Kinh tế

Lực lượng hải quan phát hiện 13 sừng tê giác vận chuyển qua đường hàng không

TĐKT - Ngày 12/10, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc (Đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu) đã tiến hành kiểm tra một kiện hàng 53 kg, phát hiện gần 34 kg sừng tê giác vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam. Lô hàng có vận đơn 157 JNB 40888374, được vận chuyển trên chuyến bay số hiệu QR 8954 của hãng hàng không Quatar Airway, từ Nam Phi quá cảnh qua Doha về Việt Nam ngày 4/10/2018. Lực lượng chức năng phát hiện 13 sừng tê giác Trước đó, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát hải quan, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (thuộc Cục Hải quan Hà Nội) đã phát hiện một kiện hàng carton có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng Hải quan sau đó đã tiến hành soi chiếu các thùng hàng. Kết quả soi chiếu cho thấy, hàng hóa bên trong các kiện hàng có nghi vấn là sản phẩm động vật. Người gửi hàng trên vận đơn là một công ty ở Nam Phi có tên EXQUISITE GLOBAL SIPPING& LOGISTICS SUITE 101 KEMPTON PARK JOHANNESBURG SOUTH AFRA; người nhận hàng đứng tên trên vận đơn là một cá nhân có tên Trương Văn Nam, địa chỉ: Sóc Sơn, Hà Nội (đã từ chối nhận hàng). Trong sáng nay, với sự chứng kiến của đại diện kho hàng, Hãng hàng không Quatar Airway và những người có liên quan, các lực lượng chức năng đã tiến hành mở kiểm tra thùng hàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong kiện hàng chứa 13 sừng tê giác và các sản phẩm. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành lấy mẫu tang vật giám định chủng loài và cân xác định trọng lượng số tang vật chứa trong kiện hàng trên. Hiện nay, thực hiện Công ước Cites, cơ quan Hải quan tăng cường kiểm soát ngăn chặn, phát hiện hành vi đối với vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã dùng mọi thủ đoạn vận chuyển tinh vi để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi vận chuyến trái phép hàng hóa là động vật, thực vật hoang dã đã thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Cities (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) là Hiệp định giữa các Chính phủ. Công ước Cities được thiết lập nhằm mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã một cách bền vững, đảm bảo rằng hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên. Đây là vụ phát hiện, thu giữsản phẩm động vật hoang dã thứ hai bị lực lượng hải quan phát hiện vận chuyển qua sân bay quốc tế Nội Bài trong tháng 9 và tháng 10/2018. Trước đó, ngày 29/9, lực lượng hải quan cũng đã phát hiện thu giữ gần 1 tấn ngà voi, sản phẩm ngà voi và vẩy tê tê vận chuyển qua đường hàng không từ Nigeria về sân bay quốc tế Nội Bài. La Giang

Thúc đẩy thị trường liên kết, tiêu thụ nông sản Việt

TĐKT – Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”. Báo Nông thôn Ngày nay/ Báo điện tử Dân Việt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) phối hợp thực hiện. Toàn cảnh Diễn đàn Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các lãnh đạo địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 được bình chọn trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Có một thực tế rất rõ đến Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cũng phải công nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, ví dụ như đến tháng 4/2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khai mạc Diễn đàn Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam càng càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng… Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc được mùa mất giá, các cấp, các ngành và xã hội liên tục kêu gọi giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, thịt lợn… Trên cơ sở đó, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III tập trung thảo luận, chia sẻ theo 3 phiên đối thoại chính: “Tổng quan chợ nông sản Việt”; “Cùng nông dân đi chợ”; “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu lên hàng loạt những câu hỏi nóng dành cho các thành viên Chính phủ, chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan chức năng liên quan về những vấn đề: Xây dựng chất lượng, hình ảnh cho nông sản Việt; phát triển thị trường, xu thế trong thời gian tới; giảm chi phí và giá thành trong sản xuất, cắt bỏ các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; chính sách ứng phó với xu hướng bảo hộ nông sản của nước nhập khẩu... Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô và nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm 2018. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỷ lục, nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình: Mùa vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng nơi thừa nơi thiếu do thiếu tính liên kết của thị trường. Kết nối giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ hiện là một trong những điểm yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Do vậy, chúng ta cần phải sớm khắc phục, tháo gỡ vấn đề này. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần chú trọng đến việc gia tăng chế biến các sản phẩm nông sản để tăng giá trị. Phó Thủ tướng Chính phủ tin rằng, với hai vấn đề cốt lõi đã chỉ ra trong diễn đàn này là thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết, nông nghiệp của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. "Chính phủ xin hứa với bà con nông dân sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, đi chợ cùng bà con nông dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phương Thanh

Ngành Hải quan nỗ lực thi đua nước rút

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh thi đua nước rút , phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là vấn đề thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu NSNN đạt 225.116 tỷ đồng, đạt 79,54% dự toán, đạt 76,83% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 5,21% so với cùng kỳ 2017. Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 352,33 tỷ USD, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 179,36 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 172,97 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của Cục Thuế XNK -Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK có thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 79,42 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch NK có thuế đạt 74,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do năm 2018 là năm có ảnh hưởng sâu rộng từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên giảm thu trong 8 tháng đầu năm khoảng 17.900 tỷ đồng, số thu từ thuế NK, thuế Tiêu thụ đặc biệt trong 9 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Nhờ kim ngạch NK tăng mạnh (15%) nên thuế GTGT tăng mạnh (12,53%) so với cùng kỳ năm 2017 làm cho tổng thu NSNN vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017. Lực lượng Hải quan tiến hành kiểm tra các lô hàng tại Cửa khẩu Bờ Y – tỉnh Kon Tum Một nguyên nhân khác khiến số thu 9 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2017 là do tăng thu từ mặt hàng xăng dầu và dầu thô NK. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng xăng dầu NK đạt 25.381 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng so với dự toán, tăng 4.776 tỷ đồng, tương đương tăng 23,53% so với cùng kỳ năm trước. Số thu 9 tháng đầu năm của mặt hàng dầu thô NK đạt 3.672 tỷ đồng, giảm 1.348 tỷ đồng so với dự toán, tăng 2.677 tỷ đồng, tương đương tăng 269% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu của 2 mặt hàng này đạt 29.053 tỷ đồng, tăng 7.424 tỷ đồng, tương đương tăng 34,32% so với cùng kỳ năm trước. Tăng thu từ 2 mặt hàng này tương đương 18.100 tỷ đồng so với dự toán. Số thu từ hàng hóa khác đạt 196.063 tỷ đồng, tăng 3.729 tỷ đồng (tương đương tăng 1,93%) so với cùng kỳ năm trước (192.334 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đã nỗ lực, phấn đấu trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018. Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ ngày 26/1/2018 triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN tới từng cục hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời tham mưu ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ: Quyết định số 866/QĐ-TCHQ ngày 23/3/2018 về việc giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2018; Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa XNK. Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 19-2018/NQ-CP (hiện nay số lượng các ngân hàng tham gia phối hợp thu đã tăng lên là 38 ngân hàng, trong đó có 22 ngân hàng đã thực hiện triển khai thí điểm Ngân hàng nộp thuế điện tử 24/7-PV). Tính từ 16/08/2018 đến 15/09/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 1.387 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 223 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 35,411 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 7 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ. Lũy kế từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng 12.069 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; số thu NSNN đạt 240,093 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã ban hành 48 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố: 68 vụ. Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác định trị giá, phân loại, xuất xứ hàng hóa và tích cực kiểm tra các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế theo quy định. Vì vậy, tiếp tục kiên trì với các giải pháp chống thất thu từ đầu năm đã đề ra là giải pháp quan trọng để ngành Hải quan hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao. Trong đó, những giải pháp cụ thể là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế. Đồng thời, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính theo qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu. 3 tháng cuối năm, ngành Hải quan chủ yếu tập trung thực hiện các nội dung trọng điểm: Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý chuyên ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước. Tiếp tục rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Thứ hai, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK: Loại bỏ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quy định đối tượng miễn kiểm tra chuyên ngành; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành (trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, phương pháp kiểm tra); ban hành danh mục hàng hóa chuyên ngành kèm mã số hồ sơ; điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp... Cuối cùng là xây dựng trình thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm áp dụng Cơ chế Bảo lãnh thông quan, lựa chọn phạm vi bảo lãnh. Hồng Thiết

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018

TĐKT - Ngày 10/10, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Họp báo giới thiệu chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018). Với chủ đề "Khởi nghiệp sáng tạo 4.0 - Kết nối toàn cầu", Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2018 sẽ diễn ra từ 25/11 - 29/11 tại Đà Nẵng. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước… rút ngắn con đường đến với thành công. Quang cảnh buổi họp báo Dự kiến sẽ có 200 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm, với 4.500 người tham dự các chuỗi hoạt động: Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" qua 11 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của 100 thanh niên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; Cuộc thi Khởi nghiệp Techfest 2018 dành cho các startup khởi nghiệp trong và ngoài nước; Diễn đàn đối thoại chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực; Hội nghị giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; phiên kết nối đầu tư và phát triển kết nối đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự kiến ngày 29/11, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với các thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Techfest 2018 cũng sẽ đi sâu vào các chuyên đề phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, tài chính, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Mai Thảo

Xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công

TĐKT - Chiều 5/10, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề “Về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (dự án BT)”. Phó Chánh Văn phòng Ngô Chí Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh chủ trì buổi họp báo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh cho biết, căn cứ Điều 6, Khoản 3, Khoản 4 Điều 13, Điều 40, Điều 44, Điều 62, Điều 66, Điều 68, Điều 87, Điều 117 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về việc Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công (đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và thực hiện Quyết định số 1357/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây Dựng - Chuyển giao. Sau đó, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ ban hành Nghị định. Đồng thời dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì các cuộc họp về việc hoàn chỉnh dự thảo Nghị định. Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh tại buổi họp báo Đến nay các công việc đã được đã triển khai như sau: Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao; việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ (cấp ban hành văn bản quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT). Cùng với đó, Bộ Tài Chính đã  thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành. Đây là văn bản hướng dẫn, lưu ý các bộ, địa phương thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ  về mục tiêu đúng theo nghị quyết của Chính phủ (không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án đã ký kết hợp đồng BT), để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư, Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định chi tiết. Phạm vi điều chỉnh là các dự án đã ký kết hợp đồng BT, phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ. Việc thanh toán phải bảo đảm nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công sử dụng để thanh toán được xác định theo giá thị trường. Trong đó, giá đất cụ thể để thanh toán được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai, do UBND cấp tỉnh quyết định. La Giang

Cục Hải quan Đà Nẵng chủ trì bắt giữ khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi

TĐKT - Cục Hải quan Đà Nẵng vừa bắt giữ một container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, ngoài ra còn có khoảng 200 bao chứa phế liệu nhựa đã qua sử dụng, được vận chuyển từ Nigeria về Đà Nẵng. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 4/10, Cục Hải quan Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), lực lượng chuyên trách về chống tội phạm ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tiến hành khám xét một container gồm các lô hàng có nghi vấn chứa hàng cấm. Cục Hải quan Đà Nẵng bắt giữ  6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi Kết quả ban đầu phát hiện trong container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, trọng lượng (chưa cân cụ thể) khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Ngoài ra còn có khoảng 200 bao chứa phế liệu nhựa đã qua sử dụng. Đây là vụ bắt giữ ngà voi và vảy tê tê lớn nhất cả nước kể từ đầu năm 2018 đến nay và nhiều năm gần đây. Trước đó,  ngày 24/9, qua công tác thu thập, phân tích thông tin, Cục Hải quan Đà Nẵng đã xác định 1 lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu nghi vấn chứa hàng cấm dự kiến về cảng Tiên Sa Đà Nẵng vào đêm ngày 28/9/2018. Cụ thể, số container: MSKU 0147717 thuộc vận tải đơn số 770655775 - Lô hàng chưa mở tờ khai; hành trình: Nigeria - Đà Nẵng; tàu vận chuyển: Linda Via IMO 9122345. Tên hàng theo khai báo trên emanifest là nhựa cắt mảnh mới (New plastic PETS). Doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu trên vận đơn là Công ty TNHH Thiên Trường Sử (xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Ngay sau khi nắm bắt được thông tin nêu trên, Cục Hải quan Đà Nẵng cho lập chuyên án lấy bí số HQ-CA-BP 2018 do cơ quan Hải quan chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng để điều tra, bắt giữ lô hàng này. Ngày 29/9, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành soi chiếu trước lô hàng trong quá trình xếp dỡ. Qua hình ảnh soi chiếu bằng máy soi container cho thấy trong container chứa một lượng lớn hàng khác lạ nghi là ngà voi, vảy tê tê và một hàng khác chưa xác định. Hiện tại, Cục Hải quan Đà Nẵng đang chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan để tiếp tục hoàn tất việc kiểm tra, khám xét đối với lô hàng. Căn cứ thẩm quyền của cơ quan Hải quan theo pháp luật tố tụng hình sự, Cục Hải quan Đà Nẵng củng cố, hoàn thiện hồ sơ vụ án sau đó chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định. La Giang  

Khai mạc Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại TP Hà Nội

TĐKT – Ngày  6/10, Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại TP Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức đã khai mạc tại số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Hội chợ kéo dài đến hết ngày 10/10/2018. Tiếp nối thành công của Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam năm 2017, Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại TP Hà Nội tiếp tục được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm thủy sản thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao. Đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nghi thức ấn nút khai mạc hội chợ Phát biểu khai mạc hội chợ, Ông Đào Văn Hồ - Phó trưởng BTC Hội chợ khẳng định: Trong thành công của ngành nông nghiệp có sự đóng góp rất lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 7.225 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016. Về xuất khẩu, năm 2017 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. 9 tháng đầu năm 2018, thủy sản xuất khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2016. Sau những thành công trong xuất khẩu, ngành thủy sản đã bắt đầu hướng đến thị trường nội địa. Theo đánh giá của các chuyên gia, với hơn 92 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch của Việt Nam, mức tiêu thụ trong nước đến năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn thì thị trường nội địa rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam.  Nắm bắt xu hướng đó, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất để đưa những sản phẩm thủy sản tươi ngon, tiện lợi được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của các thị trường khó tính đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Hội chợ có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam với quy mô gần 100 gian hàng. Tại đây, nhiều sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao: Các loại hải sản tươi sống và chế biến: sản phẩm chế biến từ cá tra, cá sông Đà, cá ngừ đại dương, cá kho làng Vũ Đại, chả cá thát lát, tôm sú, cá lăng, cá măng, cá bống và nhiều mặt hàng thủy hải sản khác sẽ được giới thiệu tới khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Các đại biểu đi thăm quan các gian hàng tại hội chợ Bên cạnh đó, hội chợ còn có nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm thủy sản khác như thủy sản nước ngọt, nhuyễn thể, nước mắm, hàng khô... các mặt hàng phụ trợ phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản: Hệ thống nuôi tôm, cá công nghệ cao; chất xử lý môi trường nuôi thủy sản, men vi sinh bổ sung dùng trong môi trường thủy sản. Hội chợ cũng có các gian hàng nông đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh phát triển nông thủy sản của địa phương mình. Trong khuôn khổ hội chợ, BTC Hội chợ tổ chức 2 cuộc Hội thảo chuyên đề thủy sản trong ngày 6 và 8/10: “Hội thảo về phát triển nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc” (13h30 – 17h30 ngày 6/10), “Hội thảo về phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” (8h30 – 11h30 ngày 08/ 10). Ngoài ra, Ban tổ chức Hội chợ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến công, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để đưa 1000 nông dân, nhà sản xuất của các tỉnh thành đến thăm quan, giao lưu và học tập tại Hội chợ. Lễ khai mạc tổng kết Hội chợ sẽ diễn ra vào sáng ngày 10/10/2018.   Hưng Vũ

PVN tập trung thi đua nước rút vào những tháng cuối năm 2018

TĐKT  - 9 tháng năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả, tất cả các đơn vị thành viên đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 9 tháng đã đề ra (vượt từ 2 đến 15% kế hoạch), đặc biệt khai thác dầu thô trong nước vượt 450 nghìn tấn so kế hoạch, góp phần quan trọng tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đạt 6,98%. Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban hoạt động sản xuất, kinh doanh 9 tháng năm 2018 Cụ thể, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra. Gia tăng trữ lượng trong 9 tháng đạt 6 triệu tấn quy dầu. Có 2 phát hiện dầu khí mới tại giếng Mèo Trắng Đông - 1X (lô 09-1, VSP), giếng Thổ Tinh Nam - 1X. Tập đoàn đã đưa mỏ Bunga Pakma - PM3CAA vào khai thác từ ngày 12/5/2018 (sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng 19 ngày). Tổng sản lượng khai thác quy dầu 9 tháng năm đạt 18,17 triệu tấn, bằng 105,9% so với kế hoạch 9 tháng và bằng 79,6% kế hoạch năm. Trong đó: Sản lượng khai thác dầu 9 tháng đạt 10,56 triệu tấn (khai thác dầu ở trong nước 9 tháng đạt 9,09 triệu tấn; ở nước ngoài 9 tháng ước đạt 1,47 triệu tấn). Sản lượng khai thác khí 9 tháng đạt 7,61 tỷ m3. Sản xuất điện 9 tháng đạt 16,03 tỷ kWh. Sản xuất đạm 9 tháng đạt 1,23 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu 9 tháng đạt 6,50 triệu tấn. Người lao động PVDrilling làm việc trên giàn khoan Về các chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng đạt 449,1 nghìn tỷ đồng, vượt 20,1% so với kế hoạch 9 tháng; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn 9 tháng đạt 81,4 nghìn tỷ đồng, vượt 52,1% so với kế hoạch 9 tháng và vượt 10,4 % kế hoạch năm. Tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn được kiểm soát chặt chẽ. Tập đoàn thường xuyên báo cáo Bộ Công thương tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí và các dự án điện cấp bách để Bộ Công thương kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ Tập đoàn thực hiện. Đối với công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp, Tập đoàn đang tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn giai đoạn 2017- 2020 theo đúng tiến độ, nội dung tại công văn số 1182/TTg- ĐMDN ngày 11/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đến hết tháng 9/2018, Tập đoàn đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu và tổ chức thành công đại hội cổ đông lần đầu của 3 đơn vị là PVOil, PVPower và BSR. Công tác tái cấu trúc bộ máy Công ty mẹ - Tập đoàn được triển khai khẩn trương, mô hình quản trị của Công ty mẹ - Tập đoàn đã được tinh gọn, giảm bớt trung gian. Cùng với đó, Tập đoàn đã hoàn thành Đại hội đồng cổ đông năm 2018 ở các đơn vị thành viên. Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP). Công tác khoa học công nghệ, đào tạo được triển khai tích cực; công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện theo cam kết. Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, các đơn vị thành viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp lớn vào thành công chung của Tập đoàn trong 9 tháng năm 2018. Trong những tháng cuối năm, Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh lưu ý các đơn vị cần tập trung quyết liệt vào công tác quản trị, từ quản trị nhân lực, tài chính tới các dự án đầu tư, cơ chế... Đặc biệt phải chú trọng vào công tác quản trị, đây sẽ là vấn đề quyết định toàn bộ hiệu quả, năng suất, chất lượng của công việc cũng như tạo động lực thúc đẩy cho Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ của năm 2018. Phát huy những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đề nghị Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, hướng đến mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm 2018, tạo tiền đề phát triển cho năm 2019. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề lớn như tái cấu trúc doanh nghiệp, sắp xếp bộ máy tinh gọn, làm việc hiệu quả; giải quyết các kiến nghị của các đơn vị thành viên; tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhiệt điện... Hồng Thiết

Bắt giữ lô hàng ngà voi tại Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài

TĐKT -  Thực hiện chuyên án HN-003 của Cục Hải quan TP Hà Nội, ngày 28/9,  Đội Kiểm soát Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (TCHQ) và Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thực hiện khám xét 2 lô hàng: Lô thứ nhất số VĐ 23572309963, gồm 20 kiện, trọng lượng trên vận đơn 730 kg do hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển về Việt nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Người gửi hàng trên vận đơn là GMJ INTERNATIONAL LOGISTICSMAKIA, KANO NIGERIA. Người nhận hàng trên vận đơn là: NBCVIETNAMDEVELOPMENT COMPANY LIMITED, THON THANH TRI XA MINH PHU HUYEN SOC SON HA NOI VIETNAM. Phần tên hàng trên vận đơn ghi chung chung là GENERAL CARGO (Công ty có tên trên vận đơn đã có công văn từ chối nhận hàng). Tang vật thu giữ được là 805 kg vẩy tê tê. Khá nhiều ngà voi chứa trong hộp các - tông Lô thứ hai số VĐ 23572309952, gồm 4 kiện, trọng lượng trên vận đơn 230 kg do hãng HK Turkish Airlines vận chuyển về Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Người gửi hàng trên vận đơn là CATHAGE IMPORT AND EXPORT LTD LAMIDO CRESCENT NASSARAWA G.R.A.KANO NIGERIA. Người nhận hàng trên vận đơn là VAMC IECO LTD THOU, MINH TAN HUYEN SOC SON HA NOI VIETNAM. Phần tên hàng trên vận đơn ghi chung chung là GENERAL CARGO (Công ty có tên trên vận đơn đã có công văn từ chối nhận hàng). Tang vật thu giữ được là 193 kg các sản phẩm vòng tay, hạt dạng tròn bằng ngà voi, ngà voi đã được cắt khúc, sơ chế ... Toàn bộ số hàng hóa trên đều nằm trong danh mục hàng cấm theo công ước CITES. Hiện các lực lượng chức năng đang tạm giữ lô hàng để điều tra, làm rõ. Hồng Thiết

Tima được định giá gần 500 tỷ đồng ở vòng đầu tư thứ hai

TĐKT - Ngày 1/10, tại Hà Nội, Sàn kết nối tài chính Tima của Việt Nam tổ chức Lễ ký kết và họp báo công khoản đầu tư 3 triệu đô la Mỹ ở vòng đầu tư thứ hai (series B) từ Quỹ đầu tư ngoại Belt Road Capital Management (BRCM) với định giá gần 500 tỷ đồng.   Lễ ký kết của Quỹ Belt Road Capital đầu tư 3 triệu đô la Mỹ vào Tima Theo thống kê từ Tima, hiện đang có 23,775 đơn vị/ cá nhân cho vay và 2.133.405 người vay trên các nền tảng của mình. Vào 4/2018, Tima cũng đã được Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) bình chọn là một trong 10 công ty dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018. Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT của Tima Trần Thế Vĩnh chia sẻ, Tima đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư từ các quỹ đầu tư tài chính cũng như các công ty quốc tế lớn trong cùng lĩnh vực ở vòng gọi vốn thứ hai. Tima có thể sẽ nhận thêm khoản đầu tư vòng thứ ba ngay sau khoản đầu tư này, Hội đồng quản trị của công ty đang cân nhắc đề xuất từ một số quỹ đầu tư lớn và chúng tôi cũng luôn cởi mở với các quỹ đầu tư mà có thể mang lại các giá trị gia tăng cho Tima với chiến lược tăng trưởng và mở rộng trong dài hạn. Tima được thành lập năm 2015 và cũng đã nhận được khoản đầu tư vòng thứ nhất (series A) từ các quỹ đầu tư Dunearn Singapore Fund, G Capital năm 2016. Hiện nay Tima là sàn kết nối tài chính và nền tảng cho vay ngân hàng có quy mô nhất tại Việt Nam với các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng. Theo chia sẻ từ công ty, nguồn vốn đầu tư mới sẽ được sử dụng cho việc tăng trưởng và mở rộng ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, đầu tư nhiều hơn nữa cho các công nghệ và việc tuyển dụng, thu hút nhân tài với sứ mệnh kết nối người vay với bên cho vay một cách nhanh chóng và tiện lợi nhờ các công nghệ tài chính. Theo hợp đồng đầu tư, Ông Witt Gatchell, Giám đốc Đầu tư của Belt Road Capital Management sẽ tham gia HĐQT của Tima. Ông Witt cho biết thêm, với khoản đầu tư vào Tima, đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Belt Road Capital tại thị trường Việt Nam. Với đội ngũ quản lý mạnh và những kết quả nền tảng đã đạt được của Tima trên thị trường, chúng tôi tin chắc rằng công ty đang có cơ hội rất lớn trong việc phát triển và mở rộng. Mặc dù tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua với dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 47,84 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2017 theo số liệu từ Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và StoxPlus, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang đứng sau các nước khác trong khu vực và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.   Biểu đồ tăng trưởng trong lĩnh vực vay tiêu dùng qua các năm Quỹ Belt Road Capital Management (BRCM) cũng đã công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào Unnitel, nhà cung cấp mạng ảo di động trong khu vực châu Á. Vào tháng 1/2018, BRCM đã đầu tư 1,8 triệu USD vào cổng thông tin bất động sản Digital Classifieds Group tại Úc. Quỹ này cũng đầu tư 7 triệu USD vào Oway, một công ty taxi và du lịch hàng đầu tại Myanmar, trong vòng gọi vốn 14,7 triệu USD của startup này. Tại buổi họp báo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank VBI) cũng đã ký kết hợp tác chiến lược. Tima sử dụng dịch vụ của Bảo hiểm VietinBank để cung cấp cho người vay vốn. Đối với người vay vốn, khi không may họ gặp phải những rủi ro không lường trước được, Bảo hiểm VietinBank sẽ giúp họ trả nợ cho các khoản vay. Giải pháp của Bảo hiểm VietinBank góp phần gia tăng những giá trị cộng thêm của Tima và giúp cho những người tham gia vững tâm khi sử dụng dịch vụ của Tima. Những kết quả bước đầu này là sự nỗ lực và cống hiến của đội ngũ hơn 150 nhân viên Tima trong suốt 3 năm qua đã kiên trì phát triển các công nghệ mới, liên tục nâng cấp sản phẩm học hỏi từ quốc tế và sự ghi nhận của hàng triệu khách hàng, các đối tác, các quỹ đầu tư.    Hồng Thiết

Trang