Kinh tế

Ngành Thuế nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh

TĐKT - Trong 2 tháng đầu năm 2022, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó là tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ DN (DN), người dân bổ sung nguồn lực để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN Thông qua công tác nghiên cứu, đánh giá và thống kê về tình trạng hoạt động của DN, Tổng cục Thuế nhận thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022, có 20.110 DN thành lập mới, tăng 1.668 DN (9,04%) so với cùng kỳ năm 2021; có 17.443 DN chấm dứt kinh doanh, tăng 5.014 DN (40,34%) so với cùng kỳ; có 31.750 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 10.289 DN (47,94%) so với cùng kỳ; có 10.035 DN khôi phục kinh doanh, tăng 176 DN (1,79%) so với cùng kỳ. Đến thời điểm 19/02/2022, toàn quốc có 852.081 DN đang kinh doanh, giảm 2.114 DN (0,25%) so với thời điểm ngày 31/12/2021.   Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo Kết quả, Tổng thu NSNN tháng 2/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 118.000 tỷ đồng, đạt 10% so với dự toán pháp lệnh, bằng 132,0% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 17,4% so với dự toán, bằng 201,6% so với cùng kỳ năm 2021 trên cơ sở sản lượng ước đạt 700 ngàn tấn (tăng 15,9% cùng kỳ), giá dầu thô dự báo 90,3 USD/thùng (bằng 160,1% cùng kỳ). Thu nội địa ước đạt 113.100 tỷ đồng, bằng 9,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 130,1% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 88.900 tỷ đồng, bằng 9,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 125,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thu NSNN tháng 2/2022 tăng khá so cùng kỳ, chủ yếu do tháng 1/2022 là tháng trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III, quý IV năm 2021. Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ tết từ 28/1/2022 kéo dài đến 6/2/2022, một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1/2022 chuyển nộp trong tháng 2/2022. Thu NSNN lũy kế 2 tháng: Tổng thu NSNN lũy kế 2 tháng 2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7 % so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 8.060 tỷ đồng, bằng 28,6% so với dự toán, bằng 157,2% so với cùng kỳ trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 83 USD/thùng, bằng 138,3% so với giá dự toán, bằng 159,7% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% dự toán, bằng 91,1% so với sản lượng cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 268.605 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 106,7% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 213.999 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,0% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân tác động đến kết quả thu Thứ nhất, về kinh tế thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 đạt khá do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có sự hồi phục tốt. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 tăng 195% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; Sản xuất trang phục tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 21,9%... Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6%, trong đó sản phẩm trọng điểm là thủy sản (tăng 42,9%), cà phê (tăng 40,9%), dệt may (tăng 24,2%)... Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và tháng 1/2022 tăng cao trước dịp Tết Nguyên đán (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 1,3%), số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2022 tăng 28,9% về số DN và tăng 24% về số vốn đăng ký; vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong tháng 1/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ... là tiền đề góp phần vào kết quả thu NS tháng 1 và tháng 2/2022 đạt khá. Thứ hai, về cơ chế, chính sách: Ngành Thuế tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15: Giảm 30% tiền thuế GTGT tháng 11 và tháng 12 năm 2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2019; miễn thuế quý 3, quý 4 đối với hộ, cá nhân kinh doanh đã tác động làm giảm thu NSNN trong những tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 ước tính làm giảm thu LPTB trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ. Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ khiến lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế TTĐB. Trong đó, một số chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022. Một là, giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về việc quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, áp dụng từ 01/02/2022 đến 31/12/2022. Hai là, giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước tính làm giảm thu NSNN trong 2 tháng đầu năm khoảng 206 tỷ đồng. Ba là, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, ước tính làm giảm thu NSNN trong 2 tháng đầu năm khoảng 500 tỷ đồng. Bốn là, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định tại Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021, có hiệu lực từ 01/01/2022 đến 30/6/2022. Năm là, Tổng cục Thuế phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm; yêu cầu cơ quan thuế các cấp rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn để đăng ký mức phấn đấu tăng thu năm 2022 so với số dự toán đã được Chính phủ, HĐND, UBND giao, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP. Sáu là, kết quả công tác thanh tra kiểm tra thuế. Lũy kế năm 2022 (tính đến 15/02/2022), toàn ngành Thuế đã thực hiện được 3.774 cuộc thanh kiểm tra, đạt 5,1% kế hoạch (3.774 DN/73.869 DN), bằng 110,6% so cùng kỳ; Kiểm tra được 25.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 156,2% so cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.485 tỷ, bằng 103% so cùng kỳ, trong đó: Tổng số thuế, phạt, chậm nộp tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 849 tỷ; giảm khấu trừ 130 tỷ; giảm lỗ 2.506 tỷ. Bảy là, kết quả công tác quản lý nợ thuế, thực hiện thu nợ thuế trong tháng 2/2022 ước đạt 2.100 tỷ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.300 tỷ, đạt 10,2% chỉ tiêu thu nợ năm 2022 (là khoảng 42.000 tỷ). Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến ngày 28/02/2022 là 121.547 tỷ, tăng 2,9% so với thời điểm 31/01/2022, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2022 là 10,3%. Tích cực hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế Ngành Thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến ngày 18/02/2021, kết quả đạt được cụ thể như sau: Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 DN trên tổng số 852.081 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.643 DN trên tổng số 852.081 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,8%. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/02/2022, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 1.012.520 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 122.684 tỷ đồng và 5.870.482 USD. Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, Tổng cục Thuế đã kết nối với 7 Ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, AgriBank, MBBank, VPBank, BIDV, TPBank) để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Theo đó, cá nhân có thể sử dụng các hình thức nộp thuế điện tử qua các kênh thanh toán của ngân hàng như InternetBanking, Mobile banking… Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 18/2/2022, đã có 53.284 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức iBanking và Mobile banking, chiếm 5,9% trên tổng số 903.378 giao dịch lệ phí trước bạ ô tô, xe máy cả nước. Ngày 14/12/2021, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 4899/TCT-CNTT về việc Triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile 1.0). Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 18/2/2022, tổng số lượng NNT sử dụng ứng dụng eTax Mobile là 9.418 NNT, số lượng NNT đăng ký tài khoản qua app là 13.183 NNT, số giao dịch nộp thuế qua app là 1.793 giao dịch với tổng số tiền trên 4,5 tỷ. Đồng thời, triển khai Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai áp dụng HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT ngày 27/09/2021 về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố và công bố triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế nêu trên. Theo đó, hệ thống 7 Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế đã và đang vận hành, hoạt động thông suốt, được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính để đảm bảo trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai HĐĐT. Đến nay, đã có trên 489.000 DN đăng ký và sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Để tiếp tục triển khai HĐĐT giai đoạn 2, Tổng cục Thuế đã trình Bộ tại tờ trình số 591/TTr-TCT ngày 15/02/2022 về kế hoạch triển khai. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022 về việc triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố và có công văn số 1799/BTC-TCT ngày 24/02/2022 gửi đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực trực thuộc Trung ương về việc triển khai phối hợp áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố. Căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang gấp rút triển khai các công việc cụ thể như: triển khai hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ triển khai mở rộng trên toàn quốc; ban hành Quyết định kế hoạch chi tiết triển khai áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế và 57 Cục Thuế địa phương; hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ HĐĐT; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho NTT và cơ quan thuế; giám sát thực hiện và các công tác chuẩn bị hoàn thành để có thể triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022. Hồng Thiết

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 48,80 tỷ USD

TĐKT - Theo số liệu cập nhật mới nhất, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 48,80 tỷ USD, giảm 19,1%, tương ứng giảm 11,50 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 23,42 tỷ USD, giảm 24,1% (tương ứng giảm 7,43 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu là  25,38 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 4,07 tỷ USD). Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa Với kết quả trên thì lũy kế trong 2 tháng từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 13,60 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 54,52 tỷ USD, tăng 11,7% (tương ứng tăng 5,71 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt gần 55,10 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 7,89 tỷ USD). Sau khi thặng dư ngay trong tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2022 đã đổi chiều, với mức nhập siêu 1,96 tỷ USD. Như vậy, lũy kế trong 2 tháng từ đầu năm 2022, cả nước đã nhập siêu 581 triệu USD. Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Trong đó: Thuế xuất khẩu: 7.200 tỷ đồng; thuế nhập khẩu: 56.900 tỷ đồng; thuế TTĐB: 27.200 tỷ đồng; thuế BVMT: 1.170 tỷ đồng; thuế GTGT: 259.479 tỷ đồng; thu khác 51 tỷ đồng. Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2022 tăng 5% so với dự toán (370.000 tỷ đồng). Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 01/2/2022 đến ngày 28/2/2021 đạt 26.201 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/2/2022 đạt 69.250 tỷ đồng bằng 19,7% dự toán, bằng 18,7% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 24,45% so với cùng kỳ năm 2021. La Giang      

Lễ ký Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách Nhà nước và Dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước

TĐKT - Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ ký Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách Nhà nước và Dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức. Lễ ký kết Trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhằm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành thị trường ngoại hối, đồng thời tạo thuận lợi cho ngân sách nhà nước cân đối ngoại tệ phục vụ cho các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Quy chế mua bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước và Dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó chuẩn hóa quy trình mua, bán ngoại tệ giữa ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức, rút ngắn thời gian thực hiện mua, bán ngoại tệ của ngân sách nhà nước. Việc ký kết Quy chế mua bán ngoại tệ đã cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa 2 cơ quan theo Quy chế phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2012; theo đó việc triển khai Quy chế mua bán ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hồng Thiết

Hết Quý IV năm 2021, số dư Quỹ BOG xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng

TĐKT- Tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) Quý IV/2021. Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết Quý IV năm 2021 (đến hết ngày 31/12/2021) là 898,582 tỷ đồng. Hết Quý IV năm 2021, số dư Quỹ BOG xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng Tổng số trích Quỹ BOG trong Quý IV năm 2021 (từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021) là 739,685 tỷ đồng; tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý IV năm 2021 (từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021) là 666,816 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý IV năm 2021 là 1,764 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong Quý IV năm 2021 là 138 triệu đồng. Số dư Quỹ BOG đến hết Quý III năm 2021 (đến hết ngày 30/9/2021) là 824,088 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG đến hết Quý II năm 2021 (đến hết ngày 30/6/2021) là 1.122,920 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG đến hết Quý I năm 2021 (đến hết ngày 31/3/2021) là 5.340,068 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng. Hồng Thiết  

Hải quan bắt giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc

TĐKT- Tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm. Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch covid 19, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, theo dõi và khám xét một lô hàng test Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu, vi phạm pháp luật hải quan. Hải quan bắt giữ test nhanh Covid Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid các loại có  xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng. Theo quy định mặt hàng test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Vụ việc đang được cơ quan Hải quan tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định. Hồng Thiết

Tổng cục Hải quan chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý ùn tắc tại cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa

TĐKT- Để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa ngay khi lưu thông được, kể cả ngoài giờ hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh. Các giải pháp của Tổng cục Hải quan đã triển khai được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm và có chiều hướng gia tăng trong những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do các cửa khẩu biên giới Trung Quốc chưa bố trí được phương tiện vận tải và công nhân bốc xếp dẫn đến nhiều cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động được. Tổng cục Hải quan chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý ùn tắc tại cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa Triển khai các giải pháp Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý việc ùn tắc tại cửa khẩu, cụ thể như: Thứ nhất, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn (kể cả ngoài giờ hành chính); giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp. Trong trường hợp thay đổi cửa khẩu xuất, thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa  hoặc không có nhu cầu xuất khẩu thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung hoặc hủy tờ khai hải quan (đối với các trường hợp đã đăng ký tờ khai), đăng ký tờ khai hải quan mới theo quy định để tiếp tục xuất khẩu hoặc đưa trở lại nội địa để tiêu thụ.    Thứ hai, bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm; Thứ ba, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an và các cơ quan chức năng khác để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch cũng như hạn chế chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, thương nhân; đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; Thứ tư, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp; Thứ năm, khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ để thông quan ngay hàng hóa,… Thứ sáu, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu; cho phép doanh nghiệp gửi hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan cần bảo quản vào các kho lạnh (bao gồm cả kho ngoại quan, kho lưu giữ hàng hóa TNTX đông lạnh) tại khu vực cửa khẩu; trường hợp có thay đổi thông tin hàng hóa so với nội dung khai trên tờ khai hải quan thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai sửa đổi, bổ sung theo quy định. Thứ bảy, làm việc với doanh nghiệp có hàng hóa đang ùn tắc tại các cửa khẩu và kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu để xác định nhu cầu lưu giữ hàng hóa chờ xuất khẩu. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu gửi hàng hóa vào kho ngoại quan chờ xuất khẩu thì hướng dẫn chủ kho ngoại quan chia tách khu vực lưu giữ hàng hóa được gửi kho ngoại quan theo quy định và khu vực lưu giữ hàng hóa xuất khẩu chờ làm thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp bảo quản hàng hóa chờ thông quan, đặc biệt là hàng hóa nông, thủy sản cần phải bảo quản lạnh. Thứ tám, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn chủ động trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng quản lý tại cửa khẩu của nước CHND Trung Hoa nhằm tăng cường năng lực thông quan, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc. Thứ chín, phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thứ mười, thường xuyên kiểm tra, nắm sát tình hình thực tế, xử lý giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp. Kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý. Ngày 13/01/2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn số 141/TCHQ-GSQL đôn đốc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thúc đẩy xuất nhập khẩu, giải quyết thông quan nhanh, xử lý ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu theo các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại các công văn dẫn trên; đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới; tiếp tục triển khai hội đàm, trao đổi với hải quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc; xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp. Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hạn chế ùn tắc trong dịp tết Nguyên đán, ngày 28/01/2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục có công văn số 375/TCHQ-GSQL đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan 24/7; chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh. Việt Nam sẽ đưa ra nhiều biện pháp phù hợp Hiện nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam đang nghiên cứu để xây dựng vùng xanh ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hoà với phía Trung Quốc. Do mỗi địa phương của Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng chống dịch khác nhau, nên để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với từng địa phương của Trung Quốc, Bộ Tài chính đã có công văn số 930/BTC-TCHQ ngày 27/01/2022 gửi Bộ Y tế (là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ này) và giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới (tại công văn số 141/TCHQ-GSQL ngày 13/01/2022) nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.  Đối với kiến nghị “phía Việt Nam sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm hóa, nâng cao hiệu suất thông quan”. Kiến nghị này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, ngày 28/01/2022, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 364/TCHQ-GSQL đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu, trao đổi với cơ quan có liên quan của Trung Quốc để sớm ký kết Hiệp định kiểm dịch các loại hoa quả với Trung Quốc. Trong thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả hai nước khi nhu cầu xuất nhập khẩu trước và sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao trong khi hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu không thông quan được buộc phải quay đầu về nội địa bán tháo hoặc đổ bỏ do hàng hóa bị hư hỏng. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan, điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, tuyên truyền thông báo rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp biết điều chỉnh cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa và điều tiết lượng hàng hóa lên các cửa khẩu. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc rất hạn chế (trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới nhưng trước tết Nguyên Đán chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau Tết Nguyên Đán chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động). Bên cạnh đó, việc thông quan tại các cửa khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp. Để thúc đẩy thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, kiến nghị cơ quan hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới. Việc mở rộng bến bãi, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu biên giới là biện pháp lâu dài các tỉnh biên giới sẽ nghiên cứu, quy hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai. Trước mắt, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đang có chiều hướng gia tăng tại các cửa khẩu biên giới, Để xử lý dứt điểm thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp; và thống nhất các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu để triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu biên giới. Hồng Thiết      

Ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, hướng tới phi giấy tờ năm 2022

TĐKT - Tổng cục Hải quan vừa ký ban hành Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022. Theo chỉ thị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các nội dung trọng tâm: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan. Ngành Hải quan đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, hướng tới phi giấy tờ năm 2022 Tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN; tự động kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống Cơ chế một cửa ASEAN với hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Hải quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ. Nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi, camera, seal điện tử và các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan. Trao đổi, kết nối kết quả kiểm tra, soi chiếu với Hệ thống xử lý dữ liệu trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Vận hành có hiệu quả Hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại các Nghị quyết của Chính phủ; tổ chức triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2020 của Chính phủ và Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử: Hồ sơ hải quan được nộp cho cơ quan Hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số), doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan Hải quan (trừ các trường hợp phải nộp chứng từ bản chính, chứng từ bản gốc theo quy định của các bộ, ngành). Chứng từ điện tử phải đảm bảo tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Cuối cùng là thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ nội dung của các thủ tục hành chính tại nơi làm thủ tục hải quan theo quy định. Thực hiện được các nội dung này sẽ đạt được mục tiêu cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thiện môi trường làm việc điện tử (phi giấy tờ) trong công tác quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng nền tảng Hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data); hướng tới kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để tạo các dịch vụ Hải quan số; ứng dụng tối đa các công nghệ mới của cuộc Cách mạng 4.0 để chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ… Hồng Thiết  

Công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững

TĐKT - Sáng 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo Công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (chiến lược). Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. Thu hoạch lúa đông xuân 2019 - 2020 tại mô hình “Cánh đồng lớn” ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ Chiến lược tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện tại, đồng thời đưa ra định hướng giải pháp thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển bền vững hơn, là tiền đề rất tốt để ngành nông nghiệp tái cơ cấu, đổi mới phát triển. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Quyết định số 150 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có rất nhiều điểm mới mang tính đột phá. Trước hết, đây là chiến lược đầu tiên về nông nghiệp nông thôn mà Thủ tướng phê duyệt, thể hiện rõ đổi mới về tư duy, định hướng phát triển cho các ngành, các lĩnh vực trong nông nghiệp nông thôn thay vì đưa ra những con số hay mục tiêu quá cụ thể. Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp. Chiến lược định hướng rõ cần phải chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi tư duy sản xuất từ cái chúng ta có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm “gia công”. Hình thành các vùng chuyên canh được đầu tư bài bản, sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững với doanh nghiệp làm đầu tàu. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cả đầu vào và chế biến đầu ra. Để đạt được mục tiêu đề ra, chiến lược đã nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai; khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, phát triển cộng đồng. Định hướng lại phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để “ly nông bất ly hương”, giảm tải cho các thành phố lớn; đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới ở các vùng theo ba loại mô hình (vùng ven đô, vùng chuyên canh, vùng nông thôn truyền thống); xây dựng nền “kinh tế dịch vụ” ở nông thôn. Chiến lược cũng nêu bật nhiều đột phá chính sách trong việc chính thức hóa lao động phi chính thức, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động công bằng; đổi mới tổ chức nông dân và nghiệp đoàn lao động; phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã và tổ chức của nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ công cho thành viên, trong đó có dịch vụ tín dụng nông thôn. Nguyệt Hà

Đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao

TĐKT - Năm 2022, để thúc đẩy mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể với mục tiêu đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ được giao. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thuế sẽ tập trung 10 nhiệm vụ trọng tâm và triển khai ngay từ đầu năm 2022: Thứ nhất, Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị chỉ đạo, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh Covid-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của các cơ quan chức năng. Chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe của cán bộ tại đơn vị sau kỳ nghỉ tết để có các biện pháp kịp thời ứng phó hiệu quả trong trường hợp phát sinh các trường hợp F0, đảm bảo không để chậm trễ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của đơn vị. Khẩn trương tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Không tổ chức các hoạt động du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến công việc, thời giờ làm việc và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thứ hai, tập trung tham mưu với lãnh đạo Tổng cục công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao (là 1.174.900 tỷ đồng): tham mưu triển khai giao dự toán phấn đấu thu cho các địa phương; bám sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh để phân tích, đánh giá, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thu phù hợp từng tháng, quý trong năm. Thứ ba, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu với Tổng cục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các biện pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, chống chuyển giá; tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT (đặc biệt tập trung vào các mặt hàng có rủi ro cao trong năm qua như linh kiện điện tử; dăm gỗ; tinh bột sắn...). Thứ tư, Tổ thường trực triển khai hóa đơn điện tử (chủ trì là Cục Công nghệ thông tin và Trung tâm điều hành hóa đơn điện tử) tập trung nguồn lực triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1B và giai đoạn 2 trên phạm vi cả nước từ tháng 3/2022 theo đúng tiến độ, mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trước mắt, cần khẩn trương chuẩn bị tài liệu, lộ trình, kế hoạch cụ thể, báo cáo để Ban chỉ đạo họp trực tuyến với 57 tỉnh, thành phố để quan triệt và triển khai thực hiện ngay trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết. Thứ năm, về kết nối dữ liệu dân cư: Trên tinh thần cuộc họp ngày 25/01/2022 tại Tổng cục Thuế giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ Công an về công tác phối hợp sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế, các đơn vị có liên quan của Tổng cục Thuế cần khẩn trương, bám sát triển khai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung công việc như: vấn đề bảo mật, kết nối kỹ thuật; phân tích các yêu cầu nghiệp vụ về việc khai thác dữ liệu cư dân... Đồng thời khẩn trương xây dựng dự thảo Thông tư làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc sử dụng mã số định danh làm mã số thuế và các quy định liên quan khác. Thứ sáu, đẩy mạnh công tác triển khai, tổ chức quản lý, tuyên truyền để các nhà cung cấp nước ngoài biết về chính sách, pháp luật thuế của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định trong năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; thúc đẩy triển khai Đề án Quản lý hộ kinh doanh thông qua kết nối máy tính tiền, bản đồ số; Đề án tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, casino… Thứ bảy, tăng cường công tác tham mưu triển khai các nội dung về thu hồi nợ thuế ngay từ đầu năm, nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, khẩn trương chuẩn bị cho công tác đánh giá sơ kết thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp (dự kiến thực hiện trong quý I/2022). Thứ tám, về công tác hỗ trợ người nộp thuế, các đơn vị quan cần tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là việc giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 15 của Chính phủ theo tinh thần Công điện hỏa tốc của Tổng cục Thuế đã ban hành ngày 28/1/2022 chỉ đạo các Cục Thuế. Theo đó, tập trung tuyên truyền, tham mưu chỉ đạo đảm bảo chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thực chất đi vào cuộc sống. Các đơn vị chủ động, khẩn trương tham mưu với Tổng cục trình cấp có thẩm quyền xem xét việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Thứ chín, tiếp tục bám sát tiến độ báo cáo, giải trình của Bộ Tài chính về Chiến lược ngành Tài chính để phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược ngành Thuế đến năm 2030 làm cơ sở triển khai thực hiện. Thứ mười, tiếp tục triển khai công tác thi tuyển công chức khu vực phía Nam theo đúng kế hoạch, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chuẩn bị cho công tác chấm thi và ban hành quyết định tuyển dụng đảm bảo công khai minh bạch. Cuối cùng là tiếp tục triển khai rà soát về Đề án luân phiên, luân chuyển theo Nghị quyết 02 của Ban Cán sự Đảng; Quy chế phối hợp của Cục Thuế Doanh nghiệp lớn; tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT... Hồng Thiết  

Đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15

TĐKT - Tổng cục Thuế vừa có Công điện số 02/CĐ-TCT về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Công điện của Tổng cục Thuế nêu rõ: Qua kiểm tra, nắm bắt thông tin, vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn GTGT áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% (đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%) theo quy định tại Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thực chất đi vào cuộc sống. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế suất GTGT, trước đó, ngày 27/1, Tổng cục Thuế có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, đối với người nộp thuế đang sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng, bổ sung thêm mức thuế suất 8% (tương tự như mức thuế suất 5%, 10%) để người sử dụng lựa chọn khi lập hóa đơn trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế. Tiếp nhận dữ liệu hóa đơn áp dụng thuế suất 8% đối với hóa đơn không lập trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế. Đối với người nộp thuế lập hóa đơn theo khuyến nghị thành phần dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC và công cụ hiển thị nội dung hóa đơn đối với các hóa đơn được lập theo khuyến nghị của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng để bổ sung thêm mức thuế suất 8% (tương tự như mức thuế suất 5%, 10%) và hiển thị nội dung đối với hóa đơn áp dụng thuế suất 8%. Tổng cục Thuế đã đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thực hiện nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử để hỗ trợ người nộp thuế (cơ sở kinh doanh) áp dụng lập hóa đơn theo quy định. Hồng Thiết

Trang