Kinh tế

Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2019

TĐKT – Ngày 15/1, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đến dự, có: Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công; Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà. Năm 2018, với sự hỗ trợ chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành cùng với sự đoàn kết, trách nhiệm của toàn thể Ban Lãnh đạo, doanh nghiệp thành viên, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động (CBCNVC NLĐ), VIMC đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018 trên các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công trao tặng Bặng Khen Thủ tướng Chính phủ cho ông Mai Lê Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinalines Logistics Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hoàn thành IPO Công ty mẹ và niêm yết giao dịch; tiếp tục thực hiện thành công tái cơ cấu tài chính theo Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ; tinh gọn tài sản có trọng điểm và tuân thủ quy định, hiệu quả; nâng cao thị phần vận tải và cung ứng đến khách hàng các gói dịch vụ chuỗi logistics trên cơ sở kết nối chặt chẽ giữa ba lĩnh vực mũi nhọn cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải, bước đầu đã phát triển chuỗi quốc tế; gia tăng năng lực cảng biển, tăng công suất, chuyển đổi công năng, tiếp nhận các tàu với trọng tải lớn nối các tuyến vận tải quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức, thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin để triển khai và ứng dụng công nghệ số, thành lập Trung tâm Khai thác container để đón đầu xu thế phát triển và hình thành các tuyến vận tải container.  Phát triển mạnh mẽ văn hóa doanh nghiệp với nền tảng văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm và xây dựng Hệ giá trị văn hóa có bản sắc riêng. Đẩy nhanh quá trình ra quyết định bằng cơ chế ủy quyền. Hai đơn vị được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2018 Với việc thực hiện các giải pháp trong tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, tập trung phát triển mạng lưới khách hàng, dịch vụ đa dạng, kết quả: Tổng công ty hoàn thành vượt mức 3/4 chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018. Trong đó: Sản lượng vận tải biển đạt 26,7 triệu tấn, tăng 24,5% so với kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2017. Tổng doanh thu: 13.997 tỷ đồng, tăng 2,6% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận đạt 365 tỷ đồng. Trong đó: Lợi nhuận Khối Cảng biển: 1.022 tỷ đồng, Khối dịch vụ hàng hải: 83 tỷ đồng và Khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỷ đồng, giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch. Năm 2019, kế hoạch của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt ra là: Sản lượng vận tải biển đạt 17,6 triệu tấn, sản lượng cảng biển đạt 107,8 triệu tấn, doanh thu khoảng 12.714 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng. Các đơn vị được tặng Cờ thi đua của Tổng công ty VIMC Để đạt được kế hoạch đề ra, VIMC đặt ra mục tiêu năm nay sẽ hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần. Hợp nhất các doanh nghiệp cùng với bộ nhận diện thương hiệu mới của Tổng công ty và tiến hành các chiến dịch quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước. Liên kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên trong VIMC để cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ không tách rời, ưu việt. Thực hiện các dự án Công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và năng suất lao động. Giảm dần các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao trách nhiệm đối với an sinh xã hội… hướng đến mục tiêu đến năm 2020, VIMC trở thành đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam; có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường hàng hải quốc tế; góp phần hoàn thành các mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công và Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà biểu dương những kết quả mà VIMC đã nỗ lực đạt được trong năm 2018. Đồng thời mong muốn, trong năm 2019, VIMC tiếp tục phát huy những kết quả đó, đồng thời có những giải pháp để tăng doanh thu và lợi nhuận hơn nữa. Tại Hội nghị, 2 đơn vị, 1 cá nhân được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Tổng công ty VIMC. Mai Thảo

Brand Finance xếp hạng VNPT thuộc Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018

TĐKT - Brand Finance, nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, vừa công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Theo đó, VNPT nằm trong Top 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam. Brand Finance xếp hạng VNPT thuộc Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018 Theo bảng xếp hạng của Brand Finance mới công bố, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm Top 10 thương hiệu lớn nhất trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam năm 2018 và có con số giá trị thương hiệu tăng khá cao năm 2017. Cụ thể, VNPT vẫn đứng vị trí Top 3 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018 cùng với Viettel và Vinamilk. Giá trị thương hiệu của VNPT năm 2018 được định giá là 1.339 tỷ USD. Với con số này, giá trị thương hiệu của VNPT tăng 16% so với năm 2017. Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018. Tuy nhiên, báo cáo của Brand Finance không tiết lộ con số giá trị thương hiệu của VinaPhone cụ thể là bao nhiêu mà chỉ đưa ra tỷ lệ tăng 15% so với năm 2017. Nếu tính giá trị thương hiệu của VinaPhone năm 2017 suy ra năm 2018 thì con số này sẽ khoảng 361 triệu USD. Ông Samir Dixit, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, không ai có thể đoán trước được hành vi từ doanh nghiệp cũng như khách hàng, chỉ có một thứ bất biến chính là thương hiệu. Thương hiệu là tài sản quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp. Brand Finance đã sử dụng phương pháp tiến bộ về kỹ thuật, phù hợp với chuẩn ISO để đánh giá. Năm nay, công ty tiếp tục công bố danh sách giá trị thương hiệu toàn cầu, là tổng hợp các sức mạnh tài chính của mỗi doanh nghiệp. Mỗi thương hiệu có một điểm số thương hiệu riêng, cho thấy sức mạnh, rủi ro và tiềm năng tương lai so với đối thủ. Mục đích nghiên cứu của Brand Finance là kiểm tra hiệu quả của tài sản vô hình và thương hiệu của Việt Nam. Tài sản vô hình đang đóng góp một phần đáng kể trong giá trị của doanh nghiệp. Brand Finance tính toán các giá trị của thương hiệu bằng cách tiếp cận Royalty Relief, một phương pháp định giá thương hiệu tuân thủ các chuẩn công nghiệp được thiết lập trong ISO 10668. Trước đó, ngày 23/8/2018, Forbes Việt Nam đã tổ chức lễ giới thiệu và vinh danh 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018. Theo đó, VNPT được xếp ở vị trí thứ 3 và VinaPhone xếp ở vị trí thứ 6 trong Top 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018. Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 chủ yếu vẫn thuộc ba nhóm ngành hàng tiêu dùng, tài chính - ngân hàng và công nghệ - viễn thông. VNPT cho biết, năm 2018, VNPT đạt lợi nhuận 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Theo thống kê, mức tăng trưởng lợi nhuận của VNPT trong năm qua là 24,7%. Tính đến thời điểm này, tổng số thuê bao điện thoại của VNPT là 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động là 31,3 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng là 5,2 triệu thuê bao, tăng 11% so với năm 2017. Năm 2018, VNPT nộp ngân sách là 4476 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 12,2%, tăng 23% so với năm 2017. 2018 là năm VNPT vẫn tập trung vào đầu tư mạng lưới hạ tầng và mở rộng các dịch vụ công nghệ thông tin. Kết quả công bố chất lượng di động của 3 mạng di động lớn nhất và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố, mạng di động VinaPhone của VNPT đứng thứ nhất ở 4/9 chỉ tiêu quan trọng. Các chỉ tiêu chất lượng của mạng VinaPhone cũng vượt xa so với các chỉ tiêu mà Bộ TT&TT đưa ra. Tính đến nay, VinaPhone đã có gần 60.000 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G và 4G, có khả năng đáp ứng cho khoảng 40 triệu thuê bao có thể sử dụng. VinaPhone là nhà mạng viễn thông đang có những thay đổi mang tính đột phá trong chiến lược tiếp cận khách hàng với sự đầu tư chất lượng hạ tầng mạng, đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cùng với hệ sinh thái liên kết hàng nghìn doanh nghiệp mang đến ưu đãi cũng như trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Đại diện VNPT còn cho biết, năm 2018 cũng là năm đầu tiên VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn. Đến thời điểm này có thể nói VNPT đã khởi động tương đối thành công. Theo chiến lược VNPT4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á. Hồng Thiết

Tổng công ty Thép Việt Nam tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ 2019

TĐKT - Sáng 11/1, tại Hà Nội, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSTEEL) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ, phát động thi đua năm 2019. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết: Năm 2018, tình hình thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và biến động, tuy nhiên với các quyết sách chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo VNSTEEL và sự cố gắng, phấn đấu của các đơn vị nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổng công ty đạt được kết quả tương đối khả quan, về cơ bản đạt các mục tiêu đề ra. Việc làm của người lao động giữ ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam Doanh thu thuần của toàn hệ thống là 91.415 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.493 tỷ đồng. Toàn hệ thống, tổng số lao động bình quân là 13.542 người. Thu nhập bình quân đạt 11,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,9 % so với năm 2017. Năm 2018, toàn Tổng công ty đã phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua, qua các phong trào phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến có đóng góp hiệu quả vào kết quả chung của đơn vị. Năm qua, toàn tổng công ty đã đăng ký 210 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có 48 sáng kiến được áp dụng; 42 công trình thi đua được công nhận và hoàn thành 3 công trình chào mừng Đại hội III Công đoàn Công thương Việt Nam; thực hiện khen thưởng 8 công nhân lao động đạt danh hiệu thợ giỏi, có 16 công nhân lao động được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trao cờ và Bằng khen của Bộ Công thương cho 4 tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam Ghi nhận những kết quả đạt được của Tổng công ty Thép Việt Nam, tại Hội nghị, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 4 đơn vị, cá nhân được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ Công thương. Đoàn thanh niên Tổng công ty Thép được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Đoàn. Tổng công ty VNSTEEL cũng tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018. Dịp này, VNSTEEL cũng phát động phong trào thi đua năm 2019, kêu gọi cán bộ, công nhân, viên chức, lao động toàn tổng công ty, đoàn kết, sáng tạo, thi đua vượt khó, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổng công ty, tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với phương châm hướng về cơ sở. Trong đó, tập trung tổ chức tốt phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Mai Thảo  

Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu 17.000 tấn tôn đi Mỹ

TĐKT - Ngày 10/1, Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 17.000 tấn tôn đi Mỹ, trị giá hơn 14 triệu USD tại Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là lô hàng tôn đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong năm 2019 của Tập đoàn Hoa Sen. Sự kiện đánh dấu một bước khởi đầu tốt đẹp và mở ra những triển vọng mới cho Tập đoàn Hoa Sen trong thời gian sắp tới. Các đại biểu thực hiện nghi thức xuất khẩu 17.000 tấn tôn sang Mỹ Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen đã không ngừng phát triển. Các sản phẩm mang thương hiệu Hoa Sen đã có mặt tại hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường khó tính bậc nhất thế giới đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thời gian giao hàng là Mỹ và châu Âu. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Điều hành Tập đoàn Hoa Sen phát biểu tại sự kiện Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2014 và đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở thị trường này trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia đang là xu thế phổ biến hiện nay, cánh cửa xuất khẩu tôn thép vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu ngày càng khó khăn hơn thì việc sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen liên tục xuất khẩu sang Mỹ là minh chứng khẳng định mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của thương hiệu Hoa Sen trên thị trường quốc tế. Kết thúc niên độ tài chính 2017 – 2018, sản lượng Tập đoàn Hoa Sen đã đạt gần 1,9 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 34,4 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng lần lượt là 13% và 32% so với niên độ trước. Doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng vượt bậc. Trong đó doanh thu nội địa đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng 34%, doanh thu xuất khẩu vượt hơn 538 triệu USD, tăng 27% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ vừa qua đạt 410 tỷ đồng. Để có được những thành công này là nhờ vào lợi thế về năng lực sản xuất và cung ứng của Tập đoàn Hoa Sen. Luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh tạo nên uy tín thương hiệu Hoa Sen trên thị trường. Với việc tiên phong trong đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, các sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen luôn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường khó tính trên toàn thế giới. Đồng chí Lê Hồng Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng hoa chúc mừng Tập đoàn Hoa Sen Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư các nhà máy sản xuất tại các vị trí chiến lược, gần các cảng biển quốc tế nên rất thuận lợi trong việc sản xuất, cung ứng và xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, việc Hoa Sen hiện có mối quan hệ chặt chẽ với hãng tàu uy tín trên thế giới giúp đảm bảo việc giao nhận hàng hóa luôn kịp thời và chính xác. Chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2016, Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại khu công nghiệp Đông Hồi đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng của Tập đoàn Hoa Sen, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại thị trường miền Bắc và đóng góp đáng kể vào sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn. Kết thúc năm 2018, tổng sản lượng tiêu thụ của Nhà máy Hoa Sen Nghệ An đạt 637,3 nghìn tấn, xuất khẩu đạt 195,2 nghìn tấn. Trong đó sản lượng xuất khẩu đi thị trường Mỹ đạt 135 nghìn tấn, chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu của nhà máy. Doanh thu đạt 12,4 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 132 triệu USD. Là một doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhà máy Hoa Sen Nghệ An tự hào khi đóng góp một phần không nhỏ vào chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh. Theo số liệu của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp ước đạt 23.759 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất của nhà máy Hoa Sen Nghệ An chiếm khoảng 52%. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 45,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó nhà máy Hoa Sen Nghệ An đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh thêm 31,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, nhà máy đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho khoảng trên 700 lao động, đóng góp hơn 100 tỷ đồng vào ngân sách địa phương. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Điều hanh Tập đoàn Hoa Sen và Ông. Euikyun Hwang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty SK Shipping ký kết hợp chiến lược Cũng tại sự kiện này, Tập đoàn Hoa Sen đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn SK – một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, sở hữu công ty SK Shipping, hãng tàu quốc tế có kinh nghiệm hơn 30 năm. Theo đó, SK Shipping sẽ là đối tác chiến lược trong việc vận chuyển hàng rời xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường quốc tế. Việc này sẽ góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của Hoa Sen so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong thời gian sắp tới, trước những diễn biến khó lường của thị trường, Tập đoàn Hoa Sen sẽ có chiến lược cụ thể và thực hiện các biện pháp để giải quyết hiệu quả bài toán tài chính, tái cấu trúc hệ thống phân phối, nâng cao hiệu quả hoạt động để đón đầu khó khăn, tiếp tục giữ vững vị thế số 1 về tôn mạ ở thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không ngừng vươn cao vị thế trên thị trường quốc tế, khẳng định tầm vóc của một doanh nghiệp Việt năng động, sáng tạo. Thùy Dung

10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2018

TĐKT - Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thứ nhất là tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách năm 2018 Thứ hai, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2018, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ ba, Bộ Tài chính giữ vững vị trí tốp đầu các Bộ ngành về cải cách hành chính.  Thứ tư, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính tinh gọn, hiệu quả. Thứ năm, Bộ Tài chính 6 năm liên tiếp giữ vị trí số 1 Bảng xếp hạng Việt Nam ICT Index 2018 (Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam) và là cơ quan đầu tiên trong bộ máy Chính phủ Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) chọn để trao Giải thưởng “ASOCIO Outstanding User Organization 2018” (Tổ chức Ứng dụng công nghệ thông tin xuất sắc khu vực Châu Á, Châu Đại Dương). Thứ sáu, chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2018 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Thứ bảy, triển khai hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn đã tiết kiệm chi phí vay, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Thứ tám, thị trường Tài chính, thị trường chứng khoán phát triển tốc độ cao, ổn định; thúc đẩy đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán. Thứ chín, tổ chức thành công Hội nghị và tạo bước chuyển căn bản thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Thứ mười, chi phí tuân thủ thực hiện các thủ tục hành chính về thuế xếp thấp thứ nhất và chi phí tuân thủ thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan xếp thứ 3 trong 8 thủ tục hành chính được đánh giá. Hồng Thiết

Khai trương Gia Định Ford

TĐKT - Ngày 9/1, Công ty TNHH Sài Gòn Ô tô Gia Định chính thức khai trương và đi vào hoạt động, đây là đại lý đầu tiên được Ford Việt Nam trang bị và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Ford Signture và cũng là đại lý thứ 48 thuộc hệ thống Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SAVICO). Lễ khai trương Gia Định Ford Công ty có tổng số vốn đầu tư hơn 4 triệu USD. Tổng diện tích xây dựng hơn 5.000 m2, trong đó diện tích xưởng hơn 3.500 m2 trang thiết bị xưởng sữa chữa được trang bị đồng bộ, hiện đại với các thiết bị được nhập khẩu hoàn toàn từ Mỹ và Châu Âu và lắp đặt theo tiêu chuẩn của Ford, bao gồm: Xưởng được trang bị 4 khoang bảo dưỡng nhanh theo tiêu chuẩn đạt công suất 50 xe/1 ngày, 10 khoang sửa chữa máy gầm với hệ thống thiết bị phụ trợ tối tân như hệ thống cân chỉnh góc lái 3D, hệ thống kiểm tra lực phanh, hệ thống kiểm tra lực phanh, hệ thống kiểm tra đèn pha…. Đặc biệt nhằm đảm chất lượng sửa chữa đồng sơn, các thiết bị lắp đặt được chọn lựa theo tiêu chí tối tân và hiện đại nhất bao gồm hệ thống kéo nắn thân vỏ spanersi thế hệ mới cùng máy hàn giật rút tole, máy hàn mix, máy hàn nhôm nhằm phục vụ cho việc sửa chữa những dòng xe cao cấp nhập khẩu, hệ thống phòng sơn Saima theo tiêu chuẩn Ý kết hợp cùng hệ thống sơn gốc nước Dupont nhằm bảo vệ môi trường và chất lượng của sơn theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, xưởng còn được trang bị hệ thống sửa chữa sắt si 3D nhằm đảm bảo cho việc sửa chữa và hoàn thiện những xe tai nạn nặng trở lại hoạt động ổn định như ban đầu, đem lại cho khách hàng chất lượng dịch vụ sửa chữa tốt nhất. Đến với Gia Định Ford, khách hàng không chỉ cảm nhận được sự khác biệt lớn đến từ sự phục vụ tận tình mà còn trải nghiệm hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại. Gia Định Ford – một trong những đại lý lớn nhất của Ford Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh luôn luôn cam kết phục vụ cho khách hàng theo tiêu chí phục vụ tận tình, an tâm tuyệt đối, lấy sự hài lòng của khách hàng là kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của đại lý. Nhân dịp khai trương Gia Định Ford dành nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng nhân ngày khai trương như miễn phí nhớt và tặng quà cho tất cả khách hàng làm dịch vụ và mua xe trong ngày khai trương. Đào Xuân Phúc

5 dấu ấn nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2018

TĐKT - Năm 2018 đã qua để lại dấu ấn nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trí tuệ và bản lĩnh của những người đi tìm lửa đã giúp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có nhận thức đúng và hành động quyết liệt. Điều đó được minh chứng bằng kết quả của toàn Tập đoàn trên tất cả các khâu sản xuất và các lĩnh vực kinh doanh. 5 dấu ấn nổi bật dưới đây đã góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, thương hiệu Petrovietnam. Giàn xử lý Trung tâm mỏ Hải Thạch Mộc Tinh Thứ nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ; là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng. Đã hoàn thiện và ban hành Cẩm nang Văn hóa Dầu khí, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Tập đoàn. Thứ hai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính. Nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng về đích sớm kế hoạch cả năm. Thứ ba, cổ phần hóa và chuyển đổi thành công 3 Tổng công ty PVPower, PVOil và BSR sang mô hình Công ty cổ phần. Thứ tư, chính thức vận hành thương mại dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thứ năm, một số dự án yếu kém có những chuyển biến theo hướng tích cực. (Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước). Hồng Thiết

Tổng Cục Hải quan thực hiện tốt mức độ hài lòng của doanh nghiệp

TĐKT- Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với tinh thần kết nối, chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Tổng cục Hải quan đã nhiều lần tổ chức khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu tại Việt Nam, từ đó kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật, triển khai các nội dung cải cách để nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, từng bước nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa. Quang cảnh Hội nghị ngày 8/1 Năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức khảo sát ý kiến mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả khảo sát phản ánh những đánh giá của cộng đồngdoanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan trong năm, cũng như những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan trong thời gian tới. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2018 mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan đã được cải thiện ở hầu hết các nội dung khảo sát so với năm 2015. Đây là sự ghi nhận đáng khích lệ đối với những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan trong những năm qua. Đánh giá về chất lượng thông tin khi doanh nghiệp tiếp cận thông tin thủ tục hành chính hải quan, 91% doanh nghiệp tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất, 90% doanh nghiệp đánh giá thông tin thủ tục hành chính (TTHC) sẵn có, dễ tìm. So với số liệu năm 2015, 2 tỷ lệ này lần lượt là 77% và 81%. Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2018 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục (% khó và rất khó) giảm đáng kể so với năm 2015. Điển hình như thủ tục Kiểm tra hồ sơ và Kiểm tra thực tế hàng hóa trong thủ tục thông quan, tỷ lệ này là 6% (năm 2015: 11%) và 14% (năm 2015:21%). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế là 23% so với năm 2015 là 31%. Khi gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan, trong 2.907 doanh nghiệp trả lời thì có tới 85% doanh nghiệp cho biết tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan hải quan. Đánh giá của doanh nghiệp là khá tích cực khi có 79% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan “phần lớn và hoàn toàn” kịp thời. Đáng chú ý, có tới 84% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan là phần lớn hoặc hoàn toàn hiệu quả. Về hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), từ tháng 8/2017, Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai thí điểm Hệ thống VASSCM. Theo đó, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi tại một số đơn vị lớn. Tính đến ngày 8/8/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tham gia. Đến tháng 11/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho 192 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Tuy mới được triển khai, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua hệ thống quản lý, giám sát tự động tại cảng biển, cảng hàng không là tương đối cao. Trong số 2.740 doanh nghiệp có cung cấp thông tin về nội dung này, có 1.165 cho biết đã từng thực hiện thủ tục nói trên (43%). Từ khi triển khai hệ thống VASSCM, hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản hơn; bỏ hẳn được thủ tục xác nhận của hải quan giám sát tại cổng cảng; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi, tốc độ giao hàng nhanh hơn, góp phần làm giảm thời gian thông quan/giải phóng hàng, giảm chi phí quản lý hành chính… Với những doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan qua hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động, thì đánh giá họ về phương thức mới này là rất tích cực. Hệ thống giám sát hải quan điện tử đặc biệt hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, với 67% doanh nghiệp nhận thấy lợi ích này. Có đến 62% phản hồi đánh giá rằng hệ thống giúp giảm thiểu các vướng mắc khi thực hiện thủ tục. Cuối cùng, gần một nửa (49%) số phản hồi cho rằng hệ thống điện tử làm giảm chi phí thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các kết quả khảo sát liên quan tới cán bộ công chức Hải quan đã có sự cải thiện rất tích cực. Cụ thể: Về mức độ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, doanh nghiệp đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức Hải quan ở tất cả các thủ tục, ví dụ: Thủ tục thông quan, khâu Kiểm tra hồ sơ có tới 70% doanh nghiệp đánh giá khá và tốt trong khi tỷ lệ này năm 2015 là 60%; Thủ tục quản lý thuế, khâu Hoàn thuế không thu thuế có tới 54% doanh nghiệp đánh giá khá tốt so với tỷ lệ này năm 2015 là 44%. Tương tự Kỹ năng giải quyết công việccũng được đánh giá cao so với năm 2015. Có tới 62% doanh nghiệp đánh giá khá và tốt cho kỹ năng giải quyết công việc của công chức hải quan ở cả thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và thủ tục nộp thuế so với năm 2015 lần lượt là 54%, 49%. Một điều rất đáng chú ý đó là, các chỉ số liên quan đến chi phí ngoài quy định có sự cải thiện vượt bậc. Chỉ có 18% doanh nghiệp tham gia trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài quy định so với tỷ lệ này trong cuộc khảo sát 2015 là 28%. Có tới 56% doanh nghiệp tham gia trả lời cho biết không phải trả phí ngoài quy định trong khi tỷ lệ này của 2015 chỉ là 37%. Tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức cũng có sự thay đổi, năm 2018 chỉ còn 15% so với năm 2015 là 31%. Trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị khảo sát độc lập như Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam để hoàn thiện hơn phương pháp, cách thức triển khai hoạt động khảo sát, hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, chính xác sự hài lòng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với sự phục vụ, chất lượng dịch vụ của cơ quan hải quan. Ngoài ra, cơ quan hải quan sẽ thực hiện các cuộc khảo sát mức độ hài lòng về thủ tục hành chính hải quan tại từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, xếp hạng các chi cục trong một cục. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự cầu thị của ngành Hải quan trong những năm gần đây trong việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp qua các cuộc khảo sát trước đây đã được Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính kịp thời xử lý. Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục có thêm nhiều giải pháp cải cách, hiện đại hóa góp phần quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của người dân và doanh nghiệp. Hồng Thiết

Ngân hàng Nhà nước thi đua thực hiện tốt điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018

TĐKT – Trong năm 2018, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT – NHNN ngày 10/01/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD). Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, NHNN đã đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% , cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 ngày 7/1 Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Theo đó, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động. Mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9 - 11%/năm. Song song với đó, vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, gắn liền với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động an toàn. Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, tín dụng đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong năm 2018, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu mua - bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn biến ổn định và dao động trong biên độ hẹp trong bối cảnh giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, qua hơn 1 năm triển khai Quyết định 1058, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn, ngăn ngừa xung đột lợi ích. Tình trạng sở hữu chéo được giảm thiểu. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu nghiêm túc, có hiệu quả. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đặc biệt, năm 2018, ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động, với việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói…), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đây là các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Trong năm 2018, NHNN đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng cường an toàn, bảo mật và tiện ích cho khách hàng trong thanh toán. Ngoài ra, công tác truyền thông được NHNN đặc biệt chú trọng, với việc phối hợp sản xuất các chương trình truyền hình, chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”... Qua đó, nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM. Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu đột xuất, bất thường. Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông về giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền một cách hợp lý. Chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông từ năm 2013 đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước đối với các chi phí liên quan đến in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản… Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, phát huy thành tích đã đạt được, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra. Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD… Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 và triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018. Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS). Áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc.  Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam. Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ... Hồng Thiết

Ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2% năm 2018

TĐKT - Sáng 4/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%, ở mức cao so với kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2). Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng. Cụ thể, Bộ đã hoàn thành 3 dự án Luật: Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, ngành xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng là đơn vị đầu tiên trong 22 Bộ, ngành chính thức triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình bộ phận một cửa. Công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã nền nếp hơn. Vi phạm trật tự xây dựng giảm đáng kể. Qua đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN về chỉ tiêu cấp phép xây dựng (bao gồm cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan); đứng thứ 20/190 nền kinh tế. Công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước bằng quy hoạch cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, quy hoạch vùng tỉnh đã cơ bản phủ kín trên cả nước, đã có 58/63 địa phương được phê duyệt; 16/16 khu kinh tế ven biển, 17/26 khu kinh tế, 3 khu công nghệ cao được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng; 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt, tương đương 805 đồ án. Tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị; 58/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn; 27/63 địa phương phê duyệt quy hoạch cấp nước; 20/63 địa phương phê duyệt quy hoạch thoát nước. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển đô thị; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có nhiều chuyển biến quan trọng, từng bước bảo đảm sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan chuyên môn về xây dựng tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí. Công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản được thực hiện có hiệu quả, duy trì tăng trưởng của thị trường. Thị trường vật liệu xây dựng được phát triển hài hòa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tập trung phát triển các vật liệu mới, thân thiện môi trường; từng bước giải quyết vấn đề xử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện… Trong năm 2018, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ngành Xây dựng theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả mà ngành xây dựng đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tiếp tục đổi mới, tập trung thực hiện có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, hộ nghèo; thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đồng thời, quan tâm đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất và đầu tư xây dựng… Phương Thanh

Trang