Kinh tế

Online Friday mang đến trải nghiệm mua sắm an toàn, thông tin rõ ràng, minh bạch

TĐKT - Ngày 17/1, tại Hội trường Bộ Công thương, Ban tổ chức Online Friday tổ chức họp báo Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday - Lễ tổng kết 2019 và triển khai Chương trình 2020. Tại họp báo, Ban tổ chức đã trao giải cho người dùng trúng thưởng khi tham gia các hoạt động tương tác và trải nghiệm scan mã QR và mua hàng bằng mã voucher. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu khai mạc họp báo Ngày mua sắm trực tuyến năm 2019 đã được tổ chức vào thứ Sáu ngày 06/12/2019 với công tác tổ chức được chuẩn bị kỹ càng, đã quy tụ nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo, Voso, Sanhangre..., các doanh nghiệp sản xuất như Oppo, Habeco, Fahasa… cùng các nhà phân phối hàng chính hãng. Có 50.000 mặt hàng đến từ hơn 1.000 thương hiệu với mức giá ưu đãi giảm đến 70% bao gồm các ngành hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang chính hãng, vé máy bay, sách và văn phòng phẩm… 24h vàng mua sắm diễn ra trên trang https://onlinefriday.vn/ và ứng dụng App Online Friday trong ngày 6/12/2019. Theo thống kê của Ban tổ chức, đã có 95.000 sản phẩm chính hãng; 720 doanh nghiệp mới đăng ký tham gia chương trình, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình trên 3840 doanh nghiệp và website bán lẻ. Thống kê đơn hàng từ 50 doanh nghiệp tham gia chương trình, số lượng đơn hàng ước tính trên 1,1 triệu đơn hàng thành công trong 24h ngày 6/12 đạt. Số lượng đơn hàng toàn thị trường đạt trên 3 triệu đơn hàng, tăng 67% so với năm 2018.   Trong 24h ngày 6/12, đã có: 11,9 triệu lượt tương tác trên toàn hệ thống; 35.000 lượt tải app; 1,6 triệu lượt quét QR tham gia các chương trình trúng thưởng; 3992 voucher đặt mua thành công qua hệ thống của Ban tổ chức. Các ngành hàng được quan tâm, bán chạy nhất là công nghệ, mỹ phẩm làm đẹp, sức khoẻ ẩm thực. Góp phần làm nên thành công của Chương trình đó là sự tham gia đồng hành của các đơn vị trong lĩnh vực hạ tầng thanh toán, chuyển phát, xác thực nguồn gốc sản phẩm và hệ thống so sánh giá. Cụ thể, liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng có 2 nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển lớn và uy tín trong thương mại điện tử quốc gia đó là VnPost và Viettel Post đồng hành của chương trình từ năm 2015 đã hỗ trợ cước phí chuyển phát lên đến 100% để thúc đẩy đơn hàng. Hỗ trợ về hạ tầng thanh toán, có Ngân hàng số ViettelPay, VnPay, ZaloPay với các chương trình trợ giá, hoàn tiền khi khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán không bằng tiền mặt; Alliex Việt Nam - nhà đầu tư hạ tầng thanh toán cùng các ngân hàng đã mang đến trải nghiệm dịch vụ thanh toán hiện đại Dynamic QRcode (Qrcode động) trên thiết bị All-In-One POS dùng chung. Cùng đó, hệ thống Icheck xác thực nguồn gốc xuất xứ và minh bạch hóa thông tin sản phẩm giúp người tiêu dùng yên tâm mua hàng. Không thể thiếu là sự đồng hành của hệ thống so sánh giá websosanh.vn để đảm bảo không có việc giảm giá ảo trong chương trình. Ban tổ chức trao giải cho 2 khách hàng may mắn trúng thưởng xe ô tô Faldi Nhằm phổ cập gia tăng trải nghiệm và kích cầu mua sắm online tới đông đảo người dân cả nước, Ban tổ chức còn phối hợp với các đối tác, nhà tài trợ như là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast, Công ty Cổ phần Alliex Việt Nam (Alliex), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt nam (NAPAS) đưa ra những cơ hội may mắn cho người tiêu dùng tham gia các hoạt động trải nghiệm scan mã QR và mua hàng qua hệ thống voucher. Các chương trình diễn ra từ ngày 29/11/2019 đến hết ngày 8/12/2019 tương tác trên cả online lẫn offline, cũng như các nền tảng như mạng xã hội facebook fanpage của Online Friday, truyền hình VTV và trên bức tường voucher tại các địa điểm của sự kiện. Tổng giá trị giải thưởng bằng hiện vật lên đến 2 tỷ đồng bao gồm 2 xe ô tô Fadil; 3 điện thoại Iphone 11, 3 tai nghe Airpod2, 1 xe máy điện Vinfast Clara; 5 sạc sự phòng Anker, 500 thùng bia Tết Habeco... Thông qua hệ thống quay số trúng thưởng được phát sóng trên Tiêu dùng 24h lúc 10h các ngày từ 2/12/2019 đến 8/12/2019 và buổi quay số được tường thuật trực tiếp trên fanpage Trung tâm tin tức VTV24, chương trình đã tìm được chủ nhân sở hữu các giải thưởng có giá trị. Tại buổi họp báo, Ban tổ chức đã công bố triển khai chương trình Online Friday 2020. Ban tổ chức triển khai hoạt động khuyến mại thường kỳ vào mỗi thứ Sáu hàng tuần CHỈ CÓ HÀNG CHÍNH HÃNG "EVERY FRIDAY" đem đến cho khách hàng, người tiêu dùng trên toàn quốc một trải nghiệm mua sắm an toàn, thông tin rõ ràng, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm với mức giá ưu đãi độc quyền. Chương trình đã được thực hiện bắt đầu từ ngày 3/1/2020 trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday (iOS và Android), cho đến hôm nay thứ Sáu ngày 17/01/2020 đã thực hiện được 3 kỳ liên tiếp. Mô hình của EVERY FRIDAY đó là mỗi kỳ campaign sẽ lựa chọn 1 sản phẩm chính của 1 doanh nghiệp sản xuất/ phân phối hàng chính hãng. Hàng Việt Nam uy tín chất lượng sẽ được ưu tiên để phối hợp và thúc đẩy chương trình Gian hàng Việt quốc gia trên sàn thương mại điện tử. Phương Thanh

Ngành Hải quan tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020

TĐKT - Chiều ngày 14/1, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn. Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, Tổng cục Hải quan hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mặt công tác. Điển hình như: Toàn ngành giải quyết thủ tục cho lượng hàng hóa có tổng giá kim ngạch lên tới 517,26 tỷ USD. Toàn cảnh Hội nghị Về các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ trọng tâm, năm 2019, Tổng cục Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách 300.500 tỷ đồng; chỉ tiêu phấn đấu được Bộ Tài chính giao là 315.500 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách và chỉ tiêu phấn đấu năm 2019 ở mức cao nhất, từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 723/CT-TCHQ với 5 nhóm nhiệm vụ chung của toàn ngành và 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể giao cho các vụ, cục thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương. Các mục tiêu, giải pháp quan trọng được đặt ra là tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XN), rút ngắn thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế thông qua công tác phân luồng kiểm tra hàng hóa tại khâu thông quan, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại… Cùng với các giải pháp của ngành Hải quan, một yếu tố thuận lợi trong công tác thu năm qua là trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam có sự tăng trưởng khá, cả năm 2019 đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó, một số mặt hàng có số thu lớn như than đá tăng 92,5% về lượng, 48,8% về trị giá làm tăng thu khoảng 3.400 tỷ đồng; dầu thô tăng 47,1% về lượng, 31% về trị giá giá làm tăng thu khoảng 2.100 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng 70,7% về lượng, 72,6% về trị giá, làm tăng thu khoảng 16.500 tỷ đồng... Nhờ đó năm 2019, ngành Hải quan đã đạt được kết quả thu đáng khích lệ 348.721 tỷ đồng, đạt 116,05 % dự toán, 110,5% so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,0 % so với năm 2018. Đây cũng là kỷ lục thu ngân sách lớn nhất của ngành Hải quan trong lịch sử hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành. Đối với công tác chống buôn lậu, năm 2019, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong lĩnh vực chống buôn lậu, dấu ấn nổi bật liên quan đến công tác kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp; đấu tranh với tội phạm ma túy. Năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp, nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, cơ quan Hải quan, tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế. Phối hợp với các bộ, ngành thống nhất và trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra xác minh thông tin vụ việc Công ty CP Tập đoàn ASANZO và đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Cùng với đó, cơ quan Hải quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm một số vụ việc nhập khẩu hàng hóa (là ô tô nguyên chiếc) có chứa hình ảnh “bản đồ đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, ngành Hải quan xác định, hiện nay hoạt động của tội phạm về ma túy trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không và chuyển phát nhanh vẫn gia tăng, diễn biến phức tạp xuất hiện các phương thức thủ đoạn tinh vi và buôn bán số lượng lớn. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, năm 2019, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch số 4575/KH-TCHQ (ngày 15/7/2019) về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành Hải quan. Cũng với đó, ngành Hải quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và Bộ Y tế trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma tuý và kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Chính vì vậy, năm 2019, toàn ngành đã tham gia đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ án ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn, nhiều vụ thu giữ tang vật lên đến hàng trăm kg ma túy các loại. Có thể nói, năm 2019, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được Tổng cục Hải quan triển khai tích cực và quyết liệt, nhiều vụ việc vi phạm có số lượng và trị giá lớn được phát hiện và bắt giữ kịp thời như: Ma túy; mặt hàng thuộc danh mục cấm của Công ước CITES (ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác…); buôn lậu xăng, dầu DO, than, khoáng sản, rượu bia, thuốc lá...; hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam; hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... Cùng với các kết quả nổi bật nêu trên, năm 2019 cũng ghi nhận nhiều thành tích của toàn ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; thanh tra, kiểm tra… Hồng Thiết

Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD

TĐKT - Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước. Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000 - 2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000 - 2014). Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành và địa phương, thời gian qua Việt Nam đã liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục xuất nhập khẩu hàng hóa, cụ thể: Bước vào năm đầu tiên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt, bốn năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Với thời gian rất ngắn, chỉ 2 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD. Biểu đồ 1: Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục trong xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam Nhờ nỗ lực không ngừng, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD. Biểu đồ 2: Cán cân thương mại của Việt Nam qua các năm và 11 tháng từ đầu năm 2019 Trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 297,87 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn tăng về quy mô trị giá nhưng tốc độ tăng xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp này thấp hơn. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước 11 tháng năm 2019 đạt 15,1%, duy trì 3 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trên 10%. Trước đây, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam. Cụ thể, trong 11 tháng từ đầu năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018; với Hoa Kỳ đạt 68,7 tỷ USD, tăng 24,5%; với Hàn Quốc đạt 61,4 tỷ USD, tăng 1,8%; với Nhật Bản đạt 36,3%, tăng 4,6%. Trong 11 tháng ừ đầu năm 2019, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng xuất sang thị trường Trung Quốc và ASEAN tăng chậm lại, xuất sang Liên minh châu Âu (EU28) giảm nhẹ. Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ việc triển khai các Nghị quyết như Nghị quyết: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 35/NQ-CP, 36a/NQ-CP, 19/NQ-CP... Qua đó, đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Hải quan, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, cải cách thể chế, hiện đại hóa hải quan. Theo đó, cụ thể: Tính trong 11 tháng từ đầu năm 2019 đã có 12,1 triệu tờ khai làm thủ tục hải quan, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 6,1 triệu tờ khai xuất khẩu, tăng 11,6% và gần 6 triệu tờ khai nhập khẩu, tăng 5,1%. Số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,94% tổng số tờ khai làm thủ tục hải quan. Số lượng doanh nghiệp khai theo phương thức điện tử chiếm 99,98%. Trị giá khai theo thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,34%. Số thu ngân sách hải quan theo phương thức điện tử chiếm 96% tổng số thu ngân sách hải quan; số thu theo phương thức thanh toán 24/7 chiếm 8,3% tổng số thu ngân sách hải quan trong năm 2019. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 10/12/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,7 triệu hồ sơ của khoảng 34 nghìn doanh nghiệp. Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Tính đến ngày 10/12/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 144,7 nghìn; trong đó, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước thành viên ASEAN là 188,7 nghìn. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD). Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Chính phủ sẽ tiếp tục công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch. Hồng Thiết  

Quảng bá nông thủy hải sản tỉnh Gyeongsangbuk-do tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 11/1, tại Indochina Plaza Hà Nội, Chương trình quảng bá nông thủy hải sản tỉnh Gyeongsangbuk-do (gọi tắt là Gyeongbuk) chính thức khai mạc. Chương trình do Công ty TNHH Thương mại K&K toàn cầu và tỉnh Gyeongbuk phối hợp thực hiện tại chuỗi siêu thị K-market trên toàn quốc. Các đại biểu nhấn nút khai mạc Chương trình Chương trình giới thiệu các sản phẩm nông thủy hải sản thơm ngon của tỉnh Gyeongbuk đến với người tiêu dùng Việt Nam. Điển hình là một số sản phẩm chế biến từ mực như mực khô tẩm mật ong và bơ, mực nướng vị thịt bò, mực khô đậu phộng, mực elvan...; một số loại nước sốt đặc trưng như nước sốt kiều mạch, nước sốt bánh gạo, nước sốt trộn vị gà cay... Bên cạnh đó là những loại hoa quả tươi ngon như táo, lê. Gyeongbuk nằm ở phía đông của Hàn Quốc, là tỉnh lớn nhất Hàn Quốc với bờ biển dài 335 km. Với vị trí thuận lợi, nền ẩm thực nơi đây rất phong phú và đa dạng, nhất là nguồn nông sản và thủy hải sản. Tham dự Chương trình, thực khách được trực tiếp trải nghiệm hương vị của các sản phẩm nông thủy hải sản thơm ngon Ông Kim Jong-su, Giám đốc Sở lưu thông nông thủy sản Gyeongsangbuk-do cho biết: Nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển, từ năm 2016, tỉnh Gyeongbuk đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam với 3-4 chương trình/năm. Thông qua các hoạt động này, sản lượng nông thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh sang Việt Nam ngày càng tăng cao, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các chuyến tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm nuôi trồng, sản xuất giữa các doanh nghiệp, nông dân, cán bộ hợp tác xã của hai nước. Hy vọng rằng thời gian tới, các sản phẩm của tỉnh sẽ tiếp tục được nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến và ưa chuộng. Phương Thanh

Ra mắt sản phẩm xe điện Pega eSH

TĐKT - Chiều 11/1, Pega Việt Nam ra mắt thị trường mẫu xe điện eSH 2020 với giá bán 29,9 triệu đồng. Ông Đoàn Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty xe điện Pega giới thiệu về Pega eSH Pega eSH có kích thước dài 2.230mm, cao 1.150mm và rộng 750mm; chiều cao yên xe là 780mm, trọng lượng xe 155 kg, tải trọng đến 250 kg. Tầm hoạt động của xe đạt 120 km sau mỗi lần sạc đầy tự ngắt là 8 tiếng, vận tốc tối đa đạt 65km/giờ và đạt vận tốc tối đa chỉ trong 3 giây. Ông Trương Mạnh Hà, Giám đốc sản phẩm của Pega cho biết: Pega eSH được trang bị động cơ PMSM thế hệ mới nhất cho công suất cực đại 4.000W và mô-men xoắn 140Nm. Động cơ dùng công nghệ này đang được ứng dụng trên các phương tiên, thiết bị có hiệu suất cao như các mẫu xe Tesla3, Chevy Bolt, Nissan Leaf. Động cơ PMSM được trang bị nam châm vĩnh cửu tiết kiệm năng lượng đến 10% và chống nước đạt tiêu chuẩn IP67 có thể kháng nước ở độ sâu 1m trong thời gian 30 phút. Pega eSH có hình dáng khá tương đồng với chiếc xe ga cao cấp Honda SH Xe vẫn sử dụng ắc quy chì, dung lượng 32Ah, điện áp tiêu chuẩn 72v, tuổi thọ ắc quy từ 4-5 năm. Pega eSH có 2 chế độ lái thông minh là Eco vận hành theo chế độ tiết kiệm nhất và chế độ Sport vận hành theo chế độ mạnh nhất. Điểm đáng chú ý là Pega eSH được trang bị công nghệ chiếu sáng Full Led 2 tầng với khả năng chiếu sáng rộng và độ bền đến 15.000 giờ hoạt động; màn hình LCD cỡ lớn 8,5 inch hiển thị các thông số hoạt động của xe và không bị lóa vào ban ngày hay dưới ánh đèn vào ban đêm. Mẫu xe được trang bị chìa khóa thông minh Smartkey tự động mở và khóa xe trong phạm vi 3m. Đặc biệt, khởi động xe không cần bấm nút, không cần cắm chìa và khả năng chống trộm tuyệt đối. Pega eSH có một phiên bản duy nhất với 4 tùy chọn màu sắc Ở dưới yên, cốp xe để được 2 mũ bảo hiểm cùng một số vật dụng khác… Pega eSH ra mắt thị trường chỉ một phiên bản với giá bán 29,9 triệu đồng. Nhân dịp này, Pega Việt Nam ưu đãi 2 triệu đồng cho khách hàng đặt xe trước vào thời điểm này và khách hàng sẽ nhận xe vào đầu tháng 3/2020 Phương Thanh

Thành lập Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội

 TĐKT – Ngày 5/1/2020, Hội Doanh nhân Sầm Sơn (Thanh Hóa) tại Hà Nội chính thức được thành lập. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Xí nghiệp sản suất đồ dân dụng bằng vật liệu Compozit được bầu làm Chủ tịch Hội. Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội là tổ chức nghề nghiệp do các doanh nhân quê hương Sầm Sơn đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội tự nguyện thành lập; với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác kết nối giữa các hội viên, tạo diễn đàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh và xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp. Ban lãnh đạo Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội cho biết: Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm khích lệ của ban lãnh đạo UBND TP Sầm Sơn, Hội đồng hương Sầm Sơn tại Hà Nội, Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Đây là món quà tinh thần vô giá vô cùng lớn đối với những người con quê hương Sầm Sơn để các anh chị em trong Hội không ngừng phát triển sự nghiệp của bản thân, của doanh nghiệp mà còn là lời nhắc nhở luôn hướng về quê hương trong mọi hoàn cảnh.  Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội sẽ là nơi tập hợp và giúp các hội viên có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ tình cảm, động viên nhau vượt qua khó khăn, đẩy mạnh những hoạt động hướng về quê hương như: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp. Đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển bền vững quê hương Sầm Sơn nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. DANH SÁCH BAN LÃNH ĐẠO VÀ CỐ VẤN CỦA HỘI DOANH NHÂN SẦM SƠN TẠI HÀ NỘI 1.  Ban lãnh đạo gồm: -    Chủ tịch Hội Doanh nhân Sầm Sơn tại Hà Nội: Ông Nguyễn Xuân Tiến, giám đốc xí nghiệp sản suất đồ dân dụng bằng vật liệu  Compozit tại Hà Nội, -    Các thành viên: + Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc công ty du lịch NETVIET + Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc công ty Dữ liệu trực tuyến Việt Nam + Ông Phan Tuấn Anh, Giám đốc công ty Cổ phần, đầu tư, phát triển công nghệ mô phỏng Việt Nam. + Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Viễn Đông. 2.  Ban Cố vấn: -    Ông Nguyễn Hữu Hùng, Đại tá, cán bộ Bộ Tư lệnh Thông tin -    Ông Nguyễn Văn Hiều, Đại tá, cán bộ Ban Nội chính Trung ương -    Ông Trịnh Ngọc Thanh, Đại tá, cán bộ Trạm 66, Bộ Quốc phòng -    Ông Nguyễn Hữu Hội, Thượng tá, cán bộ Công an TP Hà Nội -    Ông Văn Đình Hùng, cán bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội -    Ông Phạm Đình Thiện, cán bộ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam        Mai Thảo

Dự báo phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh

TĐKT - Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam thường niên - lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 9/4/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ICC - 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Diễn đàn do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện thường niên về bất động sản (BĐS) công nghiệp quy mô toàn quốc, trọng tâm xoay quanh những vấn đề quan trọng và nóng nhất về bất động sản công nghiệp. Diễn đàn được trao đổi bằng 5 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Toàn cảnh một khu phức hợp bao gồm khu công nghiệp tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định Thị trường hiện có 328 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 256 KCN đã đi vào hoạt động, 72 KCN đang xây dựng, 46 KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy và đang được mở rộng. Theo đó, các chuyên gia đầu ngành về kinh tế và BĐS nhận định phân khúc BĐS công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 sẽ là “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư từ EU và nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đang đẩy mạnh liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, nhằm khai thác triệt để tiềm năng của thị trường công nghiệp - thương mại điện tử - logistics tại Việt Nam. 4 quốc gia đang đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. BĐS công nghiệp cũng đang tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... khi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; Đồng Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam 2020, cho biết: “BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”. Theo đó, BĐS công nghiệp 2020 cũng được dự báo, sẽ là năm của KCN đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng xây sẵn tích hợp các dịch vụ và công nghệ 4.0; năm chuyển đổi KCN từ mô hình truyền thống sang mô hình thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại; năm ưu tiên sử dụng mô hình KCN sinh thái, KCN năng lượng tái tạo. Trong khuôn khổ Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam - lần 2, sẽ có “Hội chợ xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp trong KCN” kết nối các nhà đầu tư phát triển hạ tầng với số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước. Diễn đàn còn là cơ hội cho UBND tỉnh tiếp thị hình ảnh, để thu hút các nhà đầu tư; các nhà đầu tư phát triển hạ tầng tiếp thị, quảng bá các khu công nghiệp đã xây dựng để nâng cao tỷ lệ lấp đầy 100%; các doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn nhà xưởng, khu công nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Phương Thanh  

Hội thảo khoa học “Tiền thuật toán và hoạt động tài chính - ngân hàng”

TĐKT - Ngày 9/1, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiền thuật toán và hoạt động tài chính - ngân hàng”. Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiền thuật toán và hoạt động Tài chính - Ngân hàng” do Khoa Ngân hàng tổ chức Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, những cái nhìn đa chiều về Tiền thuật toán (còn được gọi là tiền ảo) và các hoạt động tài chính - ngân hàng trong những năm gần đây; qua đó giúp cán bộ, giảng viên của Khoa Ngân hàng nói riêng cũng như các vị đại biểu, chuyên gia kinh tế đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa về vấn đề này. Tham dự Hội thảo, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường có GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, phòng ban chức năng; về phía Khoa Ngân hàng có TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa cùng các Phó Chủ nhiệm Khoa và tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng phát biểu khai mạc tại Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Ngân hàng mong muốn các bài tham luận được trình bày trong Hội thảo sẽ góp phần đánh giá đúng về Tiền thuật toán, mang đến cái nhìn toàn diện về hình thức, phương thức giao dịch thanh toán của loại hình tiền này trong bối cảnh kinh tế đang phát triển và chịu tác động của nền công nghiệp 4.0 hiện nay. Mang đến Hội thảo tham luận “Bitcoin, Libra – Tiền thuật toán – Thách thức tư duy chính sách”, ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thị trường bitcoin và các tiền ảo khác đã du nhập, hình thành tại Việt Nam từ năm 2013. Mặc dù có rất ít thống kê chi tiết về hoạt động của thị trường song qua số lượng trang thông tin về bitcoin và tiền ảo ngày càng nở rộ trên mạng Internet và việc Việt Nam luôn đứng trong nhóm đầu thế giới về truy cập vào các trang điện tử, các sàn giao dịch lớn trên thế giới như Coinmarketcap, Bittrex có thể đánh giá số lượng người quan tâm đến bitcoin và tiền ảo ở Việt Nam rất lớn và thị trường tiền ảo khá sôi động. Việt Nam đã có những bước đi ban đầu về việc xử lý các vấn đề của tài sản ảo, tiền ảo bằng việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1255/QĐ-TTg, ngày 21/8/2018, “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Chính phủ cũng đã chỉ rõ các bộ ngành chức năng theo nhiệm vụ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hiện trạng pháp lý trong nước và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề trên. Tuy nhiên, hoạt động quản lý đồng tiền này vẫn còn khá nhiều bất cập, chưa thực sự đồng bộ hóa. Trong tham luận “Quản lý tiền mã hóa - Kinh nghiệm quốc tế và Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” của PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại cho rằng, tiền mã hóa (tiền ảo) là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain trong kỷ nguyên của nền công nghiệp 4.0. Sự xuất hiện của các loại tiền mã hóa là một tất yếu trong quá trình phát triển của hình thái tiền tệ, nó đã đem đến sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới. Trong thời gian qua, tiền mã hóa đã và đang chứng minh ưu, nhược điểm của nó trong nền tài chính hiện đại, đem đến cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế kỹ thuật số. Tiền mã hóa là vấn đề rất được quan tâm bởi các nhà quản lý, giám sát tài chính toàn cầu. Chính vì vậy, quản lý hiệu quả tiền mã hóa để biến chúng thành công cụ an toàn trên thị trường tài chính nói riêng và cho toàn nền kinh tế nói chung đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, đồng tiền ảo (bitcoin) đang gây cơn sốt mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, cho đến nay bitcoin bị cấm giao dịch ở Việt Nam, việc sử dụng bitcoin có thể bị phạt nặng. Tuy nhiên, việc sử dụng bitcoin để giao dịch (gửi tiền cho con học ở nước ngoài) hoặc đầu tư có màu sắc đầu cơ đang lan rộng ở Việt Nam. Nhưng việc thiếu một hành lang pháp lý chặt chẽ cho tiền thuật toán là điều bất lợi trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay. Sau khi lắng nghe các chuyên gia kinh tế, ngân hàng trình bày tham luận về Tiền thuật toán và các hoạt động tài chính – ngân hàng hiện nay, Hội thảo đã nhận được nhiều chia sẻ mang tính chất thực tế, gợi mở những vấn đề liên quan đến đồng tiền ảo cũng như cơ chế quản lý hiện hành đối với loại đồng tiền này của các đại biểu tham dự. Đa số đều nhận định rằng, để hình thức tiền thuật toán được sử dụng, lưu hành rộng rãi, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro thì cần phải có một chính sách quản lý thích hợp hơn nữa của các bộ, ban, ngành trong thời gian tới.                                                                                                             Tin: Thu Hương                                                                                                             Ảnh: Việt Anh

Vietnam Beautycare Expo 2020 cập nhật các công nghệ làm đẹp mới nhất

TĐKT - Với tiêu chí cập nhật công nghệ làm đẹp tiên tiến trên thế giới, Triển lãm Quốc tế về Sản phẩm, Công nghệ và Dịch vụ làm đẹp - Beautycare Expo 2020 do Công ty Cổ phần ADPEX, Hiệp hội Dược Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 8 - 11/1/2020 tại Hà Nội. Triển lãm là nơi trình diễn các thiết bị công nghệ, sản phẩm và dịch vụ làm đẹp uy tín và lớn nhất tại Hà Nội, cơ hội hợp tác phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường trong lĩnh vực làm đẹp đáng chú ý nhất trong năm 2020. Với quy mô gần 200 gian hàng, triển lãm trưng bày các dòng sản phẩm: Công nghệ và thiết bị làm đẹp, mỹ phẩm, nước hoa, sản phẩm ngành tóc, ngành móng, thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, máy chăm sóc sức khỏe, thiết bị spa và salon… đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền y học thẩm mỹ phát triển: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Israel, Việt Nam… Triển lãm là nơi trình diễn các thiết bị công nghệ, sản phẩm và dịch vụ làm đẹp uy tín và lớn nhất tại Hà Nội Trở lại với mùa thứ 2, Beautycare 2020 xuất hiện đầy sôi động với các hoạt động từ các chuyên gia làm đẹp hàng đầu, đem tới các phần trình diễn không kém phần thu hút. Bên cạnh đó, có các lễ trình diễn Business Style 2020 với chủ đề doanh nhân “Tâm - Tài - Sắc” của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp và Lễ trình diễn Styles Fashion Kids Xuất sắc - Phong cách - Thời trang - Yêu thích - Ấn tượng của các người mẫu nhí đến từ Câu lạc bộ Timestar. Cùng với đó, Beauty Business Matching là chương trình kết nối giao thương được thiết lập nhằm thúc đẩy các cuộc gặp gỡ giữa các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các chủ salons, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng. Triển lãm là nền tảng giao thương lý tưởng cho các doanh nghiệp trong ngành làm đẹp có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư, tương tác với khách hàng tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng như chia sẻ kiến thức giữa các bên. Vietnam Beautycare Expo 2020 dự kiến đón tiếp khoảng 8.000 khách tham quan trong 4 ngày triển lãm. Phương Thanh

Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm

TĐKT - Sáng 2/1, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các Thứ trưởng Bộ GTVT. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các đồng chí Thứ trưởng dự Hội nghị Với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, ngành GTVT, Bộ GTVT đã khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019, góp phần quan trọng, thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Trong đó, có một số kết quả nổi bật đạt được như tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; quản lý hoạt động vận tải; kết quả tích cực về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường hợp tác quốc tế... Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án được quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng GTVT quan trọng. Các dự án giao thông lớn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ. Đã kịp thời hoàn thành 16 dự án để đưa vào khai thác; hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 dự án… Chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiểm soát tải trọng; giảm ùn tắc giao thông; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước và người dân. Đặc biệt, tai nạn giao thôn giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, người bị thương, giảm so với năm 2018 từ 5-10%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ yêu cầu. Hoạt động hợp tác quốc tế ngành GTVT được triển khai tích cực, hiệu quả; nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Bộ GTVT đứng đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong số 20 bộ/ngành. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT nói chung, Bộ GTVT nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GTVT vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trong đó còn công trình chưa đạt chất lượng như mong muốn, còn thiếu sự kết nối đồng bộ các phương thức vận tải; tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc... Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu năm 2020, Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2020 của Chính phủ, tập trung tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế, chính sách liên quan đến ngành GTVT; bám sát chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung xây dựng, trình các văn bản quy phạm pháp luật, đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải tập trung vào tái cấu trúc cơ cấu vận tải cho hợp lý; lập các quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa…). Tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành. Phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ. Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để thực hiện được những nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát nhiệm vụ, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân. Phương Thanh  

Trang