Văn hóa - Thể thao

Câu chuyện pháp luật: Mơ ước tương lai

Thế là cũng đến ngày Nam phải tạm biệt mẹ, tạm biệt Hương, tạm biệt các bác, các anh và đặc biệt là làng chài thân yêu để lên đơn vị, tiếp tục làm lính nghĩa vụ. Chiều hôm qua đã có bữa cơm chia tay rồi và Nam cũng nói với mọi người Nam muốn tự đi, không muốn ai phải đưa tiễn như hồi lần đầu Nam đi nhập ngũ tân binh. Buổi sớm, nước biển rút tít ở xa để lại khoảng cát mênh mông vô tận. Nam đeo ba lô bước đi trên con đường nhiều cát sỏi. Tạm thời phải rời xa nơi này khiến Nam có chút bồi hồi không nỡ. Đám trẻ làng chài đang chơi trò xây lâu đài bằng cát và vỏ ốc. Những đứa bé thân hình nhỏ nhắn, đen nhẻm nhưng khoẻ mạnh. Nam đứng nhìn chúng và chợt khẽ cười rồi mạnh mẽ bước đi. Thoắt cái Nam đã ở đơn vị Cảnh sát biển nơi cậu và rất nhiều anh em trạc tuổi đang làm lính nghĩa vụ. Phòng Nam có 6 người, mỗi người một quê khác nhau. Anh em rất chan hòa, vui vẻ. Có thể kể đến Tân hài hước, Quân biết tuốt, Minh kute, Khang hay lang thang và Dũng lúa. Nam thân nhất với Dũng. Đó là một chàng trai quê lúa Thái Bình, chân chất giản dị và luôn dậy sớm nhất phòng. Sáng sớm tinh mơ, Nam và Dũng chạy thể dục thể thao trong sân. Vừa chạy, Dũng vừa hỏi. Dũng: Ông có biết chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không? Bố tôi điện lên hỏi mà tôi có biết gì đâu để trả lời. Nam: Đợt về quê mọi người cũng hỏi đủ thứ nên lên đây tôi cũng có tìm hiểu, và biết sơ sơ. Dũng: Vậy nói cho tôi biết với. Nam: Theo điều 34 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, quân hàm, nâng lương, hạ bậc lương, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ phục vụ, thôi phục vụ, chế độ chính sách, quyền lợi và các quy định khác đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Dũng: Quy định kĩ nhỉ, nào là bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng quân hàm… Tôi nghe một lúc mà rối luôn rồi. Vậy còn có quy định gì nữa không ông? Nam: Cũng theo điều luật thì: “Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”. Dũng: Vậy là khi làm nhiệm vụ, chúng ta sẽ được hưởng những chính sách chế độ phù hợp đúng không? Nam: Đương nhiên. Dũng: Quá tốt rồi! Để lúc nào rảnh tôi gọi lại nói cho bố tôi biết cho ông yên tâm. Nam: Bố mẹ nào cũng thế luôn lo lắng cho con cái. Dũng: Ừ. Ông biết ước mơ trong tương lai của tôi là gì không? Nam: Được làm việc trong quân đội đúng không? Dũng: Gần đúng, là chúng ta sẽ là những đồng nghiệp và có thể sẽ được lên tàu tuần tra làm nhiệm vụ. Nam: Để thực hiện được ước mơ thì phải nỗ lực nhiều lắm. Dũng: Nhưng có ai đánh thuế ước mơ đâu. Dũng lấy một cái que và vẽ lên nền cát hình ảnh con tàu Cảnh sát biển. Dũng: Ông biết không, tôi đã không ít lần mơ thấy mình mặc quân phục, đội mũ và đứng trên tàu lướt ra biển tuần tra, cảm giác vô cùng thích thú. Nam: Còn tôi chỉ mới tưởng tượng, chứ chưa lần nào mơ thấy mới đau chứ. Dũng: Tôi với ông cùng quyết tâm nhé! Dũng đưa tay ra chờ đợi. Nam vui vẻ nắm lấy. Cả hai nắm tay nhau thật chặt thể hiện sự quyết tâm. Nam nhìn thấy trong mắt Dũng là sự rực lửa quyết tâm và cùng chí hướng. Cả hai tiếp tục vừa chạy vừa hô thật vui vẻ. Tự nhiên trong lòng Nam thấy háo hức và vui vô cùng. Còn gì vui hơn nếu sau này Nam với Dũng sẽ là những đồng đội, đồng chí mang trên mình quân phục của Cảnh sát biển. Cuộc sống luôn phải có ước mơ và nỗ lực để biến ước mơ thành hiện thực, hành trình đó có thể sẽ nhiều gian nan, nhiều chông gai thử thách nhưng Nam có một niềm tin mãnh liệt là sẽ thành hiện thực ở một tương lai không xa. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Chuyện vui ngày biển động

Đài khí tượng thủy văn thông báo thời tiết có mưa lớn, biển động mạnh, các phương tiện về nơi tránh trú, vì thế các tàu đều neo đậu ngoài bãi. Đây coi như là thời gian nghỉ của anh Sóng, anh Biển và rất nhiều ngư dân khác. Mới sáng sớm anh Sóng đã gọi Nam sang nhà tụ tập với các anh. Cuộc vui lần này có cả anh Vạn, anh Vũ bạn của anh Sóng. Đồ nhậu là một con song hoa làm gỏi, ít tôm nướng mọi và rượu do anh Sóng ngâm đã lâu năm. Sóng: Mai mốt chú Nam đi rồi chả có dịp anh em quây quần nên hôm nay phải tới bến với các anh có biết chưa? Vạn: Em nó còn trẻ, uống được bao nhiêu thì uống, rượu bất khả ép, chú Nam nhỉ? Anh Vạn vừa nói vừa vỗ vai Nam. Ngồi với các anh thì cười không khép nổi miệng, nào đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Vũ: À, chú Nam có biết tàu thuyền sẽ bị cảnh sát biển truy đuổi khi nào không? Sóng: Ơ cái ông này đang nói chuyện cá mú lại nhảy sang chuyện truy đuổi là thế nào? Vũ: Ông cứ ngồi yên để tôi hỏi chú Nam. Nam: Ý anh muốn hỏi Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trong các trường hợp nào đúng không? Vũ: Đúng đúng. Chú giải đáp giúp anh. Nam: Việc này, em cần trợ giúp chuyên môn. Các anh chờ em một chút nhé! Nam lấy điện thoại rồi ra ngoài. Các anh vừa uống, vừa ngồi chờ đợi. Vũ có vẻ hơi sốt ruột. Vũ: Dở rồi, tự dưng làm khó chú em của ông. Vừa lúc, Nam đi vào ngồi xuống chiếu. Nam: Em hỏi được rồi. Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất là “Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia”; Vũ: À ra thế. Vậy tiếp theo là gì? Nam: Thứ hai là “Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này”; Vũ: Đấy, thấy tín hiệu yêu cầu dừng tàu mà vẫn cố tình đi là bị truy đuổi ngay. Các ông ghi nhớ để không phạm phải nhé! Sóng: Lại còn phải dặn. Tôi đây lúc nào cũng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Vạn: Nói đến mới nhớ trước đây tàu tôi cũng từng bị truy đuổi rồi. Cũng chỉ vì bên Cảnh sát biển ra hiệu lệnh dừng tàu để kiểm tra nhưng thằng Long lái tàu không để ý nên cứ cho tàu chạy. Thế mới dở. Nam: Vì thế các anh phải lưu ý. Vũ: Chú phổ biến chi tiết thế là bọn anh biết rồi. Thế còn truy đuổi trong những trường hợp nào nữa chú? Nam: Cảnh sát biển còn được quyền truy đuổi khi “Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi”; Vũ: Ý là các bên phối hợp với nhau để truy đuổi tàu thuyền hoạt động trái phép đúng không? Công nhận, chú không nói thì các anh cũng chịu luôn. Sóng: Trước khi chú Nam nói tiếp thì anh em làm một chén cho tưng bừng cái nhỉ? Bốn anh em vui vẻ cạch chén và dùng đồ ăn. Vũ: Còn gì nữa không chú Nam. Nam: Dạ, ngoài ra là các “Trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Sóng: Cái này rộng phết. Nam: Để em tìm hiểu thêm rồi sẽ chia sẻ với các anh sau. Vũ: Chú nói như thế là quá được rồi. Nói thật, nghe nhiều quá là anh loạn trí nhớ luôn. Sóng: Ông này chỉ nhớ nộp thuế cho vợ là giỏi. Vũ: Ơ hay không nhớ để vợ nó lại soi cho à. Mà tôi nộp thuế cho vợ tôi chứ cho hàng xóm đâu mà sợ. Mấy anh em cười khanh khách. Vạn: Nào, chúc sức khỏe tất cả mấy anh em. Đặc biệt chúc chú Nam mọi điều tốt lành, cầu được ước thấy nhé! Nam: Dạ, em cảm ơn anh! Em cũng chúc các anh luôn mạnh khỏe và mọi việc thuận lợi! Câu chuyện xung quanh bàn nhậu cứ thế tiếp diễn không ngừng. Nào là chuyện hồi nhỏ, chuyện đi biển, chuyện vợ chồng. Nam trân trọng những giây phút này, Nam được vui vẻ nói chuyện với những người anh Nam vô cùng yêu mến và cậu được là chính mình. Cuộc sống đôi khi chỉ cần những giây phút sống chậm lại bên những người mình trân quý, đó đã là hạnh phúc. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Con tàu mơ ước

Hồi nhỏ Nam có ước mơ là làm thuyền trưởng. Vì thế, cậu rất hay được đi trên con tàu rất lớn, được lướt sóng ra khơi. Thấm thoát giờ Nam cũng đã 19, 20 tuổi. Nhưng ước mơ ấy giờ đây hiện thực hơn đó là làm việc trong đơn vị Cảnh sát biển. Cậu cũng sẽ có cơ hội được lên tàu ra khơi làm nhiệm vụ. Nam còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì Hương đã đến từ khi nào. Hương: Anh nghĩ đến ai mà cười tủm tỉm thế? Nghi lắm nhé! Nam: Còn ai trồng khoai đất này nữa. Mà người gì đâu hẹn 9h qua mà bây giờ 8h55 phút đã qua rồi. Hương: Á à, dám trêu em này, trêu em này! Hương nói rồi vờ cấu chí Nam. Nam: Thôi, anh chịu thua rồi, ai dám động đến cô bí thư chi đoàn chứ. Hương: À, em có quà cho anh đấy! Nam: Vừa trêu mà lại còn được quà. Mà quà gì đấy? Bật mí cho anh được không? Hương: Nhưng trước tiên anh phải giải đáp cho em một câu hỏi đã. Nam: Anh đang sẵn sàng nghe đây. Hương: Cảnh sát biển được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong trường hợp nào vậy anh? Nam: Câu này đúng tủ của anh rồi. Hương: Vậy còn không mau giải đáp đi. Nam: Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định có 5 trường hợp dừng tàu thuyền như sau. Thứ nhất là “Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật”; Hương: Nghĩa là khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật thì Cảnh sát biển được quyền yêu cầu dừng tàu để kiểm tra, kiểm soát. Nam: Chuẩn không có chỗ nào để chỉnh luôn. Hương: Còn trường hợp thứ hai là gì anh? Nam: Là: “Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật”; Hương: Trường hợp này thì quá rõ ràng rồi. Còn trường hợp thứ ba thì sao anh? Nam: Em thử suy đoán một chút xem sao. Hương lắng lại, nghiền ngẫm suy luận. Hương: Trường hợp thứ nhất mang tính trực tiếp, thứ hai thông qua phương tiện kĩ thuật, vậy thì trường hợp thứ ba có thể là thông qua việc tố giác tội phạm chẳng hạn. Nam: Rất chính xác. Trường hợp thứ ba chính là “Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật” thì Cảnh sát biển được quyền yêu cầu dừng tàu. Hương: Anh nói luôn trường hợp thứ tư đi, chắc là em chịu thua không suy đoán được đâu. Nam: Đó là: “Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật”; Hương: Nếu vậy thì chắc chắn được dừng tàu thuyền để thực hiện nhiệm vụ rồi. Nam: Còn trường hợp thứ năm, em thử đoán xem. Hương: Em chịu thôi! Nam: Anh gợi ý nhé! Em nghĩ xem, có những người vi phạm trốn xong sau đó họ bình tĩnh nghĩ lại ấy. Hương: À, người vi phạm ra đầu thú, khai báo về hành vi của mình. Nam: Gần đúng rồi. Trường hợp thứ năm đó là: “Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật”. Hương: Vậy tóm lại là có năm trường hợp Cảnh sát biển có thể được dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đang di chuyển trên biển. Nam: Anh đã giải đáp thắc mắc của em rồi. Vậy còn quà của anh đâu? Hương: Người đâu trẻ con ghê, xong việc là đòi quà ngay. Nam: Quà đâu, quà đâu. Hồi hộp chết đi được. Hương: Được rồi! Vậy anh nhắm mắt lại đi. Nam: Đây, anh nhắm mắt đây. Hương: Cấm được ti hí đấy nhé! Nam: Được rồi, anh không ti hí đâu mà. Hương cười nhẹ, quan sát Nam rồi đi ra cửa lấy hộp quà. Hương: Nào, anh mở mắt ra đi. Nam: Hộp quà này cho anh à? Hương: Tất nhiên rồi! Nam: Nhưng đã đến sinh nhật anh đâu? Cũng chẳng phải dịp sinh nhật gì. Hay là em lại bắt chước anh ngày xưa để bên trong toàn cầu gai đúng không? Hương: Người ta không thù dai thế đâu. Với lại cần gì cứ phải dịp nọ dịp kia mới được tặng quà. Nào, anh mở ra đi. Nam vui vẻ mở hộp quà. Cậu ồ lên khi thấy mô hình chiếc tàu Cảnh sát biển được tận dụng làm bằng những vỏ bìa, vỏ lon và được sơn màu. Lá cờ đỏ sao vàng nhỏ nơi nóc tầu thật là đẹp! Hương: Sao anh không nói gì? Nhiều ngày kì công của em đấy. Nam: Anh rất thích. Cảm ơn em nhé! Hương: Đã bảo là không được cảm ơn cơ mà. Người đâu khách sáo phát ghét. Nam: Vậy thì anh sẽ cảm ơn bằng hành động vậy. Nam kéo nhẹ Hương lại và thơm chụt lên má cô. Hương: Ơ hay, mẹ anh thấy bây giờ. Hương ngồi cách Nam một đoạn vì ngượng. Nam cầm con tầu nhỏ Hương tặng lên ngắm nghía. Con tàu mơ ước hồi nhỏ của Nam đây rồi. Nhưng con tàu này còn đẹp hơn thế vì nó chứa đựng cả tình yêu, niềm hy vọng và cả lời nhắn nhủ của Hương dành cho Nam. Khi lên đơn vị, Nam chắc chắn sẽ mang theo con tàu nhỏ này, để mỗi khi nhìn thấy Nam đều nhớ đến Hương, nhớ đến mục tiêu mà Nam muốn đạt được trong tương lai. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Hành trình trên biển

Tàu đánh cá của anh Sóng, anh Biển lại ra khơi mang theo bao niềm hy vọng khi trở về sẽ đầy khoang. Hơn thế nữa còn phải là một chuyến đi an toàn, thuận lợi. Thời tiết hôm nay thật đẹp, có gió nhẹ. Con thuyền rẽ sóng ra khơi. Nam nhớ trước đây khi bố còn sống, Nam vẫn thường theo bố và các anh rong ruổi trên biển. Đêm đến ngồi câu mực, thật là những kỉ niệm quý giá. Hôm nay Nam lại được đi cùng các anh nhưng cảm giác này nó lạ lắm. Hình như bố vẫn dõi theo bảo vệ cho Nam và các bác, các anh. Từ xa là một chiếc tàu của Cảnh sát biển đang tuần tra trên biển. Chiếc tàu to lừng lững rẽ sóng. Nam thấy khoan khoái vô cùng, sau này biết đâu được Nam cũng sẽ được ở trên đó làm nhiệm vụ. Đi cùng chuyến ra khơi lần này còn có tàu nhà anh Vạn, bạn của anh Sóng, anh Biển. Đó là con tàu có trọng tải lớn hơn tàu nhà anh Biển một chút. Sóng: Tàu cảnh sát biển đang áp sát tàu nhà Vạn kìa. Biển: Đúng rồi! Chắc kiểm tra gì đó. Sóng: Nhưng tàu đang chạy bình thường sao lại dừng lại kiểm tra. Nam: Anh cứ hình dung như khi chúng ta lưu thông trên đường bộ ấy, nếu lực lượng 141 yêu cầu dừng lại kiểm tra thì chúng ta cũng phải dừng lại. Anh Sóng lại quay sang Nam hỏi. Sóng: Chú Nam biết tàu Cảnh sát biển được kiểm tra, kiểm soát những đối tượng nào không? Nam: Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Cảnh Sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm phát luật trên biển”. Biển: Nghĩa là Cảnh sát biển được kiểm tra, kiểm soát tất tuốt tuồn tuột à? Oai thế! Nam: Do yêu cầu của nhiệm vụ thôi anh. Biển: Anh đi biển nhiều năm nhưng gần như chưa khi nào bị kiểm tra. Nam: Thường thì phải có dấu hiệu vi phạm. Khi thấy có dấu hiệu khả nghi, bên Cảnh sát biển sẽ yêu cầu dừng tàu để kiểm tra. Sóng: Như lúc nãy chú nói, sẽ kiểm soát người, hành lý với gì ấy nhỉ? Nam chưa kịp nói thì anh Biển đã nói chen vào. Biển: Cả tàu thuyền hàng hóa nữa, gì mà anh nhanh quên vậy. Sóng: Các điều luật nhớ làm sao được. Anh Sóng nhìn Nam cười cười. Sóng: Chắc chú phải nhắc lại cho anh. Kiểm tra, kiểm soát để bắt tội phạm, chú nhỉ? Nam: Kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm phát luật trên biển anh à. Biển: Thế có nghĩa là kiểm tra xong nếu không phát hiện dấu hiệu vi phạm thì sẽ được lưu thông bình thường. Nam: Đúng rồi anh. Như tàu của nhà anh Vạn cũng mới chỉ yêu cầu dừng lại để kiểm tra, chứ không phải chắc chắn là đã vi phạm. Sóng: Đấy, chú vừa nói xong thì bên Cảnh sát biển cũng rời tàu nhà Vạn rồi kìa. Đúng chỉ là kiểm tra thôi. Nam hướng mắt nhìn. Tàu của Cảnh sát biển đang đi xa dần tàu của anh Vạn. Phía này, anh Biển cho tàu tiếp cận tàu anh Vạn. Anh Sóng hỏi lớn: Thế nào, vẫn ổn chứ? Vạn: Quá ổn, kiểm tra bình thường tôi. Tôi cũng như các ông sống và làm việc theo pháp luật. Biển: Thế thì tốt! Thôi, hẹn tối mai qua nhà tôi nhậu nhé! Vạn: Đổi địa điểm qua nhà tôi đi. Cả Nam cũng nhớ sang nhé! Lâu không gặp chú mạnh khoẻ rắn rỏi và cao hẳn lên. Nam: Vâng, nhất định em sẽ qua ạ. Mọi người tạm biệt nhau. Tàu cá của ba anh em lại tiếp tục ra khơi. Lúc dừng tàu ngồi câu mực, anh Sóng kể. Sóng: Hôm trước, tàu nhà ông Cần bị yêu cầu kiểm tra và bên Cảnh sát biển phát hiện ra có dầu lậu đấy. Nam: Bác Cần là người rất thận trọng mà, sao lại làm việc đấy. Biển: Là thằng Thiết con trai với mấy đàn em phối hợp với nhau. Ông Cần không hề biết gì cả. Thấy Cảnh sát biển phát hiện trong khoang có dầu lậu, ông ấy rất bất ngờ. Sóng: Nghĩ tội ghê, bố sống cẩn thận chuẩn chỉ bao nhiêu thì thằng Thiết lại liều lĩnh bấy nhiêu. Hai năm trước nó đã từng bị phạt đánh bắt cá sai phép rồi. Biển: Cái thằng trẻ tuổi, ngựa non háu đá, mãi không chừa. Tự nhiên không gian im ắng khi câu chuyện nhắc đến anh Thiết. Hành trình trên biển thật khó để nói trước được điều gì, mỗi chuyến ra khơi đều là một phát hiện mới, một thú vị mới. Đi với các anh Nam không chỉ được ôn lại những ngày tháng ra khơi trước kia mà chứng kiến công việc của các tàu Cảnh sát biển, Nam càng vững tin hơn vào lựa chọn của mình. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Anh em một nhà

Nam phóng xe máy đi giao lưới cho mẹ. Trên đường trở về thì nghe tiếng gọi văng vẳng từ xa. Thì ra là bác Ruân. Nam: Bác đi đâu mà ra tận đây ạ? Ông Ruân: Thì đi tìm mày chứ tìm ai nữa. Nam: Sao bác không gọi điện cho cháu. Ông Ruân: Ông thử xem lại điện thoại xem, thanh niên gì mà người di động, điện thoại cố định. Nam sờ túi quần rồi cười trừ. Nam: Cháu để quên ở nhà, thảo nào bác không gọi được. Mà bác tìm cháu có chuyện gì gấp à? Ông Ruân: Gấp, hai thằng anh mày đang tranh luận, cãi nhau sắp cháy nhà đến nơi rồi kìa. Nam: Chuyện sao vậy bác? Ông Ruân: Đi về, rồi trên đường bác kể. Nam chở bác Ruân về nhà. Đến cổng đã thấy anh Sóng với anh Biển đang ngồi ở sập tre tranh luận khá gay gắt. Sóng: Mày đã không biết thì be bé cái mồm đi. Chịu thua đi. Biển: Anh đừng tưởng anh lớn thì đã hiểu biết nhiều hơn em. Anh mới là người phải chịu thua ấy. Sóng: Có mày thì có. Ông Ruân: Không phải cãi nhau nữa. Tao mang người phân xử về đây rồi. Ông Ruân cùng Nam đi vào. Thấy Nam, anh Sóng khẩn khoản. Sóng: Nam, chú phải phân xử giúp anh vụ này. Anh Biển kéo Nam ấn ngồi xuống ghế ngay cạnh mình rồi cũng giục giã. Biển: Chú ngồi xuống đây, nói thật to cho một số người nghe rõ. Nam cười cười ngồi xuống. Nam: Lúc nãy bác Ruân đã nói qua với em rồi. Hai anh đang cãi nhau về việc Cảnh sát biển Việt Nam có được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam hay không, đúng không nào? Biển: Đúng. Anh nói là Cảnh sát biển được hoạt động ở vùng biển nước ngoài. Còn ông Sóng khăng khăng nói chỉ được hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà thôi. Sóng: Chú nói đi, anh đúng hay thằng Sóng đúng. Nam: Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam”. Anh Biển khoái chí, vỗ đùi đen đét. Biển: Đấy thấy chưa, anh biết là anh đúng mà. Anh Sóng thấy thế liền phản biện ngay lập tức. Sóng: Không thể như thế được, nếu vậy là xâm phạm hải phận của nước khác à. Nam: Đúng là nếu hoạt động trái pháp luật thì là xâm phạm. Vì thế trong luật cũng quy định rằng: “ Khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam. Sóng: Đấy, nghĩa là cũng phải có điều kiện quy định rõ ràng, không phải cứ thích là phi ra đó mà hoạt động như kiểu thằng Biển nói. Ông Ruân: Cảnh sát biển phải hoạt động theo quy định, thích làm gì thì làm nghe đã vô lý đùng đùng rồi. Biển: Thì ít ra con cũng nói đúng một vế. Còn anh Sóng phủ nhận là không đúng rồi. Sóng: Có mày không đúng thì có, đúng một nửa thì cũng không đúng. Như một nửa sự thật thì cũng chả phải là sự thật. Thấy hai thằng con trai gay gắt tranh luận, bác Ruân nhăn nhó, lắc đầu, xua tay chịu thua. Ông Ruân: Thôi thôi, tao đau đầu với chúng mày quá! Có mỗi chuyện đấy mà cũng cãi nhau. Nam: Cháu thấy cãi nhau cũng có cái hay, mới ra được vấn đề mà. Ông Ruân: Lúc nãy hai ông anh mày hổ báo cáo chồn làm bác mày tưởng nguy đến nơi rồi cơ. Nam: Giờ thì lại êm xuôi rồi đúng không hai anh? Sóng: Không êm mà lại yên được với ông già à. Ông Ruân: Cái thằng này, ai cho mày bảo tao là ông già. Bố của mày nhìn thì già chứ nhiều bộ phận vẫn là thanh niên đấy nhé! Biển: Bố thì ghê rồi! Thế giờ con đi nướng con mực, mấy bố con bác cháu lai rai xem ai đích thực là thanh niên nhé! Ông Ruân: Chơi luôn, toàn đồ nhà, sợ gì mà không uống. Cả bốn người ngồi với nhau nhậu khô mực với ít rượu hoa quả mà bác gái ngâm, trò chuyện rôm rả vui vẻ. Anh Biển với anh Sóng là thế, luôn song hành nhưng khi không cũng cãi nhau nảy lửa. Nhưng là anh em thì chín bỏ làm mười, chẳng bao giờ để bụng. Nam rất vui khi hai anh lại làm hòa ngay được, cười nói rất vui vẻ như chưa hề có tranh luận. Lúc nãy tưởng cháy nhà đến nơi nhưng giờ đã bá vai bá cổ thân tình lắm. Anh em một nhà là phải như thế mới vui! Nam là con một, nhưng bác Ruân và các anh coi Nam như người thân, các anh coi Nam như em út trong nhà, chỉ bảo mọi điều, không biết thì hỏi cho ra thì thôi chứ tuyệt nhiên không giấu. Vậy là thời gian Nam nghỉ phép cũng sắp hết. Nam sẽ nhớ những người anh em thân thương này lắm đây! Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Láng giềng gần gũi

Làng chài quê Nam vẫn vậy, đẹp thơ mộng và thanh bình. Nó quen thuộc đến nỗi nhắm mắt Nam cũng có thể đến được chỗ Nam muốn. Hôm nay, Nam đến nhà bác Ruân chơi. Vừa đến đầu cổng đã nghe tiếng tranh cãi vọng ra. Nam đi nhanh vào sân thì ra là anh Biển và anh Tâm hàng xóm. Hai anh trạc tuổi nhau, đều là dân đi biển. Nam vừa vào đến sân thì anh Tâm đã nhanh chân đến. Tâm: A, thằng Nam đây rồi, mày vào nói giúp anh về quyền hạn của Cảnh sát biển đi, không ông Biển đây cứ cãi cùn. Nghe mà tức anh ách. Biển: Có ông mới là đồ không biết gì đấy? Tâm: Ê, tôi hơi bị hiểu biết đấy nhé, có ông mới là đồ không biết gì mà cứ nói như loa ấy. Cả anh Tâm lẫn anh Biển đều không ai chịu ai. Nam đành đứng giữa làm hòa. Nam: Hai anh bình tĩnh, có chuyện gì ngồi xuống kia nói em nghe. Lời qua tiếng lại thế này còn gì là láng giềng gần gũi nữa. Biển: Ngồi thì ngồi, tôi sợ gì mà không ngồi. Ba anh em ngồi yên vị ở chiếu. Nam: Nào, giờ anh Biển nói em nghe trước, có chuyện gì mà liên quan đến quyền hạn của Cảnh sát biển để hai anh phải cãi nhau. Tâm: Thì anh nói Cảnh sát biển có quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà ông anh họ quý hóa của em cứ bảo không phải. Biển: Đương nhiên không phải rồi. Xử lý vi phạm hành chính phải là lực lượng khác. Nam: Về vấn đề này thì anh Tâm nói khá đúng đấy ạ. Tâm: Thấy chưa, tôi biết ngay mà. Anh Biển có vẻ không ưng, hỏi ngay lại Nam. Biển: Đúng là đúng thế nào. Chú có nhầm không? Nam: Em nhầm làm sao được. Vấn đề các anh nói đến nằm trong quyền hạn thứ 4 được quy định rõ trong Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, quy định quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam đó là Cảnh sát biển được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tâm: Đấy, quy định rõ ràng trong luật đàng hoàng, cãi thế nào được. Biển: Ông chắc nghe hơi nồi chõ chứ biết cái quái gì. Tâm: Ít ra thì tôi cũng biết hơn ông. Này, Nam tiện thể chú nói cho bọn anh nghe các quyền hạn của Cảnh sát biển xem nào. Nam: Dạ, em rất sẵn lòng. Cảnh sát biển Việt Nam có tất cả 10 quyền hạn. Biển: Tận 10 quyền hạn cơ à. Chú nói nhanh, anh háo hức quá rồi đây! Nam: Thứ nhất là : “Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Biển: Thảo nào ngày nào cũng gặp tàu cảnh sát biển tuần tra. Mà hôm trước kiểm tra tàu của nhà ông luôn chứ đâu. Tâm: Có kiểm tra, nhưng tàu tôi đầy đủ giấy phép hoạt động, chở hàng đúng quy định. Mắc gì đâu. Anh Tâm nói xong vời tay Nam. Tâm: Thế quyền hạn thứ 2 là gì vậy chú? Nam: Quyền hạn thứ 2 là Cảnh sát biển có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của luật Cảnh sát biển Việt Nam. Biển: Người của nhà nước có khác mới được phép sử dụng, chứ dân mình mà dùng lớ xớ là tội to. Tâm: Lại chả thế, nên làm gì thì làm, cấm kị là sử dụng trái phép vật liệu nổ để đánh bắt cá. Cá đâu chưa thấy lại vướng vào lao lý ấy chứ. Biển: Ông để yên cho Nam nó nói tiếp đi. Nam: Quyền hạn thứ 3 là Cảnh sát biển được quyền “sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Còn quyền hạn thứ 4 thì lúc nãy hai anh biết rồi. Tâm: Chú vào ngay cái quyền thứ 5 cho anh. Nam: Đó là được quyền “Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự”. Biển: Đấy, cũng điều tra hình sự chả kém bên công an. Tất nhiên là các vụ việc lên quan đến phạm vi hoạt động theo quy định thôi chứ nhỉ? Nam: Dạ vâng anh. Quyền hạn thứ 6 chính là “Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển”. Tâm: Đấy, hôm trước nhìn thấy tàu Cảnh sát biển truy đuổi một tàu chở lậu xăng dầu. Tàu nào làm ăn phi pháp là cứ xác định. Biển: À, hôm đó hình như bên Cảnh sát biển cũng huy động tàu nhà ông Ngư đấy. Tâm: Chính xác rồi chứ còn hình như gì nữa. Thế bên Cảnh sát biển có quyền đó hả chú? Nam: Dạ, nhóm quyền hạn thứ 7 và thứ 8 quy định, trong trường hợp khẩn cấp, Cảnh sát biển có quyền: “Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp” và “Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ”. Biển: Truy đuổi, huy động, rồi bắt giữ luôn chú Nam nhỉ? Nam: Vâng anh, thứ 9 và thứ 10 chính là được “bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật” và được áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại điều 12 của Luật Cảnh sát biển. Tâm: Quyền hạn thì nhiều thật đấy nhưng cũng đi liền với trách nhiệm. Làm nghề Cảnh sát biển xem ra còn gian nan hơn anh em chúng ta đi biển nhiều. Biển: Nghề chọn người, người chọn nghề, cái số của tôi với ông là đi biển. Còn chú Nam nhà tôi, sau này chắc chắn vào Cảnh sát biển rồi. Nam: Em cũng đang cố gắng phấn đấu. Mà hai anh còn cần hỏi gì không? Tâm: Tạm thời thế đã. Cứ biết là tôi nói đúng rồi đã. Biển: Ông đúng hôm nay chưa chắc ông đúng mãi. Nam, khi nào nhớ bổ túc thêm cho anh nhé! Đi biển biết luật, cũng tự tin hơn. Nam: Dạ, em cũng đang trong quá trình học hỏi, biết gì em sẽ cố gắng truyền đạt cho anh. Tâm: Thôi, hai anh em ngồi đi, tôi chạy về nhà không bà la sát ở nhà lại sắp réo rồi. Tâm nói rồi hớn hở chạy đi. Nam: Nãy em cứ tưởng hai anh xích mích lại mất vui. Biển: Anh với ông Tâm lúc nào chẳng thế, tranh luận, cãi nhau xong rồi thôi, vẫn cứ là bạn bè, hàng xóm thân thiện, thường xuyên giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Nam: Vâng anh, bán anh em xa mua láng giềng gần mà. Ngày mai, thuyền của anh Biển, anh Tâm lại vươn khơi. Nam cầu chúc cho các anh sẽ bội thu, trở về mang theo đầy khoang tôm cá, cũng chúc cho tình bạn bè hàng xóm láng giềng của các anh mãi mãi bền chặt. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Tình yêu trong trái tim

Nam với Hương đi bộ dọc bãi biển quê hương. Những dấu chân in hằn trên cát cứ thế dài vô tận như câu chuyện của cả hai vậy. Tuổi thơ bên nhau, hầu như ngày nào cũng thấy mặt. Có lẽ thời gian Nam đi nghĩa vụ là thời gian hai đứa ít thấy nhau nhất. Nam nhớ mẹ, nhớ nhà và cả nhớ Hương. Hương làm công tác đoàn nên giờ cũng bận rộn hơn trước. Hai đứa ngồi bên bờ cát trắng trò chuyện rất vui. Hương: Em đang có việc muốn nhờ anh đây. Nam: Việc gì anh cũng làm hết, chỉ cần em ra lệnh. Hương: Nghe to tát quá! Nhưng mà ưng cái bụng ghê ý! Bên đoàn thanh niên đang phát động cuộc thi viết về chủ đề “Biển đảo quê hương”. Đề tài khá rộng nên em muốn viết về lực lượng cảnh sát biển hoạt động trên biển quê hương. Nên em muốn anh giúp em nói về những nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Nam: Sẵn sàng thôi, đây là hiểu biết trong tầm tay của anh. Hương lấy điện thoại ra và bật ghi âm. Hương: Để em ghi âm lại cho chắc. Hương đưa điện thoại lại gần Nam. Nam: Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định 7 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Hương: Tận 7 nhóm nhiệm vụ hả anh? Nam: Đúng vậy. Thứ nhất, đó là: “Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển”. Hương vừa ghi âm vừa gật gù nghe Nam chia sẻ. Hương: Anh mà không nói chắc em chỉ nghĩ nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh quốc gia trên biển thôi ấy. Nam: Nhóm nhiệm vụ thứ hai chính là “Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển”. Hương: Công nhận, luật quy định chi tiết cụ thể thật. Nam: Nhóm nhiệm vụ thứ ba chính là: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển”. Hương (gật gù): Lại cả khắc phục sự cố môi trường biển nữa ạ? Thế nhóm nhiệm vụ thứ tư là gì anh? Nam: Đó là: “Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển”. Hương: Còn nhiệm vụ thứ 5 thì sao? Nam: Chính là thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hương: Đúng rồi, thi thoảng các chiến sĩ vẫn đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân chài làng mình. Vậy có nhiệm vụ nào liên quan đến sử dụng phương tiện tàu thuyền không anh? Nam: Có chứ, chính là nhóm nhiệm vụ thứ sáu: “Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Hương gật gù nghe từng lời của Nam. Nam ngừng lại một chút rồi hỏi người yêu. Nam: Đố em, nhóm nhiệm vụ cuối cùng sẽ liên quan đến vấn đề gì? Hương: Cho em nghĩ một chút đi. Nam ngồi chờ và ngắm nhìn điệu bộ suy tư rất dễ thương của Hương. Hương: Từ nãy đến giờ đều là nhiệm vụ của Cảnh sát biển ở trong lãnh thổ Việt Nam rồi, có lẽ nhóm nhiệm vụ thứ bảy sẽ liên quan đến nhiệm vụ quốc tế. Nam: Khá chính xác. Nhóm nhiệm vụ thứ bảy chính là: “Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển”. Hương: Xong. Nếu cần gì em sẽ “làm phiền” anh tiếp. Hương nói rồi tắt file ghi âm đi. Nam: Anh muốn em làm phiền cả đời cơ. Hương: Ai cho anh làm phiền cả đời chứ. Anh xê ra đi. Hương nói rồi hơi đẩy Nam ra. Nam cố tình không nghe thấy, ghé sát Hương, giọng có chút nũng nịu. Nam: Đừng đuổi anh mà, anh ngồi gần một chút, một chút thôi mà. Hương: Còn lâu nhé! Hương nói rồi đẩy Nam và chạy đi. Hương: Đố anh đuổi được em đấy. Nam: Nếu anh bắt được em thì sao? Phạt bằng một nụ hôn nhé! Hương: Để xem có bắt được không đã. Hương nói rồi chạy biến đi. Nam vừa cười vừa đuổi theo Hương. Cả hai vừa chạy vừa nô đùa với sóng biển thật là vui vẻ. Tiếng cười giòn tan của Hương cùng những cú tạt nước “thần sầu” khiến Nam ướt hết cả nhưng cậu vui lắm. Chỉ khi đã cùng nhau đi qua những năm tháng của tuổi thơ, và đến giờ cả hai vẫn gắn bó, mới thấy thực sự trân quý tình cảm đang có. Với Nam, Hương không chỉ là mối tình đầu trong trẻo và cũng là mối tình cuối mà cậu khắc cốt ghi tâm. Tình yêu ấy Nam luôn lưu giữ trong tim và trân trọng. Cảnh sát biển Việt Nam

Câu chuyện pháp luật: Kỷ luật thép

Dù được về phép nhưng Nam vẫn theo thói quen cũ khi ở đơn vị đó là dậy sớm tập thể dục. Hôm nay Nam chạy hai vòng quanh làng. Không khí buổi sáng thật trong lành, khoan khoái. Nam vừa về đến sân nhà thì đã thấy ông Ruân ngồi chờ được một lúc. Ông Ruân: A đây rồi, ngồi xuống đây bác hỏi chuyện. Nam: Bác tới khi nào, bác muốn hỏi cháu chuyện gì. Ông Ruân: Thì chuyện liên quan đến Cảnh sát biển chứ còn gì nữa? Nam: Nếu biết thì cháu sẵn lòng trả lời, còn không bác để cháu tìm hiểu rồi trả lời sau nhé! Ông Ruân: Tối qua, bác với mấy ông bạn ngồi lai rai, đố nhau về Cảnh sát biển. Bác cao hứng nói cái gì bác cũng biết vì có thằng cháu đang ở vùng Cảnh sát biển 2. Nhưng đến khi ông Hiển hỏi về các hành vi bị nghiêm cấm của Cảnh sát biển thì bác phải giả say để thoái thác. Mày biết thì bảo bác ngay và luôn. Nam: Về việc này để cháu tham khảo một anh làm ở phòng pháp luật ở đơn vị rồi cháu sẽ nói lại với bác. Ông Ruân: Ơ, bác tưởng mày cái gì cũng biết chứ? Nam: Cháu bác còn phải học hỏi nhiều, không giỏi như bác nghĩ đâu ạ. Ông Ruân: Thế tìm hiểu nhanh rồi chiều giải đáp cho bác nhé! Bác về nhà đã. Ông Ruân đi. Nam lấy điện thoại gọi ngay cho anh Dũng ở phòng pháp luật của Cảnh sát biển 2. Trước đây, khi Nam là lính nghĩa vụ đã gặp và quen được anh Dũng. Đó là một người anh điềm đạm, hiểu biết và đặc biệt rất tâm lý. Anh thấy được sự ham học hỏi của Nam nên cũng rất tạo điều kiện để Nam tìm hiểu rõ hơn về Luật Cảnh sát biển. Lần này cũng thế, cuộc nói chuyện qua điện thoại đã giúp Nam lĩnh hội được vấn đề mà Nam chưa rõ. Đầu giờ chiều, Nam sang nhà bác Ruân. Thấy Nam, bác vui lắm. Ông Ruân: Đây rồi, mày không sang là bác lại sang tìm đấy. Nam: Cháu đã hỏi được rồi. Khoản 4,5,6 điều 7 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định 3 nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển như sau. Ông Ruân: Từ từ, ngồi xuống đây rồi nói. Hai bác cháu ngồi xuống đầu hiên nhà. Ông Ruân nghe như nuốt từng lời. Nam: Thứ nhất, Luật Cảnh sát biển nghiêm cấm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật. Ông Ruân: Nghĩa là nếu thấy một trong các hành vi đó thì chứng tỏ là có sai phạm đúng không? Nam: Dạ vâng. Ngoài ra Luật cũng nghiêm cấm “hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân” của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam. Ông Ruân: Thế nữa cơ à? Đúng là Luật có khác, quy định cụ thể chi tiết, ai mà vi phạm là cứ xác định. Nam: Vâng. Vui một chút, bác thử nhắc lại cho cháu điều thứ nhất xem bác có nhớ không? Ông Ruân: Thằng này khá. Để bác chiêm nghiệm lại rồi nói tròn vành rõ chữ cho mày nghe. Nam cười khì khì rồi phục lăn khi ông Ruân nói rất chuẩn điều Nam đã nói với ông. Nam: Quá chuẩn, bác Ruân number one. Ông Ruân: Chuyện, trưởng họ là phải thế. Mà mày nói tiếp đi. Bác đang nghe đây. Nam: Thứ hai là nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển. Ông Ruân: Hành vi nhũng nhiễu này là gây bức xúc lắm này. Cán bộ, chiến sĩ là phải giúp đỡ, tương trợ, nhất quyết không được gây nhũng nhiễu khó khăn cho dân. Nam: Luật quy định như vậy rồi mà bác. Ông Ruân: Còn hành vi nào nữa không? Nam: Ngoài ra còn có “Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam”. Ông Ruân: Lại còn nhiều hành vi khác nữa cơ à? Quy định chi tiết thế thì ai vi phạm cũng sẽ không để lọt, bộ máy mới trong sạch được. Nam: Bác nói quá chuẩn! Ông Ruân: Tối nay phải bắt mấy ông bạn rửa tai để nghe mới được. Nam: Nhưng bác không được thêm mắm dặm muối đâu đấy nhé! Ông Ruân: Cái thằng chỉ được cái nói đúng, bác chỉ tính chém một tí thôi, chứ nhất định không rời xa luật đâu. Nam: Hay tối bác cho cháu tham gia cùng đi. Ông Ruân: Thanh niên trẻ ngồi với mấy ông già nhiều chuyện là đau đầu lắm đấy nhé! Nam: Mấy khi được đau đầu đâu bác. Ông Ruân: Thế thì tối qua nhà ông Đông, nhớ chưa. Nam: Cháu nhớ rồi, cháu xin phép về, hẹn bác tối nay ạ. Ông Ruân: Ừ, về đi. Nam vui vẻ ra về. Qua lời anh Dũng, và việc phổ biến cho bác Ruân, Nam đã khắc sâu hơn những hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển. Suy cho cùng, Luật đưa ra là để nhắc con người nhớ cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Còn với con người, nếu ai cũng sống có kỷ luật, có trách nhiệm thì sẽ không bao giờ làm sai luật. Và với Nam, kỷ luật thép đó là rèn luyện bản thân mỗi ngày. Mình hôm nay chắc chắn phải là một phiên bản tốt hơn mình của ngày hôm qua. Cảnh sát biển Việt Nam

Trao giải cuộc thi “Kayserburg Vietnam Youth Piano Competition & Festival 2022”

TĐKT - Sau 1 tuần tham gia thi đấu, tranh tài liên tục, sáng 1/9, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã diễn ra buổi Lễ công diễn và trao giải cuộc thi “Kayserburg Vietnam Youth Piano Competition & Festival 2022”. Cuộc thi Piano “Kayserburg Vietnam Youth Piano Competition & Festival 2022” được tổ chức thường niên bởi Viện Phát triển Giáo dục Việt Nam (VIED). Đây là cơ hội tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng tham dự vòng chung kết piano quốc tế lớn nhất dành cho các pianist trẻ thế giới mang tên “Kayserburg International Youth Piano Competition” dự kiến sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 11 năm 2023. Cuộc thi không chỉ tôn vinh thương hiệu piano huyền thoại Kayserburg được chế tác bởi 2 bậc thầy piano vĩ đại là Mr. Lothar Thomma và Mr. Stephan Mohler (người Đức, gốc Thụy Sĩ) mà còn xây dựng sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp, tạo động lực cho giới trẻ học tập bộ môn piano và hiện thực hóa vai trò của giáo dục nghệ thuật trong giáo dục toàn diện. Quán quân ở bảng Chuyên nghiệp thuộc về thí sinh Võ Minh Quang Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức đánh giá: Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 100 thí sinh học tập âm nhạc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. So với yêu cầu cuộc thi piano chuyên nghiệp quốc tế, các thí sinh tham dự cuộc thi lần này đã chọn và hoàn thành bài thi đúng với yêu cầu, quy định của Ban Tổ chức về thể loại âm nhạc cũng như thời lượng của từng tác phẩm. Ban Giám khảo thực hiện quy chế chấm thi độc lập, đúng với tinh thần cuộc thi piano chuyên nghiệp do Ban Tổ chức đề ra. Kết quả cuộc thi được đánh giá khách quan. Đúng với khả năng từng thí sinh trong thời điểm dự thi. Thí sinh khiếm thị Bùi Quang Khanh dành vị trí quán quân bảng Không chuyên Nhiều thành viên trong Ban Giám khảo là các giáo sư pianist nước ngoài rất xúc động và thể hiện sự ngạc nhiên về chất lượng và tài năng của thí sinh trong quá trình chấm thi lần này, đây cũng là một khó khăn không nhỏ với Ban Giám khảo khi đánh giá tài năng của các thí sinh. Tuy nhiên, với những tiêu chí cụ thể, tính logic và khoa học theo quy định của Ban Tổ chức, cuối cùng kết quả của từng thành viên Ban Giám khảo đã được thống nhất và người thắng cuộc ở các bảng đã xứng đáng được lựa chọn. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao sức lan tỏa của cuộc thi. Cuộc thi “Kayserburg Vietnam Youth Piano Competition & Festival 2022” đã tiên phong trong việc tổ chức một sân chơi về piano toàn quốc nhằm tìm kiếm các tài năng trẻ về âm nhạc. Ông chia sẻ “Theo tôi nghĩ, đây là một chiến lược đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cuộc thi chính là cánh cửa mở ra cho thế giới tâm hồn phong phú về mặt văn hóa, nghệ thuật đối với thế hệ trẻ. Chính điều đó cho tôi niềm tin rằng cuộc thi không chỉ là đối với piano mà với các môn biểu diễn khác cũng như với các loại hình nghệ thuật khác nữa thì chúng ta sẽ là những người thầy người cô, những người nâng đỡ những tài năng trẻ trong tương lai”. Chung cuộc, vị trí quán quân bảng Không chuyên đã thuộc về thí sinh khiếm thị Bùi Quang Khanh với giải thưởng là 01 chiếc Upright Piano – EU118S, thương hiệu Pearl River, trị giá 130 triệu đồng. Quán quân ở bảng Chuyên nghiệp thuộc về thí sinh Võ Minh Quang, với  giải thưởng là 1 chiếc Upright Piano – KHB1, thương hiệu Kayserburg trị giá 230 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao các giải nhất – nhì – ba và các giải triển vọng của từng bảng thi đấu, với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng./. Mai Thảo

Câu chuyện pháp luật: Chuyến về phép đáng nhớ

Làng chài Vạn Đảo hiện lên dưới ánh mặt trời rực rỡ. Hôm nay cũng là ngày Nam được về phép sau khi đã hoàn thành khóa huấn luyện Tân Binh và trở thành lính nghĩa vụ tại một đơn vị Vùng Cảnh sát biển. Nam vừa đến đầu làng thì lũ trẻ con đã chạy ra đón chào, vui vẻ. Đứa trẻ 1: Anh Nam về kìa chúng mày ơi! Đứa trẻ 2: Đi bộ đội có vui không anh? Ở đấy có nhiều súng lắm hả anh? Đám trẻ con cứ ríu rít bên Nam, có đứa đu cả vào cái balo quân trang mà Nam được phát trong lần đi nghĩa vụ. Lần này trở về sau một thời gian khá lâu, Nam thấy xúc động vô cùng. Kia rồi, mẹ Nam đang đứng ngóng con ở ngoài cổng. Mẹ dạo này có vẻ gầy hơn nhưng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Nam chạy đến bên mẹ, chào mẹ. Mẹ Nam: Để mẹ xem nào, con trai của mẹ đen đi nhiều nhưng mà rắn rỏi, khỏe mạnh lắm! Để mẹ đỡ balô cho nào! Nam: Mẹ cứ để con đeo ạ. Vai mẹ đã hết đau chưa? Mẹ Nam: Mẹ đỡ nhiều rồi, con về thăm nhà thế này mẹ càng thấy khỏe hơn. Vào nhà đi, mẹ pha sẵn nước chanh cho con đấy. Vào trong nhà, Nam đặt ba lô xuống ghế rồi đi ra bàn thờ thắp cho bố ba nén hương. Mẹ Nam mang cốc nước chanh mát lạnh đã pha sẵn ra cho con. Mẹ Nam: Hôm qua mẹ cũng thắp hương báo với bố là hôm nay con về. Bố phù hộ hay sao ấy mà nay trời đẹp. Mới sáng mà mẹ đã bán được ba bộ lưới đấy con. Nam: Thế hả mẹ. Để con đi chào các bác trong họ rồi chiều con đan lưới với mẹ. Lâu không đan, chả biết tay nghề của con có xuống không nữa. Mẹ Nam: Cứ nghỉ ngơi đi đã. Nam nhận cốc nước mát từ tay mẹ. Cậu uống với vẻ hào hứng. Vừa lúc đó, có tiếng sang sảng của ông Ruân – trưởng họ vọng đến. Ông Ruân: Thằng Nam về rồi đấy hả? Nam: Dạ, cháu chào bác. Cháu vừa về, cũng đang định qua nhà thăm bác đấy ạ. Ông Ruân đi đến nắn tay Nam rồi gật gù. Ông Ruân: Ây da, được quân đội rèn luyện có khác rắn rỏi, khỏe mạnh, chuột nổi cuồn cuộn chả kém gì anh Sóng, anh Biển ngày ngày kéo lưới đâu. Mẹ Nam: Mời bác ngồi chơi. Em xin phép đi làm mấy món lát nữa mời bác với bà con trong họ nhà ta ăn bữa cơm mừng cháu Nam rèn luyện trở về. Ông Ruân: Cô không cần khách sáo. Mà có cần người phụ giúp không để tôi a lô gọi chị cô sang làm cùng. Mẹ Nam: Dạ thôi ạ, lúc nãy cái Hương bạn thằng Nam đã qua phụ em sơ chế đồ ăn cả rồi. Nó có việc chạy lên trụ sở, lát nữa nó về đây bây giờ ấy. Mẹ Nam nói rồi vui vẻ đi. Còn lại hai bác cháu nói chuyện. Nam: Anh Biển với anh Sóng vẫn ra khơi đều chứ bác? Ông Ruân: Vẫn đi đều, cái nghề biển vất vả nhưng không thể bỏ được. Như bố mày ngày trước cũng bám biển vươn khơi, chỉ tiếc là vắn số quá. Nam: Cũng chính vì thế mà mẹ cháu nhất quyết không cho cháu đi biển nữa. Cháu giận mẹ nên mới đăng ký nghĩa vụ quân sự. Ông Ruân: Hiểu cho mẹ! Nhà con một, mày có làm sao mẹ mày biết dựa vào ai. Nhưng mà vì thế họ nhà này mới có một chiến sĩ thuộc biên chế Cảnh sát biển. Oai nhất họ đấy! Nam: Ôi bác ơi, cháu mới là lính nghĩa vụ thôi, chứ chưa thuộc biên chế Cảnh sát biển đâu ạ. Ông Ruân: Ơ thế à? Chết thật, bác vui quá lỡ miệng khoe mất rồi. Vậy cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam gồm những thành phần nào? Nam: Cháu cũng mới tìm hiểu gần đây thôi nên vẫn nhớ rất rõ theo Khoản 2 điều 2 Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam quy định: Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam. Ông Ruân: Nhiều thành phần thế mà cháu trai tôi chưa thuộc thành phần nào hay sao? Nam: Dạ, cháu đang cố gắng rèn luyện. Trở thành chiến sĩ Cảnh sát biển là mơ ước và là mục tiêu hiện giờ của cháu đấy bác. Ông Ruân: Thì cứ cố gắng rèn luyện, sớm muộn rồi cũng vào biên chế thôi. Nam: Việc đó thực sự cháu không dám nói trước nhưng cháu sẽ cố gắng hết sức mình. Ông Ruân: Bác còn muốn hỏi rất nhiều về Cảnh sát biển nữa để mai mốt mấy ông bạn hỏi bác còn biết đường mà chém...à không mà nói chứ. Nam: Bác ơi, thực sự hiểu biết của cháu vẫn còn hạn chế! Nhưng cháu hứa sẽ tìm hiểu thật kĩ và chính xác để lần khác sẽ giải đáp cho bác ạ. Ông Ruân: Thôi được rồi, mày mới về cần nghỉ ngơi nên bác tạm tha đấy. Nam thở phào, cười vui vẻ. Bữa cơm thân mật chào đón Nam trở về diễn ra. Nam thấy vui và ấm áp vô cùng, lâu lắm rồi cậu mới được ở bên những người thân yêu như vậy. Những lời nói của mẹ, những tiếng cười vui của bà con họ hàng, ánh mắt trìu mến của Hương – cô bạn gái xinh xắn và cả sự kì vọng của bác Ruân trưởng họ khiến cho Nam khắc sâu trong lòng. Nam tự thấy mình còn cần phải trau dồi, rèn luyện rất nhiều để có ngày xứng đáng đứng trong đội ngũ những người lính Cảnh sát biển Việt Nam và trở thành niềm tự hào của những người thân yêu. Chuyến về thăm nhà này thật đáng nhớ! Cảnh sát biển Việt Nam

Trang