Kinh tế

VIETWATER 2018: Cơ hội tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại ngành nước

TĐKT - Sáng 24/10, tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp cùng Công ty UBM tổ chức họp báo Triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (VIETWATER 2018). Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang và Tổng Giám đốc UBM Việt Nam BT Tee chủ trì họp báo. Họp báo Triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam Diễn ra từ ngày 7/11 - 9/11/2018 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), VIETWATER 2018 đánh dấu chặng đường 10 năm đồng hành cùng ngành nước Việt Nam với tổng diện tích triển lãm 13.000 m2, thu hút hơn 500 đơn vị tham gia. Sự kiện năm nay hy vọng chào đón hơn 15000 khách, các chuyên gia đầu ngành cùng nhiều hiệp hội và tổ chức đến tham quan và mở rộng kết nối giao thương tại đây. Ông BT Tee, Tổng Giám đốc UBM Việt Nam cho biết: Sự kiện năm nay thu hút 13 nhóm gian hàng quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển về ngành nước như Anh, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Đức, Úc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Qua nhiều năm, VIETWATER đã khẳng định được uy tín khi số lượng đơn vị triển lãm quay lại qua các năm gia tăng, với những thương hiệu lớn: Tsurumi Pump, KSB, Haus, Tân Á Đại Thành, Tabuchi, Sawatech, Setfil, Vucico... Trong khuôn khổ triển lãm, Hội thảo quốc tế Vietwater2018 với chủ đề "Ngành nước Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" sẽ diễn ra vào sáng 8/11 với sự chủ trì của Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng các giải pháp quản lý nước thông minh từ các diễn giả quốc tế vào việc điều hành doanh nghiệp của mình hiệu quả hơn trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Cao Lại Quang phát biểu tại họp báo Nét mới của triển lãm năm nay là giới thiệu thêm mảng công nghệ xử lý chất thải và môi trường, với kỳ vọng mang đến nhiều hơn những sản phẩm công nghệ và thiết bị ứng dụng trong ngành xử lý chất thải và môi trường: Công nghệ đốt rác phát điện của JFE từ Nhật; công nghệ sản xuất năng lượng bền vững từ chất thải của BMH (Phần Lan); công nghệ khí hóa hỗn hợp đa nhiên liệu phát điện; công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt... Hội thảo khoa học chuyên đề với tên gọi "Công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam", do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam chủ trì dưới sự phối hợp của Công ty UBM, diễn ra vào chiều 7/11. Tại đây, các chuyên gia sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thú vị trong lĩnh vực xử lý chất thải và môi trường. Ngoài ra, với mục đích đóng góp nhiều hơn cho xã hội, bên lề triển lãm, Công ty UBM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội nước Úc và UBND tỉnh Sơn La xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nước sạch cho người dân nghèo tại khu vực vùng cao của tỉnh Sơn La. Điểm đặc biệt của thiết bị xử lý này chính là được thiết kế sử dụng động cơ xe đạp, không sử dụng động cơ điện như các thiết bị xử lý nước thông thường. Điều này phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân trong khu vực nông thôn, không tốn nhiều kinh phí và không tốn nhiều năng lượng. Thêm vào đó, thiết bị được đánh giá cao tính hữu dụng vào những thời điểm như thiên tai và nguồn năng lượng điện không được cung cấp. Với thiết bị xử lý nước bằng động cơ xe đạp này, sẽ có hơn 10000 lít nước sạch được mang đến cho người dân mỗi ngày. Đây là một hoạt động ý nghĩa to lớn và đóng góp nhiều lợi ích tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là những người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Phương Thanh

Làm rõ vụ Posco SS Vina nhập khẩu phế liệu để buôn lậu phụ tùng ô tô

TĐKT- Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Cục Kiểm định Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép) điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm của Công ty TNHH Posco SS Vina, địa chỉ: Đường N1, KCN Phú Mỹ 2, Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể: Ngày 14/9, Công ty TNHH Posco mở tờ khai nhập khẩu số 102222619220/A11 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép. Theo khai báo, hàng nhập khẩu là phế liệu, mảnh vụn sắt, thép (steel scrap, base on JSRI) đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 31: 2010/BTNMT. Lô hàng gồm 5 container, có tổng trọng lượng 122.680 kg thuộc vận đơn số 230818965808552 được vận chuyển trên tàu MAERSK EUPHRATES từ cảng Melbourne - Úc về Việt Nam ngày 11/9/2018. Lô hàng trên được Công ty TNHH Posco SS Vina mua của đối tác là Công ty STAMCORP INTERNATIONAL PTE.LTD có địa chỉ trụ sở tại 180 đường Cecil #09-02 Bankok Bank Buiding Singapore 069546. Qua kiểm tra thực tế, Chi cục kiểm định Hải quan 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép phát hiện: 3/5 container thuộc lô hàng, ngoài phế liệu sắt, thép còn có hàng mới chưa qua sử dụng, nghi vấn là phụ tùng ô tô. Cơ quan Hải quan phát hiện trong container chứa nhiều lô hàng phụ tùng ô tô mới chưa qua sử dụng Tiếp đó, ngày 26/9, Công ty TNHH Posco tiếp tục mở tờ khai hải quan số 102241719050/A11 để nhập khẩu phế liệu sắt, thép cũng từ công ty nêu trên. Lô hàng có tổng trọng lượng 240,11 TNE gồm 10 container, được tàu RIO DE JANEIRO vận chuyển từ cảng Melbourne - Úc về Việt Nam ngày 25/9/2018. Qua kiểm tra thực tế, Chi cục kiểm định Hải quan 3 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép lại tiếp tục phát hiện 1/10 container của lô hàng, ngoài hàng hóa là phế liệu sắt, thép còn có một số kiện được đóng gói, cuốn nylon để ở phía cuối container là các loại ốc vít được đóng nguyên trong hộp, còn nguyên nhãn, mác chưa qua sử dụng. Một số ốc vít bị vỡ hộp vương vãi trong container. Trước diễn biến vụ việc nêu trên, Cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 7) Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép giám sát chặt chẽ lô hàng; thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để xác định rõ về tên hàng, số lượng, chất lượng, chủng loại, mã số, trị giá của số hàng hóa nghi vấn; rà soát các container còn tại cảng mà người nhận hàng đứng tên trên vận tải đơn là Công ty TNHH Posco SS Vina. Kết quả, qua công tác phân loại sơ bộ, cho đến nay xác định: Tổng số 4 container nêu trên (3 container số HASU 4191600, MRSU 3814603, TCNU 6490451 thuộc tờ khai hải quan số 102222619220/A11 ngày 14/9/2018; container số MRKU 5045573 thuộc tờ khai hải quan 102241719050/A11 ngày 26/9/2018) có tổng số 26 pallet (kích thước 0,7m x 1m x 1,1m) còn nguyên vẹn trên đó là các hộp các - tông bên trong chứa hàng hóa được xác định là phụ tùng ôtô (ốc vít, đĩa phanh xe ô tô các loại) còn nguyên vỏ hộp, nhãn mác, phiếu hướng dẫn kèm theo, các pallet được cuốn nylon bảo vệ bên ngoài. Một số, do các thùng các - tông bị vỡ nên đã được thu gom và để theo từng container. Toàn bộ số hàng hoá trên đã được niêm phong và được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép bảo quản tại bãi kiểm hoá của cảng CMIT. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ. La Giang

Quản trị từ vạch xuất phát để doanh nghiệp khởi nghiệp đi đến thành công

TĐKT - Nhằm mục đích hỗ trợ cho cộng đồng các nhà startup phát triển và quản trị doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khởi sự, tối 17/10, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp sáng tạo – Quản trị từ vạch xuất phát”. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây, số lượng DN thành lập mới ở Hà Nội ngày càng tăng, trung bình mỗi năm khoảng 20.000 DN mới. Tuy nhiên, số DN khởi nghiệp thành công và DN startup gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,1% tổng số DN khởi nghiệp. Tại Hội thảo, các nhà đầu tư thành danh đã chia sẻ góc nhìn về những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn dự án khởi nghiệp và cách thức quản trị doanh nghiệp bền vững. Họ chỉ ra rằng: Điều quan trọng nhất của DN khởi sự kinh doanh chính là: Xây dựng chiến lược và đội ngũ nhân sự, tư vấn xây dựng hệ thống bán hàng và hệ thống thương hiệu, khai thác thị trường hiệu quả. Hội thảo “Khởi nghiệp sáng tạo – Quản trị từ vạch xuất phát” Theo TS. Hoàng Trung Dũng - Chủ tịch Học viện chiến lược và nhân sự Kingsman: Với các startup, ngoài quản trị về vốn, đối tác thì vấn đề quản trị nguồn nhân sự là rất quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều startup đã không thành công vì không giữ được nguồn lực để quản trị cho DN mình hoạt động. Do đó, dựa trên cơ sở của từng DN, Học viện có những đào tạo cụ thể để hỗ trợ cho DN startup có thể phát triển bền vững. Quản trị nhân sự là yếu tố sống còn của DN, ngay trong giai đoạn đầu phải đào tạo được đội ngũ kế cận, có chính sách giữ lại nhân tài, đặc biệt là đội ngũ chủ chốt có trình độ. “Nếu chỉ ăn cắp ý tưởng của nhau, chỉ thay đổi tên công ty một chút, tôi tin chắc chắn sẽ không thể tồn tại và chẳng bao giờ sản phẩm được thị trường đón nhận” . Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, khâu quan trọng là từ khi startup cần có sự hỗ trợ của các trung tâm, vườn ươm. Đặc biệt, là các DN khi bắt đầu startup đang còn thiếu vốn, kinh nghiệm, quản trị DN… Thông qua Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN nhỏ và vừa, các startup luôn nhận được sự hỗ trợ về vốn, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, tư vấn các vấn đề liên quan đến startup. Đặc biệt, Hiệp hội cũng ra đời Hanoisme Ecomerce Co-working với mục đích hỗ trợ tối đa các DN, cá nhân startup trên địa bàn Hà Nội… Đây chính là điểm đến cho các DN có được những thông tin cần thiết, trong đó có cách quản trị. Không chỉ được các chuyên gia tư vấn, giải đáp trực tiếp, Hội thảo còn mang đến cơ hội liên kết phát triển kinh doanh với mạng lưới khởi nghiệp DN. Mai Thảo

Lần thứ hai triển lãm về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Quảng cáo và Triển lãm Minh Vi (VEAS, Việt Nam) và Công ty Nova Exhibitions BV (Hà Lan) họp báo giới thiệu Triển lãm và Hội nghị quốc tế lần thứ hai về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam 2019). Họp báo giới thiệu về triển lãm Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 13 – 15/3/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh. HortEx Vietnam 2018 đã thành công ngay từ lần đầu tiên tổ chức với 110 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia trên khắp thế giới và hơn 4.530 lượt khách tham quan thương mại đến từ nhiều nước: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippine, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Ban tổ chức đã nhận được sự đánh giá tích cực của các đơn vị tham gia. Trên 92% số doanh nghiệp cho rằng HortEx Vietnam 2018 đã đạt được kỳ vọng của họ và trên 50% số doanh nghiệp đã đăng ký tiếp tục tham gia triển lãm năm 2019. Được khích lệ từ những thành công ban đầu đó, Ban tổ chức đã quyết định tăng diện tích triển lãm lên gấp đôi và đa dạng hóa các lĩnh vực cho HortEx Vietnam 2019, với quy mô khoảng 250 doanh nghiệp trưng bày, đến từ 22 quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu và sự tin tưởng của khách hàng Việt Nam và quốc tế. HortEx Vietnam 2019 tiếp tục nhận được sự ủng hộ thiết thực của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Lâm Đồng (TIPC), Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và các tổ chức chuyên ngành khác. HortEx Vietnam là cầu nối, là điểm hẹn thương mại giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp địa phương và quốc tế trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến hoa, rau, quả. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất khu vực Đông Nam Á và ngành trồng trọt, chế biến hoa, rau, quả là một trong những ngành hứa hẹn nhất. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã thu về 1.62 tỷ USD từ việc xuất khẩu trái cây và rau củ trong 5 tháng đầu năm 2018, tăng 16,54% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Phương Thanh

Lực lượng hải quan phát hiện 13 sừng tê giác vận chuyển qua đường hàng không

TĐKT - Ngày 12/10, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc (Đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu) đã tiến hành kiểm tra một kiện hàng 53 kg, phát hiện gần 34 kg sừng tê giác vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam. Lô hàng có vận đơn 157 JNB 40888374, được vận chuyển trên chuyến bay số hiệu QR 8954 của hãng hàng không Quatar Airway, từ Nam Phi quá cảnh qua Doha về Việt Nam ngày 4/10/2018. Lực lượng chức năng phát hiện 13 sừng tê giác Trước đó, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát hải quan, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (thuộc Cục Hải quan Hà Nội) đã phát hiện một kiện hàng carton có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng Hải quan sau đó đã tiến hành soi chiếu các thùng hàng. Kết quả soi chiếu cho thấy, hàng hóa bên trong các kiện hàng có nghi vấn là sản phẩm động vật. Người gửi hàng trên vận đơn là một công ty ở Nam Phi có tên EXQUISITE GLOBAL SIPPING& LOGISTICS SUITE 101 KEMPTON PARK JOHANNESBURG SOUTH AFRA; người nhận hàng đứng tên trên vận đơn là một cá nhân có tên Trương Văn Nam, địa chỉ: Sóc Sơn, Hà Nội (đã từ chối nhận hàng). Trong sáng nay, với sự chứng kiến của đại diện kho hàng, Hãng hàng không Quatar Airway và những người có liên quan, các lực lượng chức năng đã tiến hành mở kiểm tra thùng hàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong kiện hàng chứa 13 sừng tê giác và các sản phẩm. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành lấy mẫu tang vật giám định chủng loài và cân xác định trọng lượng số tang vật chứa trong kiện hàng trên. Hiện nay, thực hiện Công ước Cites, cơ quan Hải quan tăng cường kiểm soát ngăn chặn, phát hiện hành vi đối với vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã dùng mọi thủ đoạn vận chuyển tinh vi để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi vận chuyến trái phép hàng hóa là động vật, thực vật hoang dã đã thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Cities (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) là Hiệp định giữa các Chính phủ. Công ước Cities được thiết lập nhằm mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã một cách bền vững, đảm bảo rằng hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên. Đây là vụ phát hiện, thu giữsản phẩm động vật hoang dã thứ hai bị lực lượng hải quan phát hiện vận chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài trong tháng 9 và tháng 10/2018. Trước đó, ngày 29/9, lực lượng hải quan cũng đã phát hiện thu giữ gần 1 tấn ngà voi, sản phẩm ngà voi và vẩy tê tê vận chuyển qua đường hàng không từ Nigeria về sân bay quốc tế Nội Bài. La Giang

Thúc đẩy thị trường liên kết, tiêu thụ nông sản Việt

TĐKT – Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”. Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) phối hợp thực hiện. Toàn cảnh Diễn đàn Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các lãnh đạo địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 được bình chọn trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Có một thực tế rất rõ đến Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cũng phải công nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, ví dụ như đến tháng 4/2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khai mạc Diễn đàn Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam càng càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng… Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc được mùa mất giá, các cấp, các ngành và xã hội liên tục kêu gọi giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, thịt lợn… Trên cơ sở đó, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III tập trung thảo luận, chia sẻ theo 3 phiên đối thoại chính: “Tổng quan chợ nông sản Việt”; “Cùng nông dân đi chợ”; “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu lên hàng loạt những câu hỏi nóng dành cho các thành viên Chính phủ, chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan chức năng liên quan về những vấn đề: Xây dựng chất lượng, hình ảnh cho nông sản Việt; phát triển thị trường, xu thế trong thời gian tới; giảm chi phí và giá thành trong sản xuất, cắt bỏ các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; chính sách ứng phó với xu hướng bảo hộ nông sản của nước nhập khẩu... Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô và nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm 2018. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỷ lục, nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình: Mùa vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng nơi thừa nơi thiếu do thiếu tính liên kết của thị trường. Kết nối giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ hiện là một trong những điểm yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Do vậy, chúng ta cần phải sớm khắc phục, tháo gỡ vấn đề này. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần chú trọng đến việc gia tăng chế biến các sản phẩm nông sản để tăng giá trị. Phó Thủ tướng Chính phủ tin rằng, với hai vấn đề cốt lõi đã chỉ ra trong diễn đàn này là thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết, nông nghiệp của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. "Chính phủ xin hứa với bà con nông dân sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, đi chợ cùng bà con nông dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phương Thanh

Ngành Hải quan nỗ lực thi đua nước rút

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh thi đua nước rút , phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là vấn đề thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu NSNN đạt 225.116 tỷ đồng, đạt 79,54% dự toán, đạt 76,83% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,21% so với cùng kỳ 2017. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 352,33 tỷ USD, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 179,36 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 172,97 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của Cục Thuế XNK -Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK có thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 79,42 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch NK có thuế đạt 74,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do năm 2018 là năm có ảnh hưởng sâu rộng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên giảm thu trong 8 tháng đầu năm khoảng 17.900 tỷ đồng, số thu từ thuế NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt trong 9 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Nhờ kim ngạch NK tăng mạnh (15%) nên thuế GTGT tăng mạnh (12,53%) so với cùng kỳ năm 2017 làm cho tổng thu NSNN vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017. Lực lượng Hải quan tiến hành kiểm tra các lô hàng tại Cửa khẩu Bờ Y – tỉnh Kon Tum Một nguyên nhân khác khiến số thu 9 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2017 là do tăng thu từ mặt hàng xăng dầu và dầu thô NK. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng xăng dầu NK đạt 25.381 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng so với dự toán, tăng 4.776 tỷ đồng, tương đương tăng 23,53% so với cùng kỳ năm trước. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng dầu thô NK đạt 3.672 tỷ đồng, giảm 1.348 tỷ đồng so với dự toán, tăng 2.677 tỷ đồng, tương đương tăng 269% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu của 2 mặt hàng này đạt 29.053 tỷ đồng, tăng 7.424 tỷ đồng, tương đương tăng 34,32% so với cùng kỳ năm trước. Tăng thu từ 2 mặt hàng này tương đương 18.100 tỷ đồng so với dự toán. Số thu từ hàng hóa khác đạt 196.063 tỷ đồng, tăng 3.729 tỷ đồng (tương đương tăng 1,93%) so với cùng kỳ năm trước (192.334 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã nỗ lực, phấn đấu trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018. Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/1/2018 triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN tới từng cục hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời tham mưu ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ: Quyết định số 866/QĐ-TCHQ ngày 23/3/2018 về việc giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2018; Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa XNK. Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 19-2018/NQ-CP (hiện nay số lượng các ngân hàng tham gia phối hợp thu đã tăng lên là 38 ngân hàng, trong đó có 22 ngân hàng đã thực hiện triển khai thí điểm Ngân hàng nộp thuế điện tử 24/7-PV). Tính từ 16/08/2018 đến 15/09/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 1.387 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 223 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 35,411 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 7 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ. Lũy kế từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 12.069 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; số thu NSNN đạt 240,093 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã ban hành 48 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố: 68 vụ. Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác định trị giá, phân loại, xuất xứ hàng hóa và tích cực kiểm tra các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định. Vì vậy, tiếp tục kiên trì với các giải pháp chống thất thu từ đầu năm đã đề ra là giải pháp quan trọng để ngành Hải quan hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao. Trong đó, những giải pháp cụ thể là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế. Đồng thời, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu. 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan chủ yếu tập trung thực hiện các nội dung trọng điểm: Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý chuyên ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước. Tiếp tục rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Thứ hai, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK: Loại bỏ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quy định đối tượng miễn kiểm tra chuyên ngành; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành (trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, phương pháp kiểm tra); ban hành danh mục hàng hóa chuyên ngành kèm mã số hồ sơ; điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp... Cuối cùng là xây dựng trình thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm áp dụng Cơ chế Bảo lãnh thông quan, lựa chọn phạm vi bảo lãnh. Hồng Thiết

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018

TĐKT - Ngày 10/10, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Họp báo giới thiệu chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018). Với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 - Kết nối toàn cầu", Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018 sẽ diễn ra từ 25/11 - 29/11 tại Đà Nẵng. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước… rút ngắn con đường đến với thành công. Quang cảnh buổi họp báo Dự kiến sẽ có 200 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm, với 4.500 người tham dự các chuỗi hoạt động: Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" qua 11 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của 100 thanh niên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; Cuộc thi Khởi nghiệp Techfest 2018 dành cho các startup khởi nghiệp trong và ngoài nước; Diễn đàn đối thoại chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực; Hội nghị giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; phiên kết nối đầu tư và phát triển kết nối đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự kiến ngày 29/11, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với các thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Techfest 2018 cũng sẽ đi sâu vào các chuyên đề phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, tài chính, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Mai Thảo

Xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công

TĐKT - Chiều 5/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (dự án BT)”. Phó Chánh Văn phòng Ngô Chí Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh chủ trì buổi họp báo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh cho biết, căn cứ Điều 6, Khoản 3, Khoản 4 Điều 13, Điều 40, Điều 44, Điều 62, Điều 66, Điều 68, Điều 87, Điều 117 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về việc Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công (đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và thực hiện Quyết định số 1357/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây Dựng - Chuyển giao. Sau đó, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ban hành Nghị định. Đồng thời dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì các cuộc họp về việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định. Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh tại buổi họp báo Đến nay các công việc đã được đã triển khai như sau: Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao; việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ (cấp ban hành văn bản quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT). Cùng với đó, Bộ Tài Chính đã  thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành. Đây là văn bản hướng dẫn, lưu ý các bộ, địa phương thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ  về mục tiêu đúng theo nghị quyết của Chính phủ (không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án đã ký kết hợp đồng BT), để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư, Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định chi tiết. Phạm vi điều chỉnh là các dự án đã ký kết hợp đồng BT, phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ. Việc thanh toán phải bảo đảm nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công sử dụng để thanh toán được xác định theo giá thị trường. Trong đó, giá đất cụ thể để thanh toán được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai, do UBND cấp tỉnh quyết định. La Giang

Cục Hải quan Đà Nẵng chủ trì bắt giữ khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi

TĐKT - Cục Hải quan Đà Nẵng vừa bắt giữ một container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, ngoài ra còn có khoảng 200 bao chứa phế liệu nhựa đã qua sử dụng, được vận chuyển từ Nigeria về Đà Nẵng. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 4/10, Cục Hải quan Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), lực lượng chuyên trách về chống tội phạm ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tiến hành khám xét một container gồm các lô hàng có nghi vấn chứa hàng cấm. Cục Hải quan Đà Nẵng bắt giữ  6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi Kết quả ban đầu phát hiện trong container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, trọng lượng (chưa cân cụ thể) khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Ngoài ra còn có khoảng 200 bao chứa phế liệu nhựa đã qua sử dụng. Đây là vụ bắt giữ ngà voi và vảy tê tê lớn nhất cả nước kể từ đầu năm 2018 đến nay và nhiều năm gần đây. Trước đó,  ngày 24/9, qua công tác thu thập, phân tích thông tin, Cục Hải quan Đà Nẵng đã xác định 1 lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu nghi vấn chứa hàng cấm dự kiến về cảng Tiên Sa Đà Nẵng vào đêm ngày 28/9/2018. Cụ thể, số container: MSKU 0147717 thuộc vận tải đơn số 770655775 - Lô hàng chưa mở tờ khai; hành trình: Nigeria - Đà Nẵng; tàu vận chuyển: Linda Via IMO 9122345. Tên hàng theo khai báo trên emanifest là nhựa cắt mảnh mới (New plastic PETS). Doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu trên vận đơn là Công ty TNHH Thiên Trường Sử (xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Ngay sau khi nắm bắt được thông tin nêu trên, Cục Hải quan Đà Nẵng cho lập chuyên án lấy bí số HQ-CA-BP 2018 do cơ quan Hải quan chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng để điều tra, bắt giữ lô hàng này. Ngày 29/9, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành soi chiếu trước lô hàng trong quá trình xếp dỡ. Qua hình ảnh soi chiếu bằng máy soi container cho thấy trong container chứa một lượng lớn hàng khác lạ nghi là ngà voi, vảy tê tê và một hàng khác chưa xác định. Hiện tại, Cục Hải quan Đà Nẵng đang chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan để tiếp tục hoàn tất việc kiểm tra, khám xét đối với lô hàng. Căn cứ thẩm quyền của cơ quan Hải quan theo pháp luật tố tụng hình sự, Cục Hải quan Đà Nẵng củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án sau đó chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định. La Giang  

Trang