Kinh tế

Trái vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử

TĐKT - Ngày 14/5, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada. Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) và nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada Việt Nam triển khai hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân (giữa) và Phó Cục trưởng Cục XTTM Hoàng Minh Chiến chúc mừng Công ty Rồng Đỏ đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà lên sàn Lazada. Ngay từ đầu tháng 4, Cục XTTM đã làm việc và hỗ trợ các sàn TMĐT kết nối với các đơn vị sản xuất tại Hải Dương, liên kết với những doanh nghiệp thu mua với cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng. Trong đó, Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng TMĐT. Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Tại Lazada, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà bán hàng địa phương kinh doanh hiệu quả trên thương mại điện tử. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi được hợp tác với Cục XTTM để cùng quảng bá và bán đặc sản vải Thanh Hà của tỉnh Hải Dương trên Lazada. Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này. Sau vải Thanh Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục XTTM, cùng các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt”. Kể từ 0h00 ngày 14/5/2021, vải thiều Thanh Hà được mở bán trong “Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về XTTM” trên nền tảng Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người tiêu dùng. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) là đơn vị đồng hành của chương trình. Rồng Đỏ vừa là đơn vị đầu mối thu mua, vừa trực tiếp hỗ trợ hậu cần vận chuyển, kho lạnh, đóng gói đảm bảo quy cách để đưa sản phẩm tươi đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất. “Đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT là một nỗ lực lớn của các bên. Trên thực tế, Cục XTTM đã phối hợp với các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt  khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại chia sẻ. Việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn TMĐT là phương thức bán hàng hỗ trợ đầu ra là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh. Sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm tươi nói riêng có th Cục XTTM thảo luận với các đối tác TMĐT vượt qua những thách thức đối với sản phẩm tươi như kho vận, vận chuyển, quản lý chất lượng nhằm triển khai hiệu quả hình thức bán hàng này. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các hợp tác xã, Cục XTTM đã mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này. Đặc biệt, từ những thành công trên gian hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn doanh nghiệp và hợp tác xã tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả. Phương Thanh

Lễ bàn giao 4 máy quang phổ phát hiện hóa chất do cơ quan bảo vệ biên giới Anh dành cho Hải quan Việt Nam

TĐKT - Thực hiện Biên bản hợp tác đã ký giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh đã tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác hải quan giữa hai bên, đặc biệt là các hoạt động hợp tác đào tạo, tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Lễ trao tặng thiết bị quang phổ phát hiện hóa chất do cơ quan bảo vệ biên giới Anh dành cho Hải quan Việt Nam Trong chuỗi các hoạt động hợp tác giữa hai bên năm 2021, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh phối hợp tổ chức lễ bàn giao 4 máy quang phổ phát hiện hóa chất do Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh dành cho Hải quan Việt Nam. Tham dự buổi Lễ, về phía Tổng cục Hải quan Việt Nam có ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và đại diện lãnh đạo các đơn vị (Cục Giám sát quản lý, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Tài vụ Quản trị, Cục Hải quan Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng Tổng cục); về phía Anh có ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương Quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam và bà Jenny Steveson, Trưởng đại diện Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh tại Việt Nam cùng một số chuyên gia và cán bộ sứ quán Anh tại Hà Nội. Các hoạt động hỗ trợ và hợp tác của Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh dành cho Hải quan Việt Nam trong những năm qua đã được triển khai một cách hiệu quả và thiết thực, góp phần mang lại nhiều lợi ích trong công tác hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam. Các đại biểu dự lễ trao tặng Hải quan Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện nhiều hoạt động hợp tác, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp và gây nhiều cản trở. Cụ thể như trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia của Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh đã rất nhiệt tình trong việc thực hiện các cuộc khảo sát và tìm hiểu nhu cầu đào tạo cho cán bộ Hải quan Việt Nam. Theo báo cáo của Trường Hải quan Việt Nam, 2 bên đã tổ chức thành công 4 khóa về xác định trọng điểm, 4 khóa về phân tích hình ảnh soi chiếu container, tổng số khoảng 120 cán bộ hải quan Việt Nam đã được đào tạo. Hỗ trợ này đáp ứng nhu cầu của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn hiện nay về nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng cường cho công tác kiểm soát hải quan. Năm 2020, Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh đã trao tặng cho các Hải đội Hải quan Việt Nam một số trang thiết bị, dụng cụ như trang phục, giày bảo hộ, ống nhòm, đèn pin… bảo đảm an toàn cho thuyền viên phục vụ công tác kiểm soát trên biển. Hải quan Việt Nam đánh giá những thiết bị này rất phù hợp và hữu ích cho công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan tại các cửa khẩu, cảng, sân bay, nhất là trong việc phát hiện tiền chất, các chất ma túy, các chất độc hại... Đối với các thiết bị máy quang phổ phát hiện hóa chất được trao tặng sẽ được Hải quan Việt Nam sử dụng nhằm kiểm soát hàng hóa tại các địa bàn hoạt động hải quanqua đường hàng không và cảng biển. Phía Việt Nam bày tỏ sẽ cố gắng bảo vệ tính toàn vẹn của các thiết bị và sử dụng hiệu quả trong công tác kiểm soát, đồng thời sẽ tiến hành đào tạo cho các cán bộ hải quan sử dụng các thiết bị này đảm bảo việc vận hành hiệu quả nhất. Trong thời gian tới, 2 bên tiếp tục hợp tác cùng Tổ chức Hải quan Thế giới để đưa phần mềm xác định trọng điểm, đây là ứng dụng để thu thập và lưu trữ dữ liệu bản kê khai hàng hóa đường biển, đường hàng không, hỗ trợ công chức hải quan thực hiện đánh giá rủi ro đối với các bản kê khai hàng hóa trong một cơ sở dữ liệu có cấu trúc. Điều này sẽ hỗ trợ xác định các lô hàng có rủi ro cao và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Hải quan Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh để sớm triển khai hoạt động này trong thời gian tới. Sự kiện này là một trong những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được triển khai trong năm 2021 giữa hai bên, góp phần tăng cường và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Hải quan Việt Nam và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Anh. Hồng Thiết    

Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO

TĐKT - Theo quy định hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm/lần. Phiên rà soát chính sách thương mại (TPR) lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019 trong khuôn khổ WTO được diễn ra trực tuyến tại Hà Nội, Việt Nam. Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO Tại Phiên họp, vphát biểu của hơn 40 thành viên của WTO liên quan đến chính sách thương mại của Việt Nam cho thấy nhiều quốc gia đánh giá rất cao sự tích cực của Hải quan Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương tạo thuận lợi cho thương mại. Trong số phát biểu của các thành viên, nổi bật có 2 thành viên đến từ Hoa Kỳ và Hồng Kông đã có những ghi nhận và đánh giá về Hải quan Việt Nam. Đặc biệt, tại một diễn đàn đa phương lớn như WTO, đại biện lâm thời của Phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại WTO đã có phát biểu nhấn mạnh việc Hải quan Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các cam kết tại Hiệp định TFA của WTO và ghi nhận những nỗ lực gần đây của cơ quan Hải quan trong việc ban hành một số biện pháp chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Ngoài ra, đại diện phía Hoa Kỳ đề cập đến việc hợp tác của Hải quan Việt Nam với Liên minh tạo Thuận lợi thương mại toàn cầu trong xây dựng hệ thống bảo lãnh thông quan, nếu được triển khai Việt Nam sẽ là nước đầu tiên của châu Á áp dụng hệ thống tiên tiến này. Trong nội dung phát biểu, Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam xem xét tham gia việc ủng hộ giải phóng hàng hóa toàn cầu hiệu quả và kịp thời thông qua đẩy nhanh thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO. Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, Hồng Kông ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế, áp dụng cơ chế 1 cửa quốc gia, một cửa ASEAN, mở rộng áp dụng công nghệ thông tin và trang bị các thiết bị hiện đại trong hoạt động quản lý hải quan.  Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong tình hình COVID-19; trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin trong thông quan hàng hóa, nhanh chóng giải phóng hàng, giảm kiểm tra thực tế hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Hồng Kông đánh giá rất cao sự nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong tạo thuận lợi thương mại đặc biệt trong tình hình thế giới có nhiều thách thức như hiện nay. Phía đại diện Việt Nam cho biết, về tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là việc thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO, trong thời gian vừa qua, với sự giúp đỡ của các đối tác, Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có việc áp dụng cơ chế hải quan điện tử, quản lý rủi ro, và chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Ngoài ra, đối với việc thực hiện nghĩa vụ thông báo trong Hiệp định về Trị giá hải quan, Việt Nam cũng đã thông báo cập nhật các quy định của Việt Nam liên quan đến xác định trị giá hải quan.   Cùng với những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, Việt Nam cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp chống gian lận thương mại và truyển tải bất hợp pháp. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan, yêu cầu các Cục hải quan tỉnh, thành phố áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan… Ngoài ra, Việt Nam cũng thực hiện nhiều giải pháp khác như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao; rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra. Đồng thời, các cơ quan có liên quan cũng tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn… Với những nỗ lực và biện pháp cụ thể trên, chỉ riêng trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn và đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ; đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh, phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Sự chủ động tích cực trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành trong nước và các cơ quan hải quan và tổ chức quốc tế đã góp phần đảm bảo môi trường thương mại công bằng. Hồng Thiết

Tổng cục Thuế nỗ lực đảm bảo nguồn thu năm 2021

TĐKT -  4 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn với làn sóng Covid đang tiếp tục hoành hành nhưng Tổng cục Thuế vẫn nỗ lực phấn đấu hết mình và rất linh hoạt để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa hỗ trợ người nộp thuế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực hiện tốt thu ngân sách 4 tháng đầu năm Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý ước đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% so với dự toán, bằng 105,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 11.993 tỷ đồng, bằng 51,7% so với dự toán. Thu nội địa ước đạt 456.095 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 361.270 tỷ đồng, bằng 41% so với dự toán, bằng 113% so với cùng kỳ. Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) đi vào hoạt động góp phần nâng cao năng lực quản lý thuế Đáng chú ý, thu từ cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán. Cụ thể: Thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước 4 tháng 2021 đạt 53.191 tỷ đồng, bằng 35,9% dự toán và tăng 3,3% cùng kỳ; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85.167 tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán và tăng 9,3% cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt khoảng 109.541 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán và tăng 37,2% cùng kỳ. Kết quả thu ngân sách đạt khá là do tình hình kinh tế quý I/2021 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng thu 4,48% tương đương với quý IV/2020. Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao trước dịp Tết Nguyên đán đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2021. Một số chính sách hỗ trợ DN và người dân đã triển khai cuối năm 2020 như Nghị quyết số 954/UBTVQH14 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm tiếp tục có hiệu lực, đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ cho DN và người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu NSNN. Có được kết quả đó là do cơ quan thuế các cấp đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm. Cục Thuế các địa phương cũng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thuế. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện được 13.333 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở DN, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra được 140.610 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 111,4% so với cùng kỳ năm 2020, qua đó đã kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 9.768,72 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 2.196,6 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 331,07 tỷ đồng; giảm lỗ là 7.241,06 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.139,84 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp thu nợ ước đạt 11.097 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 7.478 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.619 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/4/2021 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/4/2021 giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong 4 tháng đầu năm, ngành Thuế đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế. Đặc biệt, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cơ quan thuế các cấp đã tập trung hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các dịch vụ thuế điện tử; đẩy mạnh việc tuyên truyền tháng cao điểm hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế. Giải pháp trọng tâm đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm Mặc dù thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán và có tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước những ngày gần đây là những rủi ro lớn cho hoạt động kinh tế trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến số thu NSNN những tháng tiếp theo. Không chỉ có vậy, việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về việc thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và việc thực hiện Điều 6a Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn về trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách. Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021. Trong đó, trọng tâm là rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Ngành Thuế sẽ tiếp tục xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc về việc khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội; thực hiện các biện pháp đôn đốc, thu nợ thuế bảo vệ môi trường đối với các đơn vị nợ đọng thuế bảo vệ môi trường. Về công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các đơn vị thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, thực hiện kiểm tra theo chuyên đề đối với các giao dịch đáng ngờ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021, kịp thời hỗ trợ có hiệu quả những người nộp thuế thuộc đối tượng áp dụng của nghị định, góp phần đưa chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hồng Thiết

Ngành Tài chính tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

TĐKT - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, ngành Tài chính đã tập trung vào mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC). Ngành Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số Đến nay, 100% TTHC của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Với những nỗ lực trong công tác CCHC, ứng dụng CNTT, Bộ Tài chính đã được các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp ghi nhận thông qua việc đánh giá các chỉ số, cụ thể: Từ năm 2014 đến năm 2019 (6 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn được xếp trong nhóm 3 Bộ đứng đầu về chỉ số CCHC, trong đó có 5 năm được đánh giá xếp thứ 2 trong nhóm các bộ, ngành; 8 năm liên tiếp (từ 2013 - 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố. Hiện nay, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngân sách Nhà nước (NSNN), thuế, hải quan, kho bạc nhà nước…và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành Tài chính. Trước mắt, ngành Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính, như: Trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính; quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm soát chi NSNN, thị trường chứng khoán,…Thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội… được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, “cung cấp chủ động” các dịch vụ tài chính công mới cho người dân, doanh nghiệp theo mô hình cá nhân hóa trên nhiều kênh/phương tiện giao tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và vấn đề ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thời gian qua, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, Tập đoàn FPT vinh dự được đồng hành với Bộ Tài chính từ những ngày đầu áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực từ: Kho bạc Nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán... Bộ Tài chính cũng là đơn vị tiên phong đi đầu trong vấn đề áp dụng CNTT vào trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Đối với chuyển đổi số của ngành Tài chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) thực chất chuyển đổi số liên quan đến vấn đề dữ liệu kết nối và liên thông; đến nay chuyển đổi số của FPT cũng xuất phát từ dữ liệu, lấy dữ liệu làm gốc. Đối với ngành Tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hóa đơn điện tử (HĐĐT) nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho NSNN. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ xây dựng chiến lược phát triển CNTT đến năm 2030. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng có 6 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và triển khai theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới. Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử; Thứ hai, triển khai hóa đơn điện tử; xây dựng dữ liệu HĐĐT từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hạn chế rủi ro, phát hiện gian lận trong nộp thuế, luân chuyển chứng từ qua trục kết nối liên thông. Thứ ba, hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế, phân tích, quản lý rủi ro trong hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra… Thứ tư, quản lý, giám sát giao dịch chứng khoán và phòng, chống tội phạm trên thị trường chứng khoán. Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Tài chính, kết nối liên thông qua công nghệ Blockchain. Thứ sáu, liên thông dữ liệu số; sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích những rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo để triển khai từng dự án đầu tư đảm bảo một cách nhanh, chính xác và phát huy được hiệu quả cao nhất. Hồng Thiết  

Trong tháng 4 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 50,9 tỷ USD

TĐKT - Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 50,9 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 25 tỷ USD, giảm 15,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 9%. Trong tháng 4 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 50,9 tỷ USD Với kết quả ước tính trên thì trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 103,4 tỷ USD, tăng 27,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 101,51 tỷ USD, tăng 29,4%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2021 ước tính thâm hụt 900 triệu USD. Như vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước dự kiến vẫn xuất siêu 1,89 tỷ USD nhưng thấp hơn con số xuất siêu 2,54 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4/2021 có tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 37,7 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu là 21,2 tỷ USD, giảm 3,3% so với tháng trước; nhập khẩu là 16,5 tỷ USD, giảm 9,3%. Tính trong 4 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI có trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 146,37 tỷ USD, chiếm 71% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước và tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này ước đạt 80,15 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2020 và trị giá nhập khẩu ước 66,22 tỷ USD, tăng 32,8%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng 4/2021 là: Dầu thô; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng giày dép; dệt may; thủy sản; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng 4/2021 là: Xăng dầu các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; sắt thép các loại; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; ô tô nguyên chiếc các loại. Số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/4 đến ngày 28/4/2021 do Kho bạc Nhà nước cung cấp đạt 29.871 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 28/4/2021 đạt 120.378 tỷ đồng đạt 38,2% dự toán, đạt 36,4% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 21,32% so với cùng kỳ năm 2020. Hồng Thiết      

Khai trương Trung tâm Thương mại lớn nhất tại Thái Nguyên

TĐKT - Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương và đưa vào hoạt động trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị GO lớn nhất tại TPThái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nhân dịp khai trương TTTM và đại siêu thị GO! Thái Nguyên, Tập đoàn Central Retail trao tặng Bảng Tài trợ giáo dục tiểu học tỉnh Thái Nguyên, trang bị máy tính phòng tin học cho 3 trường tiểu học trên địa bàn TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (Sơn Cẩm 3, Lê Văn Tám, Linh Sơn 1). Tổng mức tài trợ trị giá 1,2 tỷ đồng. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Central Retail. Nghi thức cắt băng khai trương Với tổng diện tích 36.000 m2, tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng, TTTM và đại siêu thị GO! Thái Nguyên là TTTM, đại siêu thị lớn nhất và hiện đại nhất của Tập đoàn đầu tư tại Việt Nam từ trước tới nay. Dự kiến GO! Thái Nguyên sẽ thu hút khoảng 300 nhà đầu tư liên kết kinh doanh đáp ứng nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao, cung cấp các mặt hàng từ nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng nhanh cho đến các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo, giải trí… góp phần phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. TTTM và đại siêu thị GO! Thái Nguyên bao gồm 3 tầng thương mại hiện đại, được sắp xếp bố trí một cách thú vị, độc đáo, là sự kết hợp “Ăn uống – Mua sắm – Vui chơi” tại một điểm đến. Khu siêu thị thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, hàng nhu yếu phẩm có diện tích gần 4.300 m2 kinh doanh hơn 40.000 sản phẩm hàng hóa; các thương hiệu riêng của Central Retail Việt Nam như LookKool, GO! Delicious, GO! Bakery,… hứa hẹn sẽ đem đến cho khách hàng một khu phức hợp mua sắm với các trải nghiệm thú vị, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu hầu hết các khách hàng, từ giới trẻ đến các hộ gia đình, trẻ em. Đặc biệt, tại đây, có một khu vực chuyên quảng bá sản phẩm OCOP, với thông điệp: “Hãy ủng hộ chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP”. Khu vực này giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng gồm sản phẩm đến từ các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Kạn. Khu vực hành lang thương mại của TTTM GO! Thái Nguyên, tại tầng trệt, có các thương hiệu nổi tiếng: Mom’s chicken, Jollibee; các loại hình xe GO Food lần đầu tiên tại Thái Nguyên..., hứa hẹn sẽ đem đến cho khách hàng các trải nghiệm thú vị. Các đại biểu tham gia các gian hàng Khu vực nhà hàng - ẩm thực, đem đến cơ hội trải nghiệm các nền ẩm thực phong phú đa dạng từ khắp nơi trên thế giới: Jolibee, Mom's chicken, trà sữa Tocotoco, Yotea, Pozza Tea,  cà phê, sinh tố nước ép Auocado; YoFresh... Khu vực thời trang, phụ kiện:  Xtep, Prosport,Priecardin, Vitimex, Lamer; Tabora; Seiko. Khu vực vui chơi, giải trí: Nhà sách Tân Việt, khu vui chơi thiếu nhi Kubo, Game Word, MaxPatin… Với cam kết “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, ông Christian Olofsson - Giám đốc cấp cao khối Bất động sản Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: Thái Nguyên được tập đoàn chọn đầu tư mô hình trung tâm thương mại lớn nhất của chúng tôi cho đến thời điểm này, là vì chúng tôi đã nhìn vào tiềm năng, lợi thế và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, vị trí địa lý chiến lược, cũng như môi trường sống của Thái Nguyên đang trên đà phát triển tốt và thuận lợi. “Chúng tôi hy vọng, tất cả các thương hiệu và mô hình mới mẻ lần đầu tiên xuất hiện tại TTTM và Đại siêu thị GO! Thái Nguyên, với một hình ảnh đầy trẻ trung, năng động, sẽ không chỉ mang lại những trải nghiệm mua sắm đặc biệt, hài lòng cho khách hàng, mà sẽ thổi một luồng gió mới vào thị trường bán lẻ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay”, ông Christian nhấn mạnh. Mặc dù chưa hoàn thiện 100% các gian hàng, hạng mục, tuy nhiên hàng ngày TTTM và đại siêu thị GO! Thái Nguyên đã thu hút khoảng 12.700 lượt khách/ngày, dịp cuối tuần đón khoảng 14.120 lượt khách/ngày tới tham quan, mua sắm và sử dụng các dịch vụ. Đây là những con số thực sự ấn tượng, qua đó khẳng định giá trị về thương hiệu của TTTM và siêu thị GO! cũng như nhu cầu mua sắm, trải nghiệm, sử dụng dịch vụ của người dân Thái Nguyên. Hồng Thiết    

Ra mắt hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu phiên bản tiếng Việt - ePing

TĐKT - Ngày 29/4, tại Hà Nội, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ICT), WTO và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với văn phòng SPS và TBT Việt Nam ra mắt phiên bản tiếng Việt của hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing. Lễ cắt băng khai trương hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt Thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại thị trường nước ngoài. Qua cuộc khảo sát doanh nghiệp của ITC vào năm 2019, rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Để đối mặt với thách thức này, ePing phiên bản tiếng Việt đã được ra mắt. Dự án ePing là một sáng kiến chung của UNDESA, ITC và WTO. Được ra mắt vào năm 2016, nền tảng trực tuyến miễn phí này gửi cảnh báo cho những người đã đăng ký nhận thông báo về các lĩnh vực và thị trường mà họ quan tâm theo ngày hoặc tuần. Ngoài ra, ePing còn giúp tăng cường đối thoại trong nước và quốc tế. “ePing phiên bản tiếng Việt sẽ giúp đơn vị xuất nhập khẩu nhận được đầy đủ thông tin từ những thông báo của WTO một cách kịp thời nhất. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có bước giải quyết nhanh chóng trước những thay đổi về quy định tại các quốc gia đối tác và giúp họ xác định rõ hơn những trở ngại có thể phải đối mặt trong quá trình tuân thủ quy định mới” - Giám đốc Điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton cho biết. Các nước thành viên WTO phải thông báo cho WTO trước khi ban hành quy định mới về yêu cầu sản phẩm, từ giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu đến các quy định dán nhãn. Mỗi năm, các nước thông báo về hơn 5000 biện pháp TBT và SPS. Để giúp ngăn chặn những gián đoạn trong thương mại, văn phòng SPS và TBT tại Việt Nam đã đề xuất các phương án cho ITC và WTO. Trên cơ sở đó, ITC phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động gồm dịch ePing sang tiếng Việt, cung cấp các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp về hệ thống và hướng dẫn tham gia hệ thống. Hiện tại, ePing có 13.000 người dùng trên toàn thế giới và khoảng 350 người dùng tại Việt Nam. “Ngoài ra, ePing còn là một nền tảng để thảo luận về những thay đổi liên quan đến yêu cầu sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Các cơ quan chính phủ có thể điều phối các cuộc thảo luận này và theo dõi các câu hỏi được hỏi hoặc các vấn đề được thảo luận” - Ông Aik Hoe Lim, Giám đốc Ban Thương mại và Môi trường, Tổ chức Thương mại thế giới WTO cho biết. Đây là lần đầu tiên ePing có ngôn ngữ không chính thức của WTO. Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với ITC, WTO, văn phòng SPS và TBT tại Việt Nam và Đại học Ngoại thương triển khai hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt Này. Các thông báo quan trọng được dịch sang tiếng Việt và một số giải thích về tác động tiềm tàng trong các quy định nước ngoài đối với hoạt động của doanh nghiệp địa phương cũng được thực hiện. Cho đến nay, dự án thí điểm này đã dịch 50 thông báo trong ngành thủy sản và da giày - 2 nhóm ngành được ưu tiên thực hiện trước. Các thông báo SPS và TBT liên quan đến nông sản gồm trái cây và rau quả sẽ sớm dịch. Thông qua hoat động đưa ePing đến trường đại học, sinh viên sẽ có điều kiện mở rộng kiến thức về thương mại quốc tế kết hợp phương pháp tiếp cận lý thuyết và trải nghiệm thương mại thực tế khi làm việc cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phương Thanh

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

TĐKT – Amazon Global Selling và Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương sẽ phối hợp hỗ trợ người bán hàng Việt Nam qua chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp họ có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội vươn mình ra thế giới trong kỷ nguyên số. Đồng thời, Amazon Global Selling cũng chính thức khởi động chiến dịch “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa”, khẳng định cam kết và nỗ lực của Amazon Global Seling trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Xây dựng một môi trường năng động cho người bán hàng Ngày 28/4, Amazon Global Selling đã chính thức công bố mở rộng hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) – Bộ Công thương, chung tay giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Amazon Global Selling cũng chính thức khởi xướng chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam trên hành trình vươn mình ra thế giới thông qua việc cung cấp kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Đại diện của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (IDEA) khởi động chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” Các sáng kiến này được tạo nên với mong muốn hỗ trợ xây dựng một môi trường năng động cho người bán hàng Việt Nam và giúp họ có được kiến thức bán hàng trên phạm vi toàn cầu, từ đó nắm bắt cơ hội đến từ sự phát triển của thương mại điện tử để mở rộng phạm vi kinh doanh đến những quốc gia khác trên thế giới. Chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” bao gồm nhiều chương trình giáo dục và đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới với các chủ đề như: Bán hàng trên Amazon, Quá trình thiết lập gian hàng, Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon FBA (Fulfillment by Amazon), Xây dựng thương hiệu trên Amazon,.. “Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới, và đã cho thấy vị thế vững vàng ngay giữa đại dịch COVID-19. Chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp vươn ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Năm nay, Amazon đã và đang tích cực hiện thực hóa mong muốn ấy bằng cách mở rộng hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; để cùng nhau thay đổi tương lai của ngành xuất khẩu Việt Nam và tăng cường phát triển kinh tế số.”- Ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ. Đẩy mạnh hỗ trợ người bán hàng Việt Nam Tính tới nay, Amazon Global Selling đã thành lập hai đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường hỗ trợ người bán hàng Việt Nam về mọi mặt. Trong khuôn khổ hợp tác năm nay, Amazon Global Selling sẽ phối hợp cùng IDEA tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon một cách hiệu quả nhất. Khởi động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi chuỗi sự kiện sẽ bao gồm một hội thảo quy mô lớn với chủ đề “Bán hàng trên Amazon”, các lớp đào tạo ở cấp độ vận hành và hai lớp đào tạo nâng cao theo nhu cầu về đăng ký nhãn hiệu cũng như xây dựng thương hiệu. Được tổ chức xuyên suốt từ nay đến cuối năm, chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về thương mại điện tử xuyên biên giới cho người bán hàng Việt Nam. Với việc phối hợp tổ chức các buổi hội thảo và chương trình đào tạo tại các thành phố lớn trên khắp cả nước, Amazon cùng IDEA đặt mục tiêu khai phá tiềm năng của người bán hàng Việt Nam, hỗ trợ đưa các sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu. Các doanh nghiệp mong muốn tham gia các hôi thảo và chương trình đào tạo có thể tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký tại website: https://amazon.idea.gov.vn. Với việc mở rộng hợp tác lần này với IDEA, Amazon Global Selling mong muốn sẽ hỗ trợ được nhiều người bán hàng Việt Nam hơn nữa trên hành trình chuyển mình cùng thời đại sô “Mặc dù nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt Nam vẫn còn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này. Tuy vậy, nỗ lực và khát khao học hỏi để thích nghi với trạng thái bình thường mới của họ là không thể phủ nhận, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên thương mại kỹ thuật số ngày càng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Chúng tôi muốn chung tay cùng Amazon để nỗ lực không ngừng, tạo nên nhiều sáng kiến để giúp những người bán hàng Việt Nam đánh thức tiềm năng của chính họ và nắm bắt cơ hội vươn ra thế giới.” - Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chia sẻ. Kế hoạch dài hạn nhằm khai phá tiềm năng, chắp cánh hàng Việt vươn mình thế giới Bên cạnh những hoạt động đào tạo và sự mở rộng hợp tác với IDEA, Amazon sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển những sáng kiến để hỗ trợ người bán xuất khẩu thông qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới. Phiên bản tiếng Việt của Trung tâm Thông tin bán hàng (một giao diện web giúp người bán hàng quản lý tài khoản và cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên Amazon) vẫn đang được cải tiến từng ngày, giúp doanh nghiệp truy cập dễ dàng hơn, nâng tầm trải nghiệm xuyên suốt toàn bộ quy trình bán hàng, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên trách mới được thành lập tại Hà Nội cũng đang sát cánh cùng đội ngũ của Amazon Global Selling tại Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng các khóa đào tạo và chương trình hướng dẫn cho người bán hàng trên nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam. Những nỗ lực không ngừng nghỉ này là một phần trong chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” của Amazon Global Selling, mong muốn hỗ trợ những thương hiệu Việt tiến tới thành công khi tiếp cận thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong kỷ nguyên thương mại mới. Trong năm 2021, Amazon Global Selling sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhiều người bán hàng Việt Nam hơn nữa trên hành trình khởi sự kinh doanh trên Amazon bằng cách hợp tác với các cơ quan Chính phủ, mở ra những cơ hội phát triển mới trong kỷ nguyên kinh tế số hiện nay; qua đó, đưa các sản phẩm “Made-in-Vietnam” vươn mình ra thị trường thế giới. Phương Thanh

Chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống – con đường phát triển của Rạng Đông

TĐKT - “Tri thức, khoa học – công nghệ, công nghệ kỹ thuật số là động lực chủ yếu của doanh nghiệp phát triển bứt phá” - Đó là nhận định quan trọng của người đứng đầu doanh nghiệp công nghiệp truyền thống nức tiếng ở Việt Nam – Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khi đơn vị này tròn một hoa giáp (60 năm phát triển). Phát biểu tại “Diễn đàn đàn chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống con đường phát triển của Rạng Đông” tổ chức sáng ngày 28/4/2021, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Từ khi Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ký kết nhiều FTA thế hệ mới và Diễn đàn kinh tế thế giới 2016, Công ty Rạng Đông đã xác định những bước thay đổi nhằm phù hợp với sự phát triển của  thời kỳ I – 4.0. Các diễn giả tham gia trao đổi tại Diễn đàn Với những thay đổi phù hợp, mục tiêu chiến lược 5 năm (2016 - 2020), doanh thu của Rạng Đông đạt ngưỡng 4.000 tỷ, tăng 1,5 lần năm 2015, năng suất lao động đạt 2 tỷ đồng/người/năm, tăng 2 lần so với năm 2015, đã vượt sớm 1 năm. Năm 2019, công ty đã đạt doanh thu 4.256 tỷ, năng suất lao động đạt 2,07 tỷ đồng/người/năm. Đây là nền tảng vững chắc để Rạng Đông đặt ra chiến lược chuyển đổi số, nhằm tạo những bứt phá mới trong giai đoạn phát triển mới. Từ ngày 1/7/2019, công ty quyết định thành lập Ban Xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số công ty giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; thành lập Tổ chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số. Tuy nhiên, ngày 28/8/2019 xảy ra sự cố hỏa hoạn lớn ngoài ý muốn. Song, do xác định rõ chuyển đổi số là động lực lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong những điều kiện mới, Rạng Đông quyết tâm thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa khắc phục khó khăn, vừa thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Năm 2020, công ty chính thức tiến hành khẩn trương, đồng bộ từng bước xây dựng các nền tảng, các trụ cột chuyển đổi số trên cả ba khối công nghệ, quy trình, tổ chức và con người đề ra trong chiến lược. Một loạt các mô hình được thực hiện hiệu quả ở Rạng Đông, góp phần quan trọng làm nên những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi số, như: Các mô hình kinh doanh mới - nhìn từ thực tiễn Rạng Đông; tự động hóa và sản xuất thông minh - quá trình hợp tác giữa Rạng Đông và Đại học Bách Khoa; phát triển Hệ sinh thái LED 4.0 trên nền tảng số; Chip LED HCL - ánh sáng lấy con người làm trung tâm…. Qua gần một năm rưỡi triển khai chuyển đổi số, đã mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ: Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 15,6% so cùng kỳ. Quý IV/2020 tăng trưởng doanh thu đạt 20,0% so cùng kỳ. Quý I/2021 doanh thu tăng 38,4% (Trong đó, xuất khẩu tăng 70%, sản phẩm CSL & G - S – HCL tăng 176%, HTAL và Năng lượng tái tạo tăng 32,9%). Đặc biệt, công ty nộp ngân sách tăng 78,1%, lợi nhuận thực hiện tăng 45,7% so cùng kỳ. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát biểu tại Diễn đàn Ông Nguyễn Đoàn Thăng chỉ ra: “Nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển. Chỉ với chuyển đổi số - mô hình tăng trưởng cấp số nhân, mới hy vọng chúng ta đuổi kịp.” Ông Nguyễn Đoàn Thăng nhấn mạnh: Tri thức, khoa học - công nghệ, công nghệ kỹ thuật số là động lực chủ yếu của phát triển bứt phá. Song để thực hiện chuyển đổi số thành công ở một doanh nghiệp sản xuất tiền Internet có truyền thống 60 năm như Rạng Đông là vô cùng khó khăn trên rất nhiều phương diện, cần có cách làm, bước đi, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể, nếu không xác suất thất bại rất cao. Những mục tiêu Rạng Đông đặt ra là: Chuyển thành công ty công nghệ cao, cung cấp Hệ sinh thái LED 4.0 tích hợp với hệ thống Smart Home, Smart City, nông nghiệp thông minh và sản phẩm chiếu sáng LED hiệu suất cao, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn G7, G20; năm 2023 xây dựng và vận hành Nhà máy LED hiện đại “Make in Vietnam"; năm 2025 hoàn thành chuyển đổi số khối sản xuất thực với 70 - 80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý, phân tích trong hệ thống thống nhất; năm 2030 hoàn thành Nhà máy thông minh… Thời gian tới, Rạng Đông sẽ đồng hành với Tập đoàn VNPT trong phát triển kết nối IoT Platform và các thiết bị thông minh cho khách hàng; triển khai những sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ chiếu sáng thông minh phục vụ chuyển đổi số chính quyền, doanh nghiệp và người dân; hợp tác xây dựng các mô hình chuyển đổi số nông nghiệp thông minh, bệnh viện thông minh, lớp học thông minh… có khả năng nhân rộng toàn quốc, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để đạt được những mục tiêu tiếp theo, ông Thăng khẳng định: “Cần phải có đổi mới sáng tạo trong đó công nghệ chỉ là một yếu tố, phát huy được lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, văn hiến của con người Việt Nam là những yếu tố quan trọng và quan trọng hơn nữa là phải lựa chọn được mô hình tổ chức điều hành phù hợp với văn hóa và bối cảnh thực tiễn. Ý chí, khát vọng, ý thức tự lực tự cường của tập thể CBCNV Rạng Đông – những người làm chủ sở hữu đa số cổ phần của ông ty và tinh thần nhân văn – Vì con người mà bản sắc văn hóa “Rạng Đông Anh hùng và có Bác Hồ ”  thấm đậm qua nhiều năm tháng. Nhận thức được sứ mệnh cao cả và tầm nhìn đúng đắn sẽ góp phần tạo nên mảnh đất cho đổi mới sáng tạo nảy nở.” Mai Thảo

Trang