Kinh tế

Blockchain và ứng dụng tín dụng phi tập trung

TĐKT - Trong hai ngày 28 và 29/7/2018, Công ty Distributed Credit Chain (DCC) Việt Nam ra mắt diễn đàn Blockchain và Ứng dụng tín dụng phi tập trung 2018 lần lượt tại Hà Nội và TP HCM. Blockchain và Ứng dụng tín dụng phi tập trung là diễn đàn chuyên ngành dưới sự cố vấn của các chuyên gia đầu ngành về tín dụng và pháp lý tại Việt Nam. Diễn đàn có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về tín dụng và pháp lý của Việt Nam, cùng các tổ chức, các doanh nghiệp đang tiên phong phát triển công nghệ blockchain trong lĩnh vực tín dụng phi tập trung, mà đại diện là Công ty Distributed Credit Chain (DCC) Việt Nam. Các diễn giả cùng trao đổi về Blockchain và ứng dụng tín dụng phi tập trung Tại Việt Nam, dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực được áp dụng công nghệ Blockchain rộng rãi nhất với 83%, sau đó là chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%). Theo ước tính của DCC, cả nước hiện có hơn 100 công ty công nghệ và 5.000 lập trình viên đang phát triển các sản phẩm dựa trên nền tảng Blockchain. Đại diện DCC nhận định, so với tín dụng truyền thống, tín dụng phi tập trung có những ưu điểm vượt trội như phá vỡ thế độc quyền của các tổ chức tài chính truyền thống, thay đổi mô hình hợp tác trong các dịch vụ tài chính truyền thống… Buổi tọa đàm đã giải đáp những thắc mắc về hành lang pháp lý sắp tới và tìm ra những cơ hội cũng như thách thức của lĩnh vực tín dụng phi tập trung trong làn sóng công nghệ 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Phiên thứ nhất: Chuyên gia nghiên cứu Blockchain sẽ nói chuyện về xu hướng phát triển mạnh mẽ của Blockchain toàn cầu và cách công nghệ này đang tác động mạnh mẽ đến thế giới. Phiên thứ hai: Các diễn giả trao đổi những thông tin mới nhất về vấn đề hành lang pháp lý, cơ chế quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực tín dụng truyền thống. Phiên thứ 3: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tín dụng phi tập trung, đại diện là Công ty Distributed Credit Chain sẽ giới thiệu về những ưu việt của tín dụng phi tập trung. Ông Stewie Zhu – CEO của công ty DCC sẽ đưa ra những phương hướng và giải pháp cụ thể mà công ty DCC đã nghiên cứu và ứng dụng để giải quyết những vấn đề của tín dụng tập trung. Được biết ứng dụng tín dụng phi tập trung của DCC được đánh giá là 1 trong 50 ứng dụng xuất sắc trong lĩnh vực Blockchain năm 2018. Phiên thứ 4: Các chuyên gia, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia sẽ cùng nhau giải đáp thắc mắc và thảo luận về cách thức đẩy mạnh phát triển công nghệ Blockchain và đa dạng hóa các lĩnh vực ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam nói chung và ứng dụng tín dụng phi tập trung nói riêng. Hưng Vũ

Họp báo chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm truyền thống Bia Hà Nội

TĐKT - Chiều 31/7, tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) họp báo Chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm truyền thống (1958 - 2018), Đêm nhạc Trúc Bạch và Chương trình ra mắt nhận diện mới Bia Trúc Bạch. Họp báo thông tin về chuỗi chương trình Tiền thân của Habeco là Nhà máy Bia Hommel được người Pháp xây dựng từ năm 1890, với công suất 50.000 lít/năm. Ngày 15/8/1958, chai bia đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời. Ngày này hàng năm được chọn là Ngày Truyền thống của Bia Hà Nội. Trải qua 60 năm, Bia Hà Nội đã không ngừng đổi mới, phát triển, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành đồ uống Việt Nam với năng lực sản xuất đạt gần 900 triệu lít bia/năm. Bia Hà Nội là thương hiệu quốc gia, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của ngành và của nền kinh tế. Trong hành trình 60 năm kết nối cảm xúc, Bia Hà Nội đã gắn kết tất cả mọi người với nhau bằng chất men truyền thống, chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống, Bia Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động: Tuyên truyền, vận động "Uống có trách nhiệm"; hưởng ứng chương trình Giờ Trái đất; đồng hành cùng chiến dịch bảo vệ môi trường biển "Biển Việt Nam xanh"; thăm hỏi, trao quà cho các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, xây dựng nhà tình nghĩa... với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Cùng với đó, Bia Hà Nội đã tổ chức các hoạt động cho cán bộ, công nhân viên: Cuộc thi viết tìm hiểu về 60 năm truyền thống Bia Hà Nội, Cuộc thi ảnh Bia Hà Nội trong trái tim tôi, Giải bóng đá giao hữu - tranh cúp Bia Trúc Bạch và Bia Hanoi Premium. Chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm truyền thống Bia Hà Nội sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào ngày 9/8. Là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động, "Trúc Bạch concert - Thanh âm cảm xúc" mang ý nghĩa như một món quà tri ân dành tặng đến các quý khách hàng, đối tác - những người luôn đồng hành cùng thương hiệu trong suốt thời gian qua. Đêm nhạc có sự góp mặt của những cái tên xuất sắc trong nền âm nhạc Việt Nam: Đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, ban nhạc Phương Đông, nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh, ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Uyên Linh... Đặc biệt, màn trình diễn 3D Mapping ấn tượng kết hợp với hoa đăng khinh khí cầu khổng lồ tại sân khấu ngoài trời sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên dành cho khán giả tham gia sự kiện. Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm sẽ diễn ra Triển lãm "Dòng chảy thời gian Bia Hà Nội" với những câu chuyện đầy cảm hứng về Bia Hà Nội trong hành trình xây dựng và phát triển, tái tạo một không gian văn hóa đầy cảm xúc. Bia Trúc Bạch ra mắt nhận diện thương hiệu mới nhân dịp 60 năm truyền thống Nhân dịp này, nhận diện mới của Bia Trúc Bạch sẽ chính thức ra mắt. Lấy cảm hứng từ Paramount Beer - Bia thượng hạng, nhận diện mới của Bia Trúc Bạch mang đến một phong cách khác biệt, nổi bật khi đứng cạnh các thương hiệu khác. Đặc biệt, chất lượng của sản phẩm Bia Trúc Bạch sẽ được "nâng hạng" với hương vị thơm đằm được bổ sung thêm vào trong bí quyết nấu bia duy nhất, mang đến một trải nghiệm vị giác sảng khoái, dâng trào đam mê cho giới sành bia thích tìm kiếm sự hoàn mỹ và khám phá những trải nghiệm mới lạ.  Phương Thanh - Mai Thảo

Tăng cường công tác quản lý Hải quan đối với phế liệu nhập khẩu

TĐKT - Ngày 30/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu. Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát việc nhập phế liệu vào Việt Nam.   Họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hơn 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200% đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017. Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu đã góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng. Cụ thể, số liệu container tồn tại cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 25/7/2018 là 3.579 container, trong đó: 30 - 90 ngày là 594 container; quá 90 ngày là 2.423 container. Số container còn lại là chưa quá 30 ngày. Số container tồn tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5/7/2018 là 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). Trong đó, 632 container tồn từ 30 - 90 ngày; 853 container quá 90 ngày. Trước thực trạng đó, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa phế liệu nhập khẩu. Để đảm bảo công tác quản lý giám sát mặt hàng phế liệu nhập khẩu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 05/6/2018 về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Đồng thời, nhằm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận, thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Luật Hải quan năm 2014, chế tài xử lý trong Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018. Công văn này chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến. Song song với đó, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ 1/2016 đến 5/2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm. Căn cứ kết quả điều tra xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được về vụ việc vi phạm của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt, MST: 2700784265 (Công ty Đức Đạt), xác định: Từ ngày 21/7/2017 đến 22/11/2017 Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua  cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.537.993.380 VNĐ. Cơ quan chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 - Bộ Luật hình sự năm 1999, Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sủa đổi, bổ sung năm 2017). Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17/7/2018 về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ. Hồng Thiết  

Việt Nam từng bước hình thành hệ thống pháp luật, tạo nền tảng triển khai cơ chế một cửa quốc gia

TĐKT - Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp và được nêu rõ tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mục tiêu hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức vào ngày 24/7 góp phần thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, đánh giá thực trạng,  khắc phục những tồn tại, hạn chế về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó, đưa ra những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và công bố kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cộng đồng doanh nghiệp đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ với mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan Chính phủ. Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ một khái niệm hoàn toàn mới, Việt Nam đã từng bước hình thành hệ thống pháp luật, tạo nền tảng cho việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam về thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời tạo nền tảng pháp lý khi đàm phán với các đối tác thương mại ngoài ASEAN trong việc trao đổi và công nhận dữ liệu, chứng từ thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa qua biên giới. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, các bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về vấn đề này. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù). Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan. Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình. Thủ tướng hy vọng, sau hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. La Giang

Tọa đàm “Chắp cánh trí tuệ Việt Nam”

TĐKT- Chiều 28/7, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Chắp cánh trí tuệ Việt Nam” nhân kỷ niệm 36 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ (29/7/1982 - 29/7/2018). Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, mở cửa cho mọi đối tượng quan tâm đến tham dự, với mục đích kết nối và phát huy sức mạnh của các chủ thể sáng tạo, nhà quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội nhằm xác lập, khai thác, phát triển giá trị tiềm năng của tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Toàn cảnh Tọa đàm Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực của các chủ thể trong quá trình xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Điểm nhấn của sự kiện là Toạ đàm với chủ đề “Chắp cánh trí tuệ Việt Nam”. Đây là diễn đàn mở giữa các chuyên gia sở hữu trí tuệ và khách mời nhằm trao đổi những thông tin bổ ích giúp nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tại Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ trong thực tiễn hiện nay, đồng thời giải đáp những thắc mắc của các bạn trẻ về vấn đề sở hữu trí tuệ trong quá trình khởi nghiệp. Cũng tại sự kiện này, các khách mời đã cùng tham gia vào hoạt động giao lưu, tương tác thú vị, hấp dẫn, qua đó thu nhận được nhiều kiến thức bổ ích về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, Toạ đàm với chủ đề “Chắp cánh trí tuệ Việt Nam” là diễn đàn mở giữa các chuyên gia sở hữu trí tuệ và khách mời nhằm trao đổi những thông tin bổ ích để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng đang tập trung tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thể hiện qua nhiều chiến lược và hành động. Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ đã và đang được xác định là yếu tố đóng vai trò trụ cột, cốt lõi, là công cụ thúc đẩy sự phát triển của xã hội . Sự kiện được phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội lớn trong suốt thời gian diễn ra nhằm tạo sự tương tác rộng rãi với cộng đồng. Bên cạnh đó, thông qua phóng sự truyền thông phát sóng trên VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam sẽ góp phần lan tỏa truyền cảm hứng để đổi mới sáng tạo, xác lập, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, đồng thời xây dựng văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp và cộng đồng. Hồng Thiết  

Ban hành Thông tư 38 tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp

TĐKT - Chiều 26/7, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải Quan) Nguyễn Nhất Kha cho biết: Thông tư 38 là văn bản pháp lý quan trọng quy định cụ thể, thống nhất và minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Việc ban hành Thông tư này cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quang cảnh họp báo Thông tư 38 quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chứng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu... Thông tư này có 10 nội dung mà các doanh nghiệp cần lưu ý, chẳng hạn như quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 3). Theo đó, hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại mẫu số 01/CT/XĐTXX/GSQL Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC; bản kê nguyên liệu, vật tư dùng để sản xuất hàng hóa gồm các thông tin: Tên hàng, mã số hàng hóa, xuất xứ nguyên liệu, vật tư cấu thành sản phẩm, giá CIF hoặc giá tương đương của nguyên liệu, vật tư do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu cung cấp: 1 bản chụp; bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất hàng hóa hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần do nhà sản xuất cung cấp: 1 bản chụp và Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa: 1 bản chụp. Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4); Quy định cụ thể danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với 3 mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt, than và ô tô (khoản 2 Điều 4); Quy định cụ thể việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4); Quy định cụ thể người khai hải quan phải khai số tham chiếu, ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan điện tử và tờ khai hải quan giấy để được xem xét áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt (Điều 5)….. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 23 của Thông tư này, trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì được sử dụng C/O để lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho từng lần nhập khẩu vào nội địa và được áp dụng trừ lùi tại nhiều Chi cục Hải quan khác nhau. Quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/6/2018. Hồng Thiết  

Công bố cấp phép nhượng quyền chương trình đào tạo huy động vốn cộng đồng CFM

TĐKT - Sáng ngày 27/7, sự kiện Công bố cấp phép nhượng quyền chương trình đào tạo huy động vốn cộng đồng CFM (Crownd Funding Mastery) của công ty Cổ phần đầu tư CMF, do chuyên gia Tư vấn huy động vốn cộng đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nguyễn Quốc Trung sáng lập đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện Cấp phép nhượng quyền chương trình đào tạo CFM được kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn cộng đồng dồi dào Ông Nguyễn Quốc Trung cho biết: Tại Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp với hơn 90% thuộc nhóm vừa và nhỏ, trong đó, nhiều công ty, tổ chức đi lên bằng việc phát triển kinh doanh cá nhân. Khi muốn mở rộng quy mô, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ này thường gặp vấn đề về nguồn vốn, vì số vốn tự có khó có thể đảm bảo cho việc phát triển. Vì vậy, các đơn vị này thường tìm đến ngân hàng hoặc tìm cách gọi vốn. Ở nước ngoài, các công ty nắm rất chắc bản chất và quy trình huy động vốn, nhưng tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp và cá nhân còn mơ hồ về hoạt động này. Không ít cá nhân điều hành hoạt động kinh doanh cho rằng gọi vốn là phải đi vay, do đó chần chừ trong việc gọi vốn khi cần mở rộng hoạt động. Mô hình gọi vốn truyền thống được các doanh nghiệp biết đến nhiều hiện nay là việc mời một hoặc ít nhà đầu tư hay quỹ đầu tư rót vốn, một công ty có ít cổ đông, mỗi cổ đông rót vào doanh nghiệp một số tiền lớn, chiếm tỷ lệ cổ phần cao trong công ty. Mô hình này giúp các doanh nghiệp nhanh tiếp cận được nguồn vốn, tuy vậy, nhiều công ty bị nhà đầu tư lớn chi phối về chiến lược, chính sách hoặc bị “nuốt chửng”. Khi đã có được lợi nhuận lớn và quy trình vận hành đã hoàn thiện, vai trò của ekip sáng lập không còn là thiết yếu với doanh nghiệp nữa. Trong bối cảnh đó, CFM Việt Nam thực hiện gọi vốn với hình thức ngược lại. Cụ thể, chương trình Huy động vốn cộng đồng CFM tư vấn và hỗ trợ hoạt động gọi vốn cho các công ty, mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, theo hướng huy động nguồn vốn trong cộng đồng từ nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư góp một số vốn nhỏ, chỉ chiếm một tỷ lệ cổ phần rất nhỏ trong doanh nghiệp, hoặc thậm chí không nắm giữ cổ phiếu công ty. Với phương pháp này, chủ doanh nghiệp vừa có được nguồn vốn để phát triển mô hình kinh doanh, đồng thời không bị bất kỳ nhà đầu tư nào với số cổ phần quá cao chi phối hoạt động của mình. Ông Nguyễn Quốc Trung và CFM Investment cấp phép nhượng quyền đào tạo chương trình gọi vốn cộng đồng CFM cho ông Nguyễn Khắc Giang - một trong những học viên cũ của chương trình Người sáng lập và nhân rộng mô hình này đầu tiên tại Việt Nam là chuyên gia tư vấn huy động vốn cộng đồng Nguyễn Quốc Trung. Mô hình huy động vốn này được ông Trung và CFM Investment lan truyền trong cộng đồng thông qua khóa học CFM. Trong khóa học, các chủ doanh nghiệp được đào tạo và định hướng về quy trình huy động vốn cộng đồng, đồng thời, được ông Trung theo sát quá trình gọi vốn và đồng hành, tư vấn trong suốt quá trình này, cho đến khi gọi vốn thành công. Gọi vốn theo mô hình CFM, doanh nghiệp được tư vấn cụ thể về việc làm sao chọn được nhà đầu tư phù hợp, gọi vốn được thành công mà vấn kiểm soát và làm chủ quyền kinh doanh của mình; được hướng dẫn về tính pháp lý và các thủ tục, quy trình cần thiết để doanh nghiệp đảm bảo tình hình tài chính luôn ổn định; đồng thời, tư vấn chiến lược nhân chuỗi, phát triển doanh nghiệp sao cho khách hàng trở thành cổ đông, tự mình góp vốn cho doanh nghiệp. Tự mình phát triển mô hình huy động vốn cộng đồng CFM từ năm 2016, đến nay, gần 200 chủ doanh nghiệp, mô hình kinh doanh vừa và nhỏ đã được ông Trung tư vấn, hướng dẫn gọi vốn. Một số thành viên CFMVietnam tiêu biểu như ông Vũ Ngọc Thuân, chủ chuỗi Bò tơ quán Mộc; ông Nguyễn Thế Huy Tước, chủ chuỗi Bánh cuốn Gia An; ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi Group… đều có đánh giá cao về tính ứng dụng của mô hình này tại Việt Nam. Với việc cấp phép nhượng quyền chương trình gọi vốn cộng đồng CFM, ông Trung cùng các cộng sự CFM Investment kỳ vọng nhân rộng mô hình này đến với cộng đồng hơn nữa, để nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có năng lực, sản phẩm tốt tiếp cận được nguồn vốn cộng đồng dồi dào trong xã hội. Phương Linh  

Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

TĐKT - Sáng 27/7, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị là hoạt động thiết thực hưởng ứng việc thực hiện tổng kết 10 năm Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phân bón và Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đánh giá thực trạng, nâng cao hiểu biết của người dân về việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Hội nghị là nơi giúp các doanh nghiệp kết nối, trình bày, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như những giải pháp, đề xuất. Hiện nay, vấn đề sử dụng phân bón và thuốc BVTV hiệu quả đang là vấn đề cấp thiết được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Theo nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng quyết định tới năng suất, chất lượng của cây trồng, có tác động mạnh mẽ tới những yếu tố cơ bản của đời sống con người trên phạm vi toàn cầu. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định: Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón và thuốc BVTV là những vật tư rất quan trọng, không thể thiếu và hàng năm được sử dụng với số lượng khá lớn. Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Khoa học cây trồng Quốc tế (IPNI) thì phân bón đóng góp khoảng 40%, thuốc BVTV đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng cây trồng toàn cầu. Ở Việt Nam, để có những thành tựu về sản xuất lương thực, cây công nghiệp, cây rau, cây ăn quả không thể không nhờ đến thâm canh mà trong thâm canh thì yếu tố phân bón, thuốc BVTV giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, phân bón, thuốc BVTV sử dụng đúng sẽ phát huy hiệu quả, ngược lại sẽ gây tổn thất về kinh tế, giảm chất lượng nông sản và tăng lượng khí thải nhà kính, ô nhiễm mặt nước và nước ngầm. Hiện nay, có rất nhiều giải pháp tăng cường BVTV để nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ giải pháp thiết bị, công nghệ, nghiên cứu, đào tạo và quản lý nhà nước. “Tuy nhiên từ lý luận đến thực tiễn, khả năng thực thi của các giải pháp là một khoảng cách khá xa, trong đó vấn đề cốt lõi là thay đổi được tư duy của nhà quản lý, của doanh nghiệp và của người nông dân. Chúng ta phải thay đổi tư duy thật mạnh mẽ và quyết liệt để chuyển một nền sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang một nền sản xuất nông nghiệp chất lượng, bền vững, năng lực cạnh tranh cao, đời sống người nông dân được cải thiện và môi trường được bảo vệ, chỉ có như vậy, năng suất và chất lượng hàng nông sản của Việt Nam chúng ta mới phát triển được ổn định và bền vững.” – Ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh. Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nông dân cần sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng cách, hiệu quả. Khi sử dụng phân bón không đúng cách sẽ gây gia tăng sâu bệnh và như vậy, nông dân lại phải sử dụng thuốc BVTV. Do đó, cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho họ để họ sản xuất hợp lý, nâng cao được hiệu suất sử dụng và an toàn. Phương Thanh

Những giá trị công nghệ tiên tiến, mang dấu ấn riêng của dòng xe BMW

TĐKT – Những ai là người hâm mộ chính hiệu của BMW, một thương hiệu xe sang với truyền thống và lịch sử lâu đời bậc nhất đến từ Đức, hẳn không còn xa lạ gì với những giá trị công nghệ đi trước thời đại, góp phần tạo nên dấu ấn riêng của BMW trong lòng khách hàng. Điển hình là những công nghệ tiên tiến bậc nhất với chiến lược tiên phong “BMW EfficientDynamics”. Những điều cần biết về BMW EfficientDynamics BMW EfficientDynamics không đơn thuần là một trang bị hoặc một tính năng cụ thể nào, mà là đặc trưng cho hàng loạt những công nghệ tiên tiến hàng đầu của tập đoàn BMW, với chiến lược giúp các mẫu xe của thương hiệu không những tối ưu hiệu suất vận hành, mà còn gia tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối đa. EfficieentDynamics bao gồm những gói công nghệ tiêu biểu: Động cơ đặc trưng của BMW, công nghệ BMW EfficientLightweight, thiết kế khí động lực học Aerodynamics, cũng như hệ thống phân bổ và quản lý năng lượng thông minh. Động cơ BMW TwinPower Turbo Ngày nay, bắt kịp xu hướng chế tạo ra những dòng động cơ gọn nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn đảm bảo khả năng vận hành mạnh mẽ, Tập đoàn BMW đã và đang áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của mình với động cơ BMW TwinPower Turbo thoả mãn được nhu cầu khắt khe của khách hàng. BMW TwinPower Turbo là thuật ngữ miêu tả công nghệ động cơ hiệu suất cao của BMW. Về cơ bản, với sự cải tiến của riêng mình, động cơ BMW mang đến hiệu suất hoạt động tốt hơn, bên cạnh hiệu quả sử dụng nhiên liệu cao nhất. BMW TwinPower Turbo bao gồm 2 thành phần chính. “TwinPower”, với các công nghệ tiêu chuẩn VANOS, Valvetronic, và công nghệ phun xăng độ chính xác cao HPDi hiện đại bậc nhất, giúp đảm bảo độ nhạy chân ga, cải thiện độ ổn định và thích ứng của động cơ, cũng như tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Trong khi đó, công nghệ “Turbo” tăng áp mang đến hiệu suất tuyệt đối cho những động cơ có dung tích nhỏ, tăng lên đến mức gần như tương đương với những động cơ khác có dung tích lớn hơn. Trải nghiệm sau vô lăng là một trong những cảm giác phấn khích nhất khi nhắc đến BMW Hiện tại, công nghệ BMW TwinPower Turbo đang được trang bị tiêu chuẩn cho hầu hết tất cả các mẫu xe của thương hiệu BMW, từ 1 Series đến cả các dòng SUV cỡ lớn như X5, X6. Công nghệ BMW EfficientLightweight Là một phần không thể thiếu của BMW EfficientDynamics, BMW EfficientLightweight được phát triển song song với việc lên ý tưởng thiết kế và sản xuất ra những chiếc xe khối lượng nhẹ, thông qua việc sử dụng kết hợp các vật liệu, chất liệu thông minh, mà điển hình là công nghệ Carbon Core. Carbon Core là nguyên lý sử dụng kết cấu vật liệu nhẹ lần đầu tiên được áp dụng trên chiếc BMW 7 Series hoàn toàn mới. Thông qua việc kết hợp nhôm, thép siêu cứng, magiê và nhựa gia cường sợi carbon (Carbon fibre reinforced plastic - CFRP), tập đoàn BMW đã thành công trong việc tạo ra phần khung xe được gia cố bằng lõi carbon, từ đó lập ra một tiêu chuẩn mới trong việc thiết kế xe với khối lượng nhẹ một cách thông minh. Khung body BMW Không chỉ giảm thiểu khối lượng khung xe, tiết kiệm nhiên liệu và lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, BMW EfficientLightweight còn luôn đảm bảo được sự cân bằng, ổn định của thân xe, phân phối đồng đều trọng lượng và hạ thấp trọng lực cho xe. Bên cạnh đó, với độ vững chắc tiêu chuẩn của thiết kế Carbon Core, người sử dụng hoàn toàn an tâm vì được bảo vệ tốt nhất. BMW Carbon Core – niềm tự hào của công nghệ thiết kế xe BMW Thiết kế khí động lực học Aerodynamics Với chiến lược BMW EfficientDynamics, việc thiết kế không những giảm thiểu tối đa lực cản không khí, mà thậm chí còn tận dụng lực cản này để làm tăng trải nghiệm sau vô lăng được đánh giá là mục tiêu quan trọng nhất. Và đó là lý do thiết kế khí động lựchọc Aerodynamics ra đời, và được chú trọng qua nhiều nhân tố: Lưới tản nhiệt thông minh, hốc lấy gió, khe thoát gió và bánh xe khí động lực học. Hệ thống kiểm soát năng lượng thông minh – BMW Intelligent Energy Management Là một nhân tố quan trọng không kém trong chiến lược BMW EfficientDynamics, hệ thống kiểm soát năng lượng thông minh BMW Intelligent Energy Management sở hữu hàng loạt những công nghệ tiên tiến. BMW X Series – Niềm tự hào của đại gia đình BMW Nếu như hệ thống lái trợ lực điện tập trung vào việc hỗ trợ cho người lái thoải mái hơn khi vận hành xe, tay lái đầm và chắc hơn, thì chức năng Auto Start/Stop lại là sự kết hợp hoàn hảo với công nghệ tái tạo năng lượng thông minh cũng như chức năng ECO Pro, bảo đảm tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu hao một cách tối đa. Có thể nói, toàn bộ các công nghệ của hệ thống kiểm soát năng lượng thông minh đã đáp ứng những mục tiêu cơ bản nhất mà BMW EfficientDynamics đề ra, và cũng đảm bảo sự phấn khích cho khách hàng cho dù trực tiếp cầm lái hay trải nghiệm tại hàng ghế sau. Trên đây chỉ là một vài thông tin cơ bản nhất, cũng như giới thiệu sơ bộ về hàng loạt những công nghệ tiên tiến của gói chiến lược BMW EfficientDynamics. Có thể nói công nghệ này giúp mở ra một khái niệm, một hướng đi mới cho công nghiệp sản xuất ô tô trong tương lai. Hiện nay, BMW EfficientDynamics đã xuất hiện trên hầu như toàn bộ dãy sản phẩm BMW, từ những mẫu xe nhỏ như 3 Series, cho đến 528i Gran Turismo, và kể cả các dòng SUV như BMW X3, X5, X6. Theo đại diện của hãng xe này, hiện tháng 7/2018, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm BMW đang có chương trình trải nghiệm các dòng xe BMW dành cho tất cả các khách hàng, với gói ưu đãi bảo hiểm vật chất cho năm đầu tiên. Cụ thể, tại BMW Phú Mỹ Hưng, số 808 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 0938 901 800. Và BMW Long Biên, số 1 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Hội. Hotline: 0938 908 488. Mai Thảo

Ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ

TĐKT - Ngày 24/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) với Công ty CP An Phát Holdings (APH) và Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi (NMXS) Đình Vũ. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (Ban Chỉ đạo) và Bộ Công thương, PVN cùng với các cổ đông của PVTex đã nỗ lực tìm các giải pháp để khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, trong đó ưu tiên phương án tìm kiếm đối tác để hợp tác sản xuất, kinh doanh. Ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Trên cơ sở đó, PVTex đã triển khai mời rộng rãi đối tác để hợp tác và kết quả là liên danh giữa Tập đoàn APH với các đối tác quốc tế đến từ Ấn Độ và Singapore đã được lựa chọn để đi đến đàm phán hợp tác. PVN và các đơn vị trong ngành dầu khí thường xuyên hỗ trợ PVTex tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ, nhằm duy trì tình trạng tốt nhất có thể về mặt kỹ thuật cho máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ trong điều kiện hạn chế về kinh phí. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp thu xếp nguồn kinh phí để duy trì NMXS Đình Vũ và hoạt động của PVTex, sớm khởi động lại một phần nhà máy để tạo động lực cho việc khởi động cả nhà máy, kết quả là ngày 20/4/2018, 3 dây chuyền kéo sợi DTY đã được vận hành lại. Sau hơn 3 tháng, các dây chuyền vận hành ổn định, sản xuất được hơn 500 tấn sợi DTY thương phẩm, được thị trường hấp thụ tốt và sản xuất đạt được hiệu quả mong muốn. Chủ tịch HĐQT PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết, sau khi thành lập các đoàn chuyên gia kỹ thuật hàng đầu từ Ấn Độ, Singapore đến đánh giá máy móc, thiết bị, công nghệ của NMXS Đình Vũ, Tập đoàn APH đã quyết định chủ trương hợp tác với PVTex để khôi phục nhà máy. Vào ngày 27/4/2018 PVTex và Tập đoàn APH đã chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, kinh doanh Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Trong thời gian qua PVTex và các cổ đông cũng đã tích cực đàm phán với APH về Hợp đồng hợp tác vận hành nhà máy, đạt được một số thỏa thuận như giai đoạn 1 sẽ vận hành toàn bộ phân xưởng sợi Filament trong Quý III năm 2018 và giai đoạn 2 sẽ vận hành toàn bộ nhà máy trong Quý IV/2018. Trước mắt PVTex và APH sẽ hợp tác khởi động và vận hành các dây chuyền kéo sợi DTY của phân xưởng Filament với mục tiêu đến cuối Quý IV/2018 sẽ vận hành toàn bộ các dây chuyền này. Đồng thời, các bên cũng đang tích cực đàm phán Hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy với mục tiêu sớm hoàn thành đàm phán và ký kết hợp đồng. Liên danh giữa Tập đoàn APH và các đối tác không những mạnh về tiềm lực kinh tế, mà còn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xơ sợi. Điều này tạo niềm tin lớn cho việc hợp tác vận hành toàn bộ nhà máy có thể đi đến đích và mang lại thành công. Tại lễ ký, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Phạm Ánh Dương cam kết, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên sẽ tập trung mọi nguồn lực để hợp tác sản xuất, kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ theo đúng kế hoạch được Ban Chỉ đạo đề ra. Trong quý IV năm 2018 sẽ tiến hành vận hành toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, đưa nhà máy vận hành sản xuất hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên PVTEX, bày tỏ sự trân trọng đối với Tập đoàn An Phát và các đối tác quốc tế đã kiên trì, quyết tâm hỗ trợ đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vận hành sản xuất trở lại. Đặc biệt là sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công thương, Ban chỉ đạo Chính phủ đã tạo thuận lợi cho PVN, PVTEX cùng các đối tác tiến từng bước vững chắc trong quá trình chuẩn bị và vận hành dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, lễ ký kết sản xuất gia công sợi DTY của  Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là “người thực, việc thực”, sự quyết tâm của các bên sẽ đi đến thành công, đưa dự án thoát khỏi danh sách các dự án yếu kém. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn không thể lường trước đến từ thị trường, các đối thủ cạnh tranh trong ngành sản xuất xơ sợi. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta buông bỏ, chỉ có sự kiên nhẫn, quyết tâm hoàn thành bằng được mục tiêu đề ra mới có thể vực dậy Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Với tiềm năng thị trường xơ sợi polyester vô cùng rộng mở, việc hợp tác giữa PVTex với Tập đoàn APH và các đơn vị thành viên sẽ có triển vọng, góp phần đưa sản phẩm xơ sợi của PVTex lên tầm cao mới và khẳng định được vị thế của xơ sợi polyester Việt Nam.Sự kiện ký kết hợp đồng gia công sợi DTY có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình vận hành toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ của PVTex. Đồng thời mở ra trang hợp tác mới trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm xơ sợi trong và ngoài nước. Hồng Thiết

Trang