Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện pháp luật: Học, học nữa, học mãi

Hôm nay là chủ nhật cuối tuần nên Nam và mọi người cũng có phần thảnh thơi hơn. Tối mới đến phiên trực của Nam nên ban ngày Nam dành thời gian học thêm chút ngoại ngữ qua ứng dụng mới cài đặt. Phòng Nam có Minh kute siêu ngoại ngữ nhất, nói như người nước ngoài. Minh nói sau này hết nghĩa vụ Minh sẽ về học và thi chứng chỉ. Nam đeo tai nghe và đọc theo giảng viên trong ứng dụng. Thi thoảng Minh đến hỗ trợ Nam, giúp Nam về ngữ pháp. Nam: Ông siêu thật, tôi học mãi mà vẫn cứ thấy mình quá kém cỏi. Minh kute: Ông cứ chịu khó thực hành thường xuyên. Ngày xưa tôi cũng học rất dở, nhưng nhờ cô bạn cùng bàn học giỏi tiếng Anh mà tôi cũng cố gắng để học tốt cho bằng bạn bằng bè. Dũng: Ha ha, động lực là vì một bạn gái xinh ngồi cạnh đúng không? Minh kute: Cứ cho là thế đi nhưng tôi nghiệm rồi, muốn giỏi phải học. Càng là tiếng Anh thì càng phải thực hành thường xuyên, đều đặn mỗi ngày. Dũng: Thế Cảnh sát biển Việt Nam tiếng Anh đọc là gì? Minh kute: Viet Nam Coast Guard. Dũng: Việt Nam cốt gát! Minh kute: Ông phát âm sai rồi! Viet Nam Coast Guard. Dũng: Việt Nam Coast Guard. Được chưa? Minh Kute giơ ngón cái thể hiện đã chuẩn. Dũng: Vậy tôi đố hai ông. Lô gô của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào? Minh Kute: Lô gô thì là lô gô, ra cổng là nhìn thấy, thế mà ông cũng đố. Dũng: Thứ thấy hàng ngày nhưng nhiều người sẽ không nhớ chính xác đâu nhé! Nam: Có hình khiên, hai thanh kiếm rồi mỏ neo. Minh kute: Đúng rồi, trên lô gô có mấy thứ đó. Dũng: Không sai nhưng chưa đủ. Lô gô được quy định trong Nghị định đàng hoàng đấy. Nam: Ông biết thì chia sẻ đi, chi tiết này tôi đúng là không nắm được chính xác. Dũng: Điều 16 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP quy định như sau: Lô gô Cảnh sát biển Việt Nam có hình khiên trên nền xanh đậm, ngoài viền đỏ, trong viền vàng; Nam lấy tờ giấy trắng vẽ nhanh lại Lô gô theo lời Dũng tả. Dũng: Ở giữa có hình khiên nhỏ viền đỏ, hai thanh kiếm vắt chéo phía sau, bên trong có hình mỏ neo; Nam lại nhanh tay vẽ thêm chi tiết khiên và hai thanh kiếm vắt chéo. Dũng: Tiếp theo là phía dưới phù hiệu có hình bông lúa màu vàng; Nam: Bông lúa màu vàng này, đợi tôi một chút vẽ sắp xong rồi. Minh kute: Nhìn cũng ra gì phết này. Dũng chờ Nam vẽ xong bông lúa thì nói tiếp. Dũng: Phía trên có hình ngôi sao năm cánh màu vàng, ngay dưới ngôi sao là dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM, kế liền phía dưới là dòng chữ VIETNAM COAST GUARD; Minh Kute: Ông phát âm chưa chuẩn. Viet Nam Coast Guard. Dũng: Việt Nam Coast Guard. Chuẩn chưa? Minh kute: Chuẩn không cần chỉnh. Vậy trên lô gô còn gì nữa không? Dũng: Phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng. Nam nhanh tay vẽ hình nửa báng xe răng phía dưới hai bông lúa. Nam: Có màu mà tô vào là hơi bị đẹp đấy! Minh kute: Màu à, có luôn. Minh kute nói rồi đi đến ba lô và lục tận dưới đáy một hộp bút màu sáp. Dũng: Ông có cả màu sáp cơ à? Tôi không nghĩ ông lại kute lạc lối thế đâu. Minh kute: Màu sáp cháu trai tôi tặng hôm về thăm nhà đấy. Chẳng mấy chốc, hình vẽ lô gô Cảnh sát biển Việt Nam đã được Nam tô xong với đầy đủ màu sắc và khá sắc nét. Dũng: Công nhận ông Nam vẽ khéo phết đây này! Minh kute: Phòng mình toàn người hoa tay đến tận nách mà. Cả đám cười vui vẻ. Nam lại tiếp tục với việc học tiếng Anh. Thực sự, có lúc Nam cũng thấy nản nhưng cứ nghĩ bản thân còn kém cỏi thì Nam lại cố gắng. Với Nam, việc học là việc không bao giờ kết thúc nhất là với một người còn trẻ như Nam. Chỉ có rèn luyện, học tập và không ngừng học hỏi thì mới có thể tiến bộ. Nam không mong sau này mình trở thành “ông nọ bà kia” nhưng chắc chắn phải là người hiểu biết, người có ích và nhất định phải làm cho mẹ tự hào. Còn bố, dù ở một nơi rất xa chắc cũng đang dõi theo Nam, thấy được sự cố gắng học tập rèn luyện mỗi ngày của Nam và các bạn hẳn cũng đang mỉm cười. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Tuổi trẻ dũng cảm

Sáng sớm, Nam với Dũng tập thể dục ở sân. Gần đó rất nhiều các lính nghĩa vụ khác cũng đang tập luyện, người thì chống đẩy. Đang tập thì Dũng vỗ nhẹ vào người Nam rồi thì thầm. Dũng: Ông biết cái anh đang chạy bộ quanh sân kia không? Nam: Ai nhỉ, tôi chưa kịp nhận ra. Dũng: Anh Minh một trong 5 chiến sĩ sẽ đi nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” đấy. Nam: Xuất sắc vậy. Dũng: Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” là danh hiệu cao quý mà Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho những tấm gương, tuổi trẻ dũng cảm trong chiến đấu, lao động, học tập, công tác và trong cuộc sống hàng ngày. Mà anh Minh là một trong những tấm gương sáng ngời về phẩm chất anh hùng cách mạng, về ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ.                  Nam: Ngưỡng mộ quá đi! Nam ngước mắt nhìn về phía anh Minh, đó là một người vóc dáng vừa phải, điệu bộ nhanh nhẹn, làn da đen sạm vì nắng gió. Nghe nói, sau gần 3 tháng đấu tranh trên thực địa, mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề, hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với sóng gió, hiểm nguy; song anh Minh cùng với các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển vùng 1 đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn, ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo với một quyết tâm sắt đá, bình tĩnh, tự tin, giữ vững đối sách, khôn khéo, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nam thấy thực sự vô cùng ngưỡng mộ. Những chiến công mà tuổi trẻ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được trong đấu tranh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Chợt Dũng vỗ vai khiến Nam hơi giật mình. Dũng: Nghĩ gì mà thần người ra thế hả? Nam: À không có gì đâu. Tôi với ông chạy thi nhé! Dũng gật đầu đồng ý. Cả hai chạy nhanh băng qua khu vực sân bãi tập. Phía xa, hai cán bộ Cảnh sát biển đang đi cùng nhau. Dũng kéo Nam dừng lại rồi hỏi. Dũng: Đố ông, trên người hai anh kia thì Cảnh hiệu chỗ nào. Nam chỉ nhẹ vào bắp tay rồi nói. Nam: Cảnh hiệu vị trí này chứ còn đâu nữa. Dũng: Thế đố ông cảnh hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào? Nam: Quy định rất rõ trong Điều 11 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP. Dũng: Tôi cần ông đi vào chi tiết ngay và luôn. Nam: Cảnh hiệu Cảnh sát biển Việt Nam hình tròn ở giữa có ngôi sao năm cánh nổi màu vàng đặt trên nền đỏ tươi, xung quanh có hai bông lúa màu vàng đặt trên nền màu xanh dương. Dũng gật gù chờ đợi Nam nói tiếp. Nam: Phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng, vành ngoài cảnh hiệu màu vàng, hai bên cảnh hiệu có cành tùng màu vàng. Dũng: Màu vàng là màu chủ đạo. Nhưng tôi thấy hình như có rất nhiều kích thước thì phải. Nam: Ông quan sát đúng đấy. Cảnh hiệu có bốn loại đường kính khác nhau gồm: 41mm, 36mm, 33mm, 28mm, được dập liền với cành tùng kép màu vàng; ở phần dưới, chính giữa nơ cành tùng kép có chữ CSB màu đỏ. Dũng: Thảo nào mà thấy lớn nhỏ chênh lệch nhau. Nam: Một điểm nữa là đối với cảnh hiệu có đường kính 33mm, chữ CSB màu đỏ nằm trên nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng. Dũng: Nhờ ông nói mà tôi cũng khai thông ra nhiều thứ luôn. Cảm ơn bạn vàng nhé! Nam: Vàng với bạc cái gì, chạy tiếp thôi nào! Nam với Dũng tiếp tục chạy. Với Nam bây giờ mà nói khoẻ không chỉ để bản thân thấy luôn vui vẻ mà khoẻ mạnh thì mới có thể làm tốt nhiệm vụ. Nam với Dũng đang là những lính nghĩa vụ, nhưng sau này học tập phấn đấu tốt sẽ là các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển. Như anh Minh, nghe nói trước đây anh ấy cũng từng là lính nghĩa vụ, qua một quá trình trưởng thành, phấn đấu mà nay đã có được những thành tích rất đáng nể. Trong thời gian tới, không chỉ Nam, Dũng mà các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển cần tiếp tục phát huy hơn nữa trí tuệ, tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam, tuổi trẻ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp tục ra sức thi đua học tập rèn đức, luyện tài, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, trong sáng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, sắc sảo về chính trị, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thời kỳ mới. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Mưa đơn vị

Mưa đến rất bất ngờ. Lúc nãy trời còn đang nắng bỗng tự nhiên mưa đổ xuống ào ào. Nam với Khang “lang thang” mỗi người đứng ở một vị trí gác. Nam đưa mắt nhìn ra khoảng sân rộng, mưa đang tạo nên những bọt bong bóng. Nếu Nam là một nhạc sĩ có lẽ chỉ một cơn mưa bất chợt đã có thể viết nên một bản nhạc, một bài hát nào đó về mưa trên đơn vị rồi. Mưa lúc to, lúc nhỏ như một bản nhạc có nốt trầm nốt bổng vậy. Thật vui tai! Mưa rào nên nhanh tạnh, mấy chốc khoảng mây đen đã nhường chỗ cho trời xanh, mây trắng. Mặt trời lại ló rạng. Không khí vô cùng dịu mát, dễ thở. Đâu đó vẫn còn những hạt mưa lất phất không đủ làm ướt áo người qua lại. Nam với Khang đổi ca gác cho Minh kute và Dũng. Cả hai cùng đi đến nhà ăn đơn vị. Vừa đi, Khang vừa thả hồn theo mây trời. Nam: Ông lại sắp sáng tác ra bài thơ nào à? Khang: Thì nãy có mưa mà. Tôi đứng gác mà những tứ thơ cứ tuôn trào. Ở đây mưa nhưng không biết ở Cù Lao Xanh có mưa không nhỉ? Khang nói rồi ngước mắt lên nhìn trời. Nam: Ông hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai. Ông quen ai ở tận Cù Lao Xanh à? Khang: Có ai đâu. Nam: Đừng có giấu nữa, hôm trước thấy ông nhận được thư của ai đó tôi đã nghi nghi rồi. Khang: Ừ thì là một cô gái. Em trai họ cô ấy cũng đang là lính nghĩa vụ ở Cù Lao Xanh Bình Định. Nam: Sao quen xa vậy? Quen như thế nào? Khang: Tình cờ và bất ngờ từ cách đây một năm rồi. Mà ông này, ông có biết phạm vi hoạt động và địa bàn quản lý của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển không? Nam: Tôi cũng mới biết cách đây không lâu. Khang: Thế thì nói cho tôi biết đi. Nàng hỏi mà tôi không biết trả lời như thế nào? Nam: Trả lại bằng một chầu đấm lưng. Ok không? Khang: Được rồi! Nói đi! Nam: Điều 9 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP quy định phạm vi hoạt động và địa bàn quản lý của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển như sau: “Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 quản lý vùng biển từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị”. Khang: Vùng 1 là cửa sông Bắc Luân đến đảo Cồn Cỏ. Vậy còn Vùng 2? Nam: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định. Khang: Vùng 2 sẽ từ Đảo Cồn Cỏ đến Cù Lao Xanh. Nam: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh; Khang vừa nghe vừa lẩm nhẩm nhắc lại lời của Nam. Khang: Vùng biển từ Cù Lao Xanh – Bình Định đến bờ Bắc của Định An tỉnh Trà Vinh là do Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý. Nam: Ông nhớ chưa, có cần nhắc lại không? Khang: Nhớ rồi! Ông qua ngay vùng 4 đi. Nam: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. Khang: Vùng 4 sẽ là từ bờ Bắc cửa Định An - Trà Vinh đến Hà Tiên - Kiên Giang. Rồi, tôi nhớ rồi! Nam: Phạm vi hoạt động, địa bàn quản lý của các đơn vị quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định 61/2019/NĐ-CP và do Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quy định. Khang: Cảm ơn ông nhiều! Tối nay viết thư cho nàng xong, tôi sẽ chiêu đãi ông màn tẩm quất danh bất hư truyền. Nam: Nhớ đấy nhé! Khang với Nam rảo bước thật nhanh. Khang đi sau hơn một chút, vẻ mặt hơi lãng đãng. Khang: “Mời em đến đơn vị anh Chiều mưa giăng lối, cây xanh ngút ngàn. Tiếng mưa như những cung đàn Đưa em đến với muôn vàn yêu thương Mưa trút xuống rồi mưa sẽ tạnh Anh ước mình đi cạnh nắm tay”. Nam im lặng nghe Khang đọc thơ. Khi đọc thơ, gương mặt Khang chẳng khác gì một nghệ sĩ đang thả hồn mình với mây trời. Lời thơ thật da diết và giàu tình cảm. Tự dưng Nam trộm nghĩ, một ngày nào đó Hương cũng được đến đây. Dù đó là ngày nắng chói chang hay là ngày mưa như hôm nay thì cũng thật là vui. Nghĩ đến thôi mà lòng Nam chợt dâng tràn bao cảm xúc vừa vui, vừa hy vọng. Hy vọng ngày đó sẽ không xa!!! Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Gần nhau là cười

Buổi tối là khi phòng của Nam vui vẻ nhất, đó là khi chưa ai có lịch trực đêm thì anh em trong phòng quây quần kể chuyện vui. Hôm nau Minh, Khang với Dũng lúa đều đi trực. Còn lại Tân hài hước và Quân biết tuốt. Những câu chuyện cười của Tân hài hước khiến Nam với Quân phải bấm bụng vì sợ gây ồn ào. Hết kể chuyện vui, lại chuyển qua giải đố, ai thua phải hít đất. Quân biết tuốt thường là người giỏi nhất trong chuyện này. Nam: Nay tôi có một câu hỏi rất hóc búa, đố ông giải đáp được. Quân: Cứ nói đi đừng ngần ngại. Nam: Đố ông, Chính phủ quy định chi tiết hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam như thế nào? Quân hơi trầm ngâm một tí. Nam: Sao bí rồi hả? Tân: Nhìn mặt trầm ngâm lắm, chắc ngoài vùng hiểu biết. Mà thôi, không biết thì chịu thua hít đất năm mươi cái đi. Quân: Giả vờ thôi, Quân biết tuốt này sao dễ dàng chịu thua thế được. Đang load lại kiến thức vừa mới tìm hiểu được thôi. Tân: Thế thì nói nhanh kẻo nguội, bọn tôi đang dỏng tai nghe đây. Quân: Điều 7 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm thứ nhất là Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Tân: Việc này thì tôi cũng biết. Quân: Biết thì ông nói nốt đi. Tân gãi đầu cười trừ. Tân: Tôi biết nhưng tôi không nói, đây là kèo đố ông mà. Xin mời tiếp tục! Quân: Thứ hai là Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1; Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2; Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3; Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4; Tân: Bộ Tư lệnh cảnh sát biển 5 nữa. Nam: Đừng có đùa, đến Vùng cảnh sát biển 4 thôi. Tân lại gãi đầu cười trừ. Quân: Tiếp theo là Đoàn Đặc nhiệm chống tội phạm ma tuý số 1; Đoàn Đặc nhiệm chống tội phạm ma tuý số 2; Đoàn Đặc nhiệm chống tội phạm ma tuý số 3; Đoàn Đặc nhiệm chống tội phạm ma tuý số 4; Tân lại nhanh nhảu nói phụ hoạ vào. Tân: Thế thì có cả đoàn trinh sát nữa. Tôi có ông anh họ làm ở đó. Quân: Câu này thì chuẩn nhưng chưa đủ. Đó là Đoàn trinh sát số 1; Đoàn trinh sát số 2. Nam: Ngoài ra còn đơn vị trực thuộc nào nữa không? Quân: Còn chứ, đó là Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển; Tân: Hết rồi thì ông Nam chống đẩy đi. Nam: Tôi cứ cảm giác chưa đủ. Quân: Tất nhiên là chưa đủ, thứ ba là “Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 7 này” nữa. Tân: Lần này thì hết rồi chứ. Nào ông Nam, chống đẩy đi. Nam: Mình thua thì mình làm thôi. Dù gì cũng biết thêm một kiến thức. Nam chống đẩy trong tiếng đếm của Tân hài hước. Tân: Lần sau, phải tăng độ khó là đeo thêm ba lô nữa. Quân: Cứ đứng đấy mà trêu thằng Nam đi, đến lượt ông trả lời câu hỏi của tôi. Với tính nhanh nhảu của Tân thì trả lời chưa đủ là đương nhiên. Tân méo mặt chống đẩy trong tiếng đếm của Nam. Cả nhóm cười vui. Xa nhà bạn cùng phòng chính là niềm vui, cứ gần nhau là cười. Nam không muốn tưởng tượng sau này rồi mỗi người sẽ đi một phương khác nhau, lúc ấy chắc là nhớ lắm. Nhưng với Nam hãy cứ trân trọng hiện tại, anh em bạn bè vẫn đang quây quần bên nhau mỗi ngày, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, và những chuyện gặp được trong quá trình làm nhiệm vụ. Đời lính nghĩa vụ, không ngắn cũng chẳng dài, cứ vui khi còn có thể vui. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Những người thân mới

Trưa nắng, Nam đang cầm tập tài liệu đi trên sân của đơn vị thì thấy chị Minh – cán bộ Văn thư của đơn vị đang loay hoay với chiếc xe máy ở nhà để xe. Cậu nhanh nhẹn đi đến hỏi han. Nam: Xe làm sao vậy chị? Chị Minh: Xe chị bị tuột lò xo ở chân chống điện. Nam liền tập tài liệu cho chị Minh rồi nói. Nam: Chị cầm giúp em, em sửa cho. Sau một vài thao tác, Nam đã gắn được lò xo và chân chống điện. Cậu mở khóa bấm đề, máy xe lại nổ giòn. Chị Minh: May quá có em giúp. Cảm ơn em nhiều! Nam nhận lại tập tài liệu. Nam: Dạ không có gì ạ. Mà em thấy phanh xe có vẻ cũng hơi bị rão, sau hôm nay chị mang ra hàng bảo dưỡng là hơn. Chị Minh: Chị phụ nữ nên ít để ý xe cộ, có anh nhà thì đợt này anh ấy đi công tác. Cảm ơn em đã nhắc nhở. Thật không biết lấy gì cảm ơn em. Nam: Dạ có gì đâu ạ. Việc nhỏ thôi mà chị. Chị Minh chào tạm biệt Nam rồi phóng xe đi. Vài hôm sau, Nam qua phòng văn thư để nhờ máy đánh và in ít văn bảngặp lại chị Minh. Thấy Nam, chị Minh rất vui vẻ. Chị Minh: Em cứ đánh văn bản, xong cần in thế nào cứ bảo chị. Chị Minh ân cần mang nước rồi kẹo ra mời Nam: Uống nước ăn kẹo lạc. Chồng chị đi công tác mua về đấy. Nam vừa đánh máy vừa trò chuyện. Nam: Xe chạy ổn chưa chị? Chị Minh: Ổn rồi em! Sau có cần gì cứ bảo chị nhé! Nam: Có điều này em muốn hỏi, nếu chị biết thì giải đáp giúp em. Chị Minh: Em cứ nói, biết chị sẽ trả lời. Nam: Chị có biết chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được quy định như thế nào? Chị Minh: Điều này thì chị biết. Tại điều 5 Nghị định số 61/2019/NĐ-CP quy định như sau: “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được hưởng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chế độ trợ cấp”. Nam: Thế ạ. Nghĩa là như bọn em cũng sẽ có chế độ trợ cấp phù hợp. Chị Minh: Đúng thế. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển còn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề. Nam: Em không nghĩ được quy định cụ thể như vậy. Chị Minh: Ngoài ra còn có chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh, phụ cấp công tác lâu năm ở trên tàu, biển, đảo, phụ cấp ngày đi biển, phụ cấp đặc thù đi biển phù hợp với khu vực địa bàn vùng biển, đảo công tác. Nam: Nhiều vậy hả chị? Chị Minh: Vô cùng chi tiết luôn. Còn có phụ cấp theo yêu cầu nhiệm vụ và chế độ, chính sách khác như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, có cùng điều kiện, môi trường làm việc, khu vực địa bàn, biển đảo công tác theo quy định của pháp luật nữa. Nam: Em sẽ về chia sẻ với các bạn cùng phòng mới được. Chị Minh: Không biết gì cứ hỏi chị. Nam: Dạ, em cảm ơn chị nhiều! Chị Minh: Em cứ đánh máy đi, chị qua phòng hành chính có chút việc đã. Chị Minh nói rồi rời đi. Kể từ lần đó, Nam với chị Minh ngày càng thân thiết hơn. Chị Minh coi Nam như em trai. Chị kể, em trai chị bị đuối nước mất hồi mười tuổi. Một sự mất mát quá lớn lao. Còn Nam là con một, Nam rất khao khát có anh có chị, có em. Ở quê, Nam có anh Sóng, anh Biển con bác Ruân là anh, còn ở đây, Nam có chị Minh, vô cùng quý Nam. Chồng chị Minh có lần còn nói, nhìn Nam khá là giống em trai chị Minh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng như là định mệnh vậy. Nam gọi điện về nhà nói với mẹ, mẹ cũng rất vui. Mẹ bảo có dịp nào tiện mời chị Minh về nhà chơi. Nghe Nam nói, chị Minh vui lắm. Chị nói chắc chắn sẽ về thăm mẹ Nam và muốn được mẹ Nam dạy đan lưới và nếu được thì sẽ được đi tàu ra khơi. Ở đơn vị, Nam có các bạn cùng phòng, có chị Minh, rồi anh Bắc ở phòng pháp luật… đó đều là những người thân mới của Nam. Xa nhà nhưng những tình cảm ấm áp của mọi người khiến Nam vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Lao động là vinh quang

Khoảng sân trước cổng chính của đơn vị ngập sắc vàng của nắng chiều. Ngoài những lúc ở trong đơn vị thì đây là dịp để Nam cùng các bạn ra bên ngoài. Nam cùng Khang lang thang và Minh Kute làm nhiệm vụ quét dọn vệ sinh. Gần đó là mấy công nhân của công ty công viên, cây xanh làm nhiệm vụ cắt tỉa cây. Thấy nhóm lính nghĩa vụ, một chú công nhân chủ động đi đến hỏi han. Chú công nhân: Các cháu công tác lâu chưa? Biên chế rồi mà vẫn phải đi quét dọn à? Nam: Dạ không, chúng cháu là lính nghĩa vụ thôi ạ. Chú công nhân: Thảo nào, công việc có vất vả không cháu? Nam: Dạ, vừa nhẹ nhàng, vừa sức, vừa làm vừa rèn luyện sức khỏe luôn ạ. Minh kute ngừng quét và cầm cái chổi múa múa. Minh kute: Chú nhìn đi, cháu đang khổ vì khỏe đây này. Chú công nhân: Công nhận, đứa nào nhìn cũng khỏe mạnh, rắn rỏi. Chú có thằng con đang học lớp 11, sau này mà được vào quân ngũ thì quá tốt. Không biết các cháu có biết điều kiện để chọn công dân vào Cảnh sát biển như nào cháu biết không? Minh kute: Chú hỏi câu gì dễ dễ cháu còn biết, chứ câu này cháu chịu. Minh kute nói rồi quay sang vỗ vai Nam. Minh kute: Bạn cháu sẽ thay mặt cháu trả lời cho chú. Chú công nhân: Cháu biết thì chia sẻ cho chú biết với nhé! Nam: Dạ, điều 35 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam là: “Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam”. Chú công nhân: Hay quá! Thằng con chú đang 16 tuổi, vậy là còn hai năm nữa thôi. Chú đã làm công nhân rồi, sau này nó phải khác bố nó. Minh kute: Chú tính sau này hướng cho con trai vào Cảnh sát biển à? Chú công nhân: Chú nào có hướng được, là nó thích đấy. Nó muốn được mang quân hàm. Nó xem mấy chương trình về quân ngũ, chú thấy nó hào hứng lắm.Thế còn điều kiện nào nữa không cháu? Nam: Ngoài ra, còn cần có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Chú công nhân: Nghe cũng khoai sắn phết nhỉ. Nhưng thằng con chú nó thông minh nhanh nhẹn lắm, chắc chắn cố gắng sẽ đạt được. Nam: Ngoài ra điều kiện tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển do “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều này” chú à. Chú: Để chú về nói với thằng con, đặt mục tiêu từ bây giờ. Nam: Con nó thông minh, sáng dạ, lại yêu thích ngành nghề này, cháu tin chắc chắn em sẽ thực hiện được ước mơ. Chú: Nếu được thế thì còn gì bằng. Thôi đến giờ chú phải làm việc tiếp rồi. Chúc hai cháu luôn vui vẻ và công tác tốt nhé! Chào hai cháu nhé! Nam: Dạ, cháu cảm ơn chú. Minh kute: Cháu chào chú nhé! Nam: Chúng ta làm việc tiếp thôi. Nam với các bạn tiếp tục việc quét dọn. Chẳng mấy chốc một góc đường đã tươi sáng, sạch sẽ. Những rặng cây được các cô chú công nhân cắt tỉa và phom đẹp hơn, ngay hàng thẳng lối hơn. Nam với Minh cùng một số bạn thu chổi, khau hót rồi đi về phía cổng đơn vị. Minh kute vừa đi vừa huýt sáo rất vui tai. Lát sau, một cơn mưa trút xuống khiến cho cây cối quanh đơn vị thêm tươi xanh hơn, không khí cũng mát lành dễ chịu hơn. Nam đưa mắt nhìn quanh đơn vị, đâu đâu cũng sạch đẹp, thoáng đãng. Sau cơn mưa lại có nắng nên trên bầu trời xuất hiện cả cầu vồng rất đẹp. Nam ngước mắt nhìn ra xa rồi tự hỏi không biết ở quê mẹ thế nào. Chắc chắn mẹ cũng đang cặm cụi dọn dẹp nhà cửa hoặc ngồi đan lưới. Còn bác Ruân rồi các anh Sóng, Biển chắc cũng bận rộn với tàu cá. Còn Hương, đợt này Hương đang học thêm một lớp nghiệp vụ, còn rảnh thì lại phụ mẹ bán hàng khô. Với Nam, làm việc gì cũng được miễn đó là công việc mình thấy yêu thích và hứng thú, bởi lao động là vinh quang. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Mơ ước tương lai

Thế là cũng đến ngày Nam phải tạm biệt mẹ, tạm biệt Hương, tạm biệt các bác, các anh và đặc biệt là làng chài thân yêu để lên đơn vị, tiếp tục làm lính nghĩa vụ. Chiều hôm qua đã có bữa cơm chia tay rồi và Nam cũng nói với mọi người Nam muốn tự đi, không muốn ai phải đưa tiễn như hồi lần đầu Nam đi nhập ngũ tân binh. Buổi sớm, nước biển rút tít ở xa để lại khoảng cát mênh mông vô tận. Nam đeo ba lô bước đi trên con đường nhiều cát sỏi. Tạm thời phải rời xa nơi này khiến Nam có chút bồi hồi không nỡ. Đám trẻ làng chài đang chơi trò xây lâu đài bằng cát và vỏ ốc. Những đứa bé thân hình nhỏ nhắn, đen nhẻm nhưng khoẻ mạnh. Nam đứng nhìn chúng và chợt khẽ cười rồi mạnh mẽ bước đi. Thoắt cái Nam đã ở đơn vị Cảnh sát biển nơi cậu và rất nhiều anh em trạc tuổi đang làm lính nghĩa vụ. Phòng Nam có 6 người, mỗi người một quê khác nhau. Anh em rất chan hòa, vui vẻ. Có thể kể đến Tân hài hước, Quân biết tuốt, Minh kute, Khang hay lang thang và Dũng lúa. Nam thân nhất với Dũng. Đó là một chàng trai quê lúa Thái Bình, chân chất giản dị và luôn dậy sớm nhất phòng. Sáng sớm tinh mơ, Nam và Dũng chạy thể dục thể thao trong sân. Vừa chạy, Dũng vừa hỏi. Dũng: Ông có biết chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không? Bố tôi điện lên hỏi mà tôi có biết gì đâu để trả lời. Nam: Đợt về quê mọi người cũng hỏi đủ thứ nên lên đây tôi cũng có tìm hiểu, và biết sơ sơ. Dũng: Vậy nói cho tôi biết với. Nam: Theo điều 34 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, quân hàm, nâng lương, hạ bậc lương, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ phục vụ, thôi phục vụ, chế độ chính sách, quyền lợi và các quy định khác đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Dũng: Quy định kĩ nhỉ, nào là bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng quân hàm… Tôi nghe một lúc mà rối luôn rồi. Vậy còn có quy định gì nữa không ông? Nam: Cũng theo điều luật thì: “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”. Dũng: Vậy là khi làm nhiệm vụ, chúng ta sẽ được hưởng những chính sách chế độ phù hợp đúng không? Nam: Đương nhiên. Dũng: Quá tốt rồi! Để lúc nào rảnh tôi gọi lại nói cho bố tôi biết cho ông yên tâm. Nam: Bố mẹ nào cũng thế luôn lo lắng cho con cái. Dũng: Ừ. Ông biết ước mơ trong tương lai của tôi là gì không? Nam: Được làm việc trong quân đội đúng không? Dũng: Gần đúng, là chúng ta sẽ là những đồng nghiệp và có thể sẽ được lên tàu tuần tra làm nhiệm vụ. Nam: Để thực hiện được ước mơ thì phải nỗ lực nhiều lắm. Dũng: Nhưng có ai đánh thuế ước mơ đâu. Dũng lấy một cái que và vẽ lên nền cát hình ảnh con tàu Cảnh sát biển. Dũng: Ông biết không, tôi đã không ít lần mơ thấy mình mặc quân phục, đội mũ và đứng trên tàu lướt ra biển tuần tra, cảm giác vô cùng thích thú. Nam: Còn tôi chỉ mới tưởng tượng, chứ chưa lần nào mơ thấy mới đau chứ. Dũng: Tôi với ông cùng quyết tâm nhé! Dũng đưa tay ra chờ đợi. Nam vui vẻ nắm lấy. Cả hai nắm tay nhau thật chặt thể hiện sự quyết tâm. Nam nhìn thấy trong mắt Dũng là sự rực lửa quyết tâm và cùng chí hướng. Cả hai tiếp tục vừa chạy vừa hô thật vui vẻ. Tự nhiên trong lòng Nam thấy háo hức và vui vô cùng. Còn gì vui hơn nếu sau này Nam với Dũng sẽ là những đồng đội, đồng chí mang trên mình quân phục của Cảnh sát biển. Cuộc sống luôn phải có ước mơ và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực, hành trình đó có thể sẽ nhiều gian nan, nhiều chông gai thử thách nhưng Nam có một niềm tin mãnh liệt là sẽ thành hiện thực ở một tương lai không xa. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Chuyện vui ngày biển động

Đài khí tượng thủy văn thông báo thời tiết có mưa lớn, biển động mạnh, các phương tiện về nơi tránh trú, vì thế các tàu đều neo đậu ngoài bãi. Đây coi như là thời gian nghỉ của anh Sóng, anh Biển và rất nhiều ngư dân khác. Mới sáng sớm anh Sóng đã gọi Nam sang nhà tụ tập với các anh. Cuộc vui lần này có cả anh Vạn, anh Vũ bạn của anh Sóng. Đồ nhậu là một con song hoa làm gỏi, ít tôm nướng mọi và rượu do anh Sóng ngâm đã lâu năm. Sóng: Mai mốt chú Nam đi rồi chả có dịp anh em quây quần nên hôm nay phải tới bến với các anh có biết chưa? Vạn: Em nó còn trẻ, uống được bao nhiêu thì uống, rượu bất khả ép, chú Nam nhỉ? Anh Vạn vừa nói vừa vỗ vai Nam. Ngồi với các anh thì cười không khép nổi miệng, nào đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Vũ: À, chú Nam có biết tàu thuyền sẽ bị cảnh sát biển truy đuổi khi nào không? Sóng: Ơ cái ông này đang nói chuyện cá mú lại nhảy sang chuyện truy đuổi là thế nào? Vũ: Ông cứ ngồi yên để tôi hỏi chú Nam. Nam: Ý anh muốn hỏi Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trong các trường hợp nào đúng không? Vũ: Đúng đúng. Chú giải đáp giúp anh. Nam: Việc này, em cần trợ giúp chuyên môn. Các anh chờ em một chút nhé! Nam lấy điện thoại rồi ra ngoài. Các anh vừa uống, vừa ngồi chờ đợi. Vũ có vẻ hơi sốt ruột. Vũ: Dở rồi, tự dưng làm khó chú em của ông. Vừa lúc, Nam đi vào ngồi xuống chiếu. Nam: Em hỏi được rồi. Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất là “Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia”; Vũ: À ra thế. Vậy tiếp theo là gì? Nam: Thứ hai là “Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này”; Vũ: Đấy, thấy tín hiệu yêu cầu dừng tàu mà vẫn cố tình đi là bị truy đuổi ngay. Các ông ghi nhớ để không phạm phải nhé! Sóng: Lại còn phải dặn. Tôi đây lúc nào cũng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Vạn: Nói đến mới nhớ trước đây tàu tôi cũng từng bị truy đuổi rồi. Cũng chỉ vì bên Cảnh sát biển ra hiệu lệnh dừng tàu để kiểm tra nhưng thằng Long lái tàu không để ý nên cứ cho tàu chạy. Thế mới dở. Nam: Vì thế các anh phải lưu ý. Vũ: Chú phổ biến chi tiết thế là bọn anh biết rồi. Thế còn truy đuổi trong những trường hợp nào nữa chú? Nam: Cảnh sát biển còn được quyền truy đuổi khi “Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi”; Vũ: Ý là các bên phối hợp với nhau để truy đuổi tàu thuyền hoạt động trái phép đúng không? Công nhận, chú không nói thì các anh cũng chịu luôn. Sóng: Trước khi chú Nam nói tiếp thì anh em làm một chén cho tưng bừng cái nhỉ? Bốn anh em vui vẻ cạch chén và dùng đồ ăn. Vũ: Còn gì nữa không chú Nam. Nam: Dạ, ngoài ra là các “Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Sóng: Cái này rộng phết. Nam: Để em tìm hiểu thêm rồi sẽ chia sẻ với các anh sau. Vũ: Chú nói như thế là quá được rồi. Nói thật, nghe nhiều quá là anh loạn trí nhớ luôn. Sóng: Ông này chỉ nhớ nộp thuế cho vợ là giỏi. Vũ: Ơ hay không nhớ để vợ nó lại soi cho à. Mà tôi nộp thuế cho vợ tôi chứ cho hàng xóm đâu mà sợ. Mấy anh em cười khanh khách. Vạn: Nào, chúc sức khỏe tất cả mấy anh em. Đặc biệt chúc chú Nam mọi điều tốt lành, cầu được ước thấy nhé! Nam: Dạ, em cảm ơn anh! Em cũng chúc các anh luôn mạnh khỏe và mọi việc thuận lợi! Câu chuyện xung quanh bàn nhậu cứ thế tiếp diễn không ngừng. Nào là chuyện hồi nhỏ, chuyện đi biển, chuyện vợ chồng. Nam trân trọng những giây phút này, Nam được vui vẻ nói chuyện với những người anh Nam vô cùng yêu mến và cậu được là chính mình. Cuộc sống đôi khi chỉ cần những giây phút sống chậm lại bên những người mình trân quý, đó đã là hạnh phúc. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Con tàu mơ ước

Hồi nhỏ Nam có ước mơ là làm thuyền trưởng. Vì thế, cậu rất hay được đi trên con tàu rất lớn, được lướt sóng ra khơi. Thấm thoát giờ Nam cũng đã 19, 20 tuổi. Nhưng ước mơ ấy giờ đây hiện thực hơn đó là làm việc trong đơn vị Cảnh sát biển. Cậu cũng sẽ có cơ hội được lên tàu ra khơi làm nhiệm vụ. Nam còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì Hương đã đến từ khi nào. Hương: Anh nghĩ đến ai mà cười tủm tỉm thế? Nghi lắm nhé! Nam: Còn ai trồng khoai đất này nữa. Mà người gì đâu hẹn 9h qua mà bây giờ 8h55 phút đã qua rồi. Hương: Á à, dám trêu em này, trêu em này! Hương nói rồi vờ cấu chí Nam. Nam: Thôi, anh chịu thua rồi, ai dám động đến cô bí thư chi đoàn chứ. Hương: À, em có quà cho anh đấy! Nam: Vừa trêu mà lại còn được quà. Mà quà gì đấy? Bật mí cho anh được không? Hương: Nhưng trước tiên anh phải giải đáp cho em một câu hỏi đã. Nam: Anh đang sẵn sàng nghe đây. Hương: Cảnh sát biển được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong trường hợp nào vậy anh? Nam: Câu này đúng tủ của anh rồi. Hương: Vậy còn không mau giải đáp đi. Nam: Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định có 5 trường hợp dừng tàu thuyền như sau. Thứ nhất là “Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật”; Hương: Nghĩa là khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật thì Cảnh sát biển được quyền yêu cầu dừng tàu để kiểm tra, kiểm soát. Nam: Chuẩn không có chỗ nào để chỉnh luôn. Hương: Còn trường hợp thứ hai là gì anh? Nam: Là: “Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật”; Hương: Trường hợp này thì quá rõ ràng rồi. Còn trường hợp thứ ba thì sao anh? Nam: Em thử suy đoán một chút xem sao. Hương lắng lại, nghiền ngẫm suy luận. Hương: Trường hợp thứ nhất mang tính trực tiếp, thứ hai thông qua phương tiện kĩ thuật, vậy thì trường hợp thứ ba có thể là thông qua việc tố giác tội phạm chẳng hạn. Nam: Rất chính xác. Trường hợp thứ ba chính là “Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật” thì Cảnh sát biển được quyền yêu cầu dừng tàu. Hương: Anh nói luôn trường hợp thứ tư đi, chắc là em chịu thua không suy đoán được đâu. Nam: Đó là: “Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật”; Hương: Nếu vậy thì chắc chắn được dừng tàu thuyền để thực hiện nhiệm vụ rồi. Nam: Còn trường hợp thứ năm, em thử đoán xem. Hương: Em chịu thôi! Nam: Anh gợi ý nhé! Em nghĩ xem, có những người vi phạm trốn xong sau đó họ bình tĩnh nghĩ lại ấy. Hương: À, người vi phạm ra đầu thú, khai báo về hành vi của mình. Nam: Gần đúng rồi. Trường hợp thứ năm đó là: “Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật”. Hương: Vậy tóm lại là có năm trường hợp Cảnh sát biển có thể được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đang di chuyển trên biển. Nam: Anh đã giải đáp thắc mắc của em rồi. Vậy còn quà của anh đâu? Hương: Người đâu trẻ con ghê, xong việc là đòi quà ngay. Nam: Quà đâu, quà đâu. Hồi hộp chết đi được. Hương: Được rồi! Vậy anh nhắm mắt lại đi. Nam: Đây, anh nhắm mắt đây. Hương: Cấm được ti hí đấy nhé! Nam: Được rồi, anh không ti hí đâu mà. Hương cười nhẹ, quan sát Nam rồi đi ra cửa lấy hộp quà. Hương: Nào, anh mở mắt ra đi. Nam: Hộp quà này cho anh à? Hương: Tất nhiên rồi! Nam: Nhưng đã đến sinh nhật anh đâu? Cũng chẳng phải dịp sinh nhật gì. Hay là em lại bắt chước anh ngày xưa để bên trong toàn cầu gai đúng không? Hương: Người ta không thù dai thế đâu. Với lại cần gì cứ phải dịp nọ dịp kia mới được tặng quà. Nào, anh mở ra đi. Nam vui vẻ mở hộp quà. Cậu ồ lên khi thấy mô hình chiếc tàu Cảnh sát biển được tận dụng làm bằng những vỏ bìa, vỏ lon và được sơn màu. Lá cờ đỏ sao vàng nhỏ nơi nóc tầu thật là đẹp! Hương: Sao anh không nói gì? Nhiều ngày kì công của em đấy. Nam: Anh rất thích. Cảm ơn em nhé! Hương: Đã bảo là không được cảm ơn cơ mà. Người đâu khách sáo phát ghét. Nam: Vậy thì anh sẽ cảm ơn bằng hành động vậy. Nam kéo nhẹ Hương lại và thơm chụt lên má cô. Hương: Ơ hay, mẹ anh thấy bây giờ. Hương ngồi cách Nam một đoạn vì ngượng. Nam cầm con tầu nhỏ Hương tặng lên ngắm nghía. Con tàu mơ ước hồi nhỏ của Nam đây rồi. Nhưng con tàu này còn đẹp hơn thế vì nó chứa đựng cả tình yêu, niềm hy vọng và cả lời nhắn nhủ của Hương dành cho Nam. Khi lên đơn vị, Nam chắc chắn sẽ mang theo con tàu nhỏ này, để mỗi khi nhìn thấy Nam đều nhớ đến Hương, nhớ đến mục tiêu mà Nam muốn đạt được trong tương lai. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Hành trình trên biển

Tàu đánh cá của anh Sóng, anh Biển lại ra khơi mang theo bao niềm hy vọng khi trở về sẽ đầy khoang. Hơn thế nữa còn phải là một chuyến đi an toàn, thuận lợi. Thời tiết hôm nay thật đẹp, có gió nhẹ. Con thuyền rẽ sóng ra khơi. Nam nhớ trước đây khi bố còn sống, Nam vẫn thường theo bố và các anh rong ruổi trên biển. Đêm đến ngồi câu mực, thật là những kỉ niệm quý giá. Hôm nay Nam lại được đi cùng các anh nhưng cảm giác này nó lạ lắm. Hình như bố vẫn dõi theo bảo vệ cho Nam và các bác, các anh. Từ xa là một chiếc tàu của Cảnh sát biển đang tuần tra trên biển. Chiếc tàu to lừng lững rẽ sóng. Nam thấy khoan khoái vô cùng, sau này biết đâu được Nam cũng sẽ được ở trên đó làm nhiệm vụ. Đi cùng chuyến ra khơi lần này còn có tàu nhà anh Vạn, bạn của anh Sóng, anh Biển. Đó là con tàu có trọng tải lớn hơn tàu nhà anh Biển một chút. Sóng: Tàu cảnh sát biển đang áp sát tàu nhà Vạn kìa. Biển: Đúng rồi! Chắc kiểm tra gì đó. Sóng: Nhưng tàu đang chạy bình thường sao lại dừng lại kiểm tra. Nam: Anh cứ hình dung như khi chúng ta lưu thông trên đường bộ ấy, nếu lực lượng 141 yêu cầu dừng lại kiểm tra thì chúng ta cũng phải dừng lại. Anh Sóng lại quay sang Nam hỏi. Sóng: Chú Nam biết tàu Cảnh sát biển được kiểm tra, kiểm soát những đối tượng nào không? Nam: Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Cảnh Sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm phát luật trên biển”. Biển: Nghĩa là Cảnh sát biển được kiểm tra, kiểm soát tất tuốt tuồn tuột à? Oai thế! Nam: Do yêu cầu của nhiệm vụ thôi anh. Biển: Anh đi biển nhiều năm nhưng gần như chưa khi nào bị kiểm tra. Nam: Thường thì phải có dấu hiệu vi phạm. Khi thấy có dấu hiệu khả nghi, bên Cảnh sát biển sẽ yêu cầu dừng tàu để kiểm tra. Sóng: Như lúc nãy chú nói, sẽ kiểm soát người, hành lý với gì ấy nhỉ? Nam chưa kịp nói thì anh Biển đã nói chen vào. Biển: Cả tàu thuyền hàng hóa nữa, gì mà anh nhanh quên vậy. Sóng: Các điều luật nhớ làm sao được. Anh Sóng nhìn Nam cười cười. Sóng: Chắc chú phải nhắc lại cho anh. Kiểm tra, kiểm soát để bắt tội phạm, chú nhỉ? Nam: Kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm phát luật trên biển anh à. Biển: Thế có nghĩa là kiểm tra xong nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm thì sẽ được lưu thông bình thường. Nam: Đúng rồi anh. Như tàu của nhà anh Vạn cũng mới chỉ yêu cầu dừng lại để kiểm tra, chứ không phải chắc chắn là đã vi phạm. Sóng: Đấy, chú vừa nói xong thì bên Cảnh sát biển cũng rời tàu nhà Vạn rồi kìa. Đúng chỉ là kiểm tra thôi. Nam hướng mắt nhìn. Tàu của Cảnh sát biển đang đi xa dần tàu của anh Vạn. Phía này, anh Biển cho tàu tiếp cận tàu anh Vạn. Anh Sóng hỏi lớn: Thế nào, vẫn ổn chứ? Vạn: Quá ổn, kiểm tra bình thường tôi. Tôi cũng như các ông sống và làm việc theo pháp luật. Biển: Thế thì tốt! Thôi, hẹn tối mai qua nhà tôi nhậu nhé! Vạn: Đổi địa điểm qua nhà tôi đi. Cả Nam cũng nhớ sang nhé! Lâu không gặp chú mạnh khoẻ rắn rỏi và cao hẳn lên. Nam: Vâng, nhất định em sẽ qua ạ. Mọi người tạm biệt nhau. Tàu cá của ba anh em lại tiếp tục ra khơi. Lúc dừng tàu ngồi câu mực, anh Sóng kể. Sóng: Hôm trước, tàu nhà ông Cần bị yêu cầu kiểm tra và bên Cảnh sát biển phát hiện ra có dầu lậu đấy. Nam: Bác Cần là người rất thận trọng mà, sao lại làm việc đấy. Biển: Là thằng Thiết con trai với mấy đàn em phối hợp với nhau. Ông Cần không hề biết gì cả. Thấy Cảnh sát biển phát hiện trong khoang có dầu lậu, ông ấy rất bất ngờ. Sóng: Nghĩ tội ghê, bố sống cẩn thận chuẩn chỉ bao nhiêu thì thằng Thiết lại liều lĩnh bấy nhiêu. Hai năm trước nó đã từng bị phạt đánh bắt cá sai phép rồi. Biển: Cái thằng trẻ tuổi, ngựa non háu đá, mãi không chừa. Tự nhiên không gian im ắng khi câu chuyện nhắc đến anh Thiết. Hành trình trên biển thật khó để nói trước được điều gì, mỗi chuyến ra khơi đều là một phát hiện mới, một thú vị mới. Đi với các anh Nam không chỉ được ôn lại những ngày tháng ra khơi trước kia mà chứng kiến công việc của các tàu Cảnh sát biển, Nam càng vững tin hơn vào lựa chọn của mình. Cảnh sát biển Việt Nam

Trang