Kinh tế

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

TĐKT - Chiều ngày 21/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Được biết, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.   Họp báo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc” Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau. Hải quan Trung Quốc thực hiện công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu, lối mở, thực hiện các công tác giám sát tại hiện trường như giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, kiểm tra bảng kê hàng hóa; kiểm tra, giám sát, kiểm dịch, kiểm nghiệm giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm... Đối với hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định, người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy suất nguồn gốc (kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy suất,...). Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế (kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe, các biện pháp kiểm dịch gồm: Lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa), Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông thủy sản nhập khẩu như: Chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, xét nghiệm Covid-19, rút ngắn thời gian đóng – mở cửa khẩu,... Việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) và tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái). Trước tình hình đó, cơ quan Hải quan đã đưa ra một số giải pháp ứng phó, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có thể xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát phục vụ phòng chống dịch Covid -19, Tổng cục Hải quan đã có công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Thứ nhất, khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; thứ hai, bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ. Thứ ba, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; thứ tư, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phố biến cho doanh nghiệp; thứ năm, khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ để thông quan ngay hàng hóa… Để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu gây thiệt hại kinh tế do phía Trung Quốc thắt chặt quản lý tại các cửa khẩu như tình hình nêu trên, Tổng cục Hải quan chủ động chỉ đạo đơn vị trực thuộc bám sát diễn biến hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc để thực hiện các giải pháp phù hợp như bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu và phối hợp các lực lượng Biên phòng, Công an điều tiết giao thông cho xe ra vào nhằm hạn chế ùn tắc tại các cửa khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu. Đồng thời, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ tình hình và đề xuất Bộ có ý kiến kiến nghị một số nội dung với các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao. Hồng Thiết

Sắp diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và Bản tin Thị trường Việt Nam

TĐKT - Ngày 25/12, tại Hà Nội sẽ diễn ra “Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo chủ chốt” và “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và Bản tin Thị trường Việt Nam”. Chương trình dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý - Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam (VGJA), Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bản tin Thị trường Việt Nam, các cơ quan thông tấn, Báo chí liên kết với Bản tin, cùng các đại biểu, doanh nghiệp và khách mời. “Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo chủ chốt” và “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Doanh nghiệp và Bản tin Thị trường Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần khích lệ kịp thời, sát sao, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp, cống hiến của cán bộ, nhân viên trong sự nghiệp phát triển chung của Bản tin. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối giao thương, tiếp cận các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp liên kết với Bản tin nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào thị trường toàn cầu và các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ hội, đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong nước, thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao thương, mua bán hàng hóa và cung ứng các dịch vụ, hỗ trợ các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối mở rộng thị trường thông qua các chính sách, hội thảo, hội nghị, hội chợ, sự kiện, các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức truyền thông và là cơ hội tốt nhất cho các doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tài năng… thể hiện quan điểm, cam kết của mình, góp phần xây dựng uy tín thương hiệu Việt trong nước và quốc tế. Hoàng Nhung

Khai mạc Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2021

TĐKT - Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2021 vừa chính thức khai mạc sáng 17/12, tại Hà Nội. Chương trình do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức từ ngày 17/12 - 31/12/2021, nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các nhà sản xuất với các hệ thống kênh phân phối nhằm đưa ra những chương trình ưu đãi mua sắm hấp dẫn lên tới 100% dành cho người tiêu dùng thông qua hai hình thức: Mua sắm truyền thống và thương mại điện tử. Qua đó, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp và mang đến lợi ích cho người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô. Kích hoạt Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2021 Chương trình có sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, chợ, cửa hàng tự chọn, các cửa hàng chuyên doanh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp vận chuyển, hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin... với chuỗi các sự kiện khuyến mại đặc biệt trong khuôn khổ chương trình dành cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, từ ngày 17/12 - 26/12/2021 sẽ diễn ra sự kiện Tuần lễ kích cầu Tháng Khuyến mại Hà Nội tại hơn 1000 điểm bán hàng, 50 Điểm Vàng là các hệ thống, chuỗi cửa hàng, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 12 Điểm Vàng siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo đủ các tiêu chí về diện tích, nguồn hàng, chất lượng hàng hóa và công tác phòng, chống dịch để triển khai các khu kích cầu Tháng Khuyến mại Hà Nội. Đây là nơi các nhà sản xuất và hệ thống phân phối cùng chung tay kết nối và đưa ra chương trình kích cầu, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, các chương trình khuyến mại đặc biệt từ 30% đến trên 50% cho người tiêu dùng, tạo cơ hội mua sắm những sản phẩm chất lượng với giá cả ưu đãi một cách an toàn, thuận tiện, nhanh chóng. Sự kiện "Ngày Vàng khuyến mại" trong 2 ngày 18, 19/12/2021, sự kiện khuyến mại bùng nổ và truyền thống của Tháng Khuyến mại Hà Nội chính là điểm nhấn của Tuần lễ kích cầu Tháng Khuyến mại Hà Nội với chương trình giảm giá bùng nổ tới hơn 70% cho hàng nghìn sản phẩm giá trị để chào đón mùa mua sắm cuối năm trong dịp giáng sinh và Tết dương lịch. Các chương trình giảm giá đặc biệt trong 2 ngày Vàng sẽ được triển khai đồng loạt tại 50 hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử lớn trên địa bàn thành phố. Từ ngày 27/12 - 31/12/2021, sự kiện "Tuần Vàng online" - sự kiện mua sắm trực tuyến và thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn thành phố sẽ khép lại chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2021 với các chương trình khuyến mại trực tuyến được triển khai đồng loạt trên hệ thống website thương mại điện tử của gần 100 doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử lớn kèm các chương trình giảm giá lên tới 70%, miễn phí giao hàng, voucher ưu đãi cực hấp dẫn cho các tín đồ shopping online sẽ được triển khai và kết nối qua website thangkhuyenmaihanoi.vn. Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch TP Hà Nội, chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2021 được đánh giá là một giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua việc tạo ra sân chơi kết nối các nhà sản xuất và các hệ thống phân phối trực tiếp, trực tuyến trên thị trường, góp phần giúp các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, kích cầu tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép", đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện "bình thường mới"; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Phương Thanh

VRES 2021 - Kênh thông tin hữu ích quan trọng trong lĩnh vực bất động sản

TĐKT - Hội nghị Bất động sản Việt Nam - VRES 2021 với chủ đề "Vaccine cho thị trường bất động sản", sự kiện bất động sản (BĐS)  lớn nhất năm diễn ra trong 5 ngày (từ 13/12 – 17/12/2021) đã chính thức khép lại thành công tốt đẹp. Khác với những năm trước, VRES 2021 là sự kiện đầu tiên được Batdongsan.com.vn tổ chức dưới hình thức là trực tuyến. Hội nghị quy tụ 30 diễn giả là các chuyên gia, quản lý cấp cao đến từ nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, truyền thông, luật và BĐS: Batdongsan.com.vn, CBRE, Savills, Ernst & Young, BIDV, PwC, NeilsenIQ, Đất Xanh miền Bắc, FPT, Lê Bros, Goldsun…. VRES 2021 quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý cấp cao chia sẻ các thông tin hữu ích về thị trường BĐS Việt Nam VRES 2021 diễn ra 20 phiên thảo luận với hàng loạt chủ đề xoay quanh thông tin tổng quan về thị trường BĐS 2021, thay đổi trong hành vi người mua nhà, tác động của công nghệ, nền tảng pháp lý, thuế, xu hướng đầu tư và dự báo triển vọng của thị trường trong năm 2022. Đặc biệt, bên cạnh những kiến thức chuyên sâu, VRES 2021 còn mang đến cho người mua nhà những tư vấn độc quyền trong toàn ngành BĐS. Sau 5 ngày diễn ra sự kiện, VRES 2021 đã thu hút hơn 10.000 khách tham dự là quản lý các doanh nghiệp, sàn môi giới, khách hàng quan tâm đến BĐS và hơn 100 đơn vị truyền thông báo chí theo dõi và đưa tin về sự kiện. Trong ngày sự kiện đầu tiên với chủ đề “Bắt mạch sức khỏe - Tổng quan thị trường BĐS 2021”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Quốc Anh, P. TGĐ Batdongsan.com.vn, ông Lê Trường Vũ, Lãnh đạo dịch vụ tư vấn tài chính Ernst &Young và bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE đã chia sẻ chi tiết những vấn đề về kinh tế vĩ mô và diễn biến của thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2021. Với chủ đề “Vaccine CX - Trải nghiệm khách hàng”, ngày thứ hai của sự kiện cung cấp bức tranh toàn diện về thay đổi khẩu vị người tìm kiếm nhà, xu hướng truyền thông và trải nghiệm khách hàng trong năm 2021 cũng như phác họa hành vi của người mua nhà năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong phiên làm việc của VRES 2021 ngày thứ ba, những thay đổi về pháp lý và thuế trong BĐS được ông Phạm Thanh Sơn, Chủ tịch VP luật Nam Hà Nội, bà Phùng Thị Ngọc Anh, Giám đốc tư vấn thuế PwC Việt Nam chia sẻ cặn kẽ qua chủ đề về “Vaccine pháp lý - "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng". Ở chủ đề về “Vaccine số - Proptech & Chuyển đổi số trong BĐS”, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam và ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom phân tích tầm ảnh hưởng của công nghệ đến thị trường trong năm vừa qua cũng như tư vấn cho doanh nghiệp BĐS các bước chuẩn bị để tiến vào kỷ nguyên số hóa giao dịch nhà đất. Tại ngày sự kiện cuối cùng, thông qua chủ đề “Chẩn đoán - Sức khỏe thị trường BĐS 2022”, dưới sự dẫn dắt của CEO Batdongsan.com.vn, ông Robert Vũ, các chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp BĐS đầu ngành đã cùng thảo luận về diễn biến của thị trường BĐS trong năm 2022 và các xu hướng phát triển trong thời kỳ mới thông qua. Bên cạnh những con số giúp phân tích hướng phát triển của thị trường tương lai, VRES 2021 còn đưa ra những tư vấn thiết thực cho người mua nhà và giới đầu tư về bức tranh thị trường BĐS năm 2022. Đánh giá về sự kiện VRES 2021, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận, năm nay là lần đầu tiên thị trường BĐS xuất hiện một sự kiện quy mô lớn được triển khai trên nền tảng online hoàn toàn dựa vào công nghệ để tương tác giữa diễn giả và khách mời tham dự. "VRES 2021 là một diễn đàn rất rộng lớn, là kênh thông tin hữu ích quan trọng. Thông qua VRES tôi tin rằng các nhà đầu tư, người có nhu cầu tìm kiếm BĐS, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thông tin, cách đánh giá rất là hữu ích giúp cho mình hoạt định các kế hoạch đầu tư kinh doanh tốt hơn trong năm 2022 tới đây", ông Lực cho biết. Phương Thanh

Diễn đàn "Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ"

TĐKT - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn "Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ" theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics có cái nhìn tổng quan và cập nhật về ngành dịch vụ logistics tại khu vực Âu - Mỹ, cũng như các thách thức và cơ hội đối với ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới. Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Diễn đàn có sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao các nước khu vực Âu - Mỹ, đại diện thương mại của Việt Nam tại khu vực Âu - Mỹ, Sở Công Thương của 30 tỉnh, thành phố, các chuyên gia ngành logistics lớn trong nước và nước ngoài. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có những nhận định về sự phát triển của ngành logistics của Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được. Bên cạnh đó, logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 14 - 16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%. Đến nay, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam. Tại Phiên tọa đàm, các Diễn giả đã có những chia sẻ sâu sắc về những cơ hội và thách thức của ngành logistics Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận định những khó khăn mà ngành Logistics đã và đang phải đối mặt trong thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 như vấn đề chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị... cho đến những tác động của dịch bệnh Covid-19 lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu, gây ra sự ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Âu - Mỹ. Tại Diễn đàn, đại diện các cảng biển, hãng tàu, các công ty dịch vụ logistics tại Hoa Kỳ, châu Âu cũng như Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đã trao đổi tình hình thực về những vấn đề logistics tại địa bàn. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chia sẻ những lo lắng về chi phí, giá cước vận tải logistics gia tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng "cơ hội vàng" trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu - Mỹ. Về phương hướng giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trong đó cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa. Ngoài ra, tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm thực tế và đề ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển 4.0 trong logistics và đặc biệt là logistics phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Phương Thanh

Tuyên truyền về triển khai phần mềm hải quan miễn phí cho doanh nghiệp

TĐKT - Với mong muốn đồng hành cùng Tổng cục Hải quan, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Triển khai phần mềm hải quan miễn phí cho doanh nghiệp Việc triển khai cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh ngành Hải quan đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nỗ lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 (trong năm 2020 và 2021). Trước đây, Cơ quan Hải quan đã triển khai phần mềm miễn phí theo Hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS, tuy nhiên với phần mềm này, doanh nghiệp phải tải về máy và cài đặt, đòi hỏi doanh nghiệp phải có trang thiết bị phù hợp. Phần mềm khai hải quan mới sẽ được cài đặt tập trung tại Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan sẽ triển khai địa chỉ khai báo trên Internet, doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể truy cập để khai báo mà không cần phải đầu tư về máy móc, thiết bị cũng như chi phí bản quyền mua phần mềm của bên thứ ba. Ngoài ra, ngành Hải quan đang triển khai thực hiện Hải quan số, phần mềm khai báo hải quan miễn phí này sẽ được kịp thời cập nhật để đáp ứng các yêu cầu mới. Như vậy, ngoài lợi ích về giảm chi phí, phần mềm mới còn giúp doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận, có sự chủ động với nhưng thay đổi của ngành Hải quan khi thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang gấp rút chuẩn bị các công việc liên quan để triển khai phần mềm mới từ ngày 1/1/2022. Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ đăng tải Tài liệu hướng dẫn sử dụng trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn) từ ngày 13/12/2021. Hồng Thiết

Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2021: Nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp vượt bão Covid

TĐKT - Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (VOMF 2021) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Diễn đàn VOMF 2021 chỉ diễn ra trong 1 ngày với hình thức kết hợp tham dự trực tiếp và trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội (buổi sáng) và TP Hồ Chí Minh (buổi chiều). Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Diễn đàn Diễn đàn năm nay có sự tham gia của gần 1000 doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh doanh, khởi nghiệp. Trong đó, trên 500 tổ chức liên quan tới kinh doanh trực tuyến, trên 50 đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị trực tuyến, các tổ chức, đơn vị truyền thông, các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp chuyển phát, doanh nghiệp du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, bất động sản... Đặc biệt, Diễn đàn quy tụ nhiều diễn giả từ các tổ chức: Facebook, Google, Nielsen, Lazada Sapo, Novaon, IMGroup, Vinalink, LadiPage, Accesstrade, Kardiachain, DigiPencil… Phát biểu khai mạc Diễn đàn tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 là một sự kiện thường niên đã trở thành những dấu ấn sinh động, cho thấy những nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ từ các doanh nghiệp, cho thấy khát vọng thay đổi và phát triển của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid, thuật ngữ về thương mại điện tử, marketing online trở nên vô cùng phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển mình. Theo báo cáo của Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người. Con số cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân, kéo theo đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Mở đầu chương trình tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: Thương mại điện tử được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch COVID-19, Hiệp hội cũng đã phải tương tác với rất nhiều hội bạn ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về thương mại điện tử. Cũng trong thời gian qua, các dự án về blockchain và khái niệm metaverse đã thực sự phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 với chủ để “Marketing in The New Normal & Metaverse” nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng thế giới đến với cộng đồng. VOMF 2021 năm nay với chủ đề “Marketing in the New Normal and Metaverse”, bao gồm bốn phiên. Phiên 1 với chủ đề “Toàn cảnh thị trường tiếp thị trực tuyến trong đại dịch và bắt đầu kỷ nguyên Metaverse”, các đại biểu đã cùng trao đổi về những tác động của dịch Covid tới hoạt động của doanh nghiệp, tác động tới hành vi tiêu dùng  giúp doanh nghiệp nhìn ra tầm quan trọng của việc go online và nhanh chóng chuyển mình đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2021 Phiên 2 với chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới” tập trung cung cấp các giải pháp giúp các danh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến một cách dễ dàng và tăng trưởng trong đại dịch. Sự thay đổi to lớn từ một trong các mạng xã hội như Facebook thành vũ trụ Meta thu hút một lượng lớn người dùng đã làm phát triển thêm các nền tảng tiếp thị. Đây cũng là làn gió mới phản ánh bước chuyển lớn vào lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là nội dung của Phiên 3 “Marketing trong thời Metaverse” . Phiên 4 “Marketing dự án Blockchain” trao đổi về việc các mô hình kinh doanh sáng tạo đổi mới dựa trên nền tảng Blockchain và cách marketing cho dự án để tăng trưởng cả về kinh doanh và đầu tư. Công nghệ Blockchain sẽ tạo nên thành công cho marketing và quảng cáo nếu doanh nghiệp biết tận dụng sức mạnh và khai thác đúng cách. Tại VOMF 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định, cuộc sống “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Lúc này, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích tuyệt vời từ Online Marketing để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho bài toán cứu doanh nghiệp trong tình hình mới. Phương Thanh

Bộ Tài chính quyết liệt triển khai các nhiệm vụ còn lại của năm 2021

TĐKT - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, trong tháng 11, với bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, toàn ngành Tài chính đã tiếp tục nghiên cứu, kịp thời đề xuất nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khóa, linh hoạt trong điều hành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đến hết ngày 30/11/2021 trên hệ thống Tabmis 11 tháng đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, bằng 103,69% dự toán (Ngân sách trung ương đạt 98,53% dự toán; ngân sách địa phương đạt 110% dự toán). Trong đó: Thu nội địa đạt 1.144 nghìn tỷ đồng, bằng 100,93% dự toán; thu từ dầu thô đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 165,65% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 209,6 nghìn tỷ đồng, bằng 117,44% dự toán. Bộ Tài chính tổ chức giao ban triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm. Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 121,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng ước đạt 1.268,86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt gần 294,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 90,18 nghìn tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán; chi thường xuyên đạt 874,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán. Ước tính đến hết tháng 11, NSNN đã chi 56,27 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch (34,34 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (21,93 nghìn tỷ đồng). Trong đó, trung ương đã chi 25,35 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương là 30,92 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là 7.940,1 tỷ đồng để mua vắc-xin. Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 153,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại cuộc họp giao ban tổng kết công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, thu NSNN năm nay cơ bản hoàn thành và vượt dự toán, ngân sách trung ương cũng cơ bản đạt dự toán. Về các nhiệm vụ trọng tâm như quản lý tài sản công, quản lý giá, thị trường, quản lý nợ và tài chính đối ngoại, quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính… cũng đạt những kết quả khả quan. Theo đó, trong tháng 11, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra về phòng, chống dịch. Với các giải pháp đã thực hiện, trong 11 tháng đầu năm, giá cả thị trường cơ bản được giữ ổn định, không có biến động bất thường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2021. Về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 30/11/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.478,44 điểm, tăng 2,4% so với cuối tháng trước và tăng 33,9% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.690 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cuối năm 2020, tương đương 122,2% GDP. Về công tác quản lý nợ công, trả nợ của Chính phủ trong tháng 11 khoảng 6.969 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 1.719 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 5.250 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 309.709 tỷ đồng, đạt 84,6% kế hoạch căn cứ Quyết định 1869/QĐ-TTg, trong đó nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 288.021 tỷ đồng (85,1% kế hoạch); nghĩa vụ trả nợ cho vay lại khoảng 21.689 tỷ đồng (78,8% kế hoạch)… Trong tháng cuối cùng của năm, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường, chủ động bám sát Chương trình công tác chung của Bộ cũng như của từng đơn vị, quyết liệt triển khai để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2021. Các nhiệm vụ trọng tâm cần quyết liệt triển khai bao gồm: Tập trung chỉ đạo hoàn thành các đề án, các văn bản quy định pháp luật, nhất là các đề án, các văn bản đã đăng ký trong chương trình công tác với Chính phủ, không để nợ đọng văn bản. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương việc phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh trong đó có các biện pháp giãn, hoãn, miễn giảm thuế. Tập trung đôn đốc thu, kiểm soát chi giải ngân vốn đầu tư công để hoàn thành tốt dự toán NSNN năm 2021 được giao, phấn đấu vượt thu so với dự toán, huy động vốn theo yêu cầu thu/chi NSNN, đảm bảo bội cho ngân sách trong phạm. Bám sát diễn biến tình hình giá cả trên thị trường, nhất là công tác quản lý giá trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả. Quản lý giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, nhất là phát hành chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch chứng khoán và kiểm tra tình hình phát hành trái phiếu riêng lẻ, tham mưu biện pháp quản lý chặt chẽ… La Giang

Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Nghị định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

TĐKT - Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, giám sát. Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Dự thảo Nghị định đang được gửi lấy ý kiến các chuyên gia tư vấn, các thành viên thị trường và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên website Chính phủ và website Bộ Tài chính từ ngày 9/12/2021. Một số nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị định sửa đổi bao gồm: Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành. Cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp. Sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. Hồng Thiết

Ứng dụng CNTT phục vụ cải cách, tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan

TĐKT - Trong suốt thời gian qua, Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. CNTT ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ Đến nay, CNTT đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan Hải quan, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; 100% các cục hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử; thu nộp ngân sách có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong những tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai và có những cải cách mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Do đó, việc xây dựng Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số là một trong những yêu cầu cần thiết và bức thiết để có được định hướng đúng đắn, xuyên suốt trong quá trình hiện đại hóa của Tổng cục Hải quan.   Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại nhà ga T2, sân bay quốc tế Nội Bài. Xây dựng Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Hải quan số dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho cơ quan hải quan cũng như ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam. Kiến trúc này cho phép Tổng cục Hải quan dùng lại các nền tảng của Bộ Tài chính khi sẵn sàng. Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số thể hiện rõ quan điểm chú trọng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở phân tích chiến lược phát triển cơ quan Hải quan, định hướng của Bộ Tài chính, của Chính phủ hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, mô hình liên thông nghiệp vụ, thông tin và hiện trạng công nghệ thông tin (CNTT) cơ quan Hải quan. Kiến trúc tổng thể hướng tới Hải quan số là cơ sở để xây dựng hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hải quan số và đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Hải quan giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nâng cao mức độ tự động hóa, góp phần thúc đẩy cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện Hải quan số Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động, Chỉ thị nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước như: Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030;... Trong khi đó, hệ thống CNTT hiện nay của Tổng cục Hải quan đã được phát triển từ nhiều năm trước không đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam. Vì vậy, việc triển khai hệ thống CNTT mới là thật sự cần thiết để thực hiện Hải quan số. Kết quả từ ứng dụng CNTT phục vụ cải cách, tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan Trên cơ sở đó, ngày 26/01/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số làm cơ sở để Tổng cục Hải quan thực hiện thủ tục thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số. Mục tiêu thuê dịch vụ hệ thống CNTT trong lĩnh vực hải quan là thuê dịch vụ đồng bộ phần mềm, phần cứng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Hệ thống CNTT mới phải ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối; sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan. Việc triển khai thành công thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số là một trong những động lực quan trọng đối với xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh. Nhận thức việc triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng và có tính quyết định đối việc hiện thực hóa mục tiêu mô hình hải quan thông minh, trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo triển khai thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số đã tập trung cao độ trí tuệ, nguồn nhân lực, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt Tổ Triển khai, Tổ Tham mưu giúp việc và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai Quyết định số 97/QĐ-BTC với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng đảm bảo khoa học, chắc chắn và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 2439/QĐ-TCHQ ngày 22/9/2021. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung thực hiện thủ tục tiếp theo thuê dịch vụ CNTT như thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến Tổng cục Hải quan đã cập nhật, sửa đổi, bổ sung và cung cấp mới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 22 thủ tục hành chính. Đến hết tháng 11/2021, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện. Trong đó, có 209 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Theo kế hoạch năm 2021 ngành Hải quan sẽ tiếp tục tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cập nhật 26/26 dịch vụ công trực tuyến trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, đang phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ và Cục Tin học và Thống kê Tài chính - Bộ Tài chính thực hiện tích hợp kỹ thuật và kiểm thử. Dự kiến trong quý IV sẽ hoàn tất tích hợp tất cả 26 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2021, tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98. Song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ giao, có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến ngày 30/11/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,5 triệu bộ hồ sơ của hơn 51 nghìn doanh nghiệp. Sau khoảng 6 năm đi vào vận hành chính thức (từ 2014 - 2021), đến tháng 10/2021, số Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia đã tăng gấp 4 lần. Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 30/11/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 453.098 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 1.121.562 C/O. Sau hơn 2 năm kết nối chính thức (từ 01/2018 - 10/2021), đến tháng 10/2021. Ngoài ra, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng đang nỗ lực phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm và kết nối chính thức trong năm 2021. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022. Hồng Thiết    

Trang