Xây dựng nông thôn mới

Lãng Sơn về đích xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Ngày 16/12, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Lãng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017. Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tới dự. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Văn Hạnh trao Quyết định đạt chuẩn NTM cho lãnh đạo xã Lãng Sơn Với nền tảng là truyền thống đoàn kết cùng sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, ngành, hơn hai năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Lãng Sơn huy động mọi nguồn lực, đầu tư hơn 13 tỷ đồng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Trong số đó, gần 50% kinh phí do nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, hệ thống điện, đường, trường, trạm... Thông qua các nguồn lực đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn xã Lãng Sơn khởi sắc, đời sống nhân dân nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh, trật tự được giữ vững... Ngay sau khi được UBND huyện lựa chọn tập trung xây dựng về đích NTM trong năm 2017, Đảng ủy xã Lãng Sơn ban hành nghị quyết lãnh đạo, UBND xã xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và 9/9 thôn ký kết giao ước phấn đấu thực hiện thành công. Phương châm chỉ đạo chung là gắn xây dựng NTM với các phong trào thi đua và cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; lấy tinh thần gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên làm trọng tâm và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM là trọng điểm. Quá trình xây dựng, thành công lớn nhất xã Lãng Sơn đạt được là vận động nhân dân đồng tâm, hợp lực. Các hộ dân hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi. Có được kết quả đó, một trong những cách làm sáng tạo ở Lãng Sơn là thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Các quy hoạch, đầu tư xây dựng đều được niêm yết công khai. Chính vì vậy, nhân dân vào cuộc tích cực khi xã xây dựng công trình mới. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, xã Lãng Sơn đã chú trọng làm tốt dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng. Đến nay 9/9 thôn hoàn thành việc dồn, đổi. Cùng đó là đầu tư xây dựng kênh mương nội đồng, các trang thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi, xã đã xây dựng 7 mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa BC15, TBR225, BQ, Đại Dương… góp phần nâng thu nhập cho bà con lên 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Mối liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tăng cường. Song song với việc đầu tư, quy hoạch chỉnh trang lại đất canh tác nông nghiệp, xã Lãng Sơn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Toàn xã cứng hóa 13,5 km đường trục xã, hoàn thành 22,7 km đường làng, ngõ xóm, thi công 16,5 km đường trục chính nội đồng. Ngoài ra, hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Duy trì nghề mộc truyền thống với 69 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, xã Lãng Sơn quan tâm tới xây dựng đời sống văn hóa. Xã hoàn thành xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao quy mô hàng nghìn m2, với đầy đủ các hạng mục như: Nhà văn hóa, sân thể thao, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn. Cùng đó, 9/9 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiêu biểu như công trình nhà văn hóa và trung tâm văn hóa của thôn Ngọc Lâm, tổng diện tích gần 3.000 m2, kinh phí hơn một tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng trong tháng 10-2017. Ông Trần Xuân Cận, Trưởng thôn Ngọc Lâm cho biết: “Mặc dù là thôn có số dân ít nhất trong xã nhưng phát huy tinh thần đoàn kết và thấy được ý nghĩa của việc xây dựng NTM, nhân dân thôn Ngọc Lâm tự nguyện góp công, góp của để hoàn thành công trình”. Với mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xã Lãng Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ bậc học mầm non cho tới THCS. Trang thiết bị và đồ dùng dạy học trong các nhà trường được đầu tư, đến nay cả ba trường học đều đạt chuẩn quốc gia và nằm trong tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, sự nghiệp y tế luôn được địa phương quan tâm, Trạm Y tế xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011 - 2020, bảo đảm khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân... Năm 2017, xã có 9/9 thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 93,5% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa... Đến nay, 97,37% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 58%... Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và phát triển. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Văn Hạnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM cho xã Lãng Sơn. Nhân dịp này, xã cũng được UBND tỉnh khen thưởng 200 triệu đồng, UBND huyện Yên Dũng khen thưởng 250 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào xây dựng NTM cũng được UBND huyện, UBND xã biểu dương, khen thưởng. Quốc Trường  

Xã Gia Phù (huyện Phù Yên, Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Ngày 16/12, UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ công bố xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện Phù Yên đạt chuẩn nông thôn mới và là xã thứ 16 trên địa bàn tỉnh Sơn La được công bố đạt chuẩn. Ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao Công nhận xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 Theo đánh giá bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới năm 2010, xã Gia Phù mới đạt 2 tiêu chí: Hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí giáo dục và đào tạo. Còn lại 17 tiêu chí cần phải phấn đấu xây dựng. Từ thực trạng trên, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị huyện Phù Yên, xã Gia Phù và toàn thể nhân dân, bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, đến nay xã Gia Phù đã đạt 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là việc thực hiện làm đường giao thông nông thôn, với chủ trương “Nhân dân làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi măng” theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, xã đã huy động nhân dân đóng góp gần 5 tỷ đồng, vận động được 164 hộ dân hiến hơn 14.000 m2 đất để bê tông hóa 94 tuyến đường đến bản và nội bản với tổng chiều dài gần 16km, đạt 83,68% tuyến đường trong xã được bê tông hóa. Toàn xã đã xây mới 5 công trình thủy lợi, 4 công trình trường, lớp học, 15 công trình nhà văn hóa, 1 công trình trạm y tế… Vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó tập trung nuôi bò, dê và trồng cây nhãn ghép; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn… Bên cạnh đó, xã Gia Phù đã tận dụng được những tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp để tập trung phát triển các mô hình sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phát biểu tại buổi lễ, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã chúc mừng và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Gia Phù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, ông Cầm Ngọc Minh cũng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Yên nói chung và xã Gia Phù nói riêng không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải tích cực quan tâm chỉ đạo duy trì giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; vận động nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phấn đấu trở thành thị trấn Gia Phù trong tương lai. Nhân dịp này, UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 9 cá nhân; UBND huyện Phù Yên tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 11 cá nhân và 2 gia đình có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã Gia Phù đạt chuẩn nông thôn mới. Được biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tạo được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng những hình thức sáng tạo, đến nay tỉnh Sơn La đạt 9,3 tiêu chí/ xã, tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2016, có 16 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tăng 1 xã so với kế hoạch và tăng 8 xã so với năm 2016. Phương Linh

Ninh Bình: Phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018

TĐKT - Tỉnh Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có tới 7 huyện, thành phố và 119 xã tham gia xây dựng nông thôn mới (TP Ninh Bình và các xã thuộc thành phố phấn đấu lên phường không tham gia). Trong năm 2018, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới. Một góc thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh, Ninh Bình) Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình đã đạt kết quả đáng khích lệ. Tính đến tháng 12/2017, tỉnh Ninh Bình đã có huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (2 đơn vị cấp huyện) và 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,3% số xã trong tỉnh. Bình quân 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,5 tiêu chí so năm 2011; không còn xã dưới 8 tiêu chí. Nổi bật, phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 177 nghìn tấn xi măng cho 119 xã; xây dựng được gần 13 nghìn tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.400km. Cùng với đó, công tác dồn điền, đổi thửa được quan tâm thực hiện để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi cho nông dân canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất từ đó nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, với diện tích thực hiện trên 33.500ha, bình quân 1,9 thửa/hộ, giảm 3 thửa/hộ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.490/1.674 thôn, phố có nhà văn hóa (chiếm 89%); 920/1.674 thôn, bản, xóm có khu thể thao. Tỉnh đã và đang tập trung rà soát và tiếp tục bố trí quỹ đất cho một số địa phương để xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Phát huy những thành quả đã đạt được, mục tiêu năm 2018, Ninh Bình phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 9 tiêu chí; tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo 7 xã đăng ký kiểu mẫu (mỗi huyện 1 xã) đạt kết quả để tổng kết nhân diện rộng. Hà Thanh

Thị xã Chí Linh (Hải Dương) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017

TĐKT - Ngày 17/12, tại Ðền Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ thị xã Chí Linh, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và công bố Quyết định công nhận thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017. Đến dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng đông đảo nhân dân thị xã Chí Linh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ và nhân dân thị xã Chí Linh Xuất phát điểm là một huyện miền núi, nhưng với sự nỗ lực, vận dụng sáng tạo có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương, Chí Linh đã không ngừng phát triển, trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Hải Dương. Trong 6 năm xây dựng nông thôn mới, Chí Linh đã chỉ đạo tập trung, huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huy động các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đồng thời vận động đóng góp của nhân dân phù hợp với khả năng của từng địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2017, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã là 2.116 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần giúp thị xã Chí Linh phát triển nhanh giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thủy lợi, công trình cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn, hệ thống thoát và cấp nước sinh hoạt, hệ thống chợ, thương mại nông thôn … Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương trao quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho thị xã Chí Linh. Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, các dự án, đề án phát triển kinh tế đã được ưu tiên thực hiện. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng ổn định. Thị xã có 1 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã năm 2017 là 57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã là 1,5%. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 86%. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được triển khai sâu rộng. Các hoạt động thu gom rác thải, cải tạo cảnh quan đường làng ngõ xóm, bảo vệ môi trường, chỉnh trang vườn nhà đã đi vào nền nếp ở các địa phương, đơn vị. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 99%. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã. Minh Phương

Xã Hoàng Hanh (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) về đích nông thôn mới trước 3 năm

TĐKT - Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, nhưng xã Hoàng Hanh đã về đích trước thời hạn 3 năm. Hoàng Hanh là xã thứ 10 của huyện Ninh Giang về đích NTM. Xã Hoàng Hanh đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hoàng Hanh mới đạt 5 trong tổng số 19 tiêu chí. Với xuất phát điểm thấp như vậy, nhưng với sự đồng sức đồng lòng của chính quyền và người dân nơi đây, Hoàng Hoanh đã chính thức đạt chuẩn NTM trước 3 năm so với kế hoạch.  Để có được thành công ấy, Hoàng Hanh đã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để có những biện pháp thực hiện cụ thể, do đó các tiêu chí của địa phương đều bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ. Trong 6 năm qua, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của Hoàng Hanh đạt gần 62 tỷ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp trên 11 tỷ đồng, hiến 144.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông; ngân sách xã đầu tư trên 20,6 tỷ đồng, còn lại là sự hỗ trợ của cấp trên. Hiện nay, toàn xã có 18,5 km đường trục xã, đường thôn xóm, đường trục chính nội đồng được bê-tông hóa và cứng hóa. Hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%. Các trường học, trạm y tế cơ bản đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuệ Minh  

Bình Phước: 11/12 xã được xét công nhận về đích nông thôn mới năm 2017

TĐKT- Vừa qua, Hội đồng thẩm định nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Phước đã quyết định công nhận 11 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM 2017. Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Phước, 11/12 xã đăng ký có đủ điều kiện hoàn thành 19 tiêu chí. Riêng xã Phú Riềng (huyện Phú Riềng) cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và hoàn thành tốt chương trình nông thôn mới, nhưng mới đây tại địa phương này đã xảy ra 1 vụ trọng án, do đó chưa hoàn thành về tiêu chí an ninh, trật tự. Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, những năm qua, 11 xã trên đã tập trung tuyên truyền về mục tiêu, lộ trình, nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong huy động nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục công trình, nhằm phục vụ công tác phát triển sản xuất, an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn và thay đổi diện mạo nông thôn. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu nuôi dưỡng sức dân, tăng thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, các xã đã tập trung phát triển sản xuất thông qua việc hình thành, xây dựng, nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn… Thu Hoài

Quy định cụ thể về quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 121/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới được Bộ Tài chính quy định cụ thể Theo đó, ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện Cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí cho thực hiện Cuộc vận động ở cấp tỉnh, huyện. Đối với kinh phí huy động theo hình thức xã hội hóa và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có) thực hiện theo nguyên tắc cấp nào vận động cấp đó quản lý. Về mức chi, chi khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Chi hoạt động thông tin tuyên truyền theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đối với chi tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, khảo sát; chi hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết thực hiện Cuộc vận động thì theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC. Chi tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng; chi hỗ trợ cán bộ tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC. Chi công tác học tập kinh nghiệm ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC, chi tạo lập dữ liệu đăng tải các hoạt động trên cổng/trang thông tin điện tử theo Thông tư số 194/2012/TT-BTC, chi điều tra thống kê theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC. Đối với việc chi tiền xăng, xe đi vận động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thì khoán 12.000 đồng/km trên cơ sở bảng kê số kilomet thực tế đi vận động được Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư duyệt. Các khoản chi như chi in ấn các ấn phẩm, sách, tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền; chi làm phim, xây dựng video...thì tham khảo giá thị trường đối với những công việc tương tự tại địa bàn thực hiện. Trường hợp chi đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, mức thấp nhất là 20.000.000 đồng/năm/xã. Đối với các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 582/QĐ-TTg; địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg thì mức thấp nhất là 25.000.000 đồng/năm/xã. Về việc chi hỗ trợ đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động và các phong trào được phát động ở địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí dự toán ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện hỗ trợ cho khu dân cư. Cụ thể, đối với khu dân cư có quy mô dân số dưới 700 hộ dân, mức thấp nhất là 5.000.000 đồng/năm/khu dân cư. Khu dân cư có quy mô dân số cứ tăng thêm 200 hộ dân thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/năm/khu dân cư. Trường hợp là các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 582/QĐ-TTg; địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Điểm a, b Khoản 11 Điều này thì được bố trí thêm 1.000.000 đồng/năm/khu dân cư. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Minh Phương

Sóc Sơn (Hà Nội): Thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Ngày 14/12, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới của TP Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới tại 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn Kết quả, xã Nam Sơn đã đạt 95,85 điểm, xã Hồng Kỳ đạt 97,62 điểm; xã Quang Tiến đạt 97,1 điểm. Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới, cả 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ và Quang Tiến đều huy động được sức dân rất lớn, trong đó, xã Nam Sơn huy động được hơn 60 tỷ đồng, xã Hồng Kỳ hơn 35 tỷ đồng và Quang Tiến huy động hơn 131 tỷ đồng. Với kết quả trên, cả 3 xã của huyện Sóc Sơn đều đạt đủ điều kiện để trình UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Tính đến nay, huyện Sóc Sơn có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15 xã đã được UBND thành phố cấp Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phương Linh

Xã Chiềng Sơn (Mộc Châu, Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Chiềng Sơn là xã thứ hai của huyện Mộc Châu, Sơn La vừa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Chiềng Sơn là xã biên giới, vùng 2 của huyện Mộc Châu có diện tích tự nhiên hơn 9.000 ha, trong đó có hơn 8.500 ha đất nông nghiệp. Xã có 24 bản, tiểu khu, 2.214 hộ, 8.555 nhân khẩu với 7 dân tộc sinh sống. Xã Chiềng Sơn đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới Trong 6 năm (2012 - 2017), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chiềng Sơn đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26,05 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 7%. Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp đạt 44,07 triệu đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,43%. Xã có 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh quả, rau an toàn, chè, vay vốn tín dụng với trên 800 thành viên. Xã đã hoàn thành xây dựng hơn 58,15 km đường giao thông nông thôn, đến nay 100% đường nội bản, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Các tiêu chí mềm như giáo dục, văn hóa, môi trường... được thực hiện có hiệu quả, đến nay xã có 4 trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. 100% bản của xã có nhà văn hóa. 99,86% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Để duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, xã Chiềng Sơn tiếp tục phấn đấu duy trì và phát triển các tiêu chí đã đạt được với giải pháp: Đổi mới và xây dựng hình thức sản xuất có hiệu quả, thành lập thêm hợp tác xã, đồng thời khuyến khích các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Bình Nguyên

Thanh Hóa: Công nhận 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

TĐKT - Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành Quyết định số 4651/QĐ-UBND về việc công nhận xã “đạt chuẩn nông thôn mới” năm 2017 (đợt 1) cho các xã trên địa bàn tỉnh. Đường giao thông nông thôn xóm 7, xã Nga Thái (huyện Nga Sơn) được kiên cố hóa phục vụ xây dựng nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Nga Thái (Nga Sơn); Hoằng Lưu, Hoằng Tiến, Hoằng Phú, Hoằng Đông, Hoằng Đạo, Hoằng Thành (Hoằng Hóa); Cán Khê (Như Thanh); Hà Bình (Hà Trung); Hóa Quỳ, Yên Lễ (Như Xuân); Lộc Tân (Hậu Lộc); Cao Thịnh (Ngọc Lặc); Xuân Thọ (Triệu Sơn); Hà Lan (thị xã Bỉm Sơn). Các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” và được hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã theo quy định tại Nghị quyết số 126/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hoa Lê

Trang