Xây dựng nông thôn mới

Vinh Sơn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Với những cách làm hay, hiệu quả, có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, xã nông thôn mới (NTM) Vinh Sơn (TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đang tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu. Về Vinh Sơn hôm nay, có thể nhận thấy sự chuyển mình rõ nét của một vùng quê thuần nông xưa kia vốn nghèo nàn, lạc hậu. Giờ đây, những tuyến đường bê tông đã trải dài đến từng ngõ xóm, nhiều khu đất trống, đồi trọc trước kia nay đã được phủ xanh bởi những đồi keo, vạt chè và vườn cây ăn quả sai lúc lỉu; ngoài nghề nông, bà con đã biết làm nghề mộc, xây dựng, may công nghiệp… Vinh Sơn được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Ông Đinh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: trước đây, những tuyến đường nội đồng trong xã còn nhỏ hẹp, lầy lội nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Ở một số xóm, nhà văn hóa được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, do đó các sinh hoạt tập thể bị hạn chế. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chương trình xây dựng NTM và phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn 3,8%; thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm; 100% các đoạn đường liên thôn, nội đồng được bê tông hóa; 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh... Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ phía nhân dân. Gia đình anh Tạ Văn Thảo ở xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn đã vươn lên phát triển kinh tế sau khi được tham gia lớp học nghề chăn nuôi, thú y Khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, Đảng ủy xã Vinh Sơn đã ban hành Nghị quyết chuyên đề với những mục tiêu cụ thể đặt ra cho từng giai đoạn, trong đó vai trò của các Đảng viên được nhấn mạnh. Cùng với đó, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã, ban điều hành ở các xóm để tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai, người dân được bàn bạc, thống nhất và trực tiếp tham gia giám sát ở các phần việc cụ thể nên các công trình xây dựng đều được triển khai đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo. Giai đoạn 2011 - 2015, người dân trong xã đã đóng góp hơn 20 tỷ đồng và hiến gần 23.000 m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình xây dựng cơ bản (trị giá 22,6 tỷ đồng). Cùng với đó, bà con cũng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, từng bước đưa kinh tế của Vinh Sơn đi lên với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả cao. Từ những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM (2011 - 2015), Ban Quản lý xây dựng NTM của xã đã lập kế hoạch xây dựng NTM tiên tiến, điển hình giai đoạn 2016 - 2020. Đây là mô hình tiếp nối của Chương trình xây dựng NTM nhưng ở mức độ cao hơn, mở rộng hơn về một số tiêu chí. Cụ thể, đời sống kinh tế, thu nhập của bà con nhân dân phải được nâng cao hơn; có trục đường giao thông nông thôn tiên tiến điển hình theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải... Căn cứ vào những tiêu chí ấy, giai đoạn 2016 - 2020, xã tập trung vào việc củng cố và nâng cao 6 tiêu chí còn đạt thấp: thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục. Trong số những tiêu chí trên thì tiêu chí thu nhập được xã Vinh Sơn ưu tiên hàng đầu. Với mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, hiện nay, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển 10 - 20 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tổng kinh phí trên 700 triệu đồng) đảm bảo vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, xã đã chú trọng xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn xóm Vinh Quang 3 với diện tích trên 5.000 m2; nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc ở xóm Vinh Quang 1, 2. Để được công nhận xã NTM kiểu mẫu, cùng với việc nâng cao thu nhập thì cơ sở hạ tầng cũng được xã đặc biệt chú trọng. Từ nguồn ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, xã sẽ xây dựng tuyến đường điểm từ UBND xã đi xóm Vinh Quang 1, 2, 3 và xóm Sơn Tía với nền đường rộng 10,5 m (trong đó mặt đường bê tông rộng 5,5 m, lề đường hai bên rộng 2,5 m) được trồng cây xanh 2 bên, tạo cảnh quan, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng sạch đẹp và văn minh hơn. Năm 2017, xã đã lựa chọn xóm Vinh Quang 2 và 3 làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu có tường rào, hệ thống cổng đồng đều, tạo nên điểm nhấn cảnh quan sạch đẹp... Với những bước đi vững chắc và bằng cách làm phù hợp trong xây dựng NTM, những kết quả đã đạt được là một trong những tiền đề quan trọng để xã Vinh Sơn tiếp tục xây dựng xã NTM kiểu mẫu của TP Sông Công. Với mục tiêu ấy, mỗi cán bộ, Đảng viên và người dân xã Vinh Sơn đang nỗ lực hết mình để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra. Minh Phương

Huyện Hoài Đức (Hà Nội) đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT – Sáng 28/11, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tới dự. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, bình quân mỗi xã của huyện Hoài Đức mới đạt trung bình 8,8 tiêu chí. Với phương châm “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, đến cuối năm 2016, toàn huyện đã có 19/19 xã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn huyện Hoài Đức có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư và có bước phát triển rõ rệt. An ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo… Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao danh hiệu Huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Hoài Đức Giai đoạn 2010 – 2016, huyện Hoài Đức đã huy động được 3.260 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của Hoài Đức là việc thực hiện các tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Huyện đã xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung tại 11 xã với tổng diện tích hơn 830 ha để trồng cây ăn quả và rau an toàn. Đặc biệt, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện đã được xuất khẩu sang Malaysia… Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 doanh nghiệp và trên 10.155 hộ sản xuất, kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận. Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó, chú trọng ưu tiên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo. Ưu tiên người có nhu cầu học nghề là người nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Do vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52% (902 hộ), giảm 255 hộ so với năm 2016. Tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt gần 70% (Dự kiến tháng 6.2018, hoàn thành cấp nước sạch tập trung cho 100% xã). Việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là dấu son trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân của huyện. Đây là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức. Đồng thời, cũng là tiền đề để huyện triển khai các bước tiếp theo thực hiện "Đề án xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020". Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: việc đón nhận Bằng đạt chuẩn nông thôn mới là vinh dự, là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Hoài Đức. Thời gian tới toàn huyện cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu giữ vững và nâng cao những tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020. Mai Thảo

Bình Thành (huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre) đón nhận danh hiệu xã văn hóa - nông thôn mới

TĐKT - Sau hơn 2 năm đăng ký thực hiện danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Bình Thành đã tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu theo quy định. Chiều ngày 27/11/2017, UBND huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) tổ chức Lễ công bố xã Bình Thành đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới". Đây là xã văn hóa - nông thôn mới thứ 4 của huyện Giồng Trôm. Ông Phạm Tấn Lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện trao bằng công nhận danh hiệu Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới xã Bình Thành Qua 2 năm phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xã Bình Thành đã đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Thành đã phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh toàn dân, toàn diện, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đến nay, số hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới của xã là 103 hộ, chiếm 3,56%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 91,27%. Chất lượng xây dựng "Gia đình văn hóa", "Ấp đạt chuẩn văn hóa" được nâng cao, số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa năm 2017 đạt tỷ lệ 98%, gia đình thể thao đạt 52,5%. Các ấp văn hóa của xã vận động tốt nhân dân tham gia đóng góp vốn, hiến đất, hoa màu, ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa ở cộng đồng dân cư và cùng nhau góp sức xây dựng xã nông thôn mới. Việc xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở cũng được xã quan tâm thực hiện. Xã hiện có hội trường 200 chỗ ngồi, Nhà thi đấu và các phòng chức năng đều đạt chuẩn theo quy định, có 5/6 nhà văn hóa - khu thể thao ấp, có 42 câu lạc bộ, nhóm sở thích hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao cho nhân dân. Bên cạnh đó, xã cũng làm tốt công tác xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn. Người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Tại buổi lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 2 tập thể và 4 cá nhân của xã Bình Thành được UBND huyện tặng giấy khen có nhiều thành tích trong xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đón nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Thành trong suốt thời gian qua, đây sẽ là tiền đề, động lực thúc đẩy xã Bình Thành không ngừng phấn đấu tiến tới xây dựng thành công xã nông thôn mới trong năm 2017. Văn Thắng  

Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia làm việc với tỉnh Đắk Lắk

TĐKT - Chiều 27/11, Đoàn công tác Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) của Trung ương do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác của Trung ương đi thăm con đường hoa ở xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) Tiếp đoàn có đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh giai đoạn 2016-2020; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, ước tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 30 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, đạt 19,7% kế hoạch; 11 xã đạt từ 17-18 tiêu chí, 21 xã đạt 15-16; 13 xã đạt 13-14; 34 xã đạt 10-12; 43 xã đạt 5-9 tiêu chí. Toàn tỉnh ước đạt 1.854/2.888 tiêu chí, bằng 64,4%, ước tăng 50 tiêu chí so với cuối năm 2016. Trong năm 2017, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp trên 98 tỷ đồng, hiến 87.000 m2 đất, góp hơn 26.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa, nâng cấp hàng trăm km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi... Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng đánh giá, xây dựng NTM của Đắk Lắk còn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình rộng, tình hình dân di cư tự do còn phức tạp làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, hộ nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng... Do đó, tỉnh mong rằng Ban chỉ đạo Trung ương quan tâm hỗ trợ cho Đắk Lắk hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra. Các kiến nghị của tỉnh được Đoàn công tác ghi nhận để sau này có những điều chỉnh và giải pháp phù hợp giúp tỉnh hoàn thành tốt chương trình xây dựng NTM. *Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế về xây dựng NTM tại 2 xã Ea M;nang, Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) và làm việc với UBND huyện. Theo báo cáo của UBND huyện, ước tính đến cuối năm 2017, toàn huyện có 6 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 3 xã đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn, 3 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ; 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đánh giá cao kết quả XDNTM trên địa bàn huyện, tuy nhiên đoàn cũng lưu ý huyện quan tâm đến tiêu chí về môi trường và an ninh trật tự, nhất là vấn đề người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, xử lý rác thải, an ninh nông thôn... Minh Thuận  

Huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có thêm 11 xã về đích nông thôn mới năm 2017

TĐKT - Nhằm thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn đi vào chiều sâu, thực sự có hiệu quả, huyện Bố Trạch đã phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đã có 11 xã về đích NTM. Diện mạo nông thôn huyện Bố Trạch ngày càng khởi sắc Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 285 km đường giao thông nông thôn, 57% số xã đạt tiêu chí thủy lợi, 93% số xã đạt tiêu chí điện, 100% số xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị vững mạnh, 100% số xã đạt chuẩn về an ninh trật tự xã hội. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện có 11 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 1 xã đạt 15-18 tiêu chí, 11 xã đạt 10-14 tiêu chí, 5 xã đạt 5-9 tiêu chí; tỷ lệ bình quân đạt 14,17 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo được chú trọng; nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tình hình chính trị trên địa bàn xã tiếp tục được giữ vững, an ninh trật tự và an toàn xã hội được củng cố và phát huy; các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, hạ tầng thiết yếu của nông thôn ngày một khang trang, bền vững. Một số mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn được hình thành, bước đầu có sự chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên rõ rệt. Phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa trở thành nét đẹp trong mỗi người dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%... Đặng Hà  

Hiệu quả từ mô hình Bể thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ở Yên Thái (Yên Mô, Ninh Bình)

TĐKT- Do thói quen của nhiều nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao bì, chai lọ thường vứt bỏ bừa bãi tại các cánh đồng, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân.Trước thực trạng trên, xã Yên Thái (Yên Mô, Ninh Bình) đã triển khai mô hình Bể bê tông thu gom rác thải, thuốc BVTV và đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình bể chứa rác thải thuốc BVTV sau sử dụng tại Yên Thái (Yên Mô) Xã Yên Thái có tổng diện tích đất canh tác là 484 ha, trong đó đất 2 lúa là 434 ha, đất chuyên màu là 50 ha. Hàng năm, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất của các hộ dân trong xã cao, vì vậy lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng rất lớn. Đặc biệt, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không có chỗ chứa, hầu hết người dân đều có thói quen vứt bừa bãi trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân trên địa bàn. Ông Vũ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết: năm 2016, Yên Thái được chọn là xã điểm của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Xã đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác tốt, cách sử dụng thuốc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly, phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM… Đồng thời, để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV, Sở đã phối hợp với UBND xã Yên Thái triển khai thực hiện mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV qua sử dụng. Từ nguồn vốn tự có và kinh phí hỗ trợ của Sở, hơn 70 bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV đã được xây dựng ở 2 HTX Đông Thôn và Quang Trung. Tại các điểm xây dựng bể chứa đều thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Riêng HTX nông nghiệp Đông Thôn đã xây dựng được hàng chục bể chứa bao gói thuốc BVTV, phủ kín các cánh đồng, trung bình chưa tới 2 ha thì đặt 1 bể. Anh Nguyễn Hữu Hải, HTX nông nghiệp Đông Thôn cho biết: "Trước đây, thường tôi vứt luôn vỏ bao thuốc sau khi sử dụng ở ruộng hay nơi lấy nước. Nhưng từ khi có bể chứa, tôi đều bỏ vào bể. Giờ đồng ruộng không còn thấy vỏ chai, lọ, bao thuốc BVTV vứt lung tung như trước nữa, sạch sẽ và an toàn hơn rất nhiều, đi làm đồng cũng cảm thấy yên tâm hơn vì không lo dẫm phải chai, lọ như trước". Có bể chứa, vỏ bao bì, chai lọ thuốc sau khi đã sử dụng xong sẽ được bà con tự giác thu gom vào thùng. Người nào không có ý thức, vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ bị mọi người nhắc nhở. Ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều. Có thể thấy, mô hình Bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại Yên Thái  bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Với những kết quả tích cực đạt được, trong năm 2017, Yên Thái quyết tâm đầu tư xây dựng thêm khoảng 80 bể chứa nữa để nông dân sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Đạo, vấn đề băn khoăn của xã hiện nay là rác thải từ chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt như các loại rác thải thông thường. Vì vậy, để giảm tác hại với môi trường cần có sự quan tâm của các ngành chức năng, giúp đỡ, hướng dẫn bảo đảm tiêu hủy đúng quy trình, an toàn. Đồng thời, cũng theo ông Đạo, giải pháp mang tính quyết định vẫn là ý thức bảo vệ môi trường của người dân, vì thực tế, nếu địa phương có xây bể để thu gom rác thải nông nghiệp, nhưng vẫn còn một số nông dân không mang các loại rác thải từ thuốc BVTV bỏ vào túi rác thì mô hình không mang lại hiệu quả. Tùng Chi

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định. Nghĩa Hưng là huyện thứ 2 trong tỉnh Nam Định đạt chuẩn NTM Nghĩa Hưng là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nam Định. Tổng diện tích tự nhiên 258,89 km2, có 25 đơn vị hành chính, gồm 22 xã và 3 thị trấn với dân số (năm 2016) là 179.889 người. Nghĩa Hưng có vị trí địa lý, địa hình thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, tài nguyên… khá thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là lợi thế quan trọng để huyện bứt phá về đích NTM. Về sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30-100 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 3.400ha; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Về y tế - văn hóa - giáo dục, Nghĩa Hưng có 2 bệnh viện đa khoa được xếp bệnh viện hạng III và Trung tâm y tế được xếp loại đơn vị y tế hạng III. Nhà văn hóa trung tâm huyện được xây dựng với tổng diện tích 5.267m2 đáp ứng được yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa- chính trị- xã hội của huyện. Huyện có tỷ lệ trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh, 4/6 trường THPT đã đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/người, ước năm 2017 đạt 39,8 triệu đồng/người. Đến tháng 4/2017, huyện đã có 25/25 xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 100% số xã, thị trấn đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 6/2017 Nghĩa Hưng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Về quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch của huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện (đến 30/6/2017) là: 2.301,222 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ công trình cơ sở hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư: 1.310, 265 tỷ đồng; nguồn do xã, thị trấn làm chủ đầu tư 990,975 tỷ đồng. Vốn nhân dân đóng góp chiếm 24,6%. Nghĩa Hưng là huyện thứ hai trong tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện xác định tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí cấp xã và 9 tiêu chí huyện nông thôn mới; phấn đấu các xã xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu; đến năm 2020 toàn huyện có từ 2-3 xã nông thôn kiểu mẫu. Phương Linh  

Xã Châu Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Ngày 26/11, xã Châu Sơn tổ chức Lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và khánh thành trụ sở làm việc mới. Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Châu Sơn đã hoàn thành và đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Đức Vượng trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Châu Sơn Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Châu Sơn. Tuy là xã có xuất phát điểm thấp, năm 2012, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí, song đến nay, Châu Sơn được coi là địa phương điển hình của huyện Duy Tiên, Hà Nam trong việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức dân, trong giai đoạn 2012-2017, xã Châu Sơn đã xây mới và cải tạo nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện dân sinh, đường giao thông nông thôn bê tông, giao thông nội đồng, trường học, công trình nước sạch, trạm y tế… Các công trình đều được đầu tư, nâng cấp khang trang, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, phục vụ thiết thực đời sống của người dân và phát triển sản xuất tại địa phương. Xã Châu Sơn cũng là địa phương đạt nhiều thành tựu khác trong phong trào thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận; phong trào làng vui chơi, làng ca hát; mô hình chăn nuôi giỏi… góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Được biết, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm còn 2,2% trong năm 2017. Mai Hoa    

Hòa Bình: Đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”

TĐKT -  Ngày 25/11, tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), UBND huyện Tân Lạc tổ chức Lễ công bố đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc” cho sản phẩm bưởi đỏ của huyện. Bưởi đỏ Tân Lạc chính thức được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể Những năm gần đây, diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc tăng nhanh. Đến nay, toàn huyện Tân Lạc có khoảng 800 ha bưởi đỏ, trong đó có gần 300 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú. Thu nhập bình quân từ cây bưởi đỏ đạt gần 1tỷ đồng/ha. Để đặc sản bưởi đỏ phát triển bền vững, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi huyện Xuân Mai và một số hộ xây dựng vườn ươm giống bưởi và mua bán, trao đổi theo hình thức giống nông hộ, áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính; đồng thời, triển khai tập huấn, hướng dẫn bà con chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap... Đây là tiền đề để huyện Tân Lạc tiếp tục xây dựng và phát triển một số mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương nhất là cây có múi. Hiện nay, cây bưởi đỏ Tân Lạc đã và đang góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao giá trị và giảm nghèo bền vững. Qua quá trình khảo sát, hướng dẫn, kiểm tra các yếu tố an toàn, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”. Đây là cơ hội để huyện Tân Lạc tiếp tục sản xuất bưởi đỏ, từng bước xây dựng thương hiệu, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện đạt 1.200ha; làm cơ sở cho việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý "Bưởi đỏ Tân Lạc”. Trong dịp này, huyện Tân Lạc đã tổ chức hội chợ nông sản với 50 gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện. Đây là cơ hội lớn để các trang trại, chủ vườn trong huyện giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, phục vụ cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời nâng cao ý thức cho người nông dân về việc sử dụng, giữ gìn và bảo vệ thương hiệu. Nhật Minh

Đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng các xã nông thôn mới

TĐKT - Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long lần thứ 2 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp với UBND huyện Vũng Liêm tổ chức vừa bế mạc. Đây là hoạt động văn hóa nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2017) và 77 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2017). Các tiết mục được đầu tư công phu, chiếm cảm tình của Ban giám khảo và khán giả Diễn ra trong ba ngày (từ 20-22/11), Hội diễn năm nay thu hút sự tham gia của 14 đội văn nghệ quần chúng đến từ các huyện, thị xã có xã nông thôn mới trong tỉnh. Các đội thi đã mang đến nhiều tiết mục ca, múa hấp dẫn, những tiểu phẩm đặc sắc với nội dung ca ngợi phong trào xây dựng nông thôn mới, ca ngợi nét đẹp làng xóm đang từng ngày đổi thay, đồng thời cũng phê phán những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Hiền cho biết, tính đến cuối tháng 10/2017, toàn tỉnh Vĩnh Long có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa, văn nghệ là một trong những yêu cầu cơ bản. Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới lần này là dịp để đánh giá hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng các xã xây dựng nông thôn mới, qua đó phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương. Hội diễn còn là một sân chơi bổ ích để các đơn vị trao đổi kinh nghiệm, khơi dậy sức sáng tạo nghệ thuật, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức đã trao giải A tập thể cho đội văn nghệ quần chúng xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm; trao 12 giải A cho các tiết mục múa, ca múa, ca cổ, tiểu phẩm xuất sắc. Thúy Hằng  

Trang