẽ trở thành trường đa ngành, có uy tín về đào tạo giáo dục thể chất, thể dục thể thao; giáo dục quốc phòng và an ninh; chăm sóc sức khỏe, đào tạo tài năng thể thao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Trong đó, nhiều mục tiêu mũi nhọn đã và đang mở ra cho nhà trường những hướng đi mới như: Mở thêm các mã ngành về huấn luyện thể thao, y học thể thao; quản trị thể thao và thành lập trường phổ thông năng khiếu và thực hành sư phạm... Thầy Quyết khẳng định: Để mục tiêu này trở thành hiện thực, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của toàn trường cùng bắt tay vào công cuộc đổi mới, mà ở đó, chính đội ngũ giáo viên là những chiến sĩ đi đầu, mỗi thầy giáo, cô giáo phải không ngừng phấn đấu, luyện để trở thành tấm gương sáng về đạo đức và lòng yêu nghề; không ngừng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh biểu dương những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Từ ngôi trường trung cấp ban đầu, đến nay Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đã khẳng định được uy tín, vị thế của mình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, với vai trò trường đại học trọng điểm về giáo dục thể chất, nhà trường đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển của đất nước; luôn là đơn vị tiên phong cả nước trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng an ninh. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng đánh giá cao tính chủ động, sáng tạo của nhà trường trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm để triển khai chiến lược phát triển tổng thể nhà trường. Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm mà nhà trường đã xác định là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, tập thể nhà trường cần phải đoàn kết, phát huy truyền thống và thành tích đạt được, thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong tình hình mới. Thứ trưởng đề nghị, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động để công tác đào tạo của nhà trường ngày càng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng như góp phần phát triển thể chất, nâng cao tầm vóc của học sinh, sinh viên trong trường học các cấp nói riêng và của tuổi trẻ Việt Nam nói chung. Dịp này, Trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; 11 tập thể thuộc nhà trường được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; 2 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhiều cá nhân được tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mai Thảo  

Tuyên dương 68 giáo viên tiêu biểu trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022

TĐKT - Tối 16/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tuyên dương 68 giáo viên tiêu biểu trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy. Các đại biểu dự chương trình Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trở thành một chương trình thường niên, là dịp để tổ chức Đoàn, Hội tôn vinh những người đã và đang đóng góp bao công sức, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Trong 7 năm qua, chương trình đã lựa chọn và tôn vinh gần 400 giáo viên có những cống hiến không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tuyên dương 68 giáo viên tiêu biểu Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh rất ý nghĩa, trong không khí cả nước sôi nổi hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và đoàn viên, thanh niên đang ra sức thi đua sôi nổi hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương bày tỏ sự khâm phục, trân trọng và biết ơn những thầy cô đã gắn bó gần 40 năm với sự nghiệp trồng người được tuyên dương trong chương trình năm nay: “68 giáo viên được xét chọn để tuyên dương năm nay thực sự là những giáo viên tiêu biểu, có thành tích nổi bật. Trong đó phải kể đến những thầy, cô đã dành trọn quá trình công tác của mình gắn bó cho sự nghiệp trồng người và bám trường, bám bản, tiếp tục miệt mài, tận tụy, không ngừng cố gắng để mang con chữ tới cho các em học sinh. Có những thầy cô giáo dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã có những nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác; nhiều giáo viên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế. Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại buổi lễ Bên cạnh đó, còn có nhiều thầy cô đang vượt qua hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để bám trụ gieo con chữ ở những khu vực khó khăn nhất; có thầy, cô đã từ bỏ những con đường bằng phẳng để đến với những khu vực xa xôi - những nơi mà cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhà bếp chỉ được quây bằng những tấm phên tạm bợ, trẻ không có nước sạch để dùng. Có những nơi xe máy không đi nổi, thôn bản không có điện, điện thoại không có sóng, và còn nhiều phụ huynh không mặn mà với việc cho con em tới lớp. Càng trân trọng hơn khi có rất nhiều thầy cô có thành tích xuất sắc là người đồng bào dân tộc thiểu số, như Khmer, Mông, Mường, Thái, Tày, Nùng, Pa-cô, Raglay… Các thầy, các cô đang cùng ngành giáo dục cả nước tiếp tục sự nghiệp cao cả - sự nghiệp trồng người, tương lai của đất nước.” “Ban Bí thư Trung ương Đoàn hy vọng, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo, giúp các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước, tạo nên thế hệ những người Việt Nam sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường" - Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh. Tại chương trình, 68 giáo viên được tuyên dương đã được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; biểu trưng và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng của chương trình và nhiều phần thưởng giá trị khác. Mai Thảo

Vinh danh 62 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động

TĐKT - Chiều 16/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Đến dự buổi lễ có: Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội; cùng đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, các cán bộ công đoàn, lãnh đạo các doanh nghiệp, đông đảo người lao động. Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Phát biểu khai mạc buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định, với vai trò là tổ chức đại diện người lao động, trong các năm vừa qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng các quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động, thúc đẩy thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Bên cạnh việc tập trung làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp công đoàn đã tích cực vận động người lao động hăng say học tập, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức chấp hành nội quy lao động, không ngừng lao động giỏi, lao động sáng tạo, tăng năng suất lao động, góp phần tích cực vào thành công chung của doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước. Phần lớn các doanh nghiệp đều có ý thức chăm lo cho người lao động, phối hợp với tổ chức công đoàn triển khai nhiều hoạt động chăm lo lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp. Nhằm động viên, khích lệ các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo cho người lao động một môi trường làm việc hiệu quả, phát huy cao nhất sở trường và nhiệt huyết của người lao động, từ năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức thường niên Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, bình chọn những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ kết quả qua các lần tổ chức, năm 2016, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của tổ chức công đoàn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nâng cấp Bảng xếp hạng thành “Giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Các đơn vị được tôn vinh tại buổi lễ Đến nay, qua 7 kỳ tổ chức, Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” đã vinh danh 447 doanh nghiệp; tặng 58 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 60 Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 58 Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 20 doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trải qua 2 năm vô cùng khó khăn vì dịch COVID–19, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Hàng triệu lao động đã bị mất, gián đoạn việc làm. Từ cuối năm 2021, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, các cơ chế, chính sách hỗ trợ có hiệu quả của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, tạo bứt phá về doanh thu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động dần trở lại bình thường. Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” được tổ chức trở lại. Năm 2022, Bộ tiêu chí xếp hạng đã được bổ sung thêm các tiêu chí nhằm đánh giá chính xác thực trạng các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, vượt qua dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã cố gắng chăm lo cho người lao động của mình, kể cả khi dịch bệnh còn đang hoành hành và sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Trải qua quá trình xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng, Hội đồng xếp hạng đã lựa chọn vinh danh 62 doanh nghiệp được xếp hạng, trong đó 28 doanh nghiệp được tặng Bằng khen của 3 cơ quan phối hợp tổ chức. Đây đều là những doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất các tiêu chí xếp hạng, trong đó đáng trân trọng có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, mặc dù doanh thu, lợi nhuận giảm thấp nhưng vẫn cố gắng trong chăm lo cho người lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập, phúc lợi cho người lao động. Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, tuy mới được khởi xướng và tổ chức từ năm 2014 đến nay nhưng bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” đã tạo được hiệu ứng xã hội sâu sắc, động viên, khích lệ các doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc, nâng cao phúc lợi cho người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Chương trình được đông đảo doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng, tham gia; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đánh giá cao. Qua hoạt động đã tạo nên một phong trào thi đua chăm lo cho người lao động liên tục từ nhiều năm qua trong các doanh nghiệp; đã có hàng chục tỉnh, thành phố tổ chức vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động ở cấp địa phương, lựa chọn các doanh nghiệp tiêu biểu nhất gửi tham gia Bảng xếp hạng toàn quốc. Đây chính là điều đáng trân quý, đáng trân trọng mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn và hướng tới khi tổ chức hoạt động này. “Tôi tin tưởng và hy vọng những doanh nghiệp được vinh danh ngày hôm nay cũng như các lần tôn vinh trước đây sẽ tiếp tục phát huy vai trò là những nhân tố tích cực đi đầu, tiếp tục tỏa sáng, giữ vững được những thành quả đã đạt được, tiếp tục có nhiều đổi mới, cố gắng trong việc chăm lo đời sống của người lao động, coi người lao động là tài sản vô giá, nguồn vốn quý của doanh nghiệp để không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển. Để từ đó nhân lên nhiều, nhiều hơn nữa các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, động viên, khích lệ người lao động gắn bó, cố gắng phấn đấu vì doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” – ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh. Mai Thảo

Vượt khó, tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

TĐKT – Ngày 15/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp gỡ, động viên Đoàn đại biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Báo cáo tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy cho biết, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức từ năm 2015 đến nay, đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên thuộc các đối tượng giáo viên “cắm bản”; giáo viên công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; giáo viên mang quân hàm xanh; giáo viên dạy học sinh khuyết tật; giáo viên trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số; giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp gỡ đoàn đại biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Năm 2022, sau hơn 2 tháng phát động Chương trình (29/7 - 9/10/2022), từ 123 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 56 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Đó là những thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những cống hiến, đóng góp quý báu của 68 tấm gương thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các thầy, cô giáo công tác ở những nơi có điều kiện sinh hoạt, dạy và học khác nhau, nhưng đều có điểm chung là luôn tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Giáo viên lớn tuổi nhất Nguyễn Thị Lê Dung, công tác tại Trường Tiểu học Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định chia sẻ tại buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tin tưởng các gương được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm với nghề, ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”. Chiều cùng ngày, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng 68 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ giáo viên cả nước cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, sự tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của các thế hệ thầy và trò, những yêu thương, ân tình của thầy và trò ở mọi miền Tổ quốc trong hành trình “trồng người”. Tại Tọa đàm, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã lắng nghe những tâm tư, mong muốn của các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cùng chia sẻ, tạo môi trường thuận lợi cho họ tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Quang cảnh Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 Đặc biệt, nhiều tham luận chất lượng, tâm huyết của các chuyên gia giáo dục hàng đầu đã được chia sẻ tại Tọa đàm. Tiêu biểu, GS.TS.Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên hội đồng Giáo sư Nhà nước với tham luận về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt; Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam với kinh nghiệm về sợi dây bền chặt nhất kết nối tình nghĩa thầy – trò với những học sinh “có cá tính khác biệt”; PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục – Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội với quan điểm giáo dục tâm lý, làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới. Phát biểu tại Tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mong rằng, thông qua những gửi gắm, tâm huyết của các thầy, cô giáo chia sẻ tại Tọa đàm sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa câu chuyện về sự yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt, cảm hóa những học trò của mình trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng./. Mai Thảo

Sắp diễn ra Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc

TĐKT - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí, thông tin về Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì buổi gặp mặt. Dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 25 đến 27/11/2022, sẽ biểu dương 299 đại biểu đại diện cho gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban Công tác Mặt trận trong cả nước. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì buổi gặp mặt báo chí Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Đây là dịp để Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam ghi nhận và khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy kết quả đạt được, ngày càng làm tốt vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Đây cũng là dịp để cán bộ mặt trận cơ sở được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và nhân rộng, biểu dương các điển hình thực sự tiêu biểu xuất sắc với những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả trong công tác mặt trận. Được biết, trong số 299 đại biểu được biểu dương lần này có 132 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và 167 đại biểu là Trưởng ban Công tác Mặt trận là những điển hình tiêu biểu có thành tích nổi bật trong công tác mặt trận giai đoạn 2017 - 2022 và được bình chọn chặt chẽ qua nhiều cấp từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đại biểu có đầy đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo, là hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ đến từ các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Tổ quốc; nhiều đại biểu có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, đã được tặng nhiều hình thức khen thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và của MTTQ Việt Nam. Trong đó, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 44,5% với 42 dân tộc, trong đó có 44 đại biểu là Chủ tịch MTTQ cấp xã, 89 đại biểu là Trưởng ban Công tác Mặt trận; 18 đại biểu được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (9 người là Chủ tịch Mặt trận cấp xã, 9 người là Trưởng ban Công tác Mặt trận); 115 đại biểu được tặng Bằng khen của UB Trung ương MTTQ Việt Nam (35 người là Chủ tịch Mặt trận cấp xã, 80 người là Trưởng ban Công tác Mặt trận). Đại biểu cao tuổi nhất là ông Tô Văn Tồn 82 tuổi (1940), dân tộc Kinh, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đại biểu trẻ nhất tuổi là ông Cao Xuân Long, 26 tuổi (1996) dân tộc Chứt, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Từ các điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực, dự kiến sẽ có 63 đại biểu tiêu biểu nhất được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu có thời gian công tác từ 5 năm trở lên (giai đoạn 2017 - 2022), có thành tích xuất sắc tiêu biểu, tạo được sự chuyển biến trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình hành động của Mặt trận, đặc biệt là trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, các hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư; có mô hình hoạt động hiệu quả cao; có cách làm sáng tạo cần được phổ biến và nhân rộng trong xã hội. Đồng thời là những cá nhân đã được tặng thưởng Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc Bằng khen của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Hội nghị biểu dương là dịp để động viên, cổ vũ đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở tiếp tục cống hiến, tận tâm, hết mình với công việc và nhân dân. Hưng Vũ

Sẽ vinh danh 63 doanh nghiệp vì người lao động năm 2022

TĐKT - Ngày 16/11 tới, Lễ vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” sẽ được tổ chức trang trọng tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam VCCI, giao Báo Lao Động trực tiếp thực hiện, liên tục từ năm 2014 tới nay. Chương trình bình chọn và vinh danh những doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm tiến tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển. Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" được cập nhật hằng năm và Giải thưởng được trao 3 năm/lần.   Lễ tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2020 Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm nay được khởi động từ tháng 7/2022 với hàng trăm bộ hồ sơ doanh nghiệp tham gia; trải qua các vòng sơ loại, chấm điểm chặt chẽ theo Bộ tiêu chí khắt khe do các chuyên gia hàng đầu về lao động xây dựng (xem xét thành tích của doanh nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2021 và 6 tháng đầu năm 2022). Danh sách các doanh nghiệp dự kiến vinh danh được gửi lấy ý kiến hiệp y của hệ thống thanh tra các Sở Lao động Thương binh & Xã hội, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương, Văn phòng giới chủ sử dụng lao động VCCI và khảo sát của phóng viên Báo Lao Động ở các địa phương. Danh sách này cũng được công khai trên Báo Lao động để lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy, 63 doanh nghiệp được vinh danh lần này đảm bảo được lựa chọn kỹ, là các doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, hướng tới phát triển bền vững, Trải qua 2 năm khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp được vinh danh năm 2022 có nhiều thành tích dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chăm lo cho người lao động cả trong và sau dịch, nỗ lực và bền bỉ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Được xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” là một bằng chứng đáng tin cậy của doanh nghiệp không chỉ trong việc đóng góp cho sự phát triển, tiến bộ về kinh tế xã hội và con người, mà còn là “chứng chỉ” xác nhận doanh nghiệp là một trong những nơi cung cấp chỗ làm việc tốt nhất cho người lao động. Bằng việc tổ chức Chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tạo nên một phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, rộng khắp toàn quốc trong việc chăm lo cho nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp là con người. Chương trình là một trong những hoạt động cụ thể của 3 bên (Công đoàn, giới sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động) thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Mai Thảo      

Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”

TĐKT - Tối ngày 9/11, Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố - lần 5 năm 2022. Buổi lễ đã tuyên dương 21 tập thể, 80 cá nhân đại diện cho hàng nghìn tấm gương sáng thầm lặng, có những nghĩa cử, việc làm tận tụy cao quý vì cộng đồng, xã hội. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Thanh Phong, Phó Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố cùng các tập thể và cá nhân là những tấm gương “thầm lặng mà cao cả”. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thành Trung báo cáo tại buổi lễ Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thành Trung báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức bình chọn và cho biết: Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, tôn vinh, nhân rộng những điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua yêu nước của nhân dân thành phố; tạo động lực mới, khí thế mới, khích lệ và động viên tinh thần hăng say học tập, lao động sản xuất, những hoạt động nghĩa tình, nhân ái vì cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố. 101 gương "thầm lặng mà cao cả" được tuyên dương lần này là những câu chuyện đầy cảm xúc về tình người, những bông hoa "người tốt, việc tốt" âm thầm nở rộ từ trong muôn vàn gian khó của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động từ thiện xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới…, trong đó có 2 gương là người Việt Nam ở nước ngoài. "Đây những hình ảnh sống đẹp, sống có trách nhiệm và âm thầm hiến dâng cho đời đang dần trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân TP Hồ Chí Minh - thành phố nghĩa tình". Giao lưu với các cá nhân điển hình Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ niềm xúc động và gửi những tình cảm tri ân đến các tập thể, cá nhân là tấm gương tiêu biểu được bình chọn tuyên dương lần này. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao, những tập thể và cá nhân được bình chọn tuyên dương lần này là những bông hoa đầy hương sắc, rất đa dạng, phong phú về thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đến từ cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, những người có tấm lòng thiện nguyện, công nhân, nông dân, học sinh - sinh viên, thầy thuốc, nhà giáo, cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân và người Việt Nam ở nước ngoài… Dù vậy, đồng chí chia sẻ vẫn còn rất nhiều tấm gương ẩn khuất trong xã hội, chưa kịp phát hiện như chú sửa xe gắn máy, phóng viên lăn xả vào cuộc chiến chống dịch, anh chị em công nhân thức thâu đêm để dọn sạch đường phố… Tất cả có một điểm chung, đó là tình yêu nước, tình yêu thương con người để thầm lặng cống hiến vì mọi người, vì cộng đồng, vì thành phố thân yêu của chúng ta. Trao tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể điển hình Vùng đất Sài Gòn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ người dân ở mọi miền Tổ quốc, cả những người từ phương xa đến trải qua hàng trăm năm từ độ “mang gươm đi mở cõi”. Các thế hệ cha ông đã mang chung một ý chí, ước mơ và khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều đó đã tạo thành một tinh thần đoàn kết, nghĩa khí, một phong cách hào sảng, đời sống lạc quan, phong phú, bao dung, phóng khoáng luôn hướng đến chân - thiện - mỹ. Tất cả đã hòa vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trao tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân điển hình Sau lần tuyên dương này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch mới cho giai đoạn kế tiếp. Trong đó, đồng chí đã gợi mở nhiều nội dung quan trọng như suy nghĩ cách để tập hợp những tấm gương thầm lặng nhiều hơn, sâu rộng hơn và phủ khắp toàn thành phố gắn với cuộc sống đời thường đang đổi mới từng ngày. Những người có nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế thầm lặng, họ không phải tự kê khai thành tích để báo cáo. Cùng với đó, các thủ tục bình chọn càng đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn và có cơ chế khen thưởng người phát hiện, làm hồ sơ cho những tấm gương thầm lặng mà cao cả. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan truyền thông có thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục về gương “người tốt việc tốt” để tôn vinh cái đẹp hàng ngày, mang năng lượng tích cực đến cuộc sống; đồng thời, phê phán những thói hư, tật xấu, để cái đẹp ngày càng lan tỏa nhiều hơn, làm cho chất lượng sống của người dân TP Hồ Chí Minh ngày càng thêm tốt đẹp hơn. Tại buổi Lễ tuyên dương có 21 tập thể, 80 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND thành phố. Xuân Phúc

BHXH Việt Nam: Tôn vinh 103 doanh nghiệp tiêu biểu phía Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN

TĐKT - Dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT lần thứ I (giai đoạn 2017 - 2021) khu vực phía Nam, với 103 DN được vinh danh tại buổi lễ. Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Lễ tôn vinh 87 DN tiêu biểu trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Bắc đã được BHXH Việt Nam tổ chức trước đó tại tỉnh Ninh Bình. Lễ tôn vinh Cùng dự Lễ tôn vinh, có ông Nguyễn Văn Cường – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH. Về phía BHXH Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Chu Mạnh Sinh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố có DN được khen thưởng dịp này. Về phía khách mời có: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH và đại diện 103 DN được khen thưởng, tôn vinh tại buổi lễ. Theo Ban Tổ chức, 103 DN được BHXH Việt Nam vinh danh tại Lễ tôn vinh lần này là các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) thuộc khối các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động và có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Quy trình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ theo các bước quy định tại Luật Thi đua - Khen thưởng và Quy chế thi đua khen thưởng của BHXH Việt Nam. Các tiêu chí để BHXH Việt Nam lựa chọn DN tiêu biểu bao gồm: Thực hiện tốt quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN (không vi phạm các hành vi về BHXH, BHYT, BHTN được quy định trong Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Bộ Luật hình sự, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế…); đóng BHXH, BHYT, BHTN; trả sổ BHXH, trả thẻ BHYT cho NLĐ; giải quyết hưởng, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN; việc giải quyết hưởng các chế độ, chính sách BHXH cho NLĐ (lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ đúng thời hạn quy định; không xảy ra gian lận, giả mạo hồ sơ để trục lợi quỹ BHXH, BHTN); việc chi trả chế độ BHXH cho NLĐ đầy đủ, đúng thời hạn quy định (trong trường hợp NLĐ nhận qua đơn vị SDLĐ); thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan BHXH (trong các lĩnh vực: triển khai giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin...). Ngoài ra, còn có các tiêu chí phụ như thực hiện nghĩa vụ thuế; an toàn lao động; bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự; phòng cháy chữa cháy; an toàn thực phẩm; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện (tặng thẻ BHYT, sổ BHXH, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...). Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách BHXH, BHYT, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa” - Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, để đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng của ngành BHXH Việt Nam trong 27 năm qua có sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ đầy trách nhiệm của các DN, người SDLĐ, NLĐ. Các đơn vị SDLĐ đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, tạo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Tính đến hết tháng 9/2022, cả nước đã có trên 17 triệu người tham gia BHXH, BHTN, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 88,4% dân số, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhưng hầu hết các DN vẫn nỗ lực bảo đảm việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp bảo đảm các quyền lợi cho NLĐ, nhất là việc thực hiện các thủ tục hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do Covid-19. Trên nền tảng sự phối hợp của các đơn vị SDLĐ, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cho NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tính đến hết tháng 9/2022, tổng chi hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 47,2 nghìn tỷ đồng chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ, trong đó: Chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ BHTN cho trên 13,3 triệu lượt người lao động; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị SDLĐ. Minh chứng thêm cho những kết quả đạt được của toàn ngành trong đó có sự đóng góp tích cực của DN trong công tác chuyển đổi số, cải cách TTHC, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, BHXH Việt Nam hiện đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, DN sử dụng dịch vụ công trong các giao dịch với cơ quan BHXH trên toàn quốc… Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường số của ngành BHXH Việt Nam. Đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của các đơn vị SDLĐ thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của các đơn vị SDLĐ trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt là tạo việc làm và cộng đồng trách nhiệm với ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền lợi an sinh cho NLĐ và nhân dân. Với ý nghĩa đó, Lễ tôn vinh DN tiêu biểu trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT lần thứ I được ngành BHXH Việt Nam tổ chức với mong muốn đây sẽ là hoạt động thiết thực không chỉ để ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên các DN tiêu biểu mà từ đó còn tạo sự lan toả trong cộng đồng DN về thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tại buổi Lễ tôn vinh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, Chu Mạnh Sinh và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đã trao tặng Bằng khen cho 103 DN tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN (giai đoạn 2017 - 2021) tại 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hồng Thiết  

BHXH Việt Nam: Tôn vinh 87doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN

TĐKT - Dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN lần thứ I giai đoạn 2017 - 2021. Tại buổi lễ, 87 DN tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã được vinh danh và được tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu và Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng trao bằng khen tôn vinh các DN xuất sắc. Cùng dự Lễ tôn vinh, về phía BHXH Việt Nam có: Ông Chu Mạnh Sinh - Phó Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố có DN được khen thưởng dịp này. Về phía khách mời có: ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịchTổng Liên đoàn lao động Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH và 87 DN tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc được khen thưởng, tôn vinh tại buổi lễ. Buổi Lễ được tổ chức nhằm biểu dương, động viên, khích lệ các DN có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2017 - 2021, qua đó tạo sự lan tỏa tới tất cả các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (NLĐ), góp phần đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là dịp để ngành BHXH Việt Nam thể hiện sâu sắc hơn sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của ngành với các DN trong công tác chăm lo ASXH cho NLĐ. Sự kiện này được BHXH Việt Nam tổ chức tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam với 190 DN tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng, trong đó có 87 DN thuộc khu vực phía Bắc và 103 DN thuộc khu vực phía Nam. Đây không chỉ là những DN có bề dày thành tích trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, mà còn có kết quả sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, chấp hành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh, được Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn và đề nghị khen thưởng, sau khi có kết quả hiệp y từ các sở, ngành quản lý nhà nước trên địa bàn. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách ASXH mà trụ cột là chính sách BHXH, BHYT, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Trong những thành tích ấy có sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các đơn vị SDLĐ nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Các đơn vị SDLĐ đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, tạo việc làm và thu nhập cho NLĐ. Có thể thấy, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đang ngày một được củng cố, đặc biệt, ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, diện bao phủ BHXH, BHYT vẫn tiếp tục được mở rộng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng gần 0,9 triệu người). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người). Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần so với năm 2009, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người). Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Ngành BHXH Việt Nam trân trọng sự đóng góp tích cực của các DN cho công tác đảm bảo, chăm lo ASXH cho NLĐ. Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Theo đó, từ năm 1995 đến hết năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho hơn 124,2 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm gần 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 7,68 triệu người hưởng các chế độ BHTN (gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề); đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 đến 2021, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 2.217 triệu lượt người. Hiện nay cả nước đã có khoảng 600 nghìn DN, cơ quan, đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 15,1 triệu NLĐ. Trong bối cảnh như vậy, việc DN thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã giúp NLĐ được đảm bảo đầy đủ, kịp thời các quyền lợi, chế độ như: Trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, BHYT… Theo đó, trong suốt những năm qua đã có hàng trăm triệu lượt NLĐ được thụ hưởng các chính sách này, góp phần giúp NLĐ vượt qua khó khăn, đảm bảo và ổn định cuộc sống, cũng như được khám chữa bệnh kịp thời. Qua đó, giúp NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng DN, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước. Đặc biệt, ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nhằm khởi động mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ASXH cho người dân. Trong đó, ngành BHXH Việt Nam đã bám sát các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian triển khai các gói hỗ trợ đến NLĐ và NSDLĐ đúng - đủ - kịp thời - công khai - minh bạch theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra.  Có thể thấy, với sự đồng hành, phối hợp của các đơn vị SDLĐ, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện việc triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ BHXH, BHTN theo các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới NLĐ và NSDLĐ là trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Cụ thể, chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ BHTN cho trên 13,3 triệu lượt người lao động; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã góp phần hiệu quả giúp các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của NLĐ, đồng thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Với ý nghĩa đó, thay mặt ngành BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá cao và trân trọng sự đóng góp tích cực của các DN cho công tác đảm bảo, chăm lo ASXH cho NLĐ.Thời gian tới, chặng đường hồi phục sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự sáng tạo, bản lĩnh vững vàng, kiên định của cộng đồng DN, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bày tỏ tin tưởng, các DN sẽ nhanh chóng vượt qua và có những bước phát triển vượt bậc hơn nữa. Tại buổi lễ, nhằm ghi nhận và khích lệ các DN tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2017-2021, thừa ủy quyền Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã trao tặng Bằng khen cho 87 DN tiêu biểu tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hồng Thiết                

Trang