Kinh tế

Trong tháng 2 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 42,5 tỷ USD

TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 42,5 tỷ USD, giảm 22,7% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 24,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 21 tỷ USD, giảm 20,6%. So với cùng kỳ năm 2020, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 2,4% và trị giá nhập khẩu tăng 11,6%. Với diễn biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2021 ước tính thặng dư 500 triệu USD. Công tác làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Hải Phòng Cũng trong 2 tháng đầu năm, với nỗ lực vừa chống dịch COVID-19 vừa tạo thuận lợi thương mại, toàn ngành Hải quan đã làm thủ tục cho lượng hàng hóa ước giá trị đạt hơn 97,5 tỷ USD, tăng 26,7% (so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 50,046 tỷ USD, tăng 27,1%; nhập khẩu 47,459 tỷ USD, tăng 26,4%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 ước tính thặng dư 2.586 triệu USD. Tổng cục Hải quan cho biết thêm, nhờ chủ động nỗ lực thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, 2 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Hải quan đã thu ngân sách ước đạt 54.760 tỷ đồng, bằng 17,38% dự toán được giao, bằng 16,54% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước (50.924 tỷ đồng). Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2 là thời điểm diễn ra dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, cũng là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép đối với những mặt hàng cấm và mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán vẫn diễn ra hết sức phức tạp đặc biệt đối với mặt hàng pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá... được vận chuyển qua các tuyến đường bộ. Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên cả ba tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tính từ 16/1/2021 đến 15/2/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 967 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 258,67 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 8,585 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 6 vụ. Trong thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tập trung vào việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, qua đó phấn đấu thu đạt chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu Bộ Tài chính giao năm 2021. La Giang  

Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo cấp vùng tại Quảng Ninh

TĐKT - Để thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung ương Đoàn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại 9 tỉnh thành, trong đó Quảng Ninh là địa phương được chọn. Chương trình nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”. Sinh viên trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh trình bày ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tại sự kiện Techfest 2019 tổ chức tại Quảng Ninh Hội nghị lần này kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST, tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương. Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Theo báo cáo của đại diện địa phương trong Hội nghị, giai đoạn 2016 - 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thật sự khởi sắc trong mọi lĩnh vực như tài chính, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, logistics và hàng loạt các lĩnh vực khác có liên quan đến công nghệ. Trong đó, với lợi thế về đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi, số lượng các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp nông nghiệp vượt trội hẳn sao với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung và đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp đã gặp ít nhiều những khó khăn. Khởi nghiệp là một trong những đột phá quan trọng, thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ sáng tạo lập nghiệp và làm giàu cho chính mình, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 2 năm trở lại đây có nhiều khởi sắc. Nhiều hoạt động khởi nghiệp đi vào chiều sâu, làm nền tảng cho những năm tiếp theo. Cùng với ban hành các chính sách hỗ trợ; tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là sự ra đời của các CLB khởi nghiệp ở nhiều địa phương, đơn vị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ra đời 1 CLB Đầu tư khởi nghiệp Quảng Ninh và 10 CLB khởi nghiệp tại 10/14 địa phương trong tỉnh, với gần 400 thành viên. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, như Trường Đại học Hạ Long cũng thành lập CLB sinh viên sáng tạo khởi nghiệp; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) thành lập CLB khởi nghiệp của sinh viên với 15 thành viên ban đầu, nhằm tổ chức một số hoạt động thúc đẩy sinh viên hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và làm cầu nối giữa nhà trường với các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần sự hỗ trợ hoặc tư vấn. Việc ra đời các CLB bước đầu đã trở thành địa chỉ, mái nhà chung cho các đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ cùng niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và chia sẻ để thực hiện ước mơ. Ngày hội ĐMST Quảng Ninh đã thu hút được đông đảo các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Hội nghị đã hỗ trợ các startup mở rộng mạng lưới kết nối của mình và đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy, hải sản, nông - lâm nghiệp và nông nghiệp kết hợp với du lịch, logistic. Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo chuyên gia, công nghệ Blockchain là chìa khóa để phát triển nông nghiệp Quảng Ninh đặc biệt là lĩnh vực thủy sản - ngành mà Quảng Ninh có thế mạnh. Ứng dụng dễ thấy nhất của Blockchain chính là tiền điện tử, tuy nhiên đấy chỉ là một trong các ứng dụng của Blockchain. Điều làm cho Blockchain trở nên độc đáo là dữ liệu được lưu trữ trên các mạng Blockchain là minh bạch và không thể phá hủy. Theo định nghĩa nó là công khai và dữ liệu một khi được lưu trữ không thể bị hỏng bằng cách thay đổi bất kỳ thông tin nào trên Blockchain. Chính đặc tính này cùng với đồng tiền điện tử đã mở ra nhiều ứng dụng cho ngành nông nghiệp: Truy xuất nguồn gốc, hợp đồng thông minh, giảm thiểu các khâu trung gian, kích thích sản xuất sạch… Trước yêu cầu đưa thành tựu công nghệ vào nông nghiệp trong thời đại 4.0, việc áp dụng Blockchain được đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững cho các bên trong chuỗi nông nghiệp, đặc biệt ở tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Chuyên gia khác lại cho rằng chuyển đổi số nên là một mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm năng cao giá trị thặng dư và năng suất lao động. Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tiếp cận công nghệ, thông tin, chuyên môn, lời khuyên, cố vấn, các nguồn lực và hỗ trợ khá. Cần lưu ý về khả năng quản lý, hoạch định chiến lược, giúp chủ doanh nghiệp định hình cảm nhận được cơ hội, mức độ rủi ro... Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số phải là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống dữ liệu lớn của doanh nghiệp được xây dựng, bao gồm cơ sở dữ liệu khách hàng và cơ sở dữ liệu sản phẩm, dịch vụ. Dựa trên nền tảng dữ liệu, doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng các công nghệ số phù hợp để từng bước xây dựng các chương trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh áp dụng trong xây dựng hệ thống marketing số để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm trong đó có các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài những phiên tọa đàm cùng các khách mời được xây dựng với nội dung chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương của Quảng Ninh, đã diễn ra kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp tại địa phương cùng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương với mục tiêu lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ startup nông nghiệp còn non trẻ, giúp họ tập huấn nâng cao năng lực quản trị và làm kinh tế. Năng lực tài chính là yếu tố sống còn với bất cứ doanh nghiệp nào. Ngày Hội tổ chức một không gian riêng dành cho các nhà đầu tư và startup có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhau, những màn pitching của founders, CEO của các dự án nông nghiệp gọi vốn trực tiếp với các “Shark” là những nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao. Thời gian qua, những màn gọi vốn từ các startup thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghệ chiếm đa số, cơ hội dành cho các startup nông nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư còn khá khiêm tốn. Đây là sân chơi cho các startup thực sự có tiềm năng để cọ xát và thử thách, chứng minh tiềm năng của startup. Ngày hội khởi nghiệp ĐMST như một cú hích đối với hoạt động khởi nghiệp của Quảng Ninh mang lại giá trị cho các startup, đặc biệt trong đó phải kể đến việc các nhà khởi nghiệp trẻ được gặp gỡ, học hỏi, đào tạo và tham khảo góp ý từ các chuyên gia từ Hội nghị. La Giang    

Kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về hoàn thuế GTGT

TĐKT - Tổng cục Thuế vừa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số công ty (linh kiện, máy tính điện tử) có hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan quản lý rủi ro về hoàn thuế GTGT. Gần đây nhất, qua công tác đấu tranh, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã xác định Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Nhận định đây là vụ án lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều doanh nghiệp (DN). Các đối tượng sử dụng sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và thực hiện các hành vi phạm tội khác, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế gồm Tây Ninh, Long An, Đồng Nai tiến hành thu hồi tiền hoàn thuế, đồng thời kiểm tra các DN bán hàng cho các công ty xuất khẩu hoàn thuế nói trên. Qua vụ việc vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế đã tổng hợp một số hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, điển hình đó là một số DN có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khi nhập khẩu thì một số DN khai báo giá trị rất thấp, khi xuất khẩu thì lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch khoảng hơn 50 lần; hay các lô hàng xuất khẩu của DN có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kilogam đến vài chục kilogam nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Để trốn tránh cơ quan chức năng, các DN bán hàng cho các DN xuất khẩu hàng linh kiện điện tử đều không có tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế... Các DN thường xuyên chuyển tiền qua lại với nhau. Hồ sơ xuất khẩu hàng hóa như hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán không khớp đúng với bản chất kinh tế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn quản lý sử dụng hóa đơn. Các DN xuất khẩu linh kiện điện tử thực chất không thực hiện giao dịch với phía nước ngoài mà chỉ nhận được phí hoa hồng đối với dịch vụ xuất khẩu. DN mua hàng (bên nhập khẩu) không tồn tại hoặc là DN bất hợp pháp tại cơ quan nước sở tại. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các công việc như: Rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản...) để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT có rủi ro cao. Căn cứ hồ sơ thực tế và đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lý về hoàn thuế GTGT theo quy định. Khi thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý theo quy định. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật vềthanh tra, kiểm tra. Kết thúc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc thu hồi hoàn tiền thuế GTGT và xử lý vi phạm về thuế theo quy định. Trường hợp qua thanh, kiểm tra xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) đến cơ quan Công an theo quy định và kiến nghị khởi tố. Trường hợp vụ việc phức tạp cần chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố để phối hợp với các cơ quan có liên quan trong cùng tỉnh, thành phố để kịp thời kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm. Cơ quan thuế các địa phương cần chủ động rà soát các trường hợp tương tự đối với các mặt hàng có rủi cao về hoàn thuế GTGT; đồng thời công khai thông tin về các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đến người nộp thuế để kịp thời ngăn chặn vàxử lý các trường hợp tương tự, tránh thất thu NSNN. Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽvới cơ quan Hải quan để kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Sau khi phát hiện Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức thực hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu trốn thuế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên ngày 26/1, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã nhận được Quyết định số 30/2021/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm đình chỉ thi hành Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định các quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tiền hoàn thuế GTGT là đúng pháp luật và cần được thực hiện ngay để đảm bảo lợi ích hợp pháp của ngân sách nhà nước. Trường hợp Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh không hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến DN không còn tài sản để thu hồi tiền thuế cho ngân sách nhà nước thì trách nhiệm thuộc về Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh.  Hồng Thiết

Tập đoàn Hoa Sen: Doanh thu xuất khẩu vượt mốc 100 triệu USD/tháng

TĐKT - Kết thúc tháng 2/2021, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với sản lượng 121 nghìn tấn, doanh thu xuất khẩu đã vượt mốc 100 triệu USD/tháng. Đặc biệt, các con số ấn tượng này được ghi nhận trong thời điểm Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tạm dừng để nghỉ Tết. Tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu Xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực đóng góp lớn vào sự phát triển của HSG. Tập đoàn Hoa Sen hiện đang dẫn đầu và chiếm gần 1/2 sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành với kênh xuất khẩu rộng khắp đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong Tết Tân Sửu 2021, các hoạt động xuất khẩu của HSG đều diễn ra bình thường tại các nhà máy trên cả nước. Hàng loạt lô hàng xuất khẩu lớn được xuất đi ngay trong những ngày đầu năm báo hiệu cho một năm nhộn nhịp trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu của Tập đoàn. Tại thị trường nội địa, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam trong tháng đầu năm 2021, HSG củng cố ngôi vị dẫn đầu trong mảng tôn mạ với thị phần 37,5%, tăng so với mức 33,4% thị phần trong cả năm 2020; trong mảng ống thép, sản lượng bán hàng của HSG ghi nhận mức 40.359 tấn, chiếm 22,76% dẫn đầu thị phần ống thép tháng 1/2021. Tập đoàn Hoa Sen hiện đang sở hữu hệ thống phân phối hơn 536 cửa hàng trải dài trên khắp cả nước và hệ thống 10 nhà máy sản xuất đặt tại các vị trí chiến lược, gần các cảng biển quốc tế nên rất thuận lợi cho HSG trong việc sản xuất, cung ứng và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, sản phẩm thương hiệu Hoa Sen được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn cao đối với người sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng nên được thị trường ưa chuộng. Đây chính là những nền tảng vững chắc tạo động lực để HSG tiếp tục chinh phục những cột mốc mới trong thời gian sắp tới. Xuân Phúc  

Ngành Hải quan nỗ lực, bám sát các yêu cầu để hoàn thành cơ bản mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

TĐKT - Năm 2020 là năm kinh tế thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của thiên tai, lũ lụt và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện và hoàn thành mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn phát biểu Kết quả, hệ thống pháp luật về hải quan liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, kịp thời. Luật Hải quan sửa đổi (2014) được Quốc hội thông qua đã đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ. Riêng thủ tục hành chính được thực hiện bằng phương thức điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới (do Nhật Bản tài trợ) tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước, 100% các loại hình hải quan cơ bản. Với 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước; cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút gắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó, giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Theo báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), nhóm thủ tục hành chính hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm thủ tục hành chính (xấp xỉ 12,7 triệu đồng). Việc triển khai thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan chủ trì sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Việc đổi mới phương thức kiểm tra của đề án theo đánh giá độc lập của tổ chức USAID sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tiết kiệm chi phí trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD). Trong đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D thông qua ASW với 4 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43,8 nghìn doanh nghiệp. Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh công bố trong các năm từ 2018 - 2020, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Như vậy, so với công bố của WB năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu). Công tác thu ngân sách của ngành Hải quan đã cải cách toàn diện thủ tục thu nộp thuế và lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển từ nộp thuế, lệ phí thủ công sang nộp thuế lệ phí điện tử, giúp doanh nghiệp nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, giảm mạnh thời gian và chi phí để thực hiện thủ tục nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100% với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử chiếm trên 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Năm 2020, với sự nỗ lực và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tính đến ngày 31/12/2020 đạt 317.090 tỷ đồng, bằng 93,8% dự toán thu NSNN, bằng 105,7% (317.090/300.000 tỷ đồng) số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, giảm 8,7 % so với cùng kỳ năm 2019.   Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam định hướng đến năm 2030 với mô hình quản lý hiện đại, thông minh, ứng dụng tối đa công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của quốc gia. Tổng cục Hải quan sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm: Thứ nhất, hoàn thành xây dựng, triển khai quản lý hải quan hiện đại tập trung gồm các thành tố hệ thống thể chế hiện đại, đồng bộ; hệ thống quy trình nghiệp vụ đơn giản, hài hòa; hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị thông minh; hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ, phù hợp các chuẩn mực, cam kết, thông lệ quốc tế, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại. Thứ ba, hoàn thiện hệ thống quy trình thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, hài hòa, tăng cường tự động hóa các quy trình thủ tục; tập trung hóa, hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; giảm tỷ lệ can thiệp; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan. Thứ tư, nâng cao hiệu quả kiểm soát biên giới, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, chất nổ, vũ khí qua biên giới. Thứ năm, hoàn thành xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin điện tử thông minh; từng bước hoàn thành xây dựng hải quan số, với mức độ tập trung, tự động hóa cao, tích hợp vào một hệ thống duy nhất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo quản lý hải quan hiệu quả, xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Thứ sáu, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại tập trung, có cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian. Có thể khẳng định, ngành Hải quan đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược 448/QĐ-TTg, thực hiện tốt nhiệm vụ hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2020. Bước sang năm 2021, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của toàn ngành định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN; công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa; làm tốt và hiệu quả hơn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác này. Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng lực lượng hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Hồng Thiết

Tập đoàn Hoa Sen nhộn nhịp các hoạt động xuất khẩu xuyên Tết Tân Sửu 2021

TĐKT - Vào những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, Tập đoàn Hoa Sen mở hàng năm mới bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… từ các cụm cảng Phú Mỹ, Quy Nhơn, Nghi Sơn. Đây là tín hiệu vui trong những ngày đầu năm 2021, hứa hẹn một năm mới đầy khởi sắc cho Tập đoàn Hoa Sen và cả ngành tôn thép Việt Nam. Mùng 2 Tết Tân Sửu 2021, nhà máy Hoa Sen Nghệ An xuất khẩu lô hàng 2.300 tấn đi Mexico (ảnh minh họa) Trong suốt nhiều năm qua, mặc dù trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng Tập đoàn Hoa Sen vẫn bố trí một số nhà máy trọng yếu trên khắp cả nước hoạt động xuyên suốt, các bộ phận luôn phải bố trí nhân sự làm Tết để đảm bảo công tác sản xuất – kinh doanh không bị gián đoạn, đặc biệt là các hoạt động phục vụ cho xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Phúc – Giám đốc nhà máy Hoa Sen Nghệ An cho biết: “Do đặc thù công việc nên dù trong thời gian mọi người nghỉ Tết nhưng một số bộ phận, đặc biệt là các bộ phận sản xuất, cung ứng vẫn bố trí nhân sự làm việc để công tác sản xuất, xuất nhập hàng hóa trong Tết được thông suốt. Năm nay, tất cả cán bộ, công nhân viên ở Hoa Sen đều có công việc ổn định, thu nhập đảm bảo, chế độ đãi ngộ tốt nên anh em ở nhà máy dù đi làm trong thời gian Tết nhưng vẫn rất phấn khởi”. Hình ảnh xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen tại cảng Nghi Sơn (ảnh minh họa) Xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen. Nguồn doanh thu USD từ hoạt động xuất khẩu giúp Hoa Sen có nguồn ngoại tệ đối ứng để vay USD với lãi suất thấp hơn lãi suất VNĐ để thanh toán các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2020, vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19, Tập đoàn Hoa Sen đã cho thấy những nỗ lực lớn trong việc duy trì và phát triển mảng xuất khẩu. Hoa Sen liên tiếp ghi nhận nhiều kỷ lục mới trong lĩnh vực xuất khẩu tôn mạ. Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn hiện tại đã vượt mốc 100 nghìn tấn/tháng. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2020, sản lượng xuất khẩu tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của các thành viên VSA đạt 1.619.   361 tấn, trong đó Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu 752,530 tấn, dẫn đầu và chiếm 46,5% sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Với nền tảng năng lực nội tại tốt, sự nhạy bén với các cơ hội mới và chiến lược kinh doanh phù hợp đã giúp Tập đoàn Hoa Sen vững vàng ở cả thị trường trong và ngoài nước, hướng tới một năm 2021 với nhiều triển vọng mới phía trước. Tháng 1 và tháng 2/2021, mặc dù là thời gian nghỉ Tết ở nhiều quốc gia nhưng sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen tiếp tục vượt mốc 100 nghìn tấn/tháng, mang về doanh thu ước tính khoảng 70 - 80 triệu USD/tháng. Bên cạnh khai thác các thị trường thế mạnh như Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu… trong những năm qua, Tập đoàn Hoa Sen luôn tích cực phát triển các thị trường tiềm năng mới. Tính đến nay, Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định chất lượng sản phẩm vượt trội và uy tín thương hiệu Hoa Sen cũng như sản phẩm tôn thép của Việt Nam tại các thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới. Xuân Phúc

Mùa xuân từ những giếng dầu

TĐKT - “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử. Lời thề tuổi xuân, hào khí nước Nam vọng vang…”, tiếng hát của nhạc sĩ Trương Quý Hải cất lên trong lồng lộng gió, trong mây mù của đất trời biên ải. Nghe bài hát, nhiều người lính Vị Xuyên năm xưa và cả những cán bộ, người lao động dầu khí đã không cầm được nước mắt! Từ nay, ở Đài hương 468 (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang) có một lá cờ Tổ quốc - lá cờ ấy vừa trải qua hành trình rất đặc biệt từ công trình dầu khí xa đất liền nhất trên biển Đông, đến điểm cực Nam – Đất Mũi, Cà Mau, sau đó đi dọc chiều dài đất nước và kết thúc tại vùng đất thiêng Vị Xuyên thuộc Hà Giang – tỉnh cực Bắc của Tổ quốc. Non sông liền một dải  Lãnh đạo Petrovietnam và người lao động dầu khí với Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu tại giàn Hải Thạch – PQP, công trình dầu khí xa đất liền nhất trên biển Đông. Từ Quốc lộ 2 rẽ vào, chiếc xe Fortuner cài số 1 ì ạch bò lên con dốc đứng, vắt ngoằn ngoèo một bên sườn núi. Ở phía cao bên trên dải mây trắng kia là Nậm Ngặt, là cao điểm 468, nay trở thành Đài hương 468 – nơi được coi như “chốn hội quân” của các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên. Ở nơi đây, đầu tháng 3/1984, bà con Nậm Ngặt bỏ bản, bỏ cả đồ lễ chuẩn bị cúng thanh minh cho ông bà, bỏ cả nương lúa đang vào mùa gặt,… để đi sơ tán tránh những cơn mưa đạn pháo từ phía bên kia biên giới. Nậm Ngặt chỉ cách biên giới chừng nửa cây số. "Từ cao điểm 468, nhìn sang phía đối diện là cao điểm 772 và "lò vôi thế kỷ" 685...". Sở dĩ gọi là “lò vôi thế kỷ” bởi lẽ nơi đây hứng chịu nhiều đạn pháo đến nỗi đá nung thành vôi; tiếng pháo qua đi, cả cao điểm này trơ một màu trắng xóa, như lò vôi khổng lồ. Ở những sườn núi, ở những thung sâu phía dưới kia, hàng ngàn người lính còn nằm lại, chưa được trở về với quê mẹ, với đồng đội. Thời đó, hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía mặt trận Hà Tuyên mà không hẹn ngày về. Họ đi để giữ gìn cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại. Cũng thời điểm đó, ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có những người lính không mang quân hàm đang bước vào một trận chiến với biển khơi, với đáy đại dương. Dầu khí thuở ban đầu, gắn chặt với những người lính. Sau thống nhất đất nước năm 1975, nhiều người lính buông tay súng phiên chế sang Tổng cục Dầu khí bước vào một trận địa khác: Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc. Họ biết, phía dưới những tầng đá móng, ở phía dưới hàng trăm mét nước đại dương sâu thẳm là dầu, là khí. Và nếu khai thác được, dầu khí sẽ là nguồn lực kinh tế rất lớn phát triển đất nước. Thời điểm đầu thập niên 80, họ đã dựng lên những giàn khoan dầu khí, đồng thời là những cột mốc giữa biển khơi trùng điệp sóng. Qua thời gian, những giàn khoan mọc lên ngày càng nhiều, vừa khai thác, đóng góp kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền ở biên giới trên biển phía Nam Tổ quốc. Xuân năm nay, những người cựu chiến binh Vị Xuyên và những người làm dầu khí hẹn gặp nhau tại Đài hương 468. Những cựu chiến binh đến thắp hương đồng đội và cùng nhau cất khúc tráng ca, lời thề “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Còn những người dầu khí trân trọng dâng lên anh linh các Anh hùng liệt sĩ lá cờ rất đặc biệt được rước về từ thềm lục địa phía Nam; lá cờ thấm muối biển, thấm gió đại dương, thấm nắng mưa, thấm cả giọt mồ hôi của những người lao động dầu khí, trải qua hành trình xúc cảm đi dọc chiều dài đất nước và kết thúc tại vùng đất thiêng này. Lá cờ có một không hai ấy trải qua trọn một hành trình từ cương vực lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc đến biên giới phía Bắc, như một lời khẳng định với các Anh hùng liệt sĩ rằng, nhờ có sự hy sinh của các anh, đất nước, non sông gấm hoa này được nối liền một dải. Thấy cờ là thấy bóng hình Tổ quốc Mặt trời sáng chói trên giàn khoan Hải Thạch lúc 6h30 sáng, chiếu những tia nắng sớm như dát vàng lên mặt biển. Ở phía sân đỗ trực thăng, khoảng 50 kỹ sư trên giàn tập trung để chào cờ. “Nghiêm. Chào cờ. Chào…”, tiếng giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh vang lên. Lá cờ đỏ sao vàng được giương cao trong tiếng hát Quốc ca, giữa lộng gió biển khơi. Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu tại điểm cực Nam của Tổ quốc – Đất Mũi, Cà Mau. Nghi thức chào cờ trên giàn Hải Thạch được Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) thực hiện từ tháng 7/2018. Lễ chào cờ này được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lễ chào cờ xa đất liền nhất Việt Nam. Kể về lễ chào cờ đặc biệt này, giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh chia sẻ, nghi thức chào cờ Tổ quốc đầu tuần được tổ chức nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhắc nhở toàn thể cán bộ, người lao động nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nguyễn Thanh Tĩnh là giàn trưởng của cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Anh nhận chức giàn trưởng khi mới 33 tuổi, giàn trưởng trẻ nhất của Việt Nam khi ấy. Tĩnh là điển hình của những người lao động dầu khí, ăn nói nhỏ nhẹ, khúc chiết, có nét gì đó giống một người thầy giáo hơn là giàn trưởng quanh năm ở nơi biển sâu, sóng cả. Tĩnh gây ấn tượng đặc biệt đến nhạc sỹ Trương Quý Hải. Ở Đài hương 468, một bài hát khác được nhạc sĩ Trương Quý Hải hát lên. Đó là bài hát “Biển Đông tung bay quốc kỳ”, tác phẩm mới sáng tác ngay trong hành trình này của nhạc sĩ. Trong đó có đoạn “… đặt tay lên trái tim, cùng hướng lên quốc kỳ, để giàn khoan hùng thiêng nước non Việt Nam…”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, cảm hứng để sáng tác bài hát này là hình ảnh giàn trưởng Nguyễn Thanh Tĩnh hô anh em trên giàn nhìn lên quốc kỳ và tay đặt lên trái tim. “Thời điểm đó, thấy bóng hình Tổ quốc hiện lên trong lá cờ”, nhạc sĩ Trương Quý Hải nói. Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh cách Vũng Tàu 320km về phía Đông Nam, là cụm mỏ dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là cụm mỏ khai thác dầu khí thuộc dự án “Biển Đông 01” - cụm công trình xây dựng trên biển lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam do người Việt thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành. Sau lễ chào cờ hôm ấy, lá cờ được xếp lại gọn gàng, bắt đầu một hành trình dọc chiều dài đất nước. Hành trình của lá cờ được bắt đầu trên đất liền từ thành phố công nghiệp dầu khí Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh, đến cực Nam đất Mũi Cà Mau, dừng chân ở 13 địa điểm gồm các công trình dầu khí tiêu biểu và địa danh lịch sử, kết thúc ở vùng đất thiêng Vị Xuyên thuộc tỉnh cực Bắc Hà Giang. Các địa danh tiêu biểu có thể kể đến là đất mũi Cà Mau, Tượng đài quân nhân Việt – Nga, Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Hải Vân quan, Kỳ đài Huế, cầu Hiền Lương, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Vị Xuyên (Hà Giang). Sau lễ chào cờ ở Đài hương 468, trước khi trang trọng đặt lá cờ đem về từ giàn Hải Thạch vào ngôi đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, kỹ sư cơ khí Trần Hữu Đăng hai tay nâng lá cờ Tổ quốc, lưu luyến hôn lên ngôi sao vàng năm cánh. Lá cờ ấy đã gắn bó với anh và những người thợ dầu khí từ Biển Đông về đến biên giới phía Bắc. Kỹ sư Đăng chia sẻ: “Với những người ở ngoài biển hàng tháng trời như chúng tôi, nhìn thấy cờ là thấy bóng hình Tổ quốc, thấy đất liền nơi có cha mẹ, có vợ con ở đó. Mỗi lần nhắc đến lá cờ trên giàn và hành trình đặc biệt này, tôi đều thấy niềm tự hào dân tộc dâng lên. Bây giờ và có lẽ mãi sau này vẫn thế”! “Mùa xuân từ những giếng dầu” Người dầu khí gọi hành trình dài 3.313km, đi đường bộ trong 13 ngày, rước Quốc kỳ dọc chiều dài đất nước là “ Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu”. Tại các điểm dừng chân đã có các hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân các danh nhân văn hoá, Anh hùng dân tộc, báo công với Bác Hồ, tưởng nhớ các lãnh tụ tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sĩ; tôn vinh thanh niên tiêu biểu, kết nạp Đảng viên mới; ôn lại truyền thống và khẳng định quyết tâm nỗ lực của người lao động dầu khí. Các hoạt động an sinh xã hội cũng đồng loạt diễn ra suốt dọc hành trình. Đại diện bà con giáo dân ở Vũng Áng - Hà Tĩnh rưng rưng xúc động: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Dầu khí đã san sẻ với đồng bào trong hoạt động Tết vì người nghèo”. Có khoảng 13.000 cán bộ, đoàn viên, người lao động; thanh thiếu nhi, đồng bào, chiến sĩ các địa phương đã hân hoan chào đón và cùng tham gia hoạt động của hành trình. Con số 13 được lặp lại nhiều lần cùng với các hành động thiết thực như tình cảm của người dầu khí gửi tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Đoàn thanh niên Tập đoàn cũng đã phát động tuổi trẻ toàn Tập đoàn thi đua chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2021). Chợt nhớ, năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh nhiều tập đoàn dầu khí trên thế giới phá sản, thua lỗ, Petrovietnam vẫn đóng góp rất quan trọng cho ngân sách quốc gia, gầnm10%, không như nhiều doanh nghiệp khác trông chờ vào sự giải cứu, Petrovietnam đã tự thân, nỗ lực vượt bậc, với sự đồng lòng, đoàn kết của 60.000 cán bộ, người lao động ngành Dầu khí để đạt “mục tiêu kép”, trong “khủng hoảng kép”. Có lẽ vì vậy, chào 2021 “Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu” mang ý nghĩa là hành trình truyền cảm hứng sâu sắc về truyền thống ngành Dầu khí, niềm tự hào dân tộc của những người Dầu khí. “Mùa Xuân từ những giếng dầu” không chỉ giúp cho nhân dân hiểu hơn về những người làm dầu khí, mà quan trọng hơn là giúp cho những người dầu khí có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ và học hỏi nhân dân từ thực tế cuộc sống. Và từ đó, những người làm dầu khí cố gắng hơn để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, xứng đáng với Tổ quốc, với nhân dân. Kết thúc hành trình, tiến sĩ Ngô Hữu Hải – người cầm lái BIENDONG POC, có thâm niên công tác trong ngành dầu khí, trưởng thành từ kỹ sư trên giàn khoan đã tâm sự: “Thật vinh dự và tự hào khi được tham gia “Hành trình Mùa xuân từ những giếng dầu”. Chúng ta được thừa hưởng những ngày yên bình, những ngày hạnh phúc như bây giờ thì không bao giờ được quên ơn những người Anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước. Chúng ta phải truyền đi thông điệp rằng, dưới bóng cờ, dù là ở cực Bắc, cực Nam hay là biển khơi, những người con Lạc cháu Hồng đều có chung trách nhiệm giữ gìn cương thổ đất nước, non sông gấm vóc Việt Nam”. Thoạt nghĩ, những người làm dầu khí và những người lính như chẳng có gì giống hay liên quan đến nhau, nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn, họ tuy hai mà là một, gắn bó nhau như máu thịt, đều hiện diện ở những nơi xa xôi nhất, nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất, từ thềm lục địa phía Nam đến biên giới phía Bắc. Từ những nhà giàn DK1, những công trình dầu khí trên biển Đông, từ màu áo lính, đến màu áo dầu khí, khi còn sự hiện diện của những người con nước Việt, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước vẫn mãi mãi trường tồn. Và những người lính, người dầu khí sẽ đều lặng người khi đặt tay lên ngực, hát quốc ca, mắt ngước nhìn lên cờ Tổ quốc, dù lá cờ ấy ở giữa Biển Đông, ở Đất Mũi, tại Quảng trường Ba Đình hay Vị Xuyên linh thiêng! La Giang

VinaPhone phủ sóng 5G tại Bình Phước

TĐKT - Ngày 8/2, VinaPhone đã phát sóng thử nghiệm thương mại mạng di động VinaPhone 5G tại tỉnh Bình Phước. Theo đó, người dân Bình Phước hoàn toàn có thể trải nghiệm sóng 5G ngay trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Với mong muốn mang tới những trải nghiệm nhất cho khách hàng, VinaPhone sẽ phủ sóng 5G tại các khu vực trung tâm hành chính tỉnh, khu vực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước và Quảng trường trung tâm 23 tháng 3. Tại đây khách hàng có thể trải nghiệm 5G với tốc độ nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G. Tốc độ vượt trội này sẽ cho phép người dùng xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR) hay video 360 livestreaming… Cùng với đó, độ trễ lý tưởng gần như bằng 0 của mạng 5G sẽ hiện thực hóa việc ứng dụng các công nghệ AI, IoT, điều khiển học như: Xe tự lái, phẫu thuật từ xa, robotic. Tốc độ 5G đo được tại tỉnh Bình Phước Ngoài ra, trong dịp Tết, VinaPhone sẽ bổ sung trạm phát sóng lưu động 5G để phục vụ người dân Bình Phước tại các sự kiện, lễ hội và điểm giao dịch Trung tâm kinh doanh tỉnh Bình Phước. Để sử dụng 5G thử nghiệm, khách hàng sẽ không cần phải đổi SIM. Thay vào đó, hệ thống của nhà mạng sẽ tự động dò quét và nâng cấp cấu hình khi khách hàng sử dụng điện thoại có hỗ trợ và tương thích với mạng 5G, đăng ký dịch vụ data và được khai báo dịch vụ 5G. Bởi vậy, SIM 4G hoàn toàn có thể truy cập được 5G khi khách hàng đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên. Trước đó, nhà mạng VinaPhone đã chủ động rà quét các thuê bao đủ điều kiện sử dụng 5G để thực hiện khai báo, mở dịch vụ truy cập cho khách hàng trên hệ thống. Hiện nay, một số dòng điện thoại đang hỗ trợ 5G của VinaPhone gồm: Nokia 8.3, Asus ROG Phone 3, Oppo Find X2 và Find X2 Pro, Huawei P40 Pro, Xiaomi Mi 10 Pro T 5G, chi tiết tại website https://5g.vnpt.com.vn/ Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán 2021, VinaPhone cũng đang thực hiện chính sách miễn phí data 5G khi khách hàng truy cập mạng 5G tại một số địa điểm của tỉnh Bình Phước. Thông qua chính sách ưu đãi này, VinaPhone hy vọng người dân Bình Phước có cơ hội trải nghiệm mạng di động thế hệ tiên tiến và hiện đại nhất, phục vụ nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng. Như vậy, tính đến nay VinaPhone đã phủ sóng 5G tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức, Bình Phước. Hồng Thiết

Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua vùng biển

TĐKT - Hồi 3 giờ 35 phút ngày 31/1, tại khu vực cửa sông Bắc Luân thuộc phường Trà Cổ, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Đội Tuần tra kiểm soát Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam. Phương tiện bè xốp tự chế không số hiệu kiểm soát trọng tải khoảng 10 tấn, lắp 2 máy, tổng công suất 215 CV. Trên bè có 2 người nam, do ông Đoàn Văn Mạnh, sinh năm 1985, trú tại thôn 3, xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, điều khiển và là chủ phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện vận chuyển 130 thùng bánh kẹo các loại, 450 thùng bia LiQuan, 40 thùng bia 1998, 20 thùng nước dấm táo đóng chai, 100 thùng nước lọc, 20 thùng sữa hộp và cháo hộp. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn giấy tờ và có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Tại thời điểm bắt giữ chuyến hàng nhập lậu Đoàn Văn Mạnh khai nhận mua số hàng trên với tổng trị giá gần 100 triệu đồng tại Trúc Sơn, Trung Quốc mang về Việt Nam sử dụng. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, nhằm bảo đảm an ninh trật tự địa bàn vùng biển, bảo vệ và chào mừng Đại hội XIII của Đảng, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào nước ta từ đường biển. Hải đội 2 đã triển khai cách ly y tế đối với 2 thuyền viên và hoàn chỉnh hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Hưng Vũ

Thúc đẩy kết nối giao thương Việt Nam – Hàn Quốc

TĐKT - Vừa qua, công ty TNHH Đầu tư Giải trí và Tư vấn Truyền thông PHT Entertainment & Media đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược độc quyền với đại diện Ban tổ chức của On-Tact Business Platform - công ty Mr. Communication (Hàn Quốc). Việc ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam đi các nước trên thế giới. Lễ ký kết hợp tác của hai công ty tại văn phòng công ty TNHH Đầu tư Giải trí và Tư vấn Truyền thông PHT Entertainment & Media Công ty Mr. Communication được thành lập cách đây hơn 25 năm và là một doanh nghiệp thành công ở cả Hàn Quốc và Việt Nam. Các lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, tư vấn kinh doanh, phát triển nhượng quyền thương mại… Mr. Communication đã thực hiện thành công các hoạt động tiếp thị của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. Khách hàng đại diện bao gồm các công ty khác nhau ở Hàn Quốc như: BC Card, Korean Air, Samsung Electronics, cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan ban, ngành trung ương. Đặc biệt, công ty Mr. Communication là đơn vị tổ chức V.I.C.O. - nền tảng kinh doanh On-Tact sẽ vào Việt Nam. V.I.C.O. là một nền tảng kinh doanh cung cấp các dịch vụ kinh doanh trực tiếp toàn diện của các thương hiệu – sản phẩm Hàn Quốc  khi vào Việt Nam; theo chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và các loại hàng hóa khác... mang màu sắc, đặc sản của văn hóa Việt Nam có thể được quảng bá trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và được hỗ trợ xúc tiến thương mại, kinh doanh xuất khẩu trên đất nước bạn. Công ty TNHH Đầu tư Giải trí và Tư vấn Truyền thông PHT Entertainment & Media có nhiều mã ngành kinh doanh khác nhau, từ các hoạt động tiếp thị, truyền thông đến phát thanh, truyền hình, quảng cáo, triển lãm, kết hợp kinh doanh và phân phối sản phẩm đến khách hàng và có khả năng kết hợp với khoảng 200 nhà bán lẻ và bán buôn trên toàn quốc. Hai công ty đã ký kết biên bản hợp tác trong các hình thức kinh doanh và tiếp thị khác nhau của nền tảng kinh doanh On-Tact, phân tích khách hàng và tìm nguồn cung ứng sản phẩm. Đây được cho là cầu nối vững chắc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khi vào Việt Nam.                                                                                        Xuân Phúc

Trang