Chuyên đề

Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Tuy nhiên, do nhiều năm trở lại đây, trên hệ thống sông Hồng chưa có lũ lớn nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan cả từ người dân đến cán bộ lãnh đạo các cấp trong công tác quản lý đê điều. Ở một số địa phương, đặc biệt là những đoạn đê đi qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung, những khu vực ven đê, bãi sông có dân cư sinh sống, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra liên tục, nhiều vụ vi phạm chưa được quan tâm xử lý dứt điểm, hiện tượng tái vi phạm còn phổ biến. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, cùng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Vì vậy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu nhiều mô hình mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Một trong số đó là phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”.   Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” năm 2016 tại tỉnh Hưng Yên Phong trào được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động năm 2016 nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thu hút mọi tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu xây dựng nhiều “Hạt quản lý đê điển hình” và nhiều “Tuyến đê kiểu mẫu”.   Điếm canh đê kiểu mẫu thuộc tuyến đê hữu Hồng huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội Phong trào thi đua đã được tất cả các tỉnh, thành phố có đê tổ chức thực hiện và ký kết giao ước thi đua tại Lễ phát động do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 3/2016. Qua 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2016 - 2020), phong trào đã đạt được những kết quả tích cực, đã xây dựng 34 hạt quản lý đê, 81 tuyến đê theo tiêu chí “Hạt quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu”, có tính lan tỏa cao, làm cơ sở triển khai nhân rộng.   Hạt quản lý đê Nam Đàn, tỉnh Nghệ An Những “Hạt quản lý điển hình” là những điểm sáng về công tác quản lý, là mô hình thực tế nhất để các địa phương có thể chia sẻ, học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Các tiêu chí đã đạt được là: Công tác quản lý được thực hiện nền nếp, bài bản; tất cả các vi phạm được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, hồ sơ vi phạm đúng quy định; thực hiện tốt việc tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố đê; trụ sở hạt được cải tạo, chỉnh trang gọn gàng, ngăn nắp; trang thiết bị, tài liệu đáp ứng yêu cầu quản lý… Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ đảm bảo an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân đối với con đê quê hương ở mỗi địa phương.   Tuyến đê tả Hồng tỉnh Hưng Yên Để đạt được hiệu quả cao, nhiều địa phương đã vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia công tác bảo vệ, tu bổ đê điều trong điều kiện nguồn kinh phí thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như tại thành phố Hà Nội và tỉnh Nam Định, hai trong số các địa phương có quy mô hệ thống đê điều lớn nhất cả nước. Theo đó, tuyến đê hữu Hồng đoạn qua địa bàn xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trước kia không có đường hành lang chân đê, cây cỏ dại mọc um tùm trên mái đê, tình trạng vi phạm hành lang đê diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng đến an toàn đê và mất mỹ quan làng, xóm. Đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê, nhiều hộ còn hiến đất, đóng góp kinh phí để bê tông hóa đường hành lang chân đê, tổ chức trồng, chăm sóc hoa, cỏ mái đê.   Tuyến đê hữu Hồng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định Với thành phố Hà Nội, tuyến đê hữu Hồng đoạn qua phường Trần Phú, quận Hoàng Mai trước kia tình trạng người dân sống ở ven đê đặt chậu cây cảnh, trồng rau màu, đổ rác thải trên mái đê diễn ra phổ biến, gây mất an toàn đê, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị... nay đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Ý thức của nhân dân cũng từ đó được nâng cao, các hành vi vi phạm đã không còn tái diễn, đặc biệt  các hộ dân ven đê đã tự nguyện tham gia chăm sóc, bảo vệ hoa, cỏ mái đê, duy trì cảnh quan xanh, sạch, đẹp.   Người dân chăm sóc cỏ mái đê hữu Hồng quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua của các địa phương và qua công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đến nay Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã báo cáo Bộ NN&PTNT quyết định khen thưởng đối với 17 tập thể và 25 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và biểu dương.   Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều Để kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được ở giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2021 - 2025, phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ đê điều, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng thêm nhiều “Hạt quản lý đê điển hình”, “Tuyến đê kiểu mẫu” để tăng cường khả năng chống lũ của hệ thống đê, kết hợp cải tạo cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.  

Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - Tuổi 45 và khát vọng vươn tầm quốc tế

Gần 45 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) đã khẳng định được vị thế quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ tuổi 45, UEH đang sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới, với khát vọng vươn tầm quốc tế. GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - Nhiệm kỳ 2020 - 2025 Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (thành lập năm 1976), Trường Đại học Tài chính Kế toán TP Hồ Chí Minh (thành lập năm 1976) và Khoa Kinh tế thuộc Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, theo quyết định số 2819/GD-ĐT ngày 09/7/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 10/10/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 118/2000/QĐ-TTg về việc thay đổi tổ chức của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, theo quyết định này Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tách ra thành Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành, với nhiều bậc, hệ đào tạo đa dạng. Trường có đội ngũ giáo sư, giảng viên được đào tạo từ các trường danh tiếng, có trình độ cao, có uy tín khoa học và chuyên môn. Đây là một trong những điều kiện chính để trường từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế và uy tín của mình trong xã hội. Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là trường có số lượng người học thuộc các bậc, hệ đào tạo, từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ được coi là lớn nhất nước. Hiện nay, trường đào tạo bậc đại học theo hai loại hình chính quy và vừa làm vừa học, đào tạo sau đại học theo loại hình không tập trung; lưu lượng sinh viên, học viên của trường hàng năm khoảng trên 35.000. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là một trong 14 trường đại học trọng điểm của quốc gia và là trường công lập đầu tiên được Thủ tướng cho phép tự chủ đại học toàn diện (năm 2014). Từ khi thành lập (năm 1976) đến nay, trường đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ, nhà kinh tế, nhà quản lý có trình độ đại học và sau đại học cho cả nước; đảm bảo chất lượng, uy tín và được xã hội thừa nhận. Từ những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên và nhân viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba (1986), 2 Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), 2 Huân chương Lao động hạng Nhất (1996), Huân chương Độc lập hạng Ba (2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2010) và danh hiệu Anh hùng Lao động (2006). Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh còn được các tổ chức có uy tín trong nước và trên thế giới đánh giá cao thông qua các bảng xếp hạng như: Top 1 trường đại học Việt Nam khối ngành kinh tế, kinh doanh công bố quốc tế nhiều nhất (Theo Bộ GD&ĐT); Top 601+ trường đại học tốt nhất châu Á (Theo BXH QS châu Á); Top 1.000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới (Theo BXH Eduniversal); Top 100 trường đào tạo Thạc sĩ tốt nhất thế giới (Theo BXH Eduniversal); Top 25 trường đại học hàng đầu trên thế giới về Chuyển giao tri thức “Đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp suốt đời” (Theo BXH U-Multirank); Top 1 trường đại học khối ngành kinh tế, kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam về năng lực số hóa và lan tỏa tài nguyên học thuật (Theo BXH Webometrics). GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 Trong những năm gần đây, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày càng bứt tốc vươn lên trước xu thế hội nhập, toàn cầu hóa giáo dục. Các chương trình đào tạo và nội dung các môn học của UEH không ngừng được hoàn thiện, cập nhật theo hướng hiện đại, khoa học, giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu của người học ở các ngành, bậc học. Trường có 7 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 4 chương trình đạt chuẩn FIBAA (châu Âu), với trên 20 đối tác thân thiết trong hoạt động hợp tác đào tạo và hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế. Cháy bỏng khát vọng vươn lên, góp phần rạng danh giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế, thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hôm nay đang từng ngày miệt mài phấn đấu, quyết tâm sớm đưa UEH có tên trong top 500 đại học tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS trước năm 2025.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh: Chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Trong năm 2020 tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn biến phức tạp, song các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện chủ động, quyết liệt. Viên chức và người lao động Trung tâm đã tập trung cao độ trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Viên chức và người lao động Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh Trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh phát hiện 2 ổ dịch tay chân miệng, xử lý 2 ổ dịch, giảm 9 ổ so với cùng kỳ 2019. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết được xử lý/ổ dịch được phát hiện là 230/230 ổ, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2019; bệnh sốt rét, ho gà, cúm A/H5N1 không xảy ra; bệnh quai bị, sốt phát ban nghi sởi giảm. Một số bệnh khác như dại, uốn ván sơ sinh, bệnh cúm A/H3 tăng so với năm 2019. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo quyết liệt, đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát phát hiện, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Về dịch Covid-19: Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhau. Công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng, cách ly các đối tượng nghi ngờ được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số trường hợp đã thực hiện cách ly trên toàn tỉnh là 2.079 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế 24 trường hợp, cách ly tập trung 1.962 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi cư trú 93 trường hợp. Ngoài ra còn có 4.268  trường hợp được khuyến cáo tự cách ly có theo dõi, giám sát sức khỏe tại doanh nghiệp, tại nhà, nơi cư trú. Đã lấy 3.840 mẫu xét nghiệm, qua đó đã phát hiện 7 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh là nơi đầu tiên của Việt Nam có người bệnh Covid-19 nhiễm biến chủng vi rút SARS-CoV-2 từ Anh. Tất cả các trường hợp dương tính đều được cách ly kịp thời, điều trị khỏi. Nhờ vậy, đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được khống chế thành công, không để lây lan dịch trong cộng đồng. Thành công của công tác chống dịch Covid-19 đã thể hiện rõ nét vai trò của hệ thống y tế dự phòng trong công tác phòng, chống dịch, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đại dịch, niềm tin của người dân đối với ngành Y tế nói chung và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh nói riêng càng được nâng cao, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch trở nên đẹp và ấn tượng trong lòng nhân dân./.

Xiaomi Mi 11 - chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset Snapdragon 888

Xiaomi Mi 11 là chiếc flagship của Xiaomi được trang bị hiệu năng mạnh mẽ kết hợp cùng hàng loạt công nghệ đỉnh cao và thiết kế mới. Đối với một chiếc điện thoại phân khúc cao cấp, Xiaomi Mi 11 có trọng lượng nhẹ đáng kinh ngạc chỉ 196g, kích thước 164.3 x 74.6 x 8.1mm với chiều rộng 74.6 mm dễ dàng cầm bằng một tay. Khung viền máy thanh mảnh với độ mỏng ấn tượng 8.06 mm, được vuốt cong dần về cạnh 2 bên, nối liền hoàn hảo với mặt kính cường lực Corning Gorilla Glass Victus phía trước tạo thành một khối liền mạch vô cùng chắc chắn. Máy có 3 lựa chọn màu là xám bóng đêm, trắng mây và xanh chân trời. Giống như Mi 10, Mi 11 cũng có nút chỉnh âm lượng và nút nguồn ở cạnh phải, đồng thời có cổng USB-C và cổng hồng ngoại để sử dụng máy như một điều khiển từ xa. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là máy không có cổng 3.5 mm nên bạn sẽ phải sử dụng cáp chuyển hoặc tai nghe không dây để nghe nhạc. Xiaomi  Mi 11 sử dụng tấm nền AMOLED với kích thước màn hình 6.81 inch - kích thước lớn nhất trên các điện thoại của Xiaomi từ trước đến nay, hỗ trợ HDR10 + và độ sáng tối đa đến 1500 nits. Ngoài ra, độ phân giải của màn hình WQHD+ 1440 x 3200 sở hữu số điểm ảnh gấp 1,8 lần so với màn hình FHD+ nên cung cấp độ chi tiết cao hơn, đồng thời cho phép người dùng trải nghiệm nội dung video độ phân giải cao 1440p. Tần số quét của màn hình là 120Hz cho trải nghiệm cực kỳ mượt mà. Hai tính năng mới nổi bật trên màn hình có thể kể tới đó là Super Resolution và MEMC sẽ tự động cải thiện độ phân giải và tốc độ khung hình của hình ảnh và video để đem đến chất lượng giải trí vượt trội. Không chịu thua kém bất kì flagship nào trên thị trường, Xiaomi quyết định trang bị cho Mi 11 vi xử lý Qualcomm Snapdragon 888 tiến trình 5 nm cao cấp nhất vừa được ra mắt gần đây kết hợp với 8 GB RAM LPDDR5 và bộ nhớ trong 256 GB chuẩn UFS 3.1 (một giải pháp lưu trữ phổ biến hiện nay trên nhiều thiết bị điện tử, nhiều nhất là smartphone). Đặc biệt, công nghệ Arm Cortex-X1 với xung nhịp khủng 2.84 GHz giúp tốc độ xử lý CPU tăng 25% đồng thời tiết kiệm pin hơn so với Snapdragon 865. Chưa hết, máy còn có khả năng đồ họa cao với GPU Adreno 660 chạy mượt hầu hết nhiều loại game mobile hạng nặng. Đồng thời, bộ xử lý AI Engine thế hệ thứ 6 Hexagon 780 giúp cho máy xử lý được tốt các hình ảnh, video và những tác vụ khác một cách nhanh chóng. Cụm camera chính của Mi 11 năm nay được thiết kế lại, không còn đặt dọc như Mi 10 nữa, thay vào đó là được “gom” lại theo cách bố trí 2×2 và đặt trong một mô-đun hình vuông ở góc trái. Cụm này bao gồm 1 camera chính góc rộng 108 MP f/1.85 với ống kính 7P, camera góc siêu rộng 13 MP và camera macro 5 MP. Camera chính 108 MP có hỗ trợ chống rung quang học OIS và công nghệ pixel-binning giúp người dùng có được những bức ảnh sắc nét kể cả trong điều kiện thiếu sáng. Trong khi đó, camera góc siêu rộng mang lại cho người dùng những tấm hình chân dung ảo diệu với chức năng hỗ trợ xóa phông. Ngoài ra, với camera macro 5 MP, người dùng có thể chụp siêu cận ở khoảng cách gần, mang đến những tác phẩm macro ấn tượng, độc lạ. Ở mặt trước, điện thoại được trang bị camera selfie 20 MP hỗ trợ chế độ selfie vào ban đêm đem đến những bức ảnh sắc nét trong mọi điều kiện ánh sáng. Không chỉ chụp ảnh, Mi 11 còn sở hữu khả năng quay video nổi trội với chất lượng 8K, kèm theo đó là các thuật toán AI và giảm nhiễu RAW giúp tăng cường ánh sáng khi quay video trong điều kiện ánh sáng yếu. Có lẽ đây chính là lí do Xiaomi gọi Mi11 là phép màu điện ảnh. Viên pin của máy có dung lượng 4600 mAh, hỗ trợ công nghệ sạc nhanh 55W, sạc nhanh không dây 50W và sạc ngược không dây 10W, tương thích với quẩn PD 3.0 và QC 4+. Xiaomi cho bạn 2 tùy chọn gồm phiên bản tiêu chuẩn không có bộ sạc và phiên bản đi kèm bộ sạc GaN 55W riêng biệt với giá không đổi để hài hòa lợi ích khách hàng và bảo vệ môi trường.

Trường Mầm non Tu Lý A (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình): Mang đến cho trẻ những điều tốt đẹp nhất

Tu Lý là xã vùng thấp của huyện vùng cao Đà Bắc, thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình, xã thuộc vùng an toàn khu cách mạng (CT229) được Chính phủ phê duyệt. Những năm gần đây, trên địa bàn xã, tình hình kinh tế - chính trị xã hội ổn định, sản xuất nông - lâm nghiệp - dịch vụ phát triển. Chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm chăm lo cho công tác giáo dục. Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non trên địa bàn xã, Ban giám hiệu và giáo viên, nhân viên trường Mầm non Tu Lý A luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn để thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo được niềm tin với nhân dân địa phương, phụ huynh, chính quyền địa phương và lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng như lãnh đạo huyện Đà Bắc. Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, nhà trường luôn được đánh giá là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Trường được nhận 7 Bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình, 3 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Hòa Bình, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2010, trường được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Đồng chí Bàn Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện trao Cờ thi đua đơn vị xếp thứ nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho nhà trường Cô Bùi Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định công tác huy động trẻ đến trường là một nhiệm vụ quan trọng để giữ vững thành tích phổ cập giáo dục của xã, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã làm tốt công tác điều tra số trẻ trên địa bàn tuyển sinh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh cho trẻ ra các nhóm lớp. Kết quả, từ năm học 2013 – 2014, đến nay luôn huy động được 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, duy trì số nhóm lớp, tiếp nhận tối đa số trẻ ra lớp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các đội tham gia Hội thi dinh dưỡng và sức khỏe cấp trường Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từng bước được nâng cao. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các bậc phụ huynh cùng chăm lo nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ theo chương trình quy định. Đối với việc tổ chức ăn bán trú, trường đã tổ chức tốt bếp ăn tập thể, đảm bảo 100% trẻ ra các nhóm lớp được ăn bán trú và 100% trẻ được ăn đủ chất, đủ lư­­ợng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo tuyệt đối an toàn 100% cho trẻ. 100% trẻ được ăn 2 bữa/ngày tại trường (bưa chính và bữa phụ), khẩu phần ăn đối với trẻ mẫu giáo bình quân trên 800 kcal/cháu/ngày. So với nhu cầu tối thiểu của từng độ tuổi đạt 100%. Kết quả đánh giá trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm học: 100% trẻ 5 tuổi ra lớp đủ điều kiện vào lớp 1. Tỷ lệ Bé khoẻ ngoan, cháu ngoan Bác Hồ hàng năm đạt 87%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đủ điều kiện vào lớp 1 trong các năm học đạt 100%. Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, nhà trường có sáng kiến xây dựng mô hình  “Không gian kỳ diệu của bé” bao gồm: Môi trường giáo dục ngoài lớp học; sân bóng đá mi ni; khu vui chơi giao thông; khu giáo dục phát triển thể chất; khu dành cho trẻ khám phá khoa học; môi trường chữ viết ngoài lớp học; khu vực cho trẻ chơi với nước và cát... giúp nhà trường có môi trường giáo dục trẻ toàn diện. Mô hình nhằm giúp giáo viên tổ chức tất cả các lĩnh vực giáo dục phát triển cho trẻ theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và các hoạt động như: Hoạt động học; tổ chức hoạt động vui chơi; hoạt động góc (Chơi phân vai - chơi bán hàng - góc nghệ thuật); hoạt động ngoài trời...; góp phần phát triển nhận thức, phát triển vận động, phát triển ngôn ngữ, phát triển TCKNXH, phát triển thẩm mĩ hình thành cho trẻ có tính tự tin, có các thói quen, hành vi tốt trong cuộc sống, hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Đặc biệt giúp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi có điều kiện thuận lợi hơn khi vào học lớp 1 ở trường phổ thông. Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non là một công việc nhiều khó khăn và áp lực, không chỉ đòi hỏi giáo viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có tấm lòng yêu thương trẻ như những người mẹ thứ hai. Hiểu rõ đều đó, các cô giáo của trường Mầm non Tu Lý A luôn chủ động khắc phục khó khăn để làm tốt công việc chuyên môn, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương chân thành. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường Được biết, để nâng cao chất lượng giáo viên, trong những năm học qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra toàn diện, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên thông qua việc tổ chức thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trong các năm học, nhiều hoạt động được tổ chức định kỳ như: Tổ chức hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường; tổ chức các chuyên đề về bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; thường xuyên thăm lớp dự giờ, phân công tổ cốt cán bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên tham gia các cuộc thi do nhà trường, ngành tổ chức; động viên, khen thưởng kịp thời đối với những giáo viên đạt giải cao trong các hội thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục; bố trí tạo điều kiện cho giáo viên dự các lớp bồi dưỡng do Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức. Qua đó, đội ngũ giáo viên trường Mầm non Tu Lý A, luôn phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từng đồng chí đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, đăng ký nội dung đổi mới, danh hiệu thi đua phù hợp với năng lực của bản thân với điều kiện thực tế của nhà trường. 100% giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đạt kết quả cao. Để ghi nhận những kết quả và thành tích mà tập thể cán bộ, giáo viên trường Mầm non Tu Lý A nỗ lực đạt được trong thời gian qua, năm 2020 trường đã được các cấp xét, trình hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Phần thưởng cao quý này là nguồn cổ vũ lớn lao để tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục phấn đấu, xây dựng trường phát triển và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xứng đáng với niềm tin của nhân dân

Thời gian qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Hà Tĩnh không ngừng kiện toàn, đổi mới, phát triển, làm tốt vai trò của cơ quan chuyên môn giúp Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thực hiện việc Thông báo và Điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại địa phương. Qua đó, mang đến những khởi sắc rõ nét cho hoạt động TCĐLCL trên địa bàn tỉnh nói riêng, hoạt động khoa học công nghệ nói chung, được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Năm 2020 - một năm có nhiều sự kiện trọng đại, là năm cuối toàn Đảng toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiến hành tổ chức Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên môn, tuy nhiên, bên cạnh đó trong năm có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội như dịch bệnh Covid-19, tình hình bão lũ, thiên tai diễn biến phức tạp. Trong một năm gian khó bủa vây, Chi cục TCĐLCL luôn bám sát Chương trình khung năm 2020 của Sở Khoa học và Công nghệ, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Bằng tinh thần quyết tâm cao độ, đội ngũ cán bộ công chức Chi cục đã kiến tạo nên những giá trị mới, ghi nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ cấp tỉnh đến huyện được đẩy mạnh, trong năm không phát hiện vụ việc nào mang tính nghiêm trọng, nhận thức của người dân về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng cao. Công tác tham mưu được thực hiện kịp thời, hiệu quả với chất lượng được nâng lên đáng kể. Thực hiện chủ trương triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa tại địa phương, Chi cục đã xây dựng Đề án, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 215/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 một số chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá hiệu quả tích cực. Trong lĩnh vực quản lý, đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ ban hành trên 100 văn bản về lĩnh vực TCĐLCL. Công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL sau phân cấp được các ngành các cấp chú trọng. Chi cục thường xuyên cập nhật danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được công bố và danh mục tiêu chuẩn hủy bảo phục vụ công tác quản lý; theo dõi, giám sát, đôn đốc các tổ chức kiểm định hiệu chuẩn phương tiện đo thực hiện các quy định pháp luật; cập nhật các tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, danh mục TCVN, các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành,... phục vụ cho công tác thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; đẩy mạnh công tác giám sát xây dựng áp dụng ISO hành chính... Đồng chí Bùi Phong An - lãnh đạo đơn vị cho biết “Trong năm, Chi cục đã cập nhật 127 TCVN mới ban hành, 25 TCVN hủy bỏ và 42 QCVN mới; tổ chức kiểm định được 146.500 phương tiện đo nhóm 2, thẩm định và phê duyệt 05 hồ sơ cho các cột đo xăng dầu lắp đặt mới trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức như: Tham gia phóng sự truyền hình về công tác cải cách hành chính; phóng sự chuyên đề Tăng cường kiểm định chất lượng xăng dầu, bảo vệ người tiêu dùng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh... Đáng chú ý, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 được thực hiện tốt. Sáng kiến áp dụng TCVN ISO 9001:2015 trong việc giải quyết TTHC thông qua việc xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã góp phần hiệu quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; đến thời điểm hiện tại cơ bản 100% TTHC từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã trên tất cả các lĩnh vực được xây dựng quy trình nội bộ đáp ứng theo mô hình khung theo Quyết định số 101/QĐ-BKHCN, ngày 21/01/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tận tình chu đáo giải quyết các yêu cầu của người dân. 100% các hồ sơ thủ tục hành chính của Chi cục được giải quyết trước thời hạn. Các nội dung thắc mắc của người dân được giải quyết triệt để, không có trường hợp khiếu nại tố cáo”.   Khép lại một năm hoạt động với những dấu ấn nổi bật, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, Sở Khoa học và Công nghệ tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2020 và Giấy khen cho đơn vị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020. Trước đó, Chi cục nhiều năm liền được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen; UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều Cờ thi đua và Bằng khen.

Trang