Chính trị - Xã hội

Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia của UNAIDS và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam

TĐKT - Chiều 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam; ông John Michael Blandford, Giám đốc và bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ nhằm ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói riêng.   Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. TS Nguyễn Thanh Long trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia Đến dự, có GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ThS. Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ThS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng; ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cùng các đồng chí lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS; lãnh đạo Văn phòng và các phòng của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng. Về phía các tổ chức quốc tế có ông Mark Troger, Giám đốc Điều phối Chương trình PEPFAR tại Việt Nam; bà Ritu Sigh, Giám đốc Chương trình Y tế, tổ chức USAID tại Việt Nam; bà Phùng Thị Mai, Giám đốc DOD tại Việt Nam cùng các chuyên gia đến từ tổ chức UNAIDS, CDC tại Việt Nam. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc trao tặng Kỷ niệm chương cho các chuyên gia Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân” là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế để ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong thời gian qua ngành Y tế Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đến từ các tổ chức và từ các nước trên thế giới để giúp ngành Y tế trong các lĩnh vực dịch tễ học, y tế dự phòng... Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành về những đóng góp cao cả của người bạn đồng nghiệp trong suốt thời gian qua, đã kề vai, sát cánh cùng Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đấu tranh không mệt mỏi cho sự thành công của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt nam. Điển hình là các vấn đề điều phối nguồn lực, hỗ trợ chính sách, tham vấn đối với các cơ quan của chính phủ để hình thành nên những chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Với những nỗ lực của ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan và sự phối hợp tích cực của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Cho đến thời điểm hiện nay, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là một trong những điểm sáng trên toàn thế giới trong vấn đề đối phó với đại dịch. Liên tục từ 2008 đến nay, số các ca nhiễm và tử vong liên tục giảm. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra nhiều giải pháp rất quan trọng trong việc hình thành những chiến lược 90-90-90 để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Bà Marie-Odile Emond sinh năm 1966, mang quốc tịch Bỉ. Bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quốc gia của UNAIDS tại Việt Nam từ năm 2017. Trong thời gian này, bà có nhiều đóng góp cho việc củng cố, tăng cường công tác điều phối ở cấp quốc gia như điều phối hoạt động của các nhà tài trợ để vận động nguồn lực và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tài trợ cho Việt Nam (PEPFAR và Global Fund), hỗ trợ về điều phối phòng, chống HIV/AIDS với Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Vận động hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản pháp luật và các chính sách trong lĩnh vực phòng, chống HIV. Hỗ trợ duy trì cam kết chính trị trong phòng, chống HIV/AIDS và các sáng kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS thông qua các hoạt động hợp tác và quan hệ đối tác với lãnh đạo Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các bộ ban ngành có liên quan. Hỗ trợ xây dựng năng lực, tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng của các nhóm chịu ảnh hưởng chính bởi HIV. Đóng góp tích cực vào việc giảm sự bất bình đẳng để không người dân Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau như ủng hộ quyền lợi của các trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, vận động cho các giải pháp chính sách linh hoạt để tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận và sử dụng BHYT trong điều trị HIV, nhằm đảm bảo không người sống với HIV nào bị bỏ lại phía sau trong chăm sóc, điều trị HIV. Bên cạnh đó, Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam John Michael Blandford, TS. John hoạt động của các chương trình đầu tư của CDC tại Việt Nam. Ông khởi xướng và tiên phong trong việc sử dụng các kết quả K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng HIV trong toàn bộ chuỗi đa bậc HIV, từ bắt đầu điều trị, duy trì và tuân thủ điều trị; kiến thức và nhu cầu về làm tải lượng vi rút; giảm kỳ thị, tìm ca HIV – xây dựng chiến dịch K=K và chương trình y tế công cộng có liên quan như một mô hình toàn cầu. Đảm bảo sự tham gia và quyết tâm để làm cho Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á, quốc gia dẫn đầu trong chương trình PEPFAR và là quốc gia thứ ba trên toàn cầu ban hành chính thức hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thực hiện truyền thông K=K. Điều phối một chiến dịch truyền thông xã hội rất thành công hướng tới công chúng để giảm kỳ thị về HIV. Đồng thời, ông cũng thúc đẩy việc nhân rộng quy mô và thể chế hóa xét nghiệm mới nhiễm cho công tác giám sát HIV và xét nghiệm bạn tình, bạn chích. Lãnh đạo công cuộc vận động chính sách và các nỗ lực nhằm thông qua các chính sách quốc gia về HIV. Góp phần đưa CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt vị trí tiên phong trong việc thực hiện các chương trình PEPFAR trên toàn cầu. Bà Paula Morgan, trong thời gian giữ vị trí Phó Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cùng với Giám đốc Quốc gia, đồng chỉ đạo việc xây dựng 4 kế hoạch hoạt động quốc gia hàng năm (COPs) của Chương trình PEPFARvà CDC giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo nguồn tài trợ cho chương trình HIV cho Việt Nam thông qua việc thiết lập các ưu tiên về khoa học và kỹ thuật, rà soát và thiết lập lại các mục tiêu hàng năm cho các hoạt động tìm ca và bắt đầu điều trị HIV. Phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam giám sát chương trình hợp tác về HIV qua hai giai đoạn, bao gồm Thỏa thuận Hợp tác CDC Hoa Kỳ -VAAC (2015-2019) và Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) (2020-2024) để đáp ứng các mục tiêu và mục đích của Chương trình quốc gia về HIV của Việt Nam. Chỉ đạo và điều phối việc đưa xét nghiệm tải lượng virus thường quy và xét nghiệm mới nhiễm HIV vào áp dụng tại Việt Nam. Chỉ đạo việc xây dựng nền tảng Hỗ trợ Kỹ thuật quốc gia (đang triển khai) với Bộ Y tế để Bộ có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về lâm sàng và theo dõi, báo cáo về HIV cho các tỉnh, giúp kiểm soát dịch một cách bền vững và đảm bảo trọng tâm của Chương trình HIV Quốc gia theo với mô hình ứng phó y tế công cộng. Tại Lễ trao Kỷ niệm chương, các chuyên gia chân thành gửi lời cám ơn đến Bộ Y tế Việt Nam đã tạo cơ hội được hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động y tế nói chung cũng như phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và thể hiện tin tưởng, với việc triển khai quyết liệt các cuộc vận động chính sách cũng như các chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu Kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn, trong thời gian tới các chuyên gia, tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đối với công tác hợp tác quốc tế, ngành Y tế Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Ngành Y tế Việt Nam sẵn sàng mở cửa, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức quốc tế với mong muốn hợp tác quốc tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn”. La Giang

Khai trương Cổng Công khai ngân sách nhà nước

TĐKT - Ngày 26/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đại sứ Thụy Sĩ Ivo Sieber, Giám đốc điều hành Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister và Quyền Trưởng ban Hợp tác phát triển thuộc Đại sứ quán Canada Nina Seahra đã bấm nút chính thức vận hành Cổng Công khai ngân sách nhà nước (https://ckns.mof.gov.vn/). Cổng Công khai sau khi đi vào hoạt động và khai thác sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực đối với hoạt động tài chính ngân sách nhà nước nói chung và công khai ngân sách nói riêng. Lễ khai trương Cổng Công khai ngân sách nhà nước Cổng Công khai ngân sách nhà nước được xây dựng trên cơ sở tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới và yêu cầu về công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc cam kết thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công. Đối với Bộ Tài chính, Cổng sẽ giúp quá trình tổng hợp báo cáo công khai ngân sách được thực hiện nhanh và chính xác hơn. Đây còn là công cụ cho phép giám sát quá trình thực hiện công khai của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, công tác báo cáo công khai ngân sách sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn. Còn đối với người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các tổ chức trong và ngoài nước, đây là một kênh truyền thông cung cấp dữ liệu, thông tin cần thiết để giúp họ nắm bắt các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách quốc gia, qua đó thể hiện sự quan tâm và tăng cường sự giám sát của xã hội. Nhờ đó, sẽ góp phần cải thiện điểm số công khai minh bạch ngân sách quốc gia, công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và công khai ngân sách địa phương. Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Cổng Công khai ngân sách nhà nước sẽ cải thiện tính công khai, minh bạch và hiệu quả đồng đều của ngân sách, đồng thời góp phần tăng cường quản lý kinh tế vĩ mô, nhận thức về rủi ro và trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ công. Ngân hàng Thế giới tin rằng để có thể nắm bắt hoạt động của nhà nước, tiếp cận thông tin là việc quan trọng đối với không chỉ các cấp chính quyền, mà cả mọi người dân và doanh nghiệp”.Anchor “Đại dịch Covid-19 đang buộc chính phủ các nước trên toàn thế giới phải đối mặt với những quyết định khó khăn về tài chính và ngân sách, đòi hỏi mọi người phải hợp tác và đưa ra những hành động kịp thời. Chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi được tiếp cận những thông tin cập nhật và đầy đủ. Cổng Công khai ngân sách nhà nước chính là một công cụ sẽ giúp các bộ ngành và người dân Việt Nam vượt qua những thách thức do tác động của dịch Covid-19”, Đại sứ Thụy Sĩ Ivo Sieber nhận định. Lễ khai trương Cổng Công khai ngân sách nhà nước cũng là một hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam. Đây cũng là một minh chứng cho nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính, góp phần từng bước thay thế báo cáo giấy bằng báo cáo điện tử. Cổng Công khai ngân sách được Bộ Tài chính xây dựng và nhận được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ Tư vấn và Phân tích Quản lý Tài chính công tại Việt Nam (Chương trình AAA). Chương trình AAA do Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Canada đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng Thế giới từ năm 2016. Hồng Thiết  

Bộ Nội vụ nghiệm thu Đề án “Quy hoạch các cơ quan báo chí thuộc Bộ Nội vụ”

TĐKT - Chiều 24/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức nghiệm thu Đề án “Quy hoạch các cơ quan báo chí thuộc Bộ Nội vụ”. PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu. Cùng dự có lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Học viện Hành chính quốc gia; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các tạp chí: Thi đua, Khen thưởng; Tổ chức Nhà nước; Công tác tôn giáo; Văn thư – Lưu trữ Việt Nam; Quản lý nhà nước; Khoa học Nội vụ. Quang cảnh buổi nghiệm thu Đề án Quy hoạch các cơ quan báo chí thuộc Bộ Nội vụ Hiện nay, hệ thống cơ quan báo chí của Bộ Nội vụ có 6 đơn vị. Riêng Tạp chí Thi đua Khen thưởng là đơn vị dự toán III, có nguồn thu sự nghiệp, bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; Tạp chí Tổ chức nhà nước, Công tác Tôn giáo đã tự chủ được một phần kinh phí chi thường xuyên. Các tạp chí còn lại vẫn hoạt động bằng 100% kinh phí ngân sách nhà nước. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích báo chí, chấp hành đúng các quy định của Luật Báo chí năm 2016, Luật Xuất bản năm 2014, các quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ Nội vụ. Đề án đã nêu rõ mục tiêu chung quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong ngành Tổ chức Nhà nước bảo đảm phát triển sự nghiệp báo chí ngành Tổ chức Nhà nước gắn liền với nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Đa dạng hóa các ấn phẩm báo chí, trong đó có 1 ấn phẩm chính và có một số ấn phẩm khác, đảm bảo bao quát hết các lĩnh vực hoạt động của ngành đi đôi với việc tăng đầu tư nguồn lực tài chính, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ làm báo, mở rộng quy mô hoạt động. Từng bước phấn đấu tự chủ về tài chính đối với các đơn vị báo chí. Thành lập cơ quan báo in của Bộ Nội vụ là “Báo Công vụ”, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nội vụ; củng cố kiện toàn các tạp chí thuộc Bộ. Đảm bảo ổn định việc làm và phát huy thế mạnh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, xuất bản nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn phát biểu tại buổi nghiệm thu Các ý kiến tại Đề án đều xoay quanh các vấn đề cần có báo Công vụ để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nâng cao chất lượng nội dung, từng bước cải tiến hình thức… Từng bước thực hiện được vai trò là nhịp cầu nối giữa lý luận và thực tiễn, giữa ngành Tổ chức Nhà nước và xã hội, là diễn đàn phản ánh kiến nghị của bạn đọc về những vướng mắc trong thực tế triển khai các cơ chế, chính sách quản lý; trình bày những ý tưởng, những công trình nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cho công tác hoạch định chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Phát biểu tại buổi nghiệm thu, thay mặt cơ quan chủ quản, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn cơ bản nhất trí với kết cấu và nội dung Đề án, ý kiến các phản biện và Ủy viên Hội đồng nghiệm thu. Đề án có tính cấp thiết, có căn cứ pháp lý, chính trị và thực tiễn, cần tiếp tục gia công, hoàn thiện đề báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tạp chí Thi đua Khen thưởng là tạp chí thuộc ngành Thi đua - Khen thưởng, có tính độc lập cao; là Tạp chí tự chủ 100%; đề nghị giữ mô hình như đề cập tại Đề án. Kết thúc buổi nghiệm thu đề tài, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng thống nhất, đồng bộ, sắp xếp hợp lý giữa các cơ quan báo chí, phù hợp với yêu cầu phát triển của báo chí, ngành Tổ chức Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thứ trưởng yêu cầu cần nêu và đánh giá được sự cần thiết của đề án để đưa ra định hướng sắp tới. Hồng Thiết

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Sáng ngày 24/8/2020, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ đối với ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ. Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dự Lễ công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho ông Vũ Chiến Thắng.     Tham dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có các Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - đại diện Lãnh đạo Bộ Công an; Đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ; Trưởng các đoàn thể của Bộ Nội vụ; Đại diện một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Công an; Lãnh đạo Ban và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. Tại buổi lễ, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn đã công bố Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 21/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ.   Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Phát biểu chúc mừng tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, trong không khí hào hùng của dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9, Ngày thành lập Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ vui mừng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Vũ Chiến Thắng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ.    Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá đồng chí Vũ Chiến Thắng là người được đào tạo bài bản, có thời gian công tác gần 30 năm, trong đó có 27 năm tuổi Đảng, là người có năng lực, có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm lãnh đạo các cơ quan từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, được tập thể lãnh đạo tín nhiệm. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Vũ Chiến Thắng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ là vinh dự lớn của ngành Nội vụ, của Bộ Nội vụ, của Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, của gia đình và cá nhân đồng chí Vũ Chiến Thắng.   Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giao Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phụ trách công tác tôn giáo, trực tiếp phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ và sẽ phân công phụ trách một số lĩnh vực khác của Bộ Nội vụ từ tháng 9/2020. Trong thời gian này, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng thực hiện kiêm nhiệm Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đến khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm Trưởng ban mới. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp để đồng chí Vũ Chiến Thắng trên cương vị mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Bộ trưởng đề nghị đồng chí Vũ Chiến Thắng tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo Bộ, cũng như với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, đặc biệt có sự quan tâm, phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu nhận nhiệm vụ tại Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Phát biểu tại buổi lễ, tân Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nội vụ, của cá nhân Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ nói chung và Ban Tôn giáo Chính phủ nói riêng trong thời gian công tác tại Bộ Nội vụ từ năm 2017 đến nay; cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, các đơn vị liên quan đã tín nhiệm, bổ nhiệm đồng chí đảm nhiệm chức vụ mới; cảm ơn các đồng chí, đồng nghiệp đã ủng hộ, tạo điều kiện cho đồng chí trong quá trình công tác ở các cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa chúc mừng tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Tân Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ được Đảng, Nhà nước giao hết sức nặng nề, do đó, đồng chí ý thức được cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của bản thân cũng như đòi hỏi phẩm chất, bản lĩnh chính trị cao hơn. Bằng danh dự và trách nhiệm của người đảng viên, bằng kinh nghiệm công tác ở nhiều môi trường, ở nhiều địa phương, trên nhiều cương vị khác nhau, tân Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, năng lực công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng, tình cảm của các đồng chí lãnh đạo, của đồng chí, đồng nghiệp đã dành cho cá nhân đồng chí. Tân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo, sự phối hợp của các đồng chí ở các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, sự ủng hộ, chia sẻ của các đồng chí, đồng nghiệp để đồng chí Vũ Chiến Thắng hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị công tác mới. Theo moha.gov.vn

Trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương

TĐKT – Sáng 14/8, tại Hà Nội, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang đã trao quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Trung ương Đoàn, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể cơ quan Trung ương Đoàn, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Tại buổi lễ, ông Đỗ Ngọc Toàn, Vụ phó điều hành Vụ Tổ chức Cán bộ đã công bố Quyết định số 135/QĐ-BTĐKT ngày 14/8/2020 của Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương về việc tiếp nhận và bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Trung ương Đoàn, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể cơ quan Trung ương Đoàn giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Anh Tuấn Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang chúc mừng đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đã chính thức trở thành một thành viên dưới mái nhà chung của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Đồng chí Phạm Huy Giang cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện giúp đỡ, thuyên chuyển đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, bổ sung thêm nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý cho cơ quan Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phát biểu tại buổi lễ Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan giúp cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, đồng thời là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TW, hiện nay, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đang hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng của trên 140 đầu mối trên cả nước. Trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy biên chế, số lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu chất lượng ngày một cao, vì vậy việc tìm kiếm cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, có uy tín và tiếp cận công việc nhanh chóng là điều mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương rất quan tâm.  “Tôi tin rằng, với kinh nghiệm trên 20 năm công tác trong các tổ chức Đoàn và 5 năm phụ trách công tác đảng với vai trò chủ chốt trong đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn sẽ tiếp nhận công việc tại Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương một cách nhanh và hiệu quả nhất; cùng với tập thể đoàn kết, thống nhất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà trước mắt là những nhiệm vụ hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.” Đồng chí Phạm Huy Giang đề nghị, lãnh đạo chủ chốt cũng như tập thể trong Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương sẽ giúp đỡ, hướng dẫn đồng chí Nguyễn Anh Tuấn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trân trọng cảm ơn lãnh đạo và tập thể Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tạo điều kiện cho các cán bộ Đoàn như đồng chí Tuấn, sau một quá trình công tác gắn bó và cống hiến, được trưởng thành ở môi trường mới, tiếp tục có sự rèn luyện, phấn đấu và đóng góp cho công việc chung của cả hệ thống chính trị. Tân Phó Chánh Văn phòng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ Trên cương vị mới, tân Phó Chánh Văn phòng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Nguyễn Anh Tuấn đã hứa sẽ luôn nỗ lực cố gắng trong công việc. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ban, sự hỗ trợ của lãnh đạo và tập thể Văn phòng, sự hợp tác của các đơn vị trực thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương để hoàn tốt nhiệm vụ được giao. Đại diện lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chúc mừng tân Phó Chánh văn phòng Nguyễn Anh Tuấn Mai Thảo

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

TĐKT - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên theo hướng đủ về số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà trường vẫn còn nhiều bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Điều này đòi hỏi Nhà trường cần có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ trong thời gian tới. Tăng về số lượng Năm 2019, số lượng nhân lực ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 1.379 người; trong đó số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) là 1.265 người (chiếm 91,73%). Từ năm 2014 đến nay, số lượng NNLCLC có sự gia tăng theo từng năm. Năm 2014, NNLCLC là 1.145 người; năm 2015 là 1.182 người, tăng 37 người so với 2014; năm 2016 là 1.200 người, tăng 18 người; năm 2017 là 1.232 người, tăng 32 người; năm 2018 là 1.252 người, tăng 30 người; và năm 2019 là 1.265 người, tăng 13 người so với 2018. Như vậy, từ 2014 đến 2019, số lượng NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng 115 người (tăng 10,5% so với năm 2014). Trong tổng số NNLCLC ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay, đội ngũ giảng viên có số lượng lớn nhất với 1.117 người (chiếm 88,3%); còn lại là đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức ở các phòng, ban chuyên môn, trung tâm... (148 người, chiếm 11,7%). Từ 2014 đến 2019, đội ngũ giảng viên đã tăng lên từ 1.070 người (năm 2014) lên 1.117 người (năm 2019), tốc độ tăng trưởng 4,0% so với năm 2014. Trong đó, đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) có xu hướng tăng, trình độ đại học có xu hướng giảm. Nâng cao về chất lượng Trình độ học vấn, năng lực của NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nhà trường trong điều kiện mới. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư tăng cao theo từng năm. Tính đến 2019, tỷ lệ nhân lực có học hàm, học vị giáo sư là 2,77%, phó giáo sư: 6,17%, tiến sĩ: 11,07%, thạc sĩ: 58,26%, trình độ đại học chiếm 21,73% tổng số NNLCLC toàn trường. Từ năm 2014 - 2019, nhân lực có học hàm giáo sư tăng từ 19 người lên 35 người, phó giáo sư từ 52 người lên 78 người, học vị tiến sĩ từ 105 người lên 140 người, thạc sĩ từ 662 người lên 737 người. Trong khi đó, trình độ nhân lực có trình độ đại học có xu hướng giảm, từ 312 người xuống còn 275 người; trình độ dưới đại học giảm từ 134 người xuống còn 114 người. Về trình độ chức danh chuyên môn của NNLCLC ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Tỷ lệ NNLCLC có chức danh chuyên viên, chuyên viên chính, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp có sự gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2014 lực lượng này chiếm 85,22% tổng NNLCLC toàn trường; trong đó, chuyên viên, chuyên viên chính chiếm 5,21%, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp chiếm 80,01%. Đến năm 2019, đội ngũ này tăng lên 94,23% (chuyên viên, chuyên viên chính chiếm 9,88%, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp chiếm 84,35%). Lực lượng có chức danh chuyên môn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số NNLCLC của nhà trường là đội ngũ nhà giáo (từ giảng viên trở lên), trung bình chiếm 81,9% trong giai đoạn 2014 - 2019. Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu giáo dục - đào tạo của nhà trường. Kể từ năm 2014 đến 2019, ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ cấu NNLCLC đang dần hoàn thiện hơn khi trình độ sau đại học có xu hướng tăng, trình độ đại học có xu hướng giảm. Điều đó phản ánh chất lượng NNLCLC của nhà trường đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể: năm 2014, tỷ lệ NNLCLC có trình độ sau đại học (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) là 838 người, chiếm 72,87%, trình độ đại học là 312 người chiếm 27,13% tổng NNLCLC toàn trường. Đến năm 2019, tỷ lệ NNLCLC tương tự lần lượt là 990 người (chiếm 78,26%) và 275 (chiếm 21,74%) tổng NNLCLC toàn trường. Hiện nay, tỷ lệ giữa đội ngũ giảng viên với đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các phòng, ban, viện, trung tâm... là cũng khá phù hợp, 88,3% so với 11,7% (tỷ lệ 7,5/1). Đây là tỷ lệ hợp lý trong môi trường giáo dục đại học hiện nay, khi đội ngũ giảng viên giữ vai trò trung tâm nhất, phản ánh uy tín, chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường.  Những hạn chế, bất cập Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với sự phát triển về quy mô đào tạo của nhà trường. Số lượng NNLCLC của Nhà trường hiện nay còn thiếu so với chức năng nhiệm vụ. Số lượng sinh viên tăng nhanh, nhiệm vụ thường xuyên được bổ sung, trong khi đó số lượng NNLCLC lại tăng chậm. Năm 2015, NNLCLC của nhà trường tăng 3,2% so với 2014; năm 2016 tăng 1,5% so với 2015; năm 2017 tăng 2,7% so với 2016; năm 2018 tăng 2,4% so với 2017; năm 2019 tăng 1,0% so với 2018. Đến năm 2019, số lượng học viên, sinh viên tuyển sinh được là 8.654 người (trong đó có 614 cao học, 7.604 đại học và 436 cao đẳng); tốc độ tăng trưởng đạt 9,3%. Trong khi đó, kể từ 2014 đến 2019, đội ngũ giảng viên tăng lên từ 1.070 người (năm 2014) lên 1.117 người (năm 2019), tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,0% so với năm 2014. Nhiều giảng viên phải dạy tăng giờ thêm giờ so với quy định, có giảng viên giảng từ 600 đến 700 tiết/năm, gấp hơn 2 lần so với quy định. Với số lượng giảng viên là 1.117 người (năm 2019) như hiện nay nhà trường vẫn chưa đáp ứng được tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo thông tư số 57/TT-BGDĐT ban hành ngày 02/12/2011 là 25 sinh viên/giảng viên thì trường đang ở mức 28 sinh viên/giảng viên. Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đồng bộ, một số mặt chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Ở một số khoa, giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng đào tạo chuyên ngành của khoa. Cụ thể là khoa: Thiết kế đồ họa, Tiếng Trung - Nhật, Tiếng Nga 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở xuống. Nhiều khoa còn thiếu NNLCLC là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như: Khoa Tài chính, Cơ điện tử, Luật Kinh tế, Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận NNLCLC chưa được bố trí sắp xếp phù hợp với chuyên môn được đào tạo cũng như năng lực sở trường công tác của họ, đây cũng là một sự lãng phí trong việc dùng người. Trình độ tin học và ngoại ngữ của NNLCLC ở nhà trường còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo. Khả năng ngoại ngữ của một bộ phận lớn NNLCLC chưa cao là rào cản khả năng viết và đăng các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế và tham dự các hội thảo, các nghiên cứu mang tầm quốc tế, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế. Số giảng viên có trình độ cao hầu hết tuổi đời cũng đã cao, đây là hạn chế rất lớn do các giảng viên này khó có thể bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao còn có sự mất cân đối về cơ cấu chuyên ngành, độ tuổi và giới tính. Cơ cấu ngạch bậc của NNLCLC ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mặc dù đã có sự phát triển hài hòa, cân đối đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo đặt ra trong tình hình mới. Tuy nhiên, sự phân bổ giữa các cơ quan, đơn vị là không đồng đều nhau. Đối với khối khoa, cán bộ, nhà giáo có chức danh giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp cũng không đồng đều nhau về tỷ lệ giữa các khoa trong trường. Một số khoa tỷ lệ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp còn thấp là: Khoa Mỹ thuật ứng dụng; Khoa Môi trường; Khoa Công nghệ thông tin; Khoa Dược; Khoa Đại học liên thông và đào tạo từ xa; Khoa Tại chức hướng nghiệp; Khoa Giáo dục Quốc phòng - An ninh; Khoa Giáo dục thể chất... Cơ cấu theo độ tuổi: Mặc dù trong những năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tích cực tuyển dụng cán bộ trẻ, đào tạo để tạo nguồn bổ sung cho NNLCLC lớn tuổi nghỉ hưu và nhờ đó đã khắc phục được phần nào về tình trạng hẫng hụt NNLCLC, nhưng hiện nay cơ cấu NNLCLC theo độ tuổi vẫn còn những bất cập. Vẫn còn sự hẫng hụt nhất định về lực lượng kế cận ở các khoa, phòng, ban, trung tâm. Lực lượng kế cận cho vị trí lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm ở tầm tuổi 40 - 50 còn thiếu hụt, chưa thể thay thế ngay lập tức cho các vị trí quản lý của Nhà trường. Cơ cấu theo giới tính: Ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay NNLCLC nữ đông hơn nam. Năm 2019, tỷ lệ nữ nam là 53,68% - 46,32%. Đây là cơ cấu tương đối phù hợp với các chuyên ngành đào tạo thuộc khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngôn ngữ vì các chuyên ngành này thường vẫn có tỷ lệ nữ giới lớn hơn nam giới. Tuy nhiên, sự mất cân đối về giới tính thể hiện ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện nay là tỷ lệ cán bộ quản lý, giảng viên nữ có học hàm, học vị cao là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ lại thấp hơn nam giới. Năm 2019, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 35 giáo sư, 78 phó giáo sư, 140 tiến sĩ thì cán bộ quản lý, giảng viên nữ là 7 giáo sư (chiếm 20% tổng số giáo sư), 23 phó giáo sư (chiếm 29,5% tổng số phó giáo sư), 48 tiến sĩ (chiếm 34,3% tổng số giáo sư). Một số giải pháp Một là, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp. Căn cứ vào chiến lược phát triển NNLCLC, các chủ thể quản lý cần xây dựng quy hoạch phát triển NNLCLC trong toàn trường. Quy hoạch cần tính cả nguồn bù đắp thay thế, nguồn tăng thêm theo mục tiêu chiến lược, nguồn dự phòng cho bộ phận nhân lực chất lượng cao sắp hết tuổi lao động, chuyển công tác… Quy hoạch cũng phải bảo đảm nội dung phát triển toàn diện: gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng và hoàn thiện cơ cấu NNLCLC, trong đó chú trọng phát triển bộ phận giảng viên cơ hữu có năng lực chuyên môn đặc biệt, tạo ra thương hiệu riêng cho từng khoa chuyên ngành của Nhà trường. Trên cơ sở quy hoạch phát triển, các khoa, phòng, ban, trung tâm và tổ chức đoàn thể phải có các kế hoạch phát triển NNLCLC của riêng mình, cả kế hoạch giai đoạn và kế hoạch thực hiện trong từng năm. Kế hoạch phải xác định thật cụ thể mục dích cần đạt tới, những nhiệm vụ cần triển khai, người phụ trách, lực lượng tiến hành, biện pháp cụ thể và nguồn lực bảo đảm cho từng nhiệm vụ. Hai là, xây dựng chính sách sử dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao. Chính sách tiền lương phải được tính toán trên cơ sở lượng hoá kết quả lao động và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Nhà trường. Bộ phận nhân lực chất lượng cao được trả thu nhập vượt trội so với bộ phận còn lại là hoàn toàn xứng đáng, do chính sự đóng góp quan trọng của họ vào kết quả giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trả lương xứng đáng sẽ tạo động lực để NNLCLC không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng bản thân và ngày càng có đóng góp lớn hơn cho Nhà trường. Bên cạnh việc ưu đãi về tiền lương, bộ phận nhân lực chất lượng cao cần được bảo đảm môi trường làm việc tốt, cả về mặt kĩ thuật và mặt xã hội. Về kỹ thuật, bộ phận nhân lực chất lượng cao cần được ưu tiên về không gian làm việc, được ưu tiên khai thác sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm phát huy tốt nhất năng lực lao động của họ. Về mặt xã hội, lao động của bộ phận nhân lực chất lượng cao là lao động phức tạp, cần huy động sự tập trung cao độ cả về tư duy và thao tác kĩ thuật, vì vậy việc quản lý lao động phải linh hoạt, mềm dẻo, tạo cảm giác thoải mái và cảm hứng sáng tạo cho họ. Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Để có đủ lượng tài chính cần thiết, Nhà trường cần huy động từ nhiều kênh khác nhau như huy động nguồn đóng góp của cổ đông, nguồn thu từ sinh viên, nguồn đầu tư hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thu từ hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo với các tổ chức và doanh nghiệp… Sử dụng nguồn lực tài chính cho hoạt động phát triển NNLCLC là việc lập kế hoạch bảo đảm tài chính và tổ chức thực hiện kế hoạch đó phù hợp với kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển NNLCLC của Nhà trường. Trong hoạt động này, tài chính trở thành công cụ huy động các nguồn lực khác phục vụ cho thu hút, đào tạo, bồi dưỡng NNLCLC. Để việc sử dụng nguồn lực tài chính đạt được hiệu quả tối ưu, người lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính phải tính toán chính xác và cụ thể từng khoản đầu tư, và giám sát chặt chẽ sự vận động của chúng, sao cho mỗi khoản chi đều mang lại hiệu quả tương ứng, tránh thất thoát, lãng phí. Bốn là, đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước sẽ giúp bộ phận nhân lực của Nhà trường được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu; đồng thời cũng góp phần quan trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho mỗi bên. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần tăng cường mời giảng đối với những giảng viên cao cấp, các nhà khoa học có uy tín. Các chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu khác nhằm bổ sung NNLCLC cho mình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận nhân lực CLC của Nhà trường thực hiện các hoạt động thỉnh giảng, ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học và tham gia các hội đồng đánh giá luận văn, luận án, đề tài khoa học của các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu khác trong cả nước. Năm là, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp. Nhà trường cần chủ động ký kết với doanh nghiệp các hợp đồng đào tạo nhân lực có địa chỉ, trao đổi chuyên gia và chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhà trường sẽ đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời mời các nhà quản lý giàu kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng, qua đó bổ sung NNLCLC cho trường. Nhà trường cần chủ động đề xuất thực hiện các hợp đồng đào tạo tại doanh nghiệp, hoặc thuê cơ sở hạ tầng kĩ thuật của doanh nghiệp để phục vụ dạy học thực hành, qua đó tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại cho phát triển NNLCLC của Nhà trường. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, vừa giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường bám sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, đồng thời giúp tạo nguồn thu quan trọng phục vụ cho phát triển NNLCLC. ThS. Nguyễn Đại Lâm Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và đào tạo: Phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 2. Trần Văn Hùng (2012), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học, <http://gdtd.vn/channel/3062/201008/Phat-trien nguon-nhan-lucchat-luong-cao-cho-cac-truong-DH-1932268/ 3. Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy Hùng, (Chủ biên) (2012), Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2019), Danh sách đội ngũ giảng viên phân theo khối ngành, trình độ năm 2019, Hà Nội. 5. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (2019), Danh sách cán bộ, nhân viên khối phòng, ban, trung tâm, viện nghiên cứu năm 2019, Hà Nội.  

Trao tặng 4.700 bộ đồ bảo hộ y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở Đà Nẵng

TĐKT - Trong 2 ngày 9 và 10/8/2020, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng 4.700 bộ đồ bảo hộ y tế trị giá hơn 500 triệu đồng cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở TP Đà Nẵng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đại diện Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao vật tư y tế cho các cơ sở y tế Các bộ đồ y tế được trao cho 11 bệnh viện: Bệnh viện 199 Bộ Công an, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện C, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viên Y học cổ truyền và 7 trung tâm y tế tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Thành Đoàn Đà Nẵng còn trao 6.000 khẩu trang y tế N95, 1.100 lít nước sát khuẩn y tế, 10.000 mũ chống giọt bắn, 50 thùng nước rửa tay và dung dịch vệ sinh cá nhân cho các đơn vị trên để chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Số vật tư y tế trên do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng, Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ. CTG

Tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 10/8/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2533/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương về việc tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Theo đó, đối tượng, điều kiện và thời gian tiếp tục tạp dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được hướng dẫn cụ thể như sau: Người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nay vẫn còn gặp khó khăn thì được tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tối đa đến hết tháng 12/2020.  Người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo đủ các điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (lần đầu) theo hướng dẫn tại Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì thực hiện theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trước đây của BHXH Việt Nam, thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa đến hết tháng 12/2020. Thẩm quyền, thủ tục hồ sơ, trình tự thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cơ quan BHXH để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Trước đó, để triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Công văn số 1391/BHXH-BT ngày 6/5/2020 về việc thực hiện một số nội dung theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, ước đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động với số tiền khoảng 475 tỷ đồng. Trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, BHXH Việt Nam luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ quản lý Nhà nước. Hồng Thiết  

Cần bảo đảm an toàn cho nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng

TĐKT - Chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã có mặt tại Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng nhằm động viên, khích lệ cũng như chỉ đạo đối với công tác phòng, chống dịch tại đây. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khích lệ động viên nhân viên 115 Đà Nẵng (Ảnh: Tuấn Dũng) Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao hoạt động của Trung tâm kể cả trước khi dịch xảy ra lẫn trong khi dịch bùng phát. Theo Thứ trưởng, Trung tâm dù có 14 xe cứu thương, nhưng đã hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm lập biểu mẫu theo dõi sức khỏe, tổ chức kiểm tra sức khỏe các nhân viên trước khi lên xe làm nhiệm vụ, kiểm tra trang phục bảo hộ và thực hiện đúng nguyên tắc phòng dịch, đảm bảo an toàn cho các nhân viên của Trung tâm. BS CKI. Trần Công Thông (Giám đốc Trung tâm) báo cáo trước Thứ trưởng, trước khi dịch diễn ra, mỗi ngày đơn vị vận chuyển từ 80 - 100 chuyến; khi dịch diễn ra, vận chuyển 20 - 30 ca, vận chuyển bệnh nhân, người F0, F1 cao điểm nhất là 148 chuyến. Trung tâm còn thực hiện các nhiệm vụ trong phòng, chống dịch bệnh như vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế. Trung tâm 115 được Sở Y tế giao là đơn vị chuyên trách vận chuyển bệnh nhân COVID-19 để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp vận chuyển các bệnh nhân chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng đi đến và về; vận chuyển máu từ Bệnh viện Đà Nẵng cho Bệnh viện Bắc Quảng Nam do bệnh nhân gửi vào; vận chuyển các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng tăng cường cho Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Phổi. Nhân viên trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Đà Nẵng (Ánh: Tuấn Dũng) Về nhân lực của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng là 91 cán bộ, công nhân viên, tất cả được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và cho kết quả âm tính, luôn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bất cứ thời điểm nào. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng tăng cường hoạt động, huy động cán bộ và phương tiện để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân trong địa bàn TP Đà Nẵng. Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã tặng 2.500 khẩu trang y tế, 100 bộ quần áo phòng hộ cho Trung tâm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.  Lê Bảo – Minh Thùy      

Trang