Kinh tế

Lần đầu tiên ra mắt thương hiệu Bose Store tại Hà Nội

TĐKT - Chiều tối 6/4, tại trung tâm thương mại Lotte Hà Nội (Lotte Department Store), Bose – thương hiệu loa hàng đầu thế giới, hợp tác cùng công ty TNHH MTV Tầm nhìn Tương lai (Future Vision) khai trương Bose Store đầu tiên tại Hà Nội. Đây sẽ là không gian thứ hai tại Việt Nam trưng bày đầy đủ các sản phẩm gia dụng mới nhất của Bose, mang đến trải nghiệm âm thanh sống động và đáp ứng đa dạng các nhu cầu giải trí cho cư dân thủ đô. Đại diện Bose và Future Vision cắt băng khai trương Bose Store là tên gọi chung của các cửa hàng hợp tác giữa Bose và các đại lý uy tín, kinh nghiệm trong việc phân phối các thiết bị công nghệ. Bose Store có số lượng giới hạn, được lựa chọn kỹ càng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nhãn hàng về vị trí, diện tích, thiết kế và dịch vụ nhằm đảm bảo mang đến trải nghiệm hoàn thiện và tốt nhất cho khách hàng. Bose Store đầu tiên tại Hà Nội là kết quả hợp tác giữa Bose và Future Vision - đơn vị kinh doanh đa ngành, có kinh nghiệm lâu năm trong mảng phân phối các thiết bị điện tử, tin học. Đây là bước đi tiếp theo của Bose sau Bose Store đầu tiên tại Saigon Centre, TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2018 với sự hợp tác cùng Mai Nguyên. Dòng sản phẩm chuyên nghiệp cho giấc ngủ Bose SleepBuds Bose Store Lotte Hà Nội được đặt tại tầng 5 của Lotte Department Store – một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất thủ đô nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, đặc biệt là những người yêu âm thanh và người hâm mộ Bose trong trải nghiệm và mua sắm các thiết bị âm thanh chất lượng cao, chính hãng. Bose Store chú trọng đến cách sắp xếp và trưng bày sản phẩm khoa học, đúng tiêu chuẩn theo từng khu vực. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên được huấn luyện chuyên sâu và am hiểu về công nghệ âm thanh của Bose Store cũng sẽ mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về tư vấn, bán hàng và hậu mãi. Bose Store trưng bày những sản phẩm mới nhất, thuộc hầu hết các dòng sản phẩm âm thanh gia dụng và cá nhân hiện có tại thị trường Việt nam. Từ dòng tai nghe khử tiếng ồn QuietComfort đến dòng chuyên dụng cho thể thao SoundSport Free hay sản phẩm chuyên biệt cho giấc ngủ SleepBuds; từ thiết bị loa tại gia Soundbar, Home Speaker đến dòng loa di động SoundLink hay các sản phẩm chuyên dụng khác; Bose Store đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người dùng. Khách hàng có thể tìm thấy những chiếc tai nghe cá nhân cho đến những hệ thống rạp hát tại gia dùng giải trí cho cả gia đình, những sản phẩm cổ điển cho đến những thiết bị ứng dụng công nghệ tối tân nhất. Đặc biệt, đây cũng sẽ là nơi cập nhật những dòng sản phẩm mới nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất phục vụ người dùng thủ đô. Không gian của Bose Store Lotte Hà Nội Đến tham quan và mua sắm tại Bose Store Lotte Hà Nội trong thời gian khai trương từ ngày 6 – 14/4/2019, khách hàng không chỉ được trải nghiệm không gian âm thanh hiện đại, sống động mà còn có cơ hội nhận được nhiều ưu đãi và khuyến mãi nhân dịp khai trương. Ông Christian Rojas, đại diện của Bose tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại sự kiện khai trương: “Thông qua thương vụ hợp tác với Future Vision, Bose khẳng định chiến lược phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam, cùng với đó là tiếp tục sứ mệnh cải thiện trải nghiệm âm thanh của con người thông qua những sản phẩm chất lượng, công nghệ hiện đại. Việc mang Bose Store chuẩn quốc tế đến với Hà Nội là bước đi thứ hai trong kế hoạch ra mắt thêm hai Bose Store nữa trong năm nay tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội của chúng tôi. Chúng tôi hi vọng Bose Store sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy và hấp dẫn dành cho khách hàng trong trải nghiệm mua sắm các thiết bị âm thanh chất lượng cao.” Hồng Thiết

Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

TĐKT - Ngày 5/4, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo “Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu”. Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đại diện Global Alliance (GATF), các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu khai mạc Hội thảo Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) để trình Quốc hội xem xét thông qua. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương được ký kết, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Các bộ, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để bảo đảm đạt được mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3. Trong đó, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thực hiện quyết liệt cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng, trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc… sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với nhóm các nước phát triển, hướng đến quốc gia có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong nhóm ba nước đứng đầu Đông - Nam Á. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh những lợi ích đối với việc bảo lãnh thông quan: Giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan. Bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, bảo đảm hàng hóa XNK phải đáp ứng các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường, thậm chí là khi đến tay người tiêu dùng. Việc sử dụng bảo lãnh thông quan cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí hành chính, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của các bộ, ngành. Ngoài ra, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Theo đánh giá của ông Eric Miller, tư vấn cao cấp của GATF, tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1 đến 0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5 đến 0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%. Ông cũng đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những nước sớm nhất trong khu vực đang triển khai thực hiện việc bảo lãnh thông quan. Đây là cách giúp Việt Nam sớm bảo đảm thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan có thể làm phát sinh các quy định về điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm được tham gia hoạt động bảo lãnh thông quan và phát sinh một số chứng từ trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan; đối với chủ hàng có thể phát sinh một số chi phí liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo lãnh thông quan với tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình này tại Mỹ và một số quốc gia của các chuyên gia đến từ GATF, góp ý của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về mô hình này tại Việt Nam để có thể sớm hoàn thiện và đưa cơ chế bảo lãnh thông quan vào triển khai trong thực tế. Hồng Thiết  

Tập đoàn Mavin lần thứ 6 liên tiếp nhận giải Rồng Vàng

TĐKT - Ngày 6/4, tại Lễ công bố và vinh danh TOP 100 Doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam 2018, Tập đoàn Mavin đã tiếp tục nhận giải thưởng Rồng Vàng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất sắc nhất tại Việt Nam. Đây là lần thứ 6 liên tiếp Mavin được nhận được giải thưởng uy tín này. Đại diện Tập đoàn Mavin nhận giải thưởng Rồng Vàng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất sắc nhất tại Việt Nam Lễ công bố và vinh danh TOP 100 Doanh nghiệp Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam 2018 được tổ chức long trọng tại Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Báo điện tử VnEconomy. Đây là ý tưởng của Thời báo Kinh tế Việt Nam, được khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 2001. Năm nay, Ban tổ chức đã khảo sát, bình chọn, vinh danh những doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trên các tiêu chí: Có thành tích suất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích cực đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng. Chia sẻ về vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa để đồng hành với các nhà đầu tư và tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả.  Hiện nay các điều kiện đã hội tụ đủ và chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư hãy đến Việt Nam, cùng đồng hành với Việt Nam trên con đường đi đến thịnh vượng. Tập đoàn Mavin là một Liên doanh giữa Việt Nam và Australia, đã có gần 15 năm hoạt động tại Việt Nam. Mavin là một trong số rất ít các doanh nghiệp phát triển thành công mô hình “Từ Nông trại tới Bàn ăn”, cung cấp chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tới thực phẩm chế biến. Năm 2018, Mavin là 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng VNR500) và cũng là 1 trong những doanh nghiệp Australia có hoạt động xuất sắc nhất tại Việt Nam (theo công bố của Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam – Auscham). Vũ Toan

Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá trong quý I/2019

TĐKT - 3 tháng đầu năm 2019, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) đã vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. “Nông nghiệp sạch” được đầu tư phát triển Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành quý I ước đạt 2,69% so với Quý I/2018; trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32% và thủy sản tăng 5,24%. GDP ngành nông nghiệp trong quý I ước đạt khoảng 2,68%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,84%, ngành lâm nghiệp tăng 4,2%, thuỷ sản tăng 5,1%. Trong quý I, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn Châu Phi là tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn; tuy nhiên trong quý I, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn lợn vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, với nỗ lực chống dịch không kể ngày đêm, hiện đã có 3 ổ dịch (xã Đức Hợp, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua hơn 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch. Ba tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 26,2 nghìn ha, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 182,3 nghìn ha, tăng 23,6%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 3,5 triệu ha, tăng 10,2%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2,71 triệu m3, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, cả nước đã thu được 690,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 21,5% kế hoạch năm và tăng 28% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 16,5%. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong ba tháng đầu năm 2019 cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỷ USD. Trong quý I, ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ - là mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Các tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản; nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng, giá bán đạt mức cao; do đó, các chuyến đi biển đạt hiệu quả kinh tế khá, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Lũy kế 3 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 820.500 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó khai thác biển đạt 785.000tấn (tăng 4,9%),khai thác nội địa đạt 35,5 nghìn tấn. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 03 tháng ước đạt 646.800 tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đạt những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 3/2019, cả nước đã có 4.207 xã (47,19%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 369 xã (4,13%) so với cuối năm 2018; bình quân đạt 14,61 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 66 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực có dư địa phát triển như: Lâm nghiệp, thủy sản, mặt hàng rau hoa quả... Đối với lĩnh vực thủy sản, cần thúc đẩy phát triển cả lĩnh vực khai thác (hải sản, thủy sản) và nuôi trồng (hai đối tượng chính là cá tra, tôm). Bộ trưởng đánh giá, mặt hàng cá tra sẽ phát triển tốt trong năm nay, nhất là khi Công ty Cổ phần Hùng Vương được xuất khẩu vào Mỹ với thuế bằng 0%. Về lâm nghiệp, với các hiệp định đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm Luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU và các nước trên thế giới. Cùng với đó, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Dự báo, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 có thể đạt 11 tỷ USD. Năm nay lĩnh vực rau hoa quả cũng có nhiều dư địa tạo đột phá trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là khi một loạt các nhà máy chế biến lớn, hiện đại đi vào hoạt động. Đây sẽ là lĩnh vực có tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu Phi. Nguyệt Hà

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

TĐKT - Ngày 4/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển” và Lễ công bố Dự án thí điểm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ibosses Việt Nam, Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức. Hội thảo “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển” Hội thảo nhằm nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ bài học thành công quốc tế và đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ xu hướng và bài học thành công của các nước hỗ trợ DNNVV. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi, có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới. Việc xây dựng và vận hành NIC sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi các chương trình thí điểm hiệu quả và có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên – các bộ, ban, ngành cũng như các hiệp hội, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty, tổ chức giáo dục… Ông Sharath Martin, Tư vấn chính sách ACCA Khu vực ASEAN, Australia và New Zealand cho biết: “Để mở rộng quy mô hiệu quả, DNNVV cần xây dựng mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng. Theo đó, chiến lược tăng trưởng sẽ được xây dựng trên 3 lĩnh vực chính là dự báo triển vọng, cơ cấu tổ chức và hành vi”. Theo ông Tăng Ngọc Trường An, Tổng giám đốc Ibosses Việt Nam, DNNVV và các start-up đang đứng trước cơ hội lớn có sự đồng hành của Chính phủ, sự quan tâm của các nhà đầu tư - định chế tài chính, sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp dần lớn mạnh. Tuy nhiên thành công chỉ đến với những doanh nghiệp quản trị bài bản theo chuẩn quốc tế và minh bạch tài chính. Tại Hội thảo, ACCA đã công bố kết quả khảo sát với tên gọi “Thách thức tăng trưởng của DNNVV” được thực hiện vào cuối năm 2018 trên cơ sở tổng kết hàng ngàn phiếu khảo sát trên toàn cầu và nhiều cuộc phỏng vấn sâu tại Anh quốc, Malaysia và Việt Nam. ACCA cũng giới thiệu bộ công cụ các DNNVV có thể sử dụng để tối đa hóa cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, gọi vốn thành công bao gồm khung tăng trưởng cũng như đề xuất chi tiết các việc cần làm ngay của các DNNVV. Phương Thanh - Mai Thảo

Lần đầu tiên tổ chức chức Diễn đàn “Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019”

TĐKT - Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức sẽ diễn ra ngày 23/4 tại khách sạn Deawoo Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một sự kiện bất động sản công nghiệp quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam, với chủ đề xoay quanh những vấn đề nóng nhất về bất động sản công nghiệp. Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang sở hữu những cơ hội rất lớn để phát triển và bứt phá - Ảnh: batdongsancongnghiep.net Tại Diễn đàn, các Diễn giả sẽ có những báo cáo chuyên sâu xoay quanh vấn đề những tác động của bối cảnh, chính sách đến bất động sản công nghiệp và làm thế nào để tận dụng những lợi thế sẵn có để làm tiền đề, tạo ra cơ hội phát triển hơn nữa cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận thông tin quy hoạch quỹ đất tại từng địa phương và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ có nhiều hoạt động tiếp xúc của lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư tiềm năng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu công nghiệp tại các địa phương, đồng thời sẽ tổ chức hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư giữa các địa phương, nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Diễn đàn là cơ hội cho UBND tỉnh tiếp thị hình ảnh, chính sách đặc thù của địa phương để thu hút các nhà đầu tư; các nhà đầu tư sơ cấp được tiếp cận các quỹ đất mới đã quy hoạch đang mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng từ các địa phương, đồng thời tiếp thị, quảng bá các khu công nghiệp đã xây dựng để nâng cao tỷ lệ lấp đầy 100%; các nhà đầu tư thứ cấp có cơ hội lựa chọn khu công nghiệp, lựa chọn địa phương để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Phương Thanh

Hải quan thu ngân sách đạt 80.211 tỷ đồng

TĐKT - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng thu ngân sách của toàn ngành Hải quan trong quý I năm 2019 ước đạt 80.211 tỷ đồng, bằng 26,69% dự toán (300.500 tỷ đồng), bằng 25,42% chỉ tiêu phấn đấu (315.500 tỷ đồng), tăng 24,45% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ tính riêng trong tháng 3, tổng thu ngân sách toàn ngành Hải quan ước đạt 26.200 tỷ đồng, tăng hơn rất nhiều so với tháng 2/2019, do trong tháng 3 nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) lớn đều tăng. Cán bộ Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu Điểm lại tình hình XNK cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng so với tháng trước: Điện thoại các loại và linh kiện ước tính xuất khẩu trong tháng 3/2019 là 5,3 tỷ USD, tăng 53,1% so với tháng trước; hàng dệt may ước tính xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, tăng 106,4%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trị giá xuất khẩu ước tính đạt 2,7 tỷ USD, tăng 52,6% so với tháng trước. Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trị giá xuất khẩu ước tính đạt 1,4 tỷ USD, tăng 48,1% so với tháng trước. Hàng giày dép trị giá xuất khẩu ước tính đạt 1,35 tỷ USD, tăng 58,1% so với tháng trước. Hàng thủy sản ước tính xuất khẩu đạt 630 triệu USD, tăng 69% so với tháng trước. Gỗ và sản phẩm gỗ trị giá xuất khẩu trong tháng 3/2019 ước tính là 900 triệu USD, tăng 124,4% so với tháng trước. Phương tiện vận tải và phụ tùng trị giá xuất khẩu ước tính là 850 triệu USD, tăng 73% so với tháng trước. Riêng mặt hàng dầu thô xuất khẩu trong tháng 3/2019 ước tính đạt 350 nghìn tấn, tăng 50,7% so với tháng trước và trị giá là 170 triệu USD, tăng 51,7%. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,07 triệu tấn, trị giá ước đạt 507 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Với các mặt hàng nhập khẩu, kim ngạch nhiều mặt hàng cũng tăng so với tháng trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính nhập khẩu trong tháng 3/2019 là 4,4 tỷ USD, tăng 31,5% so với tháng trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước tính nhập khẩu là 3,2 tỷ USD, tăng 52,9% so với tháng trước. Điện thoại các loại và linh kiện ước tính nhập khẩu là 1 tỷ USD, tăng 50,3% so với tháng trước. Vải các loại ước tính nhập khẩu trong tháng 3/2019 là 1,05 tỷ USD, tăng 66,8% so với tháng trước. Sắt thép các loại ước tính nhập khẩu 1,45 triệu tấn, tăng 67,8% và trị giá là 920 triệu USD, tăng 66,2% so với tháng trước. Chất dẻo nguyên liệu ước tính nhập khẩu là 600 nghìn tấn, trị giá là 850 triệu USD, tăng 53,2% về lượng và tăng 51,4% về trị giá so với tháng trước. Riêng mặt hàng xăng dầu các loại nhập khẩu trong tháng 3/2019 ước tính là 850 nghìn tấn, tăng 69,8% so với tháng trước và trị giá là 513 triệu USD, tăng 75,8%. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước đạt 2 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,17 USD, giảm 42,6% về lượng và giảm 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình mặt hàng trên, trong tháng 3/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 44,2 tỷ USD, tăng 54,7% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 22,4 tỷ USD, tăng 61,1% và trị giá nhập khẩu ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 48,6%. So với cùng kỳ năm trước, tổng trị giá XNK hàng hóa cả nước trong 3 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 116,5 tỷ USD, tăng 6,8%. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% và nhập khẩu ước tính đạt gần 58 tỷ USD, tăng 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2019 ước tính thặng dư 600 triệu USD. Qua đó, mức thặng dư của Việt Nam trong quý I/2019 là 536 triệu USD. Bên cạnh đó, một trong những kết quả góp phần vào nguồn thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan là công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Từ 16/2/2018 đến 15/3/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 1.334 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 112,471 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 8,564 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 1 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 6 vụ. Hồng Thiết  

Nestlé liên tục lọt Top 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

TĐKT - Theo khảo sát “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018" vừa được Công ty Anphabe công bố ngày 27/3, Công ty Nestlé Việt Nam tiếp tục được bình chọn là một trong ba nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.  Đây là năm thứ ba liên tiếp Nestlé Việt Nam được người lao động tin tưởng và đánh giá là một trong ba nơi làm việc hấp dẫn nhất xét về thương hiệu nhà tuyển dụng. Dựa trên các tiêu chí mới được đơn vị khảo sát đưa ra trong lần này, Nestlé Việt Nam cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong nhóm “Công ty đa quốc gia” và xếp thứ hai trong nhóm “Ngành hàng tiêu dùng nhanh” do người đi làm bình chọn.   Bà Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự Nestlé Việt Nam (ngoài cùng, bên phải) nhận chứng nhận xuất sắc từ đại diện Công ty Anphabe. Kết quả được Công ty Anphabe đưa ra sau khi khảo sát 75.500 người đi làm tại 674 doanh nghiệp thuộc 24 ngành nghề. Mức độ thu hút của thương hiệu nhà tuyển dụng được đo lường bằng bình chọn của người đi làm về nơi làm việc lý tưởng, ưu tiên ứng tuyển của họ, mức độ yêu thích của họ đối với thương hiệu, mức độ nhận diện của họ đối với thương hiệu. Theo ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, kết quả bình chọn này một lần nữa khẳng định sự nhất quán trong chính sách thu hút và giữ chân nhân tài của công ty bên cạnh các giá trị kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Nestlé. “Việc phát hiện, ươm mầm và phát triển tài năng luôn được quan tâm hàng đầu tại Nestlé Việt Nam” - Ông Ganesan Ampalavanar cho biết - “Một trong những chương trình phát triển nhân tài đi liền với những thành công của Nestlé Việt Nam trong gần 20 năm qua là chương trình Quản trị viên tập sự. Thông qua chương trình này, những ứng cử viên đầy tiềm năng từ các trường đại học và cơ sở giáo dục đã được tuyển chọn, đưa qua đào tạo, sẵn sàng phát triển và đáp ứng cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai.”   Các thành viên tham gia chương trình Quản trị viên tập sự Nestlé 2019 trong một hoạt động gần đây. Công ty Nestlé Việt Nam đã nhiều lần được các tổ chức chuyên về lĩnh vực nhân sự có uy tín trong và ngoài nước, các cơ quan, ban, ngành đánh giá cao và ghi nhận, bình chọn với các giải thưởng uy tín. Tháng 12/2018, Nestlé Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động” bởi hội đồng tổ chức giải thưởng bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tháng 11/2018, Công ty được vinh danh với giải thưởng nhân sự Việt Nam HR Awards với giải thưởng của hai hạng mục quan trọng là Chính sách lương thưởng – Phúc lợi và Quản lý nhân tài. Tháng 9/2018, Nestlé cũng được Tạp chí HR Asia – Tạp chí Nhân sự hàng đầu châu Á vinh danh. Mai Thảo

Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước năm 2018

TĐKT - Ngày 28/3, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước năm 2018”. Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng và Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến đồng chủ trì buổi họp báo. Quang cảnh họp báo Thông tin về tiến độ, tình hình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Về tình hình cổ phần hóa, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Về kết quả thoái vốn, năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Như vậy, về cơ bản tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Việc chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa. Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp chính: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện. Về phía các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Hồng Thiết

Hải quan thông tin về vụ bắt giữ lô hàng có 276 kg ma túy đá đi Philippines

TĐKT - Tổng cục Hải quan vừa cung cấp thông tin mới nhất về vụ bắt giữ lô hàng có 276 kg ma túy đá đi Philippines. Theo đó, ngày 20/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an quận Bình Tân, Công an TP Hồ Chí Minh, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Đội 6 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Đoàn 3 - Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội biên Phòng đã khám phá thành công chuyên án chuyên án 218LP – Đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào về TP Hồ Chí Minh do đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), người Lào cầm đầu, câu kết với đối tượng Việt Nam. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 11 đối tượng, trong đó 8 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Việt Nam và đồng loạt khám xét 5 điểm nghi vấn là kho cất giấu ma túy tại TP Hồ Chí Minh và 2 điểm tại Đắk Nông, lực lượng chức năng thu giữ 300 kg ma túy. Lực lượng chức năng Philippines thu giữ tang vật gần 280 kg ma túy đá cất giấu trong các bao hạt nhựa xuất lậu từ Việt Nam. Tiếp đó, ngày 22/3 lực lượng chức năng của Philipine đã bắt giữ lô hàng có 276 kg ma túy đá trong những bao hạt nhựa xuất phát từ Việt Nam. Vụ việc bắt giữ thành công số ma túy của các cơ quan cảnh sát Philipines có được từ nguồn thông tin ban đầu và các hoạt động phối hợp kịp thời từ cơ quan Cảnh sát và Hải quan Việt Nam, đã được các cơ quan chức năng và dư luận, báo chí Philipines đánh giá rất cao. Trao đổi thêm về diễn biến nêu trên, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết: Ngay sau khi bắt giữ, khai thác nhanh đối tượng, lực lượng Hải quan và các đồng chí lãnh đạo, trinh sát của Cục C03 - Bộ Công an trong chuyên án đã  tập trung phân tích, đánh giá, đối chiếu giữa các các thông tin thu được qua việc bắt giữ, khám xét, khai báo của các đối tượng với các thông tin nghiệp vụ trong Hệ thống thông tin quản lý xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan. Từ đó, đã phát hiện 1 lô hàng được vận chuyển từ Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (TP Hồ Chí Minh) xuất khẩu sang Philippines có dấu hiệu nghi vấn cất giấu ma túy (thời điểm này đã là 23 giờ đêm của ngày 20/03/2019). Với tinh thần quyết liệt, chủ động, không kể giờ giấc, cơ quan Công an và Hải quan Việt Nam đã thống nhất, trao đổi thông tin nhanh với lực lượng chức năng của Philippines qua các đầu mối hợp tác phối hợp đã được chỉ định để đón bắt kịp thời và đã có kết quả như trên. Nhờ đó, đã nâng cao hiệu quả của chuyên án, cũng như thực hiện các cam kết giữa Việt Nam với các quốc gia nằm trong khuôn khổ các chương trình hợp tác quốc tế về đấu tranh, bóc gỡ, triệt phá các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Hồng Thiết

Trang