Chính trị - Xã hội

Thêm 11 ca mắc COVID-19

TĐKT - Bản tin lúc 18h của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế. Việt Nam hiện có 431 ca bệnh. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24 - 70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận -  Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Sau khi được phong tỏa ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. CA BỆNH 421 (BN421): Bệnh nhân nam, 26 tuổi, địa chỉ tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, nhân viên Khoa Mắt Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 422 (BN422): Bệnh nhân nam, 63 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. CA BỆNH 423 (BN423): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 424 (BN424): Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 425 (BN425): Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 426 (BN426): Bệnh nhân nữ, 62 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 427 (BN427): Bệnh nhân nam, 45 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 428 (BN428): Bệnh nhân nam,70 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 429 (BN429): Bệnh nhân nữ, 53 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 430 (BN430): Bệnh nhân nữ, 33 tuổi, bệnh nhân khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. CA BỆNH 431 (BN431): Bệnh nhân nam, 55 tuổi, bệnh nhân Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Tính đến 18h ngày 27/7: Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc COVID-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.           Tính từ 6h đến 18h ngày 27/7: 11 ca mắc mới.           Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.954, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 232. Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.922. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 800 Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,7% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này. Tính đến chiều ngày 27/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 8 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 58 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19. Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khỏe ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 6 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị 16 ca bệnh, đây là cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân nhất đến thời điểm này; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi điều trị 1 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 3 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 7 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình điều trị 11 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị 4 ca bệnh... Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc điều trị 1 ca bệnh, Bệnh viện Thành phố Đà Nẵng điều trị 13 ca bệnh; Trung tâm Y tế Bình Sơn- Quảng Ngãi điều trị 01 ca bệnh; Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị 1 ca bệnh. La Giang  

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

TĐKT - Trong không khí cả nước hướng đến kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), ngày 27/7/2020, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, gia đình chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng... thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi Lễ Dự buổi Lễ, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường có GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Đỗ Minh Cương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng cùng Ban lãnh đạo Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng các cán bộ, giảng viên là thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, các cán bộ, cựu chiến sĩ bị nhiễm chất độc màu da cam và đại diện lãnh đạo các Khoa, đơn vị, phòng, ban chức năng trong toàn trường. Trong không khí trang nghiêm, toàn thể cán bộ, giảng viên cùng các thương, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thành kính nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, những anh hùng liệt sĩ yêu nước đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại tá Trần Văn Phúc, Trưởng ban Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang của nhà trường phát biểu tại buổi Lễ Mở đầu buổi Lễ, Đại tá Trần Văn Phúc, Trưởng ban Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang của nhà trường gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Ban Giám hiệu, các đơn vị chức năng trong nhà trường đã luôn giúp đỡ, động viên Hội trong nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa cũng như trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, học viên từ khi thành lập trường cho đến nay. Đại tá Trần Văn Phúc chia sẻ, trong hơn 70 năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đạt được những thành tựu nổi bật, từ công tác thể chế, chính sách, phát triển sâu rộng các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh cho đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt syĩ. Theo thống kê, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công và 95,75% người có công đã được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định. Tại buổi Lễ, Đại tá Trần Văn Phúc cũng cho biết, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện có một số cán bộ, chiến sĩ sau thời gian cầm súng chiến đấu để giành lại độc lập cho Tổ Quốc, tự do của dân tộc thì nay đã và đang trở thành những thầy giáo, cô giáo, mang trí tuệ, công sức và kinh nghiệm sống để truyền dạy cho các thế hệ trẻ, sinh viên của nhà trường hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống cũng như giúp đỡ các thế hệ trẻ rèn luyện, tu dưỡng nhân cách trở thành công dân có ích cho xã hội. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường cũng tổ chức tặng quà cho các thương, bệnh binh và con, em của gia đình liệt sĩ đang học tập và làm việc tại trường. Đại diện cho Ban Giám hiệu nhà trường phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đồng thời, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp cũng nhấn mạnh, Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các đồng chí cán bộ, giảng viên là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, đồng thời khích lệ các đồng chí luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhằm giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, học viên, các cán bộ, giảng viên trẻ, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp cũng đề nghị Hội cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang phối hợp với Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên nhà trường tổ chức những chương trình sinh hoạt, tọa đàm mang tính giáo dục chính trị tư tưởng truyền thống, gần gũi để cùng nhau chia sẻ, ôn lại những câu chuyện về thời chiến tranh khốc liệt, công cuộc giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giúp các thế hệ trẻ hiểu được truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta, tiếp tục phấn đấu, luyện rèn, bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thầy và trò Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có những hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, thể hiện sự tri ân và biết ơn sâu sắc đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên và đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đại diện Ban Giám hiệu cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của nhà trường chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, giảng viên là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại trường Cuối buổi Lễ, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường đã trao những phần quà ý nghĩa cho các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã và đang công tác tại trường với mong muốn đội ngũ những người có công với cách mạng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần kiên cường, bất khuất của “Bộ đội cụ Hồ”, cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập, góp phần bảo vệ và xây dựng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói riêng và quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp nói chung.                                                                       Tin: Thu Hương                                                                       Ảnh: Việt Anh

Nhiều phần quà ý nghĩa tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và người có công

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), vừa qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn, Ban tổ chức Chương trình Nghệ thuật Tri ân liệt sĩ “Những người con bất tử” và các nhà tài trợ đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa. Ban tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Những người con bất tử” tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hai và thân nhân liệt sĩ ở tỉnh Nghệ An ngày 25/07/2020 Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn, Ban tổ chức Chương trình Nghệ thuật Tri ân liệt sĩ “Những người con bất tử” và các nhà tài trợ đã tặng hơn 60 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước ở các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hà Nội; tặng 500 suất quà (mỗi suất 300 nghìn đồng) cho Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, tỉnh Hà Nam và Người có công xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng. Tặng quà và sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh ở huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang ngày 21/7/2020. Sau gần 10 năm thành lập (24/10/2010 – 24/10/2020), Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 22.000 gia đình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (trong đó có 200 gia đình liệt sĩ đã tìm được hài cốt bằng phương pháp khớp nối hồ sơ); hỗ trợ giám định ADN miễn phí cho 911 trường hợp (trong đó có 453 trường hợp giám định đúng danh tính và được trao cho các gia đình liệt sĩ); xây dựng và sửa chữa 350 nhà tình nghĩa, tặng gần 1.200 sổ tiết kiệm; tặng gần 350 suất học bổng; tặng gần 22.000 suất quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng. Tặng quà cho Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên tỉnh Hà Nam ngày 18/7/2020 Sau 3 lần tổ chức, được sự chung tay góp sức của các nhà tài trợ, Chương trình “Những người con bất tử” đã tặng gần 500 sổ tiết kiệm, xây dựng 10 nhà tình nghĩa; tặng hơn 1.000 suất quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và người có công với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Phương Thanh

Thực hiện chính sách BHYT của ngành BHXH trong thời gian qua

TĐKT - Thực tiễn cho thấy chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn Những kết quả ấn tượng Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT được ghi nhận: Thứ nhất, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: Nhóm người lao động (NLĐ) đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 (theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm). Do đó mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi. Để đạt được kết quả khả quan như vậy là do sự nỗ lực của ngành BHXH và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất. Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức kinh tế (Tính đến quý IV/2019, toàn quốc có 12,48 nghìn đại lý thu với 37,35 nghìn điểm thu và 52,18 nghìn nhân viên đại lý thu). Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm phải được đảm bảo Thứ hai, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở KCB BHYT là 2.571 cơ sở KCB, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt là số cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở KCB năm 2014 lên 835 cơ sở KCB năm 2020. Cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2009 mới có 92,1 triệu lượt KCB BHYT thì đến năm 2019 số lượt người đi KCB BHYT đã tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt. Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019. Với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…; trên 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc từ dược liệu bao gồm cả các thuốc tim mạch, điều trị ung thư đắt tiền…; hàng ngàn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như: Máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng. Thứ ba, quản lý và sử dụng quỹ BHYT an toàn, hợp lý, hiệu quả. Do mức đóng BHYT còn thấp, phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT hiện nay chủ yếu theo phí dịch vụ, cùng với sự chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ của các bệnh viện công lập, chính sách giá dịch vụ y tế liên tục điều chỉnh tăng... thiếu các công cụ, chế tài kiểm soát tình trạng lạm dụng... dẫn đến chi phí KCB BHYT ngày càng gia tăng khiến cho việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT trở nên khó khăn. Để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT, từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương. Đây là biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT. Việc hướng dẫn các địa phương phân bổ và điều hành dự toán hàng năm cũng được chú trọng; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán, tổng hợp dữ liệu giao dự toán KCB BHYT toàn quốc đến các cơ sở KCB nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương đã đưa chính quyền địa phương chung tay cùng ngành BHXH quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỷ đồng; tổng số thu BHYT do với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi KCB BHYT là 95.081 tỷ đồng bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao. Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỷ đồng; tổng số chi KCB BHYT ước là 104.443 tỷ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu - chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng. Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB trong cả nước và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động, một mặt kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, mặt khác thông qua đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Từ tháng 1/2017, Hệ thống Thông tin giám định BHYT chính thức được khai thác để thực hiện các quy trình của nghiệp vụ giám định BHYT. Với việc ứng dụng Hệ thống, hầu hết các quy trình nghiệp vụ có thể tự động hóa đã được thực hiện bằng các chức năng của phần mềm, qua đó nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ giám định. Các nghiệp vụ tạm ứng, thanh quyết toán trong KCB BHYT của BHXH cấp tỉnh và huyện với các cơ sở y tế được thực hiện theo quy trình khép kín, liên thông và có cơ chế kiểm soát, đối chiếu giữa các phần mềm nghiệp vụ, đảm bảo minh bạch, chính xác trong quản lý tài chính. Các chức năng của Hệ thống Thông tin giám định BHYT ngày càng được hoàn thiện, phát triển và cập nhật thường xuyên. Hệ thống đã kịp thời phân tích, phát hiện và thông báo thường xuyên cho cơ sở KCB và cơ quan BHXH địa phương những biến động bất thường như: Các trường hợp chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định, quá mức cần thiết, không đúng quy trình chuyên môn, tần suất chỉ định dịch vụ tăng bất thường; chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú rộng rãi; sử dụng thuốc quá mức cần thiết…; phát hiện và công khai các trường hợp lạm dụng BHYT như: Đi KCB nhiều lần, nhiều nơi trong ngày; thu dung người bệnh có thẻ BHYT để trục lợi… giúp BHXH tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT, cơ sở KCB cũng chủ động xem xét, điều chỉnh việc thống kê thanh toán và việc chỉ định sử dụng dịch vụ y tế. Hệ thống Thông tin giám định BHYT qua hơn hai năm hoạt động đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ của ngành BHXH mà cả ngành y tế đặc biệt là các cơ sở y tế. Với các thông tin được cập nhật, công khai, minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi KCB mỗi năm, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ. Thứ năm, cấp mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT để nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử thay thế cho thẻ BHYT chất liệu giấy. Việc cấp một mã số BHXH duy nhất mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý và cả người tham gia, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành BHXH. Theo đó, cơ sở dữ liệu này giúp loại bỏ được tình trạng cấp trùng thẻ, chống các hành vi sử dụng thẻ giả, lạm dụng quỹ BHYT đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Mã số BHXH cũng đã được Bộ Y tế quy định sử dụng làm mã định danh y tế duy nhất cho mỗi người dân Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác.  Hướng tới phát triển BHYT bền vững BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: Già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi... và đặc biệt là chi KCB BHYT không ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm. Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững. Số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay tuy còn ít, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT. Hướng giải quyết đặt ra là ngành BHXH cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT. Đồng thời có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Theo đó, quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT. Cần sớm thực hiện và hoàn thiện các quy trình thực hiện của các giải pháp sau:  Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với KCB ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán DRG đối với KCB nội trú. Đồng thời, kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở KCB. Mặt khác,  đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế. Song song với đó là tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh phố và các cơ sở KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa. Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo phát triển BHYT bền vững./. Phạm Lương Sơn Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Tri ân Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh tiêu biểu

TĐKT - Ngày 26/7, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu tại địa bàn quận Cầu Giấy. Thăm hỏi Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hướng (sinh năm 1942, thương binh hạng 2/4, trú ở tổ 19, phường Nghĩa Tân), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự trân trọng trước những đóng góp trong công cuộc kháng chiến của dân tộc của đồng chí Nguyễn Văn Hướng. Ông đã lập nhiều chiến công diệt Mỹ; tháng 9 năm 1966, ông trực tiếp bắn cháy 3 xe tăng, tiêu diệt hơn 10 lính Mỹ năm 1968 ông bị thương nặng, vỡ hàm bên trái, được chuyển về tuyến sau cứu chữa nhưng ông xin được ở lại tiếp tục chiến đấu và năm 1978 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi nghỉ công tác, Đại tá Nguyễn Văn Hướng cùng gia đình tích cực tham gia công tác xã hội tại khu dân cư, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu tại địa bàn quận Cầu Giấy  Chủ tịch UBND thành phố kính chúc Đại tá Nguyễn Văn Hướng mạnh khỏe, tiếp tục động viên con cháu và gia đình gương mẫu, luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quận, thành phố ngày càng giàu đẹp. Chúc mừng gia đình Đại tá, PGS.TS Hà Huy Thông (sinh năm 1946, thương binh hạng 4/4 trú ở tổ 17, phường Nghĩa Tân), đồng chí Nguyễn Đức Chung đánh giá cao tấm gương đồng chí Hà Huy Thông đã cống hiến một phần xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc; xứng danh bộ đội Trường Sơn anh hùng. Khi nghỉ công tác tiếp tục tham gia là Bí thư Chi bộ Tổ dân phố trong 10 năm liên tiếp; ông cũng là đại biểu HĐND quận và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Cầu Giấy. Gia đình ông luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch UBND thành phố chúc Đại tá, PGS. TS Hà Huy Thông và gia đình mạnh khỏe, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương và thành phố. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành của thành phố và các cấp, ngành của quận Cầu Giấy chú trọng công tác an sinh xã hội, đặc biệt là làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với các gia đình chính sách, người có công ngày một tốt hơn. Xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Hướng và đồng chí Hà Huy Thông trân trọng cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, các ban, ngành, đoàn thể địa phương; đồng thời khẳng định bản thân và gia đình sẽ tiếp tục nỗ lực, gương mẫu trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mai Thảo                

Đường sắt Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

TĐKT - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch trong tình hình mới và đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu. Đường sắt Việt Nam triển khai các biện pháp phòng, chống dịch covid trong tình hình mới Nhằm giải tỏa hành khách tại Đà Nẵng, ngành Đường sắt lập thêm tàu tăng cường từ Đà Nẵng đi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày 27/7/2020. Chiều Đà Nẵng - Hà Nội chạy thêm tàu SE20 xuất phát lúc 18h45; chiều Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, chạy thêm tàu SE27 xuất phát lúc 20h20. Miễn phí đổi, trả vé cho hành khách có ga đi hoặc đến là các ga Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi trong khoảng thời gian từ 27/7 đến 12/8/2020, (vé cá nhân trả trước giờ tàu chạy 4 tiếng, vé tập thể trả trước giờ chạy tàu 10 tiếng). Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và hành khách đi tàu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại các nhà ga và trên các đoàn tàu của Đường sắt Việt Nam. Lập 2 tổ thường trực tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, cử nhân viên y tế túc trực thường xuyên nhằm kiểm soát và kịp thời phát hiện nếu có trường hợp khách có biểu hiện nhiễm bệnh, hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…  trước khi lên tàu. Tại tất cả các ga, tăng cường vệ sinh môi trường, khử khuẩn, bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn tại tất cả các khu vực của nhà ga. Nhân viên có tiếp xúc với hành khách đều phải đeo khẩu trang khi tác nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền cho những người dân, hành khách đi tàu về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh qua hệ thống phát thanh tại nhà ga theo yêu cầu của Bộ Y tế.   Đối với nhân viên trên tàu, yêu cầu tất cả nhân viên đeo khẩu trang khi tác nghiệp, quan sát hành khách có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, thông báo ngay cho phòng y tế tại nhà ga khi hành khách đó xuống tàu để cách ly theo dõi kịp thời. Toàn bộ các đoàn tàu khách sau khi về ga đều phải phun thuốc khử trùng, lau rửa bên trong và bên ngoài trước khi chở khách chuyến tiếp theo. Trường hợp Bệnh nhân 419 là hành khách đi tàu SE7 ngày 21/7/2020 (từ ga Đà Nẵng đến ga Quảng Ngãi), ngành Đường sắt đã phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương thông tin tới các hành khách đi cùng; đồng thời tiến hành khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ toa xe. Trong những ngày tới, căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu đi lại của hành khách, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục điều chỉnh lịch chạy tàu trên các tuyến trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Mai Thảo

Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam, BHXH TP Hồ Chí Minh và Bưu điện thành phố đã phối hợp tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Phát huy tinh thần “mỗi người là một tuyên truyền viên tích cực”, TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả ấn tượng, tạo bước đột phá trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn. Ngay trong ngày ra quân, đã có 74 điểm tư vấn BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cố định được xây dựng để tuyên truyền, tư vấn cho người dân trên toàn thành phố Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, ngay sau Lễ ra quân trực tuyến, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền lưu động với 10 đội tuyên truyền (165 người) đi trên các trục đường chính của 24 quận, huyện. Đồng thời, các tuyên truyền viên của BHXH 24 quận, huyện và 10 bưu điện trung tâm đã đến 74 điểm tư vấn đã xây dựng trước. Cán bộ tuyên truyền đi đến từng khu phố, từng khu chợ để phát tờ rơi cho tiểu thương, người bán hàng rong, tài xế xe ôm… Tiếp theo đó, BHXH các quận, huyện tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và tiếp tục tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT cho các tiểu thương tại các chợ… Với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH và Bưu điện thành phố, trong 2 ngày ra quân, TP Hồ Chí Minh đã phát triển được 9.821 người tham gia BHYT hộ gia đình và 1.221 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là kết quả đột phá trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại địa phương, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 của BHXH thành phố, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Việc tổ chức Lễ ra quân đồng bộ trên toàn thành phố đã tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý của người dân về các chính sách BHXH, BHYT; giúp người dân hiểu thêm về chính sách BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện là các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, tạo được niềm tin và sự an tâm trong nhân dân với các chính sách này. Hồng Thiết

BHXH tỉnh Trà Vinh - Phát huy được tinh thần “mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên ngành BHXH, Bưu điện là một tuyên truyền viên tích cực”

TĐKT - Hòa cùng không khí chung của cả nước, BHXH tỉnh Trà Vinh và Bưu điện tỉnh đã tổ chức thành công Lễ ra quân ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đoàn xe diễu hành trên các trục đường chính Hiểu rõ mục đích ra quân lần này, là hình thức đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, vận động mọi người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo mục tiêu, định hướng Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan BHXH và Bưu điện các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy được tinh thần “mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên ngành BHXH, Bưu điện là một tuyên truyền viên tích cực” đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Từng cán bộ, viên chức, nhân viên hai ngành đã tích cực tuyên truyền những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân, nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân về ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình - chính sách của Đảng, Nhà nước hướng tới mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho mọi người dân. Lực lượng 76 đội ra quân tham gia diễu hành trên các tuyến đường và đi từng ngõ, từng hộ dân để tuyên truyền lợi ích thiết thực, mức đóng, mức hưởng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã tạo nên làn sóng lan tỏa thông tin giúp nhiều người dân địa phương biết đến chính sách BHXH, BHYT - hai chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, từ đó tin tưởng và chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cán bộ BHXH huyện Trà Cú phát tờ rơi và tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân tại các nhóm chợ Trong Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHXH tỉnh đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể, trong ngày ra quân, BHXH toàn tỉnh đã vận động được 925 người tham gia mới BHXH tự nguyện, đạt 132,14% kế hoạch đề ra; số người tham gia BHYT hộ gia đình vận động được là 1.186 người, đạt 91,23% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, sau ngày ra quân, ngày 12/7 đã tiếp tục vận động thêm được 40 người tham gia mới BHXH tự nguyện, nâng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện lên 965 người trong đợt ra quân đạt tỷ lệ 137,85% kế hoạch đề ra. Tin rằng, kết quả này sẽ là động lực để BHXH tỉnh Trà Vinh ngày càng nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua chính sách BHXH, BHYT. La Giang  

BHXH tỉnh Thanh Hóa vận động 2.772 người tham gia BHXH tự nguyện, 3.264 người tham gia BHYT hộ gia đình

TĐKT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động 2.772 người tham gia BHXH tự nguyện; 3.264 người tham gia BHYT hộ gia đình nhằm hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam . Nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2020, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã đặt mục tiêu phấn đấu thu hút trên 4.000 người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Ngay sau Lễ phát động trực tuyến do BHXH Việt Nam tổ chức, hơn 200 công chức, viên chức của BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh, cùng 26 đội tuyên truyền lưu động của BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt xuống đường cổ động, tuyên truyền trên các tuyến phố chính và chia nhóm nhỏ đến các khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân. Ra quân lần này, BHXH tỉnh đã “dồn sức”, huy động cán bộ viên chức và mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT của hệ thống bưu điện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo số liệu cập nhật, trong 2 ngày ra quân, nhiều huyện đã đạt kết quả vượt sự mong đợi như: BHXH huyện Thọ Xuân vận động được 549 người tham gia BHXH tự nguyện, 96 người tham gia BHYT hộ gia đình; BHXH huyện Hoằng Hóa vận động được 210 người tham gia BHXH tự nguyện, 206 người tham gia BHYT hộ gia đình; BHXH huyện Triệu Sơn vận động được 122 người tham gia BHXH tự nguyện, 135 người tham gia BHYT hộ gia đình; BHXH huyện Thiệu Hóa vận động được 103 người tham gia BHXH tự nguyện, 364 người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH huyện Ngọc Lặc vận động được 112 người tham gia BHXH tự nguyện, 116 người tham gia BHYT hộ gia đình… Cán bộ BHXH tới từng thôn bản tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân Ấn tượng nhất trong lần ra quân này, đó là sự nỗ lực của các huyện miền núi phía Tây. Do đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều bản cách xa trung tâm huyện khoảng 45 km, lại không có phương tiện nào vào được bản, nên cán bộ tuyên truyền phải đi bộ vào tận nơi để tuyên truyền, giải thích, vận động về chính sách cho nhân dân. Kết quả: BHXH huyện Quan Sơn vận động được 35 người; BHXH huyện Quan Hóa vận động được 31 người và BHXH huyện Mường Lát vận động được 18 người dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện, 11 người tham gia BHYT. Đặc biệt, tại huyện miền núi Quan Sơn, đa số là bà con dân tộc Thái nên Giám đốc BHXH huyện Hà Văn Xuân phải trực tiếp chuyển các bài tuyên truyền từ tiếng phổ thông sang tiếng Thái để cán bộ tuyên truyền trao đổi với bà con được dễ dàng, thuận lợi hơn. Tiến nhanh tới BHYT và BHXH toàn dân, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để người dân hiểu một cách sâu sắc về bản chất tốt đẹp của chính sách BHXH trong việc ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân. La Giang

BHXH tỉnh Tiền Giang: Lễ ra quân hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam không chỉ là khẩu hiệu

TĐKT - Với tinh thần chủ động, sáng tạo, sự chuẩn bị chu đáo, việc triển khai Kế hoạch Liên tịch số 2043/KHLT-BHXH-BĐVN về việc tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng ngày BHYT Việt Nam tại Tiền Giang đã mang lại kết quả hết sức khả quan, tạo bước đột phá trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. BHXH tỉnh đã phối hợp cùng Bưu điện tỉnh xây dựng phương án tổ chức Lễ ra quân tại 8 điểm trên phạm vi toàn tỉnh, với 99 thành viên của Tổ tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính, đông người qua. Tại, khu (cụm) dân cư, chợ thực hiện loa phóng thanh tuyên truyền, phát tờ rơi…; đồng thời có 60 nhóm và 161 thành viên đội tư vấn trực tiếp, gồm nhân viên BHXH, bưu điện và nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của UBND các phường, xã, thị trấn… đến từng hộ dân, các điểm tuyên truyền cho hội viên các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… Đặc biệt, chỉ tiêu đặt ra trong ngày Lễ ra quân toàn tỉnh sẽ thực hiện thu trực tiếp 840 người tham gia BHXH tự nguyện, 1.000 người tham gia BHYT hộ gia đình cho BHXH các huyện, thị. Trên cơ sở này BHXH cấp huyện thực hiện giao chỉ tiêu cho từng nhóm vận động, tuyên truyền thực hiện trong ngày ra quân. Ngành BHXH đã tổ chức họp với các ngành: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Thông tin và Truyền thông… kêu gọi mỗi ngành có sự thống nhất trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên các đoàn thể và người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, lãnh đạo ngành BHXH kêu gọi các Chi nhánh Ngân hàng thương mại có ký kết mở, quản lý, sử dụng tài khoản tiền gửi thu BHXH với cơ quan BHXH, hỗ trợ kinh phí đồng hành cùng chương trình: “Hỗ trợ thẻ BHYT - chia sẻ yêu thương” do BHXH tỉnh phát động. Ngay tại Lễ ra quân, BHXH tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ kinh phí tặng chương trình “Hỗ trợ thẻ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn từ các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang 50 triệu đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Tiền Giang trên 24 triệu đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang 10 triệu đồng. Lãnh đạo ngân hàng Vietconbank trao biểu trưng số tiền ủng hộ Chương trình “Hỗ trợ thẻ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”cho lãnh đạo BHXH tỉnh Tiền Giang Sau Lễ phát động, tại điểm cầu Tiền Giang, Tổ chạy tuần hành roadshow đã thực hiện tuyên truyền trên các tuyến đường chính trên địa bàn Mỹ Tho, Châu Thành, Chợ Gạo để truyền tải các thông điệp về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Riêng Tổ tuyên truyền, vận động gồm: Nhân viên BHXH, Bưu điện, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của các phường, xã trực tiếp đến từng hộ dân vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Kết quả, ngay trong ngày ra quân thu đã có: 1.490 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 173% chỉ tiêu đạt ra; 2.311 người tham gia BHYT, đạt 231%. Như vậy, so 2 chỉ tiêu về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình BHXH tỉnh đặt ra đều đạt và vượt chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu. Lãnh đạo UBND tỉnh, BHXH, Bưu điện bắt tay động viên các thành viên Tổ roadshow trước khi xuất phát. Tiếp tục khí thế của ngày Lễ ra quân, trong những ngày tiếp theo, BHXH tỉnh Tiền Giang tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến hết tháng 7/2020 và các tháng tiếp theo. Quyết tâm đạt tỷ lệ bao phủ về BHYT và phát triền tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo Kế hooạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh đề ra trong năm 2020.   Với sự nỗ lực không ngừng của ngành BHXH, sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị của tỉnh, Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam không còn là khẩu hiệu mà đã đem lại những kết quả hết sức thuyết phục, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, tiếp tục tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hồng Thiết

Trang