Điển hình tiên tiến

Trao tặng Huân, Huy chương của Đảng, Nhà nước Lào cho các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam

TĐKT - Chiều 24/11, tại Hà Nội, được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huân, Huy chương của Đảng, Nhà nước Lào cho các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào trong thời kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane trao Huân chương Tự do hạng Nhất cho Thiếu tá Nguyễn Văn Thường Tới dự, có: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane; bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Vụ trưởng Vụ 2 Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, đại diện gia đình, các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào. Ban Tổ chức đã công bố Sắc lệnh khen thưởng của Chủ tịch nước và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Theo đó, Đảng, Nhà nước Lào quyết định trao tặng Huân chương Tự do hạng Nhất cho 43 đồng chí; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 72 đồng chí; Huy chương chống Mỹ cho 105 đồng chí; Huy chương Chống Mỹ, Huy chương Chống Pháp, Huân chương Tự do hạng Nhất cho đồng chí Quang Trung;  truy tặng Huân chương Tự do hạng Nhất cho đồng chí Trần Đức Vịnh. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane phát biểu tại buổi lễ Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền của lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHDCND Lào, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane đã trao  Huy chương, Huân chương cho đại diện các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam: Huân chương Tự do hạng Nhất cho Thiếu tá Nguyễn Văn Thường (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An); Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho Chuẩn úy Bùi Thế Gián (phường Phương Mai, TP Hà Nội); Huy chương Chống Mỹ cho Thượng sĩ Trần Duy Long (phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An); truy tặng Huân chương Tự do hạng Nhất cho đồng chí Trần Đức Vịnh. Các đồng chí được trao tặng Huân, Huy chương tại buổi lễ chụp ảnh lưu niệm cùng Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ lớn lao, quý báu cho sự nghiệp cách mạng Lào từ trước đến nay; bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới tất cả quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh và cống hiến vật chất, sức lực và xương máu cho sự nghiệp cách mạng Lào. Những thành tích lớn lao của các đồng chí đã đóng góp quan trọng cho việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện vốn là truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Phương Thanh

Bệnh viện Mắt Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT – Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương và Khai mạc Hội nghị Nhãn khoa Việt Nam năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu. Từ buổi sơ khai có 50 giường bệnh thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh mắt thông thường, cho đến nay Bệnh viện Mắt Trung ương không ngừng lớn mạnh, ngày một phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của một trung tâm nhãn khoa đầu ngành trong cả nước, có quy mô 450 giường bệnh với 24 khoa, phòng và gần 600 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động. Những năm qua, bệnh viện đầu tư đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại; cập nhật, làm chủ các kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến, đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu khám, chữa bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao của người dân hiện nay. Bệnh viện đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và tuyến điều trị cao nhất. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học từ điều tra cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng đã được công bố trong nước và quốc tế đạt được hiệu quả cao trong thực tế, tiêu biểu: các công trình của cố Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, của tập thể nữ khoa kết giác mạc được tặng Giải thưởng Kovalevskaya… Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị về mắt, phẫu thuật cho hàng chục nghìn người bệnh, mang lại ánh sáng, niềm vui cho nhân dân… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương Ghi nhận những thành tích mà nhiều thế hệ cán bộ, CNVCLĐ Bệnh viện Mắt Trung ương nỗ lực đạt được suốt 100 năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như các bộ ngành, địa phương đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2016); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương thành quả mà nhiều thế hệ cán bộ CNVCLĐ Bệnh viện đã dày công xây dựng và phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, xây dựng Bệnh viện Mắt Trung ương trở thành trung tâm nhãn khoa của cả nước, sánh vai với các trung tâm nhãn khoa trong khu vực và thế giới, tập thể CNVCLĐ của Bệnh viện tiếp tục nỗ lực lao động, phấn đấu, tất cả vì người bệnh, vì sức khỏe của nhân dân. Bệnh viện cần tổ chức triển khai tốt Nghị quyết Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trên dưới đoàn kết một lòng, chung tay phấn đấu vì sự nghiệp chung cao cả là bảo vệ sự trong sáng của đôi mắt, như lời Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết thì mới làm được việc lớn. Hãy giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Bệnh viện là khám, chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, phải không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp, làm cho bệnh nhân cảm thấy an toàn hơn, yên tâm hơn khi đến Bệnh viện. Đồng thời, Bệnh viện cần phát huy sáng tạo, vận dụng nội lực, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, học hỏi các cơ sở nhãn khoa có uy tín của các nước có nền y tế phát triển; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên; có chế độ đãi ngộ người tài; tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ đi học tập ở trong và ngoài nước…. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Bệnh viện Mắt Trung ương. Cũng trong sáng nay, Hội nghị Nhãn khoa Việt Nam năm 2017 đã chính thức khai mạc. Đây là hội nghị thường niên được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 11 với sự tham dự của các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong ngành nhãn khoa trên cả nước cũng như các giáo sư, bác sĩ nhãn khoa quốc tế đến từ nhiều nơi trên thế giới.  Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1600 đại biểu và trên 60 gian hàng giới thiệu sản phẩm mới nhất, hiện đại và tiên tiến nhất của ngành nhãn khoa từ các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế. Hội nghị diễn ra từ ngày 24 - 26/11/2017 tại Hà Nội, là một dịp thuận lợi để các chuyên gia về nhãn khoa trong nước và quốc tế có cơ hội được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới, học tập nâng cao trình độ,…trong lĩnh vực nhãn khoa. Mai Thảo

Bệnh viện Mắt Trung ương – 100 năm hình thành và phát triển

TĐKT - Ngày 27/2/1955, trong bức thư gửi ngành y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”… Thấm nhuần lời dạy “Lương y như từ mẫu” của Người, ngành y tế đã xác định được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước, để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, thỏa đáng. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của đất nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, người lao động ngành y tế nói chung và Bệnh viện Mắt Trung ương nói riêng luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Những thành tựu to lớn trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của ngành y tế Việt Nam luôn có sự đồng hành, đóng góp to lớn của Bệnh viện Mắt Trung ương. Bệnh viện được thành lập năm 1917 với tên gọi ban đầu là Viện mắt hay “Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà”, rồi sau đó là Bệnh viện Mắt Trung ương. Đến nay bệnh viện đã tròn 100 tuổi. 100 năm qua, nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, từ buổi sơ khai có 50 giường bệnh thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị bệnh mắt thông thường, cho đến nay bệnh viện không ngừng lớn mạnh. Bệnh viện đang ngày một phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống các tổ chức của ngành và trở thành một trung tâm nhãn khoa đầu ngành trong cả nước, có quy mô 450 giường bệnh với 24 khoa, phòng và gần 600 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Bệnh viện vốn là tuyến điều trị cuối cùng, tọa lạc ngay ở vị trí trung tâm nội thành Hà Nội, nên số lượng bệnh nhân đến đây luôn trong tình trạng rất đông. Bình quân, mỗi năm, bệnh viện đón tiếp hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân; thực hiện hàng chục ngàn ca phẫu thuật. Từ gần 23 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị (năm 2007) đến năm 2016, con số này là gần 47 nghìn lượt; gần 49 nghìn ca phẫu thuật các loại… Đây đồng thời là những con số biết nói, minh chứng cho sự phát triển về chất cũng như về lượng của bệnh viện trong công tác khám và điều trị những năm qua. Bà Trịnh Thị Hồng Lý, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: để hỗ trợ công tác khám và điều trị đạt chất lượng tốt nhất, bệnh viện thường xuyên chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại; cập nhật, làm chủ các kỹ thuật tiên tiến, phương pháp điều trị hiện đại, đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu khám, chữa bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao của người dân hiện nay như đưa vào sử dụng 2 hệ thống máy mổ phaco và laser hiện đại nhất của thế giới: Femtocataract và Femtolasser; Similater, máy đếm tế bào nội mô, máy Smile... góp phần phòng, chống bệnh và dập tắt các dịch về mắt. Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong điều trị các bệnh về mắt Bệnh viện cũng khuyến khích và có nhiều biện pháp thúc đẩy việc nâng cao trình độ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cũng như cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… Bệnh viện đã xây dựng 15 quy trình giám sát chất lượng chuyên môn, tuân thủ nghiêm bộ 83 tiêu chí bệnh viện Việt Nam. Đặc biệt, những năm qua, công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện liên tục duy trì,  được các cấp quản lý trong và ngoài nước đánh giá đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực khám và điều trị mắt cho các bác sĩ chuyên khoa mắt trên toàn quốc. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, bệnh viện luôn đảm bảo chỉ tiêu thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới với 29 hợp đồng với 29 bệnh viện, trung tâm Mắt trên toàn quốc với nhiều kỹ thuật mới và khó cho tuyến cơ sở: ghép giác mạc, phẫu thuật võng mạc dịch kính, tạo hình thẩm mỹ.... Đến nay, các đơn vị tuyến dưới đã có thể làm được kỹ thuật cao được chuyển giao trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mắt. Với phương châm “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, những năm qua, Bệnh viện đã huy động được các nguồn tài trợ của các tổ chức, đoàn thể xã hội, tổ chức đi mổ cho người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa liên tục trong nhiều năm liền. 10 năm qua, trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện khám, phẫu thuật lưu động được từ 3000 – 5000 bệnh nhân. Bệnh viện đồng thời là một cơ sở đào tạo chuyên khoa mắt có uy tín hàng đầu. Bệnh viện phối hợp với các trường Đại học Y khoa để đào tạo thực hành cho sinh viên, các đối tượng đến học tập, nghiên cứu và giảng dạy: nghiên cứu sinh, nội trú, cao học, chuyên khoa cấp 1, 2, chuyên khoa định hướng đáp ứng nhu cầu cán bộ chuyên môn ở các tuyến cơ sở. Một năm mở được 2 lớp đào tạo điều dưỡng chuyên khoa mắt và rất nhiều các lớp chuyên sâu như phaco, cắt dịch kính, ghép giác mạc… Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng được đông đảo cán bộ CNVCLĐ trong bệnh viện hưởng ứng, thực hiện tốt. Nhiều đề tài nghiên cứu của bệnh viện đã được Hội đồng khoa học nhà nước, Bộ Y tế nghiệm thu, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lớn chuyên ngành sâu, góp phần thay đổi tiến bộ khoa học trong công tác giải phóng mù lòa cho nhân dân. Các đề tài nghiên cứu nổi bật: “Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”; “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật ghép lớp để điều trị bệnh lý giác mạc”; “Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phát hiện sớm bệnh lý võng mạc cho bệnh nhân đái tháo đường và các phương pháp điều trị”… Đây là những nghiên cứu giúp cải thiện phương pháp điều trị tiên tiến một bước đột phá giúp đem lại ánh sáng cho hàng chục nghìn bệnh nhân trên cả nước, những bệnh tật mà trước đây là không thể điều trị được, phải chấp nhận mù lòa. 10 năm qua, trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện khám, phẫu thuật lưu động được từ 3000 – 5000 bệnh nhân Đặc biệt, bệnh viện là đơn vị đầu tiên trong cả nước có được ngân hàng mắt, là nơi thu nhận và bảo quản giác mạc cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân, góp phần giải phóng mù lòa, mang đến nguồn sáng cho nhiều bệnh nhân. Hiện nay tại Việt Nam đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra và mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế, vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Ngân hàng Mắt ra đời để cùng với xã hội từng bước giải quyết vấn đề đó. Giám đốc Ngân hàng Mắt Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: chính thức khai sinh từ năm 2009, đến nay Ngân hàng Mắt đã có thời gian gần 10 năm hoạt động. Nhân sự tuy mỏng nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết, tất cả vì nguồn sáng của bệnh nhân, Ngân hàng Mắt đã từng bước triển khai vận động được ngày càng nhiều người tham gia hiến tặng giác mạc. Đến nay, hiến tặng giác mạc đã trở thành một phong trào mang ý nghĩa sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người dân ở các địa phương trên cả nước hưởng ứng. Từ 9 người hiến tặng vào năm 2007 đến nay số lượng đó đã đạt gần con số 400 người. Ngân hàng Mắt đã chủ động thu nhận, đánh giá bảo quản giác mạc rồi phân phối cho các bác sĩ tiến hành ghép thành công, mang lại nguồn sáng cho nhiều người bệnh, được các bộ, ban, ngành cũng như nhân dân đánh giá cao. Ghi nhận những thành tích mà nhiều thế hệ cán bộ, CNVCLĐ Bệnh viện Mắt Trung ương nỗ lực đạt được suốt 100 năm qua, Đảng, Nhà nước cũng như các bộ ngành, địa phương đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2007). Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện đã được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2016); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012); 4 Cờ thi đua cấp Bộ. Bệnh viện liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, nhiều năm được công nhận là bệnh viện xuất sắc toàn diện và được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác. Phát huy những thành tích đạt được suốt 100 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của CNVCLĐ Bệnh viện Mắt Trung ương, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện nhiều hơn nữa của Bộ Y tế để Bệnh viện Mắt Trung ương hoạt động hiệu quả hơn, chăm lo tốt hơn nữa cho bệnh nhân, nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành y tế. Mai Thảo      

Hà Nội trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú

TĐKT - Chiều 20/11, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2017. Năm 2017, Hà Nội có 31 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Đây đều là những nhà giáo tiêu biểu của các cấp học, ngành học với phẩm chất tốt, lòng tận tụy yêu nghề và năng lực chuyên môn tốt. Qua 3 đợt bình chọn, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 1 giáo viên và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 21 giáo viên. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao quyết định phong tặng Nhà giáo Nhân dân cho cô giáo Nguyễn Thị Hiền Phát biểu tại buổi lễ, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - giáo viên được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân chia sẻ: sau 50 năm làm nhà giáo của dân, đến năm thứ 51, cô được trở thành "nhà giáo của Nhân dân”. Cô Nguyễn Thị Hiền bày tỏ sự biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thành phố đã tạo điều kiện cho cô cũng như các thế hệ giáo viên Thủ đô trong suốt những năm qua, đồng thời khẳng định, dù tuổi cao, trong người mang nhiều bệnh tật nhưng sẽ luôn quyết tâm sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống trường Đoàn Thị Điểm, xây dựng trường Đoàn Thị Điểm trở thành trường học chất lượng cao của cả nước, khu vực. Gửi lời chúc mừng đến các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu của Thủ đô trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú không chỉ là tin vui với các thầy giáo, cô giáo mà còn là tin vui với toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Những danh hiệu này là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với ngành giáo dục của Hà Nội. Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự khâm phục và biết ơn đối với các thầy giáo, cô giáo đã hết lòng, tận tụy, đóng góp cho những thành tích nổi bật của ngành giáo dục Thủ đô những năm qua, đặc biệt là trong năm 2017 và mong các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy truyền thống nghề, đưa ngành giáo dục Thủ đô lên một tầm cao mới và đào tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc, trở thành những công dân có ích cho Thủ đô và đất nước. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho nhà giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm; trao quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 21 nhà giáo đại diện cho các đơn vị, nhà trường trên địa bàn thành phố (có 4 thầy giáo và 17 cô giáo). Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm và công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội gắn biển công trình Trường THPT Đông Mỹ (xã Đông Mỹ), chào mừng 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017). Phó Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng trao bằng công nhận đạt chuẩn trường Trường  THPT Đông Mỹ, do huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư, sau gần 200 ngày thi công đã hoàn thành, đón học sinh niên học 2017 - 2018. Trường được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, tổng mức đầu tư trên 97 tỷ đồng, trên diện tích trên 3,5 ha, quy mô 2025 học sinh, với 45 lớp học. Giai đoạn 1, trường xây dựng các hạng mục: nhà 3 tầng học, nhà giáo dục thể chất, sân thể thao, bóng đá, vườn thực nghiệm và hệ thống kỹ thuật đồng bộ, hiện đã có 364 học sinh các cấp. Việc hoàn thành Trường THPT Đông Mỹ có ý nghĩa từng bước hoàn thiện hệ thống đồng bộ, quy hoạch mạng lưới trường THPT trên địa bàn thành phố, thực hiện nhiệm vụ giáo dục các địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín và các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Thục Anh  

Công bố Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017

TĐKT - Sáng 21/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Lao động tổ chức họp báo công bố Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động”  năm 2017. Bảng xếp hạng nhằm đánh giá, tôn vinh những doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động và lợi ích xã hội nhằm tiến tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính phát biểu tại buổi họp báo Phát biểu tại buổi họp báo, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” 2017 cho biết: việc tôn vinh các “doanh nghiệp vì người lao động” không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp ngày càng chăm sóc tốt hơn cho đời sống của người lao động; tạo dựng và duy trì mối quan hệ đối tác lành mạnh, tin cậy và gắn bó đồng hành cùng người lao động trên con đường phát triển bền vững mà còn hướng tới tạo hiệu ứng xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn để người lao động có thể nỗ lực hơn nữa, cống hiến sức lực và trí tuệ, kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội; đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế thế giới. Theo đánh giá của ban tổ chức, chất lượng các doanh nghiệp đăng ký tham dự trong năm 2017 cao hơn những năm trước. Số lượng doanh nghiệp có hơn 1.000 lao động trở lên đăng ký tham gia bảng xếp hạng chiếm 45% tổng số doanh nghiệp tham gia. 47 doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng; có 8 doanh nghiệp mức lương bình quân trên 20 triệu đồng/tháng. Qua sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn ra được 133 bộ hồ sơ vào vòng 2 với hình thức chấm chéo và lấy điểm bình quân. Qua 2 vòng chấm điểm và 1 vòng hiệp y, đã có 74 doanh nghiệp được xếp hạng. Theo các chuyên gia, phần lớn các doanh nghiệp tham dự bảng xếp hạng năm 2017 đều có mức tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân của người lao động tăng hơn năm trước, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia: Công ty cổ phần Traphaoo, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone... Đồng thời có nhiều doanh nghiệp lần thứ 4 tham dự: Tổng công ty  Đảm bảo an toàn Hàng hải miền Nam, Vingroup, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ… Lễ vinh danh 74 doanh nghiệp với chủ đề “Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tới, tại Hà Nội. Ban tổ chức cho biết, tại buổi lễ vinh danh, sẽ có 30 doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI. Mai Thảo  

Người thầy giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người

TĐKT - Nhà giáo nhân dân, TS. Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai là một người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Thầy  bắt đầu con đường dạy học của mình một phần do truyền thống gia đình và một phần còn lại là do ảnh hưởng của người thầy dạy toán ở bậc THPT. Cái duyên ấy đã gắn liền với thầy đến suốt cả cuộc đời. NGND, TS Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai NGND.TS Trần Anh Dũng cho biết, trong trái tim chúng ta chắc hẳn ai cũng có ít nhất hình ảnh một người thầy. Thầy Dũng được may mắn học môn Toán do một thầy giáo đáng kính dạy những năm học THPT. Người thầy giáo ấy đã biến cậu học trò nhỏ từ học sinh không thích học gì môn Toán thành một học sinh say mê môn học khô khan này. Những giờ học năm xưa ấy đối với thầy Dũng thật thú vị, hấp dẫn, lúc nào cũng như những câu chuyện chưa từng được nghe. Thầy giáo Dũng luôn nhớ mãi những lần được thầy giáo khen thưởng cho những lời giải các bài toán khó. Phần thưởng rất bình thường, khi thì chiếc vé xem bóng đá, khi thì một quyển sách nhỏ, khi thì cái vé xem phim nhưng những phần thưởng bé nhỏ ấy là những kỷ niệm theo thầy Dũng suốt cuộc đời. Niềm yêu toán học từ đó đã nhen nhóm và thôi thúc thầy đi theo nghề giáo. Năm 1979, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thầy được phân công về giảng dạy toán tại Trường THPT Ngô Quyền, TP Biên Hòa. Năm 1983, lớp chuyên Toán đầu tiên của trường được hình thành chỉ với 18 học sinh và thầy Dũng được giao phụ trách lớp này. Lớp chuyên toán này được dạy và học với tinh thần tự giác, nhiệt tình sẵn có, hoàn toàn không có chính sách hỗ trợ nào. Tài liệu tham khảo, tạp chí toán học hồi đấy rất hiếm hoi, các em phải chuyền tay nhau đọc, thậm chí phải viết tay chứ không có điều kiện để photocopy. Mặc dù rất khó khăn nhưng các em do thầy Dũng giảng dạy đã được chọn vào đội tuyển đi thi Quốc gia. Những năm sau đó, thầy Dũng được giao nhiệm vụ là tổ trưởng tổ Toán – Tin, Phó Hiệu trưởng phụ trách lớp chuyên của Trường THPT Ngô Quyền. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tri thức, tháng 10/1994, tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Thầy vinh dự được giao trọng trách nặng nề, giữ vai trò là Hiệu trưởng trường chuyên non trẻ này. Những năm đầu tiên là những năm vô cùng khó khăn đối với nhà trường, từ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thí nghiệm, thực hành đến chế độ, chính sách hỗ trợ của địa phương do những ràng buộc về cơ chế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về đội ngũ giáo viên và chương trình, bởi lẽ lớp chuyên còn là mô hình quá mới mẻ ở các tỉnh Nam Bộ. Năm học 1997 - 1998, thầy và trò đã được học trong môi trường khang trang, bề thế. Quy mô cũng đã được lên đến 600 học sinh với các lớp chuyên Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học và tiếng Anh. Đáp lại sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và ngành giáo dục , ngay trong năm học này, học sinh của trường đã đạt được 30 giải Quốc gia và trong kỳ thi Olympic truyền thống, đoàn học sinh của trường xếp thứ nhì toàn đoàn. Trong suốt 35 năm gắn bó với nghề giáo (19 năm làm hiệu trưởng), thầy Trần Anh Dũng luôn cùng tập thể sư phạm nhà trường đã có nhiều ý tưởng và giải pháp thiết thực: về quy chế tuyển sinh, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, có chính sách thu hút, trọng dụng, chú trọng bồi dưỡng thêm đội ngũ giáo viên dạy chuyên, nhất là hướng nghiệp và khuyến khích những học sinh ưu tú quay về trường dạy học. Những sáng kiến kinh nghiệm ấy đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình ứng dụng thực tiễn, góp phần đưa chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên: tỷ lệ học sinh giỏi đạt các kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi toán quốc gia, Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương và đậu đại học cao. Dưới sự lãnh đạo của thầy, trường chuyên Lương Thế Vinh đã đạt được nhiều thành tích trong các kỳ thi Quốc gia, khu vực, được xếp vào top 5 các trường chuyên, năng khiếu trong cả nước. Bên cạnh công tác giảng dạy trên lớp, thầy Dũng còn biên soạn, dịch thuật hơn 20 đầu sách chuyên về toán học (Ôn thi đại học môn Toán: Tuyển chọn và phân loại các dạng toán thường gặp trong các đề thi tuyển sinh, Giải một số đề thi Đại học 1997 - 1998; Bài tập trắc nghiệm Hình học 10; Bài tập trắc nghiệm Hình học 11; Bài tập trắc nghiệm đại số 10; Bài tập trắc nghiệm đại số và giải tích 11…). Với những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh cũng như cho xã hội, năm 1998, thầy được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Vinh dự hơn, năm 2012, nhà giáo – TS Trần Anh Dũng được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Hồng Thiết

Phong tặng danh hiệu cao quý và biểu dương gần 300 nhà giáo quân đội tiêu biểu

TĐKT - Sáng 20/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) lần thứ 14 và trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công nhận danh hiệu Nhà giáo Giỏi cấp Bộ Quốc phòng lần thứ 6, năm 2017. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi lễ Những năm qua, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đội ngũ nhà giáo quân đội ngày càng phát triển, bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo (GDĐT), xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong quân đội, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch nước đã quyết định tặng danh hiệu NGND, NGƯT cho 24 nhà giáo quân đội; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã công nhận 267 Nhà giáo Giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Những nhà giáo được phong tặng, khen thưởng lần này đều là những người có công với sự nghiệp giáo dục; thực sự là những nhà giáo tiêu biểu, tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học viên học tập, noi theo. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng danh hiệu NGND cho các nhà giáo Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệt liệt gửi tới các đại biểu, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội, đặc biệt là các NGND, NGƯT, Nhà giáo Giỏi cấp Bộ Quốc phòng được phong tặng đợt này lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11. Thượng tướng Phan Văn Giang yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các học viện, nhà trường trong quân đội tiếp tục phát huy và nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến, các NGND, NGƯT, các Nhà giáo Giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến công tác nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tăng cường tổng kết thực tiễn; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, kiên quyết khắc phục hạn chế, tiến tới đẩy lùi các yếu kém. Các nhà giáo được phong tặng lần này cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sư phạm, kiến thức thực tiễn, tiếp tục có những cống hiến to lớn hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trang Lê

Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ

TĐKT - Sáng 20/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 72 năm thành lập trường (15/11/1945 - 15/11/2017) và 56 năm Ngày Bác Hồ về thăm trường (29/11/1961 - 29/11/2017). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự và trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Công nghệ GTVT. Trong diễn văn kỷ niệm, PGS, TS. Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết: sau 72 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, cơ ngơi và vị thế của nhà trường đang ngày một đổi khác. Cơ sở vật chất ở cả 3 cơ sở đào tạo của trường ngày càng khang trang, hiện đại. Đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng chuẩn về trình độ, hội nhập quốc tế về năng lực. Trong điều kiện tuyển sinh khó khăn, số lượng sinh viên nhập học vẫn duy trì ổn định cả ở bậc đại học và sau đại học. Chất lượng đào tạo ngày càng được xã hội và doanh nghiệp đánh giá cao. Sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất ngày càng tăng về số lượng, hiệu quả về chất lượng. Nhờ đó, uy tín và vị thế của nhà trường được khẳng định cả trong nước cũng như quốc tế. Đội ngũ giảng viên của trường hiện có 7 giáo sư, phó giáo sư, 71 tiến sĩ; 80 nghiên cứu sinh, 366 thạc sĩ, tập trung vào các ngành nghề thế mạnh truyền thống của ngành GTVT. Hàng năm trường đào tạo gần 3.000 sinh viên đại học chính quy, 22 chuyên ngành đại học, 8 chuyên ngành đào tạo sau đại học với tổng số hơn 12.300 học viên, sinh viên. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Công nghệ GTVT Trường Đại học Công nghệ GTVT phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường trọng điểm quốc gia theo hướng ứng dụng, đến năm 2030 đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới đào tạo về lĩnh vực GTVT. Đến năm 2030, có 7 lĩnh vực có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam và khu vực, gồm: công nghệ vật liệu - mặt đường; đường sắt - Metro; kết cấu công trình; cơ khí động lực; logistics và vận tải đa phương thức; ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động môi trường GTVT; quy hoạch, quản lý giao thông và giao thông thông minh. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những thành tích đã đạt được của các thầy giáo, cô giáo, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của ngành GTVT nói chung và của Trường Đại học Công nghệ GTVT nói riêng. Kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường đã góp phần to lớn trong việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Lãnh đạo nhà trường trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm học 2016 - 2017 cho các tập thể Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, ưu tiên đào tạo sinh viên theo hướng chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp để có thể tiếp thu và làm chủ những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tăng tỷ lệ nhà giáo có khả năng giảng dạy tích hợp, áp dụng thành thạo, điêu luyện phương pháp giảng dạy theo năng lực thực hiện. Các thầy cô giáo cần không ngừng học hỏi, tiếp tục năng cao trình độ nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp để hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: trồng người và nghiên cứu khoa học… Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Công nghệ GTVT. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng. Phương Thanh

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (lần 2)

TĐKT - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (lần 2). Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đặng Thị Bích Liên cùng các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhà trường. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên gắn Huân chương Lao động hạng Nhì  lên lá cờ truyền thống của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Ngày 24/07/1972, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch cho đất nước. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã không ngừng lớn mạnh, trở thành địa chỉ tin cậy, là chiếc nôi đào tạo có uy tín ở khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đóng góp tích cực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Trong 45 năm qua, Trường đã đào tạo được khoảng 80.000 học sinh, sinh viên các hệ đào tạo, quy mô đào tạo lên đến gần 5.500 học sinh, sinh viên, với 8 phòng chức năng, 9 khoa chuyên môn, 4 trung tâm trực thuộc Trường. Đặc biệt, nhà trường luôn chú trọng công tác xã hội hoá đào tạo; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học... Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận và biểu dương những cố gắng mà thầy và trò Nhà trường đã đạt được thành tích xuất sắc trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, với Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước đã khẳng định chủ trương phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế đất nước trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, thì việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng và càng trở nên cấp bách, cần được quan tâm đặc biệt.    Thứ trưởng yêu cầu học sinh, sinh viên cần tích cực học tập, thường xuyên rèn đức, luyện tài; có trách nhiệm với bản thân, khiêm tốn học hỏi và tăng cường các hoạt động xã hội lành mạnh, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để sau khi rời ghế nhà trường, các em sẽ vững vàng, phát triển bền vững trên suốt con đường nghề nghiệp của mình, đáp ứng sự mong mỏi của gia đình, nhà trường và xã hội. Hồng Thiết  

Góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non Thủ đô

TĐKT – Sáng 16/11, tại Hà Nội, Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957 – 2017). Học sinh Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội Trường Trung học Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội được thành lập ngày 5/6/1990 trên cơ sở sát nhập hai trường: Trường Trung học Sư phạm Mẫu giáo Hà Nội (thành lập năm 1957) và Trường Đào tạo cô nuôi dạy trẻ Hà Nội (thành lập năm 1953). Trường được đổi tên thành Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội ngày 30/11/2008 theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Chức năng, nhiệm vụ chính của nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng cô giáo mầm non với 3 ngành nghề chính (trung cấp sư phạm mầm non; trung cấp nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và hỗ trợ gia đình; trung cấp nghiệp vụ tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn nghệ trẻ em) và đào tạo liên kết, liên thông Đại học Sư phạm ngành giáo dục mầm non. Trong suốt 60 năm qua, trường đã luôn thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước, thành phố và ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội công nhận. Quy mô đào tạo của nhà trường không ngừng được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục mầm non trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 99,5%, trong đó, trên 80% đạt loại khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi và xuất sắc về thực hành, thực tập đạt trên 93%. Qua khảo sát thực tế khi ra trường, trên 95% học sinh tốt nghiệp có việc làm ổn định và làm đúng với chuyên môn được đào tạo. Tính đến nay, trường đã đào tạo được trên 35 nghìn giáo viên mầm non, đào tạo lại và đào tạo bồi dưỡng cho hàng chục nghìn giáo viên mầm non nhằm tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non Thủ đô. Trường liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến và xuất sắc, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của thành phố, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1984), của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội… Giáo viên, học sinh nhà trường giành nhiều giải cao trong các đợt thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi cấp thành phố, hội thi công nghệ thông tin toàn thành phố và toàn quốc… Giai đoạn 2017 – 2020, nhà trường hướng tới mục tiêu nâng cấp Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội thành Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội, là trung tâm đào tạo – bồi dưỡng chất lượng cao của khu vực. Nhà trường đã và đang biên soạn Đề án nâng cấp trường, phấn đấu trình duyệt vào năm học 2017 – 2018. Minh Phương

Trang