Hà Nội thi đua ái quốc

Cụm thi đua số 8: Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2019), sáng 10/5, Cụm thi đua số 8 (TP Hà Nội) đã tổ chức Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Tới dự có các đồng chí: Đỗ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ 3 Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng; và hơn 60 gương điển hình tiên tiến trong Cụm thi đua số 8. Đồng chí Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Cụm trưởng Cụm thi đua số 8 phát biểu khai mạc Phát biểu tại chương trình, đồng chí Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Cụm trưởng Cụm thi đua số 8, cho biết: “Chương trình giao lưu không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại không khí hào hùng của trận chiến năm xưa mà còn là dịp để tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đã và đang có những cống hiến cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của Thủ đô. Qua chương trình này, khán giả sẽ được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chương trình an ninh, quốc phòng trong mỗi quận của Cụm thi đua số 8. Qua đó, kết nối rộng hơn sự yêu thương, trân trọng, sẻ chia trong cuộc sống đầy tình người và tính nhân văn”. Các cá nhân tiêu biểu tham gia giao lưu, chia sẻ tại chương trình Tại chương trình, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 8 tấm gương điển hình tiên tiến để cùng chia sẻ, trò chuyện với khán giả về sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của họ đối với đất nước trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tụ - Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, người đã cứu chữa nhiều thương, bệnh binh trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và có nhiều đóng góp cho nền y học của nước nhà nói chung cũng như y học quân đội nói riêng. Trung tá Chu Thị Hoa – Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống ma túy quận Hoàn Kiếm, người vượt lên trên rất nhiều khó khăn và trở ngại, đã có tới 30 năm gắn bó với sự nghiệp giữ vững tình hình trật tự, trị an cho nhân dân; ngăn chặn kịp thời những hiểm họa từ ma túy tới người dân Thủ đô. Lương y Nguyễn Hoành Phi – Phó Chủ tịch Hội đông y quận Hoàng Mai, người đã dùng chính năng lực chuyên môn của mình để cứu chữa cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Gái – Tổ trưởng tổ phụ nữ thuộc địa bàn dân cư số 7, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, tham gia tích cực các phong trào thiện nguyện trong nhiều năm, … Đây đều là những tấm gương tiêu biểu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, xứng đáng được học tập và noi theo. Các tấm gương điển hình tiêu biểu của Cụm thi đua số 8 nhận bằng khen Nhân dịp này, đã có 12 tấm gương điển hình tiên tiến của Cụm thi đua số 8 được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Ngọc Huyền

Biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05

TĐKT – Ngày 9/5, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng và giao lưu điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn (2016 - 2019). Thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội và các đơn vị đã triển khai nhiệm vụ Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nghiêm túc, bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Nhờ đó, việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW bước đầu đã đạt được những kết quả toàn diện… Các cá nhân được tặng Giấy khen của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Sau 3 năm triển khai, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy được vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt, thái độ phục vụ. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, ý thức tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, quản lý nhà nước. Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã lựa chọn và xác định khâu đột phá trong triển khai thực hiện phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nhiều mô hình mới, cách làm hay tại các đảng bộ, chi bộ cơ sở có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ… Cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở cũng đã cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc, nhất là trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ, lãnh đạo chủ chốt. Những vấn đề, vụ việc bức xúc nổi cộm được tập trung giải quyết và có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên đối với đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhân dịp này, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội đã biểu dương, khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân và 8 đoàn viên, hội viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019. Thục Anh  

Nơi phụ nữ làm nên điều đặc biệt

TĐKT - Nép mình bên cạnh trường Đại học Kiến trúc, Tổ dân phố số 5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội chỉ có gần 200 hộ dân nhưng với những quyết tâm và sáng tạo từ Chi hội phụ nữ, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ của nhiều phong trào văn hóa tiêu biểu Thủ đô. Tìm đến địa bàn tổ dân phố số 5, phường Văn Quán vào một ngày thời tiết khá âm u nhưng không khí bỗng dễ chịu và bừng sáng khi chúng tôi đi ngang qua con ngõ 131 rực rỡ những luống hoa tươi (công trình do Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 5 đứng ra vận động xã hội hóa thành công năm 2019). Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hảo – Tổ trưởng, thành viên BCH Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 vui vẻ trò chuyện về nơi đã khởi xướng nhiều phong trào đoàn hội tiêu biểu, trở thành điểm sáng của phường Văn Quán và quận Hà Đông trong nhiều năm qua. Bà Hảo cho biết: Từ năm 2011, tổ dân phố đã có chủ trương phát động phong trào gây quỹ từ thiện để ủng hộ những trường hợp khó khăn trên địa bàn phường. Nhưng phong trào chỉ thực sự lan rộng và trở thành hình mẫu tiêu biểu để nhiều địa phương khác noi gương, học tập từ ngày 4/3/2015, khi chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 bắt đầu kêu gọi và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa để góp phần xã hội hóa các công trình làm xanh, sạch, đẹp đường phố. Con đường hoa ngõ 131 là một phần minh chứng cho kết quả ấy.   Phụ nữ tổ dân phố số 5 trong chuyến tình nguyện về Ba Vì Chia sẻ về điều này, bà Đào Thị Hẩu – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 cho biết: “Khi mới bắt đầu làm công tác vận động mọi người tham gia các phong trào từ thiện và xã hội hóa, nhiều người tỏ ý ngờ vực chúng tôi thu tiền để tư lợi, nhưng với quyết xây dựng tổ dân phố ngày càng văn minh, chúng tôi đã công khai mọi nguồn thu trước đại hội chi bộ. Ngoài ra, ai đóng góp vào các quỹ từ thiện hay phúc lợi xã hội, chúng tôi đều ghi vào sổ vàng danh dự theo từng năm”. Ngoài ra, hằng năm, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy tổ dân phố, Chi hội phụ nữ của tổ đã tổ chức chương trình “Hũ gạo tình thương” kêu gọi tất cả phụ nữ trong tổ ủng hộ mỗi năm 60 ngàn đồng để góp vào quỹ từ thiện; khuyến khích mỗi hội viên tham gia chương trình “Lợn tiết kiệm” hưởng ứng cuộc vận động tiết kiệm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào mỗi dịp 8/3 hằng năm và tổng kết vào 20/10. Từ đó, nhen lên ý tưởng trích một phần tiền tiết kiệm để ủng hộ cho những phận đời còn nhiều khó khăn.  Đồng thời, để minh bạch hóa số tiền người dân ủng hộ, chi hội phụ nữ đã lập một quỹ tiết kiệm bao gồm tất cả những khoản đóng góp, quỹ từ thiện, quỹ tập thể của các cá nhân, đơn vị có lòng hảo tâm trên địa bàn tổ để hằng năm, lấy lãi suất cho những người có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để làm ăn. Toàn bộ số tiền đóng góp từ lòng hảo tâm của các hội viên và người dân được chi hội phụ nữ và tổ dân phố ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường vào các dịp lễ, tết, giúp đỡ thân nhân của các gia đình gặp tai nạn do nổ mìn và nổ bốt điện trên địa bàn quận Hà Đông. Không những thế, với sự chỉ đạo của phường Văn Quán cũng như nhờ những thông tin có được, Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 đã tổ chức làm công tác từ thiện cho nhiều nơi khác như chùa Bồ Đề, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu, Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Ba Vì, giúp đỡ gia đình 3 cháu bé ở Lạng Sơn mồ côi cha mẹ, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ ở miền Trung, …  Chị Nguyễn Thị Mơ – người mẹ có con nhỏ bị mắc bệnh máu trắng, sinh sống trên địa bàn tổ dân phố đã nhận được sự giúp đỡ của chi hội phụ nữ, chia sẻ: “Con tôi đi viện mấy năm nay khiến kinh tế gia đình rất khó khăn. Các bác cán bộ ở đây đã tạo điều kiện cho tôi và chồng được làm những công việc lao động, tạp vụ trong trường Đại học Kiến trúc để có tiền lo chạy chữa cho con. Hằng năm, các bác cũng dành một phần quà nhất định cho gia đình tôi vào dịp Tết. Chiếc xe điện tôi đang đi cũng là do các bác chung tay ủng hộ”.   Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 cùng sinh viên trường Đại học Kiến trúc vẽ con đường bích họa Thêm vào đó, cứ tháng tư hằng năm, Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 5 cũng tổ chức hội thi “Đổi phế liệu lấy màu xanh” nhằm kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh, phân loại rác hợp lí để có thể tái sử dụng và gây quỹ chung cho tổ phục vụ các hoạt động chung. Cảm nhận về cuộc thi này, bà Lê Thị Tuyết Nhung  – Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố số 5 cho biết: “Từ ngày có cuộc thi này, tôi thấy ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hẳn lên. Từng thành viên trong chi hội phụ nữ đều nhiệt tình tham gia vận động mọi người hưởng ứng chương trình này. Đây là điều khiến chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi”. Hiện nay, được sự giúp sức của các sinh viên trường Đại học Kiến trúc, chị em phụ nữ tổ dân phố số 5 đang tiếp tục vẽ “con đường bích họa” trên các bức tường thuộc các con ngõ của tổ với nguồn vốn huy động từ xã hội hóa là 42 triệu đồng. Công trình hoàn thành sẽ hạn chế việc tường mọc rêu xanh và hiện tượng dán các giấy quảng cáo gây mất mỹ quan chung. Tuy tuổi cao và mắc nhiều bệnh nhưng với tâm huyết của một người luôn muốn đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống, bà Đinh Thị Ngân – thành viên chi hội phụ nữ chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt, làm việc cùng mọi người trong các phong trào ý nghĩa đã giúp tôi quên đi bệnh tật và tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao đến chừng nào còn có thể.” Trước những đóng góp ấy, Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 5 đã giành được nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền địa phương. Đồng thời, với những tâm huyết và tích cực của mình, bà Đào Thị Hẩu và bà Nguyễn Thị Hảo đã được Thành ủy Hà Nội trao tặng giấy khen “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô trong các năm 2017 và 2018. Ngọc Huyền

Hà Nội phát động Tháng Nhân đạo 2019

TĐKT – Sáng 5/5, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Chung sức vì nhân đạo” – phát động “Tháng Nhân đạo 2019” với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5, kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Toàn cảnh Lễ phát động Trong Tháng Nhân đạo năm 2019, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu hỗ trợ từ 7.000 đến 10.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp. Tại Lễ phát động, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội kêu gọi các cấp Hội Chữ thập đỏ trong toàn thành phố, các đơn vị, Chi hội trực thuộc tập trung huy động mọi nguồn lực, nhân lực trợ giúp hiệu quả những mảnh đời khó khăn. Từ đó, mang đến những niềm tin, niềm vui, sự khởi đầu mới cho những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự trợ giúp từ cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tặng quà hỗ trợ các tỉnh gặp nhiều khó khăn Ngay tại Lễ phát động, bước đầu Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã tiếp nhận được trên 15,3 tỷ đồng từ sự ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm. Trong đó, Chi hội Tán trợ chữ thập đỏ Tình người Hà Nội ủng hộ trên 7,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Ao Vua ủng hộ 150 triệu đồng; Trung tâm Anh ngữ Clever Learn Văn Quán tặng 100 suất học bổng trị giá 150 triệu đồng; Quỹ Thiện tâm - tập đoàn Vingroup hỗ trợ 1.000 suất thuốc trị giá 120 triệu đồng; Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, CLB Doanh nhân 9295, mỗi đơn vị ủng hộ 100 triệu đồng… Lãnh đạo Chi hội tán trợ chữ thập đỏ Tình người Hà Nội, tặng hơn 7,3 tỷ đồng xây nhà từ thiện, kinh phí mổ tim, tặng bảo hiểm y tế, xe đạp cho học sinh... Lễ phát động cũng chứng kiến nghĩa cử của nhóm bạn đồng niên 92 – 95 trao tặng Đức Anh, Đức Hiếu (con trai nữ công nhân môi trường tử vong do tai nạn giao thông) 215 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ phường Phương Liên quận Đống Đa, cũng đã trao tặng hai cháu 260 triệu đồng từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Cũng tại chương trình, Ban tổ chức đã phát động nhắn tin ủng hộ chương trình "Mái ấm nhân đạo cho hộ nghèo vùng biên cương". Mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ 20.000 đồng để giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng biên giới được hỗ trợ sinh kế hoặc hỗ trợ xây nhà. Phương Thanh

Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019

TĐKT - Ngày 3/5, tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Đảm bảo điều kiện và môi trường lao động lành mạnh là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần đảm bảo an toàn trong lao động, giảm và ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, khắc phục nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Năm 2018, toàn thành phố treo gần 6.000 banner, băng rôn, in hơn 140.000 tờ rơi, đăng tải hơn 100 tin, bài, phóng sự truyền hình có nội dung biểu dương những đơn vị làm tốt, phê phán những đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời, tổ chức tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho hàng triệu lượt người. Phong trào thi đua "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ" được các ngành, đơn vị, địa phương hưởng ứng. Nhờ đó, ý thức chủ động phòng, chống các nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc của người lao động ngày càng tăng lên. Số vụ việc và số người chết do tai nạn lao động nghiêm trọng có chiều hướng giảm. UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 8 tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác ATVSLĐ, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động thiệt hại về người và tài sản, tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã phát động Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2019 tới tất cả các cơ quan, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Theo đó, các đơn vị cần tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm như: Thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương đảng về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố về ATVSLĐ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019, Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố về ATVSLĐ; lồng ghép các chương trình chuyên đề, sự kiện nổi bật để có sức thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động quan tâm thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Các cơ quan, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần triển khai tốt công tác ATVSLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề. Người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ về ATVSLĐ; chủ động trang bị kiến thức, đánh giá, nhận diện rủi ro về ATVSLĐ để có biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ. Cũng tại buổi lễ, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cờ thi đua cho 2 đơn vị thuộc TP Hà Nội do có thành tích tốt trong phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ”. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Cờ thi đua cho 1 đơn vị, tặng Bằng khen cho 2 đơn vị do có thành tích tốt trong phong trào thi đua về ATVSLĐ năm 2018. UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 9 cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018. Thục Anh

Làm theo lời Bác dạy, Rạng Đông không ngừng tăng trưởng

TĐKT - Ngày 27/4, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức Lễ báo công, kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm công ty (28/4/1964 - 28/4/2019), đón nhận Bằng khen của Thành ủy Hà Nội và trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Thi đua làm theo lời Bác trong mọi công việc thường xuyên hàng ngày của tất cả mọi người”. Ôn lại những lời Bác dạy Đảng bộ và cán bộ, nhân viên (CBNV) công ty khi đến thăm Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông vào ngày 28/4/1964, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định: Các thế hệ người Rạng Đông luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ, coi đó là chuẩn mực giá trị chung trong cuộc sống cũng như công việc và trong đối nhân xử thế. Phong trào “ Thi đua làm theo lời Bác dạy” đã được tiến hành thực chất, thiết thực đều đặn và bài bản gần một phần ba thế kỷ ở đây, góp phần đưa Rạng Đông liên tục phát triển năm sau cao hơn năm trước; cuộc sống của mỗi người Rạng Đông ngày càng khấm khá, tốt đẹp hơn. Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng phát biểu tại buổi lễ Nếu lấy năm 2015 làm mốc, doanh thu của Rạng Đông đạt 2.660 tỷ đồng, mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng 8 - 10% thì năm 2018 đã đạt 3.621 tỷ đồng; năng suất lao động tính theo doanh thu/người/năm tăng từ 1,04 tỷ đồng năm 2015 lên 1.78 tỷ đồng năm 2018; thu nhập bình quân từ 10,5 triệu đồng năm 2015 lên 13,7 triệu đồng năm 2018; lợi nhuận thực hiện 126 tỷ đồng năm 2015 lên 259 tỷ đồng năm 2018. Hết quý I/2019, doanh thu lũy kế của Rạng Đông đã đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn điều lệ ban đầu của công ty chỉ có 79,5 tỷ, nay là 115 tỷ, vốn chủ sở hữu 500 tỷ… Đặc biệt, 7 năm gần đây Rạng Đông liên tục được Tổ chức báo cáo xếp hạng Việt Nam Report xếp trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, TOP 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, TOP 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, TOP 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng, TOP 100 doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực Quản trị tài chính tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam; được Forbes Việt Nam xếp TOP 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam.  Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông được tặng Bằng khen của Thành ủy Hà Nội Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng đã phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác dạy (2/5/2019 – 28/4/2020) trong toàn thể cán bộ, CNVC, lao động của công ty. Ông kêu gọi tất cả người Rạng Đông hãy bắt tay ngay vào hoạch định mục tiêu và chương trình hoạt động cho năm thi đua làm theo lời Bác dạy, quyết tâm biến mảnh đất - nơi sinh thời Bác Hồ từng đặt chân đến - phải là mảnh đất đơm hoa kết trái những giá trị nhân văn cao cả mà cả cuộc đời Bác đã dầy công giáo dục, vun đắp, dựng xây; quyết giữ vững truyền thống “ Phát triển để mãi mãi xứng danh Rạng Đông Anh hùng và có Bác Hồ ”, “ Thỏa lòng Bác mong ”. Các cá nhân, tập thể lao động có thành tích xuất sắc trong năm thi đua lập công dâng Bác được Công ty Rạng Đông khen thưởng Dịp này, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thành ủy Hà Nội và Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Công ty đã trao tặng Giấy khen cho các cá nhân, tập thể lao động có thành tích xuất sắc trong năm thi đua lập công dâng Bác. Mai Thảo

Người say nghề nuôi thú dữ

TĐKT - Người ta thường bảo “chớ dại mà vuốt râu hùm”, nhưng hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Quang Phúc, sinh năm 1970, tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ, Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1, Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội đã lựa chọn và gắn bó với công việc quản lý, chăm sóc và thuần dưỡng những con thú dữ, nhằm phục vụ cho nhiều du khách đến Thủ đô tham quan, học tập và vui chơi, giải trí. Chính thức bước chân vào nghề từ năm 1996, anh Nguyễn Quang Phúc trở thành người nuôi dạy các loại thú dữ như: Sư tử, hổ, gấu, vượn… với tất cả tâm huyết của một người yêu động vật. Mỗi ngày, anh Phúc đều đặn quan tâm và chăm sóc chúng một cách ân cần, cẩn thận. Anh đến chuồng thú khi chúng còn chưa ngủ dậy, để vệ sinh chuồng trại; vuốt ve, âu yếm từng con, như đang thể hiện tình cảm với những người thân thiết trong gia đình. Anh Nguyễn Quang Phúc đang trò chuyện với sư tử Để có thể thuần hóa những con thú, ngoài tìm đọc các nguồn tài liệu khác nhau về chúng, anh còn dành nhiều thời gian, kiên nhẫn ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ để nhìn chúng ăn, quan sát các hành động của chúng để nắm bắt rõ đặc tính ăn, ngủ, tính cách của mỗi loài. Đặc biệt, với kinh nghiệm của một người có hơn 20 năm trong nghề nuôi dạy, huấn luyện thú, anh Phúc còn có khả năng nhận biết tâm trạng của chúng một cách tài tình. Anh kể: “Mỗi sáng, khi đến các chuồng thú để bắt đầu làm việc, tôi đều quan sát cử chỉ, hành động của mỗi con. Khi phát hiện những con thú có tâm trạng không tốt, tôi hiểu rằng đó là khi nó cần đến mình để được vuốt ve, che chở. Tôi thường lại gần, gọi nó ra tận chấn song cửa để thủ thì, chuyện trò như hai người bạn”. Tuy nhiên, anh Phúc cho rằng, làm nghề này phải luôn cảnh giác và tuân thủ quy định an toàn tuyệt đối, vì chỉ cần bất cẩn một giây là tai nạn sẽ ập đến. Nhìn vào vết sẹo trên tay, anh Phúc nhớ lại lần bị thương khi cho hổ ăn cách đây 13 năm: Nguyên tắc cho thú ăn là phải đưa cả tảng thịt để chúng lấy răng xé. Khi đó, tôi cầm tảng thịt vứt qua cửa, nhưng miếng thịt bị kẹt ở chấn song nên tôi cố đẩy vào. Con hổ đói vồ nhanh như chớp, móng vuốt vô tình móc xuyên bàn tay phải của tôi. Nếu không có kinh nghiệm, một người giật mình, tay yếu, có thể bị hổ lôi vào chuồng, rất nguy hiểm. Tôi khi đó phải gồng hết sức, chấp nhận vết thương rách toạc để giật tay lại”. Sau 13 năm, vết sẹo trên tay anh Phúc đã mờ, không còn vết khâu. Với anh, công việc gắn bó với những con thú ở đây đã trở thành niềm vui mỗi ngày. Chị Hà Thu Phương, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 cho biết: Anh Phúc là người rất tận tụy với công việc, bất kể những việc gì khó khăn, nguy hiểm của vườn thú anh đều xung phong làm trước. Có lần địa phận Linh Đàm, quận Hoàng Mai phát hiện ra một loài khỉ mặt đỏ đến quậy phá nhà dân, theo sự phân công của cơ quan, anh Phúc đã đến và thu phục được loài thú này, đem về vườn nuôi của xí nghiệp, thuần dưỡng nó trở thành con vật quý hiếm phục vụ khách tham quan chiêm ngưỡng. Với trách nhiệm là tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ, anh Phúc thường xuyên hướng dẫn, trao đổi những kinh nghiệm trong công tác chăn nuôi động vật với tất cả anh chị em trong tổ bằng lòng nhiệt tình, tính đam mê, trái tim yêu nghề. Đồng thời, anh luôn nêu cao tầm quan trọng của việc áp dụng sáng kiến sáng tạo trong  công tác chăm sóc đàn thú dữ. Nhìn những khách tham quan nhí hào hứng bên những động vật trong vườn thú, những người làm nghề nuôi thú thêm yêu nghề Mong muốn thuần hóa thú nhưng vẫn phải giữ những đặc tính, bản năng của loài, anh thường nỗ lực tạo ra những hoạt động, môi trường tự nhiên cho thú. Cũng là một hoạt động cung cấp thức ăn, nhưng nhằm giữ bản năng săn mồi của các con thú, anh Phúc thường nghĩ ra các cách khác nhau như băm nhỏ thức ăn, giấu ở khắp nơi trong chuồng, có khi phải leo cao tới 5 – 6 mét để đảm bảo thú luôn hoạt động, tìm kiếm được thức ăn trong một ngày. Năm 2017, kết hợp với nhóm chuyên gia tình nguyện thuộc tổ chức động vật châu Âu, anh cùng đồng nghiệp đưa ra các hạng mục làm phong phú môi trường, quá trình thực hiện và đưa vào thực tế cho thấy những hạng mục trên có tương tác tốt với nhóm động vật. Tổ chức bảo vệ động vật châu Á đánh giá cao và khen thưởng cụ thể cho các cá nhân và tập thể trong nhóm mô hình. Đặc biệt các hạng mục đó đã được Vườn thú Yorrshire giới thiệu tới các vườn thú trên thế giới để làm hình mẫu. Với đặc thù của công việc, anh thường xuyên phải đến nơi làm việc gấp giữa đêm khuya. Mỗi khi thú ốm, tự anh vào chuồng đưa chúng đến nơi chữa trị; anh kê giường nằm sát cạnh cũi của từng con để tiện chăm sóc suốt thời gian chúng mang bệnh. Vào các dịp nghỉ lễ chung của cả nước, nhà nhà dắt nhau đi chơi, còn anh lại luôn túc trực ở vườn thú. Anh bảo: Dịp lễ tết, công việc của anh càng bận rộn hơn. Khách đến tham quan vườn thú rất đông, mặc dù đã có quy định không được xả rác tại vườn nuôi hay cho thú ăn những loại thức ăn không phù hợp nhưng vẫn có một bộ phận người chưa tuân thủ đúng các quy định, nên những người làm công tác chăm sóc thú như anh, ngoài việc căng mình để đảm bảo các hoạt động được an toàn, thông suốt còn phải vừa dọn dẹp, vừa nhắc nhở mọi người không vi phạm quy định. Sau mỗi dịp đó, công việc của anh đồng thời tăng lên bởi phải chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho con thú sau những ngày liên tục phục vụ khách tham quan.  Công việc quản lý, chăm sóc và thuần dưỡng những con thú dữ dù vất vả, luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhưng lại cho thu nhập không cao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phúc cho biết vợ anh là bác sĩ thú y cũng đang làm việc tại vườn thú này. Với mức lương được trả, hai vợ chồng anh phải bươn trải thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống. Nhưng sau tất cả, với sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình, sự quan tâm, đồng hành thường xuyên của lãnh đạo xí nghiệp, vợ chồng anh Phúc tiếp tục gắn bó với nghề bằng chính sự nhiệt huyết và say nghề. Ngọc Huyền

Phát động Tháng Công nhân 2019 trong đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô

TĐKT - Sáng 26/4, tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2019 và đợt thi đua cao điểm chào mừng 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019). Tới dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải; Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng một số đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và trên 800 công nhân, lao động (CNLĐ) đại diện cho gần 2,5 triệu CNVCLĐ trên địa bàn thành phố. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Tiếp nối những thành công của “Tháng Công nhân” trong 8 năm qua, LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức phát động “Tháng Công nhân” năm 2019 nhằm chăm lo mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cấp chính  quyền, huy động sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các công ty, doanh nghiệp trong công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát động đợt thi đua cao điểm Chủ tịch LĐLĐ thành phố đã phát động đợt thi đua cao điểm (từ ngày 1/5 - 31/7/2019) bằng các hoạt động hiệu quả, thiết thực. Để Tháng công nhân năm 2019 thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, thu hút sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân Việt Nam, tạo dấu ấn trong cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ và xã hội, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền khát vọng của người lao động về Ngày Quốc tế Lao động (1/5); ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động ở Việt Nam. Tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến CNLĐ, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X) và Chương trình số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Khóa XIV)  về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp. Đồng thời, tập trung quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ thông qua việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động nhất là chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đại diện thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo với CNLĐ; giữa người sử dụng lao động - công đoàn - người lao động theo Nghị định 149/NĐ-CP của Chính Phủ nhằm kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của CNLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Tuyến và Phó Chủ tịch UBND TP  Hà Nội Lê Hồng Sơn trao quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nư­ớc trong CNLĐ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về  tiếp tục “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nòng cốt là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; thực hành tiết kiệm, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành cạnh tranh với mục tiêu “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Thủ đô năm 2019. Đặc biệt, cần tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, về người lao động; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, tạo điều kiện để CNLĐ được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi; chăm lo đến đời sống việc làm của CNLĐ với tinh thần “quyền lợi đảm bảo phúc lợi tốt hơn”, đảm bảo “Mỗi Công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”. Phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2019, ông Yamazaki Takayuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam đánh giá cao vai trò của tổ chức công đoàn trong phát triển doanh nghiệp. Trong những năm qua, công ty đã phối hợp với tổ chức công đoàn thực thi các chế độ phúc lợi tốt cho người lao động. Trong chương trình, nhiều công nhân, lao động được tư vấn và khám sức khỏe miễn phí “Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ chức công đoàn luôn đồng hành và là cầu nối giữa cán bộ, công nhân viên, lao động với doanh nghiệp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” – ông Yamazaki Takayuki nhấn mạnh. Thay mặt công ty, ông Yamazaki Takayuki bày tỏ lòng biết ơn đối với các CNLĐ thời gian qua đã tích cực thi đua lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng để xây dựng doanh nghiệp vững mạnh. Ông hứa sẽ nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, cùng với tổ chức công đoàn xây đựng đội ngũ CNLĐ có tác phong lao động công nghiệp, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của công việc. Tại Lễ phát động, Công ty TNHH Tài chính MB Shinsel cũng tặng 200 suất quà cho CNLĐ bằng quạt điện (hiệu ASIA VINA) trị giá 350.000 đồng/chiếc và 500 hộp đựng giấy ăn cho các bếp ăn của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Tại chương trình, LĐLĐ TP Hà Nội đã tổ chức tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho công nhân, lao động. Mai Thảo

Sơn Hà Nội “trỗi dậy”, tái định vị thương hiệu

TĐKT - Ngày 24/4, tại Hà Nội, Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội chính thức công bố tái định vị thương hiệu với định hướng phát triển hoàn toàn mới đánh dấu mốc 60 năm xây dựng và đồng hành cùng những ngôi nhà Việt. Ra đời từ năm 1959, với kinh nghiệm quý giá, định hướng rõ ràng, Sơn Hà Nội nỗ lực kiến tạo nên những sản phẩm chất lượng và an toàn, mang khí sắc đất Việt nhằm phục vụ người Việt và vươn ra thế giới bằng tất cả sự tận tâm và niềm tự hào. Sơn Hà Nội được biết đến qua các sản phẩm sơn dầu mang nhãn hiệu CMC như sơn Alkyd, Epoxy, Acrylic, Polyurethane, sơn chịu nhiệt, cao su Clo hóa và các vật liệu phủ đặc biệt dành cho kim loại, gỗ… đang rất được người dùng ưa chuộng. Cùng với đó là sản phẩm sơn trang trí mang nhãn hiệu VEPA cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng. Sơn Hà Nội công bố hợp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu thế giới Ông Trần Tiến Bảy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội khẳng định: 60 năm qua, Sơn Hà Nội không ngừng nỗ lực phát triển và duy trì thương hiệu sơn lâu đời nhất tại thị trường miền Bắc, suốt từ những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế cho đến giai đoạn đổi mới. Tên tuổi Sơn Hà Nội gắn liền với nhiều công trình tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước: Cầu Thăng Long, Nhà khách Trung ương Đảng, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Bà Nà Hills… Hiện công ty đang có lực lượng gần 200 nhân sự, luôn đảm bảo các chính sách, quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ đang làm việc, gắn bó với công ty. Với nền tảng vững chắc, trong giai đoạn mới, Sơn Hà Nội đang nỗ lực khẳng định sự trỗi dậy ngoạn mục với tầm nhìn: Trở thành doanh nghiệp sản xuất sơn, chất phủ số một Việt Nam và hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trở thành niềm tự hào quốc gia vào năm 2030. Đại diện Sơn Hà Nội giới thiệu với khách hàng bộ sản phẩm mới Nhằm hiện thực hóa định hướng này, Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội đã có những động thái đầu tư mạnh tay từ nền tảng con người, công nghệ sản xuất đến hệ thống nhận diện thương hiệu. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của thương hiệu Việt trong hành trình định vị lại thị trường giữa cuộc đua sơn nội – sơn ngoại ngày càng trở nên khốc liệt. Theo đó, Sơn Hà Nội đã mở rộng sản xuất bằng việc khởi công thêm nhà máy thứ 2 với quy mô 30.000 m2 tại khu công nghiệp Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên vào 5/2019 tới. Đồng thời, đầu tư công nghệ sản xuất của Oliver Batlle và ABB - đây là các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ tự động, với mục tiêu đóng góp 30 triệu lít sơn và 10.000 tấn bột/năm vào thị trường tiêu thụ. Về con người, công ty mời các chuyên gia kỹ thuật và quản lý đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về làm việc với mục tiêu phát triển ngang tầm với các thương hiệu quốc tế. Ngoài các sản phẩm truyền thống mang nhãn hiệu CMC (sơn công nghiệp) và Vepa (sơn trang trí), Sơn Hà Nội đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất để cho ra đời sản phẩm sơn trang trí mang nhãn hiệu S’Hanoi dành cho phân khúc cao cấp, với nguồn nguyên liệu được nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu như DOWN, CONNEL BROS, BASF... đến từ châu Âu, Mỹ, Úc… Với định hướng này, Sơn Hà Nội đang nỗ lực chuyển mình trở thành thương hiệu sơn nội địa số 1 Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất. Trong giai đoạn phát triển mới, Sơn Hà Nội tiếp tục khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình bằng việc tái định vị thương hiệu bằng công nghệ bao bì tiên tiến in trong khuôn (IML) có chức năng siêu chống giả. Toàn bộ hệ thống sản phẩm của Sơn Hà Nội sẽ được quản lý bằng QR code, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đây là bước cải tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh, bảo vệ chất lượng sản phẩm và thương hiệu. Dấn thân vào ngành sơn từ năm 2005, với kiến thức và kinh nghiệm lĩnh hội được từ môi trường trong nước và quốc tế, từ tháng 3/2019, ông Trần Tiến Bảy đầu quân về Sơn Hà Nội với vai trò là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa chất Sơn Hà Nội. Ông tin tưởng rằng, với sự quyết tâm mang tầm chiến lược, Sơn Hà Nội chắc chắn “trỗi dậy”, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của một thương hiệu hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Mai Thảo – Hồng Thiết

Lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội xác lập kỷ lục Việt Nam

TĐKT - Chiều 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức công bố và trao bằng Kỷ lục Việt Nam “Lễ hội hoa anh đào đặc sắc với nhiều sự kiện và hoạt động mang giá trị nhân văn, cộng đồng nhất” cho Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế. Lễ hội hoa anh đào là sự kiện giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, du lịch thường niên được được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu gắn kết tình hữu nghị, là cầu nối để người dân hai nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Lễ hội hoa anh đào đã thực sự trở thành điểm hẹn của người dân Thủ đô và du khách vào mỗi dịp đầu Xuân. Sau năm 3 năm tổ chức thành công, Lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội năm 2019 được tổ chức với sự tài trợ toàn bộ của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - một đơn vị nhiều năm qua đã có những đóng góp to lớn thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa, đầu tư, du lịch giữa Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung và Nhật Bản. Lễ hội diễn ra từ ngày 29/3 - 2/4/2019 tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) đã thu hút trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước thăm quan, trải nghiệm. Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam và ông Dương Trung Quốc, Trường trực Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục cho công ty AIC, đơn vị sở hữu Kỷ lục. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa, AIC Group đã kết nối, hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với nhiều tỷ USD, tổ chức nhiều hội thảo, đưa các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam; chuyển giao các chương trình hỗ trợ giáo dục Việt Nam qua kênh VTV7 bởi các tổ chức giáo dục hàng đầu của Nhật Bản; hỗ trợ thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tiên tiến hiện đại của Nhật Bản, lần đầu được trang bị tại Việt nam có thể hoạt động cả địa hình trên cạn và dưới nước, là cầu nối ký kết nhiều hợp tác quan trọng trong lĩnh vực y tế như đưa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu của Nhật Bản vào Việt Nam để đào tạo, hỗ trợ các ca phẫu thuật hiểm nghèo. Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế bày tỏ: “Chúng tôi xin được cảm ơn Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã trao vinh dự rất lớn dành cho AIC Group, đây là món quà động viên tinh thần giúp chúng tôi tiếp tục thực hiện những chương trình có tính cộng đồng như vậy trong tương lai. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển một số hoạt động để tăng cường hơn nữa sự gắn bó, đoàn kết giữa Việt Nam và Nhật Bản." Thời gian qua, AIC Group cũng đã tiến hành đẩy mạnh hoạt động tặng điện thoại di động cài đặt phần mềm “9999 Hi vọng” dành tặng cho người khiếm thính, khiếm thanh tại Việt Nam. Hưng Vũ  

Trang