Kinh tế

Khai mạc Triển lãm Contech Việt Nam 2017

TĐKT - Ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Contech Việt Nam 2017, triển làm duy nhất trưng bày máy móc và thiết bị nặng ngành xây dựng, công nghiệp mỏ và giao thông. Được biết, tại Việt Nam thời gian qua, giá trị sản xuất xây dựng luôn nằm trong danh sách đầu các ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng luôn có sự tăng trưởng trên 15% hàng năm. Với tốc độ xây dựng nhanh chóng, Việt Nam đang trở thành thị trường mới nổi hấp dẫn nhất Đông Nam Á về các thiết bị, máy móc xây dựng. Contech Việt Nam 2017 có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Đức, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, trưng bày máy móc thiết bị thi công và phụ tùng, thiết bị ngành giao thông, khai thác mỏ, vật liệu xây dựng và dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng… Ngoài nguồn thiết bị, công nghệ do các công ty nước ngoài đem đến quảng bá tại thị trường Việt Nam, các nhà cung cấp trong nước cũng không ngừng nghiên cứu, cải tiến, tìm kiếm và lựa chọn những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp điều kiện thi công của Việt Nam để giới thiệu tới các doanh nghiệp trong ngành. Khách tham quan sẽ được tìm hiểu trực tiếp sản phẩm và tận mắt chứng kiến sự vận hành của các loại xe và máy móc trưng bày tại triễn lãm. Song song với đó, khách hàng cũng được cập nhật những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực thi công và khai thác, thông tin về giá cả, những cải tiến của sản phẩm, các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng… Triển lãm diễn ra từ ngày 25/4 - 28/4, do Công ty Quảng cáo và Hội chợ quốc tế Hà Nội (Hadifa) tổ chức với sự phối hợp của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam. La Giang

Chính thức cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử

TĐKT – Từ ngày 19/4,Tổng cục Hải quan chính thức cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các bên liên quan, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, Cổng thông tin Hải quan chính thức cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các cơ quan liên quan bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Ngoài việc kết nối hệ thống thông tin với Cổng thông tin Hải quan, các cơ quan liên quan có thể tra cứu thông tin bằng cách sử dụng tài khoản truy cập vào địa chỉ http://tkhqdt.customs.gov.vn hoặc nhắn tin vào số điện thoại 0869600633. Giao diện đăng ký tờ khai hải quan điện tử trên Cổng thông tin Hải quan Đối tượng thụ hưởng lợi ích của việc chia sẻ thông tin tờ khai hải quan điện tử theo Quy chế này chính là cộng đồng doanh nghiệp. Tại các văn bản pháp luật hiện nay không quy định việc cơ quan hải quan đóng dấu xác nhận trên bản in từ tờ khai hải quan điện tử. Đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của các cơ quan liên quan cũng chưa quy định việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử. Chính vì vậy, khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan liên quan gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chấp nhận hoặc không chấp nhận bản in từ tờ khai hải quan điện tử do doanh nghiệp xuất trình. Do đó việc triển khai quy chế sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong những trường hợp phải sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; đồng thời đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan liên quan, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử và góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ. Hồng Thiết

Khởi động chiến dịch quảng bá nông sản Hàn Quốc lần thứ 8 tại Hà Nội

TĐKT - Từ ngày 21/4 - 30/4/2017, lãnh đạo tỉnh Gyeonggi - do, Công ty nhà nước về nông sản Hàn Quốc (aT) phối hợp cùng Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu tiếp tục thực hiện chiến dịch quảng bá nông sản tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc) lần thứ 8 tại Hà Nội. Các sản phẩm được giới thiệu trong sự kiện lần này: rong biển, lá kim, các sản phẩm từ sâm Hàn Quốc, trà và đặc biệt là các loại gạo đến từ tỉnh Gyeonggi-do. Tại các siêu thị: Lotte Mart Đống Đa, K - market Golden, K - market Keang Nam, K - market Mỹ Đình..., người tiêu dùng có thể thưởng thức trực tiếp hương vị các sản phẩm được trình bày trong sự kiện. Chuỗi hoạt động được khởi động từ 11h30 ngày 21/4 tại siêu thị Lotte Mart Đống Đa. Tại họp báo vào chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Gyeonggi-do và đại diện Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm mở rộng xuất, nhập khẩu hàng nông sản tỉnh Gyeonggi-do tại Việt Nam.   Lãnh đạo tỉnh Gyeonggi-do và đại diện Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác Gyeonggi-do là khu vực ngoại ô nằm xung quanh thủ đô Seoul, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của Hàn Quốc. Tại đây, nguồn tài nguyên về thực phẩm được đánh giá rất cao về số lượng cũng như chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Nguồn thực phẩm tại Gyeonggi-do được cung cấp cho các trường THCS, THPT - những nơi mà Chính phủ Hàn Quốc kiểm định rất nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sách của Gyeonggi-do về thực phẩm cũng được đề cao, khi khách hàng mua thực phẩm có bất kỳ vấn đề gì cho dù nguyên nhân từ bên bán hay bên mua đều có thể đổi trả tại các cửa hàng cung cấp thực phẩm Gyeonggi-do. Để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại thực phẩm của mình và tiện lợi cho việc tiêu dùng của khách hàng, Gyeonggi-do cũng bán hàng trực tuyến trên website của mình. Mọi sản phẩm trước khi được phân phối ra thị trường đều phải chuyển đến tổng kho đặt trực tiếp tại tỉnh Gyeonggi-do để kiểm tra chất lượng. Phương Thanh

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế và phát triển sản phẩm

TĐKT - Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế (Vietnam Expo 2017) diễn ra từ ngày 19/4 - 22/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc) tổ chức xây dựng gian hàng “Hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm Việt Nam - Hàn Quốc”. Gian hàng là sự kiện kết hợp không gian thiết kế chuyên nghiệp, sáng tạo, ấn tượng với những sản phẩm, thương hiệu trưng bày được chọn lọc, đảm bảo về thiết kế và chất lượng. Các sản phẩm trưng bày tại gian hàng là những sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp tham gia, trong đó nhiều sản phẩm đều đạt chất lượng và được chú trọng đầu tư phát triển thiết kế, mẫu mã. Một số sản phẩm được trưng bày tại gian hàng Về phía Việt Nam, có 3 công ty tiêu biểu được lựa chọn tham gia trưng bày: Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, đơn vị nhiều năm liền lọt top 50 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam; Công ty TNHH Kona kinh doanh sản phẩm chăn, ga, gối, đệm chất lượng; Công ty Phong Châu, một doanh nghiệp xuất khẩu lớn về giày dép của Việt Nam với các sản phẩm giày vải, giày thể thao… Phía Hàn Quốc, các doanh nghiệp tham gia gian hàng là những đơn vị uy tín trong lĩnh vực thiết kế và tư vấn thiết kế thương hiệu, bao bì sản phẩm, như: Công ty CS Kore, Công ty Samduck, Công ty DesignX2, Công ty Dains đã mang đến các sản phẩm thiết kế đẹp, ấn tượng, được thực hiện bởi các thợ thủ công xuất sắc nhất Hàn Quốc và sử dụng da chất lượng cao. Ngoài ra, ngay tại gian hàng, các chuyên gia thiết kế Việt Nam và Hàn Quốc sẽ thực hiện chương trình tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam về thiết kế, phát triển sản phẩm: thiết kế sản phẩm, thương hiệu, bao bì. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam làm việc trực tiếp với các chuyên gia thiết kế, từ đó có những chia sẻ, góp ý về ý tưởng, cải tiến, đổi mới thiết kế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Gian hàng “Hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm Việt Nam - Hàn Quốc” là thành quả của chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm” do Cục Xúc tiến thương mại và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc phối hợp thực hiện từ năm 2010, là một chương trình có sức hút lớn, đã hỗ trợ trên 3.500 lượt doanh nghiệp tham gia.  Phương Thanh

Vietnam Expo 2017: tăng cường kết nối kinh tế khu vực và quốc tế

TĐKT – Sáng 19/4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE), Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 27  – Vietnam Expo 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Vietnam Expo 2017: tăng cường kết nối kinh tế khu vực và quốc tế”. Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Expo) là sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công thương chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại chỉ đạo và Công ty Vinexad tổ chức thường niên từ năm 1991 đến nay. Uy tín và sức hút từ hội chợ này dường như chưa bao giờ giảm nhiệt khi số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông. Vietnam Expo 2017 thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và gần 600 gian hàng đến từ 16 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 23 quốc gia và vùng lãnh thổ: Algeria, Ấn Độ, Cuba, Campuchia, Đài Loan, Đức, Ucraina, Hàn Quốc, Nga, Nepal, Nhật Bản, Mông Cổ, Lào, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Trung Quốc, Iran... Sản phẩm trưng bày tập trung trong các nhóm, ngành hàng: máy móc thiết bị, xây dựng và vật liệu xây dựng, điện, điện tử và công nghệ thông tin, nguyên phụ liệu, thực phẩm đồ uống, gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ... Lễ cắt băng khai mạc hội chợ Điểm nổi bật của hội chợ năm nay là sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh của Việt Nam: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty Cổ phần Nhựa Duy Tân, Nhựa Tiền Phong, Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Đường Quảng Ngãi, TH True Milk, Lọc hóa dầu Bình Sơn… Với tư cách là “Quốc gia danh dự của Vietnam Expo 2017”, khu gian hàng của Hàn Quốc được dàn dựng công phu với sự góp mặt của 130 doanh nghiệp và 138 gian hàng. Các sản phẩm trưng bày tiêu biểu, được ưa chuộng của Hàn Quốc có mặt tại hội chợ: thiết bị điện tử - điện dân dụng; mỹ phẩm, đồ chơi thông minh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ gia dụng… "Gian hàng hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm Việt Nam - Hàn Quốc" tiếp tục gây ấn tượng với không gian thiết kế đầy sáng tạo và độc đáo, tạo sự thu hút cho các sản phẩm trưng bày đến với khách tham quan. Đây là thành quả của Chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm" do Cục Xúc tiến thương mại và Viện Thiết kế xúc tiến Hàn Quốc triển khai từ năm 2010. Tại gian hàng, các chuyên gia thiết kế tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp về nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển ý tưởng, thiết kế nhãn hiệu, bao bì sản phẩm... Phát biểu khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: qua 26 kỳ tổ chức, Vietnam Expo đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Công thương Việt Nam, đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Vietnam Expo năm nay có sự tham gia tích cực của Hàn Quốc với vai trò Quốc gia danh dự. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của cả Hàn Quốc và Việt Nam trong việc hiện thực hóa các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được hai nước ký kết năm 2015. Hàn Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Phương Thanh

F.I.T tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2017

TĐKT - Ngày 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T. Đại hội đã tổng kết lại hoạt động năm 2016 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016, các nội dung liên quan đến công tác điều hành và quản trị của công ty. Tại Đại hội, Ban lãnh đạo công ty cùng với các cổ đông đã thông qua báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh năm 2016. Theo đó, doanh thu từ 1.723 tỷ đồng năm 2014 tăng lên 2.489 tỷ đồng năm 2016 (tăng trưởng 144,46%). Năm 2016, Dược Cửu Long đã nghiên cứu đàm phán thành công và hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Dược phẩm Euvipharm. Các mảng kinh doanh khác của Công ty cũng đạt được những con số ấn tượng: Westfood tăng trưởng 12% so với năm 2015 và thử nghiệm thành công giống dứa MD2 có năng suất và chất lượng vượt trội; doanh số Vikoda tăng 57% so với năm 2015; nhiều sản phẩm mới ra đời: nước rửa chén sinh học Tero, nước rửa tay Dr. Clean, sữa tắm NuWhite… Đại hội cổ đông năm 2017 của Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua nhiều nội dung: các chiến lược, định hướng hoạt động, kinh doanh của công ty năm 2017 và các năm tiếp theo; lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017; ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định các khoản đầu tư, mua bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản công ty. Năm 2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh nền tảng để hoàn thành kế hoạch mục tiêu đã đề ra, đưa F.I.T trở thành một Tập đoàn đầu tư hùng mạnh trong tương lai sở hữu các công ty con, công ty liên kết có khả năng tăng trưởng cao thuộc các ngành hàng phát triển. Đồng thời, năm 2017, F.I.T sẽ tập trung tiềm lực thực hiện tốt các hoạt động quản trị rủi ro tài chính, rủi ro tín dụng… nhằm đem lại lợi ích tối đa và lâu dài cho các cổ đông. Phương Linh

Khen thưởng tạo động lực phát triển Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

TĐKT - Chiều 10/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã họp triển khai công tác năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự và chủ trì Hội nghị. Năm 2016, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các bộ, ngành: Công thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài truyền hình Việt Nam… đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện cuộc vận động; tăng cường công tác quản lý nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động hiệu quả trong việc vận động, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhiều hoạt động hưởng ứng cuộc vận động đã được các bộ, ngành, đơn vị triển khai thành công: tuyên truyền đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tổ chức Tuần nhận diện hàng Việt Nam; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, vinh danh 88 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia năm 2016, “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, bình chọn Ngôi sao thuốc Việt… Các cơ quan báo chí cả nước đã tích cực xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về hàng Việt; sản xuất, đăng tải, phát sóng hàng nghìn tin bài về cuộc vận động với tiêu chí đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, đảm bảo chất lượng và hiệu quả truyền thông, xây dựng thói quen và nếp văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên đưa tin bài phản ánh về tình hình thực hiện cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp… Các cơ quan báo chí cũng tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Trong năm 2017, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động sẽ nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt – VIBrand lần thứ V; chương trình nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc; triển khai hệ thống tiêu thụ hàng hóa trong nước, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm và tham gia các sự kiện hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam và sản phẩm truyền thống”… đồng thời chọn 3 nhóm mặt hàng thép, thịt gà, phân bón để điều tra chống bán phá giá. Đặc biệt, tại Hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trình bày hướng dẫn công tác khen thưởng cuộc vận động. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tạo phong trào thi đua sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân là người Việt Nam trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2017 và những năm sau. Đây đồng thời là dịp để ghi nhận thành tích đóng góp xuất sắc của các tập thể, cá nhân thuộc các tổ chức đảng, đoàn thể, xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân trực tiếp kinh doanh sản xuất và sử dụng hàng Việt Nam nhằm đẩy mạnh triển khai hiệu quả cuộc vận động và thực hiện tốt Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động sẽ được xét tặng các hình thức khen thưởng: Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND cấp tỉnh… Hưng Vũ

APEC 2017 - diễn đàn hội nhập và sáng tạo cho doanh nghiệp

TĐKT - Chiều 21/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) Việt Nam 2017 tổ chức họp báo Hoạt động của doanh nghiệp trong năm APEC Việt Nam 2017 và kết quả kỳ họp ABAC1 (sự kiện đang diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 19 đến 23/3). Tại sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã cập nhập tình hình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit); đồng thời, thông tin về các chương trình, hoạt động của doanh nghiệp do VCCI chủ trì trong năm APEC Việt Nam 2017. Cụ thể, sẽ có 6 sự kiện liên quan sắp diễn ra: Diễn đàn khởi nghiệp bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 13/9 tại TP Hồ Chí Minh; Diễn đàn doanh nhân nữ APEC vào tháng 9 tại Huế; Kỳ họp lần IV Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC4) từ ngày 4 đến 7/11 tại Đà Nẵng; Diễn đàn xúc tiến thương mại đầu tư với Việt Nam vào 8/11 tại Đà Nẵng; Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC từ ngày 8/11 - 10/11 tại Đà Nẵng và Đối thoại giữa các thành viên ABAC và lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 10/11 tại Đà Nẵng. Để hỗ trợ cho các hoạt động liên quan tới doanh nghiệp của APEC Việt Nam 2017, ông Lộc cho biết thêm, đã có một số tập đoàn, công ty toàn cầu như Google và Facebook…đã cam kết tham gia và phối hợp để triển khai chương trình Diễn đàn khởi nghiệp; Diễn đàn phụ nữ và kinh tế… Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại họp báo Năm APEC Việt Nam 2017 tập trung vào 4 trọng tâm gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin về kết quả kỳ họp ABAC lần 1 tại Bangkok, ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC quốc tế cho biết, Hội nghị tập trung thảo luận về hội nhập kinh tế khu vực, kết nối khu vực, phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp; hợp tác tài chính và kinh tế. Trước hiện tượng chống toàn cầu hoá có dấu hiệu gia tăng, ABAC đã kiến nghị với APEC ủng hộ tự do hoá thương mại và các hệ thống thương mại đa phương; thực hiện mục tiêu Bô-go và tiến tới khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Trước mắt, các nền kinh tế thành viên TPP nên giữ vững động lực, đương đầu với thách thức để sớm thông qua hiệp định TPP. ABAC cũng cho rằng, APEC cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt tập trung vào phát triển bao trùm; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp  siêu nhỏ, nhỏ và vừa kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. ABAC và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp với hành động với Chính phủ để khắc phục những tác động tiêu cực của tự do hoá thương mại và toàn cầu hoá. Các khuyến nghị sẽ được gửi lên Bộ trưởng phụ trách thương mại, y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính và đệ trình Báo cáo và Thư khuyến nghị lên Lãnh đạo APEC tại Tuần lễ cấp cao vào cuối năm nay. Phương Thanh

Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

TĐKT – Sáng 17/3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức họp báo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm 2017. Trao đổi với báo chí, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước năm 2016 diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động; hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng cấm, hàng giả, hàng tiêu dùng và hàng phục vụ sản xuất. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu diễn ra ở trên các tuyến biên giới. Nhận thức được hiện trạng này, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã cùng nhau đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015. Họp báo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Sự vào cuộc của các lực lượng đã đem lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội: phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23 % so với năm 2015); khởi tố 1560 vụ đối với 1863 đối tượng… Cụ thể, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 11.079 vụ việc, thu nộp ngân sách đạt 166 tỷ đồng; khởi tố hình sự 589 vụ đối với 771 bị can. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 2756 vụ việc vi phạm; thu ngân sách nhà nước 57 tỷ 700 triệu đồng; khởi tố 829 vụ đối với 1.091 đối tượng. Lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý 242 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 31 tỷ 601 triệu đồng, khởi tố 90 vụ án. Thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 19.374 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 3526 tỷ 312 triệu đồng; khởi tố hình sự 48 vụ, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 91 vụ. Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 104.807 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 548 tỷ 900 triệu đồng, chuyển đề nghị khởi tố 158 vụ việc. Lực lượng Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 84 nghìn doanh nghiệp; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là trên 17 nghìn tỷ đồng. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 532 vụ việc vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 62 tỷ đồng… Năm 2017,  Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kêu gọi toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng trọng điểm: thuốc, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 sẽ tập trung tham mưu với Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân lực lượng chức năng, đặc biệt là quần chúng nhân dân trong phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, xác định và xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ, công chức, sĩ quan quản lý, phụ trách địa bàn và người đứng đầu các đơn vị, địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Mai Thảo - Hồng Thiết

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

TĐKT – Sáng 14/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Dự  chương trình có:  TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI; Đại sứ Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ – Trưởng nhóm nghiên cứu PCI và đại diện lãnh đạo  63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp dân doanh, nước ngoài… Được thực hiện năm thứ 12 liên tiếp, báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo bảng xếp hạng PCI 2016, TP Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.  Lần lượt đứng vị trí thứ hai và ba trong bảng xếp hạng là Quảng Ninh (65,60 điểm) và Đồng Tháp (64,96 điểm).  Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,72 điểm) đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất. Các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI 2016 cho thấy nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Kết quả điều tra PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Điều tra 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2016 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. 11% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư, 63% doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010. Các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp. Báo cáo PCI năm nay dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp đối với vấn đề môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp (50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước) đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm. Minh Phương  

Trang