Điển hình tiên tiến

Hơn 4 thập kỷ gây dựng những đơn vị Anh hùng

TĐKT - Năm 2020, ngành Cảnh sát quản lý trại giam bước vào tuổi thứ 70. Trong 70 năm ấy, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cảnh sát quản lý trại giam qua các thế hệ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn của điều kiện công tác, chiến đấu, bảo vệ an ninh, an toàn các đơn vị, kiên trì giáo dục, cảm hóa người phạm tội, lầm lỗi trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Nhiều người đã hiến dâng toàn bộ sức lực, trí tuệ và cả sự nghiệp vì mục tiêu giáo dục cải tạo phạm nhân. Hơn 4 thập kỷ khoác trên mình sắc phục của ngành Công an là chừng đó thời gian Trung tướng Hồ Thanh Đình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10), Bộ Công an gắn bó với ngành quản lý trại giam. Kế thừa và phát huy thành quả của những thế hệ đi trước, ông cùng tập thể CBCS đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và không ngừng sáng tạo, xây dựng đơn vị Anh hùng, lá cờ đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang truyền thống của lực lượng CAND. Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục C10 – Bộ Công an Nỗ lực xây dựng Trại giam Thủ Đức trở thành ngọn cờ đầu Cùng với những cái tên như cán bộ Trịnh Nhu, Nguyễn Sĩ Binh…, cán bộ Hồ Thanh Đình luôn được nhiều CBCS và phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức nhắc đến với nhiều tình cảm và dấu ấn sâu đậm. Ông được xem là người kế thừa giàu sức sáng tạo trong xây dựng môi trường trại giam ngày một khang trang, nền nếp và quy củ trên cơ sở nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Về công tác tại Trại Cải tạo Hàm Tân năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trung cấp cảnh sát, dù tuổi đời còn trẻ; phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng chiến sĩ trẻ Hồ Thanh Đình luôn phát huy được năng lực và phẩm chất đáng tự hào. Ở tuổi 23, ông đã vinh dự được bầu là Phó Bí thư Đảng ủy, Bí thư đoàn Thanh niên Trại Cải tạo Hàm Tân. Nhớ lại những ngày đầu làm việc tại đây, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho biết, lúc ấy, Trại cải tạo Hàm Tân và Trại Quản lý cải tạo phạm nhân Thủ Đức sáp nhập thành Trại giam Thủ Đức, trở thành một trong những trại giam quản lý số lượng phạm nhân đông nhất cả nước. Vùng đất nơi trại trú đóng tuy rộng nhưng là vùng bán hoang mạc, đất đai cằn cỗi, khí hậu thất thường và khắc nghiệt; điều kiện cơ sở vật chất của CBCS còn thiếu; điều kiện giam giữ còn thô sơ, chỉ có thanh tre và dây thép gai… Để đồng hành cùng những thế hệ cha anh đi trước, hiện thực hóa giấc mơ đưa Trại giam Thủ Đức trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều CBCS, là ngôi trường giáo dục người phạm tội hoàn lương, ngay từ khi làm Đội trưởng Đội sản xuất tăng gia, với vốn liếng có được của một người con mảnh đất Quảng Bình, chiến sĩ trẻ Hồ Thanh Đình đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu phát triển tăng gia sản xuất trong doanh trại. Ông đã không quản ngại nghiên cứu chất đất, nguồn nước và đi tìm chọn những giống cây trồng phù hợp. Chính ông đã đề xuất trồng loại bắp lai răng ngựa, cho hiệu quả năng suất cao. Để bón cây, ông cho phạm nhân đào hố, ủ phân. Phạm nhân chê bẩn thỉu, nhất định không chịu làm; tự tay ông gương mẫu làm trước, làm thật sự và cật lực. Nhờ sự tâm huyết và gương mẫu ấy, những thửa ruộng trồng bắp trong trại khi nào cũng tốt vụt và năng suất cao hơn nhiều so với rẫy của người dân khu vực xung quanh. Khi làm Phó Giám thị, rồi Giám thị Trại giam, ông còn đích thân vào tận các lâm trường ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận tìm giống cao su, thuê cán bộ kỹ thuật về trồng thử nghiệm; rồi tổ chức gây dựng rừng xà cừ lấy gỗ, tạo nguồn thu lớn cho Trại. Nhờ tâm huyết của ông, màu xanh của hi vọng đã phủ lên Thủ Đức, thổi một luồng sinh khí mới đến những phạm nhân, giúp họ tìm được tìm niềm tin và yên tâm cải tạo tốt. Nhắc đến Hồ Thanh Đình, nhiều người còn nhắc đến chủ nhân của sáng kiến đắp đập, ngăn, nắn dòng những con suối cạn trong khu vực trại để làm hồ chứa nước. Ông và CBCS cùng phạm nhân đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động, để hình thành nên hàng loạt hồ nước lớn nhỏ trong trại, tích nước trong mùa mưa đủ để tưới tiêu cho hàng trăm ha đất trồng rau, màu trong mùa khô, góp phần cải thiện thêm cho bữa ăn của phạm nhân và CBCS.   Phạm nhân đang tích cực lao động, sản xuất dưới sự giám sát, hướng dẫn của CBCS Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, mà trong tâm trí của nhiều phạm nhân, người cảnh sát trại giam Hồ Thanh Đình ấy còn như một ân nhân, một người định hướng dẫn đường cho họ đến với hoàn lương, làm lại cuộc đời. Với phương pháp “Lạt mềm buộc chặt” và những “bài học vô ngôn” của người cán bộ tâm huyết, Hồ Thanh Đình đã “cảm hóa” được nhiều kẻ giang hồ, xưng hùm, xưng bá trong trại giam. Chính ông đã góp phần không nhỏ làm biến mất “vấn nạn đại bàng” ở Trại giam Thủ Đức, trở thành điển hình cho các trại giam khác học tập. Năm 1995, Trại giam Thủ Đức được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, cá nhân ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng ông cho rằng, niềm vui sướng và hạnh phúc nhất với ông đó chính là được chứng kiến ngày một nhiều những phạm nhân ra trại hoàn lương. Với ông, môi trường trại giam là nơi ông gắn bó và hoàn thiện triết lý sống của mình “Không có gì cao cả hơn tình người”. Trong rất nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình, Trung tướng Hồ Thanh Đình nhớ như in: Tháng 7/1994, rừng bạch đàn của Trại giam Thủ Đức bị cháy dữ dội. Do thiếu kinh nghiệm, một số phạm nhân trong khi hoảng loạn đã chạy vào giữa đám cháy. Lửa vây xung quanh khiến họ bị ngạt khói, ngất xỉu. Không chần chừ, ông đã lao vào lửa để cứu các phạm nhân. Thấy ông bị bỏng nặng ở chân, nhưng vẫn cố chạy vào cứu nốt một phạm nhân còn kẹt trong đám cháy, một cán bộ đã can ngăn, nhưng ông Đình gạt đi: “Phạm nhân cũng là con người, phải cứu họ”. Chính hành động đầy trách nhiệm và nhân văn ấy của ông đã kịp thời thức tỉnh phạm nhân Phú - một kẻ đang có ý định lợi dụng tình hình nhốn nháo, núp trong bụi rậm chờ thời cơ để trốn trại. Không những từ bỏ ý định xấu, phạm nhân Phú còn nhanh nhẹn cùng với cán bộ lao vào dập lửa và cứu những người bị nạn khác; sau này chăm chỉ lao động, cải tạo và sớm hoàn lương, tìm được hạnh phúc cá nhân… Tiếp tục xây dựng tập thể C10 đạt danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sau 26 năm gắn bó với Trại giam Thủ Đức, từ năm 2005, ông được giao trọng trách Phó Cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (V26) phụ trách khu vực phía Nam; năm 2009 được bổ nhiệm là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp. Năm 2018, Trung tướng Hồ Thanh Đình (bên phải) được bổ nhiệm là Cục trưởng C10 Trên cương vị mới, ông không ngừng cố gắng, tận tâm để đưa tất cả các trại giam trong khu vực mình quản lý, phát triển trở thành ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua. Vì thế, ông đi cơ sở liên tục để “cầm tay chỉ việc”. Không kể ngày nghỉ, CBCS và nhiều phạm nhân vẫn thấy ông đến tận từng buồng giam, gian bếp của phạm nhân để thăm nom tình hình sức khỏe và tinh thần của họ. Khi thì ông ở ngoài rừng cao su mới trồng để kiểm tra việc bón phân, làm cỏ. Lúc khác, ông lại đang ở dưới xưởng mộc, không chỉ để chỉ đạo, kiểm tra mà còn tự tay hướng dẫn kỹ thuật cho phạm nhân cách bôi keo, ép gỗ… Năm 2018, ông được bổ nhiệm là Cục trưởng C10. Đây cũng là thời điểm triển khai Thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước bộn bề những khó khăn, phức tạp, trên cương vị là người đứng đầu, Trung tướng Hồ Thanh Đình đã chỉ đạo nghiêm túc và quyết liệt để hoạt động của Cục sớm đi vào nền nếp. Với 84 đơn vị trực thuộc, đóng quân ở 48 tỉnh, thành trong cả nước và đội ngũ trên 2.400 cán bộ, chiến sĩ, Trung tướng Hồ Thanh Đình xác định: Đoàn kết, thống nhất chính là phương pháp lãnh đạo quan trọng nhất, nhằm tập hợp được sức mạnh, sự toàn tâm, toàn ý của toàn lực lượng trong thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Nhận thức rõ lĩnh vực quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có đặc thù riêng: Đơn vị thường xuyên đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, thường trực 24/24 nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trại, kể cả ngày lễ, Tết, vì vậy yêu cầu mỗi CBCS phải có tính kỷ luật cao và thực sự phải có lòng yêu nghề. Để phát huy được những phẩm chất đó của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, Trung tướng Hồ Thanh Đình luôn quan tâm từ cơ sở vật chất, tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất để CBCS yên tâm làm việc. Cùng với đó, Trung tướng Hồ Thanh Đình yêu cầu người đứng đầu mỗi đơn vị cơ sở phải luôn sâu sát, nêu gương và thực hiện chế độ báo cáo sau một ngày hoạt động, nhằm chỉ đạo trực tiếp khi có những công việc quan trọng. Bên cạnh đó, trên cơ sở Điểm tin hàng ngày từ Bộ Công an, hàng tuần, Cục C10 tổng hợp và gửi thông tin giúp các đơn vị cơ sở nắm được tình hình an ninh, chính trị thế giới, trong nước, của ngành và lực lượng Cảnh sát trại giam; từ đó, có biện pháp lãnh đạo chủ động, phù hợp. Đây là điều khác biệt từ trước đến nay trong lĩnh vực quản lý trại giam. Đặc biệt, để các tầng lớp CBCS hiểu và tự hào, từ đó phát huy truyền thống của ngành, Trung tướng Hồ Thanh Đình rất quan tâm đến chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống: Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo của ngành; tổ chức CBCS làm công tác từ thiện ở những nơi có hoàn cảnh khó khăn; mỗi dịp lễ, Tết, Cục trưởng C10 viết thư động viên đến các lãnh đạo đi trước, những đồng nghiệp đang kề vai sát cánh bên mình hoàn thành nhiệm vụ… Do vậy, nhiều năm gần đây, Cục C10 luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua yêu nước; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, lại tận tâm, tận lực với nghề phục thiện. Đến nay, số lượng phạm nhân xếp loại cải tạo khá, tốt trong hệ thống các trại giam trên cả nước tăng lên nhiều, phạm nhân yếu kém chiếm tỷ lệ thấp, có đơn vị dưới 1%. Tuy nhiên, Trung tướng Hồ Thanh Đình tâm sự: “Mặc dù, cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của CBCS ngày một được cải thiện, nhưng cùng với sự phát triển chung của đất nước, tình hình tội phạm trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp khi xuất hiện ngày một nhiều các tội phạm trẻ, tội phạm công nghệ cao, người nước ngoài... Điều này khiến cho công tác quản lý, giáo dục của những người làm công tác trại giam gặp phải những khó khăn nhất định, đòi hỏi toàn thể CBCS phải tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt công tác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu đưa Cục C10 trở thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập (07/11/1950 - 07/11/2020)”. Mai Thảo  

Nữ thủ kho quân khí tâm huyết, gắn bó với công việc

TĐKT -  Trong 16 năm tuổi quân, Trung úy, Quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Thị Yến có tới 10 năm làm thủ kho quản lý đạn dược. Quản lý một kho vũ khí lớn với gần 700 tấn đạn dược các loại, nữ thủ kho của Đội Bảo quản 2, Kho K852, Cục Quân khí chưa từng để xảy ra sai sót. Chị luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy, phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Kho K852, Cục Quân khí, là kho đạn dược cấp chiến lược, đóng quân trên địa bàn tây bắc tỉnh Nghệ An, thuộc hai huyện Đô Lương và Yên Thành, có khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, kết hợp với gió tây nam (gió Lào), với nhiệt độ trung bình xấp xỉ 40 độ C, hay có sấm sét, mưa lũ, lốc xoáy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngược lại mùa rét, khí hậu ẩm ướt, độ ẩm cao. Đạn dược kho quản lý chủ yếu sau chiến tranh để lại, được thu hồi từ các quân khu, quân đoàn với nhiều chủng loại, nhiều nước sản xuất, có chất lượng thấp, tuổi đạn cao, chất lượng hòm hộp không bảo đảm, nhà kho, trạm bảo dưỡng, sửa chữa xây dựng lâu năm đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giữ gìn, quản lý, bảo quản và bảo đảm an toàn cho đạn dược. Lúc đầu khi mới nhận nhiệm vụ, tuổi đời, tuổi quân còn ít, kinh nghiệm chưa có, chị gặp không ít khó khăn. Chị kể: “Lúc ấy tôi rất băn khoăn, day dứt và lo lắng, luôn thường trực trong đầu câu hỏi, mình phải làm gì, làm như thế nào, làm sao thực hiện được khẩu hiệu của người bảo quản viên “gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra”, làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao.” Với sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của cơ quan chức năng, của đồng chí, đồng đội và đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của bản thân trong công tác, chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị vừa làm, vừa tìm tòi, tích cực nghiên cứu sổ sách, mẫu biểu đăng ký thống kê, tìm hiểu tính năng của từng loại đạn dược, vận dụng những kiến thức được học ở trường vào thực tế công việc. Thường trực suy nghĩ “Kho là nhà, thủ kho là chủ”, với tinh thần và trách nhiệm cao, chị luôn quản lý, nắm chắc được số lượng, chất lượng, đồng bộ, chủng loại hàng hóa trong kho; thực hiện tiếp nhận, cấp phát kịp thời, chính xác theo phiếu lệnh, không để sai sót, nhầm lẫn xảy ra. Hòm hộp trong kho được lau chùi sạch sẽ, đạn dược được sắp xếp theo đúng quy hoạch, nhóm an toàn và chiều cao quy định. Trong và ngoài nhà kho có đầy đủ bảng biểu theo quy định. Hệ thống mẫu biểu quản lý và sổ sách nghiệp vụ được ghi chép đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Các dụng cụ, phương tiện phòng, chống cháy nổ được sắp đặt gọn gàng, ngay ngắn. Chị đã làm tốt việc hướng dẫn lực lượng công tác đảo hòm, sắp xếp, cấp phát, tiếp nhận, điều chuyển chấp hành nghiêm quy định và quy tắc an toàn; tiến hành phát quang vệ sinh khu vực nhà kho sạch sẽ, thu dọn cỏ rác, cành lá khô quanh nhà kho để phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an toàn. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C, chị cho tiến hành thông gió ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Có thời gian nhiều thủ kho trong đội nghỉ phép, nghỉ thai sản, chị phải quản lý thêm 2 đến 3 nhà kho theo sự phân công của chỉ huy đội. Bằng những phương pháp quản lý khoa học, chị luôn sắp xếp công việc hài hòa, việc gì cần làm trước thì nên làm trước. “Sau mỗi ngày, mỗi tuần làm việc, tôi luôn nắm chắc từng phần công việc đã làm, chưa làm để có kế hoạch kịp thời cho ngày hôm sau, tuần sau.” - Chị chia sẻ. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị còn luôn hăng hái trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Đặc biệt, chị đã đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích, được áp dụng rộng rãi trong đơn vị, góp phần nâng cao được chất lượng công việc. Tiêu biểu là sáng kiến: “Thiết bị kiểm tra và diệt mối trong công tác bảo quản thường xuyên đạn dược”. Sáng kiến thực sự mang lại hiệu quả cao vừa tiết kiệm được thời gian, kịp thời phát hiện, phun diệt mối dưới các khối hàng, được ứng dụng rộng rãi ở đơn vị trong công tác bảo quản thường xuyên. Sáng kiến “Thước kẹp vẽ sơ đồ sắp xếp đạn dược” giúp thủ kho đạn thực hiện hiệu quả trong tính toán và vẽ sơ đồ sắp xếp đạn dược ở kho quân khí một cách nhanh chóng, chính xác. Là nữ lại làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, chồng là huấn luyện viên cảnh khuyển thường xuyên trực trong đơn vị, các con còn nhỏ phải đưa đón hằng ngày, trường lại cách xa đơn vị, chị phải cân đối, sắp xếp công việc hợp lý, khoa học để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa làm tròn chức năng của người vợ, người mẹ, người con hiếu thảo. Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, chị còn tham gia công tác quần chúng, là cán bộ Hội phụ nữ năng động, nhiệt tình. Chị thường xuyên chia sẻ buồn vui với chị em, đồng đội, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Với những nỗ lực trong công tác, 2 lần chị được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và được lãnh đạo, chỉ huy các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua, giấy khen, bằng khen. Minh Phương

Bình chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

TĐKT - Ngày 7/2, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về hoạt động bình chọn và tôn vinh Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam cho biết: Năm 2019, từ 137 hồ sơ hợp lệ từ 39 đơn vị gửi về, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã tiến hành thảo luận, thẩm định, phân tích và tiến hành bỏ phiếu kín; từ đó lựa chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực. Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phát biểu tại buổi Họp báo Đánh giá về các đề cử giải thưởng lần này, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng, cho biết năm nay số lượng các đề cử tương đồng so với năm 2018; chất lượng các đề cử năm nay mở, rộng, tương đối đồng đều ở các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, từ ngày 10 - 29/2/2020, 20 gương mặt trẻ này sẽ được bình chọn trực tuyến trên các tờ báo điện tử uy tín: Website Trung ương Đoàn; Cổng thông tin Thánh Gióng; Báo điện tử Chính phủ; Báo Tiền Phong; Báo Dân trí; Báo Tuổi trẻ; Báo Thanh niên; Báo điện tử VnExpress; Báo VietNamnet; Báo ZingNews; Báo Tuổi trẻ Thủ đô; Báo Sinh viên Việt Nam – Hoa Học Trò; Website VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam; Báo Thiếu niên Tiền Phong; Báo Nhi Đồng... Phương thức bình chọn: Sử dụng một hệ thống bình chọn duy nhất, địa chỉ: www.tainangtrevietnam.vn  Kết quả bình chọn trực tuyến là một trong những kênh để Hội đồng xét tặng Giải thưởng tham khảo. Sau khi có kết quả bình chọn trực tuyến, Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu sẽ họp lần thứ hai - phiên cuối cùng, vào đầu tháng 3 để chọn ra 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019; 10 đề cử còn lại sẽ nhận danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2019. Dự kiến, Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 sẽ được tổ chức vào dịp thành lập Đoàn (26/3). 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 sẽ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 gương mặt trẻ triển vọng sẽ được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn. Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam Lê Xuân Sơn nhấn mạnh: Điểm mới của giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đó là tăng cường những hoạt động truyền cảm hứng đến giới trẻ. Theo đó, sẽ có nhiều chương trình tiếp xúc, giao lưu trực tiếp hoặc talkshow giữa các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên; qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, phấn đấu trở thành những thanh niên trách nhiệm, tài năng, góp phần xây dựng đất nước. Là một trong những thanh niên từng vinh dự được tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, Đại úy Phạm Văn Dân, Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Giải thưởng không chỉ mang lại cho anh niềm vinh dự lớn lao; mà còn là lời nhắc nhở anh luôn phấn đấu gương mẫu, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ hơn học tập, noi theo. Từ đó đến nay, anh không ngừng nỗ lực, sáng tạo, lập được nhiều chiến công, được các cấp, các ngành ghi nhận. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là một trong những hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, với mục đích tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, dưới 35 tuổi, có thành tích nổi trội, xuất sắc, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc… Qua đó, tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lao động, sáng tạo… trong thanh, thiếu nhi; củng cố và phát triển tổ chức Đoàn, Hội, Đội đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Danh sách 20 đề cử bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 Võ Minh Lâm (nghệ sĩ cải lương, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; lĩnh vực văn hoá nghệ thuật) 2. Võ Minh Quang (Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội; lĩnh vực văn hoá nghệ thuật) 3. Hoàng Hoa Trung ( Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin; lĩnh vực hoạt động xã hội) 4. Lê Anh Tuấn (ngụ 397/16/28 đường 30/4 phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; lĩnh vực hoạt động xã hội) 5. Nguyễn Khánh Linh (cựu học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa - đang làm thủ tục du học Mỹ; lĩnh vực học tập) 6. Bùi Hồng Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, lĩnh vực học tập) 7. Lê Quang Hiếu (Phó giám đốc Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; lĩnh vực lao động sản xuất) 8. Trương Thế Diệu (Công ty DENSO, lĩnh vực lao động sản xuất) 9. Võ Văn Đồng (kỹ sư luyện kim Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng; lĩnh vực lao động sản xuất) 10. Nguyễn Thị Oanh (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang; lĩnh vực thể dục thể thao) 11. Nguyễn Huy Hoàng (vận động viên bơi; lĩnh vực thể dục thể thao) 12. Huỳnh Như (vận động viên Trung tâm Thể dục thể thao, quận 1, TP.HCM; lĩnh vực thể dục thể thao) 13. Thiếu tá Trần Văn Phương (Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 186 - Đà Nẵng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân; lĩnh vực quốc phòng) 14. Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng (Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4; lĩnh vực quốc phòng) 15. Đại uý Dương Danh Đạt (Trưởng Công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; lĩnh vực an ninh trật tự) 16. Đại uý Ngô Anh Tuấn (Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; lĩnh vực an ninh trật tự) 17. Lê Anh Tiến (CEO Công ty cổ phần công nghệ chatbot Việt Nam; lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp) 18. Phạm Khánh Linh (người sáng lập Logivan, Công ty phát triển giải pháp công nghệ vận tải; lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp) 19. PGS - TS Đinh Ngọc Thạnh (Giáo sư tập sự, Khoa công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường đại học Soongsil, Hàn Quốc; lĩnh vực nghiên cứu khoa học - Sáng tạo) 20. TS Trần Phương Thảo (giảng viên bộ môn hóa dược, Trường đại học Dược Hà Nội; lĩnh vực Nghiên cứu khoa học - Sáng tạo). Mai Thảo

Hiệu quả từ các mô hình hay, cách làm sáng tạo

TĐKT - Xác định việc học tập và làm theo Bác là nội dung hết sức quan trọng, là dịp để cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, của quân đội và của đơn vị, bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, ra sức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 174 đã tổ chức triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm thúc đẩy phong trào này trong toàn đơn vị. Chiến sĩ trẻ Trung đoàn 174 giúp đỡ gia đình chính sách trên địa bàn thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái Trung đoàn 174 là đơn vị đủ quân thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2, nhiệm vụ chính trị thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Sư đoàn và Quân khu giao. Để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, hằng năm, ngoài Nghị quyết lãnh đạo, chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, từng cá nhân cán bộ, đảng viên và quần chúng viết bản cam kết thực hiện, tạo ra phong trào sôi nổi rộng khắp trong đơn vị. Là đơn vị quản lý quân số đông, nhiều đối tượng, trình độ khác nhau, Trung đoàn xác định công tác quản lý, giáo dục tình hình, tư tưởng là nội dung cốt lõi góp phần hoàn thành các nhiệm vụ khác. Do đó, Trung đoàn đã triển khai kết hợp nhiều hình thức để quản lý tình hình tư tưởng như: Thông qua hồ sơ thông tin chiến sĩ để nắm chắc tình hình hoàn cảnh của chiến sĩ, tiến hành phân thành 3 nhóm: Nhóm 1: Có tuổi đời, trình độ cao có kinh nghiệm sống. Nhóm 2: Đảng viên, đối tượng đảng, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Nhóm 3: Có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc phân nhóm này để cán bộ các cấp nắm chắc được tình hình và chất lượng chính trị của đơn vị làm cơ sở thực hiện mô hình 3 đồng hành, 1 mục tiêu. Mô hình này lấy tổ 3 người làm nòng cốt, lấy vai trò gương mẫu làm trước của cán bộ các cấp làm định hướng 3 đồng hành, thực hiện tốt 3 cùng, 2 trước, 2 sau. (3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội; hai trước là dậy trước, làm trước bộ đội; 2 sau là ngủ sau và về sau bộ đội) đồng thời kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý, giáo dục, động viên bộ đội theo phương châm 3 thông suốt: Thông suốt trong chỉ huy, thông suốt với gia đình và thông suốt về thông tin. Nhờ đó, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, gia đình luôn tin tưởng vào đơn vị. Cán bộ các cấp luôn gần gũi, chia sẻ, nắm chắc bộ đội. Chính từ cách làm này, chỉ huy các cấp luôn chủ động nắm chắc được tình hình và tư tưởng bộ đội, đơn vị luôn ổn định, không có kỷ luật nghiêm trọng xảy ra; nội bộ đoàn kết thống nhất; cán bộ, chiến sĩ đoàn kết thương yêu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Như Hợp, Phó Chính ủy Trung đoàn 174 cho biết: “Với đặc thù là đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân số đông, Trung đoàn đã trăn trở tìm mọi biện pháp để nâng cao kết quả trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó việc phát huy vai trò của Đảng viên giúp đỡ quần chúng rất quan trọng. Chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh hơn trách nhiệm và vai trò của đảng viên đối với quần chúng.” Chính vì vậy, đơn vị đã triển khai và thực hiện mô hình: 1 đảng viên giúp đỡ 3 nòng cốt, 1 nòng cốt giúp đỡ 3 quần chúng. Mô hình lấy vai trò đảng viên làm nòng cốt. Với cách làm này, 1 đồng chí đảng viên thường xuyên theo dõi, giúp đỡ và nắm được 12 đồng chí quần chúng trong đơn vị. Mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, góp phần phát huy vai trò gương mẫu và trách nhiệm của đảng viên. Từ đó đơn vị luôn nắm chắc được tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.  Trong Nghị quyết đều có chủ trương, biện pháp lãnh đạo việc phân công, giúp đỡ. Các cấp ủy lập danh sách cụ thể đảng viên giúp đỡ nòng cốt. Từng đảng viên xây dựng kế hoạch, xác định nội dung cụ thể việc giúp đỡ. Người chỉ huy đưa vào chương trình tháng và lịch công tác hàng tuần để theo dõi điều hành. Hàng tháng, trong sinh hoạt chi bộ, từng đảng viên báo cáo về kết quả giúp đỡ; đó cũng là cơ sở để chi bộ đánh giá kết quả của từng đảng viên. Chính nhờ vậy, vai trò đảng viên được phát huy và có trách nhiệm hơn, tỷ lệ kết nạp đảng của đơn vị luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai mô hình rất sôi nổi và hiệu quả như: Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc. “Xuất phát từ thực tiễn là đơn vị huấn luyện biên chế gồm rất nhiều con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc; mỗi một dân tộc có một nét văn hóa riêng và đặc sắc. Chúng tôi thấy rằng kết hợp được các văn hóa vùng miền lại với nhau sẽ xây dựng được tinh thần đoàn kết cao trong đơn vị. Từ ý tưởng đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn triển khai thành lập mô hình.” - Trung tá Nguyễn Như Hợp chia sẻ. Tái hiện nét đẹp văn hóa vùng Tây Bắc qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Mỗi một tổ chức đoàn thành lập một câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt tập trung vào tối thứ 4 tuần cuối tháng kết hợp với tổ chức sinh nhật đồng đội. Đơn vị sưu tầm các trò chơi, nét đẹp văn hóa từng vùng miền, vận động các đồng chí ở các dân tộc sưu tầm, đóng góp các vật dụng để trưng bày. Hiện nay, đơn vị có phòng trưng bày gồm các vật dụng của các dân tộc, phục vụ cho thăm quan, giáo dục. Thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ, nét văn hóa của từng miền quê khác nhau được lan tỏa rộng khắp; tạo cho cán bộ, chiến sĩ gần gũi nhau hơn, mạnh dạn hơn trong sinh hoạt tập thể, xây dựng được bản lĩnh cho người quân nhân. Chính vì vậy, đơn vị không có hiện tượng mất đoàn kết, cán bộ chiến sĩ luôn gần gũi, yêu thương nhau. Cấp Trung đoàn hằng năm đều tổ chức Hội thi tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc rất sôi nổi mang đến tinh thần đoàn kết, vui vẻ cho đơn vị. Đồng thời trong các giờ nghỉ giải lao trên thao trường, các đơn vị đều tổ chức các trò chơi dân gian từng vùng miền, mang đến hứng khởi và hiệu quả cao trong huấn luyện. Đặc biệt các chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương sẽ trở thành hạt nhân tuyên truyền văn hóa các dân tộc Tây Bắc trên quê hương mình, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Có thể khẳng định các mô hình, cách làm đã tạo được hiệu ứng tốt, động viên và nâng cao kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần giữ vững bản lĩnh chính trị của người quân nhân cách mạng, nâng cao kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thông qua đó, phong trào thi đua Quyết thắng được đẩy mạnh và sôi nổi hơn, thế trận chính trị được giữ vững, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối về mọi mặt; truyền thống được giữ vững, giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy được nhiều sáng tạo trong mọi công việc. Thông qua các mô hình và cách làm sáng tạo, Trung đoàn 174 luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Liên tục từ 2016, 2017, 2018 được Quân khu tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng và Cờ thi đua. Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Đơn vị huấn luyện giỏi, Đảng ủy Quân khu tặng Bằng khen Tổ chức Đảng cơ sở đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền. Ngoài ra, có hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được Sư đoàn và Trung đoàn khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Theo Trung tá Nguyễn Như Hợp, Phó Chính ủy Trung đoàn, các mô hình, cách làm đó là công việc thường ngày mà mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đang thực hiện trong việc học tập và làm theo Bác. Anh cho rằng việc học tập và làm theo Bác phải có ở trong tâm của mỗi người, là trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, trước hết hãy hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của bản thân mình. Minh Phương  

Chi hội trưởng phụ nữ khéo vận động nhân dân xây dựng đời sống mới

TĐKT - Nhiệt tình, tâm huyết, giỏi giang…, đó là những lời chị em phụ nữ thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thường nói khi nhắc tới người chi hội trưởng đáng mến của mình. 16 năm gắn bó với công tác xã hội tại địa phương là từng ấy năm chị H’Ai, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đồng Đò say mê, cống hiến hết mình cho hoạt động Hội. Chị đồng thời là một cộng tác viên dân số năng nổ, một hòa giải viên đầy trách nhiệm, đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống mới. Chị H’Ai tiên phong thực hiện mô hình chuyển đổi trồng bắp trên diện tích lúa một vụ và vận động chị em trong thôn làm theo. Với vai trò chi hội trưởng phụ nữ, chị H’Ai luôn quan tâm đến công tác tập hợp, đoàn kết hội viên phụ nữ. Để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của phụ nữ trong thôn, chị thường xuyên gần gũi, chia sẻ với chị em, tích cực vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội, vận động chị em không nghe theo lời kẻ xấu, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Chị tích cực vận động chị em hội viên tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng, xây dựng quỹ hội và thực hiện hiệu quả các phong trào do tổ chức Hội các cấp phát động. Tiêu biểu là: Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “ Học tập và làm theo lời Bác”, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng tường rào, nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Chị H’Ai cho biết: “Chi hội phụ nữ thôn Đồng Đò có 100 hội viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế của các gia đình hội viên còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hội viên thuộc diện nghèo và cận nghèo còn khá cao. Làm thế nào để giúp chị em bớt khó, bớt khổ, câu hỏi ấy luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi.” Bởi vậy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua do hội cấp trên phát động, chị H’Ai còn tích cực tuyên truyền gia đình hội viên mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Để chị em tin tưởng và làm theo, chị tiên phong thực hiện mô hình trồng nấm rơm, chuyển đổi trồng bắp trên diện tích lúa một vụ, cung cấp thức ăn cho bò sữa với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk; vận động bà con tại địa phương cùng tham gia mô hình. Bên cạnh đó, chị còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm rơm cho các hội viên phụ nữ ở các chi hội trên địa bàn xã cùng làm theo. Chị H'Ai cùng chị em phụ nữ thu hoạch cà phê. Qua 16 năm gắn bó với chị em phụ nữ trong thôn, chị hiểu rõ tính cách, tâm ý của từng người. Chị em cũng thường tìm tới chị để giãi bày, tâm sự, nhờ chị tư vấn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, không ít lần chị H’Ai đã phải đứng ra làm hòa giải viên cho các vụ mâu thuẫn trong gia đình hội viên của mình. “Những lúc như thế, tôi luôn chịu khó lắng nghe và để cho hội viên nói hết những suy nghĩ, bức xúc của mình rồi cùng Ban chấp hành chi hội tìm cách hòa giải và động viên chị em cố gắng vươn lên trong cuộc sống.” – Chị kể.   Là cộng tác viên dân số, chị luôn gần gũi, khéo léo phân tích, khích lệ chị em trong thôn thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em… Những ngày đầu làm công tác này, chị gặp không ít khó khăn vì đa phần người dân trong thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Nhiều hộ gia đình vẫn còn tâm lý thích sinh nhiều con, với suy nghĩ càng nhiều con sau này càng có nhiều lao động trong gia đình. “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết, kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động của chị, đến nay, nhận thức và đời sống của người dân thôn Đồng Đò đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân trong thôn dần dần cũng hiểu và thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, quan tâm và chăm lo hơn cho sức khỏe sinh sản. Các phong tục không còn phù hợp tồn tại bao đời nay ở buôn làng dần được xóa bỏ. Các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể so với 5 năm về trước. Từ năm 2014 đến nay, toàn thôn chỉ xảy ra khoảng 5 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Không chỉ nhiệt tình với công tác hội ở cơ sở, chị H’Ai (thứ hai từ trái sang) còn tích cực tham gia hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Không chỉ nhiệt tình với công tác hội ở cơ sở, chị H’Ai còn tích cực tham gia hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Chị tham gia và đoạt giải ba Hội thi Hát ru do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức; đoạt giải nhất Hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” do huyện Di Linh tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6... Được nhiều cấp, nhiều ngành ghi nhận và khen thưởng, nhưng chị H’Ai vẫn khiêm tốn bảo: “Phần thưởng lớn nhất của tôi chính là sự đoàn kết, tương trợ, đùm bọc của chị em hội viên trong thôn, góp phần xây dựng chi hội ngày càng phát triển và tôi có một gia đình hạnh phúc”. Nguyệt Hà    

Lão nông mang tiền tỷ đi làm từ thiện

TĐKT - Xuất thân nghèo khó, không tài sản, không đất đai, hơn ai hết, ông Ngô Văn Đậu, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thấm thía sâu sắc nỗi cơ cực của cảnh nghèo. Chính vì vậy, khi kinh tế gia đình khá giả, có của ăn của để, ông sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. 20 năm lấy việc thiện làm niềm vui, ông Đậu thấy hài lòng vì đã làm được những điều tự hứa với lòng mình. Ông Ngô Văn Đậu bên chiếc xe chuyển bệnh nhân miễn phí do ông dành dụm ủng hộ bà con xã Phú Thành Hiện gia đình ông Đậu có khoảng 20 ha mặt nước nuôi cá tra và cá lóc, mỗi năm đạt doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng, cùng với hàng trăm lao động thời vụ trong mỗi năm. Đặc biệt, ông dành 9 ha đất lúa để cho thuê, lấy tiền làm “quỹ từ thiện” của gia đình. Nhìn vào cơ ngơi ấy, mấy ai biết được, ông đã từng có một tuổi thơ lam lũ. Để kiếm sống, ông Đậu đã phải lưu lạc tứ xứ làm thuê, làm mướn. Sau khi lập gia đình ở Cà Mau, ông cùng vợ trở về quê nhà tại ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, sinh sống. Chăm chỉ làm ăn, tích góp từng chút một, khi mới chỉ vừa đủ ăn đủ mặc, ông đã nghĩ đến chuyện giúp đỡ người nghèo. Thời gian đầu là cho gạo, giúp đỡ bằng tiền mặt đối với những trường hợp bà con chung quanh ốm đau, hoạn nạn… Sau này, ông bắt tay vào thực hiện những dự định lớn hơn mà mình hằng ấp ủ. “Nguyện vọng của tôi là làm những việc thiết thực để giúp đỡ cho bà con trong lúc khó khăn như mua xe chuyển bệnh nhân, đưa bà con bị bệnh đến bệnh viện; làm một nghĩa trang cho người nghèo khi nằm xuống có chỗ yên nghỉ... Tôi muốn làm việc tốt, việc thiện để sau này các con tôi noi gương theo cha mẹ.” - ông Đậu chia sẻ. Nhiều năm trước, việc đi lại từ xã Phú Thành về trung tâm y tế huyện hay lên trung tâm tỉnh An Giang gặp rất nhiều khó khăn, mùa mưa thậm chí cả vùng bị cô lập. Bà con trong xã mỗi khi ốm đau, bệnh tật không có xe chuyên dụng để đưa đến bệnh viện; có trường hợp nhà xa, khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện thì đã quá muộn... Không đành lòng chứng kiến cảnh ấy, năm 2009, khi kinh tế gia đình có chút dư giả, ông đã bàn bạc với 2 người anh của mình, góp tiền mua chiếc xe chuyển bệnh nhân miễn phí đầu tiên cho xã Phú Thành trị giá 540 triệu đồng. Đến năm 2017, ông tiếp tục tích lũy mua thêm chiếc xe chuyển bệnh nhân mới trị giá 700 triệu đồng, để phục vụ bà con trong xã. Có những khi cả hai xe chuyển bệnh nhân đều bận, ông sẵn lòng dùng chiếc xe ô tô 7 chỗ của gia đình để giúp chuyển bệnh nhân miễn phí cho bà con. Suốt 10 năm qua, đã có hơn 2.000 chuyến xe nghĩa tình của ông Đậu chở bệnh nhân nghèo trong xã, trong huyện kịp thời đến bệnh viện điều trị. Ngoài việc giúp bà con chuyển bệnh nhân, ông còn hỗ trợ thân nhân người bệnh, thường xuyên tặng quà, hỗ trợ người nghèo nhân dịp lễ, Tết. Các công trình phúc lợi tại địa phương như: Cầu, đường… đều có sự đóng góp của ông. Năm 2011, nghề nuôi cá tra bấp bênh, nhiều lúc thua lỗ nên nguồn kinh phí dành cho công tác từ thiện xã hội không ổn định, ông bàn với gia đình gom tiền mua 4 ha đất ruộng trồng lúa để cho thuê, lấy tiền làm “quỹ từ thiện”. Đến năm 2017, ông mua thêm 5 ha nữa. Như vậy, hiện nay “quỹ từ thiện” của gia đình có tổng cộng là 9 ha đất ruộng cho thuê, mỗi năm thu được khoảng 300 triệu đồng. Ông dành cả số tiền trên để làm công tác từ thiện xã hội. Mới đây, ông đã hiến hơn 1.000 m2 đất và 500 triệu đồng để nâng cấp nghĩa trang của địa phương. Hàng năm gia đình ông đều tham gia đóng góp trên 270 triệu cho công tác xã hội, từ thiện, xây dựng nông thôn mới. Điểm đặc biệt, những suy nghĩ, việc làm của ông đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, vợ con. Bà Trần Thị Nguyệt, vợ ông Đậu cho biết, sống với nhau mấy chục năm, bà rất hiểu tính tình và những tâm nguyện của chồng. Hơn nữa, ông Đậu làm gì cũng bàn với gia đình nên bà và các con rất ủng hộ. “Nhiều lúc, ông lo làm công việc xã hội mà không nghĩ tới bản thân, tôi phải “nhắc khéo” với ông là phải giữ gìn sức khỏe, để còn sức lo cho nhiều việc nữa” - bà Nguyệt kể. Với những đóng góp cho cộng đồng, ông Ngô Văn Đậu đã 2 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và nhiều Bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, học tập và làm theo gương Bác Hồ; được Ban Tuyên giáo Trung ương mời tham gia Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019. Trang Lê

“Từ mẫu” của người nghèo làng biển

TĐKT - Mỗi ngày, phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Hải Vân tại Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đón hàng chục bệnh nhân đến châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và chữa trị. Hơn 10 năm gắn bó với phòng khám, bằng tấm lòng và y đức của “người thầy thuốc quân hàm xanh”, Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Ninh Công Khánh đã giành trọn tình cảm yêu mến, tin tưởng của bà con làng biển. Thiếu tá, QNCN Ninh Công Khánh khám bệnh và tư vấn điều trị cho bà con Được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng điều động về công tác tại phòng khám từ năm 2009 với cơ sở vật chất, trang thiết bị đơn sơ, thiếu thốn, ngay từ những ngày đầu, y sĩ Ninh Công Khánh cùng đồng đội đã luôn nỗ lực phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ được giao. Phòng khám khi đó chỉ có 1 ống nghe, 1 bộ đo huyết áp, 1 máy châm cứu, 1 đèn chiếu tia hồng ngoại, 1 giường bệnh và một cơ số thuốc điều trị bệnh thông thường. Vượt lên khó khăn, anh cùng đồng đội đã giúp đỡ được hàng ngàn lượt người dân trên địa bàn thoát khỏi bệnh tật, được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân quý mến. Hơn 10 năm công tác tại đây, Thiếu tá Ninh Công Khánh luôn tích cực nghiên cứu, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, y đức; thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân nắm được mục đích, tác dụng của mô hình “Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên” trong đó có công tác quân dân y kết hợp; khám và điều trị miễn phí cho nhân dân. Anh kể: “Lúc đầu mọi người còn e dè, nhưng người này đỡ bệnh rồi, đi nói với người kia nên bà con dần dần tin tưởng và đến với phòng khám ngày một đông”. Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân tại phòng khám, anh còn tranh thủ đi khắp làng biển để khám, chữa bệnh “lưu động” cho những bệnh nhân đi lại khó khăn, không có khả năng đến với phòng khám. Anh cũng không ngại đến khám cho bà con nghèo, không có khả năng đi lại ở các khu dân cư lân cận. Cuối năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố điều chuyển anh về công tác tại Bệnh xá Biên phòng thành phố, bàn giao công tác quân dân y kết hợp tại khu dân cư văn hóa biển Kim Liên cho một đồng nghiệp khác. “Biết tin tôi đi, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám quân dân y kết hợp đề nghị giữ tôi lại, nhưng nhiệm vụ cấp trên phân công nên tôi phải thực hiện và hứa với bà con tôi sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian để về chăm sóc cho bà con.” - Anh xúc động kể lại. Trong 1 năm đó, anh được bà con cho mượn một căn nhà ở làng biển để làm chỗ khám bệnh miễn phí cho mọi người. Mọi máy móc, vật dụng đều do anh bỏ tiền túi ra mua sắm. Kể từ đó, hàng ngày, cứ sau giờ làm việc ở Bệnh xá Biên phòng thành phố và không trực, anh lại chạy xe máy vượt hơn 20 km về với bà con làng biển để khám, chữa bệnh. Về sau, anh được địa phương tạo điều kiện cho mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc để khám bệnh. Cũng từ đó đến nay, nơi ấy được bà con làng biển gọi với cái tên thân thương là “Trạm xá của người nghèo”. Năm 2016, theo đề nghị của bà con nhân dân khu vực Kim Liên, anh được Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố điều động trở lại với Phòng khám quân dân y Kim Liên. Một vai hai trách nhiệm, anh vừa làm tròn trách nhiệm ở phòng khám, vừa tranh thủ chữa bệnh miễn phí cho bà con ở Trạm xá của người nghèo. Nghe tin anh trở lại khám, chữa bệnh, bà con Kim Liên và bà con ở khắp các địa phương về phòng khám “Quân dân y kết hợp” ngày một đông dần. Mỗi ngày trung bình anh chữa trị cho gần 50 người, ngày nào cũng phải đến gần 22 giờ tối mới hết bệnh nhân. Anh cho biết: “Trước đây, chúng tôi có thể vận dụng số thuốc dự phòng sẵn sàng chiến đấu không sử dụng hết để cấp miễn phí cho bà con; nhưng từ năm 2017 đến nay, thuốc được quyết toán theo quy định của bảo hiểm y tế nên không thể lấy thuốc cấp miễn phí cho bà con được.”   Trước khó khăn đó, anh đã bàn với khu dân cư vận động các nhà hảo tâm và cả sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân để mua thuốc; thậm chí có lúc bí quá anh đã bỏ tiền túi ra để mua. Tính đến nay, anh đã ủng hộ được trên 60 triệu đồng, tiền mua thuốc và trang thiết bị phục vụ bà con. Để chia sẻ với phòng khám, nhiều lần bà con đề nghị xin được góp 15 ngàn đồng/2 ngày thuốc điều trị. Anh đồng ý nhưng nhất quyết không nhận quá 15 ngàn và không nhận tiền của những người có hoàn cảnh khó khăn. Các nhà hảo tâm ủng hộ thông qua Đồn và địa phương, sau đó chuyển đến phòng khám. Từ khi thành lập Phòng khám “Quân dân y kết hợp” đến nay, anh đã khám và chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc cũng như bệnh nhân từ các quận, huyện khác đến… Bằng những phương pháp kết hợp đông tây y hay phương pháp tác động cột sống tùy theo từng bệnh nhân cho phù hợp, anh đã chữa trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh xương khớp mãn tính, tai biến mạch máu não. Tiêu biểu như bệnh nhân Lê Thị Thanh Hiền tổ 28 Phường Hòa Hiệp Bắc bị tai nạn giao thông năm 2006 với chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng là chấn thương sọ não, liệt tứ chi, qua thời gian điều trị tại phòng khám “Quân dân y kết hợp”, đến nay bệnh nhân đã chống nạng đi lại và làm được những việc sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị liệt tứ chi do tai biến mạch máu não, qua thời gian điều trị đến nay bệnh nhân đã tự làm được những việc phổ thông… Ngoài thời gian phụ trách phòng khám “Quân dân y kết hợp”, anh tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh chăm sóc sức khỏe chu đáo mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ ốm đau. Kiểm tra thường xuyên, kê đơn thuốc điều trị hiệu quả các bệnh thông thường tại đơn vị. Những ca bệnh nặng, phức tạp được kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị dứt điểm. Do vậy quân khỏe của đơn vị phục vụ sẵn sàng chiến đấu luôn đạt trên 98,5%. Hàng năm, anh luôn được tín nhiệm và cử đi tham gia các đợt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho phụ nữ và người dân nghèo nơi biên giới các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Hà Tĩnh… theo Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Về nguồn”… Thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng 5 năm qua, anh được Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng và các ngành địa phương kịp thời ghi nhận và biểu dương khen thưởng. Năm 2019, anh tiếp tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Tuy nhiên, đối với anh, phần thưởng lớn nhất là được nhân dân trìu mến gọi tên “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Bác sĩ quân hàm xanh”… Nguyệt Hà  

TS. Chu Mạnh Nguyên xác lập kỷ lục “Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam”

TĐKT - Ngày 1/2, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp với Trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội tổ chức Lễ trao Kỷ lục “Người cao tuổi nhất được nhận bằng Tiến sĩ Khoa học Giáo dục tại Việt Nam” cho TS. Chu Mạnh Nguyên. Sự kiện nhằm tôn vinh và quảng bá cho tư tưởng “Học tập suốt đời” - một điều kiện quyết định cho mọi công dân phát triển để đóng góp cho sự phát triển xã hội, đất nước. TS. Chu Mạnh Nguyên đã tiếp nối và phát huy truyền thống “Hiếu học” của dân tộc, ông là một trong những tấm gương của sự kiên trì “Học tập suốt đời”, theo đuổi triết lý “Học, học nữa, học mãi” của V.I Lênin. TS Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam (bên phải) trao chứng nhận kỷ lục cho TS. Chu Mạnh Nguyên. Nhà giáo Chu Mạnh Nguyên sinh ngày 15 tháng 7 năm 1944, quê quán tại làng Mọc Thượng Đình, Nhân Chính, Từ Liêm (nay là Thanh Xuân), Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965. Ông từng là giáo viên giảng dạy tại Trường cấp 3 Yên Mỹ, Hưng Yên (1965 - 1974), Trường cấp 3 Dương Xá, Hà Nội (1974 - 1976), Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Nội (1976 - 1977), trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé (1977 - 1980), trường Cán bộ quản lý giáo dục Hà Nội nay là Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội (1980 - 3/2005). Ngày 15/11/2000, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của dân tộc. Ông có sở thích, sở trường về dạy học và nghiên cứu khoa học giáo dục; ông đã chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP Hà Nội, 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông là Tổng chủ biên bộ giáo trình “Bồi dưỡng Cán bộ quản lý trường mầm non, trường THCS” (NXB Hà Nội, 2003), Tổng chủ biên bộ sách “Bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ cho giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông Hà Nội” (NXB Hà Nội, 2004); ông là thành viên Hội đồng biên soạn (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bộ sách “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông” (NXB Giáo dục Việt Nam, 2009). Năm 1994, ông tham dự khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên “Giáo viên dạy Tin học các trường THPT” tại Trường Đại học Sư phạm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ông bảo vệ luận văn thạc sĩ và được cấp bằng Thạc sĩ “Quản lý giáo dục và văn hóa” năm 2000. Cùng thời gian đó, ông tham dự khóa đào tạo và được cấp bằng “Cử nhân Chính trị” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1998 -  2000). Ngày 23/12/2006, ông được Hội đồng giải thưởng Sách Việt Nam trao tặng giải Đồng (sách hay) cho tác phẩm: “Giáo trình Bồi dưỡng Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông” (NXB Hà Nội) do ông làm chủ biên. Từ năm 1998 - 3/2005 ông làm chủ, điều hành có hiệu quả 2 Dự án với Tổ chức VVOB - Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Flemish, Vương quốc Bỉ (Dự án phát triển quản lý trường học tại Hà Nội và Dự án giáo dục môi trường trong các trường học Hà Nội), hàng trăm trường học với hàng nghìn giáo viên Hà Nội đã được hưởng lợi và trưởng thành thông qua việc tham gia các hoạt động của các Dự án. Gần nửa thế kỷ phục vụ trong ngành giáo dục, trong đó có 25 năm cho giáo dục Thủ đô, nhà giáo Chu Mạnh Nguyên đã tham dự và tham luận về giáo dục và công tác quản lý cơ sở giáo dục tại nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Năm 1972 và năm 2003, ông đã lỡ cơ hội làm nghiên cứu sinh vì những lý do khách quan khác nhau; năm 2011 ông tham gia dự tuyển và được công nhận là nghiên cứu sinh khóa 30 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ông đã hoàn thành khóa đào tạo nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học giáo dục với đề tài: “Phát triển đội ngũ viên chức làm công tác thiết bị dạy học ở các trường trung học phổ thông”. Ông được công nhận học vị Tiến sĩ và cấp bằng Tiến sĩ ngày 23/9/2015 theo Quyết định số 8624/QĐ-ĐHSPHN của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi đó ông 71 tuổi. Mai Thảo  

Đánh thức khát vọng làm giàu trên cao nguyên đá

TĐKT - Kế thừa tình yêu nông nghiệp từ bố mẹ, thấu hiểu những khó khăn của đồng bào dân tộc, người đẹp vùng cao nguyên đá Đồng Văn Lưu Thị Hòa (dân tộc Cờ Lao) quyết tâm trở về khởi nghiệp từ nông nghiệp, làm giàu cho quê hương. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, hiện nay Hòa đã là Chủ nhiệm HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Thương mại tổng hợp Po Mỷ với 7 thành viên cùng 2 cửa hàng phân phối các đặc sản của vùng cao Hà Giang ở Hà Nội, với mức doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Lưu Thị Hòa giới thiệu sản phẩm mật ong bạc hà, đặc sản của Đồng Văn Sinh ra tại Đồng Văn, Hà Giang, với ngoại hình xinh đẹp, cao ráo và khả năng giao tiếp tự tin, Hòa từng đoạt giải Nhất và giải Thí sinh có gương mặt đẹp nhất cuộc thi Người đẹp miền Cao nguyên đá lần thứ nhất năm 2014, lọt top 60 (vòng chung kết) cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013. Sau khi tốt nghiệp khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô đã từ chối làm việc cho một số công ty danh tiếng với thu nhập từ 12-15 triệu đồng để trở về quê hương lập nghiệp. Đến giờ, Hòa vẫn luôn tự hào về con đường cô đã chọn: “Bản thân em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó, thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc. Cùng với sự hiểu biết về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, sạch, hiện đại sau nhiều năm sinh sống tại Thủ đô, em quyết định thành lập HTX để khởi nghiệp từ nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp quê hương em phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con”. Mảnh đất Đồng Văn, nơi Hòa sinh ra và lớn lên có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại rau, củ, quả phát triển, được nhiều du khách ưa dùng. Tuy nhiên, bà con nơi đây còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thủ công, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trăn trở trước thực tại ấy, sau nhiều năm ấp ủ và kiên trì thuyết phục gia đình, Hòa mạnh dạn kêu gọi các thành viên thành lập HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ vào tháng 10/2017. Quy mô của HTX có 2.700 m2 nông trại với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày… Để khảo sát, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, thời gian qua, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều vùng, miền. Đồng thời, HTX cũng đã mở một chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh bước đầu đạt trung bình mỗi tháng vài trăm triệu đồng. Các sản phẩm của HTX Po Mỷ được quảng bá tại nhiều hội chợ, triển lãm. Năm 2018, vượt qua hàng trăm dự án, cô gái dân tộc Cờ Lao đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” và đạt giải khuyến khích.  Dự án Hòa mang đến cuộc thi là “Farmstay - Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn - Hà Giang”, tập trung triển khai vùng trồng rau an toàn và cây ngắn ngày tại xã Phố Là, Sủng Là. Bước đầu, Dự án liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với thị trường rộng lớn hơn. Giai đoạn thứ hai, Dự án tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh du lịch địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng giai đoạn 1, tiến hành hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Hòa tâm sự: “Em hy vọng đây sẽ là mô hình kiểu mẫu để có thể là động lực cho các thanh niên dân tộc thiểu số khác phát triển, tận dụng tài nguyên bản địa để làm giàu cho quê hương mình.” Tháng 11/2019, Lưu Thị Hòa đã lọt vào danh sách Short List Women of the future Awards - Giải thưởng Phụ nữ tương lai 2020, tôn vinh phụ nữ thành đạt tại các quốc gia Đông Nam Á, được chọn tham gia mạng lưới hợp tác toàn cầu của các phụ nữ tài năng đi đầu trong lĩnh vực phát triền kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị Đông Nam Á, ở hạng mục Social Entrepreneur. Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của cô gái Cờ Lao cho cộng đồng, đây sẽ là một cột mốc quan trọng để Hòa phấn đấu hơn nữa, cố gắng hơn nữa cho đồng bào, cho quê hương. Con đường khởi nghiệp vẫn còn nhiều chông gai phía trước, nhưng những bước đi táo bạo của Lưu Thị Hòa đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Phương Thanh

Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nguyên Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương

TĐKT - Chiều 20/1, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Vương Văn Đỉnh, nguyên Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương. Tới dự, có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương; Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Phạm Huy Giang, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Vương Văn Đỉnh, nguyên Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Lương Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ TĐKT Văn phòng Chủ tịch nước. Cùng dự có lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Vương Văn Đỉnh Đồng chí Vương Văn Đỉnh sinh năm 1958, nguyên là Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương. Trong suốt quá trình công tác tại Ban, trải qua nhiều cương vị khác nhau: Phó Chánh Văn phòng, Phó Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương, đồng chí Vương Văn Đỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với thành tích, công lao và những đóng góp to lớn đối với ngành TĐKT nói chung và Ban TĐKT nói riêng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba. Ngày 21/1/2019, Chủ tịch nước đã có Quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Vương Văn Đỉnh. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng năm mới, chúc mừng đồng chí Vương Văn Đỉnh đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng, đồng thời chúc mừng những thành tựu Ban TĐKT Trung ương đã đạt được trong năm 2019 vừa qua. Phó Chủ tịch nước lưu ý trong 5 nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra tại Hội nghị tổng kết ngành, năm 2020, Ban TĐKT Trung ương cần tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng: Sớm trình Ban Bí thư thông qua Đề án tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước trong năm 2020; tiếp tục ra sức phát huy mọi kinh nghiệm, năng lực để tham mưu cho Hội đồng TĐKT Trung ương chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, thu nhận tất cả ý kiến, trình quốc hội Luật TĐKT sửa đổi, bổ sung trong năm tới. Phấn đấu đến năm 2021, Luật TĐKT sửa đổi, bổ sung sẽ là một văn bản luật hoàn thiện nhất từ trước đến nay để công tác TĐKT đi vào nền nếp, hiệu quả hơn. Đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương phát biểu tại buổi lễ Tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương khẳng định: Ban TĐKT Trung ương sẽ tiếp tục đoàn kết, tham mưu có nhiều đổi mới sáng tạo trong tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tạo động lực thi đua sôi nổi trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phương Thanh

Trang