Xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất anh hùng

TĐKT- Với truyền thống bất khuất, kiên cường một huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Xuân Lộc là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Là một huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, ngoài lao động và đất đai, huyện không còn một thế mạnh nào khác. Nhận thức được những khó khăn đó, trên cơ sở nhận thức được những khó khăn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã chú trọng huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp về tinh thần và vật chất của nhân dân cho xây dựng NTM. Xác định vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân để tích cực, tự giác, đồng sức, đồng lòng tham gia. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của huyện là hơn 12.700 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Có kết quả đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng bộ, chính quyền huyện đã nêu cao tinh thần phát huy dân chủ để có trí tuệ tập thể “khó trăm lần không dân cũng chịu...” làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Huyện thường xuyên khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM.    Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với Nhà nước. Đến nay, các tuyến đường do huyện quản lý đạt tỷ lệ nhựa hóa gần 90%; đường liên xã đạt trên 99,5% và đường ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%. Mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 99,7%; trên 95,52% số hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Hệ thống trường học được đầu tư ngày một hoàn thiện, hiện 100% trường học trên địa bàn huyện có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 52/67 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,6%. 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất thị trường nên đã hình thành sự liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đồng thời tiếp tục nhân rộng thêm các mô hình kinh tế hợp tác. Căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, huyện đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh. Đến nay, Xuân Lộc có gần 1.570 hécta cây xoài; trên 1.870 hécta cây hồ tiêu; trên 1.900 hécta cây ăn trái đặc sản chất lượng cao như chôm chôm nhãn, chôm chôm thái; sầu riêng G6; xoài cát Hòa lộc… Ngoài ra huyện còn có gần 280 hécta cây thanh long và trên 640 hécta cây rau các loại (hầu hết đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP). Trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới. Đặc biệt, Xuân Lộc còn được xem là thủ phủ cây bắp lai với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 12 ngàn hécta. Nhờ việc đầu tư mạnh trong việc nâng cấp các tuyến kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ tưới tiêu ở các địa phương diện tích bắp đông - xuân ngày càng được người dân mở rộng theo mô hình “2 bắp và 1 lúa”, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/hécta/năm.  Huyện cũng có 37 hợp tác xã (HTX), 2 quỹ tín dụng nhân dân và 437 câu lạc bộ (CLB) nông nghiệp, thu hút trên 12.200 hội viên tham gia với tổng diện tích cây trồng trên 12.400 hécta. Năng suất cây trồng, vật nuôi trong các CLB đều tăng từ 1,5-2 lần so với mức bình quân chung. Nhiều CLB năng suất cao như: CLB tiêu năng suất cao xã Xuân Thọ, CLB thanh long Xuân Hưng, HTX xoài Suối Lớn, HTX rau sạch Trường An, rau sạch Xuân Tiến... đều cho mức thu nhập trên 300 triệu đồng/héca. Cùng với đó, huyện cũng quan tâm đến công tác đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Cán bộ huyện đã kịp thời giải quyết các kiến nghị của dân, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu trồng, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Bảo Linh

Đơn Dương vững tin trên chặng đường xây dựng nông thôn mới

TĐKT- Từ một huyện khó khăn thuộc tỉnh Lâm Đồng, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Đơn Dương thực sự được đổi mới; nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả theo hướng hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tính đến tháng 9/2015, Đơn Dương có 87,25 số xã đạt 19/19 tiêu chí. Bình quân các xã trong toàn huyện đạt 18,75 tiêu chí. Hàng năm, mỗi xã tăng bình quân 3 tiêu chí. Đơn Dương là đơn vị cấp huyện đầu tiên của khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Miền Trung đạt chuẩn NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 01/09/2015. Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đơn Dương xác định việc đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài, vì 19 tiêu chí NTM là sự cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị ở địa phương cơ sở. Việc xây dựng đề án của các xã được hoàn thành ngay từ năm 2010, xây dựng và phê duyệt quy hoạch năm 2011 và hoàn thành các nội dung của nhóm quy hoạch trong năm 2013. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Đơn Dương đã thực sự tạo ra phong trào thi đua sôi nổi và tích cực tham gia đóng góp đất đai, tiền của, công lao động, vật kiến trúc. 5 năm qua toàn huyện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 100 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; kiên cố hóa 40 km kênh mương, 12 công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho trên 75% diện tích đất sản xuất, giải quyết các vấn đề cấp thoát nước; 4 công trình chợ nông thôn, 64 km đường điện và các công trình điện; 5 nhà văn hóa xã, 25 hội trường thôn, 3 trạm y tế, nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo trên 75 % trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, xây dựng. Vì vậy, đến nay đã có 87,25% số xã đạt chuẩn nhóm tiêu chí hạ tầng.   Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại ở Đơn Dương Trong phát triển sản xuất, Đơn Dương đã phát huy tiềm năng, lợi thế của mình trên vùng đất tây nguyên, đồng thời đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với tổ chức liên kết, liên doanh, củng cố phát triển kinh tế tập thể… đã thực sự tạo ra nền nông nghiệp năng động, hiệu quả theo hướng hiện đại. Trong 5 năm huyện đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên 1.200 ha đất sản xuất từ trồng lúa, bắp và cây hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa, cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao và phục vụ chăn nuôi. Huyện chuyển nhanh sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên 5.000 ha, nâng tổng số diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 6.200 ha đạt 70% diện tích đất nông nghiệp hiện có, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ hiện đại đạt 20%. Trong chăn nuôi, phát triển mạnh mẽ, riêng đàn bò sữa đạt trên 10.000 con (tăng 3,5 lần so với năm 2010) và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập bình quân trong sản xuất nông nghiệp của huyện lên 170 triệu đồng/ ha/năm 2015 (tăng 230% so với năm 2010). Việc củng cố kinh tế tập thể được quan tâm, hình thành nhiều mô hình hợp tác, tổ hợp tác, các liên kết, liên doanh làm ăn có hiệu quả. Huyện cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện các phong trào về văn hoá  - xã hội, môi trường. Các phong trào xây dựng đời sống văn hoá, thi đua giảm nghèo nhanh và bền vững, chăm sóc người có công, xây dựng đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, phong trào thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường… đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả. Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua xây dựng NTM đã thực sự thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm, huyện đã duy trì tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm, trong đó nông - lâm nghiệp tăng 9,5%/ năm; công nghiệp - xây dựng 20,2%/năm; dịch vụ tăng 22%/năm; thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng đều và tăng bình quân 33%/ năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng bình quân 25%/ năm. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục. Thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/ người/ năm, tăng 2,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo 1,5%, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3%... Với những thành tích trên, huyện Đơn Dương đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 và 2014, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 và 05 năm 2010-2015. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương và Bằng khen của các cấp, các ngành. Bảo Linh

Biểu dương những mô hình cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả

TĐKT - Sáng ngày 5/12, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tổ chức họp báo thông báo kết quả Chương trình Cánh đồng vàng  năm 2015.  Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, sau gần 1 năm phát động chương trình, Ban tổ chức đã tập hợp được 533 mô hình trong cả nước được đề cử. Qua quá trình sàng lọc, kiểm tra thông tin  từng trường hợp, 100 mô hình cánh đồng tiêu biểu sẽ được vinh danh, trong đó có 60 cá nhân và 40 tổ chức. Tiêu chí của chương trình là xếp hạng các cánh đồng từ trên xuống theo quy mô cây trồng, diện tích, năng suất (sản lượng, diện tích) và giá trị (giá trị thu được từ việc bán sản phẩm nông sản). Những mô hình được vinh danh lần này là những cánh đồng có giá trị, cho năng suất chất lượng, hiệu quả cao; các thành tựu về phát triển nông nghiệp nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp kiểu mới.  “Chương trình Cánh đồng Vàng là cơ sở để chúng ta nhân rộng và phát triển những mô hình có hiệu quả để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa vừa đảm bảo chất lượng vừa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập”, ông Ngọc nhấn mạnh.    Họp báo công bố kết quả chương trình Cánh đồng Vàng 2015. Đây là lần đầu tiên chương trình Cánh đồng Vàng được tổ chức, nhằm biểu dương những mô hình cánh đồng tiêu biểu cho thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời, tôn vinh các mô hình cánh đồng tiêu biểu của ngành nông nghiệp cả nước trong thời kỳ hội nhập, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hiệu ứng phong trào xây dựng và phát triển nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức 2 đến 3 năm một lần. Đại diện đơn vị tài trợ - Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết: Công ty đã đang và sẽ tiếp tục đồng hành không chỉ với chương trình Cánh Đồng Vàng 2015 mà còn nhiều chương trình khác nữa nhằm hỗ trợ cho bà con về phân bón, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng an toàn và bền vững. Phương Thanh

Trang