Kinh tế

Họp báo Hội chợ các sản phẩm thủy sản, làng nghề và OCOP 2018 tại Hà Nội

TĐKT - Ngày 28/9, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức họp báo công bố nội dung tổ chức Hội chợ thủy sản, Hội chợ làng nghề Việt Nam 2018 và giới thiệu hội thảo quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ tại họp báo Theo đó, từ ngày 6 - 10/10, Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) với quy mô khoảng 100 gian hàng. Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ được tổ chức nhằm tiếp nối thành công của Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản năm 2017. Ban tổ chức nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản các tỉnh phía Bắc, đặc biệt thị trường Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, thông tin về sự đa dạng, phong phú của sản phẩm thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm thủy sản còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ đến người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội không chỉ nhằm củng cố và phát triển thị trường trong nước đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam mà còn góp phần lan tỏa, nâng cao vị thế hàng Việt đến người tiêu dùng thủ đô và các địa phương lân cận. Mục tiêu của hội chợ là giúp duy trì, phát triển bền vững việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nội địa nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, góp phần đưa sản phẩm thủy sản thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao. Tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất - người tiêu dùng. Phát triển thủy sản nước ngọt các tỉnh phía Bắc, giúp người sản xuất thủy sản nước ngọt có sản lượng đang đáp ứng phục vụ tiêu dùng trong nước và định hướng người sản xuất nhỏ lên sản xuất thương mại. Tính đến thời điểm này, Ban tổ chức hội chợ đã nhận được sự đăng ký tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thủy sản. Các gian hàng được phân chia thành các khu vực: Khu giới thiệu sản phẩm thủy, hải sản tươi sống và chế biến; khu giới thiệu sản phẩm thiết bị vật tư phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; khu thức ăn chăn nuôi thủy sản; khu giới thiệu sản phẩm dịch vụ phụ trợ… Bên cạnh lễ khai mạc sẽ diễn ra các hội thảo chuyên đề về phát triển nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc; hội thảo chuyên đề phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa… Tại họp báo, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng công bố, từ ngày 17 - 21/11, Hội chợ làng nghề Việt Nam với quy mô 150 gian hàng và Hội thảo quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP cũng sẽ được tổ chức tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại. Với chủ đề: Phát triển sản phẩm chủ lực của các làng nghề Việt Nam hướng tới mỗi xã phường một sản phẩm hay mỗi làng một sản phẩm - OCOP sẽ là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; giới thiệu mô hình làng nghề; phố nghề độc đáo khắp cả nước. Đồng thời, giới thiệu các địa phương có thế mạnh trong phát triển sản phẩm OCOP. Giới thiệu quảng bá cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Hưng Vũ

Ra mắt Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

TĐKT - Chiều 30/9 tại Hà Nội, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt với sự tham dự của các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương.  Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chụp ảnh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ủy ban được thành lập theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018. Theo đó, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Chủ tịch Ủy ban là Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Hoàng Anh. Theo quy định tại Nghị định này, 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). Tại Lễ ra mắt, Ủy ban đã ký Biên bản hợp tác về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp với 5 Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính. Cũng trong buổi lễ này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yêu cầu cơ bản mà Đảng và Nhà nước đặt ra từ lâu là nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc ra mắt Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Toàn xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong việc đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Để có thể xây dựng một ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tập trung vào một số nhiệm vụ: Nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả; tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất; xây dựng mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả của từng bộ phận, từng cán bộ, từng quy chế nội bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền quản lý nếu thấy cần thiết; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đi sâu nghiên cứu phát triển, liên tục nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh để từng tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trở thành hình mẫu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí quản trị toàn cầu. Cùng với đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; giám sát tình trạng thất thoát vốn Nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, quản lý người đại diện, cơ chế, chính sách đầu tư vốn Nhà nước phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tình hình kinh tế thị trường đang thay đổi rất nhanh. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc. Mai Thảo

9 tháng đầu năm, nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu

TĐKT - Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp tháng 9 và 9 tháng qua cho thấy bức tranh khả quan về tình hình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ngành. Mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai với những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản (tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.356 tỷ đồng), nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thường kỳ Quý III/2018 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nông nghiệp tăng 2,81% (trồng trọt tăng 3,0%, chăn nuôi tăng 2,41%); lâm nghiệp tăng 6,0%; thuỷ sản tăng 6,46%. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 3,65%. Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành có vai trò nổi bật của các lĩnh vực thuỷ sản (giá trị sản xuất tăng 6,46%), lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), và chăn nuôi (tăng 2,41%); những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ. Tính đến hết tháng 9, cả nước đã gieo cấy được 7.262,4 nghìn ha lúa, giảm so với cùng kỳ; thu hoạch được 5.157 nghìn ha. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm (160,6 nghìn ha) nhưng năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng khoảng 2,7 tạ/ha nên sản lượng lúa tăng ước đạt 31,7 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Riêng vụ Đông xuân, năng suất ước đạt 66,4 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn (5,8%) so với vụ Đông xuân năm trước. Chín tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, tính đến ngày 24/9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lơn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi, bên cạnh đó các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%. Với ngành lâm nghiệp, thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng; khai thác gỗ đạt khá do thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ mở rộng. Lũy kế đến ngày 25/9, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 161,2 nghìn ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 433,7 nghìn ha, giảm 13,1%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 5.872,1 nghìn ha, tăng 10,7%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9,1 triệu m3, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nay, cả nước đã thu được 1.798 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 77,2% kế hoạch năm, tăng 76% (781 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2017; đã chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018 là 434,4 tỷ đồng. Chín tháng đầu năm là giai đoạn nước rút thực hiện các khuyến nghị của Cộng đồng châu Âu EC nên việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác được triển khai rộng khắp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định, bền vững. Lũy kế 9 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2,58 triệu tấn (+5,1%), nuôi trồng ước đạt 2,93 triệu tấn (+6,6%). Trong đó, sản lượng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 669 nghìn tấn, tăng 6,0% so với tháng 9/2017. Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,37 tỷ USD tăng 9,93% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu Quý đã đề ra. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như gạo, tăng 23,1% (2,48/2,02 tỷ USD); lâm sản chính tăng 3,1% (6,62/6,55 tỷ USD) và rau quả vượt 1,0% (3,034/3,004 tỷ USD). Tính đến 20/9, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 64 xã (0,72%) so với cuối tháng 8/2018; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; còn 88 xã dưới 5 tiêu chí; có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hoàn thành sớm mục tiêu của năm 2018: Có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới). Để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành Quý IV và cả năm 2018, xuất khẩu kim ngạch nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD, ngay trong tháng 10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo định hướng phát triển 3 trục sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực địa phương). Cùng với đó, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thị trường và tổ chức hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu; cắt giảm thủ tục hành chính và thủ tục kiểm tra chuyên ngành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trang Lê

Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam

TĐKT - Ngày 28/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung ngành cao su: Thực trạng, rủi ro và giải pháp phát triển bền vững” . Hội thảo đã chia sẻ các nội dung chính của 2 báo cáo: “Chuỗi cung các sản phẩm cao su tự nhiên: Thực trạng, cơ hội, rủi ro và khía cạnh chính sách”; “Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng, cơ hội, rủi ro và chính sách”. Đây là các báo cáo đầu tiên phác họa những nét chính trong bức tranh tổng quan về chuỗi cung ứng của ngành cao su, gỗ cao su Việt Nam, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đến tiêu thụ sản phẩm. Kết quả của nghiên cứu này góp phần làm rõ vai trò và vị thế hiện nay của ngành cao su, các thuận lợi và khó khăn mà ngành đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập thị trường. Thông tin từ nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các chính sách và cơ chế quản lý sát thực tế, từ đó góp phần mở rộng cơ hội phát triển, giảm thiểu rủi ro về thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Các Hiệp hội: Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES); HAWA, BIFA, FPA Bình Định và Hội cao su Việt Nam (VRA) cùng tổ chức FOREST TRENDS ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác và chia sẻ thông tin Ông Tô Xuân Phúc, đại diện của Tổ chức Forest Trends cho biết: Sản xuất và chế biến sản phẩm cao su là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích cao su tiểu điền vẫn chiếm phần lớn và đây sẽ là một thách thức để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường về sản phẩm cao su bền vững. Đến năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ. Hiện, có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu sản xuất, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 51% trong tổng diện tích. Sản lượng cao su Việt Nam đã tăng nhanh theo đà tăng diện tích. Việt Nam đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia. Trong những năm gần đây, các yêu cầu của thị trường về sản phẩm cao su bền vững ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… Các yêu cầu này không chỉ đơn thuần là về chất lượng sản phẩm đảm bảo, mà còn bao gồm sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về luật pháp, về lao động, môi trường, xã hội. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất ngày càng phải thực hiện các trách nhiệm về luật pháp, xã hội và môi trường chặt chẽ hơn. Phương Thanh

Ra mắt Hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

TĐKT - Sáng 28/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ ra mắt Hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định: DNNVV có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện thu nhập người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, DNNVV hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề thiết yếu đối với DNNVV. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội đã có sự quan tâm, dành nguồn kinh phí để triển khai đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các doanh nghiệp và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc đào tạo này chủ yếu thực hiện thông qua phương thức truyền thống và mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đào tạo hiện nay của các DNNVV. Nhận thấy đào tạo trực tuyến sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DNNVV tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Học viện Doanh nhân MVV triển khai Hệ thống đào tạo trực tuyến cho DNNVV (SME E-learning) với hệ thống bài giảng trực tuyến phong phú về nội dung, bao trùm các vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp: Bán hàng, tiếp thị, tài chính, kế toán, nhân sự, sản xuất, tư duy chiến lược và kỹ năng lãnh đạo... Đây là một trong những nỗ lực của Trung tâm nhằm đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), hướng đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý và cá nhân khởi nghiệp. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng đào tạo trực tuyến MVV Everlearn, sử dụng công nghệ điện toán đám mây và tích hợp nhiều chức năng học tập tiên tiến. Với hệ thống này, các doanh nhân có thể học tập mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh, tham khảo hệ thống tài liệu phong phú, các clip minh họa sinh động cho các tình huống học tập... Hơn nữa, các doanh nhân còn có thể tương tác, kết nối với nhau trong hệ thống. Nghi thức cắt băng khai trương hệ thống Chia sẻ về việc triển khai hệ thống, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc cho biết: Chúng tôi hy vọng hệ thống sẽ là tín hiệu mở đầu để khuyến khích các DNNVV quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giới thiệu một hình thức học tập đang được sử dụng hiệu quả trên thế giới - hình thức đào tạo trực tuyến. Năm 2018, Chương trình đào tạo trực tuyến cho DNNVV dự kiến sẽ triển khai 15 bài giảng trực tuyến với các chuyên đề: Chuyên gia bán hàng; quản lý bán hàng; ứng dụng công nghệ số trong marketing; marketing căn bản cho chủ doanh nghiệp; marketing cho ngành hàng B2B; quản trị tài chính cho khởi sự doanh nghiệp; kế toán quản trị doanh nghiệp; quản trị nhân sự cho doanh nghiệp; quản trị sản xuất; kaizen 5S - cải tiến chất lượng liên tục; tư duy chiến lược và kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng đàm phán; ủy quyền và giao việc hiệu quả; kiến thức căn bản về khởi sự doanh nghiệp; pháp luật kinh doanh và hội nhập. Các bài giảng được xây dựng bởi Học viện Doanh nhân MVV, hướng đến tính ứng dụng để phù hợp với các DNNVV.  Tất cả các cá nhân, doanh nghiệp trên toàn quốc đều có thể đăng ký tham dự miễn phí. Doanh nhân tham gia sẽ được hỗ trợ và tương tác trực tuyến trong suốt quá trình học tập bởi các chuyên gia uy tín. Toàn bộ các bài giảng trong chương trình sẽ được cung cấp miễn phí tại địa chỉ: vietnamsme.gov.vn và facebook.com/TACHANOI. Doanh nhân có thể đăng ký tham gia theo đường dẫn: http://bit.ly/sme-elearning. Phương Thanh

Chuyển đổi số trong ngành tài chính

TĐKT - Ngày 26/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo – triển lãm Vietnam Finance 2018 với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành tài chính”. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam tổ chức. Vietnam Finance đã trở thành diễn đàn công nghệ thông tin (CNTT) uy tín trong lĩnh vực tài chính công được tổ chức thường niên, là nơi kết nối và chia sẻ thông tin hiệu quả liên quan đến các giải pháp CNTT trong ngành Tài chính. Toàn cảnh khai mạc Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Vietnam Finance 2018 là diễn đàn tốt cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về yêu cầu của ngành tài chính trong việc triển khai ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số. Qua đó, các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội nắm bắt thông tin về kế hoạch triển khai của ngành tài chính, từ đó đề xuất, tư vấn các mô hình, công nghệ và kinh nghiệm thực hành tốt nhất cho Bộ Tài chính. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh và các phương thức sản xuất, kinh doanh mới để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để tận dụng được cơ hội và hạn chế, thách thức do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời chủ động tham gia cuộc cách mạng này, Việt Nam cần ban hành một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, hệ thống chính sách thuế và tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về việc triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách với mục tiêu “Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Hội thảo Vietnam Finance 2018 gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận chuyên đề: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước”, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan” và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế”. Ngoài các chuyên đề hội thảo, khu vực triển lãm Vietnam Finance 2018 sẽ đem đến những trải nghiệm chân thực về các mô hình, các sản phẩm, giải pháp CNTT hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số. La Giang    

Bàn giao máy soi do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Hải quan Việt Nam

TĐKT - Ngày 24/9, tại Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế (CKSBQT) Nội Bài và Kho hàng của Công ty dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV), Tổng cục Hải quan phối hợp với Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tổ chức Lễ bàn giao máy soi do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới liên quan (EXBS). Tổng trị giá hệ thống máy soi gần 200.000 USD. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường và ông Daniel Joseph Kritenbrink Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đồng chủ trì buổi lễ. Đến dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Công ty Dịch vụ Hàng không Việt Nam (ACSV), đại diện Cục Hải quan TP Hà Nội và các cục, vụ của Tổng cục Hải quan. Lễ bàn giao máy soi do Hoa Kỳ tài trợ trong khuôn khổ chương trình kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới liên quan (EXBS) Nhân dịp này, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ và toàn thể đội ngũ chuyên gia Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của phía Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nghiệp vụ khác phục vụ cho quá trình cải cách và hiện đại hóa Hải quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Tổng cục Hải quan cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ Cục Hải quan TP Hà Nội trong việc đảm bảo việc vận hành máy soi một cách hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn từ xa khả năng vận chuyển bất hợp pháp các vật liệu nguy hiểm, thông qua đó ngăn chặn hoạt động khủng bố, buôn lậu. Với những hệ thống máy soi hiện đại, song song với những nỗ lực tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu, hiệu quả của công tác quản lý và kiểm soát hải quan sẽ được nâng cao hơn nữa. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, an ninh chuỗi cung ứng thương mại khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới, Chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Hải quan Việt Nam tăng cường năng lực ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép những hàng hóa sử dụng cho mục đích phổ biến vũ khí hủy diệt. Các hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ được thực hiện dưới nhiều hình thức: Đào tạo, nâng cao nhận thức; hỗ trợ rà soát cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thương mại chiến lược; hỗ trợ xây dựng tài liệu giảng dạy về nhận diện hàng hóa lưỡng dụng và tài trợ một số trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm soát gồm thiết bị cầm tay, thiết bị soi chiếu hình ảnh cho hàng hóa, phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh. Hồng Thiết  

Ra mắt sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên mặt nạ Yến Gold

TĐKT – Tối 22/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Vychi ra mắt sản phẩm mới mặt nạ Yến Gold - phiên bản nâng cấp của mặt nạ yến ra đời năm 2017. Sản phẩm đã được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy công bố sản phẩm mỹ phẩm vào tháng 7/2018, số công bố 3076/18/CBMP - HN. Sản phẩm này là sự kết hợp giữa công nghệ gold collagen và tinh chất yến đều là những nguyên liệu tự nhiên, hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Tất cả những hoạt chất trên được kết tinh và sản xuất dạng viên nhộng, mang đến cảm giác mới mẻ và cũng rất tiện lợi khi sử dụng. Vychi được biết đến là một trong những công ty dược mỹ phẩm của Việt Nam, được thành lập năm 2015, người đứng đầu doanh nghiệp này là Ths – Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng, được đào tạo chuyên tu về da liễu thẩm mỹ tại Hàn Quốc. Trong suốt 3 năm qua, Vychi đã và đang tập trung nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên, an toàn, lành tính, tạo lập giá trị bền vững cho người sử dụng. Với khát vọng “chắp cánh thương hiệu Việt”, chỉ ít lâu sau khi xuất hiện trên thị trường, mỹ phẩm của Vychi đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Không những vậy, mỹ phẩm của Vychi đã xuất hiện ở nhiều thị trường châu lục: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia... Vychi đang hướng tới xây dựng và phát triển thành thương hiệu mỹ phẩm uy tín của Việt Nam với đội ngũ chuyên gia về da liễu dày kinh nghiệm, nghiên cứu và sáng tạo ra những sản phẩm mỹ phẩm an toàn, chất lượng, sản xuất theo dây chuyền của nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO – CMP và được cơ quan y tế chứng nhận, cấp phép trước khi chuyển đến tay người tiêu dùng. Thục Anh

Hội chợ hàng Việt năm 2018 “Chung tay xây dựng thương hiệu Việt”

TĐKT - Tối 22/9, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt năm 2018 với chủ đề: “Chung tay xây dựng thương hiệu Việt” và Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018. Hội chợ là hoạt động cụ thể, giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội và là đòn bẩy kích thích mua sắm, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Hội chợ diễn ra từ ngày 21/9 - 25/9. Các đại biểu tham gia thực hiện cắt băng khai mạc Hội chợ Hội chợ năm nay có quy mô 250 - 300 gian hàng tiêu chuẩn của khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội và các địa phương. Các sản phẩm tham gia trưng bày được bố trí theo 4 khu vực là khu giới thiệu thương hiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản của các địa phương; khu sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích, sản phẩm làng nghề; khu trưng bày hàng thật - hàng giả; khu trưng bày các sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích hằng năm. Năm 2018 là năm thứ 9 TP Hà Nội triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, nhằm lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp trong nước để người tiêu dùng bình chọn. Thông qua đó, tôn vinh các sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và là động lực để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Được biết, các sản phẩm được bình chọn sẽ được trao giấy chứng nhận, được sử dụng danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trong việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm và được tham gia trưng bày, giới thiệu trên các ấn phẩm, các hội chợ, triển lãm thương mại của thành phố. Hưng Vũ

Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam

TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 được Bộ Tài chính tổ chức với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017. Chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; ông Michael Greene - Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam; ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Quang cảnh Hội thảo Diễn đàn Tài chính Việt Nam quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các tổ chức quốc tế: Cơ quan USAID, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững. Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế)… Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội. Chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi… Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường... Nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó, chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn. Để phát triển nhanh, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng tổ chức, kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các DNNN cũng được chú trọng nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước. Hồng Thiết

Trang