Kinh tế

Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường du lịch cộng đồng

TĐKT – Ngày 21/1, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp với quỹ Toyota tổ chức “Hội thảo liên quốc gia về du lịch cộng đồng - Nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường - trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái Lan”. Dự án được thực hiện đồng thời tại 2 nước Việt Nam và Thái Lan với đơn vị triển khai dự án tại Việt Nam là CSIP và Sapa O Chau; tại Thái Lan là Change Fusion và Local Alike. Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP phát biểu khai mạc Hội thảo Dự án hướng đến việc nâng cao năng lực cho những đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng thông qua chia sẻ những thành công điển hình, tạo nền tảng nâng cao năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường. Trong khuôn khổ dự án, 37 đại diện cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong lĩnh vực du lịch cộng đồng của hai nước đã tham gia hai chuyến học tập tại Việt Nam và Thái Lan. Cùng với đó, dự án góp phần xây dựng kiến thức chung về du lịch cộng đồng thông qua việc tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa hai nước, đồng thời biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn làm du lịch cộng đồng chung của Việt Nam và Thái Lan, 2 tài liệu trường hợp điển hình về du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối các cụm du lịch cộng đồng ở hai nước với thị trường trong khu vực cũng được diễn ra thông qua các nền tảng trực tuyến. Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP cho biết: “Trong hai năm 2019 và 2020, được sự hỗ trợ của Quỹ Toyota, CSIP đã nâng cao năng lực cho các đơn vị, cá nhân làm du lịch cộng đồng. Những kinh nghiệm từ dự án đã thúc đẩy quá trình vận động chính sách và các đối tác trong việc tạo dựng một môi trường thuận lợi nhằm phát triển du lịch cộng đồng, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương ở cả hai nước.” Nhằm tiếp tục xây dựng kiến thức chung về du lịch cộng đồng, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương, CSIP tổ chức "Hội thảo Liên quốc gia về du lịch cộng đồng - nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận thị trường - Trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và Thái lan". Hội thảo đã tổng kết và báo cáo các hoạt động và kết quả đã đạt được của Dự án, đồng thời tạo cơ hội để các bên làm du lịch cộng đồng ở Việt Nam và trong khu vực cùng thảo luận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, tiến tới thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng. Hội thảo gồm 2 phần chính: Trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng; marketing cho du lịch cộng đồng và du lịch cộng đồng trong và sau ảnh hưởng của COVID-19. Phương Thanh

Công ty cổ phần đầu tư Thiên Lộc: Một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực bất động sản

TĐKT - Không ngừng nỗ lực phát triển lâu dài và bền vững - đây là điểm mạnh của Công ty cổ phần đầu tư Thiên Lộc và hiện nay công ty đã trở thành một trong những thương hiệu mạnh của lĩnh vực bất động sản và đã đem lại nhiều thành công lớn cho công ty như ngày hôm nay. Luôn lấy văn hóa thi đua là cốt lõi Theo ông Vũ Văn Trường - Tổng Giám đốc Công ty Thiên Lộc, ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, ông và Ban Giám đốc đã luôn đề cao yếu tố văn hóa thi đua lao động, sản xuất kinh doanh. Bởi, trong thời kỳ hội nhập, khi vốn, công nghệ, trình độ... không còn sự khác biệt quá lớn giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; hay giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì chỉ có văn hóa mới làm nên sự khác biệt và tạo được ấn tượng với khách hàng, đối tác.  Một mặt, lãnh đạo công ty phát huy triệt để thế mạnh nền tảng là kinh nghiệm, trí tuệ của các thành viên Ban Giám đốc đã có thời gian dài công tác tại các tổng công ty lớn như: Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Công ty XNK Việt Nam Vinaconex,... Mặt khác, tích cực lấy văn hoá làm đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế phát triển theo cách riêng của Thiên Lộc. Được biết, tại công ty, con người luôn được lựa chọn là ưu tiên số 1. Ông Vũ Văn Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 12 năm thành lập Công ty Dưới sự định hướng của lãnh đạo, Thiên Lộc luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có văn hóa và coi đây là yếu tố hàng đầu. Đó phải là những người có trình độ học vấn cao; có trách nhiệm với công việc; có kiến thức và kỹ năng khoa học hiện đại; có phong cách, lối sống ứng xử thông minh, văn minh và lịch thiệp. "Những con người có đầy đủ năng lực và sự tận tâm thì chắc chắn sẽ tạo nên một giá trị thương hiệu thành công" - ông Vũ Văn Trường khẳng định. Tiếp đó, Công ty đưa ra phương châm “Ba không”, gồm: Không làm trái pháp luật - Không đầu tư dàn trải - Không đúng mục đích; “Ba lợi ích”, gồm: Lợi ích nhà nước - Lợi ích nhà đầu tư - Lợi ích doanh nghiệp. Để xây dựng thương hiệu, Thiên Lộc luôn mang tới đối tác tinh thần làm việc cầu thị, hợp tác cao độ. Mỗi dự án đều được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo chất lượng - mỹ thuật - kỹ thuật, đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Không những thế, tại những nơi thi công dự án, Công ty luôn làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan như tổ chức thu gom rác thải, vật liệu xây dựng... sạch sẽ; hạn chế tối đa bụi bẩn, cát sỏi rơi vãi gây phiền toái, khó chịu đối với mọi người; chủ động tiến hành những việc có tiếng ồn lớn vào ban ngày để tôn trọng giờ nghỉ ngơi buổi tối của mọi người; ý thức tự giác, văn minh của người lao động trong doanh nghiệp cũng được quán triệt sâu sắc. Nhờ đó, công ty rất được lòng địa phương và người dân sống xung quanh khu vực dự án triển khai. Tính tới nay, thị phần của Công ty đã phủ sóng gần như toàn quốc. Hiện nay, Công ty đang triển khai và thực hiện nhiều dự án uy tín được đông đảo khách hàng, nhà đầu tư quan tâm: Dự án đầu tư xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi tại TP Sông Công, Thái Nguyên; Dự án Đầu tư xây dựng đường Thống Nhất kéo dài đến khu đô thị sinh thái từ nút giao đường Thống Nhất đến cầu Du Tán; Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Quang Trung, Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Dự án Thiên Lộc Tower, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hiện đã có chủ trương, đang hoàn thành thủ tục trình duyệt dự án đầu tư. Tại Đồng Nai, công ty đang triển khai các dự án gồm: Dự án đường Nguyễn Du và hạ tầng kỹ thuật khu đất tại TP Biên Hòa… Phát huy trí tuệ tập thể, tích cực tham gia hoạt động xã hội từ thiện  Điều đặc biệt nhất tại Thiên Lộc là ngoài bộ máy điều hành như nhiều công ty khác, lãnh đạo đơn vị còn thành lập một hội đồng cố vấn gồm những nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín. Có thể thấy, Công ty rất kiên định với mục đích xây dựng văn hóa doanh nghiệp với những đặc trưng riêng. Rõ ràng, trong thành công của Thiên Lộc trên thị trường ngày hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của yếu tố văn hóa. Nhờ đó, không chỉ doanh thu của công ty mỗi năm một tăng, mà thu nhập của cán bộ công nhân viên cũng được cải thiện đáng kể. Ban Cố vấn và các đại biểu về dự buổi lễ chụp ảnh kỷ niệm với Ban Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên công ty Với cộng đồng, lãnh đạo công ty cho biết, công ty đã, đang và sẽ đồng hành thông qua việc duy trì thường xuyên các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách vào các dịp lễ, tết. Lấy văn hóa làm trọng nên việc công ty duy trì, tiếp nối truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta thực sự là một hành động đáng quý, đáng trân trọng. Hành động này còn đồng thời thể hiện được cái phông văn hóa của người đứng đầu công ty. Văn hóa là kinh tế. Thiên Lộc làm kinh tế trong văn hóa. Đâu phải doanh nghiệp nào cũng hiểu, cũng làm được và cũng thành công như Thiên Lộc. Phát huy lợi thế đạt được, giai đoạn này lãnh đạo Công ty đã quyết định chuyển dịch cơ cấu từ thi công xây lắp sang đầu tư là chính. Tất nhiên, để chuẩn bị cho bước chuyển mình này, Thiên Lộc đã tiến hành bài bản từ khâu nhân sự cho đến kế hoạch, chiến lược. Phối cảnh khu dân cư Thiên Lộc tại TP Sông Công - Dự án Công ty Thiên Lộc làm chủ đầu tư Không tự hài lòng với chính mình, công ty vẫn đang thi đua nỗ lực không mệt mỏi để nâng cao giá trị và tầm vóc trước những đòi hỏi của thị trường và diễn biến phức tạp của xã hội. Hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững, Thiên Lộc vẫn tiếp tục dựa trên những nền tảng nội lực đã được xây dựng, củng cố trong suốt thời gian qua. Đó là văn hóa doanh nghiệp, trí tuệ và kinh nghiệm. Vương Thủy

Hội thảo khoa học Các công vụ quản trị năng suất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

TĐKT - Ngày 13/1, tại Hà Nội, Khoa Quản lý Kinh doanh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Các công vụ quản trị năng suất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Dự Hội thảo, có: TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cán bộ của Tổng cục; GS. TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS Đoàn Hữu Xuân, Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh, Ban chủ nhiệm, các giảng viên của Khoa; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường. Toàn cảnh Hội thảo Tại Hội thảo, TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chia sẻ các thông tin về chủ đề “Các công cụ quản trị năng suất trong bối cảnh các mạng công nghiệp 4.0”. Việc các doanh nghiệp hiện nay cũng như trong nhiều năm tới cần tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh, nâng cao năng lực, trong đó năng lực cạnh tranh về hàng hóa và sản phẩm dịch vụ là những vấn đề có tính cấp bách, nhất là khi Việt Nam đang được đánh giá thuộc nhóm quốc gia có độ mở cao nhất thế giới. Cơ hội và nguy cơ luôn là vấn đề đan xen và song hành phát triển. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thể hiện cụ thể và chủ yếu qua năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong những năm qua, nhiều bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã sớm triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người lao động tăng cường đổi mới quản trị nội bộ, tạo lập sự liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ luôn đi đầu và đã triển khai các chương trình nghiên cứu hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đây là một nguồn lực vô cùng hiệu quả. Khoa Quản lý Kinh doanh và các khoa khối Kinh tế của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang cùng đồng hành thực hiện mục tiêu đào tạo; đào tạo những cử nhân kinh tế có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành đào tạo, trong đó kiến thức và kỹ năng thực hành phải bám sát yêu cầu của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp. Đó cũng là yêu cầu tiên quyết trong chương trình đào tạo của Khoa Quản lý Kinh doanh. Hội thảo được tổ chức nhằm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, không ngừng đổi mới về nội dung và chương trình đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Quản lý Kinh doanh. Nguyễn Văn Long

Phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số

TĐKT - Ngày 12/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, kết nối tới 272 điểm cầu (đến các đơn vị cấp 4) trên toàn quốc. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019. Năm 2020, công tác vận hành hệ thống điện có nhiều biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần. Cũng trong năm qua, thị trường điện đã đảm bảo liên tục, ổn định theo đúng quy định. Từ ngày 1/9/2020, thị trường điện đã được chuyển đổi chu kỳ điều độ - chu kỳ giao dịch xuống 30 phút, góp phần xử lý chính xác và kịp thời các biến động trong vận hành hệ thống. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, đặc biệt khu vực chưa có điện, các đơn vị của EVN đã chủ động thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu,... Về cấp điện hải đảo, trong năm, các Tổng công ty Điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%. Tập đoàn đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Qua đó, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn sẽ triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị; cán bộ quản lý các cấp; chuyên gia và cán bộ kỹ thuật; người lao động... Xây dựng và hoàn thiện lại quy trình quản lý kỹ thuật theo hướng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh; tin học hóa trong sửa chữa theo phương pháp RCM cho các nhà máy điện; xây dựng và thử nghiệm quy trình quản lý tối ưu nhiên liệu; nghiên cứu và đưa ra yêu cầu số hóa tổng thể cho một nhà máy nhiệt điện than; thống nhất các nguồn dữ liệu, tích hợp thông tin từ các hệ thống phần mềm khác (CMIS, ERP, HRMS, ĐTXD). Hồng Thiết

Lễ bàn giao thiết bị đào tạo nhận diện hàng hóa lưỡng dụng Hoa Kỳ

TĐKT - Ngày 8/1, tại Trường Hải quan Việt Nam, Tổng cục Hải quan phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Lễ bàn giao thiết bị đào tạo nhận diện hàng hóa lưỡng dụng để chính thức tiếp nhận một số thiết bị đào tạo gồm: Máy tính xách tay, máy chiếu, loa,… với tổng trị giá gần 40.000 USD (tương đương hơn 900 triệu đồng) từ Chính phủ Hoa Kỳ. Lễ bàn giao Được biết, Việt Nam đã và đang tham gia các chương trình hợp tác có liên quan đến an ninh thương mại, chống khủng bố và bảo vệ an ninh toàn cầu như Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới (EXBS) hợp tác với Hoa Kỳ, Chương trình ngăn chặn nguy cơ Hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) với EU, hợp tác về phòng, chống phổ biến vũ khí hàng loạt với BAFA (Đức)… Trong số đó, một trong những chương trình hợp tác hiệu quả nhất là chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới liên quan (EXBS) hợp tác với Hoa Kỳ. Trong những năm qua, trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới, Chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Hải quan Việt Nam tăng cường năng lực ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép những hàng hóa sử dụng cho mục đích phổ biến vũ khí hủy diệt. Các hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức; hỗ trợ rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược; hỗ trợ xây dựng tài liệu giảng dạy về nhận diện hàng hóa lưỡng dụng và tài trợ một số trang thiết bị gồm thiết bị cầm tay, thiết bị soi chiếu cho hàng hóa và phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh. Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng phát biểu tại lễ bàn giao Thông qua việc hợp tác này, một lần nữa Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán của mình trong việc đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn chặn chống khủng bố, đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình trong hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, Tổng cục Hải quan cam kết sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ Trường Hải quan Việt Nam trong việc đảm bảo việc quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất các thiết bị đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng về ngăn chặn khả năng vận chuyển bất hợp pháp các vật liệu nguy hiểm, thông qua đó ngăn chặn hoạt động khủng bố, buôn lậu. Với những hệ thống đào tạo hiện đại, song song với những nỗ lực tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu, hiệu quả của công tác quản lý và kiểm soát hải quan sẽ được nâng cao hơn nữa. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, an ninh chuỗi cung ứng thương mại khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến toàn thể đội ngũ chuyên gia Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới và đặc biệt là Chương trình đào tạo nhận diện hàng hóa lưỡng dụng, cảm ơn các Cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Hải quan Việt Nam sự ủng hộ giúp đỡ quý báu góp phần đảm bảo an ninh, sự ổn định của Việt Nam nói riêng và trên khu vực và trên thế giới nói chung và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của phía Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nghiệp vụ trong quá trình cải cách và hiện đại hóa hải quan. Hồng Thiết  

Ngành Tài chính hoàn thành vượt kế hoạch nhiệm vụ tài chính ngân sách

TĐKT - Thực hiện chủ trương của Đảng về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển đất nước; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, hoàn thành vượt kế hoạch nhiệm vụ tài chính ngân sách Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị ngành Tài chính tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2020, trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách. Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN, qua đó, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao. Quang cảnh hội nghị Nhờ chủ động trong điều hành, đến nay có thể khẳng định rằng chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Ước tính đến ngày 31/12/2020 chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/01/2021) đạt 92 - 93% dự toán. Bên cạnh đó, đã thực hiện giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 75% kế hoạch. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Bên cạnh đó, để có được kết quả vượt trội, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao. Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân. Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch. Qua đó, không chỉ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - NSNN, mà còn tích cực hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh. Cùng với việc ban hành, hoàn thiện thể chế pháp luật như nêu trên; trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; thường xuyên tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 6 Luật; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 23 Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 159 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 799 Thông tư… Năm 2020 ,mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động xấu nhiều mặt, ảnh hưởng nặng nề tới đất nước, song nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước, đó là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội. Bước sang năm 2021, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không thuận lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Do đó, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra. Hồng Thiết  

Tổng cục Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

TĐKT - Năm 2020, Tổng cục Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến số thu NSNN theo các kịch bản tăng trưởng; tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối NSNN năm 2020 và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu – chi ngân sách năm 2020 Kết quả vượt trội Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2020, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế triển khai dự toán thu ngân sách năm 2020, đồng thời phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN; giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhiệm vụ quản lý thu nợ thuế năm 2020 cho Cục Thuế tỉnh, thành phố. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, tập trung rà soát toàn bộ số doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế, kiểm tra toàn bộ số người nộp thuế (NNT) báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng... nhằm quản lý chặt chẽ số thu, động viên kịp thời nguồn lực cho ngân sách. Cùng với đó, kết quả thu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội (trong đó thu ngân sách trung ương đạt 562.093 tỷ đồng, bằng 94,7% dự toán). Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán (vượt 24.973 tỷ đồng), vượt 173.773 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. So với dự toán, có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai… Có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu. Để có được kết quả vượt trội, Tổng cục Thuế đã thực hiện chức năng quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên tục được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên căn cứ kế hoạch thanh, kiểm tra thuế đã được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục trưởng các Cục Thuế chỉ đạo bộ phận thanh, kiểm tra thực hiện phân tích chuyên sâu, phân loại rủi ro thông qua các báo cáo DN trên các ứng dụng của ngành thuế và thông tin thu thập khác. Đối với các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không,...) thì chưa thực hiện thanh, kiểm tra và xem xét phân tích rủi ro báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch theo quy định. Đối với các DN không chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và các DN có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện liên hệ với DN để sắp xếp thời gian thanh, kiểm tra tại DN. Kết quả, tính đến ngày 31/12, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 83.979 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở NNT; kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỷ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỷ đồng, bằng 17,6% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 2.248 tỷ đồng, giảm lỗ là 49.760 tỷ đồng, bằng 119,6% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.435 tỷ đồng. Tích cực giảm nợ đọng thuế Để giảm nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác để tăng cường hiệu quả việc quản lý nợ thuế. Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng Cục Thuế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ các Cục Thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện của các Cục Thuế; đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các Cục Thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách. Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Thuế thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Rà soát đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thu nợ ngay khi hết hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nên ngành thuế đã tăng thu cho ngân sách thêm hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế mà ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4%.    Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ người nộp thuế đã tích cực giải đáp, hỗ trợ quyết toán thông qua điện thoại, thư điện tử và hướng dẫn trực tiếp tại bộ phận một cửa. Cụ thể, đã trực tiếp hướng dẫn tại cơ quan thuế với hơn 100 ngàn lượt người; hỗ trợ qua điện thoại với trên 300 ngàn cuộc gọi, hỗ trợ trả lời trên 21.600 văn bản. Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2021, cơ quan thuế sẽ tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, thực hiện tốt các giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; các chỉ đạo của Bộ Tài chính. Cơ quan Thuế các cấp sẽ tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu năm 2021, giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu làm cơ sở để cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm. Dự báo sát tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế, rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả. Thứ hai, theo dõi sát sao diễn biến tình hình sức khỏe DN để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã triển khai năm 2020, tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế năm 2021... Thứ ba, trong năm 2021, ngành thuế sẽ tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, trong đó sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát kê khai, nộp thuế; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật; xây dựng và triển khai nhiệmvụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao. Đồng thời tổ chức rà soát số nợ thuế đến ngày 31/12/2020, xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 cho cơ quan thuế các cấp, thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định, phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2021 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2021. Cuối cùng là tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức cơ quan Thuế các cấp; chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách, tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiếp tục duy trì và tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đôn đốc người nộp thuế nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản phải thu vào NSNN. Hồng Thiết      

Nestlé Việt Nam ra mắt sữa chua Nestlé ACTI-V

TĐKT - Nằm trong những nỗ lực đưa đến cho người tiêu dùng thêm lựa chọn về sản phẩm dinh dưỡng, nhãn hàng Nestlé ACTI-V thuộc Công ty Nestlé Việt Nam chính thức giới thiệu sữa chua sánh quyện Nestlé ACTI-V. Sản phẩm là sự kết hợp giữa sữa chua, sánh quyện với trái cây thật và các hạt nhai dai dai hoặc giòn giòn cho trải nghiệm ngon cuốn hút, phù hợp mỗi giờ nghỉ của người tiêu dùng trẻ. Khách hàng trải nghiệm sản phẩm sữa chua Nestlé ACTI-V tại siêu thị Big C Ông Ali Abbas - Giám đốc ngành hàng sữa, Nestlé Việt Nam cho biết, sữa chua Nestlé ACTI-V là sản phẩm đầu tiên trên thị trường được kết hợp giữa sữa chua ăn sánh quyện thơm ngon và sữa chua uống tiện lợi. Sản phẩm có 3 vị: Việt quất, yến mạch và diêm mạch chà là. Sữa chua sánh quyện thơm ngon được bổ sung thêm hạt Natta de coco dai dai, hoặc hạt diêm mạch giòn giòn (với vị diêm mạch và chà là). Sản phẩm còn có ít béo, ngọt nhẹ và được bổ sung chất xơ & protein. “Nestlé Acti-V là nhãn hàng cao cấp mới mang tính đột phá của công ty Nestlé Việt Nam dành cho người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, để tận hưởng vị ngon và dinh dưỡng của sản phẩm phù hợp với lối sống lành mạnh.” Với định vị khác biệt “Tận hưởng lành mạnh”, sữa chua uống dinh dưỡng Nestlé ACTI-V được thiết kế phục vụ cho nhu cầu sử dụng hằng ngày, với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu, khảo sát được Nestlé Việt Nam thực hiện cho thấy tiềm năng thị trường còn lớn đến từ nhu cầu giới trẻ trong xã hội hiện đại ưa thích sự đột phá và tận hưởng cuộc sống và quan tâm đến sức khỏe và phong cách sống.  Theo báo cáo đánh giá từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar (2020) "Hơn 60% người trẻ từ 22 - 38 tuổi luôn mong muốn có một sản phẩm vừa ngon để tận hưởng, vừa tốt cho sức khỏe để không cảm thấy áy náy khi sử dụng mỗi ngày". Sản phẩm đang được phân phối trong hệ thống toàn quốc của các siêu thị Big C, Circle K, Family Mart và trang thương mại điện tử như Shopee với mức giá hấp dẫn dành cho người tiêu dùng 15.000 đồng/hộp 180ml. Nestlé Việt Nam trực thuộc tập đoàn Nestlé – Tập đoàn hàng đầu thế giới về dinh dưỡng, sức khỏe và sống vui khỏe có trụ sở tại Vevey – Thụy Sỹ, với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau. Nestlé đồng thời là tổ chức đi đầu trong hoạt động cung cấp giải pháp dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau với Viện Dinh dưỡng Nestlé (Nestlé Nutrition Institute) đặt tại Thụy Sỹ cùng mạng lưới trung tâm công nghệ sản phẩm, các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. MT

Khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc

TĐKT - Để đảm bảo việc khai báo thông tin phương tiện nhập khẩu được thực hiện thống nhất, đáp ứng yêu cầu của cơ quan đăng ký phương tiện, ngày 29/12/2020, Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc. Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) chủ trì cuộc họp Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết, trước mắt Tổng cục Hải quan sẽ họp với các đại diện: Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Xe - Máy (Bộ Quốc phòng), Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) và đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA). Nội dung cuộc họp tập trung vào 4 vấn đề chính:  Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu để bãi bỏ tờ khai nguồn gốc; lợi ích khi bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc; hướng dẫn cách thức khai báo các chỉ tiêu thông tin phương tiện nhập khẩu theo nội dung công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020; các lỗi thường gặp trong quá trình khai báo và cách khắc phục; thống nhất cách thức chia sẻ dữ liệu điện tử phương tiện giao thông giữa Tổng cục Hải quan và cơ quan đăng ký phương tiện; Giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020 của Chính phủ và công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính đã thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải và có Tờ trình số 11098/BTC-TCHQ ngày 14/9/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu. Nội dung đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2020 và được Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 11/11/2020. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 hướng dẫn việc khai và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ dừng thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc từ ngày 1/12/2020 đối với các phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an; đồng thời, tiếp tục phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện nhập khẩu phục vụ việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới vào mục đích quốc phòng để có thể thực hiện từ 1/7/2021. Qua gần 1 tháng thực hiện cho thấy việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp; nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ; các dữ liệu nguồn gốc của phương tiện trên hệ thống đảm bảo độ chính xác. Qua đó, đã hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ giấy tờ, phù hợp với bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công quốc gia. Theo tính toán sơ bộ dựa trên kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp và báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, nếu bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, phía cơ quan hải quan sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí, giảm bớt được nhiều nhân lực. Đây chính là một giải pháp đột phá về cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký phương tiện mà còn tiết kiệm hàng chục ngàn giờ công mỗi năm cho ngành hải quan. Một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn giải quyết hoặc phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đơn vị vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia (Văn Phòng Chính phủ) kịp thời giải quyết. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai việc kiết nối, chia sẻ dữ liệu để chính thức dừng thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với các phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ Quốc phòng từ ngày 01/7/2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Hải quan và Cục Cảnh sát Giao thông qua Hệ thống dịch vụ công quốc gia, phục vụ việc đăng ký phương tiện được thông suốt. Hồng Thiết

Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập

TĐKT - Nhằm cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáng 29/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Thương hiệu Việt Nam - Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”. Đây là chương trình đối thoại mở và đa chiều được tổ chức trong bối cảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam đang có nhiều thuận lợi song hành thách thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019. Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, kịp thời cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì chúng ta vẫn còn vô cùng nhiều thách thức cần chinh phục. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc... Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng Ban thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA... đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu. Ông Vũ Bá Phú cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phương Thanh  

Trang