10 cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024
BTĐKT – Ngày 30/9, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ TP Hà Nội) đã ban hành Công văn số 560/BTĐ-NV1 về việc lấy ý kiến nhân dân về danh sách các cá nhân dự kiến đề nghị khen thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Cụ thể, căn cứ Quy trình xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” quy định tại Quyết định số 35/2024/QĐ-UBND ngày 28/5/2024 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”; để có thêm thông tin trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố) công bố danh sách và tóm tắt thành tích 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 để lấy ý kiến nhân dân. Mọi ý kiến phản hồi gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội (số 37 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023 cho 10 cá nhân Sau đây là danh sách (xếp thứ tự theo vần A, B, C) và tóm tắt thành tích 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 để lấy ý kiến nhân dân: 1. Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giảng viên Cao cấp, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sinh năm 1963) 2. Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (sinh năm 1951) 3. Ông Hoàng Quốc Hải, hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội (sinh năm 1938) 4. Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (sinh năm 1976) 5. Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa IX, lão thành cách mạng, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội (sinh năm 1930) 6. Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Trưởng nhóm Chuyên gia sửa đổi Luật Thủ đô (sinh năm 1954) 7. Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (sinh năm 1949) 8. Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội (sinh năm 1948) 9. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y học, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (sinh năm 1954) 10. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (nguyên Trưởng Công an phường Láng Thượng) (sinh năm 1981) Dự kiến ngày 7/10/2024, TP Hà Nội sẽ tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực của thành phố năm 2024; đề ra nhiệm vụ, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc tốt” năm 2025 và những năm tiếp theo. Mai ThảoHà Nội thi đua ái quốc
Nhiều chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô trên VTV
BTĐKT - Chiều 30/9, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức họp báo thông tin tới khán giả về nhiều chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn khẳng định tình yêu, tình cảm đối với Hà Nội, giúp khán giả nhìn lại chiều dài lịch sử, quá trình phát triển của Hà Nội, đặc biệt là gửi gắm mong muốn Thủ đô sẽ có nhiều thành công hơn nữa, xứng danh với tên gọi "Thành phố vì hòa bình" đã được UNESCO công nhận”. Phó Tổng Giám đốc VTV Đỗ Thanh Hải phát biểu tại họp báo Ông Hải cho biết, điểm nổi bật trong loạt chương trình kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô là sự phong phú, đa dạng về thể loại. Bên cạnh các bản tin, chuyên mục trên Bản tin Thời sự 19h, Chào buổi sáng, Chuyển động 24h tuyên truyền đậm nét sự kiện, VTV đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội chuẩn bị cho "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo". Nhóm sản xuất đã dành nhiều thời gian rà soát, lựa chọn 20 bộ phim tài liệu đặc sắc do VTV, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội, nhà làm phim độc lập: Ông Jean Noel Poirier (cựu Đại sứ Pháp) sản xuất, để công chiếu trên nền tảng số quốc gia VTVgo; tổ chức giao lưu với các đoàn làm phim cùng 3 bộ phim được chiếu trực tiếp tại trường quay S7 - VTV vào các ngày 4, 5, 6/10; tạo chuỗi truyền thông trên sóng, các nền tảng số và Báo điện tử VTV.vn để có thể tiếp cận với khán giả nhiều nhất. Hướng tới tháng Mười lịch sử, VTV còn sản xuất mới 3 bộ phim tài liệu: "Nhà của chúng tôi", "Nơi hòa bình bắt đầu" và "Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một phẩm cách Hà Nội". Cả 3 phim đều phát sóng trên các kênh quảng bá và tham gia sự kiện "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo". Cùng với tuần phim, nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật cũng được VTV thực hiện dịp này nhằm kể câu chuyện về Hà Nội trong bề dày lịch sử với cách thể hiện sáng tạo, mang tới những góc nhìn riêng. Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố” đưa khán giả quay trở về những dấu mốc lịch sử hào hùng, để thấm thía phía sau ánh hào quang cờ hoa ngày tiếp quản là 80 ngày chuẩn bị công phu của người dân thành phố, là 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao máu xương và là khát vọng vĩ đại của dân tộc: Toàn dân đứng lên cho một ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca Hà Nội” khắc họa khí chất người Hà Nội kiên cường, hào hoa; thể hiện vẻ đẹp của những di sản Thủ đô, miền đất linh thiêng, nơi kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, kết nối các thế hệ thông qua các sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chương trình đặc biệt "Talk Vietnam - Bốn phương trời nhớ về Hà Nội” với sự tham gia của nhiều người bạn nước ngoài có tình cảm đặc biệt với Hà Nội. Các vị khách chia sẻ những câu chuyện về tình yêu sâu sắc cũng như những đóng góp của họ trong nhiều năm qua để làm cho Hà Nội đẹp hơn, sạch hơn, xứng đáng là nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa và truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua góc nhìn của các nhà làm phim điện ảnh - truyền hình, khán giả cũng sẽ được dõi theo 2 tác phẩm trên sóng VTV, với phim “Đào, phở và piano” khắc họa khoảng thời gian chiến tranh ác liệt tại phố phường Thủ đô trong cuộc chiến cuối năm 1946, đầu năm 1947; “Hoa sữa về trong gió”, bộ phim truyền hình đậm chất Hà Thành từ bối cảnh, câu chuyện, đạo cụ cho tới tạo hình nhân vật, tình huống. Mai ThảoThi đua, khen thưởng - Động lực xuyên suốt phát triển Thủ đô bền vững
BTĐKT - Năm 2024 là một năm đặc biệt - Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đây được coi là “năm vàng” của các hoạt động thi đua, khen thưởng thành phố. Nhằm giúp độc giả thấy được vai trò quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong hành trình 70 năm dựng xây và phát triển Thủ đô; cũng như những hoạt động nổi bật trong công tác thi đua, khen thưởng của thành phố trong năm 2024, Trung tâm Thông tin – Truyền thông đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các phong trào thi đua yêu nước trong hành trình phát triển của Thủ đô? Ông Nguyễn Công Bằng: Thực tế, qua từng giai đoạn lịch sử, các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sáng tạo của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Thi đua, khen thưởng đã tạo ra môi trường, tạo ra động lực để cho mỗi tập thể, cá nhân phát huy tốt nhất khả năng của mình, đạt được kết quả cao nhất, từ đó đóng góp chung cho tập thể, cho xã hội và cho sự phát triển Thủ đô nói riêng. Phóng viên: Năm 2024 là một năm đặc biệt - Hà Nội kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của năm nay có sự khác, mới so với các năm trước không, thưa ông? Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2024 có nhiều sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô, trong đó có hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Chúng tôi xác định đây là “một năm vàng” với thi đua của Hà Nội, do đó, ngay từ đầu năm, Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu cho thành phố phát động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Từ đầu năm, thành phố đã ban hành Đề án số 03/UBND-ĐA (ngày 22/3/2024) và Kế hoạch số 88/KH-UBND (ngày 23/3/2024) tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Theo đó, thành phố triển khai nhiều nội dung hoạt động kỷ niệm như: Tổ chức đợt phong trào thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; tổ chức cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “ 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô”; tổ chức tuần phim; gắn biển các công trình kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, các ca khúc về Hà Nội và ngày Giải phóng Thủ đô… Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, dự kiến vào ngày 10/10 và tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, dự kiến vào ngày 7/10 tới. Bên cạnh đó, năm 2024, Ban Thi đua – Khen thưởng đã đề xuất thành phố phát động phong trào thi đua đặc thù riêng, sát với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố. Điển hình như: Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Ban Thi đua – Khen thưởng đã tham mưu thành phố phát động thi đua để triển khai có hiệu quả. Luật Thi đua – Khen thưởng năm 2022 chính thức có hiệu lực từ tháng 1 năm 2024, đã tạo nền tảng để phát triển các phong trào thi đua cũng như thực hiện tốt công tác khen thưởng. Ban Thi đua – Khen thưởng đã tập trung tham mưu thành phố ban hành các chính sách tạo nền tảng thống nhất trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng từ thành phố đến các cấp, các ngành trên địa bàn. Đây là một trong những điểm mới nổi bật, rất kịp thời, giúp cho công tác thi đua, khen thưởng của thành phố không bị gián đoạn sau khi luật mới có hiệu lực. Khánh thành và gắn biển công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội, công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Phóng viên: Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 có điểm nhấn, khác biệt nào không, thưa ông? Ông Nguyễn Công Bằng: Hội nghị biểu dương, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 là một trong các hoạt động lớn để chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Dự kiến hội nghị diễn ra vào sáng 7/10/2024 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, trước thềm Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Điểm mới của hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 là quy mô lớn hơn, số lượng đại biểu nhiều hơn (khoảng hơn 1.000 người), thành phần đa dạng, phong phú hơn. Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua ngay từ đầu năm nên đến nay đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội và phong trào thi đua. Tất cả sẽ được phản ánh thông qua các phóng sự, clip, giao lưu với các điển hình tại hội nghị. Đối với “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 cũng sẽ tiếp tục được xét chọn trên các lĩnh vực, tuy nhiên có điểm mới là sẽ tập trung vào các cá nhân có đóng góp nổi bật được thể hiện qua các thời kỳ, giai đoạn phát triển của Thủ đô. Phóng viên: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ông cho biết, định hướng phát triển các phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội như thế nào, để phát huy được tác dụng nhất, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của Thủ đô? Ông Nguyễn Công Bằng: Công tác thi đua, khen thưởng chính là để xây dựng được những con người mới, con người cách mạng, con người có sự đổi mới để phát triển. Chính vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì phong trào thi đua cần có sự đổi mới, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn, bám sát nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, việc khen thưởng cần làm kịp thời hơn nữa. Trong đó, đối với các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã được khen thưởng cần được tuyên truyền, nhân rộng. Đặc biệt là nhân rộng được mô hình tốt, cách làm hay của cá nhân, tập thể tiêu biểu đó, để mọi người thấy rõ, từ đó học và làm theo. Như vậy thì công tác thi đua, khen thưởng mới thực sự có hiệu quả. Bởi bản chất của thi đua và khen thưởng đều có mục tiêu là tìm ra nhân tố mới, những con người mới, việc làm mới, hiệu quả để xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, cống hiến vì xã hội. Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! Mai Thảo (thực hiện)Khánh thành Cung Thiếu nhi Hà Nội - nơi chắp cánh ước mơ tuổi thơ
BTĐKT - Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sáng 21/9/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội - công trình cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Tại buổi lễ, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội và triển khai hoạt động Cung Thiếu nhi đã vinh dự nhận Bằng khen của UBND thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng lãnh đạo TP Hà Nội, Trung ương Đoàn gắn biển công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, hoạt động chính trị lớn của thanh thiếu nhi Thủ đô và đất nước. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm với các hạng mục như: Nhà hát 800 chỗ, Rạp chiếu phim 3D - 4D (200 chỗ), Nhà thi đấu 500 chỗ, Bể bơi 10 làn bơi, Nhà học và Thư viện, Tháp thiên văn và Khối hành chính - Văn phòng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch được duyệt. Dự án được UBND thành phố phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2024 (60 tháng); được khởi công ngày 19/11/2021 và hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị ngày 30/6/2024 (tính từ năm 2020 là 54 tháng), rút ngắn 10% thời gian thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư theo Quyết định của UBND thành phố là 1.376,4 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành 100% hạng mục, phần việc, đảm bảo thời gian, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình triển khai công trình, không để xảy ra tai nạn lao động. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trao Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội và triển khai hoạt động Cung Thiếu nhi Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: “Hiện nay trên toàn thành phố có gần 400 thiết chế văn hóa, thể thao, 30 quận huyện thị xã đều có Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao với gần 90 công trình và gần 90% cơ sở tại địa bàn dân cư có điểm sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các cấp đang được tập trung đầu tư phát triển cả về chất lượng và quy mô, gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần nâng cao diện mạo văn hóa địa phương cũng như chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô”. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến tin tưởng, Cung Thiếu nhi Hà Nội với diện mạo mới cùng kiến trúc hiện đại, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị thông minh, chất lượng cao sẽ phát huy vai trò là trung tâm văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi, thi đấu thể thao và rèn luyện thể chất cho thiếu nhi, từ đó tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai của thành phố, xứng đáng là “nơi chắp cánh ước mơ để tuổi thơ bay xa”. Dịp này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao tặng Cung Thiếu nhi Hà Nội và thiếu nhi Thủ đô bức tranh Bác Hồ với thiếu nhi, gắn biển công nhận Cung Thiếu nhi là công trình kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; tặng Bằng khen cho 5 cá nhân đã đóng góp nhiều tâm huyết, trí tuệ và công sức trong thực hiện công trình. Mai ThảoBTĐKT - Chiều 20/9, Báo Hànộimới tổ chức Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”.
Tham gia chương trình có các nhân chứng lịch sử tiêu biểu: Đại tá Bùi Gia Tuệ, sinh năm 1931, nguyên Trưởng phòng Phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô; bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội...
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Mỗi nhân chứng mang đến cho chương trình một câu chuyện chân thực và xúc động về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và ý chí kiên cường của quân và dân Hà Nội trong kháng chiến. Hồi tưởng của họ - những người từng trực tiếp tham gia vào công cuộc bảo vệ và tiếp quản thủ đô, đặc biệt là những thời khắc quan trọng trong lịch sử dân tộc, đã mang lại nhiều cảm xúc trong buổi giao lưu.
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ về nhiệm vụ tiếp xúc với người dân Hà Nội để vận động, tuyên truyền, tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ đến nhân dân Thủ đô trước khi đoàn quân tiến về tiếp quản.
“Lúc đó, Hà Nội còn nhiều nỗi lo lắng và hoang mang do thông tin xuyên tạc từ phía địch. Tôi cùng gần 400 thanh niên khác đã không ngại khó khăn, đi gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng người dân, từ công chức, tiểu thương đến những người làm công cho Pháp để giải thích. Có khi chúng tôi đến nhà, nhưng chủ nhà không mở cửa, tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì tìm gặp và giải thích, để họ yên tâm, tin tưởng vào Chính phủ, sẵn sàng ủng hộ và đón chờ sự thay đổi”, ông Khang nhấn mạnh.
Đại tá Bùi Gia Tuệ chia sẻ tại chương trình
Đại tá Bùi Gia Tuệ kể về hai lần được gặp Bác Hồ. “Những lời Bác Hồ nói rất mộc mạc, nhưng suốt đời tôi không thể quên, trở thành kim chỉ nam suốt những năm tháng quân ngũ, tới khi về hưu đến nay”, ông Tuệ khẳng định.
Hồi tưởng lại khí thế hừng hực của thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” năm 1964, bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội cho biết: “Ngày ấy, “Ba sẵn sàng” thực sự là lý tưởng, là lẽ sống, là danh dự của tuổi trẻ Thủ đô. Để được tham gia phong trào, có người khai tăng tuổi, có người mặc thêm quần áo cho đủ cân. Có người giấu bố mẹ đi cắt hộ khẩu, có những gương mặt vừa tốt nghiệp trường trung cấp, cấp 3, nhưng sẵn sàng không đi học chuyên nghiệp, đại học, thậm chí từ chối đi học nước ngoài để nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc”.
Bên cạnh những câu chuyện lịch sử, chương trình còn được giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia có nhiều đóng góp với Hà Nội. Qua những chia sẻ khái quát về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội từ sau giải phóng 10/10/1954 đến nay, các thế hệ sau càng có cái nhìn rõ hơn về hành trình phát triển của Thủ đô, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh đến một trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị quan trọng của đất nước. Từ đó, thêm tự hào về Thủ đô và đất nước; đồng thời thấy được trách nhiệm tiếp nối và phát huy những giá trị mà thế hệ trước đã dày công vun đắp.
Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức đã chia sẻ cảm xúc tự hào, xúc động: “Qua các câu chuyện, em và các bạn nhận thức được rằng, việc giành độc lập, tự do vô cùng khó khăn và đáng quý. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập, góp sức xây dựng Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ ông cha”.
Chương trình không chỉ là một buổi gặp gỡ, mà còn tạo ra một nhịp cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là dịp để mỗi người tự hào về truyền thống của Hà Nội và thêm quyết tâm xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Mai Thảo
BTĐKT - Dù đã ở tuổi ngoài thất thập nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1954), ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có ý định ngơi nghỉ chân tay. Bà lựa chọn hưởng thụ tuổi hưu trọn vẹn, ý nghĩa bằng cách mỗi ngày làm thêm được nhiều việc giúp ích cho gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng xã hội.
Vì vậy, dù gặp không ít những khó khăn, vất vả nhưng bà đã không quản ngại đi tìm hiểu, học hỏi và xây dựng thành công mô hình trang trại giun quế GHT và mô hình sản xuất men vi sinh IMO, vừa mang đến nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho người dân Thủ đô, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đặc biệt, bằng tấm lòng nhân ái và lối sống thiện lương, bà đã giúp đỡ nhiều mảnh đời éo le vươn lên làm chủ cuộc sống.
Gây dựng thương hiệu thực phẩm sạch GHT
Bà Liên từng là một quân nhân làm việc tại Nhà máy Z153 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sau gần 30 năm công tác, năm 2003, bà được Nhà nước cho về nghỉ chế độ với quân hàm Thiếu tá.
Với bản chất là người lính năng nổ, hay lam, hay làm nên khi về hưu, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, bà Liên lại đau đáu tìm một công việc thật ý nghĩa, mang lại giá trị cho gia đình và xã hội để làm.
Đúng thời điểm đó, báo chí truyền hình phản ánh rất nhiều về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên trong đầu bà đã nuôi ý tưởng xây dựng một mô hình làm nông nghiệp nho nhỏ cung cấp thực phẩm sạch dùng trong gia đình.
Một lần, xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên truyền hình, bà Liên bị lôi cuốn bởi những công dụng hữu ích của con giun quế. Từ chỗ nuôi ý tưởng làm thực phẩm sạch phục vụ cho gia đình, bà đã quyết định bán nhà ở Đông Anh, về Sóc Sơn mua đất đầu tư xây dựng một trang trại nuôi giun quế, kết hợp chăn nuôi lợn, gà và trồng cây. Mô hình của bà lựa chọn hoạt động theo một vòng tuần hoàn khép kín: Giun quế cho lợn ăn - phân lợn nuôi giun quế - phân giun mang bón cây trồng.
Theo đó, vừa thu mua phế thải hữu cơ (cám gạo, bã bia, bã đậu) và phụ phẩm nông nghiệp như phân trâu, bò, lợn, gà… để nuôi giun; bà vừa đầu tư chuồng trại để nuôi 100 con lợn.
Bà Nguyễn Thị Liên hạnh phúc khi được tự tay thu hoạch những mẻ giun quế
Hằng ngày, mỗi con lợn được bà cho ăn 100 gram giun quế, nhằm cung cấp đủ lượng protein và kháng sinh tự nhiên để tăng cường sức đề kháng. Giun sau khi chế biến được trộn với cám gạo hoặc bắp nghiền, đậu nành, bã bia… được nấu chín trong nồi hơi để làm thức ăn hằng ngày cho đàn lợn. Bà Liên chỉ phải cho lợn ăn ngày 2 bữa, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tiết kiệm công sức lẫn thức ăn đầu vào.
So với cách nuôi thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi lợn bằng giun quế của bà Liên lâu và kỳ công hơn nhiều. Tuy nhiên, thịt của chúng có hương vị đặc biệt, thơm ngon nên đàn lợn, gà của trang trại bà Liên nuôi đến đâu khách đặt hàng đến đó, mặc dù giá bán có cao hơn giá thị trường từ 20 - 30%.
Thấy sản phẩm lợn nuôi ăn giun quế được thị trường đón nhận mạnh mẽ, dần dần, bà mở rộng chuồng trại chăn nuôi từ 100 con lợn ban đầu lên 300 - 400 con mỗi lứa. Những khi lợn hơi rớt giá hoặc gặp dịch bệnh thì lợn trong trang trại của bà Liên vẫn khỏe mạnh và giữ được giá bán. Để khẳng định chỗ đứng cho sản phẩm sạch của gia đình trên thị trường, bà đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho giun quế GHT, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu năm 2017; đồng thời đăng ký sản phẩm thịt lợn GHT và xúc xích GHT đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao 2022 của TP Hà Nội.
Đến nay, bà Liên đã có 5 trang trại nuôi lợn, trong đó có 4 trang trại kết hợp nuôi giun quế ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đều đặn mỗi tuần trang trại GHT của bà cung cấp khoảng 60 con lợn, mỗi con từ 70 – 80 kg cho các đơn vị kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Ngoài ra, hàng ngày theo đặt hàng của khách, trang trại GHT còn chế biến xúc xích, lạp sườn, giò lụa.
Được biết, ngoài các sản phẩm trên, hàng tháng bà còn cung cấp cho thị trường hơn 100 con gà, vài nghìn quả trứng gà, vịt; bán một số lượng không nhỏ giun quế giống, giun quế đông lạnh, bột địa long dùng làm nguyên liệu chế biến thuốc; cung cấp phân giun cho nhiều cơ sở trồng cây trên cả nước. Ước tính, doanh thu từ mô hình trang trại GHT khoảng 500 – 600 triệu đồng/ tháng.
Chia sẻ về mô hình này, bà Liên cho rằng: Lợi nhuận mang lại từ mô hình nông nghiệp sạch GHT tuy không cao nhưng cái lợi lớn nhất mà bà đạt được sau tất cả những nỗ lực, đó chính là: Đã đóng góp được nguồn thực phẩm sạch không chỉ cho gia đình, bạn bè mà còn cho cả cộng đồng xã hội.
Khởi xướng phương pháp IMO sạch môi trường
Không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch GHT cho cộng đồng, bà Liên còn được coi là người đi đầu trong thực hiện phương pháp xử lý rác thải IMO ở huyện Sóc Sơn.
Chia sẻ về cơ duyên biết đến phương pháp này, bà Liên cho biết: Năm 2014, một người con trai của bà không may mắc bệnh nặng, nằm liệt giường. Thương con phải chịu mùi hôi khó chịu của người nằm lâu trên giường bệnh, bà đã tìm tòi, nghiên cứu nhiều cách để cải thiện môi trường không khí trong nhà. Năm 2020, qua giới thiệu của người quen, bà Liên biết đến nhóm Liên minh nông nghiệp tử tế do thầy Hoàng Sơn Công sáng lập. Qua đây, bà biết đến phương pháp phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa (IMO).
Bà Nguyễn Thị Liên (thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm chăn nuôi tại Festival nông sản Hà Nội năm 2023
Theo hướng dẫn, bà Liên bắt tay vào thử nghiệm IMO bằng công thức đã có gồm các nguyên liệu vừa rẻ, vừa có sẵn trong căn bếp của mỗi gia đình, gồm: Đường, sữa chua, men tiêu hóa, men rượu, nước lã, quả chuối, quả đu đủ, cám gạo. Bóp nát tất cả chúng vào với nhau. Sau 3 ngày, dung dịch khử khuẩn IMO hoàn thành, mang lại hiệu quả như ý muốn. Nhờ dung dịch IMO đó, căn phòng con trai bà không còn mùi tanh hôi như trước nữa.
Từ thành công đó, bà Liên bắt tay vào việc làm phân hữu cơ từ các chất thải hữu cơ hằng ngày trong gia đình để chăm sóc vườn phong lan, cây cảnh, vườn rau…. Tất cả rác nhà bếp, thậm chí rác ở trang trại nuôi lợn đều được tập trung vào một chỗ, sau đó thêm IMO. Rác sau khi phân hủy, không còn mùi hôi thối.
Vì vậy, không chỉ căn nhà nơi cả gia đình bà sinh sống mà cả khuôn viên trang trại nuôi giun cùng hàng trăm con lợn, gà luôn có không khí sạch sẽ, thoáng mát tự nhiên.
Đặc biệt, không giữ làm bí quyết riêng của gia đình, bà còn tích cực chia sẻ, tuyên truyền và hỗ trợ cho các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cũng như người dân về mô hình xử lý rác thải bằng phương pháp IMO. Qua đó, góp một phần quan trọng làm giảm áp lực cho bãi rác Nam Sơn đang ngày càng bị quá tải.
Mô hình “Sản xuất chế phẩm IMO để xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” của bà Nguyễn Thị Liên được công nhận là sáng kiến đạt giải nhì tại cuộc thi “Gia đình an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2021. Năm 2022, bà Liên là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.
Trái tim nhân hậu của người lính
Không chỉ kiên trì và quyết liệt theo đuổi và chinh phục các mục tiêu mới, bà Nguyễn Thị Liên còn được mệnh danh là người lính có trái tim nhân hậu.
Với quan niệm, cho đi là còn mãi, từ năm 2015 đến nay, bà Liên dùng toàn bộ phần lương hưu của mình để hỗ trợ cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Cường với số tiền cố định là 1 triệu đồng/hộ/tháng; từ năm 2022 hỗ trợ 1 bé mồ côi số tiền 6 triệu đồng/năm; từ tháng 9/2023 tiếp tục hỗ trợ cho 5 chị em bị mồ côi cả cha lẫn mẹ ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với số tiền 1 triệu đồng/tháng thông qua Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Nậm Tha… Bất kỳ một chương trình từ thiện nào của địa phương, bà cũng nhiệt tình tham gia, không nề hà.
Bày tỏ sự trân trọng, biết ơn với bà Liên, em Nguyễn Thị Thu Hương, ở xã Phú Cường, một cô bé thiệt thòi, khi sinh ra bố mẹ đã bỏ nhau, mẹ thì bệnh nặng,em phải sống cùng bà ngoại, chia sẻ: Bà Liên giống như chiếc cầu nối để em đến với con đường tri thức. Từ năm em học lớp 8 đến nay, bà thường xuyên hỗ trợ gia đình em 1 triệu đồng/tháng. Bà đã định hướng, đồng hành cùng em suốt một chặng đường dài.
Vừa qua, khi em cầm trên tay tấm bằng loại giỏi Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến khoe với bà, bà vẫn còn động viên em tiếp tục học lên nữa. Nhưng để sớm gánh vác việc gia đình, đỡ đần gánh nặng cho bà Liên, Hương đã tìm việc làm và đang dần ổn định cuộc sống.
Hưng Vũ
BTĐKT - Không bằng cấp sư phạm, lại khuyết tật về giọng nói, nhưng 26 năm nay, chị Nguyễn Thị Lan Phương (sinh năm 1975), trú tại ngõ 120, đường Dương Văn Bé, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội không chỉ hỗ trợ kèm cặp kiến thức cho nhiều học sinh tiểu học và THCS có học lực trung bình trở nên tiến bộ, mà còn truyền cảm hứng, thổi lửa đam mê, nghị lực sống và học tập cho nhiều học sinh ở Thủ đô.
Chị Phương vốn là người làng Kẻ Vẽ, quận Bắc Từ Liêm, vì sớm phải tự lập, bươn chải, mưu sinh nên đến thuê trọ tại ngõ 120, đường Dương Văn Bé, phường Vĩnh Tuy từ hơn 20 năm trước cho đến tận bây giờ.
Chị sống một mình trong căn phòng trọ rộng chừng hơn 10m2 với các bức tường bao quanh đã hoen màu thời gian. Thứ tài sản quý giá nhất trong căn phòng chị ở không có gì ngoài những cuốn sách cũ và mới, được chị xếp thành từng chồng cao vút hoặc đặt trang trọng sát nhau trong mấy chiếc tủ gỗ đã cũ sờn. Chị bảo, nơi đây chính là quê hương thứ hai của mình, nơi chị được sống với khát vọng đẹp nhất trong cuộc đời là được làm “cô giáo”, đóng góp giá trị của bản thân cho cộng đồng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Lan Phương đang nghiên cứu tài liệu
Hành trình vượt lên số phận
Chị vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ, đã phải chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Do mẹ sinh em sớm nên khi mới lên một tuổi, chị đã phải ở với vú nuôi, thiếu vắng tình thương yêu, săn sóc của mẹ cha, lại mắc phải chứng bệnh chậm nói. Mãi đến năm lên 4 tuổi, nhờ được bà cho đi thăm khám và chữa trị, cô bé Phương dần dần biết nói nhưng không may mắn bị vĩnh viễn ngọng mất 3 âm.
Khiếm khuyết bản thân, cộng với hoàn cảnh nghèo khó, đứa trẻ ấy lớn lên trong sự bỏ mặc và ánh mắt thương hại của người đời. Từ khi lên 5 tuổi đã phải lam lũ bươn chải, làm đủ nghề từ đan lát, bắt tôm, bán hàng, trông xe... để kiếm sống. Người bạn, đồng thời là điểm tựa tinh thần duy nhất với cô bé Phương trong suốt những năm tháng tuổi thơ là những cuốn sách, cuốn báo vô tri nhưng giàu cảm xúc và thấm đẫm những triết lý sống.
Vì vậy, lúc nào trong thâm tâm, cô bé ấy cũng luôn khát khao có cuộc sống tươi sáng hơn và được khẳng định giá trị của bản thân. Nên suốt cả 3 cấp học, chị Phương luôn tự nỗ lực học gấp nhiều lần các bạn khác để giành được kết quả tốt nhất.
Tốt nghiệp THPT năm 17 tuổi, vì không có điều kiện để theo đuổi ước mơ vào đại học, chị Phương phải đi làm thuê để tự nuôi sống bản thân. Dù phải làm giúp việc cho một quán ăn quần quật từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, rồi làm công nhân cho một công ty may cách nhà 20 cây số... nhưng lúc nào chị cũng khát khao được đi học tiếp.
Để thực hiện được mơ ước của mình, cô gái mới 17 tuổi đầu ấy không những chăm chỉ làm việc, mà còn biết chủ động tích cóp chi tiêu, vừa gửi một phần tiền lương về cho em út ôn thi vào lớp 9, vừa biết tiết kiệm một khoản để đầu tư học hành sau này.
Sau 2 năm gắn bó công ty may, tích cóp được một khoản vốn liếng nho nhỏ, chị Phương quyết định xin nghỉ việc để ôn thi đại học. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, chị không trúng tuyển vào trường mà mình mơ ước.
Khi đang không biết sẽ làm gì tiếp theo thì chị được một người bạn làm cùng công ty may cũ đề nghị làm gia sư cho cháu. Nghề gia sư gắn bó với chị từ đó.
Chị Phương đang giảng bài cho các em học sinh tại căn phòng trọ của mình
Thổi lửa đam mê học tập cho học sinh
Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, chị Phương cho biết, rất vất vả: Vì bản thân nói ngọng 3 âm, nên khi giảng bài cho các em học sinh, chị vừa nói, vừa phải viết lời nói lên bảng. Nhưng may mắn, dần dần, các em không chỉ hiểu được lời chị nói mà còn thông cảm và yêu thương chị nhiều hơn.
Để có tiền trang trải cuộc sống và mua sách vở, tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy, hàng ngày song song với công việc gia sư, chị Phương còn phải làm rất nhiều việc từ nhặt đồng nát, bán rau, nhận may thêm cho các xưởng may tư nhân... để kiếm thêm thu nhập. Khoảng 8 năm liên tục, chị làm việc theo thời gian biểu kín mít ấy, chỉ có chừng 2 - 4 tiếng để ngủ một ngày. Vất vả, nhưng theo chị, bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc bởi đã tự tin hơn trong cuộc sống và đang chiến thắng số phận, từng bước khẳng định giá trị của mình trong xã hội.
Từ khát khao được học tập và được yêu thương của chính bản thân, chị dành hết tâm huyết cho các cô cậu học trò nhỏ. Trong các tiết học, chị Phương luôn giảng dạy cặn kẽ, nhiệt tình cho học trò, không bao giờ nặng lời với con trẻ. Chị luôn hướng đến tiêu chí dạy thật, học thật, tạo môi trường học tập thân thiện cho các em. Học với chị, đói các em học sinh được ăn, khát các em được uống; các em được giải đáp mọi vướng mắc về môn Toán, được bộc lộ hết khả năng của mình. Với các lỗi sai, chị chỉ bảo từng chút một. Chị luôn khuyến khích các em tích cực đặt câu hỏi, chia sẻ với cô giáo những khúc mắc, những bài toán mình chưa hiểu để cô giảng.
Bên cạnh việc dạy các em học sinh kiến thức, chị còn luôn trò chuyện, gần gũi, chia sẻ để hiểu hơn về hoàn cảnh của từng em. Bằng chính câu chuyện của cuộc đời mình, chị giáo dục chân thành, đưa ra những lời khuyên bổ ích, giúp các em học sinh có thêm động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống.
Vì vậy, 26 năm chị làm gia sư, nhiều em học sinh từ học lực trung bình, sau thời gian được chị Phương kèm cặp đã vươn lên thành học sinh khá, giỏi. Rất nhiều em thi đỗ vào cấp ba với điểm số cao: 9,10; nhiều em đã trở thành giảng viên, bác sĩ, nhà báo,... có sự nghiệp thành công. Đặc biệt, ngày càng nhiều lao động nghèo ở khu vực quận Hai Bà Trưng có con em trong độ tuổi tiểu học và THCS tìm đến gửi gắm con cho chị Phương kèm cặp. Từ chỗ chỉ kèm tại nhà một vài em, tới nay chị Phương đã có hàng trăm em học sinh theo học. Rất nhiều trong số đó là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chị Phương tình nguyện dạy miễn phí, coi đó là món quà ý nghĩa, thôi thúc tinh thần học tập cho học trò, cũng như viết tiếp ước mơ dang dở của chính chị.
Trân trọng gọi chị Phương bằng cô giáo, anh Đỗ Văn Thành, sinh năm 1995, hiện đang công tác tại Công an phường Mai Động cho biết: “Tôi từng là một trong những học trò được cô Phương kèm cặp, bảo ban môn Toán suốt bốn năm học THCS. Với tôi, tuy không phải là một giáo viên được đào tạo chính quy nhưng cô Phương có cách truyền đạt dễ hiểu và sự nhiệt huyết với nghề rất lớn; đặc biệt cô rất thương trẻ con. Những ngày bố mẹ tôi vắng nhà, cô không chỉ dạy học mà còn chăm sóc tôi như không khác gì con đẻ của mình. Nhớ nhất là những ngày sát kỳ thi tuyển vào THPT, cô Phương đã cùng tôi ôn luyện đến khuya mà không hề lấy tiền công. Khi tôi báo tin đỗ vào trường cấp 3 theo đúng nguyện vọng, cô Phương đã khóc vì hạnh phúc với kết quả của học trò. Bởi vậy, tôi luôn trân quý sự nhiệt huyết và cái tâm đối với học sinh của cô. Đặc biệt, nghị lực vượt qua nghịch cảnh của cô Phương như ngọn lửa, tiếp thêm cho tôi động lực học tập và phấn đấu được như ngày hôm nay”.
Còn đối với nhiều phụ huynh, chị Phương là một nhà giáo giàu tâm huyết và đáng kính. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, số 14, tổ 2, phường Vĩnh Tuy phụ huynh học sinh Nguyễn Hoàng Văn lớp 7C, Trường THCS Vĩnh Tuy cho biết: “Ban đầu, thấy gia cảnh cô giáo nghèo, lại nói ngọng, khiến tôi có phần e ngại. Nhưng chính tấm lòng và kiến thức của cô đã chinh phục tất cả. Cô Phương thương yêu học sinh hết lòng. Chính tình thương của cô đã đem đến cho học sinh niềm đam mê với sách vở. Con nhà tôi, trước đây lười học, ham chơi, tuy nhiên, sau một năm theo học cô Phương, cháu đã thay đổi hoàn toàn, thích học và tiến bộ, từ học sinh tiên tiến nay đã trở thành một học sinh giỏi của lớp’’.
Khát khao cống hiến giá trị cho cộng đồng
Tới nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề dạy chữ, chị Phương đã giúp cho bao nhiêu lứa học trò nên người như Thành, như Văn. Càng yêu nghề dạy học, chị Phương càng hạnh phúc khi lần lượt được chứng kiến từng lứa học trò trưởng thành và trở thành người có ích trong xã hội. Hai từ “cô giáo” đối với chị thật thiêng liêng và cao quý, đó là cả một quãng thời gian đầy chông gai chị mới có được. Nó đã mang đến cho chị sự hãnh diện, sự biết ơn và cả sự kính trọng.
Giờ đây, ở tuổi ngoài 50, ước mơ cháy bỏng của chị là sẽ có một lớp học lớn hơn để có thể truyền niềm đam mê học tập cho nhiều con em lao động nghèo.
Chị Phương cũng khát khao một ngày gần đây nhất sẽ mở ra một thư viện sách cộng đồng, nơi đó sẽ có nhiều người đến đọc gần 300 cuốn sách mà chị đã sưu tầm được trong suốt nhiều năm qua và họ sẽ được truyền thêm động lực và khát vọng sống với những điều tốt đẹp.
Mai Thảo
BTĐKT - Ngày 30/8, Thị ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về công tác kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024); 70 năm ngày Giải phóng Sơn Tây (3/8/1954 - 3/8/2024); 555 danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024); Chương trình Trung thu Thành cổ và một số hoạt động khác gắn với kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây thông tin đến báo chí
Theo ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 70 năm ngày Giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng “Sơn Tây” dự kiến diễn ra vào tối 6/9 tới. Chương trình được tổ chức tại Sân khấu chính không gian Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (được truyền hình trực tiếp trên sóng H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội). Đặc biệt, trong chương trình Lễ kỷ niệm sẽ có màn trình diễn nghệ thuật “Sơn Tây - Ngời sáng miền đất cổ” sử dụng công nghệ trình chiếu hiện đại 3D mapping.
Nhân dịp này, dự kiến thị xã Sơn Tây sẽ vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (lần thứ 2) và các hình thức khen thưởng khác của TP Hà Nội.
Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng trong năm 2024 nhằm ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của thị xã qua các thời kỳ; qua đó, tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất, con người Sơn Tây trong quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp to lớn trong lịch sử đất nước và Thủ đô.
Đồng thời, đây cũng là dịp để thị xã giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa của Sơn Tây đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Được biết, ngoài chương trình kỷ niệm, thị xã Sơn Tây còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác như: Trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sưu tầm trao tặng hiện vật, tư liệu về mảnh đất, con người Sơn Tây; tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Thị xã Sơn Tây - Lịch sử hình thành và phát triển", tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Hồng và tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024; tổ chức giải Golf Sơn Tây mở rộng; liên hoan các ban nhạc thành phố Hà Nội; các liên hoan nghệ thuật, Lễ hội sách, Lễ hội áo dài di sản …
Đặc biệt, điểm nhấn còn có chương trình “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2024, dự kiến được tổ chức tại Đường Lâm vào tối 31/8, với 9 mô hình đèn trung thu ấn tượng và tặng 500 suất quà cho trẻ em nhân dịp trung thu.
Sơn Tây là mảnh đất huyền thoại của xứ Đoài đã đi vào lịch sử dân tộc với vị thế chiến lược quan trọng, vùng đất "địa linh, nhân kiệt".
Trải qua 100 năm thành lập, 70 năm được giải phóng hoàn toàn cho đến nay, thị xã Sơn Tây đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Thị xã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn là đô thị xanh - sạch - đẹp; năm 2006, được công nhận là đô thị loại III của thành phố. Thu nhập bình quân toàn thị xã tính đến năm 2023 đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nên một diện mạo nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. Năm 2023, thị xã đón hơn 1.175.000 lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Mai Thảo
Hà Nội: Biểu dương 100 gia đình công nhân tiêu biểu năm 2024
BTĐKT - Ngày 28/8, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu năm 2024 và tuyên dương, trao học bổng cho con công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đạt thành tích cao trong học tập, vượt khó học giỏi năm học 2023 - 2024. Biểu dương các gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu Đây là hoạt động thường niên, được LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức, nhằm tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, góp phần tích cực vận động xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm của tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, chăm lo, kịp thời động viên con CNVCLĐ không ngừng nỗ lực vươn lên, chăm ngoan, học giỏi để bố mẹ các cháu yên tâm lao động, sản xuất công tác. Những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng triển khai công tác gia đình, chăm lo cho con CNVCLĐ Thủ đô phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, tiêu biểu như: Tăng cường giáo dục đời sống gia đình; cung cấp các kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lao động nữ; tham gia thương lượng, đưa vào nội dung Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp các quy định về hỗ trợ lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ và người lao động có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo; chăm lo, giúp đỡ gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, nhiều hoạt động được triển khai sâu rộng, linh hoạt, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo", “Người tốt - Việc tốt, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”. Đưa các nội dung về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc trở thành các tiêu chí để bình xét, công nhận danh hiệu thi đua… Năm 2024, hoạt động biểu dương gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu, tuyên dương con CNVCLĐ đạt thành tích cao trong học tập, trao hỗ trợ học bổng cho con CNVCLĐ vượt khó học giỏi đã được LĐLĐ TP Hà Nội đưa vào chương trình kế hoạch công tác năm và được triển khai tới 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc. Từ gần 37 nghìn gia đình CNVCLĐ tiêu biểu cấp cơ sở, LĐLĐ TP Hà Nội đã lựa chọn 100 gia đình tiêu biểu nhất để biểu dương, khen thưởng. Đây đều là những tấm gương tiêu biểu trong việc khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong học tập, công tác, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu trưởng thành. Có những gia đình nhiều thế hệ, ông bà, cha mẹ là tấm gương sáng về học tập, lao động, sản xuất, đã tạo động lực cho các con học tập, noi theo, các cháu đều đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, là niềm tự hào của gia đình. Có những gia đình công nhân nhập cư nhưng luôn nỗ lực, chăm chỉ, phấn đấu vươn lên để tạo được vị trí trong doanh nghiệp, có nhiều sáng kiến, sáng tạo làm lợi cho doanh nghiệp, đồng thời giúp đỡ anh em, bạn bè, người thân cùng ổn định cuộc sống, việc làm. Nhân dịp này, LĐLĐ TP Hà Nội cũng tuyên dương, khen thưởng 7 học sinh là con CNVCLĐ đạt giải Quốc tế, phần thưởng mỗi con là 3.000.000 đồng; 55 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, phần thưởng mỗi con là 2.000.000 đồng. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khẳng định: 100 gia đình tiêu biểu được biểu dương hôm nay, mỗi gia đình thực sự là một bông hoa đẹp có sức lan tỏa đến cộng đồng, xã hội, góp phần phát huy, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời đại mới. Mai ThảoBTĐKT - Dù còn nhỏ tuổi nhưng để vừa đảm bảo nhiệm vụ học tập tốt, vừa được theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng, cô bé Đỗ Trà My (sinh năm 2012), học sinh Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu giấy, TP Hà Nội đã không quản khó nhọc, chủ động sắp xếp thời gian hợp lý, tích cực rèn luyện và không ngừng phấn đấu. Năm 2024, em được vinh danh là gương mặt thiếu nhi tiêu biểu Thủ đô, nhận Giải thưởng 15/5; đồng thời là một trong sáu bông hoa “Người tốt, việc tốt” tham gia chia sẻ, truyền cảm hứng tại chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chủ nhân tương lai đất nước
Từng gặp Trà My ở rất nhiều sân khấu của các chương trình, lúc em là thí sinh dự thi liên hoan ca khúc măng non, thi kể chuyện Điện Biên Phủ cấp thành phố Hà Nội; khi thì trong vai trò là đại sứ của chương trình “Ước mơ xanh – Ngày vì trái đất” tích cực hưởng ứng trồng cây, bảo vệ môi trường; hay là đại sứ hình ảnh của các trung tâm anh ngữ Speak up, Ames với khả năng nói tiếng Anh trôi chảy … Ở bất kỳ sân chơi nào, em cũng luôn dốc hết sức mình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và khả năng vượt trội, từ đó khẳng định vị trí của bản thân trong các hoạt động.
Đỗ Trà My được trao tặng Giải thưởng 15/5
Cầm trên tay Bằng chứng nhận giải Nhất cuộc thi kể chuyện Điện Biên Phủ năm 2023, cô học trò nhỏ Trà My không khỏi tự hào và vẫn nhớ như in về bài thi kể chuyện đầy công phu của mình hôm ấy.
Em cho biết, dù phần thi chỉ diễn ra trong vài phút nhưng em đã phải trải qua hơn 1 tháng tập luyện với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô giáo và sự đồng hành, trợ giúp tận tâm của gia đình. Câu chuyện lịch sử dự thi được em lựa chọn thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa. Vì vậy, hằng ngày, ngoài việc học văn hóa ở trường, em phải dành thêm nhiều thời gian để tìm hiểu rõ bối cảnh lịch sử của sự kiện Điện Biên Phủ và những nhân vật liên quan; đồng thời sắp xếp từ 2-3 buổi/tuần để luyện tập kể chuyện, kết hợp với các động tác diễn xuất và sử dụng âm thanh, hình ảnh minh họa, nhằm tạo cảm xúc, truyền tải được tinh thần anh hùng của dân tộc trong trận chiến quan trọng này tới khán giả.
“Với em điều tuyệt vời nhất, hơn cả giải thưởng giành được, đó là sau khi tham gia cuộc thi kể chuyện Điện Biên Phủ, em có cơ hội hiểu hơn về lịch sử, về sự hi sinh và tinh thần anh dũng của thế hệ đi trước. Đồng thời nhận ra rằng, việc chia sẻ và lan tỏa những câu chuyện lịch sử cũng là cách để nuôi dưỡng tình yêu nước và tinh thần dân tộc trong mỗi người. Từ đó, em cũng thấy được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của dân tộc”, Đỗ Trà My chia sẻ.
Đó không phải là cuộc thi duy nhất mà Trà My từng tham gia và nỗ lực đạt được giải cao. Được biết, ở nhiều sân chơi khác, em từng đạt nhiều thành tích đáng nể phục như: Giải Vàng liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương; giải Nhất cuộc thi Nét đẹp thầy trò cấp thành phố năm 2022; giải Nhất cuộc thi “Sao Việt toả sáng”, Á quân Ikids Việt Nam mùa 4 năm 2022; giải Nhì liên hoan ca khúc măng non năm 2022; giải thưởng Dương Văn Nội năm 2021 - 2022; giải thưởng Nghệ sĩ tiêu biểu 2023…
Tự hào về người học trò của mình, cô giáo Đặng Thị Trang, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Nghĩa Tân nhận xét: Không chỉ là cô học trò xinh xắn, tài năng, có thành tích học tập xuất sắc, Trà My còn là một liên đội phó năng nổ trong các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi. Ở em có một sức mạnh nội lực, hội tụ từ trí tuệ, tài năng và sự tự tin cùng với tấm lòng nhân ái. Em luôn biết quan tâm và chia sẻ với bạn bè và với cả những người có hoàn cảnh khó khăn.
Em thường xuyên trích tiền thưởng có được từ các chương trình, cuộc thi để dành ủng hộ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn ở: Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim; tham gia tặng quà tết cho các bạn thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; tham gia dự án từ thiện: Hoa nở muôn màu…
Đỗ Trà My vinh dự đại diện cho thiếu nhi Thủ đô cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón mừng các chính trị gia của nhiều nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam
Ghi nhận những nỗ lực đó của Trà My, mới đây, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đã vinh danh em là một trong những gương mặt thiếu nhi tiêu biểu Thủ đô, được tặng “Giải thưởng 15 tháng 5”. Đồng thời, em cũng là một trong những bông hoa “Người tốt, việc tốt” của quận Cầu Giấy được lựa chọn tham gia chia sẻ, truyền cảm hứng tại chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Nỗ lực phía sau những giải thưởng
Là người phát hiện ra năng khiếu và niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật của cô con gái nhỏ; đồng thời cũng là người luôn âm thầm bên cạnh tạo điều kiện và đồng hành cùng con trong hầu hết các hoạt động học tập và rèn luyện, chị Phạm Thiên Thanh, mẹ của Trà My cho biết: So với các bạn cùng trang lứa, cô con gái có phần vất vả hơn rất nhiều, bởi một lúc em phải học hai trường (trường THCS và trường năng khiếu nghệ thuật), lịch học tập và rèn luyện của con dường như lúc nào cũng kín. Nhưng bù lại, Trà My có sự tự lập và nỗ lực rất cao. Đặc biệt, con nhận thức rất rõ ràng rằng, người nghệ sĩ thành công không chỉ cần có tài năng và sự sáng tạo mà còn phải có một nền tảng kiến thức văn hóa vững chắc. Bởi thế, dù còn nhỏ nhưng con đã có sự kiên định và ý chí mạnh mẽ trong việc nỗ lực để đạt tới ước mơ trở thành một nghệ sĩ thành công.
Hằng ngày, Trà My luôn cố gắng tập trung dành thời gian học và hoàn thành tốt các môn học văn hóa ngay ở trên trường, trên lớp. Trong giờ học, em luôn chú ý lắng nghe và ghi chép bài đầy đủ. Khi gặp bài khó, em không ngần ngại hỏi thầy cô và trao đổi với bạn bè để được giải đáp và hiểu rõ hơn về bài học. Trước mỗi ngày đến lớp, em đều dành thời gian đọc lại bài cũ và đọc qua bài mới… Chính những thói quen tốt đó đã giúp em liên tục nhiều năm liền đạt được thành tích học tập xuất sắc.
Đỗ Trà My luôn kiên trì trong rèn luyện nghệ thuật
Ngoài thời gian học tập văn hóa ở trường, Trà My còn dành thời gian để luyện tập năng khiếu như một cách để giải trí và thư giãn. Hàng ngày, em tự mình luyện thanh và học lời bài hát tại nhà. Em thường xuyên nghe nhạc, tìm hiểu các kỹ thuật hát từ những nghệ sĩ mà em ngưỡng mộ và cố gắng áp dụng chúng vào các tiết mục của mình.
Trước mỗi cuộc thi, Trà My thường dành hằng tuần, thậm chí hằng tháng để tập luyện. Em không ngại thức khuya, dậy sớm để luyện giọng, luyện cách trình bày và hoàn thiện từng chi tiết nhỏ trong bài thi. Quá trình này đòi hỏi em không chỉ kiên trì mà còn phải có sự kỷ luật cao trong việc quản lý thời gian giữa học tập và luyện tập.
Đặc biệt, khi tham gia nhiều chương trình lớn với quy mô toàn thành phố, hay tham gia làm đại sứ hình ảnh trong nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, Trà My thường xuyên phải đối mặt với áp lực về thời gian và những yêu cầu kỹ thuật cao chưa từng gặp, em luôn kiên trì vượt qua, không ngại thử sức ở những vai trò mới, chăm chỉ rèn luyện các kỹ năng diễn xuất, cách trình diễn trước công chúng và liên tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện mình. Nhờ đó, em không ngừng tiến bộ và thường xuyên tỏa sáng trên sân khấu.
Chứng kiến lịch học tập và rèn luyện nghệ thuật cũng như kế hoạch tham gia các hoạt động cộng đồng dày đặc của Trà My trong một tuần, một tháng, nhiều người băn khoăn hỏi: Liệu em có đang phải chịu áp lực quá không? Thời gian nào để em được vui chơi?... Trà My vui vẻ, hồn nhiên nói rằng: “Em thích cảm giác được cố gắng hết mình vì niềm đam mê của mình, nó làm em hạnh phúc. Khó khăn giống như những trò chơi thử thách, vượt qua được, em cảm thấy mình giỏi hơn và như đang tiến gần hơn đến ước mơ của mình”.
Bông hoa nhỏ Đỗ Trà My với trái tim nhiệt huyết không chỉ là niềm tự hào của gia đình, nhà trường mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác. Sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của em trong học tập và các hoạt động nghệ thuật, cộng đồng thực sự là tấm gương sáng đáng noi theo. Mong rằng, với sự đam mê và nhiệt huyết của mình, Trà My sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai, trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Mai Thảo
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- …
- sau ›
- cuối cùng »