Văn hóa - Thể thao

Hội thảo khoa học “Thơ Lục bát với di sản văn hóa dân tộc”

TĐKT - Ngày 4/9, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”, nhằm góp phần xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với di sản văn hóa dân tộc” Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết và ý kiến tham luận của hơn 40 tác giả là những nhà nghiên cứu, nhà thơ có uy tín về thể loại Lục Bát, nhiều người hiện đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội và dẫn chứng thuyết phục, đều khẳng định giá trị và vị thế của Thơ Lục Bát trong di sản văn hóa dân tộc. Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định rằng: Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau, nên dù có làm ăn, sinh sống ở đâu, người Việt cũng yêu thơ Lục Bát. Bởi đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục Bát. Dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội dân tộc. Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm thơ Lục Bát điển hình, là niềm tự hào của người Việt Nam với thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quỳnh - Chủ bút tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ 20 – đã có một câu nói để đời: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn". Suy rộng ra: Thơ Lục Bát còn thì văn hóa Việt Nam còn và văn hóa Việt Nam còn thì dân tộc ta sẽ trường tồn. Bởi thế, Thơ Lục Bát – Sáu Tám rất xứng đáng được tôn vinh không chỉ quy mô một Quốc gia, mà trên cả thế giới. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Thơ Lục Bát - Sáu Tám không chỉ có trong 3254 câu trong kiệt tác “Truyện Kiều”; trong “Tống Trân Cúc Hoa”; trong “Phạm Tải Ngọc Hoa”; trong “Thạch Sanh”; trong “Hoàng Trìu”… Hàng ngàn câu, hàng trăm nhân vật, cảnh ngộ, nỗi niềm… mà chỉ cần “Sáu Tám” là gánh chịu được hết! Có thể nói 14 chữ cộng lại trong 2 câu 6/8 là 14 phép thần thông biến hoá. Có thể thơ nào, có phép vận trù nào huyền ảo, phong phú như thế. Ấy là chưa kể đến một không gian dường như vô tận mà Thơ “Sáu Tám” đã dâng tràn lan tỏa là dân ca: Hàng trăm làn điệu chèo và quan họ có ca từ đều là “Sáu Tám”. Rồi trống quân, cò lả, ví, dặm, nam ai, nam bình, ả đào, chầu văn, ca trù… Các nhạc sĩ dân gian xin cứ “phổ” cho “Sáu Tám” là ai cũng thuộc, cũng nhớ, cũng có thể hát được vài câu”. Ban tổ chức chụp ảnh kỷ niệm với các khách mời tại chương trình Bên cạnh việc khẳng định giá trị của thơ Lục Bát, là quốc thi của Việt Nam và xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của quốc gia, nhiều đại biểu cũng bày tỏ mong muốn có địa phương hoặc tổ chức nào đó sẽ “đăng cai” làm hồ sơ khoa học cho Thơ Lục Bát, trình lên Hội đồng Thẩm định Di sản Văn hóa phi vật thể, để đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là trình lên UNESCO… để Lục Bát được cả thế giới tôn vinh. Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, chính thức diễn ra vào ngày 6/8/2019 (âm lịch) với dự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc bộ Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… không chỉ có các nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục: Sắp đặt các Lục Bát quán, Lễ Rước Thơ, Lễ Phát lộc Thơ Lục Bát… mà còn có nhiều nội dung mới, lần đầu xuất hiện, trước sự chứng kiến của báo giới và công chúng yêu thể thơ truyền thống của dân tộc… Mai Thảo  

Chặng 4 Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019: Loic Desriac nhất chặng, giành áo Vàng

TĐKT - Ngày 4/9, Chặng đua thứ 4 - tính giờ cá nhân đã kết thúc với thành tích tốt nhất thuộc về cua-rơ Loic Desriac (Bikelife Đồng Nai): 10 phút 38 giây 12. KẾT QỦA CHẶNG ĐUA THỨ 4 TÍNH GIỜ CÁ NHÂN Nhất chặng: Loic Desriac (Bikelife Đồng Nai) - 10'38.12 Hạng 2: Trịnh Đức Tâm (Tập đoàn Lộc Trời) - 10'51.36 Hạng 3: Saccani Williams (Velofit Australia) - 10'52.39 Hạng 4: Quàng Văn Cường (Tập đoàn Lộc Trời) - 10'53.77 Hạng 5: Mirsamad Pourseyedi (Hà Nội) - 10'59.92 CÁC DANH HIỆU CÁ NHÂN Áo vàng: Loic Desriac (Bikelife Đồng Nai) Áo xanh: Parra Jordan (Bikelife Đồng Nai) Áo trắng: Quàng Văn Cường (Tập đoàn Lộc Trời)

Chặng 3 Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019: Parra Jordan về nhất

TĐKT - Ngày 3/9, chặng 3 Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 đã diễn ra với lộ trình TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Chiếc áo Vàng của chặng này được trao cho vận động viên mang áo số 22 Parra Jordan của đội Bikelife Đồng Nai. Về thứ 2 là vận động viên số 17 Park Keonwoo, về thứ 3 là vận động viên mang áo số 11 Trịnh Đức Tâm, hai vận động viên này đều thuộc đội Tập đoàn Lộc Trời. Ban Tổ chức còn trao hạng tư, hạng năm, giải cho các vận động viên về nhất, nhì, ba các đoạn Thủy Nguyên (Hải Phòng), Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và Thái Bình. Theo Ban Tổ chức, chặng 3 Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có chiều dài 175 km; đường tương đối đẹp nên tốc độ đoàn đua được đẩy lên rất cao. Chặng đua chứng kiến nhiều pha bứt phá, tăng tốc ngoạn mục. Do chất lượng các vận động viên tương đối đồng đều nên nhiều vận động viên có ý định tách tốp vươn lên nhưng không thể bứt phá khi có sự đeo bám hết sức quyết liệt. Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 quy tụ 12 đội đua mạnh trong nước và quốc tế với hơn 80 vận động viên. Với chủ đề “Hành trình di sản” nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam trên suốt hành trình đoàn đua đi qua với nhiều địa danh nổi tiếng thuộc Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế và kết thúc tại Hội An (Quảng Nam). Cua-rơ Parra Jordan (Bikelife Đồng Nai) đã xuất sắc về nhất chặng 3 giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 ngày 03/9 có lộ trình từ Quảng Ninh đến Ninh Bình Kết quả chặng 3 giải đua xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 Nhất chặng: Parra Jordan (Bikelife Đồng Nai) Hạng 2: Park Keonwoo (Tập đoàn Lộc Trời) Hạng 3: Trịnh Đức Tâm (Tập đoàn Lộc Trời) Hạng 4: George Luis Oconer (Philippine Navy Standard) Hạng 5: Nguyễn Trường Tài (VUS TP.HCM) Sprint 1: (Thủy Nguyên, Hải Phòng) Về nhất: El Joshua Carino (Philippine Navy Standard) Về thứ 2: Ronald Lomotos (Philippine Navy Standard) Về thứ 3: Jan Paul Morales (Philippine Navy Standard) Về thứ 4: Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) Sprint 2: (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) Về nhất: Jan Paul Morales (Philippine Navy Standard) Về thứ 2: Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) Về thứ 3: Ronald Lomotos (Philippine Navy Standard) Về thứ 4: El Joshua Carino (Philippine Navy Standard) Sprint 3: (Thái Bình) Về nhất: Nguyễn Tấn Hoài (Dược Domesco Đồng Tháp) Về thứ 2: Jan Paul Morales (Philippine Navy Standard) Về thứ 3: El Joshua Carino (Philippine Navy Standard) Về thứ 4: Ronald Lomotos (Philippine Navy Standard)                                               Xuân Phúc

Lễ công bố Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019

TĐKT - Sáng ngày 30/8, Lễ công bố Giải xe đạp Quốc tế VTV - Cúp Tôn Hoa Sen 2019 - lần thứ 4 đã diễn ra tại Đài Truyền hình Việt Nam. Để chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt hướng đến kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2019); đồng thời nhằm phát triển và cổ vũ phong trào tập luyện, thi đấu môn xe đạp trên toàn quốc, được sự cho phép của Tổng cục Thể dục Thể thao và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và Tập đoàn Hoa Sen tổ chức Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 - lần thứ 4. Ban tổ chức công bố Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 – lần 4 Đây là giải đấu quy mô quốc tế được tổ chức thường niên. Với thông điệp “Vòng quay lan tỏa”, Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 là giải đấu xuất phát từ thủ đô Hà Nội ngày 1/9/2019, đi qua TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, kết thúc tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày 8/9/2019. Giải đua có tổng giải thưởng 973 triệu đồng. Trong đó, giải thưởng Áo Vàng chung cuộc giá trị 150 triệu đồng, có tiền thưởng cao nhất trong các giải đua xe đạp được tổ chức tại Việt Nam. Giải đấu năm nay quy tụ 12 đội mạnh trong nước cũng như quốc tế, với lộ trình đường đua dài 1.045 km. Danh sách 12 đội tham dự Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019, trong đó quy tụ 6 đội đua trong nước và 6 đội đua quốc tế. Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 gồm 8 chặng đua. Chặng khai mạc diễn ra xung quanh Hồ Hoàn Kiếm tại thủ đô Hà Nội vào ngày 1/9 và chặng cuối của giải diễn ra tại tỉnh Quảng Nam vào ngày 8/9. Với việc quy tụ 6 đội đua trong nước có thành tích thi đấu xuất sắc trong vòng 12 tháng qua và 6 đội đua quốc tế đến từ các câu lạc bộ có các vận động viên tên tuổi hàng đầu, giải đua là cơ hội để các vận động viên bộ môn xe đạp Việt Nam được giao lưu cọ xát thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật, đưa bộ môn xe đạp Việt Nam phát triển và đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Giải xe đạp Quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen 2019 có slogan là “Hành trình di sản” nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam trên suốt hành trình mà đoàn đua đi qua như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An. Đặc biệt, chặng đua kết thúc ngày 8/9 tại Hội An, Quảng Nam cũng đúng vào dịp kỷ niệm kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.                                                                           Đào Xuân Phúc

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác

TĐKT - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền, giáo dục cho mọi thế hệ thông qua những di tích và tài liệu hiện vật có liên quan đến cuộc đời và hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong thời kỳ từ tháng 12 năm 1954 đến những ngày cuối đời của Người ngày 2/9/1969. Xác định rõ trọng trách do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động tại Khu Di tích đã vượt qua mọi gian khổ trong quá khứ, vượt qua mọi thử thách trong hiện tại, góp phần giúp thế hệ ngày nay và tương lai thêm hiểu, thêm trân trọng và phát huy những giá trị quý báu trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị cha già kính yêu của dân tộc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Nhà 67 trong Khu Phủ Chủ tịch Gìn giữ nguyên trạng Khu Di tích Hướng tới mục tiêu gìn giữ nguyên trạng Khu Di tích, giảm thiểu tối đa sự biến dạng, xuống cấp của các di tích so với lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai. Công tác tôn tạo, tu bổ di tích thường niên luôn đảm bảo nguyên tắc: Giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; giải phóng, tước bỏ khỏi di tích các lớp bổ sung gây ảnh hưởng xấu tới giá trị của di tích; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của thời gian và thời tiết. Giám đốc Nguyễn Văn Công báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết quả đạt được trên các mặt công tác của Khu Di tích nhằm hướng tới 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân nên công tác bảo tồn cảnh quan môi trường có tính đặc thù, theo chế độ bảo quản thông thường, định kỳ ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp. Chế độ bảo quản thông thường phục vụ khách tham quan di tích được tiến hành hàng ngày trước lúc khách đến và hết giờ tham quan với các công việc là vệ sinh sân, hè, đường, vườn cây, mặt nước ao cá. Được sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên môn, Khu Di tích luôn thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng, cá, nhân giống, bảo tồn gen cây quý hiếm, cây di tích lịch sử. Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên, người lao động đã giúp diện mạo, cảnh quan môi trường của Khu Di tích được gìn giữ tốt dù năm thập kỷ đã đi qua kể từ ngày Bác đi xa. Đẩy mạnh sưu tầm, kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật được nhận định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Khu Di tích. Tính đến nay, Khu Di tích đã sưu tầm được hàng nghìn tư liệu bao gồm ảnh và các trang tài liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có gần 1.000 hiện vật được xác minh, xây dựng hồ sơ khoa học với đầy đủ các yếu tố lý lịch, bản ghi chép hiện vật, phiếu kiểm kê, lời kể nhân chứng, các bài viết có liên quan, ảnh chụp, bản vẽ thiết kế, sơ đồ định vị… Để bảo quản tốt tài liệu hiện vật, Khu Di tích đã từng bước đầu tư trang thiết bị như: Máy đo độ ẩm, máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ, máy phun ẩm, công nghệ khí khô, đèn chiếu sáng… Việc lắp đặt các thiết bị không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích. Nhiều công nghệ mới được triển khai hiệu quả có thể kể đến là: Xây dựng hệ thống giám sát điều khiển tự động trung tâm kiểm soát các thông số ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm; lắp đặt hệ thống camera, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động… Đoàn sĩ quan Học viện Chỉ huy Tham mưu Indonesia nghe giới thiệu về Di tích Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969 Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Sở hữu đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu năng lực ngoại ngữ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn nêu cao tình thần phục vụ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, Khu Di tích đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục dưới hình thức phong phú: Hướng dẫn thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan, nói chuyện chuyên đề; đăng phát tin bài, chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phim tư liệu; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học… Tính đến năm 2019, Khu Di tích đã đón tiếp, phục vụ chu đáo hơn 80 triệu lượt khách, trong đó có trên 14 triệu lượt khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia. Khu Di tích cũng phối hợp tổ chức thành công hàng trăm buổi lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, lễ phát thẻ Đảng… Có thể nói, Khu Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “trường học lớn” cho các tổ chức đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động cũng như là nhịp cầu hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thảnh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Cao Thị Hải Yến - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Khu di tích chúc mừng BCH Chi đoàn Khu di tích  nhiệm kỳ 2019 - 2022 Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành một trong những đơn vị uy tín trong biên tập, xuất bản các đầu sách chất lượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với 130 đầu sách trong 50 năm qua. Bên cạnh đó, Khu Di tích cũng xuất bản tờ gấp giới thiệu bằng 4 thứ tiếng, 10 bộ bưu ảnh song ngữ Việt - Anh giới thiệu các hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tin tư liệu thường kỳ một năm hai số. Sự ra đời của trang tin điện tử ditichhochiminhphuchutich.gov.vn đã đáp ứng yêu cầu giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong15 năm Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, đồng thời tuyên truyền về hoạt động của Khu Di tích. Con số hơn 10 triệu lượt truy cập tính từ khi xây dựng trang tin đến hết nửa đầu năm 2019 là minh chứng sống động nhất cho vai trò kênh thông tin hữu ích đối với bạn đọc của Trang tin điện tử Khu Di tích. Nhằm đưa hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác tới gần hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, Khu Di tích đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các cuộc triển lãm lưu động, cụ thể trong năm 2018 là: “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất” tại Côn Đảo, Nghệ An và Cà Mau; “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga” tại Nga… Những hy sinh, cống hiến thầm lặng của tập thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hồ Chí Minh; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Minh Phương

Ra mắt cuốn sách: “Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954” - bản tiếng Việt

TĐKT - Chiều 28/8, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954”. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Lễ ra mắt Đây là tuyển tập tư liệu do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga phối hợp biên soạn. Cuốn sách đã được Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga xuất bản bản tiếng Nga năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Năm 2019, nhân dịp năm Hữu Nghị, kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Hữu nghị Việt Nam - Liên Bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tiếp tục biên soạn, xuất bản cuốn sách này trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của công chúng trong và ngoài nước. Phát biểu tại Lễ ra mắt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơnevơ năm 1954 là dấu mốc lịch sử quan trọng, có ý nghĩa thời đại to lớn. Khi nói đến thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ, không thể không nhắc đến hợp tác Xô -Việt trong đấu tranh ngoại giao. Sự giúp đỡ toàn diện với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản của Liên Xô, trong đó có những đóng góp ở Hội nghị Giơnevơ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nhân dân Việt Nam lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Giơnevơ cũng như nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, năm 2017, trong khuôn khổ những nội dung hợp tác đã được ghi nhớ và ký kết giữa lưu trữ quốc gia hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga đã phối hợp biên soạn cuốn sách "Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ 1954." Bản tiếng Việt của cuốn sách dày 900 trang, giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam và Liên bang Nga, gồm những văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các bản điện đàm… về Hội nghị Giơnevơ cũng như phong trào quốc tế và cộng sản ủng hộ hòa bình tại Đông Dương và tình hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 cho đến thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Sách “Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954” trưng bày tại Lễ ra mắt. Cuốn sách cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về Hội nghị Giơnevơ năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Cuốn sách được biên soạn, xuất bản là minh chứng cho sự nỗ lực của các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa hai nước, đóng góp vào mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Nga - Việt. Hồng Thiết

Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”

TĐKT - Ngày 28/8, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp với  Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 3 cơ quan Lưu trữ: Liên Bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Tùng cho biết, Ban Tổ chức triển lãm đã lựa chọn công bố, giới thiệu hơn 100 tài liệu quốc gia hiện đang bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những tài liệu được trưng bày tại triển lãm Triển lãm bố cục 3 phần: Phần I: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; phần II: Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài; phần III: Bản Di chúc thiêng liêng - Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bản Di chúc lịch sử, kết tinh những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Triển lãm được tổ chức tại chính nơi Người đã ở và làm việc trong thời gian dài để thể hiện sự tôn kính và như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Người. Đặc biệt, tại triển lãm này, Ban Tổ chức giới thiệu hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp công chúng hiểu rõ hơn những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, tình hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại lời căn dặn của Người, thêm ý chí, quyết tâm và sức mạnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Người hằng mong muốn; qua đó góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ban tổ chức hy vọng thông qua cuộc triển lãm này, công chúng sẽ có thêm tư liệu để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới. Hồng Thiết

Phát hành đặc biệt bộ tem "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và bộ lịch "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam"

TĐKT - Nhân kỷ niệm 50 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019), ngày 27/8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và bộ lịch "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam". Lễ phát hành bộ tem đặc biệt Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Với ngành bưu điện, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được tôn vinh đặc biệt và là đề tài được khai thác nhiều nhất trên lĩnh vực tem bưu chính. Bộ tem "Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)" thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc với câu trích cuối cùng trong bản Di chúc: "...Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh..." và hình ảnh cờ đỏ sao vàng, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, tạo cảm giác gần gũi, sâu lắng. Blog tem thể hiện sự thống nhất và phát triển của đất nước qua hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bắt nhịp bài ca Kết đoàn cùng cờ Đảng và các thành tựu của đất nước từ khi thống nhất, đổi mới, hội nhập và phát triển. Bộ tem gồm 1 mẫu và 1 blog do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế. Tem có giá mặt 4.000 đ và blog giá 15.000 đ, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng từ ngày 27/8/2019 đến 30/6/2021. Nhân dịp này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh ra mắt bộ lịch đặc biệt chào Xuân 2020 với chủ đề "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam". Bộ lịch được đầu tư công phu từ khâu lựa chọn hình ảnh, nội dung, thông điệp đến việc thể hiện. Bằng bút pháp vẽ ký họa chải nét, phong cách thiết kế độc đáo, màu sắc tinh tế, sang trọng, các tác giả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tươi mới, gần gũi và có sức lan tỏa rộng khắp với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bộ lịch được miêu tả chân thực, sinh động và đầy sáng tạo cùng những sự kiện lịch sử gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, vấn đề biển đảo và quốc phòng, an ninh. Việc phát hành bộ tem “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)" và bộ lịch “Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam” là hoạt động thiết thực thể hiện sự biết ơn sâu sắc, sự tôn kính đối với lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của Đảng, dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của bản Di chúc lịch sử, tổng kết những bài học kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Người trong thời gian tới. Phương Thanh

Chương trình nghệ thuật “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ tổ chức chương trình “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác” vào ngày 31/8. Chương trình sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội Chương trình nhằm ôn lại những lời căn dặn của Người trong Di chúc; điểm lại kết quả thực hiện năm lời thề thiêng liêng tại lễ truy điệu Người của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong 50 năm qua. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người. Những thông điệp đó sẽ được chuyển tải thông qua những thước phim tư liệu, những phóng sự đặc sắc, góp phần làm sáng rõ giá trị to lớn của bản Di chúc là ánh sáng soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó là chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với đất nước, dân tộc và tình cảm của cả dân tộc Việt Nam đối với Người. Chương trình được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp vào lúc 20h00 ngày 31/08/2019 trên kênh Truyền hình Nhân Dân, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội. Trang Lê

Trang