Văn hóa - Thể thao

Mùa kịch Lưu Quang Vũ

TĐKT - Đã thành thông lệ hàng năm, vào dịp mùa thu, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và trình diễn phục vụ khán giả một số vở diễn đặc sắc được chọn lọc của Nhà hát Tuổi trẻ trong sự kiện mang tên “Mùa kịch Lưu Quang Vũ”.   Vở kịch “Ai là thủ phạm” “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay gồm các vở kịch “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Ông không phải là bố tôi”  - vở kịch mới nhất vừa được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đầu năm 2022. “Lời thề thứ 9” (đạo diễn: NSND Xuân Huyền, NSƯT Chí Trung) được Lưu Quang Vũ viết năm 1986, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với những diễn viên thuộc thế hệ vàng thời đó như NSƯT Đức Trung, NSƯT Chí Trung, NSND Anh Tú... dưới sự dàn dựng của đạo diễn NSND Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được NSƯT Chí Trung phục dựng và trình diễn vào dịp mùa thu hàng năm trong "Mùa kịch Lưu Quang Vũ" của Nhà hát Tuổi trẻ. Câu chuyện đầy tính chính luận trước sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đã được Lưu Quang Vũ phản ánh sắc sảo trong vở kịch “Lời thề thứ 9”. Trên phần nhạc nền là những ca khúc, giai điệu ở thập niên 1980 - 1990 của thế kỷ trước, tiết tấu vở kịch được đẩy lên nhanh hơn, nhờ vậy, khán giả vốn đã từng xem kịch Lưu Quang Vũ cách đây hơn 30 năm vẫn được sống lại ký ức thuở trước, khán giả trẻ lần đầu biết đến kịch Lưu Quang Vũ cũng thấy hấp dẫn bởi những điều mới mẻ ở một tác phẩm chính luận.   Vở kịch “Lời thề thứ 9” “Ai là thủ phạm” (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà"! Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?“ của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay... “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) xoay quanh “cuộc tình tay ba” giữa Hoàng – Liên – Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỷ niệm với bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân. Quá đau khổ, Hoàng với khả năng của mình đã “chiếm đoạt” được Liên khỏi tay Vân. Nhưng trái tim Liên sẽ thuộc về ai? Kỹ sư Hoàng tài ba làm chủ cuộc chơi hay họa sĩ Vân lãng mạn, phóng khoáng?… "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" từng giành Huy chương Vàng tại "Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018". “Ông không phải là bố tôi” (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Với cốt truyện kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách với nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống, làm rung động bao thế hệ khán giả. Kể từ khi dàn dựng kịch bản đầu tay “Sống mãi tuổi 17” của Lưu Quang Vũ năm 1980 (đạo diễn: NSND Phạm Thị Thành), Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật dàn dựng nhiều và thành công nhất kịch của Lưu Quang Vũ với những vở diễn đình đám: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”… trong đó có không ít những vở được phục dựng lại và tiếp tục mê đắm người xem sau nhiều thập kỷ ra mắt: “Mùa hạ cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Tin ở hoa hồng”… “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra trong suốt tháng 8 và tháng 9/2022 một lần nữa mang đến cho khán giả cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của Lưu Quang Vũ, cùng sống lại những ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Hồng Thiết

Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” sẽ diễn ra vào tháng 11/2022

TĐKT –  Sáng 15/8, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo về việc tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022. Ban Tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo về việc tổ chức Diễn đàn Dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 tới tại Hà Nội, Diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Diễn đàn cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ban Tổ chức Diễn đàn gồm có: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đơn vị thực hiện là Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và các đơn vị phối hợp. Nội dung của Diễn đàn gồm 3 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Trong đó tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: Vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những nội dung cơ bản của chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của Việt Nam và quốc tế về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19 và các xung đột địa - chính trị, địa - kinh tế trên thế giới hiện nay. Nhân dịp này, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa  kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2021 và năm 2022 cùng với một số doanh nghiệp đã có thành tích đặc biệt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian qua sẽ được tham gia Đoàn đại biểu doanh nghiệp tiếp kiến lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thời gian tổ chức Diễn đàn dự kiến vào tuần thứ hai của tháng 11/2022, hướng tới ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11). Địa điểm tổ chức tại thành phố Hà Nội. Các hoạt động của Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thông tin chi tiết về Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 đăng tại: https://vhkd2022.vnabc.org.vn. Phương Thanh

Ca sĩ Hàn Quốc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua MV ca nhạc

TĐKT - Luôn cho rằng mình đến với Việt Nam như một định mệnh, ca sĩ/nhạc sĩ người Hàn Quốc Joseph Kwon cảm nhận mình là người rất có duyên lành với đất nước xinh đẹp cũng như con người Việt Nam đáng mến. Tình cảm của anh với con người và đất nước Việt Nam được gửi gắm trọn vẹn qua 2 MV ca nhạc vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc: “Butterfly flakes” và “Waiting for you, 5000 years”. Cả hai MV đều được ghi hình tại Việt Nam. Ca sĩ/nhạc sĩ Joseph Kwon (bên phải) chia sẻ về tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam Joseph Kwon được biết đến như một nghệ sĩ đa tài. Công việc chính của anh tại Hàn Quốc và thị trường Kpop là nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, ca sĩ, kiêm nhà sản xuất. Anh được biết đến như một trong những chuyên gia trị liệu âm nhạc của The Well Hospital Voice Center, nhạc trưởng Đài phát thanh SBS Choir. Joseph Kwon có sự nghiệp sáng tác đồ sộ với khoảng 20 album đơn do anh sáng tác, biểu diễn và sản xuất. Ngoài ra, Joseph Kwon còn có gia tài khoảng 500 bài hát tự sáng tác chưa phát hành. Tình yêu của Joseph Kwon đối với Việt Nam rất tự nhiên. Từ nhỏ anh đã yêu thích và luôn tìm hiểu về Việt Nam. Anh luôn tận dụng mọi cơ hội để đến Việt Nam sống và làm việc. Những người bạn Việt Nam đã gọi anh bằng cái tên Joseph Quyền. Vượt qua đại dịch, Joseph Kwon có hơn 3 năm sống tại Việt Nam và tìm hiểu rất nhiều về cuộc sống và con người Việt Nam. Cùng với Việt Nam vượt qua giai đoạn gian khó, anh đã dành nhiều thời gian miệt mài sáng tác, biểu diễn với những bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, những bài hát về tình yêu Việt Nam, yêu ẩm thực Việt Nam. Những tác phẩm âm nhạc của Joseph Kwon sáng tác và dành tình cảm cho Việt Nam, có thể kể đến: Go Vietnam Go Go (2020); Bản song ca tình yêu “You are in my heart” được phát hành bằng tiếng Việt, hàn và Anh; Chả cá hay Peace – Bài hát với chủ đề về món ăn truyền thống Việt Nam; bài hát "Remember” được sản xuất nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam… Đặc biệt, riêng bài hát “Việt Nam” của anh phát hành năm 2021 đã trở thành chủ đề nóng với hơn 50 lần phát sóng trên các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương và phủ sóng trên các phương tiện truyền thông. Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa ca sĩ/nhạc sĩ Joseph Kwon với Công ty cổ phần Metaspec Hưởng ứng kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc với chủ đề “Cùng hướng tới tương lai”, ngày 10/8, Joseph Kwon đã giới thiệu tới công chúng 2 bài hát “Butterfly flakes” và “Waiting for you, 5000 years”. Thời gian thực hiện MV bắt đầu từ 17/5 đến 12/7/2022. Điểm bắt đầu tại Hà Nội, đoàn phim đến rừng quốc gia Cúc Phương, Tràng An, Tam Chúc, Ba Bể, Bắc Kạn, Hạ Long, TP Hồ Chí Minh, Mũi Né, Sa Pa, Lào Cai, Đà Nẵng, Hội An. Điểm đặc biệt, hai ca khúc của anh vừa được ra mắt lần đầu tiên được NFT hóa và phát hành trên nền tảng Kitego. NFT là một trong những ứng dụng của công nghệ blockchain với tính chất duy nhất và không thể thay thế. Bởi đặc tính đó của NFT, nền tảng Kitego (kitego.com) đã cung cấp những gói sản phẩm NFT gắn liền với tài sản và giá trị thật. Mỗi NFT như một bảo chứng kỹ thuật số cho tài sản với nguồn gốc minh bạch trên nền tảng chuỗi khối blockchain. Kitego là nền tảng mua bán giao dịch tài sản số (digital assets) gắn liền với tài sản thật và giá trị thật. Kitego kết nối, giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Đồng thời xúc tiến, thúc đẩy giao dịch số các sản phẩm văn hóa nghệ thuật tới công chúng trong và ngoài nước. Joseph Kwon chia sẻ: "Tôi hy vọng rằng qua những bài hát của tôi, những MV ca nhạc thực hiện công phu đi qua 19 tỉnh, thành trong Việt Nam sẽ thu hút nhiều người Hàn Quốc và bạn bè khắp nơi trên thế giới sẽ biết Việt Nam xinh đẹp, hấp dẫn như thế nào. Họ sẽ đến Việt Nam để cảm nhận văn hóa và trái tim ấm áp của con người!" Phương Thanh

“Lễ hội Chúng ta là một” lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 1/10 - 2/10/2022

TĐKT - Diễn ra trong hai ngày liên tiếp 01/10/2022 - 02/10/2022 tại Nhà hát ngoài trời số 1 TP Suwon (Hàn Quốc), “Lễ hội Chúng ta là một” năm nay sẽ mang tới những hoạt động đặc sắc với sự tham gia của công chúng và nghệ sĩ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.  “Lễ hội Chúng ta là một” được tổ chức lần đầu tiên năm 2017 và đã trải qua 3 năm được tổ chức định kỳ.  Với các hoạt động sôi nổi, “Lễ hội chúng ta là một” đã trở thành sự kiện thường niên đối với đông đảo khán giả trong nước và kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau hai năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, “Lễ hội Chúng ta là một” lần thứ 4 lại tiếp tục được tổ chức vào năm nay 2022, là sự an ủi đồng thời là làn gió tươi mát thổi nguồn năng lượng tích cực tới người dân Việt Nam trong nước cùng người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. “Lễ hội Chúng ta là một” lần thứ 4 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Trong đó, Cuộc thi tài năng dành cho công dân hai nước Việt – Hàn đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc sẽ có 3 vòng Sơ tuyển – Vòng loại – Vòng chung kết. Vòng loại và vòng chung kết sẽ diễn ra trong 2 ngày của Lễ hội. “Giải thưởng Gia đình Việt - Hàn hạnh phúc” dành cho các gia đình Việt - Hàn đang sinh sống tại Hàn Quốc. Video ngắn về cuộc sống gia đình kèm theo câu chuyện của mỗi gia đình sẽ được gửi tới Lễ hội để tham dự. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày thứ 2 của Lễ hội năm nay. Ngoài ra, Lễ hội lần này còn có các chương trình giải trí nhận thưởng như game show thử thách nhóm - gia đình hay bốc thăm trúng thưởng cho người tham dự chương trình, cũng góp phần làm không khí sự kiện thêm sôi động. Cùng với các hoạt động trên, đêm nhạc với sự góp mặt của các ca sĩ hàng đầu Hàn Quốc và Việt Nam như Baek Jiyoung, nhóm Koyote, Văn Mai Hương, Kimmese, Suni Hạ Linh, Orange, Trung Quân Idol và Chillies Band sẽ đem những màn trình diễn ấn tượng đến với cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập tại Hàn Quốc. Toàn bộ chương trình biểu diễn sẽ được ghi hình, phát sóng trực tiếp trên kênh youtube chính thức của Lễ hội và Kênh truyền hình đa văn hóa Hàn Quốc. “Lễ hội Chúng ta là một” lần thứ 4 mang ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức vào năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trong 30 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đến nay, đã có hơn 300.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc và hơn 200.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Con số này vẫn tiếp tục tăng hàng năm là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Tập đoàn bảo hiểm DB Insurance, với Lễ hội thường niên này, sẽ đồng hành cùng các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ là các đơn vị đồng chủ trì tổ chức “Lễ hội Chúng ta là một” lần thứ 4 này. Phương Thanh

Đội bóng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương giành giải Nhì giải bóng đá giao hữu Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ

TĐKT - Ngày 1/8, Đội bóng của Đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã xuất sắc giành giải Nhì giải bóng đá giao hữu do Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ tổ chức, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ (28/8/1945 - 28/8/2022), Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ lần thứ III và Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ban Tổ chức trao Cờ lưu niệm tặng các đội tham gia giải đấu Phát biểu khai mạc giải đấu, đồng chí Diêm Đăng Quỳnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ cho biết: Giải bóng đá được tổ chức nhằm khơi dậy phong trào thể dục, thể thao trong Bộ và Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ, thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng rèn luyện thể chất của công chức, viên chức, người lao động trong ngành Nội vụ, tạo không khí thi đua sôi nổi, tinh thần giao lưu học hỏi, hiểu biết lẫn nhau giữa cán bộ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị. Các trận đấu diễn ra sôi động Một pha ghi bàn của các cầu thủ Đội bóng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Tham gia Giải đấu có 4 đội bóng: Đội bóng Cơ quan Bộ Nội vụ; Đội bóng Học viện Hành chính Quốc giaĐội bóng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Đội bóng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đội bóng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhận giải Nhì chung cuộc Sau những trận cầu sôi động và căng thẳng, Đội bóng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã xuất sắc giành giải Nhì chung cuộc. Đại diện các đội bóng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức Giải Nhất thuộc về Đội bóng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Giải Ba thuộc về Đội bóng Cơ quan Bộ Nội vụ và giải Phong cách thuộc về Đội bóng Học viện Hành chính Quốc gia. Phương Thanh

Khai mạc Giải bóng đá mini “Tuổi trẻ Điện lực Thủ đô” lần thứ I

TĐKT - Sáng 30/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tổ chức khai mạc Giải bóng đá mini “Tuổi trẻ Điện lực Thủ đô” lần thứ I. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Tới dự và động viên giải đấu, có đồng chí Mã Hoài Nam - UVBTV Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội; các đồng chí là Trưởng, Phó ban, Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị trực thuộc. Lễ khai mạc Giải bóng đá mini “Tuổi trẻ Điện lực Thủ đô” lần thứ I Ban Lãnh đạo EVN Hà Nội và đại diện các đơn vị tham gia giải theo dõi trận bóng khai mạc Giải bóng đá mini “Tuổi trẻ Điện lực Thủ đô” lần thứ I được diễn ra từ ngày 30/7 đến 1/10/2022. Giải gồm 40 đội được chia làm 8 bảng thi đấu. Đội bóng của Đoàn Thanh niên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tham gia với tư cách khách mời của giải. Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hương phát biểu khai mạc giải đấu Phát biểu khai mạc giải đấu, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Giải đấu hướng đến mục tiêu phát triển phong trào rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho đoàn viên, thanh niên, đồng thời thể hiện sự quan tâm, động viên của Ban Lãnh đạo đối với công tác chăm lo đời sống tinh thần của người lao động – một nét văn hóa tốt đẹp của Tổng Công ty. Đại diện vận động viên và tổ trọng tài tuyên thệ trước giải đấu Ban Tổ chức tặng hoa và cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải đấu Giải đấu lần này khẳng định sự lớn mạnh của phong trào thể dục - thể thao trong toàn Tổng Công ty và hứa hẹn sẽ trở thành một hoạt động rất bổ ích, đầy ý nghĩa, đặc biệt là bước tạo đà quan trọng cho Giải bóng đá truyền thống Tổng công ty sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Ban tổ chức tin tưởng rằng giải đấu sẽ tạo ra không khí thi đua sôi nổi, tinh thần giao lưu, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa cán bộ công nhân viên, đoàn viên thanh niên các đơn vị trực thuộc. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị các cầu thủ tham gia thi đấu giải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thi đấu trung thực, thể hiện tinh thần cao thượng, tạo nét đẹp văn hoá trong thể thao, cống hiến cho khán giả những pha bóng hay và những bàn thắng đẹp. Phương Thanh

Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  (27/7/1947-27/7/2022), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước tổ chức Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình” tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, từ ngày 25/7 – 31/7/2022. Từ hơn 150 bức ảnh, tư liệu, hiện vật được chọn lọc kỹ lưỡng, Triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình” trưng bày chia thành 3 phần. Phần trưng bày với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh - liệt sĩ” giới thiệu những hình ảnh tư liệu, văn bản lưu trữ thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng (Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần thăm hỏi thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; các Sắc lệnh về công tác thương binh - liệt sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành…). Phần trưng bày có tên gọi “75 năm trọn nghĩa vẹn tình” giới thiệu những hình ảnh thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước đối với công tác thương binh – liệt sĩ cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước (Xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công; chăm sóc thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; xây, sửa nhà tình nghĩa; ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà gia đình, đối tượng chính sách…) Các bạn thanh niên, sinh viên tham quan và tìm hiểu về các hoạt động giới thiệu tại Triển lãm Đặc biệt, triển lãm đã dành một phần không gian ý nghĩa, giới thiệu với công chúng về hoạt động tri ân người có công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong những năm qua. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công. Ngoài ra, tại triển lãm còn có không gian trưng bày hiện vật, kỷ vật, sách, tác phẩm văn hóa nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công (Một số kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ của Hà Nội như: Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc…). Triển lãm là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục nêu cao và phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong thời kỳ mới. Mai Thảo

Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa”

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 -  27/7/2022), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” từ ngày 24 - 27/7/2022 tại số 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa” là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạn đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng phát huy tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác đền ơn, đáp nghĩa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ Triển lãm “75 năm đền ơn, đáp nghĩa” bao gồm các không gian trưng bày chuyên đề, với điểm nhấn là khu triển lãm chung nêu bật sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khu trưng bày với gần 100 tư liệu, hình ảnh thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng như: Sự quan tâm, thăm hỏi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các pháp lệnh, nghị định, chỉ thị... của Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đồng thời, trưng bày về một số hoạt động trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng những năm vừa qua như phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng đã phát triển sâu rộng từ trung ương đến các địa phương, đạt được hiệu quả thiết thực thể hiện tình cảm trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực. Các cháu thiếu nhi tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ Triển lãm cũng trưng bày sách, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công; nổi bật với 22 bức tranh về mẹ Việt Nam anh hùng của nữ hoạ sĩ Đặng Ái Việt và 75 tác phẩm tranh cổ động của các tác giả tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Đặc biệt, để giới thiệu đến công chúng về các hoạt động quan tâm, chăm lo các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công bằng nhiều việc làm thiết thực của cộng đồng xã hội, triển lãm đã dành không gian giới thiệu đến khách tham quan những hình ảnh, ấn phẩm, băng hình về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chương trình xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chương trình chăm sóc, bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ, chương trình chăm sóc người có công với cách mạng. Ngoài ra, để ghi dấu những hy sinh anh dũng và thầm lặng, những chiến công xuất sắc của lực lượng công an nhân dân, Bộ Công an cũng góp phần vào không gian triển lãm “Công an nhân dân - 75 năm đền ơn đáp nghĩa”. Triển lãm trưng bày gần 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày với ba chủ đề: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đối với thương binh, liệt sĩ, người có công trong lực lượng CAND; những tấm gương chiến đấu và sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân; tri ân, tôn vinh thương binh, liệt sĩ và người có công đối với cách mạng của lực lượng CAND. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được cộng đồng xã hội quan tâm sâu sắc Dịp này, Bảo tàng Hậu cần Quân đội cũng tham gia triển lãm với ba chủ đề ý nghĩa: Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội với công tác thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng; sự đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện công tác chính sách “Hậu phương quân đội” trong Tổng cục Hậu cần. Bên cạnh đó, trong không gian triển lãm lần này, còn dành không gian lớn để khái quát một số thành quả nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc thực hiện công tác chăm sóc thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng trong suốt ¾ thế kỷ qua, thông qua phần triển lãm “75 năm trọn vẹn nghĩa tình”, với gần 100 bức ảnh tư liệu, làm nổi bật lên hai nội dung chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ và Thủ đô Hà Nội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong những ngày diễn ra triển lãm, các chương trình giao lưu nghệ thuật “Đất nước”, “Nhớ về đồng đội’, “Uống nước nhớ nguồn”, “75 năm đền ơn đáp nghĩa”… sẽ góp phần tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam... Đây là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt nhất các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, làm cho đạo lý nhân văn tốt đẹp sáng mãi. Mai Thảo

Lan tỏa vẻ đẹp của tình yêu thời chiến

TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 22/7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” Phát biểu trước giờ cắt băng khai mạc Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. “Nhiều năm qua trên cung đường sưu tầm, từng câu chuyện họ kể, những hiện vật lưu giữ và dừng chân tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mang đến rất nhiều cảm hứng và thôi thúc chúng tôi giới thiệu đến công chúng những xúc cảm rất đỗi đặc biệt, đã hiện hữu song hành cùng lịch sử.” – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ. Triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, cả những thế hệ trẻ Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” chính thức được giới thiệu tới công chúng từ ngày 22/7/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm bao gồm 12 câu chuyện thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - đây chính là kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly. Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu; đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn; câu chuyện nghĩa vợ tình chồng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam hay câu chuyện tình yêu của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sĩ Nguyễn Văn Đạo với lá thư đến muộn sau 31 năm vẫn còn nhiều day dứt… Đây chỉ là một số trong hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện tình yêu thời chiến mà khi nhắc đến trái tim ta vẫn nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn niềm tự hào, khâm phục và cả những tiếc nuối khôn nguôi. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 bộ sưu tập thư thời chiến, sổ thơ, kỷ vật từ thân nhân những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa. Trao tặng cho bảo tàng những lá thư và 1 cuốn số tay của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, hy sinh tại mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới Hà Giang ngày 31/5/1985, anh Nguyễn Hữu Thành (em trai của liệt sĩ Thịnh, đến từ Thái Nguyên) xúc động: “Những tình cảm, lời căn dặn của anh trai năm xưa đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của gia đình. Từng dòng chữ trong thư anh Thịnh gửi về, tôi và gia đình luôn ghi nhớ và cảm thấy ấm áp, trở thành những lời căn dặn thôi thúc chúng tôi – những người em còn may mắn ở lại phải có nghĩa vụ học tập và không ngừng phấn đấu.” “Tôi mong rằng, thông qua Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giá trị của những kỷ vật chiến tranh ấy sẽ được lưu giữ và lan tỏa nhiều hơn nữa đến với công chúng. Đó không chỉ là kỷ vật của riêng gia đình mà trở thành kỷ vật của nhiều thế hệ mai sau” – Anh Thành chia sẻ. Tại sự kiện, một số nhân vật trong triển lãm và đại diện đến từ Đội Nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của CLB “Trái tim Người lính” đã cùng nhau chia sẻ, giao lưu. Công chúng đã có dịp gặp gỡ những nhân chứng sống, được lắng nghe những câu chuyện của một thời “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Mai Thảo

Khai mạc triển lãm “Tri ân đồng đội”

TĐKT - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), chiều 21/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tổ chức khai mạc triển lãm “Tri ân đồng đội”. Các đại biểu tham quan triển lãm Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình cảm, trách nhiệm với đất nước của thế hệ hôm nay. Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng; những hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; những tấm gương thương binh tiêu biểu trong cuộc sống, giúp đỡ đồng đội. Triển lãm gồm 4 phần, trong đó phần mở đầu giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phần 1 với chủ đề “Hy sinh vì Tổ quốc” trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự hy sinh, xả thân quên mình và những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến. Phần 2 với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, trưng bày và giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Phần 3 có chủ đề “Sáng mãi niềm tin”, trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về những tấm gương thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế”, vượt qua thương tật, khó khăn, mất mát, vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ đồng chí, đồng đội, góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình. Triển lãm trưng bày một số hiện vật tiêu biểu như: “Sổ công tác” của đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325 ghi chép; “Quyết tâm thư” của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 ký tên bằng máu gửi đơn vị trước lúc lên đường chiến đấu ở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1970; “Cối giã thuốc” của quân y sử dụng trong bào chế thuốc phục vụ thương binh, bệnh binh, bộ đội tại chiến trường trong kháng chiến chống Pháp năm 1952 – 1954 Nhiều hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng như nhóm hiện vật của các liệt sĩ tham gia Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020 gồm: Bộ quân phục dã chiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Liệt sĩ), Phó Tư lệnh Quân khu 4 mặc khi vào cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tháng 10/2020; Sổ ghi chép của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng (Liệt sĩ), Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4 ghi chép, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020; đồng hồ của Thượng tá Lê Tất Thắng (Liệt sĩ), Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 sử dụng, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020… Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ nay đến ngày 10/8. Nguyệt Hà

Trang