Kinh tế

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển năng lượng sạch

TĐKT - Sáng 27/2, tại Hà Nội, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) phối hợp tổ chức Hội thảo Đối tác công tư Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch. Hội thảo nằm trong chuỗi "Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon" mà Nhật Bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN. Dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng; Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke Okabe. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan chính phủ 2 quốc gia, tổ chức, hiệp hội, trường đại học và học viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia và là yếu tố không thể thiếu của tất cả các ngành kinh tế. Mức độ tiêu thụ năng lượng luôn có xu hướng tăng lên nhất là tại các nước đang phát triển. Điều này đã tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm nguồn tài nguyên năng lượng. Hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được của nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội và người dân. Đến cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 10 nước Đông Nam Á, xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện. Nhiều năm qua, Việt Nam cơ bản đã đáp ứng cơ bản điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tốc đô phát triển kinh tế nhanh, trên 10% một năm. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước như môi trường bị ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên... Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế những vấn đề đó, nhưng vẫn phải đảm bảo hệ thống điện phát triển đáp ứng sự phát triển của đất nước. Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả về lâu dài với chi phí hợp lý, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua Hội thảo, Bộ Công thương Việt Nam, các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn của Việt Nam mong muốn được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như các biện pháp và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: “Hoạt động giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng, METI Nhật Bản cùng Bộ Công thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp bộ trưởng. Đặc biệt, tháng 11/2017, hai Bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ về năng lượng sạch. Theo ông Daisuke Okabe, những hoạt động triển khai được giới thiệu trong Hội thảo hôm nay là thành quả trong lĩnh vực năng lượng. Vì thế, ông Daisuke Okabe mong muốn đây là nơi tạo ra quan hệ mới nhiều hoạt động công nghiệp carbon thấp, thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khối tư nhân. Tại Hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đã tập trung trao đổi và thảo luận về các nội dung: Tổng quan về ngành năng lượng và các chính sách biến đổi khí hậu; công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh về sử dụng năng lượng hiệu quả. Phương Thanh

Ngành gỗ Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 8,476 tỷ USD năm 2018

TĐKT - Theo Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019" vừa được công bố chiều 21/2 tại Hà Nội, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017. Hội thảo Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019" là sản phẩm hợp tác của nhóm nghiên cứu các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends. Báo cáo cung cấp các thông tin về thực trạng xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam nhằm phác họa bức tranh vĩ mô về các hoạt động này trong năm 2018. Đồng thời, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu, rủi ro và cơ hội trong bối cảnh ngành đang hội nhập sâu, toàn diện với thị trường quốc tế; đánh giá một số xu hướng trong các hoạt động xuất, nhập khẩu của ngành trong thời gian tới; đưa ra kiến nghị một số thay đổi của ngành, nhằm góp phần thúc đẩy ngành phát triển theo hướng bền vững. Theo báo cáo, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017. Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất: Viên nén, dăm gỗ và gỗ dán/gỗ ghép. TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu ngành công nghiệp gỗ Việt Nam 2018 nhận định: Ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu "sạch" tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2017. Ba nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất: Gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Mặc dù đang tăng trưởng mạnh, ngành gỗ vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của ngành. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ vẫn có tỷ trọng lớn, khoảng 2,19 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong bối cảnh ngành đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho thấy các động lực trong nước vẫn chưa đủ mạnh để giữ lại nguồn nguyên liệu này phục vụ chế biến sâu. Để tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng vào năm 2019, theo ông Tô Xuân Phúc, trước mắt, ngành gỗ cần kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu từ các nguồn có rủi ro cao. Để làm được điều này, các ngành chức năng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng của các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu nhằm tiếp cận với các thông tin về gỗ nhập khẩu. Các hội, hiệp hội cần thu nhập, chia sẻ thông tin về thực trạng của các nguồn cung gỗ nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng gỗ sạch. Về dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng của ngành không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu. Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng. Phương Thanh

Tháng 1, Bộ Tài chính thu ngân sách Nhà nước tăng 7,5% so với cùng kỳ

TĐKT - Bộ Tài chính vừa thông báo về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 1 năm 2019. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong tháng đầu tiên của năm ước đạt 144,6 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu nội địa ước đạt 120,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2018. Thu từ dầu thô ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán, tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2018. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% dự toán. Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1/2019 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tháng 1, Bộ Tài chính thu NSNN nước tăng 7,5% so với cùng kỳ Tổng chi cân đối NSNN tháng 1/2019 ước đạt 92,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội và trả nợ lãi đến hạn. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 44 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2019 và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là thời điểm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng cao, gây sức ép tăng giá, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 24/12/2018 về tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá. Đồng thời, ngày 29/1/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo số 124/TB-BTC ngày 29/01/2019 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với thị trường chứng khoán, tính đến ngày 28/1, chỉ số VN-Index đạt 912,18 điểm, tăng 2,29% so với đầu tháng. Ước đến 21/1/2019, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 73% GDP năm 2018 (cuối năm 2018 đạt 79,6% GDP). Thị trường chứng khoán phái sinh có sự tăng trưởng về giá trị giao dịch, số lượng tài khoản và khối lượng hợp đồng. Trong tháng 1, khối lượng giao dịch bình quân đạt 132.392 hợp đồng/phiên, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 68% so với bình quân năm 2018. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, ổn định. Trong công tác tài chính đối ngoại và quản lý nợ công, Bộ Tài chính cho hay, ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, ưu đãi khoảng 79 triệu USD tương đương khoảng 1.800 tỷ đồng. Ước tính giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 1/2019 là 42.738 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 39.564 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 3.084 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, ngay trong tháng 1 năm 2019, toàn ngành tài chính đã thực hiện 1.587 cuộc thanh tra, kiểm tra; điều tra chống buôn lậu phát hiện, bắt giữ 1.430 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 981.072 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 63.214 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 220.731 triệu đồng. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/01/2019, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.430 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 39.245 triệu đồng, số thu ngân sách đạt 15.579 triệu đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 5 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 10 vụ. Trong tháng 1, ngành thuế cũng đã thực hiện 802 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 580 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 518,99 tỷ đồng. Trong tháng 2, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức điều hành ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường kiểm tra sau thông quan đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu tăng thu. Tăng cường đôn đốc công tác quản lý nợ thuế, thu hồi theo đơn vị và thực hiện kiểm tra công tác quản lý nợ thuế tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố… Hồng Thiết  

Lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi

TĐKT - Ngày 12/2, Bộ Tài chính tổ chức Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hướng tới, chờ đón thông điệp của Chính phủ về định hướng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như phát triển nền kinh tế Việt Nam. Đến dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại diện lãnh đạo cùng các đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhắc lại một số thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018 và không khí tưng bừng phấn khởi của Tết Kỷ Hợi. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018, cả nước đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, không chỉ số lượng mà nhiều chỉ tiêu chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện; niềm tin thị trường, xã hội, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư vào Đảng, Nhà nước, sự điều hành chỉ đạo của Chính phủ ngày càng được tăng cường trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động phức tạp. Trong niềm tin chung ấy, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, niềm tin của xã hội, DN, nhà đầu tư, nhân dân sẽ tiếp tục lan toả đối với TTCK Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển TTCK Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng khi thấy TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế xã hội nước nhà và thị trường tài chính nói riêng. TTCK Việt Nam đang thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Vốn hoá thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua (từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên 72% GDP năm 2018). Huy động vốn của khối DN tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% năm 2017 và đạt 86 nghìn tỷ đồng đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á. Thông qua TTCK, Chính phủ đã huy động được vốn kỳ hạn 20, 30 năm, nhờ đó đã chủ động hơn nguồn vốn dài hạn cho đầu tư công, cơ cấu lại nợ công.    Thủ tướng bày tỏ mong muốn và đề nghị ngành chứng khoán đi đầu thực hiện phương châm của Chính phủ đề ra năm 2019 là “Kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - bứt phá - hiệu quả”, nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để TTCK phát triển tốt hơn, sôi động, chất lượng, bền vững hơn. Theo đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho TTCK trong năm 2019: Thứ nhất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán, TTCK trong đó trọng tâm là hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả; hoàn thiện chuẩn mực về công bố thông tin của công ty đại chúng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các DN niêm yết. Đặc biệt cần tăng cường thể chế thứ tự bảo vệ nhà đầu tư; đảm bảo thực hiện đúng các cam kết hội nhập quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do… Thứ hai, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó chỉ ra các nhiệm vụ đã hoàn thành, chưa hoàn thành, hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm, chủ động đề xuất phương hướng cho Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nhằm xác định mục tiêu, lộ trình phát triển thị trường vốn nhằm phát triển cân đối thị trường tín dụng và thị trường vốn, từ đó tăng cường phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, phát triển đồng bộ các loại thị trường, các sản phẩm của TTCK trong đó tập trung phát triển TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu DN bên cạnh việc tăng sự phát triển theo chiều sâu của thị trường trái phiếu chính phủ. Hồng Thiết

Tháng 1 Hải quan thu ngân sách đạt 32.500 tỷ đồng

TĐKT - Theo số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, ước thu ngân sách của toàn ngành hải quan trong tháng 1/2019 đạt 32.500 tỷ đồng, bằng 10,8% dự toán, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 1/2019, tổng trị giá xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hoá của cả nước ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 12/2018. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% và trị giá nhập khẩu ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước trong tháng 1/2019 ước tính tăng 0,9%, trong đó xuất khẩu ước giảm 1,3% và nhập khẩu tăng 3,1%. Hải quan thu ngân sách tháng 1 đạt 32.500 tỷ đồng Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2019 ước tính thâm hụt 800 triệu USD, tương đương 4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng. Kết quả thu ngân sách của ngành hải quan ngay trong tháng 1/2019, đã tăng so với cùng kỳ có nguyên nhân chủ quan từ sự nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp thu, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK ngay từ những ngày đầu năm 2019 của Tổng cục Hải quan và các cục Hải quan tỉnh, thành phố. Đồng thời, số thu tăng có nguyên nhân khách quan do hoạt động XNK tháng đầu năm tăng khả quan. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Điện thoại các loại linh kiện ước tính xuất khẩu là 2,8 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước và giảm 28,8% so với tháng 1/2018. Hàng dệt may ước tính trong tháng 1/2019, xuất khẩu của cả nước đạt 2,65 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với tháng 01/2018. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2019 ước tính đạt 2,25 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước và giảm hơn 5% với tháng 1/2018. Hàng giày dép: Trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2019 ước tính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với tháng 1/2018. La Giang

VNPT như một “hình mẫu bùng nổ trong viễn thông”

TĐKT - Ngày 11/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã thăm và làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam  VNPT. Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long đã báo cáo kết quả kinh doanh của VNPT năm 2018. Theo đó, năm qua, Tập đoàn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh chính sách quản lý có nhiều thay đổi, cạnh tranh quyết liệt. Tổng doanh thu VNPT đạt 154.210 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 6,5% so với năm 2017. Lợi nhuận đạt 6.445 tỷ đồng, đạt 109,4% kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ, tính trung bình 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của Tập đoàn đạt 25,3%. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với năm 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại VNPT Có được kết quả này là nhờ VNPT liên tục cải tiến, hoàn thiện cơ chế quản trị, đồng thời tích cực thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Cụ thể: VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực. Trong năm 2018 VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối công nghệ thông tin (CNTT), thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo. Trong năm 2018, thực hiện theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. VNPT đã bán, thoái vốn, thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, tăng 42% so với giá trị công ty. Số lượng lao động của Tập đoàn VNPT đến hết Quý IV/2018 là 37.656 người. Trong đó, số lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 62,40%. Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã tập trung xây dựng cơ chế tạo động lực cho người lao động, ban hành và triển khai thống nhất, đồng bộ trong toàn Tập đoàn hệ thống lương 3Ps và các chỉ tiêu đánh giá BSC/KPI. Đây chính là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao hiệu quả công việc và năng suất lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 khoảng 28 triệu đồng/tháng. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực vượt bậc cũng như những thành tích nổi bật của VNPT sau 5 năm tái cấu trúc. Phó Thủ tướng ví VNPT như một "hình mẫu bùng nổ trong viễn thông" khi vừa tái cấu trúc, vừa sản xuất, kinh doanh mà vẫn tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định, đảm bảo đời sống cho hàng chục ngàn lao động, có nhiều đóng góp trong xây dựng Chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh, thành phố thông minh (Smart City)... và nhiều chương trình xã hội quan trọng khác. “Thực lực doanh nghiệp được đo bằng các chỉ số cơ bản như nộp ngân sách và thu nhập người lao động. Với mức thu nhập bình quân người lao động của VNPT đạt 28 triệu đồng/tháng một mức khá cao nếu nhân cho hơn 37.000 cán bộ, nhân viên mới thấy được sự đóng góp to lớn của VNPT với xã hội", Phó Thủ tướng đánh giá. Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2019, VNPT cần tiếp tục nâng cao và khẳng định vai trò và vị trí dẫn dắt trong lĩnh vực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại Việt Nam nhằm mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam năm 2025 và trở thành Trung tâm giao dịch số tại châu Á vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng cho rằng, Tập đoàn VNPT cần tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh theo Phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020; chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh. Xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số. Tích cực triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, thúc đẩy nhiều dự án chiến lược, dự án chuyển đổi số trong nội bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng Tập đoàn chuyển đổi từ một nhà khai thác truyền thống thành một nhà cung cấp dịch vụ số với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống công cụ vận hành và quản trị doanh nghiệp hiện đại, đồng bộ. VNPT tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào chuyển đổi quốc gia số, đặc biệt là kinh tế số, tiếp tục cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương: Hoàn thiện khung kiến trúc số; tập trung xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở trên cơ sở kế thừa, tích hợp, chuẩn hóa và chia sẻ các nguồn dữ liệu đa dạng, phong phú đã được hình thành tại các đơn vị. Phân tích và chủ động đề xuất với một số địa phương, bộ ngành có điều kiện phù hợp, từng bước hoàn thiện, xây dựng các mô hình chuẩn cho việc thực hiện chuyển đổi số. Hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và hợp tác với các ngành, các tập đoàn kinh tế trọng điểm để cùng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, một trụ cột quan trọng trong xây dựng nền kinh tế số là phải có hạ tầng số. VNPT đang là doanh nghiệp có hạ tầng hiện đại, rộng khắp cả nước. Vì vậy, Tập đoàn cần tận dụng hạ tầng hiện có, tiếp tục mở rộng hạ tầng mạng lưới tạo nền tảng truy nhập Internet tốc độ cao phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời, bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng, đóng góp cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam. Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đề xuất đẩy nhanh tiến độ thành lập Công ty Đầu tư quốc tế VNPT (VNPTGlobal) để đầu tư kinh doanh ở thị trường quốc tế, không chờ đến khi hoàn thành cổ phần hoá Công ty mẹ - Tập đoàn. Đồng thời, VNPT đề xuất cho phép VNPT triển khai dịch vụ MobiMoney. Hồng Thiết

Vissan khai trương cửa hàng thực phẩm cao cấp tại TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Ngày 30/1, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản Vissan chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp tại TP Hồ Chí Minh. Vissan ra mắt và giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng sản phẩm thịt heo thảo mộc không kháng sinh.   Lễ khai trương cửa hàng thực phẩm cao cấp của Công ty Vissan Cửa hàng thực phẩm cao cấp Vissan PREMIUM được thiết kế sang trọng với tông màu chủ đạo là trắng và đỏ, các khu vực trưng bày hàng hóa được sắp xếp riêng biệt khoa học giúp khách hàng thuận lợi và thoải mái trong việc mua sắm. Là cửa hàng thực phẩm cao cấp, Vissan PREMIUM cung cấp đầy đủ các sản phẩm tươi ngon, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó nổi bật là sản phẩm thịt heo thảo mộc. Sản phẩm thịt heo sạch thảo mộc không kháng sinh an toàn cho mọi gia đình. Được tuyển chọn từ các con giống chất lượng cao: Yorkshire, Landrace, Duroc và chăn nuôi trực tiếp tại trại chăn nuôi của Vissan tại tỉnh Bình Thuận với mô hình khép kín. Heo thảo mộc Vissan đảm bảo đầy đủ các quy định trong bộ tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đáp ứng các công nghệ tiên tiến của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ tại nhà máy Vissan cũng được giám sát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn HACCP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm nổi bật của heo thảo mộc Vissan đến từ quy trình chăn nuôi chặt chẽ, môi trường sống đạt tiêu chí an toàn cao cùng công nghệ chăn nuôi theo phương pháp hiện đại sử dụng thức ăn thảo mộc có chức năng kháng khuẩn, ức chế vi khuẩn có hại, tăng cường miễn dịch, đảm bảo không sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi. Cũng chính công nghệ hiện đại này giúp thịt heo thảo mộc Vissan có mùi thơm nhẹ, vị ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, không tồn dư kháng sinh và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm được pha lóc đẹp mắt, đóng vỉ sang trọng và đa dạng quy cách dao động từ 200g, 300g đến 500g. Đặc biệt, khách hàng có thể quét mã QR trên bao bì sản phẩm để truy xuất thông tin nguồn gốc đến từng cá thể con heo. Cửa hàng thực phẩm cao cấp Vissan PREMIUM - địa chỉ mua sắm thực phẩm uy tín, đẳng cấp Với tâm niệm mang đến cho khách hàng một không gian mua sắm thực phẩm tiện lợi và đẳng cấp, cửa hàng Vissan PREMIUM được thiết kế sang trọng, đẹp mắt và hoạt động theo mô hình phong cách phục vụ hiện đại. Ngoài mặt hàng chủ đạo là thịt heo thảo mộc, cửa hàng còn mang đến sự đa dạng các sản phẩm chất lượng cao: Thịt đông lạnh nhập khẩu, thực phẩm chế biến cao cấp, các loại sốt gia vị độc đáo cùng củ quả tươi ngon phù hợp chế biến thịt. Các sản phẩm của cửa hàng được tuyển chọn khắt khe nghiêm ngặt, không chỉ đảm bảo chất lượng vượt trội mà còn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho khách hàng. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trong cách phục vụ, thân thiện với khách hàng tạo mội trường thoải mái khi mua sắm. Nhân dịp khai trương, cửa hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ ngày 30/1 đến hết ngày 4/2 như: Mua bất kỳ sản phẩm tại cửa hàng có tổng hóa đơn trị giá 100.000 đồng sẽ được tặng 1 hộp pate thịt heo 3 Bông Mai 150g; giảm giá 5 - 8% mặt hàng thực phẩm chế biến khô và chế biến đông lạnh. Sự kiện Vissan ra mắt sản phẩm thịt heo thảo mộc và khai trương cửa hàng thực phẩm đầu tiên trong chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp Vissan PREMIUM đã khẳng định cam kết của công ty đối với cộng đồng, thể hiện uy tín thương hiệu trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hữu cơ tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam ở phân khúc cao cấp. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng nhiều mô hình cửa hàng Vissan PREMIUM trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Xuân Phúc

Thông tin chính thức từ Tổng cục Hải quan về Hệ thống thông quan điện tử

TĐKT - Vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội có thông tin cho rằng Cổng thông tin một cửa quốc gia bị "Sập", làm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị tê liệt. Liên quan đến nội dung này, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chính thức gửi các cơ quan truyền thông. Cụ thể, hệ thống Thông quan điện tử phiên bản 5 (viết tắt là TQĐT-V5) là hệ thống bổ trợ cho hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (Đây không phải là hệ thống một cửa quốc gia cũng không phải hệ thống tiếp nhận đăng ký tờ khai từ doanh nghiệp XNK). Hệ thống TQĐT-V5 thực hiện các chức năng chính gồm: Hỗ trợ cán bộ hải quan ghi nhận biên bản bàn giao hàng hóa trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan (Thí dụ hàng hóa vận chuyển từ cảng biển vào nội địa); hỗ trợ cán bộ hải quan thực hiện xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan đối với các đơn vị chưa triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không (VACCSM); hỗ trợ cán bộ hải quan cập nhật dữ liệu các tờ khai giấy đăng ký bằng phương pháp thủ công. Với các chức năng trên, khi hệ thống TQĐT-V5 gặp sự cố sẽ gây khó khăn cho cán bộ hải quan trong việc theo dõi hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan (Đây là chức năng được sử dụng nhiều nhất). Trong trường hợp hệ thống gặp sự cố, cán bộ hải quan sẽ thực hiện bằng phương pháp thủ công (Lập biên bản và ký nhận bàn giao hàng hóa được thực hiện bằng giấy) và cập nhật lại dữ liệu sau khi hệ thống phục hồi. Vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ sáu 25/1, hệ thống TQĐT-V5 gặp sự cố do cùng lúc hai máy chủ (1 máy chủ ứng dụng và 1 máy chủ cơ sở dữ liệu) tại Trung tâm Quản lý vận hành hệ thống lỗi phần cứng dừng hoạt động. Ngay khi hệ thống gặp sự cố, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã thông báo trên Website Hải quan về sự cố của hệ thống và đề nghị các đơn vị hải quan chuyển sang thực hiện chức năng ghi nhận biên bản bàn giao và xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát (đối với các đơn vị chưa triển khai hệ thống VACCSM) bằng phương thức thủ công; tập trung nguồn lực tiến hành các biện pháp kỹ thuật để thay thế máy chủ gặp sự cố. Đến 21giờ 00 cùng ngày hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường. Trong thời gian hệ thống TQĐT gặp sự cố hoạt động đăng ký tờ khai và thông quan hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không vẫn được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua các hệ thống VNACCS/VCIS và VACCSM; hoạt động kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành vẫn được thực hiện thông qua hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Như vậy, một số thông tin trên các phương tiện thông tin đưa về tình trạng “Sập” hệ thống thông quan gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là không chính xác. Hồng Thiết

Hội chợ Xuân Kỷ Hợi 2019

TĐKT - Hội chợ Xuân Kỷ Hợi 2019 chính thức diễn ra từ 25/1 đến 2/2/2019 tại 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa - thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (PTNT) tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản, đặc sản địa phương và làng nghề truyền thống trên thị trường nội địa. Đồng thời, cung cấp tới người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm được sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.  Thông qua đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần tác động trở lại đến sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm sạch.  Ngay trong sáng nay, nhiều khách đã đến mua sản phẩm bày bán tại các gian hàng tại Hội chợ  Với quy mô 150 gian hàng, gần 200 đơn vị, doanh nghiệp mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng nông – lâm - thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm đa dạng, phong phú.  Hội chợ tập trung các mặt hàng truyền thống đã đem lại uy tín cho hội chợ qua nhiều năm tổ chức: Tôm Minh Phú, cua Cà Mau, cá sông Đà, chả mực Quảng Ninh, chả cá thát lát, giò gà, giò ngựa, giò Đà Điểu, nghêu hàu sạch, chả ram tôm đất, mắm Phú Quốc; rau an toàn, chè và sữa Mộc Châu; đông trùng hạ thảo, tinh dầu thảo dược; các sản phẩm của ngành ong (mật ong đa hoa, phấn hoa, sữa ong chúa); các sản phẩm chế biến từ dừa và gấc; sản phẩm từ các loại hạt: Tiêu các loại, điều rang muối, hạt mắc ca, hạt đậu nành;  gạo nếp nương, gạo huyết rồng, gạo Séng Cù, tám Điện Biên; măng, mộc nhĩ Tuyên Quang, tỏi đen Việt Nhật, hành tỏi Lý Sơn; trái cây đặc sản 3 miền: Trái cây Tiền Giang, dừa xiêm Bến Tre, bưởi da xanh, cam Vinh, cam Cao Phong, cam canh, bưởi diễn, chuối ngự. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống khác sẽ được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ.  Các doanh nghiệp và đơn vị tham gia Hội chợ Xuân: Sở Nông nghiệp & PTNN các tỉnh, thành, Chi cục Phát triển nông thôn, Tổng công ty, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu, Trung tâm khuyến nông, Hợp tác xã sản xuất, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại giống cây trồng, làng nghề thủ công truyền thống…  Những đơn vị, công ty đã có lượng khách hàng nhất định thông qua các cuộc Hội chợ được tổ chức tại Triển lãm Nông nghiệp: Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương,  Công ty cà phê nguyên chất Thái Châu, Công ty TNHH chè Tân An, Công ty cổ phần Gfood Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Hải sản Phan Thiết,  Công ty TNHH thủy hải sản Hà Như, chả mực Minh Phúc, Công ty nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn, HTX rau Thanh Xuân, HTX Đan Hoài, cơ sở địa lan Đà Lạt, tương miến Cự Đà, dao kéo Đa Sỹ... Ngoài ra, khi tham gia Hội chợ, khách tham quan sẽ được hòa mình vào không khí tết cổ truyền dân tộc và thưởng thức chương trình văn hóa, văn nghệ, múa lân đặc sắc vào mỗi buổi diễn ra Hội chợ. Thục Anh  

Nestlé Việt Nam tăng trưởng bền vững dựa trên quan điểm “Tạo giá trị chung”

TĐKT - Ngày 17/1, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì, đã diễn ra tại Hà Nội. Tham gia phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao do Thủ tướng, phần đối thoại phát triển kinh tế tư nhân: Củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam đồng chia sẻ quan điểm mục tiêu tăng trưởng dài hạn đòi hỏi một nỗ lực chung và tổng thể của các thành phần kinh tế khác nhau, trên quan điểm “Tạo giá trị chung”. Theo nhận xét của các cơ quan quản lý kinh tế, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam ngày càng được ghi nhận một cách rõ nét và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này đòi hỏi sự hiểu biết và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa khối công và khối tư, giữa doanh nghiệp nội địa và FDI. Những cơ hội như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhìn lại 30 năm đầu tư FDI vào Việt Nam: Thu hút FDI có chọn lọc nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, định hướng và cam kết của doanh nghiệp về hỗ trợ phát triển bao trùm sẽ giúp đào sâu hiểu biết và mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Điểm mấu chốt, theo ông GanesanAmpalavanar là phải tìm được tiếng nói chung là giữa các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách và các thành phần kinh tế. Các bên phải cùng nhìn về một lợi ích chung, bền vững nhất cho nền kinh tế.   Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 “Chúng ta đặt vấn đề về củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng theo tôi mối liên kết này đã có sẵn. Không một doanh nghiệp nào có thể thực hiện hết mọi công đoạn trong kinh doanh. Bạn sẽ cần hợp tác với nhà phân phối, nhà cung cấp, nông dân, cơ quan quản lý nhà nước… để cùng nhau đạt mục đích chung với tinh thần win-win, đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến làm gì mà quan trọng là làm như thế nào, chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam với tư duy “Công ty toàn cầu có tính địa phương”. Trong tất cả hoạt động Nestlé đều hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để “Tạo giá trị chung”, là đóng góp vào xã hội trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh và các mục tiêu đó nếu muốn bền vững phải gắn với một tầm nhìn vào tương lai. Đó là cách chúng tôi duy trì và phát triển các mối quan hệ từ nhà phân phối, nhà cung cấp, nông dân và các cơ quan có liên quan để cùng nhau chia sẻ thành công đạt được với quan điểm: Chúng ta chỉ tăng trưởng thực sự khi đối tác của chúng ta cùng tăng trưởng”, ông nói. Ông Ganesan cũng đưa ra những ví dụ thực tiễn mà Nestlé Việt Nam đã và đang thực hiện giúp hơn 20.000 hộ nông dân trồng cà phê nâng cao năng suất và thu nhập từ cây cà phê thông qua việc áp dụng những kỹ thuật canh tác bền vững và công nghệ mới từ dự án NESCAFÉ Plan. Nestlé phối hợp với các đối tác bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân phối trên 28 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân; tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân trong khi vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) mà Nestlé Việt Nam tham gia cùng nhiều đối tác trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng được đánh giá rất cao trong việc thúc đẩy sự phát triển và liên kết chuỗi trong ngành hàng cà phê. Các mục tiêu hoạt động của Nestlé Việt Nam dựa trên nền tảng “Tạo giá trị chung” được hướng đến phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SGDs) trong tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều chương trình “Tạo giá trị chung” đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam bao gồm: Chương trình Đối tác dài hạn với các nhà phân phối địa phương, chương trình NESCAFÉ Plan – gắn kết nông dân phát triển cà phê bền vững, chương trình Chị Nest – nâng cao kiến thức dinh dưỡng và cải thiện thu nhập cho phụ nữ nông thôn, chương trình Năng động Việt Nam – cho một thế hệ năng động, nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt. Thục Anh

Trang