Văn hóa - Thể thao

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật chiến tranh

TĐKT - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 21/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận các kỷ vật chiến tranh của những chiến sĩ đã từng tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh trong cuộc kháng chiến của dân tộc từ nhà văn, nhà báo, Đại tá Đặng Vương Hưng. Trong những năm 2012 - 2015 nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng là người  khởi xướng và trực tiếp tham gia "Cuộc vận động Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân". Bằng tâm huyết, sự nỗ lực, kiên trì của của một người lính đã từng tham gia chiến đấu, nhà văn Đặng Vương Hưng đã có cơ duyên tiếp nhận nhiều tư liệu lịch sử vô giá gửi đến ông từ trong và ngoài nước. Ông luôn nặng lòng với quá khứ, đau đáu với đề tài chiến tranh, đam mê và trân trọng những kỷ vật của những cuộc kháng chiến. Với sự yêu mến và tin tưởng đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà báo Đặng Vương Hưng đã trao tặng cho Bảo tàng một phần tài sản quý giá của mình. Các kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lần này gồm có: 1 tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và 1 phong bì có bút tích của ông Carl W. Greifzu - cựu chiến binh Mỹ, người đã lưu giữ Tập bản thảo trong suốt hơn 30 năm và trực tiếp giao lại cho nhà văn Đặng Vương Hưng. Bản thảo do bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam, quê Bắc Ninh của cựu binh Carl dịch trong thập niên 80 tại Mỹ, gồm 102 trang, được viết bằng bút chì trên hai mặt giấy, với nhiều nét chữ hiệu đính. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Từ bản dịch viết tay này của bà Trần Kim Dung, cựu binh Carl W. Greifzu đã trực tiếp hiệu đính và sử dụng máy chữ gõ thành văn bản hoàn chỉnh (Kỷ vật bản vi tính của Carl W. Greifzu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – TP Hồ Chí Minh) rồi phô tô thêm hàng trăm bản gửi cho các cựu binh Mỹ cùng đọc. Họ nhận ra giá trị của cuốn nhật ký, nên đã tìm cách gửi nội dung về Việt Nam trao lại cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm… Trang đầu Tập bản thảo dịch của Nhật ký Đặng Thùy Trâm Bút tích đề tặng của Carl W. Greifzu ghi trên phong bì Một kỷ vật khác cũng được ông trao tặng Bảo tàng Phụ nữ đó là lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay nhân kỷ niệm quân dân tỉnh Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2700. Bà Hà Thị Quế tặng cho ông Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) là người cha của nhà văn Đặng Vương Hưng, cũng là một trong 4 đảng viên đầu tiên của Chị bộ Đảng huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Lọ hoa của bà Hà Thị Quế      Ngoài ra, ông Đặng Vương Hưng cũng trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 20 lá thư của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - bác sĩ Tạ Lưu và vợ là y tá Cao Thị Nhu viết cho nhau sau kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ. Vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu  Vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu - Cao Thị Nhu hiện nay Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: những hiện vật có ý nghĩa hơn khi tại nội dung trưng bày phụ nữ trong lịch sử của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang giới thiệu về nhân vật Đặng Thùy Trâm, Hà Thị Quế và những lá thư thời chiến. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ bổ sung và làm giàu thêm thông tin về những những nhân vật qua những hiện vật quý giá này để mang những giá trị lịch sử cho thế hệ Việt Nam hôm nay.           Mai Thảo

Triển lãm “70 năm đền ơn, đáp nghĩa”

TĐKT - Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “70 năm đền ơn, đáp nghĩa” từ ngày 25/7 - 27/7, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật  Việt Nam, số 02, Hoa  Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã cống hiến xương máu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thông qua các hoạt động tại Triển lãm, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Qua đây, khơi dậy các nguồn lực trong xã hội, tạo sự chuyển biến về hành động nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Triển lãm gồm 3 phần. Phần 1 trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phần 2 trưng bày thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phần 3 trưng bày toàn xã hội với phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” - đây là phần trưng bày tổng hợp của các đơn vị tham gia Triển lãm “70 năm đền ơn, đáp nghĩa”, sẽ cho thấy một bức tranh tổng quan  về sự quan tâm của toàn xã hội với phong trào đền ơn, đáp nghĩa. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Triển lãm còn có phần giới thiệu và trưng bày sản phẩm của các cá nhân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là thương binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách. Họ là những tấm gương vượt khó, tàn nhưng không phế, vừa đóng góp xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc, vừa thể hiện sự năng động trong sản xuất, kinh doanh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Thục Anh

Hà Nội: xây dựng và triển khai mô hình 'Điểm du lịch không khói thuốc'

TĐKT – Nhằm xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc và tăng cường hoạt động thanh tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn TP Hà Nội, vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND về việc triển khai phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2017-2018. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc trên toàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá cho thành viên Ban chỉ đạo các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã và nhân dân trên địa bàn thành phố. Đền Ngọc Sơn Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách Để cụ thể hóa kế hoạch đề ra, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính và “Nhà hàng không khói thuốc”, TP Hà Nội sẽ xây dựng và triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc”, tập trung vào các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn: đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long,... Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và triển khai điểm tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Xây dựng các tiêu chí đánh giá để xét thi đua hàng năm, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm hút thuốc lá theo quy định hiện hành; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Hưng Vũ

Họp báo Chương trình Hòa nhạc Toyota 2017

TĐKT – Chiều 18/7, tại Hà Nội, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) họp báo giới thiệu Chương trình Hòa nhạc Toyota 2017 (Toyota Concert 2017). Chương trình được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN), dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm nay, bên cạnh 3 đêm diễn tại Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/8 và Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 25/8 và 26/8, lần đầu tiên Chương trình sẽ tổ chức 1 đêm diễn tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 19/8. Với chủ đề chung xoay quanh “Những bản tình ca lãng mạn”, các đêm diễn năm nay tiếp tục được tổ chức dưới sự dẫn dắt của vị nhạc trưởng Nhật Bản giàu kinh nghiệm Honna Tetsuji, cùng sự góp mặt lần đầu tiên của nghệ sĩ Piano trẻ tài năng Nguyễn Việt Trung và 2 nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc truyền thống Đăng Dương và Đào Tố Loan. Trong đêm nhạc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Chương trình sẽ đem đến cho khán thính giả yêu nhạc cổ điển hai nhạc phẩm nổi tiếng: bản Piano Concerto số 2 cung Fa thứ op. 11 của F. Chopin và bản giao hưởng số 3 cung Fa trưởng op. 90 mang kết cấu hoàn mỹ của J. Brahms. Với chủ đề chính “Giai điệu dành tặng những mối tình dang dở”, xuyên suốt Chương trình là hai câu chuyện tình lãng mạn đậm chất cổ điển nhiều màu sắc, vốn là những lời tâm sự sâu kín, được thể hiện bằng chất liệu âm nhạc đầy tinh tế của các tác giả dành tặng những bóng hồng của đời họ. Họp báo Chương trình Hòa nhạc Toyota 2017 Đêm nhạc tại Vĩnh Phúc hứa hẹn sẽ mang tới cho khán thính giả nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng, là sự giao thoa đầy chất sáng tạo giữa những trích đoạn giao hưởng nổi tiếng thế giới của J. Strauss, J. Brahms, A. Dvorák đan xen với những khúc ca vàng Việt Nam sống mãi cùng năm tháng. Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng Giám đốc TMV chia sẻ tại họp báo: “Bên cạnh mục đích góp phần phổ biến âm nhạc hàn lâm tới đông đảo người yêu nhạc Việt Nam, từ đó làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, Chương trình cũng sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực khi toàn bộ số tiền bán vé của Hòa nhạc Toyota 2017 tiếp tục được sử dụng cho chương trình Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam. Tính đến năm 2016, chúng tôi đã trao tặng 730 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên xuất sắc của 5 trường âm nhạc trên cả nước, góp phần khích lệ tinh thần học tập và nâng cao kỹ năng để các em có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ trong tương lai, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc hàn lâm của Việt Nam.” Phương Thanh

Liên hoan Guitar fingerstyle quốc tế IFSGF năm 2017

TĐKT - Trong tháng 7/2017, Liên hoan Guitar fingerstyle quốc tế IFSGF sẽ diễn ra lần thứ ba tại Việt Nam. IFSGF là liên hoan guitar quốc tế chuyền về dòng fingerstyle được tổ chức thường niên từ năm 2010 tại châu Á. Với sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các nước, Liên hoan năm nay mở màn tại Việt Nam vào ngày 18/7 tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội và 19/7 tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Tiếp theo là Đài Loan, Hàn Quốc và cuối cùng là Trung Quốc ngày 30/7. Gặp mặt báo chí giới thiệu Liên hoan Với sự tham gia biểu diễn của 5 nghệ sĩ nổi tiếng: Justin King (Mỹ), Jacques Stotzem (Bỉ), Agustin Amigo (Tây Ban Nha), Akihiro Tanaka (Nhật Bản), Duy Phong (Việt Nam),  Liên hoan hứa hẹn sẽ là một sự kiện âm nhạc, giao lưu văn hóa đầy ấn tượng trong mùa hè này. Đến với Liên hoan, các khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội được thưởng thức sự đặc sắc, phong phú của các phong cách guitar fingerstyle trên thế giới. Fingerstyle là thể loại guitar độc tấu mới mẻ, phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây. Chỉ với một cây guitar, người chơi có thể mang đến âm thanh của cả một ban nhạc. Fingerstyle tạo ra cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về cây guitar và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với nền guitar của nước ta hiện nay. Minh Phương

Lễ trao giải tác phẩm văn học viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, người có công

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 70 Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), chiều ngày 17/7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh - liệt sĩ. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 42 giải thưởng tặng các tác giả. Giải tôn vinh được trao tặng các tác giả: Lê Văn Ba với tác phẩm "Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược"; Đặng Vương Hưng (biên soạn) tác phẩm "Mãi mãi tuổi 20"; Minh Chuyên với tác phẩm "Người không cô đơn".  Ba giải nhất thể loại văn xuôi thuộc về các tác giả: Hoàng Đình Quang với tác phẩm "Những ngôi sao của mẹ"; Hồ Duy Lệ với tác phẩm "Dặm đường gian truân"; Nguyễn Tam Mỹ với tác phẩm "Máu và tội ác". Ban Tổ chức đã trao 6 giải nhì, 5 giải ba, 6 giải tư cho các tác giả đoạt giải. Thể loại thơ, không có giải nhất; có 2 giải nhì, 11 giải ba, 5 giải tư đã được trao cho các tác giả đoạt giải. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, được phát động từ tháng 1 đến tháng 6/2017, cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ, người có công đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ các nhà văn, nhà thơ, các cây bút chuyên nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc, với hơn 800 tác phẩm tham dự cuộc thi. Nhiều tác phẩm mới sáng tác chưa từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Tổ chức đã làm việc khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc chọn ra 42 tác phẩm tiêu biểu để trao các giải thưởng. Các tác giả đạt giải nhất văn xuôi viết về đề tài thương binh – liệt sĩ Các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về đề tài thương binh, liệt sĩ được xét chọn trải dài suốt 70 năm (từ năm 1947 đến năm 2017). Nhiều tác phẩm văn học tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc, đi cùng năm tháng, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam, hun đúc ý chí, quyết tâm, lý tưởng cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên nhập ngũ lên đường cầm súng chiến đấu với quân thù vì độc lập, tự do, hòa bình thống nhất của Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã có hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh dũng chiến đấu, hy sinh. Đây là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật và trong các tác phẩm này, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là hình tượng các thương binh, liệt sĩ, những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu luôn hiện lên đẹp đẽ, có sức trường tồn với thời gian. Tất cả đều nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả, lòng biết ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc tới gia đình các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và các thế hệ văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc, thể hiện tình cảm, tấm lòng tri ân đối với người có công trong cả nước. Bộ trưởng mong muốn các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia cuộc vận động sẽ tiếp tục đi vào lòng bạn đọc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, dựng xây đất nước. La Giang

Hà Nội: lần đầu tiên cho phép bán đấu giá cổ vật

TĐKT - Ngày 10/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần đấu giá số 5 – Quốc gia (NALAF) đã công bố tài liệu về cuộc bán đấu giá cổ vật có giá trị lịch sử - văn hóa, bộ trang sức gắn 2 viên đá Ruby sao Yên Bái, Việt Nam. Đấu giá viên Quản Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đấu giá số 5 – Quốc gia cho biết, UBND TP Hà Nội đã cho phép bán đấu giá cổ vật tại Hà Nội đối với 3 cổ vật Việt Nam là chiếc “Bình đồng” của nền văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng 2000 năm, “Thạp gốm hoa nâu” đời nhà Trần (thế kỷ 13-14) và “Hộp Pháp lam Hoàng cung” của thời đại nhà Nguyễn (giữa thế kỷ 19), đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn thuộc dạng quý hiếm được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất. Quang cảnh họp báo Tại cuộc bán đấu giá, công ty sẽ đưa ra bán đấu giá đối với Bộ trang sức gắn hai viên đá quý Ruby sao (star Ruby) là loại đá quý hiếm nhất trên thế giới và hiện chỉ có vài nơi trên thế giới còn, đó là mỏ đá quý Tân Hương, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai viên đá quý Ruby sao với kim cương tự nhiên và vàng trắng đã tạo nên một bộ trang sức đầy huyền ảo và lộng lẫy. Đặc biệt hai viên Ruby sao trong bộ trang sức có những nét đẹp hoàn hảo như màu đỏ tươi hấp dẫn phân bố đều trên cả viên, độ trong cao và những cánh sao cân đối, rõ nét. Không chỉ có cổ vật và đá quý, cuộc bán đấu giá còn có những tác phẩm nghệ thuật được làm nên từ nghệ nhân làng nghề làm quỳ vàng Kiêu Kỵ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Năm pho tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dát vàng được đưa ra đấu giá lần này chính là kết tinh tâm huyết của những nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ. Họ đã dồn bao công sức với những công đoạn đòi hỏi sự kiên trì cùng những kỹ thuật tỉ mỉ để cho ra đời một bộ sản phẩm. Tất cả những tài sản đưa ra bán đấu giá đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan thẩm quyền cấp để đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của tài sản. Hồng Thiết

Phát động cuộc thi “Tài sắc Tràng An”

TĐKT – Sáng 8/7, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo phát động cuộc thi “Tài sắc Tràng An”. Cuộc thi do Công ty cổ phần Thương mại Gia Phạm đã lên ý tưởng và tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Hiệp hội Thiết kế mẫu và Sáng tạo Mỹ thuật Việt Nam và Hội Truyền thông Hà Nội. Cuộc thi “Tài sắc Tràng An” được tổ chức, nhằm tìm kiếm, tôn vinh và quảng bá nét đẹp truyền thống của người con gái Kinh kỳ đất Bắc, đồng thời tôn vinh giá trị chân – thiện – mỹ và giữ gìn giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Cuộc thi hướng đến đối tượng là những người con gái đến từ miền Bắc, trong độ tuổi từ 16 – 28, có chiều cao từ 1m60 trở lên. Các thí sinh dự thi phải hội tụ đủ các tiêu chí về sắc đẹp, trí tuệ, lòng nhân ái, sự năng động, tự tin, sáng tạo trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó, yếu tố tài năng được đặc biệt chú trọng. Họp báo chương trình Tài sắc Tràng An năm 2017 Nhằm bảo tồn và thăng hoa những giá trị văn hóa Việt, Ban Tổ chức cuộc thi "Tài Sắc Tràng An" năm 2017 lần đầu tiên sẽ khôi phục những vẻ đẹp tinh tế của phụ nữ Kinh kỳ đất Bắc theo hướng lấy chất liệu và cảm hứng từ giới thành thị và hoàng tộc xưa, sử dụng công nghệ hiện đại để tôn lên vẻ sang trọng, quý phái, cùng tài năng của người con gái hiện đại. Đây là những thiết kế tinh tế, từ chất liệu, cách phối màu và điểm nhấn họa tiết thêu mang đậm nét tinh hoa văn hóa, tôn vinh hình ảnh người con gái với thông điệp “Tài sắc vẹn toàn”, nhằm làm mới việc quảng bá vẻ đẹp thuần Việt ra thế giới. Cuộc thi sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ, gần gũi của các làng nghề truyền thống, xây dựng được các tour du lịch cho khách quốc tế thông qua các Đại sứ quán, xây dựng nét đẹp và trân trọng những giá trị văn hóa cổ xưa. Đồng thời, tôn vinh vẻ đẹp phục hưng của quốc phục Việt Nam. Cuộc thi cũng gửi thông điệp đến bạn bè trong nước và thế giới, đặc biệt là các bạn trẻ về một nền văn hóa mỹ quan lâu đời và nét đẹp vốn có; thực hiện gắn kết hội nhập và quảng bá du lịch, văn hóa của các làng nghề truyền thống Việt Nam; cam kết gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc vùng miền. Ban Tổ chức cuộc thi Tài sắc Tràng An 2017 sẽ trao danh hiệu hoa khôi và Vương miện trị giá 500.000.000 đồng cho thí sinh xuất sắc nhất. Ngoài ra, Á khôi 1 sẽ nhận được Kỷ niệm chương trị giá 300.000.000 đồng; Á khôi 2 nhận được Kỷ niệm chương trị giá 200.000.000 đồng . Đêm chung kết cuộc thi dự kiến được tổ chức vào ngày 28/8/2017 tại 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Mai Thảo

Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

TĐKT - Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 24/7 - 30/7. Tuần phim do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Điện ảnh Quân đội Nhân dân... phối hợp tổ chức. Lễ khai mạc Tuần phim sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ vào tối 24/7. Hai bộ phim được chọn chiếu khai mạc là: Phim truyện mới “Mắt biển”- đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) và phim tài liệu: “Ta còn gửi lửa trong than” - đạo diễn Phan Minh Sơn (Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất). Hai phim tài liệu khác được chọn chiếu trong Tuần phim là “K10” của đạo diễn Vương Khánh Luông (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất) và “Tầng sâu bình yên” - đạo diễn Phạm Hồng Thắng (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất). Trong khuôn khổ Tuần phim, Cục Điện ảnh cũng tổ chức đoàn cán bộ, nghệ sĩ gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên của các bộ phim “Mắt biển”, “K10”, “Ta còn gửi lửa trong than”, “Tầng sâu bình yên” tham dự lễ khai mạc; giao lưu với khán giả, cán bộ, thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ; cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu II). Bên cạnh đó, trong Tuần phim, các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh cả nước sẽ chiếu phim phục vụ nhân dân. Trong đó có phim “Chớp mắt cùng số phận”, “Mùa thu không cô đơn”, “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng”, “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, “Bác Hồ với nông dân”, “Đường tới độc lập, tự do”... Trang Lê

Tôn vinh những người đã đổ máu cho đất nước nở hoa

TĐKT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội phối hợp Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa”. Trưng bày sẽ diễn ra từ 4/7 – 30/9/2017, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ngay từ đầu thế kỷ XX, những người con yêu nước Việt Nam kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm, từ việc đầu độc binh lính Pháp tại Hà Nội (năm 1908), ném bom vào khách sạn Hà Nội và ám sát Tuần phủ Thái Bình – Nguyễn Duy Hàn (năm 1913) đến các cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (năm 1917), khởi nghĩa Yên Bái (2/1930). Một du khách xúc động trước góc trưng bày Còn mãi tuổi 20 Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều nghĩa sĩ bị bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác. Phần lớn trong số họ bị thực dân Pháp hành quyết rồi treo thủ cấp giữa chốn đông người để thị uy. Giữa sự sống và cái chết cận kề nhưng ánh mắt của những người anh hùng vẫn ngời sáng, không hề phảng phất chút sợ hãi. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ được tái hiện ở 4 nội dung chính tại trưng bày “Thép nơi ngục lửa”: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng; Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau; Còn mãi tuổi 20; Nặng nghĩa tri ân. Những bức ảnh đã đi vào lịch sử, gây chấn động Đông Dương lúc bấy giờ, được giới thiệu trong tổ hợp trưng bày mô hình nhà tù cùng với những ngọn đèn bão, tượng trưng cho sự bền bỉ, chí khí phi thường sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ, giúp người xem cảm nhận rõ hơn lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất của những nghĩa sĩ trước nanh vuốt của quân thù. Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày “Thép nơi ngục lửa” là những bằng chứng sinh động về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, về những người con trung hiếu, đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc. Qua trưng bày “Thép nơi ngục lửa” giúp mỗi chúng ta hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước. Hiểu để nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn để viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại mới, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh - những người nguyện đổ máu để đất nước nở hoa. Mai Thảo

Trang