BTĐKT - Ngày 11/7, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ phát động thực hiện Đề án “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024 - 2025”. Theo đó, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, hỗ trợ kinh phí xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trao kinh phí hỗ trợ tại chương trình
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước chung tay chăm lo, giúp đỡ người nghèo, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản định hướng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động trợ giúp người nghèo, hộ nghèo; xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu…
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh có nhiều nỗ lực, vận động, đóng góp ủng hộ giúp đỡ người nghèo... với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3.026 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ 150 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định đời sống. Qua đó, sau 3 năm (từ năm 2021 - 2023), tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 1,26%, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 1%/năm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, tổng hợp, lập danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện có nhu cầu đề nghị hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở 319 hộ (194 hộ hỗ trợ xây mới, 125 hộ sửa chữa); còn khoảng 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện.
Thực hiện phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, giai đoạn 2024 – 2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu hỗ trợ kinh phí xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2024 đến hết năm 2025. Số tiền người dân được nhận hỗ trợ là 50 triệu đồng với trường hợp xây nhà mới, 25 triệu đồng cho việc sửa chữa nhà.
Phát biểu tại Lễ phát động thực hiện Đề án “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024 - 2025”, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để các hộ gia đình có đủ điều kiện nhận hỗ trợ; tăng cường công tác tuyên truyền về công tác giảm nghèo và chính sách về nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; UBND các huyện, thành phố phối hợp MTTQ cùng cấp chủ động vận động nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án, đảm bảo lộ trình, tiến độ, kế hoạch đề ra theo từng năm và cả giai đoạn.
Ông Dương Văn Tiến cũng mong muốn các hộ gia đình được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cần phải trân trọng những tấm lòng, tình cảm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; tấm lòng của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các đơn vị doanh nghiệp đã trợ giúp; cần phải có ý chí phấn đấu vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại lễ phát động, các nhà tài trợ đã ủng hộ tỉnh Thái Nguyên tổng kinh phí 14 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn kinh phí này, trong đợt thực hiện Đề án, tỉnh sẽ hỗ trợ 319 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới và sửa chữa nhà ở.
Nhân dịp này, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Thái Nguyên đã trao kinh phí hỗ trợ làm nhà cho 35 hộ gia đình (24 hộ xây mới và 11 hộ sửa chữa nhà ở) trên địa bàn các huyện Đại Từ, huyện Võ Nhai và huyện Đồng Hỷ.
Bình Nguyên
Phong trào thi đua
BTĐKT - Chiều 8/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành, trung ương và biểu dương cán bộ nữ công công đoàn tiêu biểu lần thứ 3 năm 2024. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: Trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ luôn là lực lượng quan trọng, có những đóng góp to lớn và tạo nên những dấu ấn đậm nét. Từ khi thành lập và trong suốt quá trình phát triển, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm tới công tác vận động nữ đoàn viên, người lao động, đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp Công đoàn cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương các nữ cán bộ công đoàn chủ chốt tiêu biểu
Những kết quả đạt được của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 95 năm qua có sự đóng góp quan trọng, mang dấu ấn đậm nét của đội ngũ nữ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động. Dù có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau trong công tác chuyên môn, hoàn cảnh, cuộc sống của mỗi người mỗi khác… song các chị đều có một điểm chung, đó là lý tưởng vì đoàn viên, người lao động nữ, đó là tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác công đoàn đặc biệt là trong hoạt động nữ công. Các chị chính là những người chị, người bạn, người đồng nghiệp, người đồng chí gần gũi, tận tụy, tận tâm, trách nhiệm với đoàn viên, người lao động nữ, luôn sát cánh, đồng hành để họ yên tâm lao động, công tác, đạt năng suất tốt, chất lượng cao. Các chị chính là những minh chứng rõ nét, sống động nhất, những bông hoa tươi thắm tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa “người tốt, việc tốt”, khẳng định vai trò và sự đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ công công đoàn các cấp trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động của Công đoàn Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao vai trò Ban Nữ công công đoàn các cấp luôn làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ. Nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em; tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về những vấn đề liên quan đến lao động nữ. Phát động, lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Giao lưu các gương mặt nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp, lồng ghép hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn.
Tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của Công đoàn trong kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, quan tâm sức khỏe, cập nhật kiến thức, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình, việc làm và thu nhập, tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ.
Kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.
Mai Thảo
Thái Bình: Thi đua, khen thưởng hướng về cơ sở, thiết thực và hiệu quả
BTĐKT - Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã phát động, triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các phong trào thi đua hướng về cơ sở, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn. Không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm hộ dân ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ở, phá dỡ nhà cửa, tường bao, cổng dậu để làm đường giao thông. Theo ông Nguyễn Đình Hằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Ấp: Để có được sự đồng thuận từ người dân trong việc tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, đó chính là sự tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và từng khu dân cư. Chính quyền xã, thôn đến tận nhà từng hộ dân để tuyên truyền, vận động để người dân thấy lợi ích của việc hiến đất làm đường. Đến nay trên địa bàn xã An Ấp, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục xã qua khu dân cư bề rộng mặt đường đạt tối thiểu 3,5 mét. Đường trục xã ngoài khu dân cư đảm bảo quy mô tối thiểu nền đường rộng 6,5 mét, mặt đường rộng 5,5 mét. Đường thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Số tiền nhân dân góp quyền sử dụng đất khoảng hơn 10 tỷ đồng. Phong trào hiến đất làm đường giao thông ở xã An Ấp đã và đang lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Những con đường mới sẽ giúp cho việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi hơn. Từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Người dân xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tự nguyện phá dỡ tường bao, cổng dậu để làm đường giao thông Thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Thái Bình đã có những bước chuyển biến rõ nét cả về chất và lượng. Công tác tham mưu, triển khai các phong trào thi đua ngày một hiệu quả, việc hưởng ứng các phong trào do trung ương phát động luôn thực hiện kịp thời bảo đảm yêu cầu và phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực tập trung vào các khâu yếu, việc khó, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Bình thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn tỉnh Thái Bình; “Xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” giai đoạn 2023 - 2030; “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”; “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”; “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”; “Trồng cây vụ đông”; “Chuyển đổi số” giai đoạn 2023 - 2025; “Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Thi đua lao động, sáng tạo, năng suất, chất lượng, hiệu quả”... Các phong trào thi đua được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào do trung ương, do tỉnh phát động, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng tích cực phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tác động của các phong trào thi đua được thể hiện rõ nét trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm, từ đó góp phần tăng cường năng lực quản lý nhà nước, nâng cao đời sống của nhân dân, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động trải nghiệm của cô và trò Trường Mầm non Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình Bên cạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng và việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến cũng được thực hiện nghiêm túc. Công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, hộ gia đình bảo đảm quy trình chặt chẽ, khách quan, chính xác, kịp thời và có tính nêu gương. Khen thưởng đột xuất tăng lên, tỷ lệ người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân được khen thưởng năm sau cao hơn năm trước. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã được triển khai bài bản, có hiệu quả và nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều gương điển hình tiên tiến, các cách làm hay, các mô hình hiệu quả đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm như: Tích cực hoàn thiện các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện. Phát động và triển khai các phong trào thi đua mới phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn. Các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần đoàn kết vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững". Đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng nêu gương, góp phần động viên các tập thể, cá nhân tiếp tục hăng hái thi đua. Phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới thông qua các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ để có hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Thi đua, khen thưởng hướng về cơ sở, thiết thực, hiệu quả sẽ tiếp tục là động lực để các cấp, ngành và người dân nỗ lực đoàn kết thông qua tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt lên những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Bình “Xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. PVLực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình thi đua toàn diện, thiết thực, hiệu quả
BTĐKT - 5 năm qua, phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển đồng đều, vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2024. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang tỉnh đã quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng. Hội đồng, tổ thi đua các cấp thường xuyên được kiện toàn; cơ quan chính trị thực hiện tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn, tổ chức cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp về phong trào thi đua, bám sát vào thực tiễn từng cơ quan, đơn vị. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều biện pháp lãnh đạo xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, nhất là xây dựng các thành phần, thế trận trong khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng đạt chất lượng, hiệu quả. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, chất lượng ngày càng cao. Phong trào thi đua Quyết thắng đã gắn chặt với phong trào “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, hướng vào thực hiện có hiệu quả "ba khâu đột phá". Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” đối với lực lượng thường trực, “Cơ bản, thiết thực, chất lượng” đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Đặc biệt, để tạo động lực và khí thế trong thực hiện các khâu đột phá, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh các cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: “Học toàn diện, luyện toàn năng, quyết tâm giành điểm giỏi”, “Một phút cũng học, một giây cũng rèn”,... đồng thời phát động và đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đầu tư hàng vạn ngày công xây dựng, tu sửa, nâng cấp, làm mới mô hình học cụ, thao trường, bãi tập. Qua trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều cách làm tốt, nhiều mô hình hay như mô hình “Huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”; “Chung tay thắp sáng ước mơ cho em”; “Hũ gạo tình thương”; “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”;... Qua đó, tạo ra phong trào hành động cách mạng rộng khắp, đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu; góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điểm nhấn trong triển khai phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình là quan tâm đúng mức đến xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trên cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Trong giai đoạn 2019 - 2024, có có 2.729 tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Năm 2019, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng “Cờ thi đua xuất sắc”; năm 2023 được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua xuất sắc”. Đại tá Đinh Công Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: Trong giai đoạn mới, phong trào thi đua Quyết thắng của lực lượng vũ trang tỉnh sẽ tập trung vào mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường tiềm lực, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Xây dựng và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến làm mục tiêu, động lực thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển. Đẩy mạnh thực hiện "Ba khâu đột phá" về tổ chức biên chế, huấn luyện và đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và cải cách hành chính quân sự; thực hiện tốt các hoạt động thi đua trọng điểm; gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" với phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức, địa phương. Hà GiangBTĐKT - Quán triệt mục tiêu và yêu cầu đối với nền hành chính nhà nước là phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 90,29%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, để nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp tổng thể. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025; hằng năm ban hành các kế hoạch CCHC, kế hoạch nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sát hợp với tình hình thực tiễn; bố trí đủ nhân lực, phương tiện, kinh phí để đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ hành chính nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của tổ chức, cá nhân, nhất là đáp ứng được yêu cầu tăng cường giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thực hiện liên thông hồ sơ TTHC...
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố Phổ Yên
Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; tuyên truyền các nội dung Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đến người dân tại xóm, tổ dân phố, hộ gia đình; đồng thời mở rộng các kênh thông tin tuyên truyền để người dân dễ dàng nắm bắt, góp ý, phản ánh đối với các chủ trương, chính sách và chính quyền phản hồi, giải trình những khúc mắc của người dân, doanh nghiệp...
Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 38/41 TTHC, đạt tỷ lệ 92,68% trên tổng số TTHC nội bộ được công bố; cắt giảm bình quân 33,2% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ban hành các quyết định công bố 1.240 danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của tỉnh. Các TTHC sau khi ban hành được công khai đầy đủ thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, mức phí, lệ phí nếu có.... dưới nhiều hình thức, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện.
Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, 9 bộ phận một cửa cấp huyện và 177 bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu việc cung cấp giấy tờ, hồ sơ của người dân, tổ chức.
Các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 90,29%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Thái Nguyên giành vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng SIPAS.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên trong công tác cải cách hành chính, tin tưởng rằng mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục được cải thiện, là tiền đề để Thái Nguyên xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Thu Hương
Cựu chiến binh Việt Nam gương mẫu, chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua
Chiều 14-6, tại Hà Nội, đoàn kiểm tra của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương có buổi làm việc với Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhằm kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng từ năm 2022 đến nay. Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra chủ trì buổi làm việc. Tại buổi làm việc, đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng (TĐKT); kết quả tổ chức, triển khai các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng; công tác quản lý nhà nước về TĐKT và những tồn tại, hạn chế trong công tác TĐKT; đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác TĐKT trong Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở các cấp. Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua được Hội Cựu chiến binh Việt Nam quan tâm sâu sát, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác TĐKT hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai có hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Nổi bật là hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Gương mẫu, trách nhiệm, sáng tạo hiệu quả, đoàn kết chung sức đồng lòng phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Toàn hội đã ủng hộ 2,34 tỷ đồng, tổng số tiền vận động ủng hộ 21 tỷ đồng; tặng quà các đối tượng khó khăn sau đại dịch 45.700 suất quà, trị giá 41,27 tỷ đồng. Quang cảnh buổi làm việc. Thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội đã vận động hội viên hưởng ứng phong trào "hiến kế, góp công, góp tiền, hiến đất". Hội viên Hội Cựu chiến binh đã cấp đã hiến hơn 1,1 triệu m2 đất, quyên góp ủng hộ trên 109,5 tỷ đồng và tham gia trên 850.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 1.561km đường giao thông nông thôn; tham gia sửa chữa, xây dựng, nạo vét 1.891km kênh mương nội đồng, 458 cây cầu, cống và trồng hàng vạn cây xanh các loại... Các ý kiến tại buổi làm việc đánh giá, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh các cấp đã tập trung chỉ đạo, tổ chức phát động, triển khai các phong trào thi đua với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu thi đua, biện pháp thực hiện, tiêu chuẩn, đối tượng xét khen thưởng; thực hiện công khai bình xét thi đua theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Chú trọng lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng; quan tâm khen thưởng cấp hội cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, hội viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; huy động đa dạng các nguồn lực giúp cựu chiến binh giảm nghèo, xóa nhà dột nát, nhà tạm góp phần động viên cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Các phong trào thi đua có tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua rõ ràng gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể là một giải pháp quan trọng giúp cho các phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu; nhờ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ chính trị đã đề ra trong quý. Công tác TĐKT đã có nhiều nỗ lực, dần đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật và gắn chặt với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo qdnd.vnĐoàn Kiểm tra của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm việc tại tỉnh Ninh Bình
BTĐKT - Chiều 17/6, Đoàn Kiểm tra của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, do đồng chí Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn từ 01/01/2023 đến 31/5/2024. Quang cảnh buổi làm việc Cùng dự buổi làm việc, có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Đặng Thị Thúy Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Thúy Hà, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ; Triệu Đức Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thành viên Đoàn Kiểm tra. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, đại diện lãnh đạo huyện Kim Sơn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Thi đua, khen thưởng đã thực sự trở thành động lực của sự phát triển, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua được thể hiện rõ nét hơn. Hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng đã từng bước đi vào nền nếp, ổn định; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn. Công tác xây dựng, ban hành các chính sách của tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời, đúng quy định, các văn bản được ban hành cơ bản sát với thực tiễn nên trong quá trình tổ chức thực hiện thuận lợi, ít vướng mắc. Các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nội dung thi đua được gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị; hình thức tổ chức phát động phong phú, đã động viên và thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Công tác khen thưởng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đã chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Quỹ thi đua, khen thưởng của tỉnh đã được trích lập, quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật; tiền quỹ thi đua, khen thưởng luôn đáp ứng đầy, kịp thời trong việc chi cho thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng theo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng và có giải pháp chỉ đạo khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Các kiến nghị, phản ánh của công dân về công tác khen thưởng đã được chỉ đạo xem xét, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Ninh Bình cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và được đưa vào chương trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn khóa và hằng năm. Đồng chí trân trọng đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục quan tâm, chia sẻ để các phong trào thi đua ở Ninh Bình tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Với các phong trào thi đua được triển khai trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ sớm cụ thể hóa, hiện thực mục tiêu, khát vọng, tầm nhìn dài hạn phấn đấu đến năm 2030 Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đồng chí Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Đoàn Kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng của Ninh Bình trong nhiều năm qua, nhất là trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí đề nghị, thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện tốt tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó tạo đột phá, nhân rộng, lan tỏa các mô hình, điển hình trong toàn tỉnh. Đoàn Kiểm tra cũng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Ninh Bình để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. * Trong chương trình công tác, Đoàn Kiểm tra đã làm việc với UBND huyện Kim Sơn và tham quan mô hình điển hình tiên tiến tại huyện: Trạm kiểm soát biên phòng Cồn Nổi thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình); thăm Âu Kim Đài (huyện Kim Sơn), công trình tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình giúp ngăn mặn và tích nước ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn cho giao thông đường thủy trên sông Vạc. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Kim Sơn Đoàn Kiểm tra thăm Trạm kiểm soát biên phòng Cồn Nổi, thuộc Đồn Biên phòng Kim Sơn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình) Đoàn Kiểm tra thăm Âu Kim Đài (huyện Kim Sơn) Phương ThanhAn Thái - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thái Bình
BTĐKT - Phát huy truyền thống của quê hương có bề dày truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến và công cuộc bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) luôn chủ động trong quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. An Thái là xã loại 3 của huyện Quỳnh Phụ, có vị trí nằm cách trung tâm huyện 10 km, với diện tích tự nhiên là 381,9 ha, bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới từ năm 2011; đến năm 2015 thì cán đích nông thôn mới (NTM). Xác định, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên sau khi về đích NTM, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp trên cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã An Thái đã tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Diện mạo khang trang của xã An Thái, nhìn từ trên cao Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp và kế hoạch nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí. Bắt đầu từ khâu quy hoạch, tạo nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển thương mại đến lộ trình đầu tư các công trình..., trong đó tập trung vào các tiêu chí khó cần nhiều thời gian và nguồn lực. Về tạo nguồn vốn, trong 2 năm 2021 - 2022, xã quy hoạch khoảng 3 ha để đấu giá quyền sử dụng đất, thu được 70 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng hạ tầng. Cùng với tạo nguồn vốn, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí, địa phương đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân, nhất là tiêu chí về giao thông với phong trào tự nguyện hiến đất theo tinh thần Thông báo kết luận số 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy để mở đường giao thông. An Thái là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong việc hiến 27.301 m2 đất ở và đất nông nghiệp để làm đường giao thông. Cụ thể, năm 2022, trong xã, có 219 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích đất hiến 27.301 m2: trong đó đất thổ cư là 903,5 m2, đất nông nghiệp là 26.397,5 m2. Năm 2023, toàn xã đã có 143 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích là 5.468,8 m2. Cũng nhờ việc hiến đất mở rộng đường, địa phương quy hoạch khu đất, đấu giá để có nguồn kinh phí xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, khu vui chơi giải trí, điện thắp sáng đường quê... Số tiền có được địa phương không xây mới các công trình mà tập trung sửa chữa, nâng cấp nhằm giảm nguồn vốn. Tính đến hết năm 2023, xã An Thái đã hoàn thành nhiều công trình xây dựng quan trọng, như đường ĐH76, đường ven sông Cô, nhà đa năng trường tiểu học - trung học cơ sở, trường mầm non, trạm y tế và nhiều hạ tầng khác với tổng giá trị hơn 250 tỷ đồng. Cùng với đó, để phát triển kinh tế, xã An Thái đã chú trọng vào phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản. Với tổng diện tích gieo cấy là 240 ha, năng suất đạt 130 tạ/ha, cao hơn mục tiêu đề ra. Nhiều hộ gia đình đã chủ động áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định an ninh trật tự. Hoạt động thương mại dịch vụ tại An Thái cũng phát triển mạnh mẽ, với hàng hóa dịch vụ và giá cả các mặt hàng thiết yếu được giữ ổn định. Các ngành nghề truyền thống như làm hương xuất khẩu, làm giấy tiền, hàng mã đã thu hút trên 500 lao động địa phương, mang lại thu nhập ổn định. Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,25 triệu đồng (đạt so với yêu cầu). Sự chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới tại xã An Thái không chỉ thể hiện ở những công trình hạ tầng hiện đại mà còn ở sự phát triển kinh tế, văn hóa và môi trường sống. Đoàn lãnh đạo trung ương, tỉnh Thái Bình và huyện Quỳnh Phụ về thăm đền A Sào Xã đã phát động các phong trào cải tạo môi trường, trồng hoa, cây cảnh và cây xanh trên các trục đường giao thông, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Công tác giáo dục cũng được chú trọng, với nhiều thành tích đáng ghi nhận trong các kỳ thi cấp tỉnh và quốc gia… Đến nay, qua một thời gian chỉ đạo, quyết tâm, xã hoàn thiện các tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào ngày 11/10/2023. An Thái cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh Thái Bình hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Ngay sau khi địa phương được tỉnh công nhận xã NTM nâng cao, với quyết tâm về đích NTM kiểu mẫu ngay trong năm 2023, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cho thành viên phụ trách từng tiêu chí về thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu, hàng tuần chỉ đạo chuyên môn báo cáo tiến độ thực hiện, đánh giá kết quả, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. UBND xã ban hành quyết định thành lập ban quản lý, ban phát triển các thôn về thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM kiểu mẫu; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Theo quy định của tỉnh, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 cần bảo đảm các tiêu chí: Xã đã được công nhận xã NTM nâng cao; thu nhập bình quân đạt mức quy định, có ít nhất một mô hình thôn thông minh và đạt ít nhất một tiêu chí theo lĩnh vực nổi trội nhất. Đến nay, ngoài việc được công nhận xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 75,25 triệu đồng (đạt so với yêu cầu). Đối với tiêu chí theo lĩnh vực nổi trội nhất địa phương chọn lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với lễ hội truyền thồng đền A Sào nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Riêng về tiêu chí thôn thông minh, hiện nay 5/5 nhà văn hóa thôn của xã đều có đường truyền internet và cung cấp wifi miễn phí bảo đảm, chất lượng dịch vụ, cung cấp ổn định cho tầng lớp nhân dân truy cập... Vì vậy, đến nay, xã An Thái đã xây dựng thành công mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, nhân dân và cán bộ xã An Thái vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Về xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình hôm nay, dễ dàng nhận thấy niềm hân hoan, phấn khởi trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây. An Thái khoác lên mình chiếc áo mới, khi trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Không chỉ là niềm vui, mà niềm vinh dự, tự hào đang lan tỏa đến từng ngõ, xóm, tiếng cười len lỏi trong mỗi gia đình, ai nấy lại thêm quyết tâm để xây dựng quê hương trở thành vùng quê đáng sống. Những thành tựu mà xã An Thái đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đoàn kết, đồng lòng của cả chính quyền và nhân dân địa phương. Với những bước đi vững chắc, An Thái đang ngày càng phát triển, hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng. PVTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- …
- sau ›
- cuối cùng »