Hà Nội thi đua ái quốc

Sở Giao thông vận tải Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn

Với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, ngay từ đầu năm 2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội được thành phố giao. Trong đó, việc bảo đảm an toàn giao thông được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến ngày 22/5/2019, Sở đã thực hiện 272 nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND thành phố giao, trong đó có 253 nhiệm vụ đã hoàn thành và 19 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Giao thông vận tải đã đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2019 như: Nhà ga S9, S10, S12 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; đường vành đai 3 dưới thấp đoạn cầu vượt Mai Dịch - cầu Thăng Long...; đồng thời thực hiện cải tạo, sửa chữa một số tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn như tuyến đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân, đường Trần Phú - quận Hà Đông, đường Quang Trung - quận Hà Đông. Sở đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình Xén mở rộng đường Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ thuộc quận Nam Từ Liêm; trình phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình Xén mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn từ cầu vượt Mễ Trì đến cầu vượt Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; tham mưu thành phố thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách giữa tại 12 quận nội thành theo hình thức hợp đồng BOO; triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 06 bến xe khách, xe tải. Đặc biệt, để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông của thành phố, Sở đã triển khai hạng mục “Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông”, “Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến” và dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của JICA. Tiếp tục giải quyết bài toán áp lực giao thông của thành phố, trong những tháng đầu năm 2019 Sở đã tăng cường phối hợp với lực lượng công an, UBND các quận và các lực lượng liên quan tổ chức giao thông, sắp xếp điểm trông giữ phương tiện phục vụ các sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố; chú trọng việc bố trí chốt trực phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc giao thông thường xuyên tại những vị trí có nguy cơ xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm... Nhiều giải pháp khác đã được triển khai đồng bộ, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành như: Thường xuyên rà soát, tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn các quận, huyện; tập trung xử lý giải quyết dứt điểm 21 điểm đen giao thông trên địa bàn thành phố; bổ sung biển báo, sơn gờ giảm tốc, điều chỉnh các điểm bất cập về kết cấu hạ tầng; rà soát các đường ngang giao cắt đường sắt để xây dựng gồ, gờ giảm tốc; tham mưu, đề xuất điều chỉnh quy định liên quan đến trông giữ phương tiện dưới các gầm cầu; thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy khu vực các cầu vượt sông trong mùa mưa, bão; triển khai hệ thống Iparking trên địa bàn thành phố; từng bước triển khai lắp đặt thiết bị rada tại các nút giao thông phục vụ công tác thu thập thông tin tín hiệu tiến tới xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, đa chiều; duy tu, sửa chữa kịp thời hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn giao thông trong các dịp nghỉ lễ dài ngày; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giao thông công cộng... Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm Luật giao thông được các đơn vị chức năng thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một nội dung trọng tâm của ngành giao thông vận tải thành phố. Nhiều sự kiện có sức lan tỏa sâu rộng đã được tổ chức như: Lễ phát động ra quân năm An toàn giao thông 2019 và đợt cao điểm đảm bảo an toàn giao thông Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Lễ hội Xuân 2019; tổ chức sự kiện đi bộ để kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” vào ngày 12/5/2019 tại hồ Hoàn Kiếm... Song song đó là duy trì việc thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông trên các bảng led tại các bến xe, điểm trung chuyển xe buýt và hệ thống loa phát thanh tại các nút giao thông trọng điểm... Theo con số thống kê từ ngày 16/12/2018 đến ngày 14/5/2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 524 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, làm chết 228 người, bị thương 334 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 14 vụ, tăng 17 người chết, giảm 41 người bị thương. Điều đó cho thấy việc bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội còn nhiều khó khăn bởi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông không ngừng tăng, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế... Chính vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của thành phố tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông; phấn đấu kiềm chế, giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018; giảm tối thiếu 5% tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên cả 3 tiêu chí...

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô tôn vinh 62 điển hình tiên tiến

TĐKT - Ngày 18/6, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 - 2019). Tới dự, có: Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng Bằng khen cho 39 tập thể, 23 cá nhân thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động Thực hiện Chỉ thị số 788 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đảng ủy quân sự 30 quận, huyện, thị xã đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng và nội dung của Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” (CVĐ). Các cơ quan, đơn vị gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện CVĐ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, đoàn kết quân - dân trong toàn lực lượng. Các đơn vị đã có nhiều chuyển biến trong xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong 5 năm qua đã có trên 120 tập thể, 246 cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị được các cấp khen thưởng. Thời gian tới, Bộ Tư lệnh Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của các cấp, các ngành. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm 5 nội dung “xứng danh bộ đội Cụ Hồ” sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến tích cực về bản lĩnh chính trị, động cơ trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; đồng thời nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của các đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tại Hội nghị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã trao Bằng khen cho 39 tập thể, 23 cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Nguyệt Hà

Giao lưu “Nghề báo: Đam mê và cống hiến”

TĐKT - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 18/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Những bông hoa đẹp Thủ đô” với chủ đề “Nghề báo: Đam mê và cống hiến”. Dự chương trình có Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng cùng 5 nhà báo trẻ đại diện cho các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển. Đó là: Nhà báo Chu Văn Lương, phóng viên Báo Lao động và Xã hội; nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh, phóng viên báo Kinh tế đô thị; nhà báo Nguyễn Thu,  phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; nhà báo Trần Hồng Vân, Biên tập viên, Phó Trưởng ban Báo Điện tử - Báo Hà Nội Mới và nhà báo Mai Thảo, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng. Mỗi nhà báo đều đem đến những câu chuyện thú vị về quá trình làm báo đầy chông gai nhưng cũng hết sức ý nghĩa của mình Tại chương trình, các nhà báo đã lần lượt chia sẻ về những công việc thầm lặng của mình trong việc sáng tạo ra những sản phẩm báo chí góp phần đấu tranh đem lại sự công bằng cho xã hội cũng như tuyên truyền về những nghĩa cử cao đẹp của những tấm gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống thường ngày. Mỗi nhà báo đều đem đến những câu chuyện thú vị về quá trình làm báo đầy chông gai nhưng cũng hết sức ý nghĩa của mình. Nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh, người vừa xuất sắc giành giải B, giải Báo chí Quốc gia 2018 với việc thực hiện đề tài “Chặt chém khách nước ngoài ở nhiều địa điểm du lịch tại Hà Nội” chia sẻ: Những ngày bắt đầu điều tra ở các điểm du lịch đã định trước, chị và đồng nghiệp đều không tìm được manh mối nào và gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì và quyết tâm vạch trần cái xấu để vì một xã hội tốt đẹp hơn, cùng sự ủng hộ từ gia đình, chị đã vượt qua được những nguy hiểm rình rập và xuất sắc hoàn thành tác phẩm báo chí của mình. Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng tặng hoa chúc mừng cho các khách mời giao lưu Để tạo được sức hấp dẫn cho những bài báo viết về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhà báo Mai Thảo, Tạp chí Thi đua Khen thưởng cho rằng: Người viết phải thực sự đào sâu suy nghĩ, cùng trải nghiệm và chia sẻ với nhân vật để tìm ra được ý nghĩa từ những việc tốt mà họ đã làm. Bên cạnh đó, nhà báo cũng nên coi mỗi tác phẩm mình viết là đứa con tinh thần, chấp nhận dấn thân, vất vả nhằm nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng, Trong khuôn khổ chương trình, các nhà báo cũng bày tỏ nhiều quan điểm, trăn trở của cá nhân về quá trình tác nghiệp và làm báo trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đồng chí Đinh Việt Thắng – Phó Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng TP Hà Nội tặng Bằng khen cho nhà báo Mai Thảo Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho nhà báo Mai Thảo, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác phối hợp tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của TP Hà Nội. Kết thúc chương trình, đồng chí Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua -Khen thưởng TP Hà Nội đã tặng hoa chúc mừng cho các khách mời và ghi nhận những cống hiến mà những nhà báo đã làm, góp phần giúp cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Ngọc Huyền

Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu Thủ đô năm 2019

TĐKT - Ngày 10/6, tại hội trường tầng 2, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tổ chức “Lễ tôn vinh Người hiến máu tiêu biểu Thủ đô năm 2019”,  tổ chức ngày hội “Giọt máu hè 2019” nhân “Ngày Quốc tế Người hiến máu” (14/6). Đây là hoạt động thường niên nhằm tri ân nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu cứu người bệnh. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ, Phó trưởng Ban Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội cho biết: Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm nay là “Máu an toàn cho mọi người” nhằm tiếp tục ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những người hiến máu đã dành thời gian, sức khỏe và máu của mình để cứu giúp sự sống của những người mà mình không quen biết. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Mỗi năm trên thế giới có trên 100 triệu người hiến máu. Chỉ tính riêng năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận được gần 1,6 triệu đơn vị máu, trong đó,  98% lượng máu tiếp nhận được từ những người hiến máu tình nguyện. Tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%. Có những cá nhân hiến máu hàng chục lần, có những gia đình, dòng họ vận động được hàng trăm lượt người hiến máu thường xuyên. Trong năm 2018, toàn thành phố đã tiếp nhận được trên 223.000 đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện, đạt tỷ lệ dân số hiến máu là trên 2,6%. 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố đã tiếp nhận được trên 120 nghìn đơn vị máu, đạt 58% kế hoạch đề ra. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức hiệu quả nhiều mô hình hiến máu, phong trào hiến máu tình nguyện Thủ đô đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều gia đình, cá nhân đã hiến máu nhiều lần như: Gia đình ông Nguyễn Văn Khương, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng đã hiến máu trên 20 lần, bản thân ông đã hiến máu 6 lần; gia đình ông Đỗ Đức Tuyên, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, bản thân đã hiến máu 19 lần, vận động vợ và các con tích cực tham gia hiến máu; ông Chu Văn Kiêu – Tổ 48 Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh đã hiến máu 28 lần; ông Bùi Hồng Quân – Tổ dân phố số 5, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm đã hiến máu 26 lần; ông Phạm Thế Anh, Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân đã hiến máu 22 lần, ngoài ra còn tích cực vận động mọi người tham gia hiến máu... Còn rất nhiều những tấm gương điển hình gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu Thủ đô được tôn vinh. Các cá nhân được tặng Bằng khen tại Hội nghị Chia sẻ tại lễ tôn vinh, anh Đỗ Đức Tuyên (huyện Phú Xuyên) cho biết, từ mối duyên một lần tham gia công tác đoàn của địa phương, được vận động tham gia hiến máu, đến nay anh đã có 19 lần hiến máu tình nguyện. Từ chỗ tham gia vì tò mò, dấn thân vào phong trào, anh Tuyên càng nhận thấy những ý nghĩa cao cả của hoạt động này. Từ đó, anh ra sức vận động những người thân trong gia đình và người dân trong xã cùng tham gia. “Ban đầu việc vận động người dân – đặc biệt là những người làm nông tại địa phương rất khó bởi mọi người có suy nghĩ cho máu đi là mất máu. Tôi đã kiên trì giải thích, lấy tấm gương của bản thân và gia đình làm “bằng chứng”. Đáng kể, nhờ hoạt động hiến máu, có người đã phát hiện và chữa bệnh kịp thời” – anh Tuyên cho biết. Tham gia hiến máu tình nguyện 5 năm với 17 lần hiến máu, đối với  Lê Thị Ngọc My, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), hiến máu tình nguyện là hoạt động ý nghĩa, một nghĩa cử cao đẹp trao đi sự sống mà bản thân những người có sức trẻ như em cần phải tiên phong đi đầu. Từng phải bỏ sỏi vào túi để đủ cân hiến máu, đến nay, nhờ hoạt động này, Ngọc My đã tăng được 8 cân, cơ thể khỏe mạnh, năng động. Hằng năm, vào mỗi dịp tháng 6 khi xã tổ chức hiến máu tình nguyện, Ngọc My lại cùng với các tình nguyện viên đạp xe quanh xã, tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu, quyền lợi sau khi hiến máu cho người dân. Nhờ đó, chỉ tiêu hiến máu tình nguyện của xã luôn vượt và tăng qua mỗi năm. Tại buổi lễ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 25 gia đình và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Hiến máu tình nguyện của Thủ đô; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 5 gia đình và 5 cá nhân; Thường trực Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện thành phố tặng Giấy khen cho 60 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Hiến máu tình nguyện đang dần trở thành nét đẹp, đầy tính nhân văn và tinh thần nhân ái của mỗi người dân Thủ đô, trong dịp Ngày Quốc tế Người hiến máu 14/6, nhiều đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng tổ chức các hoạt động tôn vinh người hiến máu. Đây sẽ là động lực to lớn thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện của Thủ đô phát triển bền vững, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong những năm tới. Thục Anh

Phát động cuộc thi viết “Chung tay xây dựng Hà Đông văn minh, hiện đại”

TĐKT - Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969 - 9/2019), chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng (6/10/1954 - 6/10/2019) và 115 năm ngày thành lập Hà Đông (6/12/1904 - 6/12/2019), UBND quận Hà Đông (TP Hà Nội) vừa ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Chung tay xây dựng Hà Đông văn minh, hiện đại”. Theo đó, đối tượng dự thi là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận. Về nội dung: Bài dự thi có nội dung phát hiện, phản ánh những thành tích nổi bật của quận và các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể từ quận đến cơ sở trong quá trình phát triển, đặc biệt là sau 11 năm hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô và 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bài dự thi giới thiệu những tấm gương tập thể, cá nhân người Hà Đông có nhiều cống hiến, sáng kiến đóng góp trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong việc thực hiện các chương trình, đề án của BCH Đảng bộ quận giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện Chủ đề công tác năm 2019 của TP Hà Nội “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Bài dự thi phát hiện những việc làm, hành động của tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự công cộng, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường…, góp phần hạn chế những tồn tại, yếu kém trên các lĩnh vực này ở địa phương, đơn vị. Qua đó, đề xuất các ý kiến đóng góp thiết thực đối với quá trình phát triển của quận Hà Đông trong giai đoạn hiện nay, nhất là các giải pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự xây dựng, trật tự công cộng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và văn hóa giao thông, thực hiện quy tắc ứng xử… nhằm xây dựng quận Hà Đông ngày càng văn minh, hiện đại. Đối tượng của bài viết phải có thật với những kết quả, việc làm cụ thể mà bản thân người dự thi nắm chắc. Bài dự thi phải chân thật, sâu sắc và súc tích, có nội dung thiết thực, mang tính chất tuyên truyền và định hướng dư luận rộng rãi. Bài dự thi đánh máy trên khổ giấy A4, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, năm sinh, địa chỉ và số điện thoại liên lạc; trình bày rõ ràng, sạch đẹp, hình thức trang trọng và không quá 1.000 từ. Đặc biệt, bài dự thi phải chưa được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hoặc ở các cuộc thi khác. Ban Tổ chức không nhận bài thi photocopy, bài sao chép hoặc bài dự thi do nhiều người viết. Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 10/8 đến hết ngày 10/9/2019, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hà Đông, tầng 5 Khu Trung tâm Hành chính mới, phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Dự kiến, quận Hà Đông sẽ tổ chức tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng và 115 năm ngày thành lập Hà Đông 6/10/2019. Thục Anh

Hà Nội phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”

TĐKT - Cụ thể hóa phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 19/5/2019, sáng 8/6, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” . Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Điểu K'Ré; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cùng dự, có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” được phát động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội về văn hóa giao tiếp, ứng xử; từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị ngay sau Lễ phát động, yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện với những việc làm thiết thực, cụ thể, tạo sự chuyển biến, đổi mới toàn diện trong thực hiện văn hóa công sở và thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn thành phố. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm những quy định của Quy tắc ứng xử, văn hóa công sở. Tổ chức các hội thi cán bộ, công chức, viên chức thanh lịch, văn minh, qua đó lan tỏa nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục bổ sung vào quy chế làm việc; đưa quy tắc ứng xử vào nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ… Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen cho 10 tập thể tiêu biểu Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của đảng viên” gắn với thực hiện nội dung quy tắc ứng xử, văn hóa công sở. Chú trọng việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Bên cạnh đó, thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh. Tăng cường thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra công vụ và công tác giải quyết thủ tục hành chính gắn với thực hiện quy tắc ứng xử tại các cơ quan. Thường xuyên tổ chức lấy ý kiến khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch với cơ quan công sở; tổ chức đánh giá hàng tháng, xếp loại thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. Xây dựng chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử; đồng thời xây dựng tiêu chí khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Trong những năm qua, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội về văn hóa giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, gương mẫu trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng nền hành chính Thủ đô chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua tất cả hệ thống bộ máy chính trị của thành phố đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của thành phố tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội. Năm 2017, TP Hà Nội đã lựa chọn chủ đề là “Năm kỷ cương hành chính”; năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; chủ đề công tác này tiếp tục được thành phố triển khai thực hiện trong năm 2019.  UBND Thành phố đã chủ động ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung về kỷ cương hành chính. Ban hành 2 bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”. Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang và Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu Qua hơn 2 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến, “những bông hoa đẹp” trong giao tiếp, ứng xử và phục vụ nhân dân đã tạo nên hình ảnh một chính quyền thành phố thân thiện, gần dân. Quy tắc ứng xử nơi công cộng không chỉ được tuyên truyền ở nhiều nơi, bằng nhiều hình thức mà đã dần trở thành nếp nghĩ, thói quen đẹp của nhiều người Hà Nội. Nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô đã góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn và mến khách đối với tất cả du khách trên thế giới, vì vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ngày càng cao. Tại Hội nghị, 10 tập thể và 10 cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích nổi bật trong thực hiện kỷ cương hành chính, phát huy văn hóa công sở gắn với quy tắc ứng xử  đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Những tấm gương điển hình trong vận dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được phát hiện và tôn vinh hôm nay đã khẳng định Quy tắc ứng xử đang trở thành công cụ hữu hiệu để điều chỉnh lời nói, việc làm; khẳng định một chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm tạo lập kỷ luật, kỷ cương hành chính, trên tinh thần phục vụ nhân dân; phản ánh sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở; sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; sự tâm huyết, làm việc đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự ủng hộ, đồng thuận, chia sẻ của người dân Thủ đô. Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Theo đó, dẫn đầu khối quận, huyện, thị xã là quận Nam Từ Liêm (92,59 điểm); dẫn đầu khối sở, ngành là Sở Tài chính (91,73 điểm). Mai Thảo

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cho đi là còn mãi

TĐKT - Chiều 5/6, báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cho đi là còn mãi”. Năm 2019 là năm thứ 27 TP Hà Nội triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” và cũng từng ấy năm báo Hànộimới đi đầu hưởng ứng phong trào bằng việc mở các chuyên mục: “Người Thủ đô ta”, “Nét đẹp Người Thủ đô”, “Phóng sự”, “Vì Hà Nội Xanh - Sạch - Đẹp”... nhằm phát hiện, cổ vũ, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng nhân rộng và phát triển, cái xấu ngày càng bị đẩy lùi, thu hẹp. Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua -  Khen thưởng TP Hà Nội chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống văn minh, thanh lịch của người Tràng An. Thực hiện Lời kêu gọi của Người, liên tục trong nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt”. Từ đó, trên mọi lĩnh vực của đời sống đều xuất hiện nhiều tấm gương sáng, góp phần làm Thủ đô thêm giàu đẹp, giúp lan tỏa và nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, những hành động tốt trong xã hội. Ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu Tuy nhiên, cùng với đó, trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã xuất hiện những luồng nhận thức chưa đúng đắn, những ứng xử chưa văn minh. Vì vậy, cần có những tấm gương để cộng đồng noi theo.  Cuộc thi phát hiện và viết về gương người tốt, việc tốt là một hoạt động mang tính đột phá để lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt. Tính đến năm 2019, đã có 90 cá nhân được vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú, hàng nghìn người tốt, việc tốt cấp thành phố, hàng chục nghìn người tốt, việc tốt cấp cơ sở. Những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt giao lưu hôm nay là đại diện tiêu biểu cho những người tốt, việc tốt hằng ngày, là những cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong nhiều lĩnh vực. Tại buổi giao lưu, những tấm gương người tốt, việc tốt đã chia sẻ về những việc làm của mình. Đó là tấm gương bà Phạm Thị Dần, ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Từ nhiều năm nay, bà Dần đã tiết kiệm những khoản tiền nhuận bút nho nhỏ của mình để lặn lội tới từng cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, tìm gặp những nhân chứng và đồng đội của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc để viết bài ca ngợi nhằm góp phần tri ân công lao của họ. Không những vậy, bà còn giúp gia đình họ hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là liệt sĩ hay Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp của mình với non sông, đất nước. Việc tìm nhân chứng có lúc như “mò kim đáy bể”, người còn sống, người đã mất, có người bà phải mất vài năm mới tìm gặp được để nghe họ kể về những năm tháng chiến đấu bên đồng đội của mình, từ đó lấy chứng cứ đưa vào hồ sơ. Ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội và ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập báo Hànộimới tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt và hoa cho 2 cá nhân Đó còn là tấm gương em Lê Hương Giang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi sinh ra, một mắt của Giang hỏng hoàn toàn, mắt còn lại thị lực chỉ có 1/10. Đến năm lớp 6, căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác lại cướp nốt ánh sáng của con mắt còn lại, nhưng không vì thế mà Giang nản chí. Em tự trang bị cho mình không chỉ tri thức mà còn cả những kỹ năng sống, học đàn, học hát, học vẽ tranh, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh với mơ ước trở thành MC truyền hình. Nhờ nghị lực vượt khó, Giang là chủ nhân của nhiều giải thưởng khoa học, kỹ thuật như giải nhì ngành công nghệ máy tính Intel, giải ba chung cuộc tại Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel Isef toàn quốc năm 2012, Á khôi 1 tại Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2019... Thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được 6 khách mời chia sẻ tại giao lưu, đã giúp độc giả hiểu rõ hơn chân dung của những người tốt, việc tốt xung quanh chúng ta đồng thời cùng hiến kế, đề xuất những giải pháp để nhân rộng những điều tốt đẹp trong mỗi con người và toàn xã hội, đẩy lùi cái xấu, điều ác, góp phần tạo hiệu ứng xã hội, để lòng nhân ái, tình yêu thương trở thành sợi dây gắn kết con người với nhau, từ đó góp phần cùng nhau xây dựng một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Tại buổi giao lưu, 2 cá nhân được thành phố tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2019. Mai Thảo  

Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

TĐKT - Sáng 3/6, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" (Ban Chỉ đạo Chương trình 04) tổ chức Hội thảo Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Toàn cảnh Hội thảo Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã đánh giá thành công nổi bật và những hạn chế trong việc thực hiện Chương trình 04; dự báo những khó khăn, những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Thông qua đó, các đại biểu đã nêu quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. Thành phố cũng cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Cũng theo các đại biểu, xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng gạn đục, khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nền nếp ứng xử của người Kẻ Chợ xưa. Tiến sĩ Bùi Văn Tuấn và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô cho rằng: Hà Nội cần khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của từng đối tượng cư dân Hà Nội. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực nên có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay.  Các đại biểu đã bấm nút khai trương, đưa Website "Hanoidep.vn" chính thức đi vào hoạt động Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao những ý kiến tâm huyết với Thủ đô Hà Nội, với sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của các đại biểu. Phó Chủ tịch khẳng định, các ý kiến nêu trên chính là những gợi mở rất bổ ích giúp Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu khi xây dựng báo cáo khoa học tổng kết đề tài. Đồng chí cũng ghi nhận các kiến nghị cho thành phố về việc nhận thức sâu sắc hơn nữa bản chất con người để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Với vị thế của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh luôn được Đảng bộ và nhân dân Hà Nội coi trọng, đặt thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong tiến trình đổi mới Thủ đô và đất nước, tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm mục tiêu tuyên truyền sâu rộng việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, dịp này, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 cũng ra mắt website "Hanoidep.vn". Website "Hanoidep.vn" do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phụ trách, gồm 5 chuyên mục chính là giới thiệu những nét đẹp, tinh hoa của Hà Nội, đồng thời phê phán những mặt chưa đẹp, những hạn chế, tồn tại làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, cảnh quan đô thị Hà Nội. Tiêu biểu như các chuyên mục: "Tiêu điểm Hà Nội" phản ánh những nét đặc sắc, tạo nên diện mạo Hà Nội xưa và nay; "Người Hà Nội" giới thiệu những câu chuyện hay, xúc động về văn hóa ứng xử của người Hà Nội; "Trải nghiệm Hà Nội" quảng bá các hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… Hà Nội; "Hà Nội đẹp, chưa đẹp" nêu những hiện tượng, việc làm tác động thiếu tích cực tới công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Bên cạnh 5 chuyên mục chính, website "Hanoidep.vn" sẽ tiếp tục xây dựng nội dung "Hà Nội - Thăng Long, theo dòng thời gian" theo mô típ một "Trung tâm lưu trữ lịch sử", giúp bạn đọc tìm hiểu sâu rộng về đời sống, văn hóa và con người Thăng Long - Hà Nội theo dòng chảy của lịch sử từ kinh đô Thăng Long tới Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, website còn có một số chuyên mục thiết kế mở, tạo điều kiện cho bạn đọc tương tác với trang, đóng góp ý kiến xây dựng văn hóa con người Hà Nội một cách sinh động, hiệu quả. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thêm: Website "Hanoidep.vn" kết nối thông tin với Cổng thông tin của Sở, fanpage của Sở và các website của các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Thiết kế mỹ thuật của website được đánh giá trang nhã, thân thiện với người đọc. Website hướng tới đối tượng khá rộng, độ tuổi từ 16 trở lên, với mọi thành phần người đọc trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Hưng Vũ

Vị lương y sống trách nhiệm với cộng đồng

TĐKT - Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, lương y Nguyễn Hoành Phi, phụ trách chuyên môn phòng khám Y học cổ truyền Hoàng Mai, Hà Nội luôn là tấm gương sáng cho mọi người và đồng nghiệp noi theo bởi chính cái tâm trong sáng và tinh thần trách nhiệm cao đẹp với cộng đồng. Lan tỏa đến cộng đồng những giá trị của nền y học cổ truyền Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, Nguyễn Hoành Phi là người duy nhất không theo nghề may gia truyền do được cha mẹ định hướng cho học ngoại ngữ từ khá sớm. Nhưng anh không đi theo con đường của bố mẹ vạch sẵn mà lựa chọn học quốc tế ngữ, rồi trở thành học trò của cố Bác sĩ Masayuki Saionji  - tác giả của phương pháp nắn chỉnh cột sống, xương hông Nhật Bản - Giám đốc Học viện Phòng, chống bệnh quốc tế Tokyo Nhật Bản; để rồi dần dần khẳng định mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ cơ duyên đến với đông y đã đưa Nguyễn Hoành Phi trở thành người thầy thuốc có chuyên môn và giàu lòng nhân hậu Anh vinh dự là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp phương pháp nắn chỉnh cột sống, xương hông Nhật Bản (năm 1999), được quyền dạy nâng cao và cấp bằng cho các học viên khác; đồng thời được bầu làm Phó Chủ tịch Hội nắn chỉnh cột sống, xương hông thế giới phụ trách châu Á (năm 2001). Sau đó, anh tiếp tục học đông y chuyên sâu, là trò giỏi của những người thầy đầu ngành châm cứu Việt Nam như GS.TS Nguyễn Tài Thu, GS Phạm Gia Văn, GS Dương Xuân Đạm, PGS. TS Lê Lương Đống…   Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được cùng tâm huyết với nghề, lương y Nguyễn Hoành Phi đã chữa khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân với đủ các loại bệnh khác nhau đặc biệt là các bệnh chuyên về xương khớp và cột sống. Điều đáng quý ở anh chính là không bao giờ giấu giếm những kiến thức y học cổ truyền đã học để làm kế sinh nhai, mà luôn sẵn sàng sẻ chia, truyền dạy cho nhiều người khác, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 1994 đến nay, anh không quản ngại bỏ thời gian và công sức trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn, chia sẻ với nhiều người về cách phòng và chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.  Với nhiều hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh, hội phụ nữ ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, hình ảnh người thầy thuốc trẻ tuổi Nguyễn Hoành Phi cần mẫn, đầy nhiệt huyết đạp xe hàng mấy chục cây số đến hướng dẫn cách xoa bóp, điều trị đã quá quen thuộc và được trân trọng ghi lại trong nhiều tập thơ. Với mong muốn được truyền lại những bài thuốc hay những kiến thức y học bổ ích mình tích lũy được cho nhiều người để xã hội thêm trân quý, lưu giữ và bảo vệ ngành đông y đến mãi sau này, từ năm 2003, lương y Nguyễn Hoành Phi đã tham gia soạn giáo trình và làm giảng viên dạy xoa bóp, bấm hyệt, tẩm quất cho học sinh khuyết tật trường Nguyễn Đình Chiểu và Hội Người mù TP Hà Nội. Cùng với đó, anh cũng hỗ trợ tư vấn, khám bệnh miễn phí cho hơn mười nghìn hội viên Hội Chữ thập đỏ quận Hoàng Mai khám vào sáng thứ 4 hàng tuần. Những khát vọng giàu lòng nhân ái Theo anh, thành công nhất của người thầy thuốc bên cạnh chữa bệnh cứu người thì trách nhiệm giáo dục, đào tạo, lan tỏa những giá trị của nghề đông y truyền thống cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, suốt 20 năm hành nghề, phần lớn thời gian anh dành cho các hoạt động khám, chữa bệnh và dạy nghề từ thiện cho hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền Tổ quốc. Lương y Nguyễn Hoành Phi (bên phải) được lựa chọn là nhân vật để giao lưu, chia sẻ tại buổi Giao lưu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 8 TP Hà Nội Anh chẳng nhớ nổi đã bao nhiêu lần tình nguyện xách ba lô đi đến khắp mọi miền Tổ quốc, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Trị, Bạc Liêu…khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Vận động, quyên góp, ủng hộ: Gạo, áo ấm,chăn, sách vở, thuốc men… là những món quà được các công ty dược phẩm và người dân ủng hộ đầy tính nhân văn cho những hộ nghèo. Năm 2013, anh tham gia cùng với Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Unesco TP Hồ Chí Minh kết hợp khám bệnh cho hơn 300 phật tử tại chùa Bạc Liêu. Năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, lương y phụ trách đoàn các y, bác sĩ hơn 10 người, là hội viên Hội Đông y Quận Hoàng Mai phối hợp cùng với Hội Chữ thập đỏ Quận Hoàng Mai tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người bệnh là các đối tượng chính sách trong quận, những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, những người trong diện chính sách gồm: Hội viên Hội Chữ thập đỏ, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, nạn nhân nhiễm chất độc hóa học dioxin… tuyệt đối an toàn không để xảy ra sai sót nào… Đồng thời, lương y Nguyễn Hoành Phi còn là cầu nối giữa Hội Đông y Hoàng Mai và Hội Chữ thập đỏ của quận khi trực tiếp hỗ trợ phòng khám từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn với chi phí chỉ từ 20– 50 ngàn đồng/người cho người nghèo được điều trị bằng thuốc bắc. Anh chia sẻ: “Càng làm việc thiện, tôi lại càng cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa khi được giúp đỡ nhiều phận người thiệt thòi trong xã hội. Người ta đi tìm công danh, bổng lộc, còn tôi thì cả đời chỉ thích đi sưu tầm những danh hiệu cao quý của người thầy thuốc. Không một chức vụ nào hiện nay có thể cho tôi có một cuộc sống dư dả về vật chất nhưng lại cho tôi cơ hội được tiếp cận và giúp đỡ những người có số phận thiệt thòi trong cuộc sống”. Chính những suy nghĩ hết sức giản đơn mà cao quý ấy, lương y Nguyễn Hoành Phi luôn được mọi người nể trọng và kính phục. Học trò của anh đã có những người thành đạt, vượt khó vươn lên từ chính sự tận tâm, nhiệt thành của người thầy không màng đến công danh, lợi lộc. Với anh, đó chính là thành công của một người thầy trong suốt sự nghiệp đào tạo và khám, chữa bệnh của mình. Chia sẻ về dự định, khát vọng trong tương lai, anh cho biết: Anh đang ấp ủ dự định thành lập trung tâm đào tạo các chuyên gia về cứu chữa bệnh bằng các phương pháp nắn chỉnh cột sống, xương hông Nhật Bản. Đó sẽ là tiền đề  quan trọng để anh hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam trở thành một trong những đất nước nổi tiếng với sản phẩm đông y về xương khớp và cột sống. Anh cũng cho biết, hiện đang ấp ủ triển khai thực hiện dự án chống cong vẹo cột sống kết hợp với giảm cận thị học đường để giúp trẻ em Việt Nam hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ những cống hiến vì sức khỏe cộng đồng của người thầy thuốc hết lòng vì nhân dân, lương y Nguyễn Hoành Phi đã được ngành y và các ngành, các cấp có liên quan ghi nhận, tặng nhiều khen thưởng cao quý: Huy hiệu Cây kim châm cứu Việt Nam, Bằng khen của Hội Đông y việt nam, Bằng khen của Hội Châm cứu Việt Nam, Bằng khen của Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật Hà Nội, Giấy khen Hội Đông y TP Hà Nội, Giấy khen hội của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, Giấy khen của hội Esperanto TP Hà Nội, Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ quận Hoàng Mai. Năm 2018, anh được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội. Huyền Anh  

Giao lưu –Tọa đàm trực tuyến “Nhớ lời Bác dặn” diễn ra ngày 7/6

TĐKT - Ngày 7/6, Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội sẽ tổ chức Giao lưu –Tọa đàm trực tuyến với các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, với chủ đề “Nhớ lời Bác dặn” trên Trang điện tử Tạp chí Thi đua Khen thưởng tại địa chỉ: http://thiduakhenthuongvn.org.vn. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhân Kỷ niệm 71 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019). Các khách mời là đại diện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là bà Phan Thị Bính, Tổ dân phố số 22, khu dân cư số 2, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cùng với những người bạn của mình tự nguyện góp tiền mua 1 chiếc xe cấp cứu và tổ chức những chuyến xe đầy nghĩa tình vận chuyển bệnh nhân miễn phí từ Hà Nội về các tỉnh, thành. Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2018, nhưng bà và nhóm thiện nguyện đã giúp vận chuyển được hơn 50 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa,…Ngoài ra, bà còn tham gia nấu và phát cơm, cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Anh Ngô Duy Quý, Bí thư đoàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, luôn gương mẫu trong các hoạt động ở địa phương, tích cực tham gia vận động xã hội hóa xây dựng nhiều công trình sân chơi; hỗ trợ hộ nghèo; giúp đỡ thanh niên về vốn vay, kỹ thuật chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, tận tâm với công tác xây dựng Hội Người khuyết tật phát triển toàn diện bền vững. Bà không quản ngại vất vả, đi vận động được nhiều nguồn tài trợ để hỗ trợ người khuyết tật Thủ đô được học nghề, học chữ; hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Ông Chu Văn Lương, phóng viên Báo Lao động Xã hội, người đã có hành động dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: Đuổi theo, tri hô và dùng xe máy của mình đâm thẳng vào xe của tội phạm, nhằm cản trở quá trình trốn thoát của chúng. Đại diện Tổ công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt– Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội. Đây là một sáng kiến hiệu quả trong triển khai Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, NTVT trên địa bàn TP Hà Nội. Tọa đàm là diễn đàn để những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó góp phần lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng; xây dựng người Hà Nội đẹp thanh lịch, văn minh. Những câu hỏi, quan tâm, chia sẻ của quý độc giả về các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tham gia buổi giao lưu này xin được gửi về địa chỉ Tòa soạn: Tạp chí Thi đua Khen thưởng, Số 103 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Email: thiduakt@thiduakhenthuongvn.org.vn. Tạp chí Thi đua Khen thưởng

Trang