Hà Nội thi đua ái quốc

Mô hình đánh giá cán bộ hàng tháng tại quận Long Biên (Hà Nội)

TĐKT – Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo tháng tại quận Long Biên (TP Hà Nội) được ghi nhận là một trong những mô hình tiêu biểu góp phần thực hiện chủ đề năm 2018 “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị",  cần được nhân rộng trên khắp cả nước. “Qua đánh giá, xếp loại hằng tháng, ý thức, trách nhiệm, ý thức tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức để đáp ứng tốt yêu cầu công việc chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quận Long Biên cũng như hiệu quả công việc được nâng lên. Các đơn vị đã phát hiện kịp thời các việc, nhiệm vụ còn tồn tại để đưa ra giải pháp khắc phục; các sáng kiến sáng tạo kịp thời được đề xuất, khen thưởng, đưa vào áp dụng, thực hiện; biểu dương kịp thời sự tận tụy của cán bộ, công chức. Đánh giá sát hạch đã bộc lộ những kỹ năng, năng lực hạn chế theo từng chức danh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Đến nay, đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn quận đã đồng đều về chất lượng cũng như thái độ phục vụ với dân nhân trong thực hiện nhiệm vụ…”. Đó là những đánh giá chung của nhiều người về hiệu quả bước đầu của mô hình thời gian qua. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Thượng Thanh, quận Long Biên Lâu nay, ở hầu hết các đơn vị, tổ chức, công tác đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức là vô cùng quan trọng, được thực hiện hàng năm, có ý nghĩa quyết định đối với việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước; là cơ sở cho việc quyết định bố trí, sử dụng hợp lý, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, những năm gần đây, quận Long Biên lại xác định, để việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự đạt kết quả cao, cần phải có sự đột phá về cách đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Quận Long Biên đã ban hành quy định về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng với lộ trình thực hiện theo từng năm. Năm 2013: Thí điểm đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức 6 tháng/lần đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại bộ phận “một cửa” quận và phường. Năm 2014: Triển khai diện rộng, đánh giá hằng tháng, áp dụng toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng khối chính quyền quận, phường. Từ năm 2015 đến nay: Áp dụng toàn bộ hệ thống chính trị quận, phường (Đảng – đoàn thể - chính quyền – các đơn vị trường học). Việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc trải qua quy trình 3 bước. Trước tiên, mỗi cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mỗi nhiệm vụ có người chịu trách nhiệm đến cùng, theo nguyên tắc một việc một đầu mối xuyên suốt. Trên cơ sở đó, 100% đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá cán bộ cũng đổi mới theo nguyên tắc ai giao việc thì người đó đánh giá. Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử quận, làm căn cứ để xử phạt hoặc khen thưởng, động viên cán bộ. Quận cũng đã xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, trong đó thực hiện động viên khen thưởng hàng tháng với các mức tiền thưởng cụ thể. Cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được thưởng 650.000 đồng (0,5 lần lương cơ sở). Các sáng kiến, sáng tạo sẽ được thưởng 1,3 triệu đồng (1 lần mức lương cơ sở). Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà nhận xét: “Mô hình đánh giá cán bộ hàng tháng của quận đã khắc phục được những hạn chế của việc đánh giá theo chu kỳ từng năm, đảm bảo kịp thời hơn, sát thực tế hơn, kết quả công việc chuyển biến rõ nét hơn”. Từ khi triển khai áp dụng thực hiện mô hình, cán bộ, công chức, viên chức quận Long Biên đã có ý thức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện tốt hơn, gần dân, sát dân, được nhân dân đánh giá, ghi nhận, việc tồn đọng ít hơn. Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng tháng đang phát huy hiệu quả rõ rệt khi phân định rõ và sát với từng vị trí. Năm 2017, kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng của quận Long Biên cụ thể: Cấp quận: Xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 5,59%; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 90,73%; hoàn thành nhiệm vụ, đạt 3,49%; không hoàn thành nhiệm vụ, đạt 0,19%; phê bình, hạ mức xếp loại đối với 36 lượt người đứng đầu các đơn vị. Cấp phường: Xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 5,57%; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 84,44%; hoàn thành nhiệm vụ, đạt 6,78%; không hoàn thành nhiệm vụ, đạt 0,21%; phê bình, hạ mức xếp loại đối với 178 lượt công chức, viên chức, người lao động. Quận đã khen thưởng 953 lượt cá nhân hoàn thành suất sắc nhiệm vụ với tổng kinh phí 577 triệu đồng; đồng thời hạ mức xếp lại 78 lượt thủ trưởng các đơn vị, 173 lượt công chức, viên chức. Thiết nghĩ, đây là mô hình tiêu biểu trong công tác cán bộ mà các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần học tập, làm theo. Thục Anh  

Phát động đợt thi đua cao điểm trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban bí thư; kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 29/01/2018 của UBND Thành phố về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và hướng tới Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ngày  17/4, tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài), Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chính thức phát động đợt thi đua cao điểm trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô. Tại Lễ phát động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp công đoàn thành phố phát động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát động thi đua Trong đó, cán bộ, công nhân, lao động (CNLĐ) khối doanh nghiệp cần ra sức thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2018 trước thời hạn. Đồng thời, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, làm chủ công nghệ máy móc, giảm chi phí sản xuất, động viên cán bộ, CNLĐ tham gia tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, đời sống, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Cùng với đó là tích cực học tập nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tập trung thực hiện có hiệu quả “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” của thành phố; tổ chức thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chương trình cải cách hành chính, rà soát, chỉnh sửa bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp.  Đặc biệt, các phong trào thi đua gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân. Phát huy dân chủ, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, gắn với cuộc vận động xây dựng: “Người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn Đợt thi đua cao điểm được Liên đoàn Lao động thành phố phát động từ ngày 01/4/2018 đến 30/6/2018. Nhân dịp này, LĐLĐ TP tặng quà động viên 20 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Hưng Vũ

Người bắc nhịp cầu nối những bờ vui

TĐKT - Giữ vai trò tham mưu và trực tiếp giải quyết những vấn đề về pháp lý của người dân ở cơ sở, giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, với chị Nguyễn Thị Hồng Minh, đây là một công việc khá vất vả nhưng đọng lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chị Minh về công tác tại phường Thanh Nhàn từ năm 2010, được phân công phụ trách công tác tư pháp, hộ tịch. Gần 10 năm nay, với hơn chục đầu việc, từ công tác chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn cho đến tiếp công dân, hòa giải vụ việc, kiểm soát các thủ tục hành chính… chị đều đảm đương và hoàn thành tốt mọi việc. Điều đáng nói là chị luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, coi việc nước, việc dân như chính việc nhà, luôn dốc hết sức, hết lòng để giải quyết công việc đạt hiệu quả cao nhất. Bắc nhịp cầu nối những bờ vui Nhiều năm nay, khi nhận được tin ở bệnh viện Thanh Nhàn có cháu bé bị bỏ rơi là chị kịp thời có mặt phối hợp với Công an phường và bệnh viện để làm thủ tục khai sinh cho cháu. Không những vậy, chị còn “mát tay” kết nối hạnh phúc cho nhiều cháu bé với các gia đình hiếm muộn. Năm 2016, nhận được tin báo có cháu bé bị bỏ rơi ở bệnh viện Thanh Nhàn, chị đã nhanh chóng đến làm thủ tục khai sinh cho cháu. Mấy hôm sau, có gia đình hiếm muộn đến xin nhận con nuôi. Cùng lúc đó, có thêm 2 gia đình khác cũng đến xin nhận nuôi cháu bé. 1 trong 3 gia đình đã rỉ tai với chị Minh rằng: “Chúng tôi gửi chị 20 triệu đồng, nhờ chị hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý để đứa bé được làm con chúng tôi”. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh đang tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn Thời điểm đó, 20 triệu đồng quả là một khoản tiền không nhỏ, tuy nhiên chị Minh đã từ chối nhận và công khai các thủ tục nhận nuôi để 3 gia đình làm, nếu gia đình nào hoàn tất thủ tục trước thì được nhận nuôi cháu bé. Chị bảo: “Đó là nhân duyên của cháu, tôi không được quyền định đoạt hay cướp đi mối nhân duyên đó, tôi chỉ làm đúng chức trách nhiệm vụ của một người công chức vì dân mà phục vụ, không màng tư lợi cá nhân”. Đã 3 năm trôi qua, chị Minh và cán bộ công chức của phường Thanh Nhàn vẫn nhớ như in trường hợp làm giấy khai sinh cho hai cháu bé ở địa bàn dân cư số 1. Bố mẹ của các cháu đều bỏ đi không có tung tích, để lại các con cho ông bà nội nuôi. Mãi đến gần ngày cháu lớn vào lớp 1, ông bà mới đến phường hỏi các thủ tục làm giấy khai sinh. Bộ phận 1 cửa đã hướng dẫn gia đình những hồ sơ và thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, do gia đình không đáp ứng được những yêu cầu đó, nên thấy bất mãn, liên tục gửi đơn thư về phường. Trước tình hình đó, chị Minh đã chủ động xuống địa bàn dân cư, phối hợp với tổ trưởng dân phố, cán bộ cảnh sát khu vực để tìm hiểu. Qua đó được biết, người gửi đơn thư là bà nội của các cháu, lâu nay bị bệnh tâm thần phân liệt. Trong khi thủ tục cấp giấy khai sinh yêu cầu có chữ ký của cả bố, mẹ cháu bé, kèm theo giấy chứng sinh, chứng nhận vợ chồng... Nhưng thực tế bố mẹ các cháu bỏ trốn không tung tích, cũng không có một loại giấy tờ nào liên quan nên việc khai sinh cho các cháu gặp rất nhiều khó khăn. Thương cảm cho hoàn cảnh của các cháu, lại sắp đến ngày tựu trường, chị Minh đã động viên ông của cháu bé lên phường, phối hợp với cán bộ tư pháp để được hướng dẫn “tháo gỡ”. Vì đây là trường hợp đặc biệt, nằm ngoài quy định, chị phải nhiều đêm nghiên cứu tìm hướng giải quyết tốt nhất, sau đó đề xuất với lãnh đạo cách làm linh động. Nhờ sự tận tình của chị Minh, đến nay, hai cháu bé đó đã được cấp giấy khai sinh và đều đang theo học ở trường Tiểu học Minh Khai. “Đến nay, tôi không nhớ nổi đã khai sinh cho bao nhiêu trường hợp khó và tìm mái ấm cho bao nhiêu cháu bé bị bỏ rơi, nhưng chỉ biết rằng sau mỗi lần nỗ lực hết mình, tôi cảm thấy cuộc sống thêm đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó là động lực giúp tôi gắn bó với công việc vất vả này” - Chị Minh chia sẻ. Cán bộ tư pháp – hộ tịch giỏi vận động Với trên 22 nghìn nhân khẩu, khối lượng công việc tư pháp – hộ tịch tại phường Thanh Nhàn là rất lớn. Mặt khác, đây được coi là địa bàn “nóng”, với nhiều dự án xây dựng, giải phóng mặt bằng liên tục diễn ra, trách nhiệm này đặt lên vai chị Nguyễn Thị Hồng Minh lại càng “nặng gánh” hơn. Song chị không quản ngại khó khăn mà luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn phường đoàn kết, xây dựng tình làng nghĩa phố. Có thể khẳng định, chị Minh là một cán bộ hòa giải tuyệt vời ở cơ sở. Để làm tốt điều này, chị Minh thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các văn bản, kiến thức pháp luật mới nhất. Đồng thời, chủ động trao đổi, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như các kỹ năng hòa giải cho các tổ hòa giải trên địa bàn phường. Bởi theo chị, đó là hành trang vững chắc nhất, giúp cho người cán bộ hòa giải tự tin trong giải quyết công việc, thuận lợi trong vận động, thuyết phục nhân dân. Chị Minh cho biết: Có vụ tranh chấp đền bù đất đai phức tạp, để giải quyết thành công, chị phải theo đuổi, vận động, cố gắng thuyết phục, hòa giải đằng đẵng suốt 3 năm trời; tổ chức mấy chục cuộc họp với gia đình, tổ dân phố và lãnh đạo phường; thậm chí tự thân chị đến gặp mặt từng người để nói chuyện tình nghĩa, vận động mới tìm được sự đồng thuận. Khẳng định công tác tư pháp đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bà Thạch Bảo Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn chia sẻ: “Nhiều năm nay, phường Thanh Nhàn là một trong những đơn vị được đánh giá là có nhiều cải thiện tích cực trong cải cách hành chính. Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn phường và thậm chí từ các nơi đều lựa chọn thực hiện các thủ tục, bởi họ luôn nhận được sự niềm nở, nhanh nhẹn, giải quyết sớm của cán bộ Một cửa. Đặc biệt, đa số người dân đến phường đánh giá cao chuyên môn và tâm huyết của đồng chí Minh. Có những hồ sơ khó, vướng mắc về thủ tục, họ được đồng chí Minh hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Không những vậy, chị Minh còn làm tốt công tác tham mưu, rà soát giúp lãnh đạo ký ban hành các văn bản, quyết định; kiểm soát các thủ tục hành chính”. Bước ra từ Bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn, bà Nguyễn Thu Hà, một công dân hiện đang công tác tại cơ quan có địa chỉ 434 Trần Khát Chân, hài lòng nhận xét: “Bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn rất tuyệt vời, tinh thần trách nhiệm cao, giải quyết công việc nhanh gọn. Đặc biệt, với chị Minh, tôi ấn tượng hơn, đó là một người vui vẻ, nhiệt tình, thấu đáo khi giải thích và phân tích những việc thuộc về công tác tư pháp - luật pháp. Tiếp xúc với chị tôi được bồi dưỡng thêm về kiến thức pháp luật, trách nhiệm của công dân”. Bác Hồ từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Quả đúng như vậy! Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh người dân Thủ đô thanh lịch văn minh, trong đó công chức, viên chức là người đi đầu. Thiết nghĩ, thành công của cuộc vận động ấy, rất cần có thêm những hạt nhân quan trọng như tấm gương chị Nguyễn Thị Hồng Minh. Mai Thảo

Hà Nội: Tập huấn công tác thi đua, khen thưởng năm 2018

TĐKT - Với mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn, sáng 5/4, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 cho lãnh đạo các cụm thi đua và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị trên địa bàn thành phố. Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Công Bằng, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Năm 2017, vai trò tham mưu, đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm thi đua, khen thưởng được phát huy, góp phần đưa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng từ thành phố đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đơn vị đã sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua, tạo động lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, các đơn vị đã quan tâm đến thực hiện việc phát hiện và khen thưởng kịp thời các tập thể nhỏ, cá nhân là người lao động trực tiếp và người dân có thành tích trong công tác và đời sống. Đồng chí Nguyễn Công Bằng, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Hội nghị là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị thuộc thành phố kịp thời cập nhật những chính sách, quy định, văn bản mới về thi đua, khen thưởng; đồng thời giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để cùng triển khai thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.  Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã tập trung truyền đạt đến Hội nghị 6 chuyên đề về: Một số điểm mới của Nghị định số 91; Quyết định 02/2017 của UBND TP; Dự thảo quy định xét, công nhận "Sáng kiến Thủ đô" (thay thế QĐ số 90/2007 của thành phố về ban hành Quy chế xét tặng Bằng "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"); chuyên đề về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 02/2018 của thành phố về ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn TP Hà Nội; triển khai thực hiện Kế hoạch 32 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018); hướng dẫn tổ chức nghi lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên địa bàn thành phố. Hội nghị cũng dành thời gian để trao đổi, giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn làm thi đua, khen thưởng ở từng đơn vị. Qua đó, đội ngũ cán bộ làm thi đua, khen thưởng đã nắm bắt được những nội dung mới, cơ bản cũng như được giải tỏa những băn khoăn, lúng túng trong nghiệp vụ. Hội nghị tập huấn công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội Trao đổi thảo luận với các đại biểu, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng nhấn mạnh đến một số vấn đề, đề nghị đội ngũ làm thi đua, khen thưởng thành phố lưu ý tham mưu, đề xuất với lãnh đạo đơn vị trong năm 2018: Ưu tiên tập trung tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua, ái quốc (Tuyên dương, gặp gỡ giao lưu, tôn vinh các điển hình tiên tiến; gắn với sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh); quan tâm rà soát, đăng ký gắn biển với thành phố các công trình gắn với 70 năm Bác Hồ ra Lời kếu gọi thi đua ái quốc; tiếp tục thực hiện tốt cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2018… Mai Thảo  

Trang