Điển hình tiên tiến

Công đoàn Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba

TĐKT - Sáng 28/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019) với chủ đề “Vinh quang giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam” và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Tới dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới; Nguyễn Đình Khang, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động và đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng tập thể Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, biểu dương những nỗ lực, cố gắng to lớn của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong cả nước. Đồng thời khẳng định: Giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta. Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước. Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời, phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn luôn kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò và sứ mệnh ấy, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giai cấp công nhân phải thực sự lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải không ngừng đổi mới. Xây dựng giai cấp công nhân “có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các cấp công đoàn, trước hết là Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 20 “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và cán bộ công đoàn để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát hợp, khoa học, khả thi và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động và tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Chủ động đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách với Nhà nước, phối hợp tổ chức đại diện người sử dụng lao động và vận động toàn thể người lao động cùng thực hiện tốt “Tuyên bố Thế kỷ về tương lai việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2019” với tinh thần: Thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời và giáo dục chất lượng cho mọi người; an sinh xã hội đầy đủ và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, đồng thời mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho người lao động, người sử dụng lao động và cho đất nước. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động cần linh hoạt, đa dạng, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bám sát cơ sở và phục vụ người lao động; phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, được người lao động đón nhận, tham gia. Thường xuyên giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp. Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, xã hội và toàn thể công nhân, viên chức, người lao động tin tưởng, giao phó. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ ba), phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng Công đoàn Việt Nam. Mai Thảo

Người thương binh mù hai mắt với ý chí kiên cường vượt lên chính mình

TĐKT - 20 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Lê Hữu Trạc (sinh năm 1941, tại thôn Xuân Ninh, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc đời ông giống như một bản tình ca đẹp về ý chí và nghị lực phi thường, không còn đôi mắt sáng nhưng ý chí, nghị lực của ông luôn sáng như sao. Cuộc chiến tranh đau thương đã đi qua, mang trên mình thương tật với đôi mắt mù vĩnh viễn nhưng người thương binh Lê Hữu Trạc luôn lạc quan, yêu đời và sống hết mình vì lý tưởng cách mạng với ý chí, nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, “thương binh tàn nhưng không phế”. Thương binh Lê Hữu Trạc tại buổi giao lưu Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 Ông Lê Hữu Trạc vẫn nhớ như in cuộc chiến đấu khốc liệt năm xưa. Ngày mới nhập ngũ, ông được phân về Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341. Tuyến lửa Vĩnh Linh là nơi đơn vị ông đóng quân. Đại đội Lê Hồng Phong là đơn vị bảo vệ giới tuyến 17, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn được xem như những hạt giống đỏ của sư đoàn. Năm 1965, Mỹ đánh phá ra miền Bắc và đảo Cồn Cỏ luôn nằm trong tầm ngắm xâm chiếm của địch. Bởi lúc bấy giờ địch xem đảo Cồn Cỏ như “mắt thần trên biển”. Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến bởi vì khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước thì vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 17008’15’’ tới 17010’05’’ vĩ độ Bắc gần như liền kề với đường giới tuyến.  Âm mưu của địch là chiếm đảo Cồn Cỏ để làm bàn đạp thâm nhập vào hậu phương miền Bắc, đồng thời tất cả máy bay khi bay ra miền Bắc ném bom đều phải bay qua đảo Cồn Cỏ, vì vậy Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt, xâm chiếm của địch. Năm 1965, lãnh đạo Đại đội Lê Hồng Phong nhận lệnh của cấp trên lựa chọn một Trung đội lên đường ra giữ đảo Cồn Cỏ. Tất cả các Trung đội trong Đại đội Lê Hồng Phong đều viết tâm thư bằng máu xin ra bảo vệ đảo. Tất cả người lính đều xung phong với tinh thần bất khuất. Trong chuyến hành trình ra đảo Cồn Cỏ để chiến đấu, giữ vững đảo, ông và các đồng đội trước khi ra đảo phải cạo trọc đầu để khỏi phải gội đầu, bớt việc tiếp tế cho hậu phương vì ở đảo rất hiếm nước ngọt. Khi tất cả các Trung đội đều viết tâm thư bằng máu, thì sáng kiến cạo trọc đầu của đơn vị Lê Hữu Trạc đã giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng hơn trong việc lựa chọn những người ra đảo. Lúc đầu Trung đội của Lê Hữu Trạc được phân công ra giữ đảo 2 tháng, nhưng sau đó, lãnh đạo đơn vị quyết định để toàn Trung đội ở lại tiếp tục giữ đảo bởi như lời lãnh đạo của Sư đoàn 341 “nếu đơn vị nào cũng như Đại đội Lê Hồng Phong thì không cần Chính trị viên làm công tác tư tưởng”. Khi nhắc về ngày đầu ấy, ông vẫn nhớ như in và cảm tưởng như mới diễn ra đâu đây, ký ức ùa về làm ông không khỏi xúc động. Ông nhớ rõ từng chi tiết, ngày đấy Trung đội chỉ có 30 người, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, những người lính trên đảo còn phải xây dựng đảo trở thành một trạm ra đa trên biển của miền Bắc; hàng ngày, phải nắm được số lượng tàu địch tăng hay giảm, lượng máy bay cất cánh ra bắn phá miền Bắc… Mặc dù trở thành mục tiêu hủy diệt, song kỳ lạ thay dù đạn bom thiêu sạch cây cỏ, đảo thân trần trơ trụi ra giữa nắng giữa gió nhưng những con người trên đảo vẫn kiên gan bám trụ. Có lúc địch đưa tàu bao vây đảo, suốt 6 tháng liền các tàu tiếp tế của ta không thể ra đảo, ông Lê Hữu Trạc luôn động viên đồng đội “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”. Từ những lời động viên của Trung đội trưởng bộ binh Lê Hữu Trạc, anh em trên đảo đã luôn giữ vững khí thế chiến đấu với kẻ thù. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 đến 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy báy (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Nhiều đồng đội của ông Lê Hữu Trạc đã được phong thành Anh hùng, chính họ đã góp chiến công làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất diệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đó là trinh sát Anh hùng Thái Văn A lên đài quan sát, mặc dù bị thương do mảnh bom của máy bay Mỹ, anh đã tự băng bó vết thương để bám trụ chứ nhất định không chịu rời trận địa, tiếp tục quan sát hoạt động máy bay địch, góp phần cùng đơn vị bắn rơi hai máy bay vào ngày 11/3/1965. Người lính pháo binh Nguyễn Tăng Mật bị pháo địch vùi lấp, nhưng khi vừa tỉnh lại lên trận địa, thấy 2 khẩu pháo bị hỏng từng bộ phận, anh đã dùng bộ phận của khẩu pháo này đưa sang khẩu pháo kia để khẩu pháo vẫn tiếp tục hiên ngang giáng vào đầu địch. Đó còn là anh hùng Cao Văn Khang, người lính công binh đã hiên ngang đi lại giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù để gỡ từng quả bom nổ chậm, từng quả ngư lôi của địch để bảo vệ an toàn cho đồng đội... Năm 1966, ông Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ, và Cồn Cỏ được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đầu năm 1968, ông Lê Hữu Trạc được đơn vị phân công về đất liền làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Cùng với đồng đội của mình, ông lại tiếp tục xây dựng đơn vị Lê Hồng Phong trở thành đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 1968. Tháng 5/1968, ông Lê Hữu Trạc được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV. Bất cứ ở vị trí công tác nào, ông Lê Hữu Trạc đều thể hiện rõ sự gan dạ, sáng suốt của người chỉ huy đơn vị, người luôn được đồng đội nể phục, kính trọng. Cuối năm 1968, địch lên kế hoạch âm mưu đổ bộ ra miền Bắc, trách nhiệm của đơn vị ông lại hết sức nặng nề. Là đơn vị đóng ở giới tuyến nên ông và đồng đội luôn phải đi trinh sát ngay trước họng súng quân thù. Tháng 7/1968, trong lúc đi nghiên cứu địa hình chống địch đổ bộ bằng đường không vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông Lê Hữu Trạc đã bị bom đạn kẻ thù cướp đi 2 con mắt. Phải xa đồng đội để về lại tuyến sau, nhiều ngày đêm Lê Hữu Trạc giấu nước mắt vào trong gối. Sau khi về lại tuyến sau an dưỡng vết thương, ông đã về lại Quảng Bình lập gia đình và có 3 người con. Mặc dù không nhìn thấy bằng đôi mắt nhưng ông Trạc vẫn cần mẫn làm việc và vượt khó đi lên. Đến năm 2000, ông làm tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thành lập Hội người mù của tỉnh. Để rồi từ khi có hội người mù, hàng trăm thương binh bị mù hoặc con em thương, bệnh binh, cũng như nhiều cháu bị khiếm thị đã có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình. Mặc dù ở tuổi 78 nhưng ông luôn tìm cách đến động viên con em nhiều gia đình nghèo trong xóm, ngoài thôn cố gắng tu chí học hành và rèn luyện, nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước. Với những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh, cống hiến cho đời, thương binh Lê Hữu Trạc đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng toàn quốc năm 2019. Ông chính là 1 trong 72 gương thương binh nặng tiêu biểu được biểu dương vào ngày 25/7/2019. Hồng Thiết  

Tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

TĐKT - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tổ chức cuộc Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019). Cuộc gặp mặt biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Văn nghệ chào mừng Tại cuộc gặp mặt, 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12 ngàn thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước. Các đại biểu đều mất sức lao động 81% trở lên, trong đó có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%, 8 đại biểu mất sức lao động 100%. 406 thương binh đang sống cùng gia đình và người thân, 94 đại biểu thương binh hiện đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. 30 thương binh là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 đồng chí di chuyển bằng xe lăn, 29 đồng chí sử dụng chân giả. Phần đông các đại biểu ở độ tuổi 70 - 80 tuổi. Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi gặp mặt Tiêu biểu là thương binh nặng Đào Đăng Nguyên (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), bị suy giảm khả năng lao động 95%. Sau 2 tháng huấn luyện, tháng 3/1967 ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, tháng 2/1968 bị thương và bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong chốn lao tù, ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đau khổ, cùng những đòn tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo của địch nơi địa ngục trần gian, đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững khí tiết, tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng. Ông được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và là tấm gương trong xây dựng cuộc sống và đoàn kết nơi dân cư. Thương binh nặng Nguyễn Trung Tín (phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh) suy giảm khả năng lao động 95%, tham gia rất nhiều chiến dịch lớn của quân đội như chiến dịch Chu Lai; Tư Nghĩa, Quảng Nam; Thu Bồn, Quế Sơn; Đường 9, Nam Lào; Phỉ Vàng Pao tại Trung Lào... Trong chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô, ông đã bị thương gãy cột sống, vỡ 2 khung xương chậu, vỡ bàng quang. Sau chiến tranh, trở về quê hương, mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng bản thân ông vẫn kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật và nay là Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh... Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 72 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc Trong số 500 đại biểu, có nhiều người là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là những tấm gương tiêu biểu trong hàng triệu những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc kháng chiến vĩ đại và thần kỳ của dân tộc. Tiêu biểu là thương binh nặng Lê Hữu Trạc (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) với những chiến công hiển hách của trong chiến đấu giữ đảo Cồn Cỏ, đã cùng đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch. Về địa phương, ông Trạc tham gia làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình và đã có nhiều đóng góp, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp. Được biết, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến… Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như xây nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Chỉ tính từ năm 2010, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6,5 nghìn tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155 nghìn căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13 nghìn tỷ đồng; tặng trên 124 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động bày tỏ, kế thừa truyền thống hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bất khuất, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hy sinh cho Tổ quốc; hàng triệu thân nhân liệt sĩ mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu của mình. Nhiều đồng chí, đồng bào trở về sau chiến tranh mang trên mình thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn do vết thương, bị nhiễm chất độc hóa học. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, mà 500 thương binh nặng có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu, Thủ tướng khẳng định: Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng đáng khâm phục, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên. Đồng thời, mong muốn họ mãi là những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, công tác, lao động và sản xuất, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công. Bố trí tăng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu hết năm 2019, các địa phương không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, thế hệ trẻ… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Bằng khen, tặng quà cho các thương binh nặng tiêu biểu. Hồng Thiết  

Chủ tịch Quốc hội gặp mặt thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

TĐKT - Chiều ngày 24/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt 72 đồng chí thương binh nặng, đại diện cho 500 đại biểu thương binh nặng về dự cuộc Gặp mặt tuyên dương các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019). Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc gặp mặt Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ, cuộc gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc lần này có sự tham dự của 500 thương binh nặng, đại diện cho 12.000 thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% trở lên. Đây là cuộc gặp mặt có ý nghĩa lịch sử, rất xúc động, cuộc gặp mặt của những người thương binh nặng, những người đã chiến thắng bệnh tật. 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc là những tấm gương tiêu biểu trong thương binh, trong gia đình chính sách và người có công, những người đã vượt qua thương tật, vươn lên trong cuộc sống để sống vui, sống khỏe, sống có ích.  Nhiều trường hợp đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, trở thành doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho con cháu của đồng đội và các gia đình chính sách trên địa bàn, nhiều trường hợp trực tiếp tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt của đồng đội, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện..., là những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa và lay động trong xã hội. Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, đại diện các thương binh nặng cho biết, dù bị thương tật thế nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều luôn khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”. Khi trở về địa phương, các thương binh, bệnh binh luôn xác định phải cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo tăng gia sản xuất để giúp mình và gia đình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà cho các thương binh nặng tại buổi gặp mặt Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ xúc động được gặp mặt các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu và trân trọng gửi lời thăm hỏi, tri ân sâu sắc tới tất cả các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với nước đã từng bước được hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi được từng bước nâng cao gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và luôn là chính sách ưu đãi nhất và bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được xã hội đồng thuận cao. Năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công với cách mạng, đặc biệt là vợ, chồng, con em, những người đã và đang trực tiếp chăm sóc, động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh. Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương; đánh giá cao những cố gắng, sự tích cực và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Bộ LĐ-TBXH trong việc tham mưu cho Nhà nước ban hành kịp thời các chính sách ưu đãi người có công. Hồng Thiết

Người công nhân khuyết tật Vũ Thanh Hồng - tấm gương vượt lên số phận

TĐKT - Đến Nghệ An vào những ngày tháng năm lịch sử, trong không khí hào hùng giàu truyền thống của những người công nhân, lao động Nhà máy Điện Vinh năm xưa và Công ty Điện lực Nghệ An hôm nay, chúng tôi đã được gặp gỡ một người lao động có hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là anh Vũ Thanh Hồng công nhân Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc. Khi tiếp xúc với anh Hồng, ấn tượng mà chúng tôi nhớ mãi đó là hình ảnh người công nhân di chuyển trên chiếc xe lăn với nụ cười hiền hậu và một phong thái rất tự tin.   Anh Vũ Thanh Hồng, công nhân Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc - tấm gương vượt lên số phận Trò chuyện với anh Hồng và những đồng nghiệp của anh, chúng tôi được biết khi lên 5 tuổi Hồng bị sốt cao dẫn đến biến chứng khiến anh bị bại liệt toàn thân và 3 chi, anh chỉ có thể cử động được một cánh tay. Hồng là người ham học và không đầu hàng số phận, đến tuổi đi học, Hồng được các bạn bè thay nhau cõng đến trường bằng tất cả sự cảm phục và tình yêu thương của các bạn cùng trang lứa. Sự giúp đỡ của các bạn và thầy cô chính là nguồn động lực rất lớn giúp cho Hồng vượt qua được nỗi mặc cảm của người khuyết tật vươn lên trong học tập. Với sự thông minh và chăm học, kết quả học tập của Hồng luôn đạt thành tích cao. Hồng học giỏi các môn tự nhiên, năm 2003, Hồng đã đạt được giải trong cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của tỉnh Nghệ An. Không những học giỏi, Hồng còn là một trong nững thành viên rất tích cực trong mọi hoạt động của Câu lạc bộ khuyết tật của tỉnh. Sinh ra từ một gia đình giàu truyền thống của ngành điện Cách mạng Việt Nam, có bố là ông Vũ Thanh Phong nguyên là cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực Nghệ An, từ nhỏ Hồng đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về ngành của bố. Hình ảnh của những người công nhân vất vả, không kể nắng mưa, đêm ngày, đặc biệt là những cố gắng, nỗ lực khắc phục sự cố để cấp lại điện cho nhân dân đã in đậm trong trái tim của Hồng khi còn bé thơ. Bên cạnh đó, sự đùm bọc, chia sẻ, động viên kịp thời từ những người đồng nghiệp của bố và những phần quà tuy nhỏ bé nhưng hết sức ý nghĩa từ các tổ chức đoàn thể của ngành điện đã giúp cho Hồng có thêm nghị lực và cố gắng quyết tâm trở thành người có ích trong xã hội.   Anh luôn có những ý kiến đổi mới khi trao đổi trong công việc đồng nghiệp Biết ngành điện là một ngành đặc thù, công việc nặng nhọc, nguy hiểm và hầu hết những người công nhân hằng ngày vẫn phải thực hiện công việc ngoài hiện trường; chính vì vậy yêu ngành điện là thế, nhưng với sức khỏe và hoàn cảnh của mình, anh Hồng không dám ước mơ sẽ nối nghiệp của cha. Anh Hồng cho biết, từ khi tham gia Câu lạc bộ khuyết tật của tỉnh và chứng kiến những hy sinh, vất vả của cha mẹ, Hồng luôn đau đáu sẽ cố gắng học một nghề gì đó để nuôi sống bản thân và để bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Với những điểm mạnh về máy tính và các môn tự nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp 3 Hồng đã thi và theo học trường Trung cấp nghề của tỉnh Nghệ An với chuyên ngành về công nghệ thông tin. Chia sẻ với chúng tôi anh Hồng xúc động: “Với hoàn cảnh của một người khuyết tật, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận vào làm việc tại ngành điện...” Xét điều kiện, hoàn cảnh và trình độ kiến thức của Hồng, sau khi tốt nghiệp chuyên nghiệp năm 2007, Hồng được nhận vào làm việc tại Công ty Điện lực Nghệ An. “Đó là một món quà không thể đong đếm bằng giá trị và niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi” - Hồng chia sẻ, “nếu không có sự quan tâm đặc biệt của ngành điện đối với xã hội nói chung, những hoàn cảnh éo le, đặc biệt là con em CBCNV, thì chắc hẳn những người khuyết tật như tôi không bao giờ được có cơ hội cống hiến cho sự nghiệp của ngành điện và tự nuôi sống bản thân”.     Anh thường xuyên tự di chuyển từ nơi làm việc về nhà bằng chiếc xe máy ba bánh Được nhận vào làm việc tại Công ty và được phân công về Phân xưởng tư vấn thiết kế, mọi công việc lúc ấy cũng rất mới mẻ và không ít khó khăn với Hồng. Lúc đầu cơ quan làm việc làm việc ở tầng cao và tòa nhà không có thang máy, hàng ngày Hồng phải nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ cõng từ tầng một lên phòng làm việc và ngược lại. Để giải quyết sự bất tiện đó và để tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện làm việc cho người công nhân khuyết tật, lãnh đạo Công ty đã sắp xếp phòng làm việc của Hồng tại tầng 1 tòa nhà. Hơn thế nữa, ngoài được tạo điều kiện trong công việc Hồng còn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ các đồng nghiệp trong sinh hoạt hàng ngày. Tất cả những việc làm đó khiến Hồng càng nỗ lực hơn, vượt qua những mặc cảm của số phận và cố gắng tự tin để vươn lên từng ngày. Do rất yêu thích công việc lập dự toán, trong quá trình làm việc, anh Hồng luôn học và tự học để nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp, Hồng đã nhanh chóng nắm bắt công việc và phát huy được khả năng của mình. Những công việc được giao Hồng đều hoàn thành tốt, vượt thời gian so với nhiều đồng nghiệp khác. Nhìn anh thao tác rất nhanh trên máy tính với chỉ một tay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục. Với khả năng máy tính và chuyên môn rất chắc, rất giỏi của mình, Hồng đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn các đồng nhiều đồng nghiệp những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn và trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Rời nơi làm việc, trên chiếc xe lăn, Hồng đã dẫn chúng tôi về thăm gia đình mình. Đón chúng tôi có mẹ và vợ của anh Hồng (bố Hồng đã mất gần 10 năm). Vợ Hồng là một người phụ nữ nhỏ bé, chị tên là Bạch Thị Hương, hiện đang công tác tại Trung tâm thí nghiệm điện Nghệ An. Khi được hỏi về mình, chị gần như không nhắc đến những gì mình đang hy sinh vì chồng, vì gia đình. Mẹ Hồng cho chúng tôi biết: Nhiều năm nay sức khỏe bà không được tốt lại thêm chứng đau lưng, gần như toàn bộ công việc chăm lo vệ sinh đến sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất hàng ngày của Hồng, cũng như việc chăm lo cho mẹ chồng và 2 đứa con đều do một mình chị Hương gánh vác.   Chị Bạch Thị Hương - vợ anh Vũ Thanh Hồng, người phụ nữ vượt qua tất cả đến với anh Hồng bằng tình yêu chân thành Mẹ anh Hồng nhớ lại: Hai người phát sinh tình cảm khi chị được nhờ đến chăm anh trong thời gian phẫu thuật. Với tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ thôn quê, chị Hương đã làm cho anh Hồng mến phục và tình yêu cứ thế đến với họ từ lúc nào không biết. Vượt qua tất cả, bằng tình yêu chân thành dành cho anh, chị Hương quyết định làm vợ của Hồng - một người khuyết tật. Tình yêu của chị Hương chính là liều thuốc đặc biệt đã giúp anh Hồng càng nỗ lực hơn để vượt qua chính mình. Cuộc sống không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả, những điều kỳ diệu đã mang đến niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao cho anh chị Hồng, Hương; họ đã có với nhau 2 người con, một trai và một gái. Anh Nguyễn Hồng Tuấn - Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An, Công ty dịch vụ Điện lực miền Bắc cho biết, anh đã gắn bó với anh Hồng 12 năm ngay từ những ngày đầu anh Hồng mới vào làm việc tại công ty. Anh Tuấn cũng chia sẻ về đồng nghiệp đặc biệt của mình, mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, tuy nhiên anh Hồng là người làm việc có chuyên môn tốt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đoàn thể nói chung và tổ chức công đoàn nói riêng, luôn tạo điều kiện tốt nhất để một người như Hồng được làm việc một cách thuận lợi nhất, ngay cả việc di chuyển đi lại để làm việc trong xí nghiệp. Bên cạnh đó, công đoàn có những chế độ thăm hỏi rất kịp thời để Hồng không cảm thấy bị mặc cảm và tự tin hòa đồng với những đồng nghiệp, quên đi hoàn cảnh của mình. Chính những điều đó đã giúp Hồng có những đóng góp tích cực trong nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin tưởng và ghi nhận của lãnh đạo trong suốt thời gian qua. Anh Đặng Phước Long - Phó Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng trong công việc của Hồng. Với tinh thần, trách nhiệm cao và đức tính cần cù, chịu khó anh Hồng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hồng cũng là một người sống chan hòa, thân thiện và dễ mến với đồng nghiệp. Hơn nữa, trong công việc, với thế mạnh về chuyên môn và công nghệ thông tin, anh Hồng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ để mọi người cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là một trong những lãnh đạo trong Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An, anh Long luôn lấy anh Hồng để làm tấm gương vượt khó trong cuộc sống và công việc để khích lệ tinh thần làm việc của CBCNV trong xí nghiệp. Anh Long chia sẻ thêm: Trường hợp anh Hồng được nhận vào làm việc tại đơn vị đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng. Việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, tạo cho họ cơ hội để phát triển năng lực, trình độ của mình, góp sức nhỏ bé của mình là một việc làm hết sức nghĩa tình, đầy đạo lý và nhân văn của ngành điện Việt Nam. Anh Long cho rằng: Mỗi một cán bộ ngành điện sẽ tự hào hơn và yêu hơn công việc của mình khi được chứng kiến sự quan tâm của lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đối với anh Hồng, đó chính là những việc làm thiết thực góp phần giúp những người khuyết tật hòa nhập cuộc sống, bớt đi những khó khăn trong cuộc sống đời. Với truyền thống 50 năm Tổng công ty Điện Lực miền Bắc và đặc biệt 65 năm truyền thống ngành điện Việt Nam, anh Long muốn ngành điện sẽ dành những cơ hội và điều kiện nhiều hơn nữa đến những người khuyết tật là con em CBCNV trong ngành điện cũng như những người khuyết tật ngoài xã hội có cơ hội được cống hiến và làm việc. Hình ảnh người công nhân hàng ngày đến nơi làm việc trên chiếc xe lăn, đó là những minh chứng thiết thực nhất của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của người công nhân ngành điện khuyết tật Vũ Thanh Hồng. Qua đó cũng thể hiện  truyền thống tương thân, tương ái trong suốt 65 năm qua của ngành điện Cách mạng Việt Nam và truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Ngành điện không những thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, đó là đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước mà còn làm tốt các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể của ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp khó khăn... Hoàn cảnh đặc biệt của anh công nhân Vũ Thanh Hồng là một minh chứng nói lên việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn đó. Người khuyết tật được tạo công ăn việc làm, được cống hiến sức lực, trí tuệ, được phát huy năng lực, sở trường, làm ra của cải, vật chất nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.   Anh Hồng luôn dành được sự quan tâm và hỗ trợ từ đồng nghiệp Anh Hồng chỉ là một trong những hàng ngàn tấm gương vượt khó vươn lên của những người khuyết tật, nhưng anh là một trường hợp khá đặc biệt đối với CBCNV ngành điện, một ngành với tính chất công việc đặc thù, vất vả và nguy hiểm. Anh Vũ Thanh Hồng là một tấm gương không đầu hàng trước hoàn cảnh của mình mà đã vươn lên trở thành một người có ích cho xã hội. Tấm gương của anh Hồng cần được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành điện Việt Nam. Anh đã để lại một cách nhìn nhận rõ nét hơn về người khuyết tật "tàn nhưng không phế", anh Hồng có quyền tự hào về những gì mình đang cống hiến, sống không buông xuôi mà sống bằng nghị lực phi thường của mình, vượt lên chính mình. Sự góp sức nhỏ bé của anh Hồng đã góp phần viết lên những thành công của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng và ngành điện Việt Nam nói chung. Nguyên Ngọc - Việt Hạnh

Làm giàu từ nuôi gà thả vườn

TĐKT - Vượt qua khó khăn, chịu khó học hỏi, chị Bùi Thị Thủy, xóm Trung (xã Bình Cảng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi gà thả vườn.   Chị Thủy chăm sóc đàn gà của gia đình Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ chị Thủy đã quen với công việc của nhà nông. Tuy nhiên, chị chỉ thực sự bắt tay vào phát triển kinh tế từ nuôi gà từ năm 2014. Khi đó, nhận thấy điều kiện tự nhiên ở Bình Cảng có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây chuồng nuôi gà và nhập gà giống. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và chưa có kinh nghiệm, lứa gà đầu tiên của gia đình chị cho năng suất thấp do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, điều đó không làm chị nản lòng mà càng thêm phần quyết tâm thành công với mô hình này. Để có kiến thức chăn nuôi gà thả vườn, ngoài việc học hỏi từ sách, báo, ti vi, mạng, chị còn trực tiếp đi đến những mô hình đã thành công ở địa phương ngoài tỉnh Hòa Bình để học hỏi. Sau thời gian học hỏi, với số vốn gần 100 triệu đồng, chị Thủy cùng gia đình tiếp tục đầu tư nuôi gà theo quy mô trang trại, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Theo chị Thủy, nuôi gà thả vườn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên, dịch bệnh ít xảy ra, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi nhốt. Thịt gà chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Thủy cũng đăng ký tham gia hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn. Bởi theo chị, việc tham gia HTX mang lại nhiều lợi ích. Chị không chỉ được HTX giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, thú y mà còn được tư vấn, hỗ trợ sử dụng những loại thức ăn tốt giúp phát triển toàn diện cho đàn gà. Đồng thời được kết nối, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Lứa gà thử nghiệm đầu tiên với trên 200 con của chị đã mang lại hiệu quả. Từ thành công bước đầu, chị Thủy tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi gà với số lượng lớn. Giống gà được chị lựa chọn là gà Lượng Huệ bởi theo chị giống gà này có sức chống chọi tốt với dịch bệnh, chất lượng thịt cao. Ngoài thức ăn là lúa, ngô, chị Thủy tận dụng các loại rau trộn với cám để làm thức ăn cho gà. Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt, chất lượng thịt được thị trường ưa chuộng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà thả vườn, chị Thủy cho biết: Nuôi gà thả vườn không khó, nhưng để nuôi gà thả vườn thành công mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu đòi hỏi người chăn nuôi phải tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, thường xuyên tham khảo báo đài, kinh nghiệm người đi trước áp dụng vào thực tế chăn nuôi hộ gia đình. Điều quan trọng là nắm được các loại bệnh, chăm sóc đúng cách, bổ sung dinh dưỡng, phòng, trừ bệnh đầy đủ là đã thành công hơn nửa. Hiện tại, đàn gà của chị cứ 3 - 4 tháng chị Thủy có thể xuất bán. Mỗi con khi xuất nặng trung bình khoảng 1,7 kg. Sau khi trừ các chi phí, trung bình mỗi năm chị thu về khoảng trên 170 triệu đồng. Từ vài trăm con, đến nay, đàn gà của gia đình chị đã mở rộng trên 3.000 con các loại, mỗi năm xuất từ 2 - 3 lứa. Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong vùng để cùng phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và làm giàu bền vững. Mô hình nuôi gà Lượng Huệ của gia đình chị đã đem lại thành công và nguồn thu nhập ổn định. Đây được coi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Bình Cảng nói riêng và toàn huyện Lạc Sơn nói chung. Không chỉ là một tấm gương làm kinh tế giỏi ở Bình Cảng, chị Thủy còn là là một cán bộ dân số trách nhiệm, hết mình với công việc. Theo chị Thủy, là một người cán bộ gương mẫu, ngoài việc làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của một người cán bộ nhà nước thì cần phải biết làm kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Việc phát triển kinh tế trang trại thành công còn giúp ích cho chị rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của xã Bình Cảng. Tuệ Minh  

Biểu dương những “thủ lĩnh” công đoàn tiêu biểu xuất sắc

TĐKT - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), ngày 20/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV và trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ I. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mục đích tôn vinh, nhân rộng những thành tích của chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), nghiệp đoàn tiêu biểu, xuất sắc trong hoạt động công đoàn; cổ vũ, động viên, tạo động lực thi đua, xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS, nghiệp đoàn ngày càng nâng cao về chất lượng, số lượng; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ CĐCS trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; góp phần xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh. 10 cá nhân được trao tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất năm 2019 Được lựa chọn từ 112 hồ sơ do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) cấp tỉnh, thành phố và công đoàn ngành trung ương đề xuất, 90 chủ tịch CĐCS được biểu dương, đại diện cho 127.180 chủ tịch CĐCS trên toàn quốc. Đó là những tấm gương tiêu biểu trong công tác, sinh hoạt, học tập, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiều sáng kiến, sáng tạo, chủ động, đổi mới trong hoạt động công đoàn; luôn có ý chí khắc phục khó khăn; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đấu tranh vì lợi ích của tập thể, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên CĐ và người lao động; là chỗ dựa tin cậy và được cán bộ, đoàn viên CĐ và người lao động tín nhiệm; đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên CĐ, người lao động và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Họ thực sự là những nhân tố nòng cốt để tiếp tục thúc đẩy phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới. Trong 90 tấm gương được biểu dương, có 34 chủ tịch CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp, chiếm 38%; 35 chủ tịch CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; chiếm 39%; 21 chủ tịch CĐCS khu vực doanh nghiệp nhà nước và các loại hình khác, chiếm 23%. Cán bộ CĐ cao tuổi nhất là 63 tuổi, trẻ tuổi nhất là 31 tuổi. Nhiều cán bộ CĐ có thời gian công tác công đoàn từ 10 năm trở lên, trong đó có cán bộ CĐ trên 20 năm. Các cán bộ CĐ tiêu biểu được lựa chọn ở các lĩnh vực, ngành, nghề. Có thời gian giữ chức vụ chủ tịch CĐCS, nghiệp đoàn ít nhất 3 năm tại CĐCS có từ 150 đoàn viên CĐ trở lên; có tỷ lệ đoàn viên CĐ đạt trên 90% tổng số người lao động trong đơn vị cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ nơi cá nhân đó được xét tặng danh hiệu phải có ít nhất 3 năm liên tục (tính đến năm 2018) đạt CĐCS vững mạnh và đã đạt được các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương trở lên. Các cán bộ CĐCS xuất sắc được tuyên dương tại buổi lễ Trong dịp này, Tổng LĐLĐVN cũng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất. Đây là phần thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam dành tặng cán bộ CĐ các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động CĐ, góp phần xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 2019 là năm đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng giải thưởng này. Từ 43 hồ sơ đề nghị xét chọn của 26 LĐLĐ tỉnh, thành phố, 11 CĐ ngành trung ương và tương đương và cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội đồng đã quyết định trao Giải năm nay cho 10 cán bộ CĐ tiêu biểu. Trong đó: 1 đồng chí là cán bộ CĐ cấp Tổng Liên đoàn; 4 đồng chí là cán bộ CĐ cấp tỉnh, ngành; 3 đồng chí là cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 đồng chí là cán bộ CĐ cơ sở. Đó là các đồng chí: Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trần Danh Chức, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh; Vũ Minh Đức, Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam; Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương; Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang; Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Phạm Thị Hằng, Chủ tịch CĐ Khu Kinh tế Hải Phòng; Tôn Kim Thúy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên; Trương Văn Tuyên, Chủ tịch CĐ Công ty CP Sản xuất ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (Ninh Bình); Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Chang Shin (Đồng Nai). Giải thưởng Nguyễn Văn Linh được tổ chức trao tặng hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (ngày 28/7). Mỗi cá nhân chỉ được trao tặng Giải thưởng này 1 lần. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong đề xuất tổ chức Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, để tôn vinh các cán bộ CĐ. Điều này đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động CĐ. “Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người lãnh đạo bắt đầu cho sự nghiệp đổi mới của Đảng, người đã có thời gian gắn bó với tổ chức CĐ với cương vị người đứng đầu tổ chức CĐ, đồng chí luôn dành cho giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phải được lan tỏa mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ CĐ để giải thưởng này ngày càng mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội”, đồng chí Trương Thị Mai phát biểu. Trước Lễ biểu dương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gặp gỡ, động viên, ghi nhận thành tích của 100 đồng chí cán bộ CĐ gồm 10 cán bộ CĐ xuất sắc nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh và 90 chủ tịch CĐ cơ sở, nghiệp đoàn tiêu biểu được tôn vinh dịp này. Mai Thảo

Bệnh viện K: 50 năm không ngừng phát triển

TĐKT - 50 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện K luôn nỗ lực hết mình để trở thành phấn đấu sớm trở thành một trung tâm hàng đầu trong khu vực về ung bướu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ rằng “ung thư biết sớm trị lành”. Giám đốc Bệnh viện K, GS. TS Trần Văn Thuấn cho biết: Bệnh viện được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương, ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin, người Pháp phụ trách với mục đích là chữa bệnh ung thư cho người dân Đông Dương và người Pháp. Viện đã áp dụng thành quả các công trình nghiên cứu của nhà khoa học Marie Curie. Các kim và type radium dùng tại Viện lúc đó được đích thân nhà khoa học Marie Curie kiểm tra, xác nhận tại Viện Curie Pháp rồi mới chuyển về Việt Nam để điều trị cho người bệnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Bệnh viện K Từ ngày 6/7/1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương thời đó. Năm 1959, Viện Radium được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) và trở thành Khoa Ung thư của Bệnh viện trong những năm 1959 - 1969. Năm 1969, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Bệnh viện K, mở ra trang phát triển mới đối với ngành ung thư Việt Nam. Đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế của bệnh viện phát triển cả về số lượng và chất lượng, giỏi về chuyên môn và trách nhiệm với nghề nghiệp. Từ lúc chỉ có 68 cán bộ, nhân viên khi thành lập, đến nay Bệnh viện đã có trên 1.500 cán bộ, nhân viên; đội ngũ chuyên gia hùng hậu với 15 giáo sư và phó giáo sư, 65 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; 206 thạc sĩ…; có đầy đủ chuyên gia các chuyên khoa sâu trong các lĩnh vực điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ... Bệnh viện đã chủ trì, tham gia, hợp tác nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị cao, đóng góp vào hoàn thiện các phương pháp điều trị ung thư trên thế giới; có nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học y - dược uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bệnh viện là cơ sở thực hành của các trường y dược, tham gia biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa, giảng dạy cho hàng chục ngàn bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đại học và sau đại học. Bệnh viện đã chủ động và có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả, tiếp cận với trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tiên tiến của thế giới. Nhiều giáo sư, tiến sĩ của Bệnh viện đã vinh dự được nhiều viện, trường đại học uy tín của Pháp, Hàn Quốc… mời giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu. Từ một cơ sở với 120 giường bệnh, đến nay Bệnh viện đã có 3 cơ sở khang trang với 2.400 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới nhất, hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng, hệ thống xạ phẫu hiện đại nhất hiện nay, hệ thống phẫu thuật robot điều khiển từ xa, hệ thống trung tâm pha chế thuốc tập trung… Tỷ lệ điều trị khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (tỷ lệ điều trị thành công ung thư vú đạt 75%, ngang với Singapore). Ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi năm 165.000 ca mắc mới và hiện có trên 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Tình trạng này đặt ra cho ngành y tế nói chung, ngành khám điều trị ung thư nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật điều trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả điều trị. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu”. Phát huy hiệu quả Trung tâm phẫu thuật robot, Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, I-on nặng... Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Chú trọng hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị ung thư. Cùng với việc không ngừng nâng cao y đức, Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cả về quy mô, chất lượng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, y, bác sĩ, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới để ứng dụng trong phòng, chống ung thư tại Việt Nam. Mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện K còn phải là chỗ dựa, động viên, an ủi, chia sẻ, đồng hành cùng người bệnh theo đúng tinh thần “Trao hy vọng - nhận niềm tin”. Tiếp tục cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, để người dân hiểu rõ rằng “ung thư biết sớm trị lành”. Đặc biệt, Bệnh viện K sẽ chủ động sáng tạo trong việc triển khai Đề án tự chủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là nghiên cứu phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện. Hiện nay, mỗi năm người Việt Nam bỏ ra hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư. Đặc biệt, Bệnh viện sẽ luôn bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, vận động các nguồn lực để hỗ trợ các bệnh nhân, bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với những nỗ lực không ngừng Bệnh viện K đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Hồng Thiết

Trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất năm 2019

TĐKT – Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019), từ ngày 19 - 20/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất (năm 2019). Theo đó, 10 cán bộ công đoàn xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn tôn vinh, khen thưởng. Đó là thông tin được lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tại Hội nghị thông tin các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và giao ban báo chí quý II/2019, tổ chức sáng 16/7 tại Hà Nội. Theo đó, năm 2019, 10 cá nhân tiêu biểu vinh dự được tặng Giải thưởng bao gồm: Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Danh Chức, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh; ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương; bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng; ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang; bà Tôn Kim Thúy, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên; ông Trương Văn Tuyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Chang Shin (Đồng Nai). Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam trả lời câu hỏi của báo chí Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Đây là những cán bộ công đoàn tiêu biểu, đại diện cho 4 cấp của tổ chức công đoàn: Công đoàn cơ sở; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; công đoàn cấp tỉnh thành phố và công đoàn cấp Trung ương; có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị phát triển bền vững, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Giải thưởng Nguyễn Văn Linh được tổ chức trao tặng một lần cho cán bộ công đoàn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, cùng với Lễ trao giải thưởng Nguyễn Văn Linh còn nhiều hoạt động ý nghĩa khác được tổ chức. Tiêu biểu là Hội thảo khoa học cấp quốc qua với chủ đề “Công đoàn Việt Nam 90 năm xây dựng và phát triển”. Hội thảo tiếp tục làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận - lịch sử về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; xác định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với đoàn viên, người lao động, với việc xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và việc giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng qua đó khẳng định những cống hiến nổi bật và những thành tựu xuất sắc trong hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân Việt Nam trong 90 năm qua. Hội thảo cũng nhằm góp phần đánh giá cơ hội, thách thức và đề xuất định hướng lớn, giải pháp quan trọng cho hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, còn có hoạt động trưng bày “Công đoàn Việt Nam 90 năm xây dựng và phát triển”, dự kiến khai mạc ngày 25/7 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Nội dung trưng bày gồm có 3 phần: Quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam (1929 - 2019); sự đóng góp của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc (1929 - 2019); gương lao động sáng tạo của công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Triển lãm trưng bày trong 3 tháng. Lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 28/7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Dự kiến, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Mai Thảo

Tiến sĩ Lê Bích Thắng – Gương sáng phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thế kỷ 21

TĐKT - Mạnh mẽ, sắc sảo và quyết đoán, Tiến sĩ Lê Bích Thắng (sinh năm 1950), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư du lịch Hải Tiến trở thành hình mẫu phụ nữ lý tưởng của tỉnh Thanh Hóa trong thế kỷ 21 bởi sự năng động trong các hoạt động làm kinh tế du lịch và những cống hiến to lớn mà bà đã dành cho quê hương. Dám nghĩ dám làm Sinh ra dưới thời mưa bom đan lạc tại vùng quê Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa anh hùng, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã sớm tham gia các hoạt động vận chuyển vũ khí, đạn dược cho bộ đội tại ga nghĩa trang. Vốn thông minh, sáng dạ, sau khi học xong cấp 3 và được kết nạp Đảng, bà nhanh chóng được cử đi học tại Liên Xô. Sau khi học xong, nữ tiến sĩ được phân công về công tác tại vụ điều tra cơ bản - Ủy ban khoa học nhà nước, sau này là Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Trong quá trình công tác ở cơ quan nhà nước, bà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong gương mẫu của người đảng viên và được bổ nhiệm làm trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều năm liền bà là Chiến sĩ thi đua của ngành và làm bí thư chi bộ, đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về môi trường. Trong quá trình công tác tại Bộ, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã dành nhiều quan tâm và giúp đỡ các dự án cho Thanh Hóa như: Đưa đoàn của Tổ chức JICA (Nhật Bản) về khảo sát xây dựng dự án nuôi trồng, phục hồi con phi tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa; trồng cây sú vẹt bảo vệ môi trường ở xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa. Tiến sĩ Lê Bích Thắng  Năm 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, sau khi được nhà nước cho nghỉ chế độ, bà Lê Bích Thắng đã xung phong về đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ một vùng đất đặc biệt khó khăn (nhiều năm liền theo chế độ bãi ngang), đến nay nhờ có Tiến sĩ Lê Bích Thắng, Hải Tiến đã trở thành khu du lịch (KDL) nổi tiếng của Thanh Hóa và cả nước. Với quyết tâm cống hiến cho quê hương, bà là người đầu tiên đầu tư xây dựng khu du lịch Hải Tiến và kêu gọi được 7 doanh nghiệp tại Hà Nội đầu tư tiếp theo với số vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng, với tổng số phòng lên đến 4.000 phòng. Từ năm 2012 đến nay, KDL đã đón nhận hơn một triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, biến Hải Tiến trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến do bà Thắng làm chủ đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào KDL biển Hải Tiến, xây dựng các khu khách sạn, khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh, xây dựng thêm gần 1,2 km tuyến đường ven biển, kè bờ biển... nhằm phát huy những ưu thế của thiên nhiên và lịch sử, đưa Hải Tiến trở thành một KDL sinh thái biển hấp dẫn. Các công trình, dự án có kiến trúc hiện đại, đa tiện ích đã và đang có sự kết hợp hài hoà, tinh tế với vẻ nguyên sơ của vùng biển Hải Tiến. Sức đầu tư lớn, quy mô, bài bản, tôn trọng mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích kinh tế - môi trường – đời sống nhân dân là những yếu tố làm nên giá trị, nâng tầm thương hiệu du lịch biển Hải Tiến, thu hút đông đảo du khách tham gia. Năm 2018 vừa qua, KDL Hải Tiến đã đón hơn 1 triệu ba trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, họp mặt, tập huấn nghiệp vụ... Công suất sử dụng phòng bình quân đạt trên 80%, vào các ngày lễ, ngày cuối tuần gần đạt 100%. Doanh thu từ các hoạt động du lịch, khách sạn năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, tại KDL Ánh Phương (thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến), các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 10 khách sạn và biệt thự du lịch đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao, nâng tổng số lên 2.500 phòng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về với biển Hải Tiến. Các nhà đầu tư thứ cấp như công ty Đại Dương Xanh xây dựng cảng du lịch với nhiều tàu cao tốc đưa khách đi tham quan các đảo và dọc sông Mã, thăm các danh lam thắng cảnh của xứ Thanh như đền Độc Cước, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ... Nhằm tổ chức kinh doanh khai thác tốt nhất cho mùa du lịch năm 2019, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến và công ty Thanh Vân đã đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống vỉa hè, bồn hoa, cây cảnh; công ty Thanh Vân đầu tư khu vui chơi cảm giác mạnh, công viên nước… Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch thực sự văn minh, đẳng cấp và bền vững, để KDL sinh thái biển Hải Tiến thực sự trở thành điểm hấp dẫn du khách, góp phần phát triển “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh… Tâm huyết với quê hương Không chỉ dừng lại ở những đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quê hương, với cương vị là những người hoạt động sáng tạo và trưởng thành từ lao động khoa học, bà Thắng cùng chồng là Tiến sĩ Lê Xuân Thảo hiểu hơn ai hết giá trị của sự học.  Xuất phát từ nhận thức đó, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của gia đình cùng cái tâm trong sáng, nhiệt thành, vợ chồng Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã tự mình và tích cực vận động anh em, con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ, các nhà hảo tâm quyên góp trên 10 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài. Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan mang tên bố chồng bà – nhà giáo, người chiến sĩ cách mạng kiên trung do bà và chồng cùng sáng lập đã chi trên 5 tỷ đồng để trao thưởng cho hơn 7 nghìn lượt học sinh giỏi các cấp; cấp học bổng cho 1.750 lượt học sinh nghèo vượt khó học khá giỏi. Bà Thắng cũng tài trợ quỹ khuyến học cho 43 hội khuyến học xã, thị trấn; đầu tư cơ sở vật chất trường học 1 tỷ 600 triệu đồng, in và phát hành 3.000 cuốn sách “Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan - Chắp cánh tương lai”. Tiến sĩ Lê Bích Thắng được tặng Giải thưởng vì sự phát triển của Thanh Hóa năm 2019 nhân “Kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa”... Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan, vợ chồng Tiến sĩ Lê Bích Thắng – Lê Xuân Thảo đã ủng hộ thêm 1 tỷ đồng thêm vào quỹ, 100 triệu đồng ủng hộ trường Quốc học Huế và 100 triệu đồng ủng hộ trường Tiểu học Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương). Ngoài ra, bà Thắng còn tổ chức các đoàn bác sĩ về khám, chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở 2 xã Hoằng Tiến và Hoằng Thanh. Bà còn tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình liệt sĩ ở các xã. Tham gia nhiều hoạt động từ thiện và luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, bà tâm niệm: “Vợ chồng tôi đã, đang và luôn thầm nghĩ, sẽ làm nhiều việc thiện để góp phần cùng anh em vun đắp cây đức cho dòng tộc cũng như cho đời. Chúng tôi cảm thấy mình làm bao nhiêu cũng chưa đủ”. Song hành cùng các hoạt động khuyến học – khuyến tài, TS Lê Bích Thắng còn là người không ngừng đấu tranh, đòi lại công bằng, quyền lợi cho các nạn nhân Việt Nam nhiễm chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Với tấm lòng biết thơm thảo của mình, bà Thắng còn được biết đến là một điển hình trong việc phát tâm cung tiến, thiện nguyện, góp phần phục dựng lại nhiều đình, chùa, miếu mạo và các công trình văn hoá – lịch sử xứ Thanh: Đền thờ Đức Thánh Cả xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), đền thờ Đức Thánh Cả xã Hoằng Trung, đền thờ Tô Hiến Thành xã Hoằng Tiến (Hoằng Hoá)… Năm 2009, bà Lê Bích Thắng là người phụ nữ duy nhất đóng vai trò quan trọng được quyền tham dự vào “hành trình trở về của một hoàng đế” là vua Lê Dụ Tông từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trở về đất mẹ ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân. Đồng thời, bà Thắng đã nhận phụng dưỡng 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng; nuôi nhiều cháu mồ côi học hết đại học; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động của Hoằng Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng bãi ngang. Với những đóng góp đó, Tiến sĩ Lê Bích Thắng đã nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương qua các năm: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; năm 2014, bà được Chủ Tịch nước tặng biểu trưng vàng về thành tích đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Giấy khen của Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2016; Giải thưởng vì sự phát triển của Thanh Hóa năm 2019 nhân “Kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa”... Nhưng hơn hết, đó là sự yêu quý, tin tưởng của bà con nhân dân Hải Tiến đã dành cho bà – người phụ nữ đã thắp sáng vùng quê nghèo Hải Tiến. Mai Thảo

Trang