Hà Nội thi đua ái quốc

Tiếp tục nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt Thủ đô

TĐKT – Chiều 15/7, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2019. Tham dự có Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng cùng 4 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt: Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, bà Phan Thị Phúc, ông Lưu Viết Thục, chị Lê Hoàng Phương. Các khách mời đã cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến, chia sẻ những câu chuyện xúc động, cách làm hay góp phần giúp Thủ đô thêm đẹp. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng phát biểu tại buổi giao lưu. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hoạt, người đã có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư ở tổ dân phố”. Nhờ sáng kiến của ông, công tác quản lý dân cư rõ ràng, minh bạch và có hiệu quả, tránh được những nhầm lẫn về số liệu theo cách quản lý ghi chép sổ sách trước đây. Đó là tâm sự của bà Phan Thị Phúc, người thành lập Đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội. Hơn 20 năm qua, cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, bà cần mẫn dạy múa hát, kỹ năng sống miễn phí cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, giúp các em hòa nhập cộng đồng. Bà Phúc chia sẻ: “Tôi nhận thấy, nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập xã hội, nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Vì vậy, tôi kết hợp việc dạy nghệ thuật và dạy những nghề đơn giản, vừa sức cho các em. Đa phần các em đều tìm được công việc nuôi sống bản thân, nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn”. Hay như câu chuyện của chị Lê Hoàng Phương, Trưởng Nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà. Nhận thấy mối nguy hại của rác thải điện tử, Nhóm dành thời gian ngoài giờ làm việc của cơ quan, tình nguyện tới từng gia đình thu gom miễn phí đưa về điểm xử lý của TP Hà Nội theo đúng quy trình. Đến nay, sau hơn một năm, việc làm của nhóm đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân và người dân còn tình nguyện thu gom rác điện tử cùng nhóm. Còn ông Lưu Viết Thục, người chiến sĩ năm xưa dù đã ở tuổi 75, với cơ thể bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng đều đặn hàng ngày, bất kể nắng, mưa vẫn tình nguyện phân luồng giao thông trên đoạn đường liên thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Mỗi khi đoạn đường không xảy ra ùn tắc, ông lại làm công tác “vá đường”, tranh thủ bốc đất đá, san phẳng những ổ gà để mọi người lưu thông an toàn. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội trao tặng Danh hiệu ''Người tốt - Việc tốt'' năm 2019 của TP Hà Nội cho bà Phan Thị Phúc Những tấm gương người tốt, việc tốt như thế đã và đang góp sức nhỏ bé của mình giúp ích cho đời, xây dựng Thủ đô thêm đẹp, giúp lan tỏa và nhân lên những nghĩa cử, hành động tốt trong xã hội. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao danh hiệu “Người tốt -  Việc tốt” TP Hà Nội cho bà Phan Thị Phúc ở tổ dân phố 13, phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Mai Thảo  

Miệt mài gìn giữ và phát triển nghề truyền thống

TĐKT - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, anh Bùi Tiến Anh, thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội sớm có tình yêu với nghề mây tre đan. Bằng sự say mê ấy, anh đã gây dựng nên cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mang thương hiệu quê hương; đồng thời có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển chung cho mảnh đất Thường Tín trù phú, nghĩa tình. Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống Vốn sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề sản xuất mây, tre đan thủ công, Bùi Tiến Anh đã sớm có tình yêu với nghề. Ngày ngày được tiếp xúc với mây, tre, nứa, tình yêu ấy cứ lớn dần lên trong anh theo những lần được cha mẹ dạy cách đan nong mốt, nong đôi. Để rồi từ đó, anh thành thạo các kỹ thuật đan phức tạp và tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ. Lớn lên, khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Tiến Anh lại tiếp tục gắn bó với nghề như một mối lương duyên không thể rời bỏ. Bằng sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, anh được các chủ xưởng tin tưởng giao đi thu mua các mặt hàng mây, tre đan từ khắp nơi về. Chính từ những chuyến buôn hàng vất vả ấy, chàng thanh niên Bùi Tiến Anh càng trở nên gắn bó hơn với nghề. Sự khéo léo trong cách chọn lựa sản phẩm từ con mắt tinh tế của một người làm nghề lâu năm cùng tài buôn bán đã giúp anh có được nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì và phát triển nghề sau này của mình. Anh Bùi Tiến Anh đang giới thiệu những mẫu hàng được khách ưa chuộng Năm 2003, sau rất nhiều năm làm thuê cho các chủ xưởng, anh quyết định tự mở xưởng sản xuất của riêng mình bằng những kinh nghiệm tích lũy được. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh vừa duy trì những kĩ thuật truyền thống vốn có của địa phương, vừa tích cực học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh của tỉnh bạn để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó, những sản phẩm do xưởng sản xuất của anh làm ra như: Lẵng hoa, treo đèn, giỏ quà... luôn là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở thời điểm cực thịnh nhất, những mặt hàng do xưởng sản xuất của anh làm chủ đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị lớn như BigC, Metro, Ocean... với doanh thu vài tỷ một năm. Cùng với đó, các sản phẩm thủ công được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề Thường Tín cũng được thị trường Nga, Đan Mạch, Ba Lan, Đài Loan ưa chuộng. Lúc cao điểm nhất, xưởng của anh nhập cho thị trường Ba Lan 2 công-te-nơ mỗi tháng với hàng triệu sản phẩm tiện dụng, bắt mắt, đem lại doanh thu khá cao. Tuy thành công và trở thành người có vị trí nhất định trong xã hội nhưng ông chủ Bùi Tiến Anh vẫn sống rất khiêm nhường, giản dị. Trưa nắng, khi công nhân về hết, anh vẫn tự tay phơi những giỏ hàng để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Có lần, một siêu thị ở Vĩnh Phúc đặt hàng với số lượng ít, anh không nề hà gì, chất hàng lên xe máy rồi chở tận nơi, giao hàng cho khách. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị mới biết, anh là giám đốc – vị giám đốc chân chất, mộc mạc như chính những sản phẩm thủ công được nhiều người yêu thích của anh. Sống tốt đời, đẹp đạo Trước sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề thủ công phải đối mặt với không ít khó khăn, không còn nhiều người thực sự mằn mà, thì anh Bùi Tiến Anh vẫn quyết tâm bám trụ và nỗ lực giữ lại hồn cốt nghề mây tre đan truyền thống. Anh đã thuê những người dân cao tuổi trong làng còn sức lao động để cải thiện cuộc sống của họ lúc nông nhàn. Với trung bình 100 ngàn đồng/ngày, nhiều bà con không còn đủ sức khỏe làm ruộng đã có thể sống được bằng nghề truyền thống. Cùng với đó, anh đã tổ chức 3 đợt đào tạo nghề cho những người trong xã có nhu cầu theo học. Đồng thời, giúp đỡ 300 lao động, trong đó có 50 hộ khó khăn của địa phương về vốn, vật tư, kỹ thuật cũng như nhận tiêu thụ mặt hàng của hội viên đã làm. Riêng năm 2017, anh đã tổ chức hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm hàng tre đan cho hơn 100 hội viên của địa phương và hội viên các xã bạn liền kề học tập phương pháp làm hàng tre đan. Dù trưa nắng, anh vẫn đi kiểm tra, phơi sản phẩm đúng cách nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách Đặc biệt, là một người công giáo mang tấm lòng lương thiện, sống phúc âm trong lòng dân tộc, anh đã cùng với mọi người trong giáo họ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong làng, xã khám, chữa bệnh miễn phí trong thời gian dài, kể cả những người không cùng đạo. Bên cạnh đó, anh đã vận động anh em trong gia đình, họ hàng chung tay xây dựng lại nhà thờ giáo họ. Hiện nay, với sự vận động của anh, đã có hàng vạn gạch, hàng chục bộ cửa và nhiều ngày công được quyên góp để công trình nhà thờ được xây dựng ngày một to đẹp, khang trang hơn. Với những đóng góp đó, năm 2017, anh đã được UBND huyện Thường Tín khen thưởng có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Mới đây, anh được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019. Đây là sự khích lệ và là nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục say mê với nghề làm mây, tre đan, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nghèo và sống có tình nghĩa trong cộng đồng, xã hội. Hưng Vũ – Ngọc Huyền

Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “thành phố vì hòa bình”

TĐKT - Chiều 9/7, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền đã thông tin về các hoạt động Kỷ niệm 20 năm TP Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019). Bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, trọng tâm của chuỗi hoạt động là Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, diễn ra lúc 7h00, ngày 13/7/2019 (thứ Bảy) tại vườn hoa Lý Thái Tổ, với sự tham gia của đại biểu Trung ương, TP Hà Nội, đại biểu UNESCO quốc tế và tại Việt Nam, đại sứ, tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao một số nước tại Hà Nội. Dự kiến, tại Lễ mít tinh, thành phố huy động khoảng 10.000 người tham gia đi bộ vì hoà bình kết hợp với lễ hội đường phố với các khối: Khối dân gian, khối làng nghề, khối thể dục nghệ thuật, nghệ thuật đương đại… tạo nên bức tranh đầy màu sắc Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa và Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền thông tin tại buổi giao ban báo chí Ngoài ra, trong khoảng thời gian, từ ngày 13/7 đến 22h00 ngày 14/7/2019, thành phố còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao với chủ đề "Ngày hội văn hóa Hòa Bình". Cụ thể, từ 20h00, ngày 13/7 đến 22h00 ngày 14/7, tại Sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ, sân khấu khu vực đền Bà Kiệu và không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bao gồm 2 đêm nhạc đặc sắc với chủ đề “Tôi yêu Hà Nội”, “Thắp sáng hòa bình”; giới thiệu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh: Bài chòi Trung Bộ và Nhã nhạc Cung đình Huế, dân ca Huế; giới thiệu và trình diễn các ban nhạc kèn Hà Nội (từ 17h ngày 14/7/2019 tại Sân khấu nhà Bát Giác)… Tại khu vực không gian phố Lê Thạch diễn ra hoạt động trưng bày với chủ đề "Làng Hữu nghị", các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tham gia các gian hàng giới thiệu văn hoá các nước; nghệ nhân giới thiệu, trưng bày các sản phẩm các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Palestine, Panama… Tại Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ diễn ra không gian văn hóa và ẩm thực Hà Nội, với 18 gian hàng giới thiệu các món ẩm thực tiêu biểu như phở, chả cá, bánh cuốn…. Còn tại khu nhà Bát Giác giới thiệu ẩm thực tỉnh Quảng Nam với các món: Bê thui, mì Quảng, cao lầu, cơm gà….. Cùng với đó, từ 17h, ngày 12/7/2019 đến hết ngày 12/8/2019, tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền sẽ diễn ra Triển lãm ảnh chuyên đề “Vì một Hà Nội thanh lịch văn minh”. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các tầng lớp nhân dân Thủ đô, để từ đó công chúng có cái nhìn rõ hơn về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường, con người với con người tạo chuyển biến trong suy nghĩ và hành động, thực hiện tốt quy tắc ứng xử người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Được khai mạc ngày 2/7/2019 và kéo dài đến hết 30/12/2019, tại Khu di tích Nhà tù Hòa Lò là Triển lãm ảnh “Nhật ký Hòa bình” với những hình ảnh, tài liệu giới thiệu về cuộc chiến tranh chống Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam và hoạt động hàn gắn viết thương chiến tranh của hai nước Việt - Mỹ cũng như các tổ chức hữu nghị tăng cường hoạt động để thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Ngoài ra, vào 14h00, ngày 13/7/2019 tại khách sạn Melia, thành phố tổ chức Hội thảo “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - 20 năm hội nhập và phát triển”. Hội thảo mời các nhà văn hóa, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và bạn bè quốc tế đại diện đại sứ quán, tổ chức quốc tế tham gia các tham luận với nội dung điểm lại những thách thức và thành quả của Thủ đô Hà Nội trên mọi lĩnh vực trong 20 năm hội nhập và phát triển, đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Tiếp đó, từ 02/10/2019 đến 06/10/2019 (5 ngày) tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội (số 19C phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ diễn ra Hội Sách Hà Nội lần thứ VI - năm 2019 với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Cũng trong thời gian này, thành phố sẽ xuất bản sách ảnh “Hà Nội - 20 năm Thành phố vì hòa bình (1999 - 2019). Các hoạt động kỷ niệm 20 năm TP Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa Bình” được tổ chức đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm gắn với các phong trào thi đua yêu nước, hợp tác quốc tế; góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng bạn bè quốc tế ý nghĩa to lớn của danh hiệu Thành phố vì hòa bình cũng như những nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình đô thị hóa và giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện giá trị cuộc sống của người dân. Qua đó, giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô về Thành phố hòa bình, cùng nhau xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu Thành phố vì hòa bình, cùng hướng tới xây dựng Thành phố sáng tạo, thông minh, xanh, sạch, đẹp. Thục Anh

Huyện Ứng Hòa đạt nhiều kết quả toàn diện trong 6 tháng đầu năm 2019

TĐKT - Chiều 9/7, tại Hội nghị giao ban báo chí, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh đã thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của thành phố, huyện Ứng Hòa đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực trên khắp các lĩnh vực, do đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 5.625 tỷ đồng (đạt 49,21% kế hoạch năm và tăng 7,3% so với cùng kỳ). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.920 tỷ đồng (đạt 46,92% kế hoạch năm và tăng 4,29% so với cùng kỳ năm trước); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 1.560 tỷ đồng (đạt 48% kế hoạch năm và tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước); giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước đạt 2.145 tỷ đồng (đạt 52,5% kế hoạch năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước). Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 160 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh thông tin tại buổi giao ban báo chí Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Huyện thực hiện xong việc rà soát quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới (NTM) của 28 xã; thực hiện xong rà soát lập quy mô, ranh giới nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Huyện đã tăng cường công tác quản lý xây dựng, kiểm tra trật tự các công trình xây dựng trên địa bàn. Qua đó, có 271 công trình được kiểm tra và phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 20 công trình xây dựng vi phạm. Đáng chú ý, huyện chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 391 cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế và 9.827 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp - công thương. 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại 76 cơ sở thực phẩm, kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 7 cơ sở, cảnh cáo 4 cơ sở và xử lý tiêu hủy tại chỗ nhiều loại thực phẩm vi phạm không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn kiểm tra 265 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở với số tiền 11,25 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, huyện cũng chú trọng thực hiện có hiệu quả “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2019”; chất lượng cải cách hành chính được thực hiện tốt… Qua triển khai các nhiệm vụ, mỗi một lĩnh vực lại xuất hiện những cá nhân, tập thể tiêu biểu. Điển hình, trong xây dựng nông thôn mới có ông Phạm Đình Đoàn, thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng, đã ủng hộ giao thông ngõ xóm, hệ thống đèn điện và người có công gần 328 triệu đồng; ông Đặng Thành Lục ở Đội Bình, đã huy động và cùng nhân dân xã hội hóa 800 m đường làng ngõ xóm với trị giá gần 800 triệu đồng. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, có tấm gương ông Đào Văn Quyết, Giám đốc công ty TNHH Hợp Quyết, đã tích cực tham gia các quỹ vận động, ủng hộ tại địa phương như Quỹ người nghèo, quỹ trẻ thơ, ủng hộ trẻ em nghèo vui Tết Trung thu nhiều năm liền, mỗi năm từ 30 - 50 triệu đồng. Trong lĩnh vực giáo dục, có bà Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú, bên cạnh hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, công tác quản lý còn nhận đỡ đầu 3 trường hợp trẻ bị tăng động để dạy và điều trị giúp các em hòa nhập cộng đồng. Thục Anh

Kỹ sư “chân đất” say mê chế tạo máy, xây dựng quê hương

TĐKT - Dù không được đào tạo một cách bài bản về cơ khí nhưng bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, anh Trần Văn Quyết ở thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã trở thành chủ nhân của sáng chế máy cắt kính bán tự động, sản phẩm vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Sáng chế Giải pháp hữu ích. Đam mê sáng tạo Tìm đến khu nhà xưởng sản xuất ra những chiếc máy cắt kính bán tự động giữa cái nắng hè như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đã đứng tuổi với vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn đang xắn tay cùng với hơn 20 công nhân, kỹ thuật khác kiểm tra, chạy thử chiếc máy cắt kính bán tự động trước khi đưa nó ra thị trường. Đó là kỹ sư Trần Văn Quyết, Giám đốc Công ty Linh Sơn. Vừa ấn nút khởi động chiếc máy, anh Quyết vừa vui mừng giới thiệu với chúng tôi: Đây là chiếc máy cắt kính bán tự động phiên bản mới nhất, vừa được anh nghiên cứu tích hợp với robot tự động, nâng được tấm kính có diện tích 10 m2 với trọng lượng 350 kg, cắt kính mịn và phẳng hơn, năng suất cắt kính tăng gấp 3 lần so với phương pháp thủ công. Công nhân chỉ việc đặt tấm kính lên bàn nâng, còn lại những khâu khác do máy tự động xử lý, hạn chế tối đa những rủi ro cũng như giữ sức cho người lao động. Anh Trần Văn Quyết bên cạnh chiếc máy cắt kính bán tự động Kể về sự ra đời của chiếc máy, anh Quyết cho biết: Trước đây, trong quá trình kinh doanh nhôm kính, anh nhận thấy công đoạn cắt kính vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian cũng như công sức lao động do làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Anh nghĩ cần phải có máy cắt kính cắt cả hai mặt trên - dưới và có hệ thống tự bẻ thì nó sẽ giảm được nhiều sức lao động cũng như tỷ lệ vỡ, hỏng. Nghĩ là làm, cuối năm 2011, anh chuyên tâm vào nghiên cứu máy cắt kính. Sau 2 năm tự mày mò, nghiên cứu rồi đêm ngày kỳ cạch hàn, gắn, kết nối các chi tiết máy móc và tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho việc mua kính về cắt thử nghiệm (trung bình tốn 30 - 40 triệu đồng/ngày). Nhưng với quyết tâm và đam mê cùng sự giúp sức từ người vợ của mình, năm 2013 anh Quyết đã có chiếc máy cắt kính đầu tiên, đáp ứng những tiêu chí đưa ra, phục vụ hữu ích cho công việc kinh doanh của gia đình. Nghĩ rằng chiếc máy cắt kính của mình chế tạo sẽ có ích với nhiều người, anh quyết định giới thiệu bán ra thị trường. Chiếc máy cắt kính đầu tiên được một vị khách tại quận Hà Đông tin dùng. Đến năm 2016, anh Quyết chính thức tung ra số lượng lớn sản phẩm và được thị trường trong nước ưa chuộng. Từ đó đến nay, công ty Linh Sơn Grass do anh làm chủ đã đưa ra khoảng 300 chiếc máy đến với người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, bằng sự nhanh nhạy cập nhật những thay đổi nhanh chóng của thị trường công nghệ, năm 2018 anh tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp các thiết bị máy móc để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Chiếc máy cắt kính bán tự động chính là kết quả của sự sáng tạo không ngừng của chàng kỹ sư chân đất Trần Văn Quyết. Đến nay, xưởng sản xuất Linh Sơn Grass của kỹ sư Trần Văn Quyết đã phát triển với quy mô gần 1000 m2 cùng khoảng 20 nhân công làm việc, mỗi tháng trung bình cho ra thị trường 10 chiếc máy cắt kính khác nhau, giá thành dao động từ 100 – 500 triệu đồng. Hiện tại, Công ty Linh Sơn vừa xuất khẩu thành công sang thị trường Sơn Đông, Trung Quốc chiếc máy cắt kính bán tự động đầu tiên. Đây sẽ là cơ hội mở ra hướng xuất khẩu máy công nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới; đồng thời, tạo dấu ấn đặc biệt trong thị trường công nghệ toàn cầu bởi một kỹ sư “chân đất” đến từ vùng đất Thường Tín năng động và giỏi giang. Cái tâm của người con yêu quê hương Đứng đầu một cơ sở sản xuất có những công nhân là thợ lành nghề với trình độ cao nhất chỉ học hết cấp 3 nhưng đã có thể chế tạo được những chiếc máy hết sức tinh vi và phức tạp, anh Quyết luôn tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho con em xã nhà và những xã lân cận có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 10 – 30 triệu đồng. Anh Trần Văn Quyết đang giới thiệu với khách về mô hình máy cắt kính bán tự động Anh Nguyễn Tuấn Anh, thợ kỹ thuật trẻ tuổi đã gắn bó với xưởng sản xuất của anh Quyết từ năm 2012 cho biết: “Tôi học xong cấp 3 thì được anh Quyết nhận vào làm. Do không được đào tạo về cơ khí nên lúc đầu tôi gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng anh luôn tận tình giúp đỡ, cầm tay chỉ việc cho từng anh em công nhân. Đến nay, tôi đã có thu nhập ổn định, tham gia đóng bảo hiểm và được hưởng nhiều quyền lợi khác.”. Với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh, nhiều người đã trở thành những kĩ sư không chuyên với trình độ cao, có khả năng xử lý các tình huống phức tạp trong lắp đặt và sửa chữa máy móc. Từ đây, một thế hệ tiếp theo ham học hỏi, say mê chế tạo thiết bị kỹ thuật để làm giàu cho bản thân và quê hương tiếp tục ra đời, trở thành những công nhân lành nghề được đào tạo ngay trong thực tiễn công việc bận rộn bởi một ông chủ tận tâm và giàu lòng yêu nghề. Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, Trần Văn Quyết còn có nhiều đóng góp cho quê hương trong việc ủng hộ các quỹ xây dựng điện, đường, trường, trạm và các vật tư, vật liệu xây dựng thiết yếu. Năm 2017, nhận thấy đoạn đường từ trung tâm UBND xã Vạn Điểm đến ngã ba thôn Đỗ Xá bị xuống cấp trầm trọng, anh đã hỗ trợ toàn bộ tiền nguyên vật liệu để xây dựng 2 đoạn đường với số tiền gần 400 triệu đồng. Khi được hỏi tại sao anh luôn tham gia vào công tác từ thiện một cách tận tâm mà không màng đến sự khen ngợi của mọi người, anh cho biết: Mục tiêu của anh chính là làm giàu cho quê hương bởi chính năng lực tự có của mình. Nhận xét về vị doanh nhân có tấm lòng vàng Trần Văn Quyết, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho hay: “Anh Quyết là người điềm đạm, khiêm tốn và sống có trách nhiệm với quê hương, làng nước. Sự đóng góp của anh đối với sự phát triển chung của xã đã được mọi người ghi nhận và hết sức quý trọng. Tin rằng, anh sẽ tiếp tục có thêm nhiều phát minh, sáng tạo ý nghĩa hơn nữa để làm giàu đẹp cho quê hương Thường Tín. Mai Thảo

Quận Thanh Xuân đạt kết quả toàn diện trong 6 tháng đầu năm

TĐKT - Ngày 3/7, UBND quận Thanh Xuân tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 trên địa bàn quận. Trong 6 tháng đầu năm 2019, quận Thanh Xuân đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là: Kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng ổn định (giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%; giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ tăng 10,5%). Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chỉ đạo tập trung vào các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ 8 công trình, dự án trường học đảm bảo tiến độ, kịp thời phục vụ khai giảng năm học mới. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành GPMB 2 dự án trọng điểm của thành phố và quận (đường vành đai 2 và trường PTTH Khương Đình). Quang cảnh cuộc họp báo Trong 6 tháng đầu năm 2019, quận Thanh Xuân đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Quận đã ban hành, triển khai Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn quận; kiểm tra 11.346 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt hành chính 4,36 tỷ đồng; 1.150 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, thu nộp ngân sách hơn 618 triệu đồng; xử lý 570 mái che, mái vẩy, cầu dẫn; xử lý 85 điểm vi phạm về trật tự đô thị. Bên cạnh đó, quận đã tổ chức trồng mới 112 cây các loại, 958 giỏ hoa bằng nguồn vốn ngân sách và một phần xã hội hóa. Hoàn thành cắt tỉa 561 cây xanh trước mùa mưa bão; duy trì, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, không để rác tồn đọng qua ngày. Ngoài ra, quận đã cấp 421 giấy phép xây dựng; kiểm tra 322 công trình, lập biên bản xử lý 32 công trình, ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 416 triệu đồng; tỷ lệ công trình có phép đạt 99,7%. Quận tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng tại 26 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Thanh Xuân cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân, người lao động đang làm việc trực tiếp tại các công trình, dự án trên địa bàn quận. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo của quận tiếp tục phát triển, giữ vững vị trí là quận 5 năm liên tiếp xếp thứ nhất thành phố; đầu tư xây dựng, thành lập 5 trường mới và chuẩn bị đưa vào hoạt động; có 9/12 trường tiểu học đã dạy bơi cho 100% các học sinh lớp 3, 4, 5, trên 90% học sinh đủ sức khoẻ học bơi và được cấp Chứng chỉ (3/12 trường còn lại tổ chức dạy bơi vào tháng 8/2019); hoàn thành công nhận trường chất lượng cao THCS Thanh Xuân. Các vấn đề về phúc lợi, an sinh xã hội được đảm bảo. Quận đã quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ cận nghèo. Mô hình bắt chó thả rông được thành phố đánh giá, ghi nhận và quận tiếp tục chỉ đạo nhân rộng. Hoạt động văn hoá thông tin tuyên truyền phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của quận và địa phương. Thanh Xuân là quận đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm mô hình Tổ dân phố văn hóa Năm không: “Không rác; không tệ nạn; không hộ nghèo; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng” tại 16/317 tổ dân phố trên địa bàn quận. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính được đẩy mạnh, đạt kết quả tốt; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân. Thanh Xuân cũng là quận lần thứ 3 liên tiếp đứng thứ 5/30 quận, huyện của thành phố về công tác cải cách hành chính. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Các mô hình: Camera giám sát an ninh, bốt tuần tra nhân dân, lực lượng bảo vệ dân phố tuần tra bằng xe đạp... phát huy hiệu quả tốt, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận. Thục Anh

Người khởi xướng nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào phụ nữ

TĐKT – Nhớ lời Bác dạy “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, những năm qua, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 19 (TDP), phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Yên luôn nhiệt huyết với các phong trào và hoạt động của Hội, có nhiều sáng kiến, mô hình hay trong vận động nhân dân TDP nói chung và hội viên chi hội phụ nữ nói riêng tích cực tham gia thực hiện nhiều phần việc cụ thể, góp phần xây dựng khu dân cư xanh – sạch – đẹp, văn minh. Vốn là một nhà giáo, sau khi về hưu, bà Nguyễn Thị Yên luôn tích cực, sẵn sàng tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2017, bà trực tiếp được giao quản lý công tác phụ nữ của 8 tòa chung cư Nam Xa La thuộc khu đô thị Xa La. Đây là nơi đông dân (với hơn 2000 người), lại đều là những người có sẵn điều kiện về thời gian và kinh tế nhưng lại ít tham gia các hoạt động chung nhằm xây dựng khu dân cư văn minh, năng động. Lúc đó, cả 8 tòa nhà chỉ có hơn 30 hội viên hội phụ nữ. Để phát huy được năng lực và trách nhiệm của chị em phụ nữ, quyết tâm đưa phụ nữ trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào thi đua của địa phương, bà Yên không quản ngại cùng với các hội viên tích cực đến từng gia đình vận động, tuyên truyền; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, nhằm thu hút thêm nhiều hội viên phụ nữ tham gia, gắn kết họ với nhau, cùng xây dựng và thực hiện nhiều việc làm tích cực cho phố, phường. Đến nay, chi hội phụ nữ TDP 19 đã có gần 200 hội viên, là những tấm gương luôn hăng hái, nhiệt tình trong mọi việc. Bà Nguyễn Thị Yên (bên trái) cùng các hội viên TDP 19 đang thu gom, bán phế liệu gây quỹ Xuất phát từ ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho tổ dân phố, dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La, chi hội trưởng chi hội phụ nữ TDP 19 Nguyễn Thị Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thu gom phế liệu nhằm tạo nguồn xã hội hóa cho các hoạt động từ thiện và phong trào chung của địa phương. Với sự nhiệt huyết của mình, bà Yên đã cùng các hội viên phụ nữ tiến hành thu gom phế liệu, phân loại rác và đem bán lấy tiền đóng góp vào quỹ “Vòng tay nhân ái” của Hội Liên hiệp phụ nữ phường nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa và nấu cháo tình nguyện ở Bệnh viện K Tân Triều. Chị Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc La cho biết: Từ nguồn đóng góp này, Hội đang có dự định mỗi năm sẽ xây dựng một điểm trường hoặc góp phần ủng hộ thiết bị, cơ sở vật chất cho một điểm trường. Khu Nam Xa La có đặc thù là những tòa chung cư mới chạy dọc bờ sông Nhuệ, nhiều người mới chuyển đến chưa hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xả rác bừa bãi xuống khu đất chung của TDP, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, bà Yên đã nhanh chóng đề xuất với lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ phường và vận động người dân cùng tham gia dọn vệ sinh rác thải, biến nơi đây thành con đường hoa sặc sỡ sắc màu, góp phần làm đẹp cho không gian chung, thiết thực hưởng ứng “Năm trật tự văn minh đô thị”. Điều đáng nói là, toàn bộ số tiền để xây dựng con đường hoa và vận chuyển rác thải chủ yếu là nhờ sự vận động khéo léo của chi hội phụ nữ TDP 19 do bà Yên đứng đầu và nhờ sự chung tay hỗ trợ từ Hội Liên hiệp phụ nữ phường và UBND phường Phúc La. Bà Hoàng Thị Hồi, hội viên tích cực của chi hội phụ nữ TDP 19, người đã sát cánh cùng bà Yên trong việc xây dựng con đường hoa từ chân rác của khu chung cư cho biết: “Chúng tôi bắt đầu xây dựng con đường vào tháng 4/2018 để kịp chào mừng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày nắng nóng gay gắt. Nhưng với sự nhiệt tình của các hội viên, chúng tôi vẫn đều đặn khiêng nước vào tưới hoa mỗi ngày 2 lần để duy trì sự tươi tốt cho con đường”. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vận chuyển hơn 5 tấn rác thải ra xa khu dân cư để xây dựng tuyến đường xanh nở hoa dài gần 1 km ven sông Nhuệ, bà Yên kể: “Ban đầu, khi vừa có đường hoa, một vài người dân chưa có ý thức chung đã phá rào, nhổ hoa, trồng rau để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Để khắc phục tình trạng này, tôi cùng các hội viên phải vừa tuyên truyền, thuyết phục họ nêu cao ý thức tập thể, vừa kiên trì trồng lại những cây hoa bị nhổ đi. Đặc biệt, với những hộ dân chưa thực sự tích cực với phong trào chung, tôi vận động họ tham gia vào tổ tưới hoa, chăm sóc cây trên chính con đường ấy bằng chính khoản tiền bồi dưỡng được trích ra từ quỹ thu gom phế liệu và một phần hỗ trợ từ Hội Liên hiệp phụ nữ phường. Từ đó, họ dần tuân thủ những quy định chung và ngày càng tích cực góp phần làm sạch đẹp tuyến đường chung của TDP”. Không chỉ chú trọng công tác làm sạch vỉa hè, đường phố, bà Yên cùng các hội viên còn vận động mọi người cùng nhau xây dựng tủ sách cho thiếu nhi của tổ dân phố. Đây vừa là hình thức duy trì phương pháp tự học, tự đọc hiệu quả cho trẻ em, vừa tạo môi trường đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cháu thiếu nhi trong địa bàn. Hiện nay, tủ sách có khoảng 700 cuốn, chủ yếu là sách cho lứa tuổi trẻ em và sách giáo khoa. Như thường lệ, hằng tuần, nhà văn hóa TDP sẽ mở cửa vào hai ngày cuối tuần để phục vụ cho các độc giả nhí và tối thứ 3, thứ 5 cho những cháu có nhu cầu đọc thêm trong tuần. Tủ sách sách thiếu nhi của TDP số 19 thu hút nhiều bạn nhỏ đến đọc Theo bà Nguyễn Thị Lan, chi hội phó chi hội phụ nữ TDP 19, người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lí tủ sách cho biết: “Nguồn sách này chủ yếu đến từ sự đóng góp của các cháu và các bậc phụ huynh ở đây. Nhiều cháu đến đây đọc say mê đến mức quên cả giờ cơm và thích thú trao đổi với bạn bè trong TDP những cuốn sách mình đã đọc. Đây thực sự là sân chơi tri thức bổ ích cho thế hệ trẻ trong điều kiện công nghệ hiện đại đang dần khiến cho một bộ phận người trẻ quên đi văn hóa đọc”. Vốn là nhà giáo về hưu, bà Yên cùng nhiều hội viên hội chi hội phụ nữ TDP 19 luôn mong muốn tủ sách thiếu nhi ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa nhằm hoàn thiện chất lượng và số lượng sách để trẻ nơi đây có một môi trường học tập, giao lưu vui vẻ, hữu ích. Ngoài ra, với số lượng gần 200 hội viên phụ nữ trong khu chung cư, bà Yên cùng chi hội phụ nữ TDP 19 đã thành lập được các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ dân vũ với số lượng lớn hội viên tham gia, góp phần làm tăng tinh thần đoàn kết trong TDP. Nhận xét về người luôn đi đầu trong phong trào vận động phụ nữ TDP 19 giữ gìn trật tự vệ sinh môi trường lòng đường, vỉa hè và sân chơi của khu dân cư, bà Lan cho biết: Chị Yên là một cán bộ Hội tuyệt vời, luôn mong muốn có thật nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong công tác phụ nữ. Nhân cách đạo đức của chị đã truyền cảm hứng cho chị em hội viên tích cực hoạt động hiệu quả. Chính sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc của chị đã trở thành tấm gương sáng cho chúng tôi học tập”. Ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND phường Phúc La khẳng định vai trò quan trọng của những mô hình hay, cách làm tốt của các phong trào thi đua trong Hội phụ nữ, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của những tấm gương phụ nữ tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Yên. Đó là động lực để phường Phúc La tiếp tục phát triển hiện đại, văn minh hơn nữa. Ngọc Huyền

Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội) ra mắt Trung tâm Viêm gan

TĐKT – Ngày 28/6 tại Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Sở Y tế Hà Nội) tổ chức khai trương Trung tâm Viêm gan và triển khai “Tháng vì sức khỏe người viêm gan” từ 1/7 - 31/7/2019, trong đó có chương trình xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B, C miễn phí cho 2.000 người dân. Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết: Bệnh viện đa khoa Đống Đa là bệnh viện tuyến thành phố trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, với 25 khoa/phòng, quy mô 290 giường kế hoạch (thực kê 345 giường), số cán bộ nhân viên trong bệnh viện là 379 người Bệnh viện là đầu ngành về truyền nhiễm của y tế Hà Nội, tiếp nhận người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm đến khám và điều trị, đồng thời tiếp nhận người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm quá khả năng điều trị của các cơ sở y tế khác trên địa bàn Hà Nội chuyển đến. Trung tâm Viêm gan được ra đời là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan 28/7”, sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và điều trị người bệnh viêm gan đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời, đây là cơ sở giúp cho người dân trong cộng đồng tăng cường nhận thức về các bệnh liên quan đến gan, trong đó có viêm gan B, C; để mọi người dân đều được xét nghiệm phát hiện các vi rút gây viêm gan, được tư vấn để tránh các nguy cơ lây nhiễm, được tiêm phòng và cần được điều trị sớm nếu mắc bệnh. Nghi thức khai trương Trung tâm Viêm gan – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Theo đó, người dân Thủ đô có thể đăng ký qua Fanpage "viemganbvdongda.vn" hoặc website: benhviendongda.vn, điện thoại tổng đài 1900636824 của bệnh viện hoặc liên hệ trực tiếp qua bộ phận chăm sóc khách hàng để được xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B, C miễn phí, từ ngày 1 - 31/7. Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nước ta có khoảng 10 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân thứ 3 gây tử vong, gánh nặng rất lớn cho Việt Nam. Khi bị nhiễm viêm gan, người bệnh bị tiến triển bệnh rất nhanh đến viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm gan mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Tuy đã có vắc xin phòng bệnh nhưng viêm gan vẫn đang là gánh nặng của ngành y tế bởi đây là bệnh cần phải điều trị kéo dài. Đặc biệt, có tới 90% người nhiễm vi rút viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm vi rút viêm gan của bản thân. Hiện viêm gan vi rút C chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng gần đây có sự ra đời của các thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp (DAAs) với phác đồ điều trị đơn giản, thời gian được điều trị được rút ngắn và tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao trên 95%. Nhiều người dân chờ sẵn để được khám và tư vấn tại Trung tâm Viêm gan trong buổi đầu khai trương Khi tham gia hoạt động khám, tư vấn và xét nghiệm phát hiện viêm gan vi rút B, C, người bệnh sẽ được đánh giá mức độ bệnh, đưa vào điều trị và theo dõi kết quả điều trị với những phác đồ ưu việt, trang thiết bị hiện đại với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu của Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, người bệnh sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về chế độ dinh dưỡng, hướng dẫn chế độ ăn cho người bị viêm gan... Hưng Vũ    

Rạng Đông ra mắt giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh, vì sức khỏe con người

  TĐKT – Sáng 27/6, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông tổ chức Lễ ra mắt giải pháp chiếu sáng LED/I-4.0 xanh, thông minh, vì sức khỏe con người. Đây là bước chuyển mình của Rạng Đông, từ sản xuất và cung cấp sản phẩm chiếu sáng LED chuyển sang sản xuất và cung cấp hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh - thông minh - vì sức khỏe và hạnh phúc con người (Green – Smart – HCL ) là chuyển sang một tầng công nghệ mới – công nghệ của thời đại số hóa, hệ sinh thái số hóa và kinh tế số hóa, của thời đại I-4.0. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông cho biết: Để có được hệ thống và giải pháp chiếu sáng LED của hệ sinh thái số LED/I-4.0, Rạng Đông đã thực hiện thành công 3 cuộc chuyển đổi tầng công nghệ chiếu sáng trong suốt 60 năm qua, đó là từ đèn sợi đốt, chuyển sang đèn phóng điện. Đồng thời, 10 năm qua đã chuyển đổi sang tầng công nghệ mới LED - chiếu sáng rắn, nguồn sáng của thế kỷ 21. Đón bắt những thành tựu mới đầu tiên của LED, từ năm 2003 Rạng Đông đã tiếp cận và lựa chọn đúng đắn phân khúc tham gia trong chuỗi sản xuất từ Wafer, Chip LED, bao gói LED và sản phẩm chiếu sáng LED. Sản phẩm LED Rạng Đông đầu tiên ra đời năm 2008, đến nay đã trải qua 12 năm.   Một số sản phẩm mới được giới thiệu tại buổi lễ Để làm chủ tầng công nghệ chiếu sáng LED, tháng 4/2011, Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông ra đời, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, hàng năm công ty dành 2% doanh thu đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại (phần cứng) dành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (phần mềm), thông qua các dự án công ty đã đón nhận 3 chuyên gia từ Mỹ, 2 chuyên gia Nhật Bản, 1 chuyên gia từ Anh, 1 chuyên gia từ Malaysia, 1 chuyên gia từ Trung Quốc… đến giúp Công ty phát triển sản phẩm LED… Nhờ đó, Rạng Đông đã làm chủ được khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, thiết kế quy trình sản xuất và quy trình kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng khách hàng. Rạng Đông cũng đã xây dựng hệ thống công cụ cải thiện và nâng cao năng suất chất lượng với hàng loạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế và bộ công cụ TPS. Sản phẩm LED Rạng Đông được đánh giá uy tín – tin cậy và giữ vai trò chi phối trên thị trường, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đến nay, Rạng Đông đã cung cấp đồng bộ cho thị trường 52 loại sản phẩm chiếu sáng LED thông minh được gắn với các cảm biến chuyển động, cảm biến quang, điều khiển hẹn giờ, điều khiển cường độ sáng, nhiệt độ màu và thay đổi 3 màu RGB. Rạng Đông cũng đã cung cấp đồng bộ các gói sản phẩm chiếu sáng         xanh – thông minh – vì sức khỏe và hạnh phúc con người (Green – Smart – HCL) chuẩn hóa cho các loại công trình: Khu đô thị và hộ gia đình, văn phòng công sở, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất công nghiệp lĩnh vực dệt may và da giày, chế biến thủy hải sản, công nghiệp chế tạo và nhà máy điện, chiếu sáng học đường, chiếu sáng bệnh viện và chiếu sáng đường phố. Doanh số tiêu thụ năm 2018 đạt trên 150 tỷ, chiếm tỷ trọng 6% doanh thu tiêu thụ sản phẩm LED của công ty. Công ty Rạng Đông ký kết với Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội Bà Hoàng Thị Mai Phương, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội cho biết: Ánh sáng là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, dưới góc độ y học thì cường độ ánh sáng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đôi mắt và gián tiếp ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, khả năng tư duy của mỗi người… Hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh - thông minh - vì sức khỏe và hạnh phúc con người của Rạng Đông thực sự ý nghĩa và phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của con người. Chúng tôi quyết định hợp tác với Rạng Đông ứng dụng hệ thống và giải pháp chiếu sáng này tại mô hình Viện dưỡng lão đang được xây dựng mới tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) với hy vọng nơi đây sẽ như một “Khách sạn nghỉ dưỡng” dành cho người cao tuổi. Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã ký kết hợp tác với một số đơn vị, đối tác trong hợp tác triển khai các hoạt động giới thiệu, đào tạo, tư vấn thiết kế, ứng dụng, hợp tác xây dựng hệ thống và giải pháp chiếu sáng LED/I-4.0. Mai Thảo

Biểu dương Gia đình CNVCLĐ thủ đô tiêu biểu năm 2019 và trao học bổng cho con CNVCLĐ vượt khó học giỏi

TĐKT – Ngày 27/6, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Biểu dương gia đình công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô tiêu biểu năm 2019 và trao học bổng cho con CNVCLĐ vượt khó học giỏi năm học 2018 – 2019. Đến dự có các đồng chí: Trịnh Thị Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Bá Đông, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng LĐLĐ TP Hà Nội, đại diện Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ TP Hà Nội cùng gia đình CNVCLĐ tiêu biểu và các cháu học sinh đạt thành tích cao trong năm học vừa qua. Đồng chí Bùi Thị Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nữ công Tổng LĐLĐ đọc báo cáo kết quả xây dựng Gia đình CNVCLĐ thủ đô tiêu biểu năm 2018 Tính đến thời điểm hiện tại, có 4583 công đoàn cơ sở tổ chức biểu dương khen thưởng cho 67.976 gia đình tiêu biểu; 2.851 gia đình được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở biểu dương, khen thưởng với tổng số tiền thưởng là 1,5 tỷ đồng. Đây là sự khích lệ lớn lao để mỗi thành viên trong gia đình luôn phấn đấu, vượt lên khó khăn để hoàn thiện mình, trở thành nền tảng cho sự phát triển chung của xã hội. Đại diện cho 90 gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu được thành phố tuyên dương trong hội nghị lần này, gia đình bà Ngô Thị Kết, giáo viên trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội là gia đình tứ đại đồng đường nhưng luôn giữ được sự hòa thuận và tạo niềm vui bởi các thành viên. Tại đây, bà Kết đã trình bày tham luận của mình về vai trò của người vợ, người mẹ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái và hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội. Bà Ngô Thị Kết trình bày tham luận tại Hội nghị Cũng tại Hội nghị, thay mặt cho 100 em học sinh là con CNVCLĐ vinh dự được nhận học bổng, em Nguyễn Ngọc Phương Thảo, học sinh lớp 11E, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã chia sẻ về những nố lực và cố gắng vượt khó của bản thân để luôn xứng đáng là niềm tự hào của bố mẹ. 11 năm liền là học sinh giỏi, được công nhận là Gương mặt tiêu biểu cấp cơ sở của Đại học Ngoại ngữ -  Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2018 - 2019, em đã trở thành động lực để bố mẹ yên tâm làm việc và phấn đấu cho kế hoạch tương lai của mình. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và biểu dương những thành tích đáng tự hào trong học tập của những học sinh vượt khó vươn lên và những gia đình CNVCLĐ tiêu biểu của Thủ đô. Đồng thời, đồng chí cũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà LĐLĐ TP Hà Nội đã đạt được trong công tác vận động nữ CNVCLĐ nói chung và công tác gia đình nói riêng. Các gia đình CNVCLĐ tiêu biểu của thủ đô năm 2019 nhận bằng khen từ lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng 90 gia đình CNVCLĐ tiêu biểu của Thủ đô năm 2019 và trao học bổng 100 con CNCVLĐ vượt khó học giỏi năm học 2018 – 2019. Ngọc Huyền

Trang