Kinh tế

Ra mắt nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain

TĐKT - Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông Nguyễn Thành Hưng. Quang cảnh Lễ ra mắt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chương trình đặt ra mục tiêu đến 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp công nghệ số là một trong các yếu tố đóng vai trò dẫn dắt. Nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain do Công ty Cổ phần FPT phát triển. Nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề trong việc xây dựng nhanh hệ thống mạng lưới kinh doanh và các ứng dụng phân tán bằng công nghệ chuỗi khối. Điểm vượt trội của nền tảng là rút ngắn thời gian triển khai các nghiệp vụ như: Định danh khách hàng điện tử (eKYC), chấm điểm tín dụng (credit scoring), chương trình khách hàng thân thiết (loyalty) và truy xuất nguồn gốc. Dù mới thành lập trong thời gian ngắn từ cuối năm 2018, với một ứng dụng công nghệ hoàn toàn xa lạ với thị trường Việt Nam, đến nay akaChain đã được nhiều khách hàng biết đến và sử dụng. Các khách hàng tiêu biểu của akaChain gồm nhiều doanh nghiệp lớn đến từ nhiều ngành nghề và nhiều quốc gia. Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain vào kinh doanh có thể kể tới Masan Group (Tập đoàn về hàng tiêu dùng tại Việt Nam); Bảo Việt (Bảo hiểm tại Việt Nam); AIA (Bảo hiểm); VPBank (Ngân hàng), một số doanh nghiệp khác thuộc top Fortune 500. Trong thời gian tới, akaChain sẽ tập trung vào các thế mạnh liên quan tới tính bảo mật và tính minh bạch. Về mặt nghiên cứu và phát triển, akaChain sẽ tập trung vào hoàn thiện bộ giải pháp liên quan tới danh tính số và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để kích cầu cho khách hàng doanh nghiệp, akaChain đang có chương trình hỗ trợ cộng đồng và các doanh nghiệp như sau: Miễn phí gói tư vấn về chuyển đổi số cho dịch vụ Chăm sóc khách hàng thân thiết và Danh tính số Digital ID cho doanh nghiệp, trị giá 50.000 USD. Miễn phí 1 tháng dùng thử akaChain, trị giá 5.000 USD/tháng. Sự ra đời của akaChain là minh chứng rõ ràng về năng lực sáng tạo của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần FPT nói riêng. Đây là một trong những nền tảng số Make in Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Phương Thanh

Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020

TĐKT - Với tư cách là Chủ tịch năm ASEAN 2020, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN – ASEAN Online Sale Day. Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN đầu tiên đã chính thức diễn ra vào ngày kỷ niệm thành lập ASEAN 8 tháng 8 với sự tham gia cùng lúc của 215 doanh nghiệp thuộc 10 nước thành viên trong khu vực. Duy nhất trong ngày 8 tháng 8 năm 2020, các doanh nghiệp đã mang đến những chương trình khuyến mãi đặc biệt cho người tiêu dùng trong khối để chào mừng Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN. Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN là hoạt động thường niên (giai đoạn 2020 -2025) nhằm khuyến khích, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, mang đến môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh, cải thiện niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm. Bên cạnh đó, chương trình còn là bước đi quan trọng để khối ASEAN thể hiện sự đoàn kết, định vị và phục hồi kinh tế sau Covid-19. Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020 có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong toàn khối ASEAN với 2 nhóm hoạt động chính là ASEAN Pavilion – mua sắm nội địa và ASEAN Cross-border – mua sắm xuyên biên giới: Trong đó, Việt Nam có 19 doanh nghiệp trong nước tham gia Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020. Cụ thể hơn, đối với nhóm mua sắm nội địa – ASEAN Pavilion, Việt Nam hiện có các sàn thương mại điện tử uy tín tham gia như Lazada, Shopee, Fado, Tiki, Thegioididong, Accesstrade…; các doanh nghiệp hạ tầng như Viettel Post, VNPay, ZaloPay.. và một số doanh nghiệp lớn khác như Bibica, Bitis, Sunhouse... Duy nhất vào ngày 8/8, các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Fado hay Tiki đã đồng loạt tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi đặc biệt cho người tiêu dùng cả nước để chào mừng Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020. Đối với nhóm mua sắm xuyên biên giới – ASEAN Cross-border, sàn thương mại điện tử Fado của Việt Nam tham gia và cung cấp dịch vụ mua hàng xuyên biên giới cho các nước trong khối. Trong sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN, người tiêu dùng tại các nước thành viên thuộc ASEAN đều có thể tìm kiếm và đặt mua các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như trà, cafe, lụa,… và được miễn phí vận chuyển toàn Đông Nam Á. ASEAN Online Sale Day là một trong những hoạt động tích cực góp phần thực thi Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử, là tiền đề cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo ra sự gắn kết giữa các quốc gia, khẳng định sự đoàn kết và vị thế của ASEAN. Hơn nữa, đây là cơ hội để người tiêu dùng trong khối ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng được trải nghiệm mua hàng trực tuyến trên một thị trường rộng mở, an toàn và đảm bảo chất lượng dưới sự giám sát chính thức của các Chính phủ đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khối thích ứng và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua hệ sinh thái đang phát triển sẵn, tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua dịch Covid-19. Với ý tưởng tạo ra sự nhận diện cho Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN năm đầu tiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng một mô hình tổng thể cho sự kiện thương mại điện tử thường niên của ASEAN. Những thành công của Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN năm nay sẽ là dấu ấn và là kinh nghiệm để triển khai và phát triển sự kiện này trong những năm tiếp theo. Phương Thanh  

Tiên phong sử dụng bao bì giấy trong ngành mỹ phẩm

TĐKT - Vừa qua, nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay, 1 trong 36 thương hiệu của tập đoàn L’Oréal đã ra mắt kem chống nắngAnthelios Body Milk Hydrating Lotion có bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là sự tiến bộ vượt bậc của ngành bao bì mỹ phẩm, làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng trung bình trong các tuýp bao bì nhựa thông thường, góp phần thiết thực cùng thế giới bảo vệ môi trường. Công nghệ bao bì giấy để giảm thiểu nhựa được áp dụng trong sản phẩm chống nắng toàn thânAnthelios ra đời từ chương trình hợp tác đầy triển vọng giữa tập đoàn L’Oréal và công ty bao bì mỹ phẩm nổi danh thế giới Albéa nhằm phát triển bao bì thế hệ mới bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Sau một năm hợp tác nghiên cứu, La Roche-Posay đã thay đổi tiến trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới bằng việc thay thế đến 45% phần nhựa của bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng. Lợi ích môi trường của công nghệ này cũng được đánh giá bởi quy trình phân tích vòng đời sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA), là một công nghệ hiện đại để đánh giá các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải. Theo quy trình phân tích vòng đời sản phẩm LCA của La Roche-Posay và Albéa, dấu chân sinh thái của tuýp kem chống nắng Anthelios 200ml dạng giấy này có mức tác động thấp nhất trong tất cả tiêu chí và nó được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung. Ông Laetitia Toupet, Chủ tịch Toàn cầu của La Roche-Posay chia sẻ: “Hành động vì môi trường là điều cấp thiết hiện nay. Dòng kem chống nắng Anthelios với bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng tích hợp đầu tiên của thế giới chính là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện các tác động lên môi trường của bao bì mỹ phẩm. L’Oréal còn đặt mục tiêu xa hơn là sẽ chia sẻ công nghệ bao bì mới này cho các thương hiệu khác và mang sản phẩm mới đến tất cả các nước trên thế giới”. Kem chống nắng Anthelios Body Milk Hydrating Lotionvới bao bì dạng giấy đầu tiên của thế giới sẽ có mặt đầu tiên ở thị trường Pháp và được bán tại các nhà thuốc. Từ năm 2012, La Roche-Posay đã tập trung vào việc giảm trọng lượng của bao bì để giảm lượng nhựa sử dụng. Đến năm 2020, tất cả sản phẩm dạng chai lớn của thương hiệu dược mỹ phẩm này đều có trọng lượng nhẹ hơn 10%, La Roche-Posay cũng đạt chỉ tiêu sử dụng 25% nhựa tái chế cho bao bì, cao gấp 10 lần so với năm 2018. Tham vọng của La Roche-Posay là sử dụng đến 70% vật liệu nhựa tái chế cho bao bì đến năm 2025, có nghĩa là thương hiệu dược mỹ phẩm của tập đoàn L’Oréal sẽ để dành lại cho trái đất 10.000 tấn nhựa nguyên thủy, góp sức bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường thế giới. Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo của tập đoàn L’Oréal sử dụng công nghệ bao bì giấy thân thiện với môi trường này, dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm có bao bì thân thiện vào năm 2021. Một trong những mục tiêu tham vọng sẽ đạt được đến năm 2030 là sử dụng 100% nhựa tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học cho toàn bộ bao bì sản phẩm của tất cả thương hiệu của L’Oréal, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững mới của tập đoàn L’Oréal mang tên “L’Oréal For the Future” (L’Oréal cho tương lai). T.Anh

Bàn tay vàng của các nghệ nhân quốc gia đã làm nên thương hiệu mới

TĐKT - Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các bàn tay vàng của các nghệ nhân quốc gia đã làm nên một thương hiệu mới, đó chính là “Thế giới quà biếu 9999”. “Thế giới quà biếu 9999 Phúc Tân” dưới bàn tay vàng của các nghệ nhân quốc gia đã đưa lên kệ một loạt các mẫu sản phẩm mới nhất, đẳng cấp, được mạ vàng 24k - đây là những mẫu mã được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức săn lùng trong suốt thời gian qua của chuỗi cửa hàng Thế giới quà biếu 9999. Những sản phẩm sáng tạo ra do các nghệ nhân có bàn tay vàng thể hiện đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên, nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp, đối tác, bạn hàng, các cộng sự; đồng thời mở rộng quan hệ với các đối tác, bạn hàng mới; thu hút các doanh nghiệp tham gia cùng phát triển. Giám đốc Trung tâm GJA - ông Nguyễn Việt Thắng (bên trái) cùng đối tác chiến lược Giám đốc Công ty Cổ phần King Gold Việt Nam - ông Đinh Văn Tới (bên phải) Thế giới quà biếu 9999 ra đời với mục tiêu trở thành sự lựa chọn số 1 và là người bạn đáng tin cậy hàng đầu cho mọi đối tác và khách hàng. Với phương châm “Hài lòng người nhận - Tinh tế người trao”, Thế giới quà biếu 9999 luôn mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm quà biếu cao cấp, hàng đầu về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, sang trọng, đẳng cấp, tinh tế và có giá trị thiết thực. Thế giới quà biếu 9999 là nơi trưng bày, tôn vinh những kiệt tác của các nghệ nhân khắp mọi miền Tổ quốc, giúp lan tỏa hình ảnh, giá trị và niềm tự hào của dân tộc trong ngành Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý đến với bạn bè quốc tế. Hơn hết, đây cũng là đơn vị trực thuộc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý, Thế giới quà biếu 9999 luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các cấp chính quyền và thành phố Hà Nội. Thế giới quà biếu 9999 không ngừng nỗ lực chung tay đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ các nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thế giới quà biếu 9999 đã khai trương cửa hàng mới tại 168 Phúc Tân, Hoàn Kiếm và 26 Nguyễn Thái Học, Ba Đình (Hà Nội) với các sản phẩm quà tặng, quà biếu cao cấp. La Giang    

Hải quan nỗ lực thi đua đạt thành tích cao trong các lĩnh vực

TĐKT – Trong tháng 7, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành Hải quan đã nỗ lực hết mình, thi đua đạt thành tích cao trong các lĩnh vực. Hải quan nỗ lực thi đua thu ngân sách đạt 25.000 tỷ đồng trong tháng 7 Xuất nhập khẩu trên đà phát triển Trong tháng 7 năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 45 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 0.3% và trị giá nhập khẩu giảm 2,9%. Với diễn biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2020 ước tính thặng dư 1 tỷ USD. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 285,1 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 145,78 tỷ USD, tăng 0,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 139,32 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư 6,46 tỷ USD.  Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như dầu thô về xuất khẩu trong tháng 7/2020 ước tính là 300 nghìn tấn, giảm 24,1% và trị giá là 93 triệu USD giảm 23,1% so với tháng 6/2020. 7 tháng đầu năm 2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính đạt 2.798 nghìn tấn và trị giá là 900 triệu USD. Ước tính tro quặng các loại xuất khẩu trong tháng 7 ước đạt 400 nghìn tấn, tăng 23,9% và trị giá là 24 triệu USD giảm 29,1% so với tháng trước. 7 tháng đầu năm sản lượng ước đạt 1,817 triệu tấn, trị giá là 131 triệu USD; giảm 3,6% về lượng và trị giá ước tính giảm 5% so với 2019... Các mặt hàng nhập khẩu có biến động lớn theo chiều hướng giảm như xăng dầu các loại ước đạt 110 nghìn tấn, giảm 90,2% và trị giá là 42 triệu USD, giảm 89,4% so với tháng trước; tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 4,423 triệu tấn và trị giá là 1,765 tỷ USD, giảm 20,8% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại là nhóm hàng mang lại nguồn thu ngân sách lớn có chiều hướng tăng nhẹ trong tháng 7 với sản lượng ước 4.000 chiếc, trị giá 104 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và tăng 6,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm 2020 mới ước đạt 44.000 chiếc và trị giá ước đạt 1,013 tỷ USD, giảm 48,3% về lượng và giảm 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng trong tháng 7 (so với tháng 6/2020) như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại… Phức tạp tội phạm ma túy Về công tác phòng, chống buôn lậu, sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp kích thích phát triển kinh tế, cho phép mở lại các cửa khẩu phụ biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có dấu hiệu gia tăng. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, gia cầm, sản phẩm gia cầm, sừng động vật… được các đối tượng vận chuyển qua các tuyến: Hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp có chiều hướng tăng hơn so với tháng trước. Đặc biệt tuyến hàng không bưu điện đã phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển ma túy lớn, trong khi khu vực biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh… tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn rất nóng và thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn… Trong tháng 7 (kỳ báo cáo từ 16/6-15/7), toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 1.081 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 111,884 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 67,118 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan Hải quan khởi tố 4 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ. Trong thông tin báo chí, Tổng cục Hải quan dẫn chứng nhiều vụ việc điển hình liên quan đến tội phạm ma túy được triệt phá trên phạm vi cả nước (các vụ việc cụ thể đã được Báo Hải quan phản ánh đậm nét trên các ấn phẩm). Chẳng hạn như, đêm 30/7/2020, lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng phối hợp bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 120kg ma túy đá, ketamin, thuốc lắc; 19 bánh heroin trong đường dây vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia qua các khu vực cửa khẩu biên giới Tây Nam về tập kết TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, thuộc đường dây người Trung Quốc, Hàn Quốc điều hành. Cũng trong ngày 30/7, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm Hình sự - Kinh tế - Ma túy, Ban Công an xã Nậm Cắn, Phà Đánh đồng chủ trì phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phá thành công chuyên án mang bí số 720T, bắt 2 đối tượng, thu giữ 1.000 viên ma túy tổng hợp. Với những nỗ lực không ngừng ấy, ngành Hải quan đã thu được nhiều kết quả cao trong công tác thu ngân sách và chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tạo tiền đề thi đua nước rút cho 5 tháng cuối năm 2020. Hồng Thiết  

Ra mắt Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee

TĐKT - Sáng 31/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng dự và phát biểu tại sự kiện. Lễ ra mắt Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee Stringee là một giải pháp toàn diện về nền tảng giao tiếp (Communication Platform); cho phép các doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile (hoặc website) của mình mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba (như Zalo, Skype, Messenger) cũng như không phải đầu tư xây dựng từ đầu một phần mềm có các tính năng giao tiếp. Các doanh nghiệp đang sở hữu lượng khách hàng lớn có thể dễ dàng bổ sung các tính năng: Chat, Voice call, Video call, Video conference, SMS, Contact Center trực tiếp vào các ứng dụng mobile/web/hệ thống quản trị doanh nghiệp sẵn có của mình dựa trên nền tảng Stringee. Điều này giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet có thể chủ động trong việc giao tiếp giữa doanh nghiệp và người dùng cũng như giữa các người dùng với nhau, từ đó tăng trải nghiệm của khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Đây cũng là hướng phát triển đối với các nền tảng giao tiếp (communication platform) bên cạnh hướng cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người dùng cuối (như Zoom, Webex, Zavi). Stringee là nền tảng đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại đang cung cấp dịch vụ và phát triển nền tảng giao tiếp theo hướng này tại Việt Nam. Giải pháp cốt lõi của Stringee bao gồm: Các API cung cấp tính năng gọi điện thoại/video miễn phí qua Internet hoặc nghe/gọi với số điện thoại thông thường; API cung cấp tính năng nhắn tin; API cung cấp tính năng gửi SMS với Brandname doanh nghiệp; phần mềm Contact Center đa kênh cho phép doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau như: gọi điện thoại, gọi video, email, SMS, live-chat, Facebook, Zalo... Các sản phẩm của Stringee có tính ứng dụng cao, có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, yêu cầu nghiệp vụ khác nhau như: Định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cuộc gọi với số mặt nạ để bảo mật thông tin người dùng trong lĩnh vực đặt xe trực tuyến, tổng đài trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực dịch vụ - nhà hàng - du lịch,… Để kích cầu cho khách hàng doanh nghiệp, Stringee đang có chương trình hỗ trợ cộng đồng và các doanh nghiệp như sau: Miễn phí 2 tháng sử dụng gói Basic Call Center StringeeX cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 10 tài khoản StringeeX). Tặng tối đa 1 năm sử dụng tính năng Chat trị giá 1.100.000đ/4 tài khoản/tháng khi mua gói Call Center StringeeX. Miễn phí 2 tháng sử dụng tính năng Video Call trị giá 1.220.000đ/01 tài khoản/tháng khi mua gói Contact Center StringeeX. Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng những tính năng của Stringee không chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp mà nên áp dụng cho các cơ quan nhà nước. Cụ thể, hệ thống email của Bộ TT&TT cũng có thể cải tiến, có thể tích hợp tính năng của Stringee. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa xem xét phối hợp với Trung tâm thông tin, Văn phòng Bộ tiên phong sử dụng Stringee. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp càng cần đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số, đưa hoạt động lên online, tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và hồi phục. Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ nắm bắt thời cơ, phát triển thêm nhiều nền tảng số để phục vụ chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Phương Thanh

Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu tăng ngược dòng trong đại dịch, sản lượng xuất khẩu tháng 7 cao kỷ lục.

TĐKT - Theo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 626.246 tấn tôn mạ, trong đó riêng Tập đoàn Hoa Sen (HSG) xuất khẩu 257.377 tấn, chiếm 41,1% sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Tháng 7/2020, HSG tiếp tục xuất khẩu hơn 80.000 tấn tôn mạ, tăng 66% so với tháng trước. Kể từ khi HSG xuất khẩu những lô hàng tôn mạ đầu tiên vào năm 2008, đây là mức sản lượng xuất khẩu tôn mạ trong vòng 1 tháng cao kỷ lục của HSG và cả lĩnh vực xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam. Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu 80.000 tấn tôn cuộn trong tháng 7 năm 2020 Đây là những con số đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giá HRC biến động khó lường, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều suy giảm. Sản phẩm của HSG xuất khẩu đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới nên mặc dù tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp nhưng HSG vẫn duy trì mức tăng trưởng sản lượng xuất khẩu vượt qua kế hoạch. Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu HSG những tháng gần đây tăng trưởng rất tốt ở cả các thị trường truyền thống đến các thị trường mới khai thác, đặc biệt tại các thị trường khó tính như châu Mỹ, châu Âu, sản lượng xuất khẩu của HSG tăng mạnh mẽ. Hiện tại, xuất khẩu là một trong hai kênh chủ lực đóng góp vào sự phát triển của HSG. Nguồn doanh thu USD từ hoạt động xuất khẩu giúp Tập đoàn có nguồn ngoại tệ đối ứng và đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tập đoàn. Với lợi thế 10 nhà máy phân bổ trên khắp cả nước, vị trí nằm gần các cảng biển lớn thuận lợi cho việc xuất khẩu, giảm chi phí logistics; tất cả các nhà máy đều được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt như ASTM của Mỹ, EN của châu Âu, JIS của Nhật Bản, AS của Úc, BIS của Ấn Độ, SNI của Indonesia, SIRIM của Malaysia… đáp ứng nhu cầu về sản lượng, thời gian giao hàng và các yêu cầu khắt khe nhất của những khách hàng khó tính. HSG cũng là một trong số rất ít nhà máy đã sản xuất thành công một số tiêu chuẩn đặc biệt như thép mạ cường độ cao đáp ứng các yêu cầu phức tạp trong xây dựng các dự án lớn. Sản phẩm của HSG khi xuất khẩu được đánh giá tốt về chất lượng và giá cả phù hợp, có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp của các quốc gia có nền công nghiệp thép lớn trên thế giới. Đặc biệt, sau CPTPP và EVFTA sản lượng xuất khẩu của HSG vào các thị trường này tăng lên đáng kể. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường xuất khẩu suy giảm bởi các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn; cùng với đó là hàng loạt biện pháp phòng vệ thương mại được các nước nhập khẩu dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, thì việc sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng trưởng mạnh đã mở ra nhiều triển vọng lớn không chỉ cho riêng HSG mà còn cho cả ngành tôn thép Việt Nam.                                                                                                   Xuân Phúc

Ngày hội kết nối đối tác doanh nghiệp Việt Nam 2020

TĐKT - Ngày 28/7, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Ngày hội kết nối đối tác doanh nghiệp Việt Nam 2020 - Vietnam Business Partnership Matching Day 2020’’. Chương trình do Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp V-Startup phối hợp cùng Công ty Cổ phần Truyền thông Thiên Lộc tổ chức tổ chức nhằm hưởng ứng các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Chính phủ. Chương trình cũng là một hoạt động trong chuỗi nhiệm vụ “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án 844. Các đại biểu, chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Ngày hội được tổ chức nhằm mục đích mang lại cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế hậu cách ly xã hội và đại dịch của Việt Nam, những chính sách hỗ trợ khôi phục nền kinh tế từ Chính phủ, mang đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Một mục đích quan trọng khác của hội thảo là mang đến sự kết nối giữa nhà đầu tư với các doanh nghiệp trẻ có những hướng đi mới. Tham quan trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp Tại hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận với những đóng góp của đại điện các nhà quản lý thuộc ban, bộ, ngành như: Bộ Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, những chuyên gia kinh tế hàng đầu, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tham luận của các diễn giả tại Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề cấp thiết: Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; xu hướng kinh tế số trong lĩnh vực văn hóa; phát triển năng lực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các Startup Việt; đón đầu cơ hội đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam. Phương Linh

Ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov

TĐKT - Sáng 24/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov). Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, 63 Sở TT&TT trên cả nước (qua cầu truyền hình trực tuyến) cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc triển khai Cổng thanh toán quốc gia (PayGov) Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 12/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc ngay trong năm 2020. Đây được coi là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn chưa cao. Việc Bộ TT&TT phát triển, sớm đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công. Cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán. Hệ thống được thiết kế để giải quyết các vấn đề chính như sau: Một là giải quyết vấn đề về kết nối: Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với Cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến Cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương. Hai là giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán: Cổng PayGov cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc. Ba là giải quyết vấn đề về một địa chỉ thanh toán thống nhất: Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như: y tế, giáo dục, điện, nước… Bên cạnh đó, Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030": Đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Tính đến thời điểm hiện tại Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 Trung gian thanh toán gồm: Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel; Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty truyền thông đa phương tiện – Công ty TNHH MTV (VTC); Công ty Cổ phần Ngân lượng (NGANLUONG JSC); Công ty Cổ phần Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT TELECOM). Tại Lễ ra mắt, 9 Trung gian thanh toán đã thực hiện ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về việc triển khai Cổng thanh toán quốc gia (PayGov). Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các Trung gian thanh toán tại Việt Nam. Cổng PayGov chính thức ra mắt và vận hành là một sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp cho người dân và doanh nghiệp công cụ hỗ trợ thanh toán dịch vụ công một cách thuận lợi, minh bạch, tin cậy. Đây là tiền đề để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Cổng PayGov hiện cũng đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội… Phương Thanh

Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19

TĐKT - Ngày 23/7, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19”. Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các viện nghiên cứu có uy tín cao như: TS. Trần Đình Thiên, TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực… Toàn cảnh Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề và đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ cho thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Dường như tất cả các quốc gia đều đứng trước một câu hỏi lớn là làm gì để đối phó hiệu quả với vô vàn khó khăn do đại dịch gây ra, đồng thời nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lấy lại nhịp độ tăng trưởng, duy trì đà phát triển kinh tế và sự ổn định của đời sống xã hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và chỉ đạo triển khai nhiều quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là các chủ trương, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, chống dịch thành công, vừa tiếp tục phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Thực tế ấy đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính các doanh nghiệp để nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và hơn nữa còn có thể biến nguy thành an, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển... Ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19 này, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất, kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra rất nhiều yêu cầu cấp bách trước mặt, lâu dài cả ở tầm quốc gia, ở doanh nghiệp. Theo ông Dũng, để góp phần giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn cần sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Tại diễn đàn, các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã trao đổi suy nghĩ, kinh nghiệm giúp cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. Cùng với đó, là những ý kiến, đề xuất đóng góp với Đảng, Nhà nước về các giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế hậu Covid-19, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự lực, tự cường, phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế. TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra lời khuyên: Các doanh nhân, doanh nghiệp trong đầu phải nhớ 8 chữ: Cơ hội - Kết nối - Sáng tạo - Quản trị. Tức là tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ lợi thế so sánh của doanh nghiệp, của thị trường, của Việt Nam và những cơ hôị từ các cam kết quốc tế, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự xuất hiện của các lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Kết nối với đối tác, kết nối vào chuỗi giá trị kết nối thị trường với tiêu chuẩn cao. Đồng thời, thời đại đang yêu cầu sáng tạo và chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp 4.0 và những mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực mới. Đặc biệt là cần lưu ý đến nâng cao quản trị, trong đó chú ý quản trị rủi ro. TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những xu hướng thay đổi lớn của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trong và sau dịch bệnh. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn, xu hướng M-A tăng lên, xu thế tái cấu trúc lại chuỗi cung, xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Tâm lý và hành vi tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh, mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng… Các doanh nghiệp cần đổi mới và sáng tạo trong mô hình kinh doanh mới. Phương Thanh

Trang